Có nhiều cách đặt câu hỏi và có nhiều cách trả lời.
Có thứ câu hỏi dựa theo cảm tình chủ quan, có thứ câu hỏi dựa theo thứ tự lịch sử, có thứ câu hỏi dựa theo tầm quan trọng đạo lý. Xem ra câu hỏi dựa theo cảm tình dễ trả lời hơn cả, bởi vì tuỳ theo sở thích của mỗi người, vì thế xin miễn bình luận.
Trong một năm có rất nhiều lễ kính Đức Maria, nhưng những người mang tên thánh Maria sẽ chọn một ngày nào đó dựa trên lòng sùng kính đặc biệt của cá nhân hoặc của địa phương. Xin lấy một thí dụ: những người sống ở Tây Ban Nha sẽ mừng tên thánh Maria vào ngày 8 tháng 9 (lễ sinh nhật Đức Mẹ), trừ khi những ai mang tên là Maria Pilar thì mừng vào ngày 12 tháng 10 (lễ kính ngôi đền nổi tiếng ở thành phố Zaragoza).
Bên Pháp, những người mang tên thánh Maria mừng lễ bổn mạng ngày 15 tháng 8 (cũng là ngày bổn mạng của quốc gia nữa).
Bên Ý, người ta mừng vào ngày 12 tháng 9 (kính danh thánh Đức Mẹ) hoặc ngày 8 tháng 12 (lễ Đức Mẹ vô nhiễm).
Tôi biết có mấy nữ tu mừng ngày 21 tháng 11, lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ. Dĩ nhiên đối với đương sự, thì ngày lễ mà họ chọn làm bổn mạng được coi là quan trọng nhất.
Lịch phụng vụ cũng mang tính cách tương đối. Có thể là một lễ được mừng long trọng tại địa phương nhưng lại không quan trọng trong lịch phổ quát. Một thí dụ: lễ Đức Mẹ Lộ Đức hay Đức Mẹ Fatima sẽ được mừng trọng thể tại những thánh điện địa phương, nhưng trong lịch phổ quát thì chỉ là lễ nhớ.
Sau Công Đồng Vaticanô II, lịch phụng vụ cải tổ đã xếp các lễ thành bốn cấp: cấp một là Lễ trọng (Solemnitas: có nghĩa là trọng thể), cấp hai là lễ Kính (Festum: có nghĩa là lễ mừng), cấp ba là lễ nhớ (memoria), với hai cấp độ: lễ nhớ bắt buộc và lễ nhớ nhiệm ý.
Chúng ta thấy các lễ Đức Mẹ được phân phối trong tất cả bốn cấp ấy. Có 4 lễ trọng: Thiên Chúa Thánh Mẫu, Truyền Tin, Hồn Xác Lên Trời, Vô Nhiễm Nguyên Tội; 3 Lễ kính: Dâng Con vào Đền Thờ, Thăm Viếng, Sinh Nhật; 5 lễ nhớ bắt buộc: Mẫu Tâm, Nữ Vương Vũ Trụ, Đau Khổ, Mân Côi, Dâng Mình vào Đền Thờ; 4 lễ nhớ nhiệm ý: Lộ Đức, Fatima, Carmel, Cung Hiến Đền Thờ Đức Bà.
Tôi nghĩ là có thể được, nhưng dựa theo tiêu chuẩn nào thì lại là chuyện khác. Tôi xin lấy một thí dụ để so sánh.
Trong năm phụng vụ có hai lễ quan trọng nhất, đó là lễ Chúa Giáng Sinh và lễ Chúa Phục Sinh. Thử hỏi: lễ nào đứng ưu tiên? Chắc chắn là sẽ có hai ý kiến, và bên nào cũng có lý do của mình.
Xét về lịch sử thì lễ Phục Sinh có trước, vì đã được mừng ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo, còn lễ Giáng Sinh thì mới xuất hiện từ thế kỷ IV. Nhưng trên thực tế, vào lễ Giáng Sinh người ta đứng chật cứng nhà thờ, còn lễ Phục Sinh thì lơ thơ.
Ngoài ra một số giáo phụ Đông Phương cho rằng công cuộc cứu chuộc bắt đầu ngay từ mầu nhiệm Nhập Thể: Con Thiên Chúa đã kết hiệp với loài người, để nâng loài người lên làm con Thiên Chúa.
Ta cũng có thể nói như vậy về bốn lễ trọng của Đức Mẹ. Lễ Thiên Chúa Thánh Mẫu có thể coi như tước hiệu cao trọng nhất của Đức Maria, nhưng đồng thời cũng là lễ của Chúa Giêsu, được mừng tám ngày sau lễ Chúa Giáng sinh. Còn lễ Truyền Tin thì được coi như là lễ của Chúa Giêsu hơn là lễ của Đức Maria, bởi vì là lễ mừng mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, thụ thai trong lòng Đức Maria, 9 tháng trước lễ Giáng Sinh.
Tuỳ theo cách nhìn. Ngày nay nhiều người móc nối hai lễ này với hai tín điều liên quan đến bản thân Đức Maria.
Tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được Đức Piô IX công bố ngày 8/12 năm 1854. Tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời được Đức Piô XII công bố ngày 1/11/ 1950. Như vậy lễ phụng vụ là một hình thức tuyên xưng và cử hành đức tin. Tuy nhiên ta có thể nhìn hai lễ này dưới một phương diện khác, liên quan đến cuộc đời dương thế của Đức Maria.
Lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội kính nhớ việc người được thụ thai trong lòng mẹ, nghĩa là bắt đầu cuộc sống con người. Còn lễ Hồn Xác Lên Trời kính nhớ việc kết thúc cuộc sống trần thế. Do đó, hai lễ này đánh dấu lúc bắt đầu và lúc kết liễu cuộc sống trần gian.
