Căn cứ của việc móc nối những sự kiện lịch sử tùy thuộc rất lớn vào quan điểm cá nhân. Cách đây 15 năm, khi đức thánh cha phong thánh cho các vị tử đạo Việt Nam vào ngày 19 tháng 6, có người đã vội móc với ngày Quân Lực của Việt Nam Cộng Hoà, một sự gán ghép hoàn toàn vô căn cứ.
Vào năm 2000, lễ phong thánh cho các Vị Tử Đạo Trung Hoa diễn ra ngày 1 tháng 10, trùng vào ngày Quốc Khánh của Trung quốc. Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay nói đúng hơn, do sự sơ sót của Văn Phòng Nghi Lễ Tòa Thánh. Khi ông George Bush, tổng thống Hoa Kỳ, quyết định tấn công Afganistan vào ngày 7 tháng 10, thì chắc là ông không chủ ý tôn vinh Đức Mẹ Mân Côi, bởi vì ông không phải là tín đồ Công Giáo, và ông cũng chẳng muốn nghe lời can ngăn của Đức Gioan Phaolô II khuyến cáo không nên sử dụng vũ lực để giải quyết nạn khủng bố.
Đức thánh cha rất sợ bùng nổ chiến tranh tôn giáo, không những bởi vì thấy trước những hậu quả tàn sát mà nạn cuồng tín sẽ gây ra, nhưng nhất là vì khi nào một tôn giáo cổ động chiến tranh thì mất đi ý nghĩa căn bản của nó rồi. Tôn giáo kêu gọi con người yêu thương nhau chứ không thúc đẩy chém giết nhau.
Trước tiên, chúng ta nên ôn lại lịch sử của nó, rồi sau đó mới xét tới những ý nghĩa của nó.
Lepantô là tên một hải cảng bên Hy Lạp (nay gọi là Nafpaktos, mạn Tây thủ đô Athène), nơi diễn ra cuộc thủy chiến giữa liên quân Thổ Nhĩ Kỳ (thời đó gọi là đế quốc Ottoman) và liên quân Kitô Giáo. Tuy nhiên, đừng vội nghĩ đến chiến tranh tôn giáo.
Sự thực là từ lâu, đế quốc Rôma bên Đông đã bị mất hết đất đai trước những cuộc tấn công của Hồi Giáo, với biến cố đau thương nhất là thủ đô Constantinopolis bị chiếm đóng ngày 29/5/1453. Tuy nhiên, vào thời này (nghĩa là giữa thế kỷ XV), mối liên hệ giữa đế quốc Rôma với Giáo Hội Công Giáo không còn chặt chẽ như hồi thế kỷ V nữa, đặc biệt là kể từ khi các Giáo Hội bên Đông Phương thuộc toà thượng phụ Constantinopolis đã đoạn giáo với toà Rôma.
Không những các tín đồ Công Giáo không thương tiếc việc Constantinopolis bị Hồi Giáo chiếm đóng, nhưng trước đó hai thế kỷ (vào năm 1204), đã có lần các binh sĩ Công Giáo thay vì lên đường giải phóng Đất Thánh lại quay sang cướp bóc Constantinopolis.
Tuy nhiên, từ năm 1522 trở đi, người Công Giáo bắt đầu lo lắng khi đạo quân Thổ Nhĩ Kỳ quay sang hướng Tây, và nhòm ngó các đảo Rhodes, Chypre, Malte nằm trong Địa Trung Hải, như bàn đạp để tiến xa hơn. Dù sao, về phía Công Giáo, chúng ta đừng quên rằng không có một đế quốc nào quy tụ tất cả các quốc gia mà chỉ có những quốc gia hoặc tiểu quốc (chẳng hạn như: Genova, Venezia nay thuộc nước Italia) độc lập. Cuộc Cải cách Tin Lành còn thu hẹp tầm ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo tại Âu Châu hơn nữa. Đó là bối cảnh của cuộc chiến Lepantô.
Từ năm 1570, đạo quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu phong tỏa Chypre, một đảo dưới sự quản trị của Venezia. Vì thế Venezia tính chuyện phòng thủ và kêu cầu hỗ trợ. Nhờ tài thương thuyết của Đức Piô V, một thỏa ước liên minh được ký kết tại Rôma vào ngày 25 tháng 5 năm 1571, gồm hải quân Tây Ban Nha, Venezia và hải quân Giáo Hoàng.
Sau đó họ tiến về Messina, dưới sự chỉ huy của Don Juan d’Austria (bào đệ của vua Philippê II của Tây Ban Nha), với lực lượng gồm 80 ngàn binh sĩ (50 ngàn thủy quân, 30 ngàn bộ binh), được trang bị với 6 tàu bự (galeazze) của Venezia, 208 tàu buồm (galera) (106 Venezia, 90 Tây Ban Nha, 12 Giáo Hoàng), 100 chiến thuyền (fregatas). Họ đến Corfu ngày 26 tháng 9, và sau cùng ngày 7 tháng 10 họ vào vịnh Lepantô.
Tại đây họ đương đầu với quân đội liên minh của Thổ Nhĩ Kỳ với 230 chiến thuyền, 34 ngàn binh sĩ, 13 ngàn thủy quân, 41 ngàn nô lệ chèo thuyền, đặt dưới sự chỉ huy của đaị đô đốc Ali Pacha.
Cuộc giao tranh diễn ra trong suốt ngày, với những hồi thắng bại nghiêng ngửa. Vào cuối ngày, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tháo lui khi đô đốc Ali Pacha tử trận. Những tổn thất về hai bên đều nặng nề. Thổ Nhĩ Kỳ mất 224 chiến thuyền (130 bị chiếm và 90 bị đắm), 30 ngàn binh sĩ tử trận, 8 ngàn bị bắt làm làm tù binh, 15 ngàn nô lệ Kitô Hữu được giải thóat. Về phía Kitô Hữu, 8 ngàn binh sĩ tử trận, 21 ngàn bị thương.
Nếu chỉ xét trận thủy chiến này mà thôi thì liên minh Kitô Giáo thắng (xin nhắc lại là liên minh gồm Tây Ban Nha, Venezia và Giáo Hoàng). Còn nếu xét toàn diện thì khó nói.
Theo vài sử gia, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thua theo nghĩa là họ bỏ chạy, chứ không bại trận. Họ rút lui để chấn chỉnh đội ngũ. Liên minh Kitô Giáo không truy kích để chiếm lại các đảo Chypre và Rhodes.
Sang thế kỷ sau, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ lại tung hoành ở Địa Trung Hải, và uy hiếp thành phố Vienne. Mãi đến thế kỷ XIX thì đế quốc Ottoman mới tan rã.