Tuỳ theo cái nhìn của mỗi người. Ngày nay, nhiều nơi có thói tục mừng ngày sinh nhật, tiếng Anh gọi là birthday. Còn ngày qua đời thì không ai mừng mà chỉ khóc thôi. Tuy nhiên ta thấy truyền thống Kitô Giáo thì khác: lịch phụng vụ mừng các thánh vào ngày họ qua đời, và được gọi là sinh nhật (dies natalis), nghĩa là ngày sinh vào cuộc sống vĩnh cửu.
Nên biết là phụng vụ chỉ mừng lễ chào đời của ba vị mà thôi: Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Gioan Tiền Hô; còn những vị thánh khác thì được mừng vào ngày qua đời. Đây không phải là ngày buồn thảm nhưng là ngày hoan hỉ, bởi vì đương sự đã chấm dứt cuộc lữ hành, và bây giờ họ được hưởng hạnh phúc bên Chúa.
Câu kết luận tùy theo tiêu chuẩn thần học, cũng như lúc nãy khi so sánh giữa lễ Chúa Giáng sinh và lễ Phục Sinh. Tuy nhiên, tôi nghĩ còn một cách thứ ba để bàn về các lễ của Đức Mẹ, đó là xét theo thứ tự thời gian ra đời.
Ở đây chúng ta chỉ nói đến các lễ dành riêng cho Đức Mẹ mà thôi chứ không nói đến các lễ của Chúa Giêsu kèm theo Đức Mẹ, chẳng hạn như lễ Truyền Tin và lễ Giáng Sinh.
Theo các sử gia, thì lễ cổ xưa nhất kính Đức Mẹ là ngày 15 tháng 8, được cử hành tại Giêruralem từ cuối thế kỷ V, tại nhà thờ được cất lên ở trên mộ của người. Bên các giáo hội Đông Phương, lễ 15/8 được gọi là lễ Đức Mẹ An Giấc (Dormitio).
Một thế kỷ sau, nghĩa là vào cuối thế kỷ VI, cũng tại Giêsuralem, một ngôi thánh đường được cất bên cạnh bờ giếng Betsaida, nơi mà một người bất toại được chữa lành (theo Tin Mừng Thánh Gioan chương 5), và tại đây người ta mừng lễ sinh nhật Đức Mẹ vào ngày 8/9.
Cũng vào thời kỳ này, một ngôi nhà thờ khác được cất bên cạnh đền thờ và nhân dịp lễ cung hiến vào ngày 20/11/543, người ta cử hành lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ.
Dần dần, ba lễ nữa được thêm vào, đó là lễ chúc mừng Đức Mẹ (ngày 26/12, tiếp theo lễ Chúa Giáng Sinh), lễ Truyền Tin (9 tháng trước lễ Giáng Sinh), và lễ dâng Chúa vào đền thờ (2/2): ba lễ này liên quan đến mầu nhiệm Nhập Thể.
Theo các sử gia thì phải kết luận như vậy. Tuy nhiên, tại Rôma cũng đã có một lễ kính Đức Mẹ từ thế kỷ V, đó là nhân dịp lễ cung hiến đền thờ kính Đức Mẹ được cất một năm sau khi bế mạc Công Đồng Ephêsô (năm 431). Tại đây người ta mừng lễ Đức Mẹ sinh con vào ngày 1 tháng Giêng (bát nhật lễ giáng sinh).
Phải đơị đến cuối thế kỷ VII, dưới thời ĐGH Sergio I (687-701) thì mới du nhập 4 lễ của Đông Phương, đó là các lễ Dâng Con (2/2), Truyền Tin (25/3), An Giấc (15/8) và Sinh Nhật (8/9).
Cho đến thế kỷ XIV, phụng vụ Rôma chỉ có 5 lễ kính Đức Mẹ mà thôi, nhưng từ đó đến nay con số tăng lên dần, trong lịch phổ quát cũng như trong lịch địa phương, gắn liền với nhiều động lực khác nhau.
Năm 1389, Đức Urbanô VI lập lễ Đức Mẹ Thăm Viếng vào ngày 2/7 (ngày nay chuyển lên ngày 31 tháng 5 cho hợp lý, bởi vì lễ Thăm Viếng phải được đặt trước lễ sinh nhật Thánh Gioan tiền hô ngày 24/6).
Năm 1440, ĐGH Sixtô IV thiết lập lễ Đức Mẹ được Thụ Thai (nguồn gốc lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội) mừng vào ngày 8/12.
Từ năm 1568, lễ cung hiến nhà thờ Đức Bà Cả được mừng vào ngày 5/8 dưới thời Đức Piô V, vị giáo hoàng được an táng trong thánh đường này. Đức Piô V cũng là người thiết lập lễ Mân Côi, nhưng phải chờ đến năm 1716 mới được mở rộng ra toàn Giáo Hội.
Thế kỷ XVII được đánh dấu với hai lễ: kính Danh Đức Maria và Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi.
Thế kỷ XVIII thêm lễ kính Đức Mẹ sầu bi (năm 1727).
Thế kỷ XX thêm nhiều lễ hơn hết: lễ Đức Mẹ Lộ-đức (1907), Thiên Chúa Thánh Mẫu (năm 1931, kỷ niệm 1500 năm Công Đồng Ephêsô, được mừng vào ngày 11 tháng 10, sau Công Đồng Vatican được dời lên ngày 1/1), lễ kính Mẫu Tâm (năm 1943), lễ Đức Maria Nữ Vương (năm 1954, kỷ niệm 100 năm tuyên bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội). Sau cùng là lễ Đức Mẹ Fatima dưới thời Đức Gioan Phaolô II.
Nhìn lại các lễ kính Đức Mẹ nói chung, chúng ta thấy có ba lý do chính: thứ nhất, kính nhớ các chân lý đức tin Kitô Giáo (những lễ này được mừng ở cấp lễ trọng); thứ hai, kính nhớ những biến cố cứu độ trong cuộc đời Đức Maria (những lễ này được mừng ở cấp lễ kính). Phần còn lại là những lễ do lòng đạo đức bình dân, không dựa trên một biến cố của lịch sử cứu độ, nhưng nảy lên do một tước hiệu mang tính thần học hoặc gắn liền với một lòng sùng kính riêng tư (chẳng hạn kinh Mân Côi, áo Đức Bà, những nơi Đức Mẹ hiện ra.
Không riêng gì ở Việt Nam mà nhiều bài ca của phụng vụ trong toàn Giáo Hội cũng tặng cho Đức Mẹ tước hiệu “ngôi sao”, chẳng hạn như trong Kinh cầu có câu “Đức Bà như sao mai sáng”, và nhất là thánh thi kinh chiều lễ Đức Mẹ “Kính chào Mẹ là sao Bắc Đẩu”.
Thực ra trong nguyên bản la-tinh, đó là hai tước hiệu khác nhau: một bên là “sao mai” (stella matutina), nghĩa là ngôi sao lấp lánh trước khi mặt trời mọc (đối lại với “sao hôm”); bên kia là “sao biển” (stella maris). Mỗi tước hiệu có ý nghĩa khác nhau. Đó là những tước hiệu xuất hiện từ thời Trung Cổ. Vào thời hiện đại, một tước hiệu nữa được Đức Phaolô VI sử dụng là “ngôi sao của việc truyền giảng Tin Mừng” (stella evangelisationis), với một ý nghĩa khác.
Trước khi trả lời câu hỏi, thiết tưởng nên lưu ý một điều về ngôn ngữ. Khi gọi Đức Mẹ là ngôi sao, thì biểu tượng này cần hiểu theo ngôn ngữ bình dân chứ không theo nghĩa bác học.
Theo ngôn ngữ bình dân, ngôi sao là một chấm sáng lấp lánh trên bầu trời, và nhỏ hơn mặt trời và mặt trăng. Trên thực tế, ta biết có những ngôi sao lớn hơn mặt trời cả chục lần, nhưng đó là ngôn ngữ bác học.
Trong Kinh Thánh, ngôi sao là biểu tượng của nhiều điều, hoặc tốt hoặc xấu. Biểu tượng xấu hơn cả là đạo thờ các tinh tú, bao gồm tục chiêm tinh bói toán. Đây là một điều mà các ngôn sứ cực lực bài trừ. Biểu tượng tốt của ngôi sao là nó mang lại ánh sáng trên bầu trời đen tối: dưới khía cạnh này, nó trở thành biểu tượng của đấng Mêsia, tức là vị cứu thế, như ta thấy trong lời sấm của ông Balaam ở sách Dân Số, chương 24 câu 17.
Từ đó mà có hạn từ “ngôi sao nhà Đavít”, nghĩa là đấng Mêsia sẽ xuất thân từ dòng dõi Đavít. Chính vì thế mà khi Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem, các đạo sĩ đã thấy mọc lên một ngôi sao như điềm báo, và rồi họ đã lên đường để bái phục Người (Mt 2,2). Theo sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông Đồ, Đức Kitô tự xưng là Sao Mai (2,28; 22,16). Dù sao ta đừng quên rằng Đức Kitô cũng còn được ví như là Mặt Trời công chính (xc Lc 1,78), chứ không chỉ là ngôi sao.
Có nhiều giả thuyết. Nếu Chúa Giêsu được ví như mặt trời, thì Đức Mẹ được ví như mặt trăng, theo nghĩa là mặt trăng nhận ánh sáng của mặt trời và êm dịu dễ nhìn ngắm.
Ngôi sao lấp lánh xem ra cũng muốn nói lên vai trò khiêm tốn của Đức Maria khi so sánh với mặt trời. Tuy nhiên một giả thuyết khác xem ra hợp lý hơn, đó là sự so sánh bắt nguồn từ việc giải thích danh tánh của Maria trong tiếng Do Thái có nghĩa là “ngôi sao”, dựa trên uy tín của Thánh Hiêrônimô (+420). Dù giả thuyết về lịch sử thế nào đi chăng nữa, từ thế kỷ IV, Đức Maria đã được các giáo phụ như Thánh Ephrem (+373) gọi là “sao”. Dần dần, người ta mới thêm các hạn từ “sao mai” hay “sao biển”.
Tước hiệu này được nhắc đến trong Kinh Cầu Đức Mẹ, có lẽ cảm hứng từ sách Diễm Ca chương 6 câu 10 ca ngợi vẻ đẹp rực rỡ của người tình: “Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt?”.
Tuy nhiên, khi áp dụng vào Đức Maria, các giáo phụ không dừng lại ở chỗ ca ngợi vẻ đẹp của “minh tinh” cho bằng nói đến vai trò của người trong lịch sử cứu độ.
“Sao mai” mọc lên trước rạng đông. Sau một đêm dài tối tăm, sao mai xuất hiện báo hiệu đêm sắp tàn, và mặt trời sắp mọc mở đầu cho một ngày mới. Đức Maria được ví như sao mai bởi vì người chuẩn bị cho Chúa Cứu thế giáng trần. Điều này được đề cao trong phụng vụ lễ kính sinh nhựt Đức Mẹ (ngày 8 tháng 9). Ngày nay, nhiều người muốn giải thích theo nghĩa khác. Cũng như sao mai dẫn tới mặt trời thế nào, thì Mẹ Maria cũng dẫn ta đến với Chúa Giêsu như vậy. Người trỏ cho chúng ta hướng về Chúa Giêsu, mặt trời công chính, và giục chúng ta hãy tìm đến nguồn sáng và nguồn sống.
Sao mai và sao biển khác nhau chứ. Bài ca cổ điển ở Việt Nam gọi Đức Mẹ là “sao sáng” theo nghĩa là sao biển chứ không phải là sao mai: “Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế gian, Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối con cho thẳng về nơi phúc nhàn”.
Sự khác biệt giữa sao mai và sao biển có thể giải thích như thế này. Sao mai thì ở đâu cũng thấy được, dù là ở đồng ruộng hay núi cao. Sao mai báo hiệu mặt trời sắp mọc. Còn sao biển thì áp dụng riêng cho người ở miền biển, cách riêng là những người thủy thủ. Ngôi sao mang tính cách định hướng.