Tuy nhiên, có sử gia khác thì nhìn cuộc thắng trận dưới khía cạnh tâm lý chứ không phải trên bình diện quân sự: Trước đó, ai cũng khiếp tiếng hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, một đạo quân bách chiến bách thắng; kể từ trận Lepantô, huyền thoại đó đã bị sụp đổ, làm cản sức bành trướng của họ sang Tây Âu. Giả như liên minh Kitô Giáo thua ở Lepantô, có lẽ bản đồ nước Italia sớm muộn gì cũng sẽ bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng.
Như đã nói trên, chính ĐGH Piô V đã đứng ra tổ chức liên minh Kitô Hữu để chống lại lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt sức ép trước các đảo Chypre, Malta, và vùng Địa Trung Hải. Người lo sợ sự tiến công của đế quốc Ottoman sẽ xóa nhoà Kitô Giáo khỏi bản đồ thế giới.
Từ năm 1566, người hô hào các quốc gia Âu Châu hãy dẹp bỏ những hiềm khích nhỏ nhen và nghĩ đến đại hoạ này. Nhưng các vua chúa (tại Pháp, Đức, Anh, Hà lan) tiếp tục các cuộc nội chiến, tiếp theo các cuộc chia rẽ từ phong trào Cải Cách. Cuối cùng, người phải trực tiếp dấn thân, huy động một liên minh như đã nói trên.
Dù sao, người không tin tưởng vào thế lực quân sự cho bằng ở nơi lời cầu nguyện. Người ra lệnh tổ chức tại Rôma ba ngày rước kiệu và đền tội vào các ngày 28/5, 30/5 và 1/6 năm 1571. Chính người cũng hô hào các hồng y ăn chay mỗi tuần một ngày để xin Chúa giúp.
Vào ngày 7/10 (trùng vào ngày Chúa Nhật, lúc 5 giờ chiều), khi đang bàn luận với ông Bartolomeo Bussoti, thì người đứng dậy, đi vào nhà nguyện tạ ơn Chúa, vì đạo quân Kitô Giáo đã thắng trận. Sau này chính ông Bussoti đã ghi lại biên bản biến cố này và nhìn nhận đó là một phép lạ, bởi vì thời đó phương tiện thông tin không nhanh chóng như bây giờ.
Thực vậy, mãi đến đêm ngày 21 tháng 10, tin chiến thắng mới về tới Rôma. Đức Piô V tin rằng sự chiến thắng này là Chúa ban, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, cách riêng của kinh Mân Côi.
Câu chuyện này hơi dài giòng, và chỉ có thể nói vắn tắt như thế này.
Xét về nguồn gốc lịch sử của kinh Mân Côi, tuy các sử gia không nhất trí về người thành lập (Thánh Đaminh, đan sĩ Đaminh dòng Chartreux, Cha Alain de la Roche), nhưng điều chắc chắn là hội Mân Côi đã được chính thức thành lập tại thành phố Koeln bên Đức vào ngày 8 tháng 9 năm 1475 do Cha Michele Francois, một tu sĩ Đaminh, trước sự hiện diện của Hoàng Đế Federico III và Giám Mục Alessandro Nanni Malatesta, sứ thần Tòa Thánh.
Kể từ ngày đó, hội Mân Côi bành trướng nhanh chóng sang các miền Bỉ, Đức, Hà Lan, Italia, nhờ sự rao giảng của các cha Dòng Đaminh. Đức Piô V, nguyên là một tu sĩ Đaminh, khi lên ngôi giáo hoàng, đã ra sắc chiếu Consueverunt Romani Pontifices(ngày 17/9/1569) chính thức nhìn nhận và truyền bá kinh Mân Côi.
Vào ngày 7 tháng 10 năm 1571, các hội viên Mân côi tụ họp nhau cầu nguyện xin Đức Mẹ ban ơn thắng trận. Vì thế không lạ gì mà trong tông thư Salvatoris nostri, ngày 5/3/1572, khi công bố cho toàn thể Giáo Hội biết tin chiến thắng Lepantô, Đức Piô V nhìn nhận đó là hồng ân nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria.
Mười ngày sau, trong công hội hồng y ngày 17/3/1572, người ngỏ ý muốn thiết lập lễ tạ ơn Đức Mẹ vào ngày 7/10, dưới tước hiệu kính “Đức Maria thắng trận” (commemoratio sanctae Mariae de victoria). Tuy nhiên ước nguyện đó chưa thực hiện được thì người qua đời vào ngày 1/5. Phải chờ một năm sau, ngày 1/4/1573, lễ kính Đức Mẹ Mân Côi mới được vị kế nhiệm, Đức Grêgôriô XIII, thiết lập, và cho phép cử hành vào Chúa Nhật đầu tháng 10 tại những nhà thờ nào có thiết lập hội Mân Côi.
Sắc lệnh này có hiệu quả là thống nhất lễ kính Đức Mẹ Mân Côi mà trước đó các tín hữu mừng vào nhiều dịp khác nhau, chẳng hạn tại Rôma vào lễ Truyền Tin; tại Sicilia vào Chúa Nhật bát nhật Phục Sinh; tại Cataluna, vào Chúa Nhật II trong tháng 5.
Mãi tới ngày 3/10/1716 (gần 150 năm sau), Đức Clementê XI mới mở rộng lễ Mân Côi ra toàn thể Giáo Hội. Ngày nay lễ này được mừng vào ngày 7 tháng 10, chứ không phải vào Chúa Nhật đầu tháng 10. Dù sao, việc thiết lập lễ Mân Côi nhằm mục tiêu tạ ơn Chúa và cầu xin ơn che chở, chứ không phải để gây chiến.
Ngày nay, Đức Gioan Phaolô II khuyến khích đọc kinh Mân Côi để xin ơn hoà bình cho thế giới, hay nếu muốn, xin Chúa ban ơn tiêu diệt bệnh oán thù còn làm bá chủ con tim của nhiều người.
Như chị đã biết, lịch sử các năm thánh (hiểu như là năm Toàn Xá) không lâu đời cho lắm. Nó khởi sự từ năm 1300, và lúc đầu được tổ chức 100 năm 1 lần, sau đó (từ năm 1470) rút xuống 25 năm cho đến nay. Ngoài những Năm Thánh thường lệ, còn có những Năm Thánh ngoại thường. Đó là nói ở cấp Giáo Hội hoàn vũ, chứ ở cấp địa phương thì còn nhiều thứ Năm Toàn xá khác nữa, chẳng hạn như tại Tây Ban Nha, cứ độ chừng 6-7 năm thì có một năm Toàn xá Compostela, vào năm mà lễ Thánh Giacôbê trùng với ngày Chúa Nhật. Và thỉnh thoảng đây đó cũng được phép Tòa Thánh mở một năm Toàn Xá nhân dịp bách chu niên thành lập giáo phận, dòng tu, hay cung hiến thánh điện, vv.
Trong bối cảnh đó, có thể đã có nhiều năm Thánh Mẫu được mở ra ở vài địa phương, chẳng hạn như tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lavang (1998-99); còn trên cấp độ Giáo Hội hoàn vũ, thì nếu tôi không lầm, mới chỉ có hai lần, tuy không gọi là Năm Toàn Xá nhưng chỉ là “Năm Thánh Mẫu”, đó là năm 1954 và năm 1987.
Năm 1954 kỷ niệm 100 năm tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Vào ngày 8 tháng 9 năm 1953, ĐTC Piô XII ban hành thông điệp Fulgens corona, quyết định mở năm Thánh Mẫu, bắt đầu từ ngày 8 tháng 12 năm 1953 và kéo dài một năm. Một ủy ban trung ương được thành lập, nhằm cổ võ những sáng kiến trong toàn Giáo Hội và cách riêng tại Rôma, chẳng hạn như hội nghị thần học, các buổi cầu nguyện, hành hương.
Đức thánh cha chính thức khai mạc Năm Thánh Mẫu với một nghi thức tại Đền thờ Đức Bà Cả. Một Hội nghị về Thánh Mẫu học được triệu tập vào tháng 10 tại Rôma. Và có thể coi như một kết quả của Năm Thánh Mẫu là việc thiết lập lễ Đức Maria Nữ vương, được ấn định cử hành hàng năm vào ngày 31 tháng 5.
Với cuộc cải tổ phụng vụ sau Công Đồng Vaticanô II, lễ này được dời sang ngày 22 tháng 8, tám ngày sau lễ Đức Mẹ lên trời. Thiết tưởng cũng đừng nên quên rằng trong Năm Toàn Xá 1950 (ngày 1 tháng 11), chính Đức Piô XII tuyên bố tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời. Vì thế Năm Thánh Mẫu 1954 cũng là cơ hội để mừng hai tín điều về Đức Maria.
Có nhiều lý do, lý do nổi và lý do chìm. Lý do nổi được phát biểu trong các văn kiện chính thức. Còn lý do chìm là những động lực không nói ra, nhưng ai ở trong cuộc thì mới biết.
Ý định mở Năm Thánh Mẫu được Đức Gioan Phaolô II tuyên bố trong bài giảng Thánh Lễ đầu năm 1987 (lễ kính Mẹ Thiên Chúa). Năm Thánh Mẫu bắt đầu từ lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (7 tháng 6) năm 1987 và kéo dài cho đến lễ Đức Mẹ Lên Trời (15 tháng 8) năm 1988; như vậy là14 tháng.
Cũng như lần trước, một ủy ban trung ương được thành lập để cổ võ các cuộc học hỏi và các nghi thức kính Đức Mẹ. Ngày 25 tháng 3 năm 1987, đức thánh cha công bố thông điệp Redemptoris Mater, trong đó người mô tả vài lý do chính của việc thiết lập Năm Thánh Mẫu. Cuộc đời của Đức Maria được ví như một cuộc lữ hành đức tin, và trở thành khuôn mẫu cho toàn thể Hội Thánh lữ hành.
Hội Thánh nhìn ngắm Đức Maria như khuôn mẫu để chuẩn bị đón tiếp Chúa Cứu thế qua biến cố Năm Thánh 2000. Ngoài ra, năm 1988 cũng trùng với kỷ niệm 1000 năm dân tộc Nga đón nhận Tin Mừng. Năm Thánh Mẫu sẽ mang chiều kích đối thoại đại kết, hướng về các Giáo Hội Chính Thống.
Theo một số học giả, từ năm 1980 trở đi, nhiều nơi trên thế giới viết thư xin Đức thánh cha mở một Năm Thánh Mẫu để mừng 2000 năm sinh nhật Đức Mẹ. Năm 2000 kỷ niệm Chúa ra đời. Tục truyền cho rằng lúc ấy Đức Maria là một thiếu nữ khoảng 15-16 tuổi. Vì thế, năm 1984-85 có thể mở Năm Thánh kỷ niệm 2000 năm sinh nhật Đức Mẹ.
Tuy nhiên, năm 1984-85 trôi qua mà không thấy động đậy gì hết. Mãi đến năm 1987, Đức Thánh Cha mới quyết định mở Năm Thánh Mẫu. Việc kỷ niệm 2000 năm sinh nhựt Đức Maria được nhắc đến không theo cách tính niên lịch cho bằng theo tư tưởng thần học. Cũng như Đức Maria chuẩn bị cho Đức Kitô đến trần thế, thì Năm Thánh Mẫu 1988 cũng nhằm chuẩn bị cho việc cử hành Năm Thánh 2000.
Năm Thánh Mẫu 1954 đi tiếp theo Năm Toàn Xá 1950, trong đó Đức Piô XII tuyên bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Năm Thánh Mẫu 1988 thì chuẩn bị cho Năm Thánh 2000. Nhưng chúng ta đừng nên quên rằng 5 năm trước đó, một Năm Thánh ngoại lệ được mở để kỷ niệm 1950 năm Chúa Cứu Chuộc (từ 25 tháng 3 năm 1983 đến lễ Phục Sinh năm 1984). Hiểu như vậy thì Năm Thánh Mẫu 1988 đi sau Năm Toàn xá. Và một biến cố quan trọng của Năm Thánh là việc ký thác nhân loại cho Đức Maria vào ngày 25 tháng 3 năm 1984.
So với hai Năm Thánh Mẫu trước đây thì lần này đơn giản hơn nhiều. Đức thánh cha không loan báo trước để chuẩn bị, không có những nghi thức khai mạc và kết thúc, cũng chẳng có ủy ban trung ương tổ chức. Thực ra đức thánh cha không gọi là Năm Thánh Mẫu, nhưng chỉ là “Năm Mân Côi”, với mục tiêu mời gọi các tín hữu hãy cùng với Mẹ Maria học hỏi hơn về Chúa Kitô qua việc chiêm ngắm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu Thế.
Trọng tâm của năm này không phải là tổ chức những hội nghị thần học hay những cuộc hành hương, nhưng là những buổi cầu nguyện. Hiểu như vậy, thì có thể nói rằng không những chúng ta có một Năm Thánh Mẫu, nhưng mọi thời khắc, mỗi ngày mỗi tháng đều có thể mang màu sắc Thánh Mẫu, khi chúng ta kết hiệp với Đức Mẹ trong việc chiêm ngắm Chúa Cứu thế.
Tùy theo thói tục địa phương, có thể nhiều tháng hơn nữa. Tục lệ cổ điển nhất bắt nguồn từ Constantinopolis bên Đông Phương, khi họ dành tháng 8 để kính Đức Mẹ. Nói cho đúng, trọng tâm là lễ Đức Mẹ An Giấc ngày 15 tháng 8. Nhưng người ta dành ra 15 ngày trước để chuẩn bị với việc ăn chay và ca hát chúc tụng, và 15 ngày kế tiếp để tạ ơn.