Trong phụng vụ, tước hiệu “Sao biển” được áp dụng cho Đức Maria trong thánh thi nổi danh “Ave maris stella”, hát ở kinh chiều thứ hai các lễ kính Đức Mẹ. Trước đây thánh thi được gán cho Thánh Bênađô (+1153), nhưng ngày nay người ta tìm thấy những thủ bản viết vào thế kỷ IX, nghĩa là trước đó 3 thế kỷ; thậm chí còn có ý kiến gán cho Venantiô Fortunatô thế kỷ VII (+609).
Tuy nhiên, chính nơi các bài giảng của Thánh Bênađô mà ta thấy nhiều lời giải thích thấm thía về ý nghĩa của biệt hiệu “sao biển”, nổi tiếng nhất là bài giảng ca ngợi danh Maria như sau: “Thực là chính xác khi ví Đức Maria với ngôi sao: cũng như ngôi sao chiếu tỏa tia sáng mà không mất mát thiệt thòi gì, thì người trinh nữ cũng sinh Con mà không bị thương tổn gì... Đức Maria là ngôi sao rực rỡ và quý báu, được đặt ở trên biển rộng bao la; Người sáng rực vì công đức, lấp lánh vì gương lành. Khi bạn cảm thấy bị bão tố và làn sóng của thế gian lôi cuốn ra khỏi bờ đất liền, thì xin bạn đừng ngưng nhìn đến ánh sao này, nếu bạn không muốn bị chìm xuống dưới nước. Nếu sóng gió của cơn cám dỗ nổi lên, nếu bạn thấy mình vấp vào các tảng đá, thì bạn hãy nhìn lên ngôi sao, hãy kêu cầu Maria. Nếu bạn bị lung lay bởi cơn sóng kiêu ngạo, hám danh, lăng mạ, ghen tương, thì bạn hãy nhìn ngôi sao, hãy kêu cầu Maria. Nếu cơn giận dữ, tính tham lam, dâm dục ồ ạt làm lung lay chiếc thuyền của linh hồn bạn, thì bạn hãy ngước mắt về Maria. Nếu bạn khủng khiếp vì tội lỗi chồng chất, hổ thẹn vì lương tâm hoen ố, lo sợ vì sự phán xét công thẳng, nếu bạn thấy bị cuốn xoáy rơi xuống mồ của buồn sầu hoặc vực thẳm của thất vọng, thì bạn hãy nghĩ tới Maria. Lúc gặp hiểm nguy, âu lo, nghi nan, thì bạn hãy chạy tới Maria, hãy khẩn cầu Maria”.
Bài giảng này trở thành bất hủ với lời khuyên: “hãy trông nhìn ngôi sao, hãy kêu cầu Maria” (Respice stellam, invoca Mariam!). Thánh Bênađô sử dụng một kinh nghiệm của những thủy thủ đi biển. Cuộc đời ta ví như chuyến vượt biển. Thuyền đời bị sóng gió bão táp, dễ bị cuốn trôi và chìm đắm. Những cơn sóng đó tượng trưng cho tội lỗi, đam mê. Muốn vượt qua cơn nguy biến đó, ta hãy ngước nhìn lên Đức Maria và kêu cầu người giúp đỡ dẫn thuyền đến bờ bình yên. Ngôi sao là biểu tượng cho hy vọng tin tưởng, vì không sợ bị lạc hướng.
Nên biết là Thánh Bênađô không chỉ trình bày Đức Maria như là người mẹ sẵn sàng đến giúp đỡ những ai kêu cầu, nhưng người còn là mẫu gương chiếu soi nữa. Người chiếu tỏa sáng ngời bởi các nhân đức. Vì thế nhìn Đức Maria như ngôi sao sáng cũng có nghĩa là bắt chước các nhân đức của người.
Như đã nói trên đây, các tước hiệu “sao mai” và “sao biển” đã được lưu hành từ thời Trung Cổ và đã được du nhập vào các thánh thi và thánh ca. Còn tước hiệu “ngôi sao truyền giảng Tin Mừng” thì mới xuất hiện từ thời cận đại, và được chính thức xử dụng trong tông huấn “Loan truyền Tin Mừng” (Evangelii Nuntiandi) của Đức Phaolô VI (ban hành ngày 8/12/1975) ở số 82, nghĩa là kết luận văn kiện.
Văn kiện này đúc kết cuộc thảo luận của Thượng Hội Đồng Giám Mục bàn về việc rao giảng Tin Mừng họp một năm trước đó. Sau khi đã trình bày xác định ý nghĩa, mục tiêu của việc loan báo Tin Mừng, cũng như những phương tiện sử dụng và tinh thần truyền giáo, ĐTC kết thúc với việc giới thiệu Đức Maria như là “ngôi sao của công cuộc loan báo”.
Ta có thể hiểu tước hiệu này theo nhiều nghĩa.
Thứ nhất, như là mẫu gương của việc loan báo Tin Mừng. Đức Maria là người tiên khởi loan báo Tin Mừng, không phải theo nghĩa là đi khắp hang cùng ngõ hẻm để giảng thuyết, nhưng theo nghĩa là Mẹ đã mang Chúa Giêsu đến cho nhân loại. Thực vậy, loan báo Tin Mừng không chỉ có nghĩa là thông tin, nhưng là trao ban Chúa Giêsu. Việc trao ban này được thực hiện bằng chứng tá đời sống, nhất là bằng tình yêu.
Thứ đến, Đức Maria cũng là mẫu gương cho Hội Thánh trong chức vụ làm Mẹ: Hội Thánh cần phải sinh các linh hồn cho Chúa, nhờ lời giảng và các bí tích. Đây chính là mục tiêu tối hậu của việc loan báo Tin Mừng, tức là đem các linh hồn về với Chúa. Hội Thánh nhìn lên Mẹ Maria như mẫu gương, và đồng thời cũng xin Mẹ chuyển cầu cho sứ mạng của mình được sinh lại nhiều hoa trái.