Bên Tây Phương, thì tục lệ dành tháng 5 kính Đức Mẹ đã bắt đầu từ vài nơi bên Tây Ban Nha và Đức vào thế kỷ XIII, rồi lan rộng sang các miền khác tại châu Âu. Mãi đến thế kỷ XIX mới thực sự trở thành phổ quát khắp nơi.
Bên Âu Châu, tháng 5 là tháng nở hoa, vì thế cũng gọi là “tháng hoa”. Những lễ nghi kính Đức Mẹ có kèm theo việc dâng hoa, kết tràng hoa, múa hoa. vv Kế đến là tháng 10, gắn liền với mùa gặt. Tháng 10 được dành kính Đức Mẹ Mân Côi, bởi vì trong tháng này có lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, được Đức Piô V thiết lập năm 1573. Lúc đầu chỉ là một sáng kiến riêng tư, cách riêng tại các nhà thờ Dòng Đaminh; về sau việc thực hành được cổ động mạnh, nhất là từ Đức Lêô XIII.
Một cách tương tự như vậy, bởi vì ngày 15 tháng 9, phụng vụ kính Đức Mẹ Sầu Bi, cho nên từ thế kỷ XIX, một vài nơi do các cha Dòng Tôi tớ Đức Mẹ coi sóc cũng muốn dành suốt tháng 9 để suy gẫm bảy sự đau đớn Đức Mẹ.
Gần hơn, có người muốn dành tháng 8 kính Mẫu Tâm Đức Mẹ, bởi vì trước đây lễ kính Mẫu Tâm trong lịch phụng vụ là ngày 22 tháng 8. Tuy nhiên, xét vì phong trào này còn mới mẻ cho nên chưa được lan rộng; và nhất là từ sau Công Đồng Vaticanô II, lễ này được dời lên ngày thứ 7 tiếp theo lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, vì thế coi như là mất cơ sở.
Trong Cựu Ước, ngày thứ 7 là ngày quan trọng nhất trong tuần. Các tín hữu phải ngưng lao động, để đọc kinh thờ phượng Chúa. Đối với Kitô Giáo, thì ngày thứ 7 mất ý nghĩa, bởi vì ngày quan trọng nhất trong tuần là Chúa Nhật, tưởng niệm Chúa sống lại.
Tại sao lại dành ngày đó cho Đức Mẹ? Các sử gia không tìm được câu trả lời. Chỉ biết là từ thế kỷ VIII, sách Lễ đã dành thứ 7 kính Đức Mẹ (cũng như thứ 6 dành kính cuộc Tử Nạn của Chúa).
Sang thế kỷ XI, tục lệ đã được quảng bá khắp nơi. Các nhà thần học muốn xen vào vài động lực thần học, chẳng hạn như ngày thứ Bảy nằm ở giữa ngày thứ Sáu (tưởng niệm Chúa chịu chết) và ngày Chúa Nhật. Đức Maria là gương mẫu cho chúng ta về lòng can trường, không mất niềm tin và hy vọng trước thử thách, và chuẩn bị chúng ta đón mừng Chúa Phục Sinh qua việc tỉnh thức chờ đợi, và thanh tẩy tâm hồn. (Xưa nay, nhiều người đi xưng tội vào ngày thứ Bảy để chuẩn bị rước lễ ngày Chúa Nhật).
Nếu ai hỏi rằng trong suốt 20 thế kỷ lịch sử Hội Thánh, Đức Mẹ đã hiện ra bao nhiêu lần, thì có lẽ sẽ không tìm được câu trả lời, bởi vì thời xưa, người ta không quan tâm đến việc ghi chú các chi tiết để lưu lại cho hậu thế.
Có thể nói là sự phát triển lịch sử theo những tiêu chuẩn khoa học chỉ mới phát triển vào những thế kỷ gần đây, đòi hỏi phải có những chứng tích chắc chắn, chứ không dựa theo truyền khẩu. Vì thế những cuộc khảo sát lịch sử về những lần Đức Mẹ hiện ra mới trở thành đầu đề nghiên cứu trong thế kỷ XX, và các nhà sử học bắt tay vào việc theo dõi những lần Đức Mẹ hiện ra trong các thế kỷ gần đây, với các cuộc nghiên cứu của Cha Laurentin về hồ sơ Đức Mẹ Lộ Đức xuất bản tại Paris năm 1958, rồi đến lượt Rue du Bac ở Paris năm 1980.
Một tác phẩm khác cũng trở thành mốc điểm cho các cuộc nghiên cứu là cuốn sách của Cha Bernard Billet, Vraies et fausses apparitions (những lần hiện ra thực và giả), xuất bản tại Paris năm 1973. Cha đã ghi nhận rằng trong khoảng thời gian từ năm 1928 cho đến năm 1971 (nghĩa là trong 43 năm ở khoảng giữa thế kỷ), đã có 210 vụ Đức Mẹ hiện ra. Cha đã làm bản thống kê dựa theo thời gian và không gian.
Xét về điạ lý, thì đứng đầu là nước Italy (71 vụ), Pháp (27 vụ), Đức (19 vụ), Bỉ (17 vụ), Tây Ban Nha (9 vụ), Hoa Kỳ (8 vụ), Canada (6 vụ), Brasil, Ireland, Ba Lan, Thụy Sĩ (mỗi nước 4 vụ), Hà Lan và Tiệp Khắc (mỗi nước 3 vụ).
Xét về thời gian, thì những năm Đức Mẹ hiện ra nhiều nhất là các năm 1933 (14 vụ), 1947 (18 vụ), 1948 (20 vụ); nghĩa là đại khái vào những năm bắt đầu và kết thúc thế chiến thứ hai; một thời điểm cao độ nữa là vào năm 1954, Năm Thánh Mẫu kỷ niệm 100 năm tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, với 18 vụ.
Nên biết là vấn đề thực giả có thể xét dưới nhiều khía cạnh: lịch sử, y khoa, pháp lý, tâm lý, vv. Cha Billet chỉ chú ý đến khía cạnh thần học, nghĩa là có bao nhiêu vụ được giáo quyền nhìn nhận, và bao nhiêu lần bị giáo quyền phủ nhận.
Ngoài ra, giữa hai phán quyết: “nhìn nhận” hay “phủ nhận”, còn có một hạng thứ ba nữa, đó là “làm ngơ”. Thái độ làm ngơ thinh lặng này có thể được thúc đẩy bởi nhiều lý do: hoặc là chờ xem (theo lời khuyên của ông Gamaliel đã đề ra trong sách Tông Đồ Công Vụ, chương 5 câu 38: “nếu nó không phải là công việc của Chúa thì sớm muộn gì cũng xẹp xuống thôi”); hoặc là nếu thấy không có gì nguy hại đến phong hóa đức tin thì cứ để yên vậy.