Tôi không rõ tác giả của bài “như một vầng trăng” lấy cảm hứng từ đâu. Còn có một bài thánh ca khác lưu hành từ 30 năm nay “Kìa bà nào đang tiến lên như rạng đông, đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời”.
Thực ra câu này là tiền xướng của bài Magnificat mà các hội viên Legio Mariae đọc hằng ngày, trích từ Diễm Ca 6,10. Ngoài ra, nhiều bức hoạ vẽ Đức Maria với một vầng trăng ở dưới chân. Dĩ nhiên, chủ đề này có một nguồn cảm hứng khác, trích từ sách Khải Huyền. Dù sao, chắc chị đã biết: mặt trăng là một đề tài của nhiều thi sĩ, nhiều điển tích bình dân, cũng như trong nhiều tôn giáo. Thí dụ mặt trăng là biểu hiệu của Hồi Giáo cũng tựa như thập giá là biểu hiệu của Kitô Giáo.
Các học giả đã bàn khá nhiều tới các ý nghĩa biểu tượng của mặt trăng. Trước tiên, nó là biểu tượng của phụ nữ. Trong các ngôn ngữ Âu Châu (thí dụ Hy- lạp, La Tinh, Pháp...), các danh từ gồm có giống đực và giống cái. Mặt trăng thuộc về giống cái và mặt trời thuộc về giống đực. Tuy rằng văn phạm tiếng Việt không có sự phân biệt đó, nhưng chúng ta vẫn gắn mặt trăng với phụ nữ: chị Hằng, bà Nguyệt, đối lại với ông mặt trời. Tại sao vậy? Có lẽ mặt trăng tượng trưng cho nhiều đức tính của phụ nữ, đặc biệt là tính hiền dịu: ta không cần phải đội nón che ô khi gặp ánh trăng; thậm chí ta còn có thể ngắm trăng nữa, một điều mà chúng ta không dám làm khi gặp mặt trời. (Riêng các phụ nữ thì họ còn được gắn liền với mặt trăng qua vòng kinh nguyệt!).
Sự hiền dịu của mặt trăng kèm theo sự bẽn lẽn, nũng nịu, khi ẩn khi hiện sau đám mây, khi tròn khi méo. Thần thoại Hy Lạp nói tới mặt trăng liền với mặt trời: Selene với Elio. Thời kỳ trăng khuyết thì được cắt nghĩa là nàng đi ăn nằm giao hợp với mặt trời, rồi sau đó đẻ con, nghĩa là ánh sáng rực rỡ của đêm rằm. Sau đó trăng kiệt lực tàn tạ, lại phải trở về lấy sinh lực. Nói theo kiểu khoa học đời nay, thì trăng ví như pin; chạy một hồi hết năng lực thì phải đi “sạc” để có thể sáng tiếp.
Ngoài những thần thoại giải thích các hiện tượng thiên văn, chúng ta cần phải nhắc tới các tôn giáo thờ mặt trăng, chẳng hạn bên Ai Cập, thì người ta thờ thần mặt trăng Isidis, vợ của Osiris.
Chúng ta thấy Kinh Thánh nói tới mặt trăng dưới nhiều khía cạnh.
Tiên vàn các ngôn sứ trong Cựu Ước đã cực lực bài trừ những phong tục tôn thờ mặt trăng, thí dụ như đoạn sách Đệ-nhị-luật 4,19; 17,3-5; 2 Vua 23,5. Đối lại, các tác giả nhấn mạnh rằng mặt trăng chỉ là một tinh tú được Chúa dựng nên, để phân định thời gian.
Điều này không những đã được khẳng định ở đầu sách Sáng Thế mà còn được lặp lại trong nhiều thánh vịnh, thí dụ: Tv 104, 19: “Chúa đặt vầng trăng để đo thời tiết, dạy mặt trời biết lặn đúng thời gian”. Tv 136,7- 9: “Chúa đã làm những đèn trời to lớn: cho thái dương điều khiển ban ngày.. đặt trăng sao hướng dẫn ban đêm”. (xc.121,6).
Có lẽ vì sợ rơi vào việc thờ ngẫu tượng cho nên Cựu Ước rất ít khi dùng trăng làm biểu tượng. Chúng ta đọc trong sách Sáng Thế chương 37 câu 9, thuật lại giấc mơ của tổ phụ Giuse, trong đó ông thấy mặt trời mặt trăng và 11 ngôi sao thờ lạy mình. 11 ngôi sao là 11 người anh em; mặt trời mặt trăng ám chỉ cha mẹ. Mặt trăng tượng trưng cho bà mẹ.
Còn một đoạn văn nữa đã để lại âm hưởng trong văn chương Kitô Giáo giáo là đoạn sách Diễm Ca 6,10 mà tôi đã nói ở đầu: “kìa bà nào đang tiến lên như rạng đông, đẹp như mặt trăng”. Trăng là biểu hiệu của sự diễm lệ, tuy rằng nguyên bản Do Thái không nói tới “đẹp như trăng” mà là “sáng như trăng”, theo một sự so sánh tuần tự: từ khi còn lấp lánh lúc hừng đông, rồi sáng thêm tí nữa như trăng và sau cùng rạng rỡ như mặt trời chính ngọ (xc. Is 24,23; 30,26).
Đối với người Do Thái, thì nguy cơ thờ mặt trăng không còn nữa. Tuy nhiên trên bước đường truyền giáo cho dân ngoại, hình như Thánh Phaolô đã gặp những người tuy chưa đến nỗi thờ mặt trăng nhưng ít là cũng mê tín, kiêng cữ dựa theo sự vận chuyển của trăng sao. Ta có thể nhận ra vết tích của tục lệ đó khi đọc thư Galat 4,10 (“Sao mà anh em còn phải giữ ngày lành tháng tốt, mùa hung năm hên”) và Colosê 2,16: “Mong sao cho đừng có ai kết án anh em vì chuyện ăn uống, việc tuân giữ các lễ hội, các dịp trăng non trăng già, các ngày sabat”).