Trong số 210 vụ Đức Mẹ hiện ra từ năm 1928 đến năm 1971, Giáo Hội chỉ chuẩn nhận có 4 vụ: thứ nhất Fatima, (tuy rằng sự kiện xảy ra từ năm 1917, nhưng mãi đến năm 1930 mới được chuẩn nhận); thứ hai là Beauraing bên nước Bỉ (Đức Mẹ hiện ra cho 5 thiếu nhi trong vòng 33 lần từ 29/11/1932 đến ngày 8/1/1933); thứ ba là Banneux, cũng bên Bỉ, Đức Mẹ hiện ra 9 lần cho Mariette Béco (từ 15/1 đến 2/3 năm 1933); cả hai lần hiện ra này được nhìn nhận ngày 22 tháng 8 năm 1949. Thứ bốn là Syracusa, tại Sicilia, một đảo ở Nam Italia. Lần này Đức Mẹ không hiện ra với ai hết, nhưng là tượng của Đức Mẹ chảy nước mắt, năm 1953.
Đang khi con số nhìn nhận chỉ có 4 vụ, thì con số phủ nhận cao hơn nhiều, bởi vì lên tới 37 vụ. Cuốn sách của Cha Billet kết thúc với năm 1971; nhưng từ đó đến nay, con số những lần Đức Mẹ hiện ra vẫn tiếp tục gia tăng, và những lần giáo quyền can thiệp cũng gia tăng, theo chiều hướng tích cực cũng như tiêu cực.
Phân khoa Thần Học ở Dayton (thuộc bang Ohio, Hoa Kỳ) chuyên về Thánh Mẫu Học liên tiếp cập nhật hồ sơ. Nhờ vậy, chúng ta được biết rằng trong suốt thế kỷ XX (nghĩa là tính từ năm 1900), đã có 386 vụ (bao gồm cả Bình Triệu ở Việt Nam năm 1975). Trong số này, 299 vụ giáo quyền không lên tiếng; 79 vụ đã bị phủ nhận. Số trường hợp được chuẩn nhận chỉ là 8 vụ. Ngoài 4 trường hợp đã kể trên đây (Fatima, Beauraing, Banneux, Syracusa), còn thêm Akita (Nhật Bản 1973), Zeitun (Ai Cập 1970), Betania (Venezuela) 1976, và Manila nhưng không chắc lắm. Tôi nghĩ là có thể thêm 2 vụ nữa: San Nicola (Argentina) 1990 và Ribeho (Ruanda) 1981.
Không, trong trường hợp nhìn nhận thực hư của một vụ Đức Mẹ hiện ra, thì thẩm quyền là đức giám mục địa phương. Nếu giám mục địa phương không đủ khả năng thì có thể nhờ đến Hội Đồng Giám Mục. Chỉ trong những trường hợp phức tạp thì Tòa Thánh mới can thiệp, và cụ thể là Bộ Giáo Lý Đức Tin.
Nhằm giúp cho các giám mục cơ sở để phân định, cơ quan này đã phát hành một tài liệu ngày 27 tháng 2 năm 1978 dưới tựa đề “Những quy chuẩn của Bộ Giáo Lý Đức Tin trong thủ tục phán quyết những vụ hiện ra hoặc mạc khải”. Văn kiện này dài chừng độ 3 trang A4. Khuôn khổ của bài này chỉ cho phép tôi lược tóm những điểm chính yếu mà thôi.
Mở đầu văn kiện, Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định trách nhiệm của giám mục giáo phận trong việc tiến hành cuộc điều tra, thường là nhờ đến một uỷ ban chuyên viên. Lý do là vì giám mục có trách nhiệm đến tất cả những gì liên quan đến việc phụng tự và tôn giáo trong địa phận của mình.
Tiếp đến, văn kiện nêu ra bốn quy tắc để biện phân.
1/ Quy tắc thứ nhất là phải xác định sự kiện đã xảy ra. Điều này quá rõ, bởi vì nếu không có sự kiện thì đâu còn cơ sở để phán quyết. Vì vậy, uỷ ban điều tra phải đi hỏi những người trong cuộc xem thực hư thế nào, qua việc thẩm vấn những người tự nhận là được Đức Mẹ hiện ra, hoặc các nhân chứng, cũng như khám xét trường sở thế nào.
2/ Quy tắc thứ hai liên quan đến những đức tính của người tự nhận là được Đức Mẹ hiện ra: họ có phải là những người tâm lý bình thường, đứng đắn, thành thực, vâng phục giáo quyền không?; có sẵn sàng trở về với sinh hoạt tôn giáo bình thường (như là tham gia các các buổi cầu nguyện chung với các tín hữu, lãnh nhận bí tích), chứ không chỉ bám sát vào những việc đạo đức mà mình muốn quảng bá.
3/ Quy tắc thứ ba liên quan đến nội dung của sứ điệp: sứ điệp cần phải phù hợp với thần học, không có gì trái nghịch với luân lý, không có gì sai lầm.
4/ Quy tắc thứ bốn là xét đến những hiệu quả thiêng liêng mang lại, chẳng hạn như việc cầu nguyện, sự hoán cải đời sống, sự tăng trưởng tình bác ái.
Có thể xem bốn quy tắc vừa rồi là những tiêu chuẩn tích cực; chúng có thể được phát biểu cách phủ định như thế này. Trước hết là sự kiện chẳng có gì lạ thường. Thứ hai là không có sự sai lầm gì gán cho Thiên Chúa hoặc cho Đức Mẹ hoặc cho vị thánh khác. Thứ ba là không có dấu hiệu gì trục lợi về tiền bạc chung quanh vụ hiện ra. Thứ tư những người được Đức Mẹ hiện ra không bị tai tiếng gì về tác phong, cũng như không mắc tâm bệnh hay khuynh hướng bệnh hoạn tâm lý.
Sau khi thẩm định các yếu tố và hoàn cảnh, uỷ ban sẽ đệ trình lên đức giám mục để thẩm định, qua một trong ba công thức sau đây.
Thứ nhất: constat de supernaturalitate (sự kiện tỏ ra dấu hiệu của một sự can thiệp từ trời).
Thứ hai: non constat de supernaturalitate (sự kiện không có dấu hiệu gì rõ rệt về sự lạ lùng, hoặc chưa đủ yếu tố để khẳng định là lạ lùng).
Thứ ba: constat de non supernaturalitate (sự kiện này không có dấu hiệu hiệu gì khác thường).