Dù sao Tân Ước không nói nhiều tới trăng. Có lẽ có một đoạn để lại ấn tượng sâu xa hơn cả trong nghệ thuật Kitô Giáo là hình ảnh của một phụ nữ khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên 12 ngôi sao, nói ở chương 12 của sách Khải Huyền.
Ý nghĩa của các biểu tượng này không được rõ cho lắm. Có nhà chú giải cho rằng nó chỉ là lối nói chịu ảnh hưởng của sách Diễm Ca 6,10. Có người lại cho rằng hình ảnh mặt trời và mặt trăng nhằm nói lên sự trường tồn vạn kỷ của việc Thiên Chúa trung tín với giao ước dành cho dân của Người, dựa theo Thánh Vịnh 89,37-38 (“trước mặt Ta, ngai báu Người bền vững tựa thái dương, muôn đời kiên cố như vầng nguyệt”).
Như vừa nói, tuy rằng có những hoạ sĩ đã áp dụng đoạn văn Khải Huyền cho Đức Maria khi hoạ người với mặt trăng ở dưới chân, nhưng đó không phải là ý tưởng nguyên sơ của sách Khải Huyền. Cần thêm rằng không những là Tân Ước đã không gắn biểu tượng mặt trăng cho Đức Maria, mà kể cả các giáo phụ cũng vậy.
Trong những thế kỷ đầu của Kitô Giáo, sau khi đã bài trừ tục lệ thờ mặt trăng, các giáo phụ bắt đầu sử dụng hình ảnh đó làm biểu tượng cho Hội Thánh. Khuynh hướng này được nổi bật ở trường phái Alexandria (Ai Cập) với Origène, và hai giáo phụ La Tinh Augustinô, Ambrôsiô.
Các vị đối chiếu Hội Thánh với Đức Kitô, tương tự như mặt trăng với mặt trời: Hội Thánh lệ thuộc vào Đức Kitô là mặt trời. Hội Thánh nhận lãnh ánh sáng từ mặt trời là Đức Kitô để phản chiếu xuống cho chúng ta qua lời giảng và các bí tích. Hơn thế nữa, mặt trăng không trơ trơ bất động, nhưng luôn luôn xê dịch: nó biểu lộ cho hôn thê khao khát muốn được gặp gỡ bạn mình.
Những đêm tối trời (mà thần thoại Hy Lạp cắt nghĩa là nàng trăng đi sạt điện) thì được Origène ví như nỗi mong chờ ngày quang lâm của Đức Kitô. Origène cũng áp dụng nhận xét về Hội Thánh vào đời sống thiêng liêng của mỗi linh hồn. Linh hồn nào cũng có lúc cảm thấy những đêm tối tăm, không có ánh sáng: đó là giai đoạn mà Thiên Chúa thử luyện thanh tẩy ta, ngõ hầu ta sẽ được sáng sủa rực rỡ hơn trong ngày sống lại với Đức Kitô.
Thánh Ambrôsiô và Augustinô thích dùng chu kỳ của mặt trăng để nói tới những gian truân thử thách của linh hồn. Các đấng coi đó như cơ hội để các Kitô Hữu tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Như Đức Kitô đã có lúc chết và an táng trong mồ trước khi Phục Sinh thế nào, thì các tín hữu cũng hãy chấp nhận tàn khuyết, chết cho tội lỗi và ích kỷ, an táng trong mồ, ngõ hầu mai ngày sẽ chỗi dậy rực rỡ như trăng rằm.
Các giáo phụ ít khi nói tới Đức Maria như mặt trăng. Cách riêng, các giáo phụ hiểu người phụ nữ đạp mặt trăng theo sách Khải Huyền là chính Hội Thánh, đang đau đớn trong việc sinh ra Đức Kitô trong thế giới.
Khi muốn nói tới Đức Maria như người phụ nữ tiêu biểu, thì các giáo phụ áp dụng đoạn văn ở đầu sách Sáng Thế (Đức Maria như bà Eva mới), chứ không nại tới sách Khải Huyền.
Sang tới thời Trung Cổ, người ta mới thấy khuynh hướng ví Đức Maria như mặt trăng. Những gì mà các giáo phụ đã nói về Hội Thánh thì dần dần được các nhà thần học Trung Cổ chuyển sang cho Đức Maria, thí dụ Thiếu Nữ Sion, Thành Giêrusalem, phụ nữ đạp dập đầu con rắn.
Tuy nhiên để tránh hiểu lầm chúng ta nên lưu ý một chi tiết sau đây, đó là nhiều tác giả hay hoạ sĩ không ví Đức Maria như mặt trăng, mà là họ đặt Đức Maria đứng ở trên mặt trăng, (đạp mặt trăng). Mặt trăng tượng trưng cho các bè rồi, hay các tội lỗi nói chung. Đức Mẹ với mặt trăng ở dưới chân tượng trưng tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Còn sự ví Đức Mẹ như mặt trăng, ngoài ý nghĩa mỹ lệ của sách Diễm Ca, ta thấy có một ý nghĩa được Thánh Louis Marie Grignon de Montfort trình bày trong sách “Thành thực sùng kính Đức Mẹ Maria” (số 85). Tác giả viết như sau:
“Đức Maria không phải là mặt trời làm lóe mắt, nhưng là trăng thanh mỹ miều và êm dịu. Người thu nhận ánh sáng từ mặt trời Thiên Chúa và, thích nghi với những khả năng của ta”.
Hình ảnh mặt trăng được đối chiếu với mặt trời. Mặt trăng tự nó chẳng có ánh sáng, nhưng thu nhận ánh sáng từ mặt trời để soi chiếu xuống dương gian. Ánh sáng của trăng mát dịu. Hình ảnh này được dùng để nói tới vai trò trung gian của Đức Maria: qua Mẹ để đến cùng Chúa Giêsu. Dù sao trong tác phẩm này, tác giả chỉ một lần ví Đức Maria với mặt trăng.