Hai công thức thứ hai và thứ ba tương đương với phán quyết phủ định. Tuy nhiên, uỷ ban cũng có thể tuyên bố là chưa nên đưa ra phán quyết, vì cần phải nghiên cứu thêm. Trong thời gian chờ đợi, đức giám mục có thể cho phép tổ chức những buổi cầu nguyện tại nơi tự nhận là Đức Mẹ hiện ra, tuy dù vẫn phải canh chừng đừng để cho những điều lệch lạc có thể du nhập vào.
Theo tôi nghĩ, việc điều tra không đơn giản đâu. Chúng ta hãy lấy vụ Fatima làm thí dụ. Đức Mẹ hiện ra với các thiếu nhi năm 1917, mà mãi đến 13 năm sau, giáo quyền mới chuẩn nhận.
Vào thời nay, có vụ Medjugorie. Những lần Đức Mẹ hiện ra bắt đầu từ năm 1981, nghĩa là đã hơn 30 năm rồi, mà giáo quyền chưa đưa ra phán quyết. Nói đúng ra, giáo quyền địa phương đã phán quyết theo nghĩa tiêu cực, nhưng có những phong trào đã phản đối phán quyết ấy lên Hội Đồng Giám Mục và lên đến tận Tòa Thánh.
Vào tháng 3 năm 2010 Tòa Thánh đã thiết lập một uỷ ban quốc tế để điều tra gồm bởi 12 thành viên (trong đó có 5 hồng y), do ĐHY Camillo Ruini làm chủ tịch. Nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thấy tuyên bố kết quả. Dầu sao đi nữa, thiết tưởng đừng bao giờ quên rằng các lần Đức Mẹ hiện ra không mang thêm một chân lý đức tin nào mới. Điều này cũng đúng cho cả sứ điệp Fatima.
Như ĐTC Gioan Phaolô II đã nhiều lần tuyên bố: Đức Mẹ Fatima nhắc nhở chúng ta hãy sống trọng tâm của Tin Mừng, đó là cải thiện đời sống và cầu nguyện. Cũng như tại Cana, Đức Mẹ không ngừng nhắc nhở chúng ta: “hãy làm điều Thầy dạy!” Chắc chắn rằng Đức Mẹ sẽ rất hài lòng nếu chúng ta thành tâm canh tân cuộc sống dựa theo Tin Mừng, hơn là thực hiện vài việc đạo đức hình thức.
Trước khi trả lời câu hỏi, tôi muốn biết người dâng mình đã dùng công thức nào. Thực vậy, trải qua lịch sử, không những đã có những bản kinh khác nhau để dâng mình cho Đức Mẹ, nhưng còn có những quan niệm khác nhau về việc dâng mình ấy.
Chắc chắn không có ai nói cụt lủn: “Mẹ ơi, hôm nay, con dâng mình con cho Mẹ. Chấm hết”. Nhưng trước đó, người ta thường viện dẫn lý do gì đưa tới việc dâng mình, nội dung bao hàm những điều cam kết gì, cũng như là kèm theo những điều dốc lòng cụ thể nào không.
Nhiều lắm. Chúng ta có thể lượt qua những mẫu chính.
Lúc đầu, vào khoảng cuối thế kỷ IV, chúng ta đã đọc thấy những bài giảng của các giáo phụ (tựa như Ambrôsiô và Grêgôriô Nissênô) khuyên các trinh nữ hãy nhìn ngắm Đức Maria như mẫu gương của sự tận hiến cho Thiên Chúa.
Sang đến thế kỷ VII, thì ta thấy Thánh Ilđêphonsô giám mục Tolêđô bên Tây-ban-nha dùng công thức “đầy tớ của nữ tì Thiên Chúa” trong một bản kinh hướng về Mẹ Maria. Theo thánh nhân, Đức Maria là mẫu gương của sự phục vụ Đức Kitô, vì vậy trở nên bà hoàng của những người nữ tì của Chúa. Bởi thế, Ilđêphonsô muốn đến làm đầy tớ của Mẹ, để học hỏi cách thức phục vụ Chúa Kitô. Sự làm đầy tớ Đức Maria hệ tại sự yêu mến, cao rao và vâng phục những mệnh lệnh của bà chủ.
Sang thế kỷ VIII, Thánh Gioan Damascênô dùng công thức “dâng hiến tinh thần, linh hồn, thể xác và toàn thân” cho Mẹ.
Dù sao, trong thời các giáo phụ, ta có thể nói được rằng việc dâng mình cho Đức Mẹ mang tính cách thiêng liêng, dựa trên ý thức vai trò của người trong đời sống thiêng liêng, xét vì người là tấm gương của sự tận hiến cho Chúa.
Qua thời Trung Cổ, thì hình ảnh thay đổi. Âu Châu thời đó sống dưới chế độ vương hầu phong kiến. Nhiều người đến xin làm thần dân của các lãnh chúa để nhờ họ bênh vực bàu chủ. Khuôn mẫu ấy cũng ảnh hưởng đến đời sống tôn giáo của thời đại nữa.
Tỉ dụ như nhiều dòng tu lấy hình thức đó để diễn tả việc khấn dòng, theo nghĩa là đan sĩ tới xin làm thần dân của tu viện, thề sống chết phục vụ cho tu viện, và đối lại mong được tu viện chở che. Ta có thể nhận thấy tâm trạng tương tự trong vấn đề dâng mình cho Đức Mẹ, tuy dưới những dạng khác nhau. Một dạng là “phó thác, gửi gắm”, tựa như những cha mẹ ký thác đứa con mình cho người nào đó để nhờ dạy dỗ coi sóc. Dựa theo gương Chúa Giêsu đã ký thác Gioan cho Đức Mẹ coi sóc, một số người cũng chạy đến ký thác mình cho Mẹ, nhờ Mẹ chỉ bảo cho biết đường nên lành nên thánh.
Một dạng khác là “xin làm tôi”, cũng như các thần dân đến xin làm tôi một lãnh chúa, nghĩa là thề hứa sẽ hiến thân phục vụ tuyệt đối, trung thành cho đến chết; và đối lại, mong được hưởng sự che chở.
Một dạng khác nữa là lễ nghi tuyên thệ của các hiệp sĩ hay nghĩa sĩ. Như ta đã biết, thời ấy có những thanh niên được tuyển mộ làm hiệp sĩ phục vụ lãnh chúa, cũng như có những chàng trai si tình muốn dâng cả con tim để đi phò tá các tiểu thư; một cách tương tự như vậy, có những tín hữu muốn trở thành hiệp sĩ đi phục vụ Đức Maria, trinh nữ kiều diễm, kiệt tác của Thiên Chúa.
Không hẳn như vậy; xem ra một số danh xưng khi gọi Đức Maria còn phảng phất thời đại ấy, thí dụ như: Đức Bà, Bà Chủ (Notre Dame, Nostra Signora, Domina). Dù sao thì trong thời cận đại, ta có thể ghi nhận bốn dạng chính về việc dâng mình cho Đức Mẹ như sau.
Thứ nhất, các hiệp hội Thánh Mẫu do các cha Dòng Tên lập từ thế kỷ XVI. Lúc đầu, công thức mà tân hội viên đọc khi gia nhận hội là “oblatio”, muốn thuộc trọn cho Đức Maria, nhìn nhận người như là “Bà Chúa”, trao phó bản thân cho người, hết mọi hành vi trong ngoài, hiện tại và tương lai.
Vào đầu thế kỷ này, năm 1910, chữ “oblatio” được đổi thành “consecratio” (dâng hiến); thế nhưng, sau Công Đồng Vaticano II, tiếng “consecratio” bị loại bởi vì thần học muốn dành tiếng này cho Thiên Chúa mà thôi; bởi thế, thay vì nói “tận hiến” cho Mẹ, thì người ta nói tới “tình con thảo đối với Trinh nữ Maria”, coi người như mẫu gương của sự hợp tác với sứ mạng của Đức Kitô; vì thế chúng ta muốn kết hiệp với người để sống sự dâng hiến toàn thân cho Thiên Chúa.
Dạng thứ hai của Thánh Gioan Eudes (thế kỷ XVII), trình bày sự dâng hiến như là giao ước. Khởi điểm từ bí tích rửa tội, nơi mà Thiên Chúa với con người ký kết giao ước, hai bên sẽ trao ban cho nhau (cách riêng con người trao hiến mình cho Thiên Chúa bằng việc khước từ ma quỷ và gắn bó với Đức Kitô); Thánh Gioan Eudes cũng coi việc dâng mình cho Đức Mẹ như là một giao ước, hay đôi khi còn gọi là hôn ước (nghĩa là khế ước hôn nhân), trong đó con người cũng trao hiến mình cách tương tự như vậy.
Dạng thứ ba của Thánh Louis Marie Grignon de Montfort, trình bày trong cuốn sách “Thành thực sùng kính Đức Maria” xuất bản năm 1843. Theo thánh nhân, sự tận hiến trọn hảo phải dành cho Đức Kitô qua những lời cam kết lúc lãnh nhận bí tích rửa tội. Thế nhưng những lời cam kết ấy cần được lặp lại nhiều lần, xét vì thường tình chúng ta dễ quên lãng vì thờ ơ. Sự dâng mình cho Đức Maria là một phương thức để lặp lại các lời cam kết đó: nhờ việc dâng mình cho Mẹ để sống đời tận hiến cho Đức Kitô cách hoàn hảo hơn.
Dạng thứ bốn, của Thánh Maximiliano Kolbe. người cũng dùng những từ ngữ “tôi tớ, con thảo” trong công thức dâng mình, nhưng đặc biệt nhấn mạnh đến tước hiệu Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, cũng như đến chiều kích tông đồ truyền giáo của việc dâng hiến, nghĩa là để cho Mẹ Vô Nhiễm khải thắng trên toàn thế giới.
Ngoài 4 dạng kể trên, chắc chắn còn nhiều dạng khác, tỉ như có nơi nhấn mạnh đến Mẫu Tâm Đức Maria và nhấn mạnh đến khía cạnh đền tạ, hoạ theo việc dâng mình cho Trái Tim Chúa Giêsu. Thêm vào đó, cũng phải kể đến việc dâng hiến một cộng đồng giáo xứ, giáo phận, quốc gia, thế giới cho Đức Mẹ, được thực hiện nhiều lần do Đức Gioan Phaolô II. Nên lưu ý là ĐTC dùng nhiều từ ngữ khác nhau: “ký thác, gửi gắm, trao phó, đặt trong tay, cam kết, dâng hiến...”, thường là dựa trên lời Chúa Giêsu ký thác môn đệ yêu dấu cho Đức Maria.
Tôi nghĩ có thể quan niệm như vậy. Tuy rằng tất cả chúng ta đều được kêu mời đến một mục tiêu chung là nên thánh, nhưng những phương thế để nên thánh thì rất nhiều và đa dạng, hay nói theo danh từ chuyên môn: có nhiều linh đạo khác nhau.
Tuy nhiên trong vấn đề dâng mình cho Đức Maria, thì tôi nghĩ rằng những dạng thức khác nhau nhiều lần phản ánh quan niệm thuộc các thời đại khác nhau về vai trò của người trong đời sống đạo của chúng ta. Thường thì các công thức dâng mình đều nói tới dâng trót mình, nghĩa là dâng hết tâm tình ước muốn, hành vi, chứ không phải chỉ dâng một phần nào của con người.
Thậm chí có những công thức tự đặt mình ngang hàng với nô lệ, tôi đòi, hoàn toàn dưới sự điều động sai khiến của bà chủ. Những tư tưởng ấy chắc không tránh khỏi ảnh hưởng văn hóa và thần học của một thời đại lịch sử.
Như trên đã nói, nhiều công thức hiến dâng ra đời vào hồi Trung Cổ, lấy khuôn mẫu từ xã hội lãnh chúa phong kiến ở Âu Châu. Mặt khác, một số công thức hiến dâng ra đời vào lúc mà ra như tất cả trung tâm của đời sống đạo đức là Đức Maria chứ không phải là Đức Kitô. Đức Kitô xem ra quá cao vời, ngự trên chín tầng mây, và chỉ xuất hiện trong ngày quang lâm như Thẩm phán công thẳng.
Từ Công Đồng Vaticano II, thần học đã muốn duyệt lại một số hình ảnh lệch lạc đó; chính vì vậy, mà như ta đã thấy trên đây, các Hiệp Hội Thánh Mẫu đã bỏ tiếng “thánh hiến” (consecratio) cho Đức Mẹ, và thay vào đó bằng từ ngữ “tình con thảo” đối với người.
Vì nhiều lý do. Trước hết, trên nguyên tắc, con người đã được Thiên Chúa ban cho khả năng tự do chọn lựa, quyết định, để theo Người hay chống lại Người. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng cho dù con người chống đối Thiên Chúa đi nữa, thì không vì thế mà nó trở thành độc lập, vô chủ. Con người luôn luôn là một thụ tạo, lệ thuộc vào Thiên Chúa.
Cách riêng, chúng ta, người tín hữu Kitô, chúng ta đã muốn thuộc về Chúa qua lời cam kết khi chịu phép rửa tội. Chúng ta không còn phải là đồ vô chủ nữa. Chúng ta đã hứa sẽ sống cho Chúa, sống theo mẫu gương của Đức Kitô, sống để phục vụ Chúa. Nói khác đi, chúng ta không còn thuộc về chúng ta hay thuộc về ai khác nữa, nhưng chúng ta đã thuộc trọn về Chúa, đã tận hiến cho Chúa rồi.