Một hình ảnh cổ điển được tác giả sử dụng nhiều hơn, đó là ngôi sao: hoặc là “sao mai” báo trước mặt trời sắp ló dạng; hay là “sao biển” giúp cho người thủy thủ định hướng đi về tới bến (xem các số 55. 199. 209: Maris stella. S. Bernardus, Hom. 2 super Missus est, n.17: PL 183,700).
Tuy vậy, tác giả cũng dùng hình ảnh mặt trăng theo một nghĩa xấu áp dụng cho những người thiếu kiên trì trong các việc đạo đức. Ở số 101, tác giả viết: “Có những linh hồn khi thì sốt sắng khi thì nguội lạnh; lúc thì sẵn sàng làm hết mọi việc đạo đức, lúc thì chẳng làm gì hết. Họ ghi danh làm hội viên các hiệp hội mà chẳng tuân giữ thủ bản của các hội đó. Họ thay đổi như mặt trăng; và vì thế Đức Maria đặt họ dưới chân, bởi vì họ không xứng đáng làm tôi trung của Mẹ”.
Từ đó thánh nhân kết luận: vì thế, thay vì đọc cho thật nhiều kinh kệ, thì tốt hơn ta hãy đọc ít nhưng mà với tình yêu mến và trung thành, không bỏ qua cho dù bị tấn công bởi thế gian, xác thịt, ma quỉ.
Trước khi trả lời câu hỏi, thiết tưởng cần ghi nhận vấn đề về dịch thuật. Trong tiếng Việt, tựa đề của lễ phụng vụ là “Đức Maria Nữ Vương”. Danh từ “Nữ Vương” xem ra không còn thông dụng trong ngôn ngữ hàng ngày. Trong tiếng La Tinh là Regina, dịch sang tiếng Pháp là Reine, và tiếng Anh là Queen. Tuỳ theo văn mạch mà danh từ này được dịch là Nữ Hoàng hay Hoàng Hậu: “Nữ hoàng” nếu thực quyền cai trị (tựa như Nữ Hoàng Elizabeth II bên Anh), “Hoàng hậu” nếu chỉ là phu nhân của vua.
Đức Maria không phải là hoàng hậu, bởi vì người không phải vợ vua. Đức Maria không phải là nữ hoàng, bởi vì người không nắm quyền cai trị.
Thực ra, đây không phải là vấn đề dịch thuật cho bằng vấn đề tư tưởng thần học. Trước đây, trong các kinh đọc, danh từ Regina còn được dịch là “Bà Chúa” (hay Chúa Bà) nữa, chứ không phải chỉ là Nữ Vương mà thôi!
Những từ ngữ này đã trở thành xa lạ đối với nhiều người hiện nay, bởi vì họ đã đi lên trong chế độ dân chủ xã hội, không còn biết đến cách tổ chức triều đình vua chúa nữa. Tuy nhiên, sự khó khăn không chỉ thuộc lãnh vực dịch thuật từ ngữ cho bằng ý nghĩa thần học. Như đã nói trên đây, từ ngữ Regina trong tiếng La Tinh (hay Reine tiếng Pháp, và Queen tiếng Anh) có thể được áp dụng cho một bà đang giữ quyền cai trị một nước, hay là một bà vợ của ông vua. Làm sao có thể áp dụng cho Đức Maria được?
Nên biết rằng phụng vụ và thần học sử dụng nhiều từ ngữ với nghĩa biểu tượng, chứ không theo nghĩa chính xác của vật lý hay toán học. Chẳng hạn như khi nói đến Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, chúng ta đừng hiểu rằng người được đưa lên không trung như nữ phi hành gia, và chúng ta có thể đáp máy bay (hay thuê hỏa tiễn) để đuổi theo. “Trời” không hiểu theo nghĩa vật lý không gian, nhưng là theo nghĩa biểu tượng, tức là chính Thiên Chúa. Như vậy, khi nói đến Đức Maria là Nữ Vương, chúng ta cũng cần hiểu theo nghĩa biểu tượng, chứ đừng giải thích theo nghĩa chính trị xã hội.
Vừa nghe đến nghĩa biểu tượng, thì ta có cảm tưởng đang bàn luận về triết học trừu tượng, nhưng thực ra tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta hãy cố gắng gạt bỏ một vài lối hình dung phàm tục, và cố gắng khám phá ý nghĩa thần học của nó.
Thực vậy, chúng ta không thể nào hiểu Đức Maria là nữ hoàng, theo nghĩa là cai quản vũ trụ, bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới là Chủ Tể của vũ trụ mà thôi. Đức Maria cũng không phải là hoàng hậu, bởi vì người không phải là bà vợ của ông vua nào hết. Tước hiệu Nữ Vương của Đức Maria chỉ có thể hiểu đúng nghĩa trong mối tương quan với Đức Kitô là Vua. Đức Maria không phải là vợ của Vua Kitô nhưng là thân mẫu của Vua, nghĩa là Thái Hậu.
Chúng ta đừng nên quên rằng lúc còn tại thế, Đức Giêsu đã nhiều lần bị hiểu lầm vì danh hiệu này. Nhiều người (kể cả các môn đệ nữa) trông mong Người sẽ tái thiết vương triều của Đavít, nghĩa là làm vua nước Israel, giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại xâm, mang lại thái bình an lạc cho toàn dân. Những tiếng đồn đó cũng đã đến tai nhà cầm quyền Rôma, khiến cho tổng trấn Philatô lo ngại, và muốn Đức Giêsu xác minh: “Ông có phải là vua không?”. Đây là cơ hội tốt để Đức Giêsu giải thích ý nghĩa chính xác về vương quyền của mình.
Người không phải là vua theo nghĩa chính trị; Người không đi tranh giành quyền thế với ai khác. Sứ mạng của Người là thiết lập vương quyền của Thiên Chúa, nghĩa là thiết lập chủ quyền của sự Thiện và sự Sống, trên sự Ác và sự Chết. Đức Kitô là vua theo nghĩa đó.
Đức Kitô lên ngôi vua, không phải qua cuộc đảo chính hay khởi nghĩa, nhưng là qua cái chết trên Thập Giá và cuộc Phục Sinh. Sự Phục Sinh đánh dấu cuộc chiến thắng tội lỗi và cái chết, không những cho riêng bản thân Đức Giêsu mà còn cho cả nhân loại nữa.
Đúng thế, nhưng cần phải bổ túc thêm nhiều điều nữa.
Thứ nhất, như vừa nói, do cuộc Tử Nạn và Phục Sinh, Đức Kitô lên làm vua, nghĩa là thống trị tội lỗi và cái chết: điều kiện này không chỉ dành riêng cho cá nhân của Người, mà còn cho tất cả nhân loại nữa. Nói khác đi, tất cả chúng ta đều được làm vua với Đức Kitô. Đó là điều mà Tân Ước nói đến nhiều lần khi nhắc nhở chúng ta về danh giá của người Kitô Hữu: họ là thành phần của một dân tộc tư tế, ngôn sứ, vương giả (xc. 1 Pr 2,9; Kh 1,6; 5,9; 20,4-6).
Tất cả chúng ta đều được tham dự vào vương quyền của Đức Kitô. Tuy nhiên, trong hàng ngũ các Kitô Hữu, Đức Maria được tham dự vương quyền một cách độc đáo, bởi vì Người đã thực sự được chia sẻ vào cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết, đang khi chúng ta còn phải vất cả chiến đấu với các thực trạng đó.
Chắc rồi. Tất cả chúng ta đều thông dự vào vương quyền của Đức Kitô, nhờ bí tích thánh tẩy. Còn Đức Maria thông dự vào vương quyền của Đức Kitô qua cách thức khác. Người đã cộng tác với Đức Kitô trong công cuộc cứu chuộc nhân loại, kể từ khi chấp nhận làm Mẹ đấng Mêsia cho đến cây thập giá. Vì thế nhiều giáo phụ không ngần ngại ví Đức Maria như bà Eva mới.
Thánh Phaolô ví Đức Kitô là ông Ađam mới: ông Ađam nguyên tổ nhân loại đã đưa nhân loại đến chỗ chết, còn Đức Kitô đã mở cửa sự sống cho nhân loại, trở thành nguyên tổ cho dòng dõi mới, cho nên đáng gọi là ông Ađam mới. Thế nhưng, khi đọc lại trình thuật về tội nguyên tổ, ta thấy rằng khi phạm tội, ông Ađam có sự đồng lõa của bà Eva; còn khi cứu chuộc nhân loại, Đức Kitô cũng có sự hợp tác của một phụ nữ là Đức Maria, vì thế người đáng được gọi là bà Eva mới.
Đúng vậy, duy có điều là bà Eva là vợ của ông Ađam, còn Đức Maria là mẹ chứ không phải là vợ của Đức Kitô. Nói cách khác, Đức Maria là thái hậu, chứ không phải là hoàng hậu.
Đây không chỉ là tước hiệu danh dự, nhưng còn nói lên chức phận nữa.
Trước hết, chúng ta đừng nên quên những lời Chúa Giêsu cảnh cáo các môn đệ. Họ mong cho Người sớm lên ngôi, để họ được phong làm quan đại thần. Đối lại, Người răn bảo họ rằng trong Nước Trời thì không phải như thế: kẻ lớn nhất thì phải trở nên người phục vụ, theo tấm gương của chính Người đã đến để phục vụ chứ không phải để phục vụ.
Khi tuyên xưng Đức Maria là nữ vương, Giáo Hội tin chắc rằng Mẹ không mong chiếm danh dự ngồi trên ngai cao để cho thiên hạ kính nể, nhưng ngay từ lúc Truyền Tin, Mẹ đã tự nhận là kẻ tôi tớ, phục vụ con em trong gia đình: phục vụ qua việc chuyển cầu cho họ trước toà Chúa, hoặc khuyên lơn an ủi con cái mình khi chúng gặp gian truân. Chức phận Thái Hậu tăng thêm lòng tin tưởng của các tín hữu vào sự chuyển cầu của Mẹ.
Trong Tân Ước, không có chỗ nào gọi Đức Maria là Nữ Vương. Các giáo phụ cũng ít khi dùng tước hiệu này.
Danh hiệu cổ điển nhất là Theotokos, Thánh Mẫu (Thiên Mẫu). Sang thời Trung Cổ thì việc sử dụng danh hiệu được phổ biến hơn, điển hình là các bài thánh ca Salve Regina (Lạy Nữ Vương), Ave Regina caelorum (Kính Lạy Bà, vị Nữ hoàng Thiên quốc) nay còn sử dụng vào cuối giờ Kinh Tối; hoặc các câu khẩn nguyện trong phần cuối của kinh cầu Đức Mẹ: Nữ Vương các thánh thiên thần, nữ vương các thánh tổ tông, vv.
Còn lễ phụng vụ thì mới hơn. Sau khi ĐTC Piô XI thiết lập lễ kính Chúa Giêsu là Vua (thông điệp Quas primas, năm 1925) thì nhiều phong trào yêu cầu thiết lập một lễ tương tự kính Đức Maria. Đáp lại thỉnh nguyện đó, vào ngày 11 tháng 10 năm 1954 (dịp bách chu niên tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội) ĐTC Piô XII đã quyết định cử hành lễ Đức Maria Nữ Vương vào ngày 31 tháng năm (cuối tháng dành kính Đức Mẹ).
Sau Công Đồng Vaticanô II, cuộc cải tổ lịch phụng vụ đã dành ngày 31 tháng 5 làm lễ Đức Mẹ thăm viếng (trước lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả, vào ngày 24 tháng 6), và dời lễ Đức Maria Nữ Vương vào 22 tháng 8, bát nhật lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời: giữa hai lễ này có sự nối kết tư tưởng, như chúng ta nhận thấy khi suy gẫm kinh Mân Côi, mầu nhiệm thứ bốn và thứ năm mùa Mừng.