Chính vì vậy mà công thức “tận hiến cho Mẹ Maria” không chỉnh, không những tại vì chúng ta đã tận hiến cho Chúa rồi, nhưng còn vì lẽ duy có Thiên Chúa, Đấng Chủ tể vạn vật, mới có quyền chiếm hữu tất cả lý trí, ý chí, hành vi, đời sống của chúng ta mà thôi.
Hiểu như vậy, việc dâng mình cho Đức Maria mang một ý nghĩa khác. Việc dâng minh cho Đức Mẹ, theo như Thánh Louis Montfort nói, là dịp để ta nhắc nhớ lại những lời cam kết với Đức Kitô lúc rửa tội. Chúng ta nhìn lên người như mẫu gương của một tín hữu đã sống trọn vẹn cho Chúa Kitô, hay nói như các giáo phụ, mẫu gương của đời tận hiến cho Thiên Chúa.
Mặt khác, dựa vào lời ký thác của Đức Kitô trên thập giá, chúng ta muốn bắt chước Thánh Gioan rước Đức Maria về nhà mình, chia sẻ cuộc sống với mình, đặc biệt chia sẻ con đường theo Chúa Kitô trong việc phụng sự Thiên Chúa và tha nhân.
Đó là lý do vì sao Đức Gioan Phaolô 2 thích dùng những từ ngữ “gửi gắm, ký thác, trao phó, tiếp đón”: nó dựa trên đoạn văn Phúc Âm Thánh Gioan, và nó muốn nói lên tình nghĩa mẹ con thân thiết hơn.
Thực ra, chúng ta gọi áo Đức Bà thì không chỉnh, bởi vì nó không phải là cái áo, đừng kể khi chúng ta gọi bất cứ cái gì che ngực đều là “áo” hết, từ cái áo yếm cho tới cái áo giáp. Chúng ta thử lấy thí dụ của các tu sĩ dòng Đaminh để chứng tỏ cái sự lộn xộn đó: họ mang một cái áo dòng che phủ toàn thân (đúng là áo thật); kế đó có thêm hai vạt ở trước ngực và sau lưng (có người nhạo là câu đối), và họ gọi là áo phép hay áo Đức Bà.
Thực ra trong nguyên ngữ La Tinh, thì người ta không gọi hai câu đối là “áo” (habitus) nhưng là scapularium, nghĩa là cái gì phủ cái scapulae (vai, lưng).
Trong lịch sử các dòng tu, người ta đã thấy các đan sĩ mang scapularium ngay từ thời cổ rồi, thí dụ trong luật Thánh Biển Đức (chương 55): các đan sĩ khi làm việc thì khoác lên trên áo dòng cái scapularium, gồm có mảnh vải trước ngực và sau lưng. Để làm gì vậy? Có người nói rằng để khỏi làm bẩn chiếc áo dòng (tựa như người nấu bếp hoặc hầu bàn phải quàng cái tablier vậy); tuy nhiên, có tác giả thì cho rằng lý do không phải là để khỏi làm dơ áo dòng, nhưng mà vì cuốn áo dòng cho gọn, xét vì cái áo dòng quá thụng thịnh.
Dù sao thì vào thời đó, y phục của các đan sĩ không có chi là đặc biệt cả: họ ăn mặc như các nông dân tá điền khi đi làm việc; và vì thế khi trời lạnh thì họ khâu thêm cái mũ để che đầu tránh mưa gió.
Nhưng mà dần dần các nông dân đổi mốt thời trang, và chỉ còn các đan sĩ giữ lại y phục cổ truyền, thành áo dòng. Câu chuyện áo Đức Bà ra đời vào thời Trung Cổ: các Dòng thi nhau giới thiệu áo của mình do trời ban xuống (thường là do Đức Mẹ) thí dụ: dòng Xitô, dòng Prémontré, dòng Đaminh, dòng Carmêlô, dòng Augustinô, dòng Tôi tớ Đức Mẹ.
Trong những lần hiện ra như vậy, Đức Mẹ thường hứa rằng ai mang áo dòng và bền đỗ trong Dòng thì sẽ đươc rỗi linh hồn, hoặc được che chở cho khỏi bị giam lâu trong luyện ngục.
Lúc đầu thì đúng như vậy đó: chỉ có ai vào Dòng, mang áo Dòng thì mới có thể hưởng nhờ những ân huệ hứa ban. Nhưng mà vào thời Trung Cổ cũng như thời nay, đâu có phải ai cũng đi tu được. Giả như hết mọi người đều đi tu thì lấy ai trông nom làng nước? Do đó, một số giáo dân tuy vướng mắc chuyện đời nhưng cũng ước ao chia sẻ tinh thần tu trì, vì thế họ xin kết nghĩa với các tu sĩ, quen gọi là hội viên dòng Ba. Và như dấu hiệu của sự liên kết ấy, họ xin được mặc áo dòng.
Đúng như vậy, các giáo dân Dòng Ba cũng mặc toàn bộ áo dòng giống như các tu sĩ. Tuy nhiên, dần dần vì các giáo dân phải lăn xả vào đời, cho nên việc mặc áo dòng gây ra nhiều trở ngại, cho nên họ chỉ mang một dấu hiệu tượng trưng. Nhiều Dòng trao một scapularium thu gọn, nghĩa là gồm một tấm vải trước ngực và một tấm sau lưng; có dòng như dòng Phanxicô thì trao sợi dây; và có dòng thì chẳng có trao gì hết.
Không phải như vậy. Thường người ta gọi áo Đức Mẹ cách riêng cho Dòng Carmêlô hay dòng Đaminh. Và như đã nói trên đây, trong gốc La Tinh, scapularium (dịch ra tiếng Pháp là scapulaire), chẳng phải là áo mà cũng chẳng nhất thiết gắn liền với Đức Mẹ.
Người ta tính ra có tới cả chục loại scapulaire khác nhau, với đủ màu và đủ loại. scapulaire của Dòng Chúa Ba Ngôi gồm vải trắng trên đó có thánh giá màu xanh và đỏ; scapulaire đen kính nhớ bảy sự đau đớn Đức Mẹ, của Dòng Tôi tớ Đức bà; scapulaire mầu nâu, dòng Carmêlô; scapulaire màu xanh dương kính Đức Mẹ vô nhiễm của dòng Teatino, scapulaire đỏ kính cuộc tử nạn Chúa, của Dòng Ladarist; scapulaire màu tím và vàng kính Thánh Giuse của dòng Capuxinô.
Tuy nhiên có lẽ phổ thông hơn cả là scapulaire của Dòng Carmêlô, tục gọi là áo Đức Bà Carmêlô, không những vì dành cho cả những người không phải là hội viên Dòng Ba Carmêlô, nhưng vì còn có lễ phụng vụ kính nhớ vào ngày 16 tháng 7 nữa.
Không phải như vậy. Cần phải tách rời hai biến cố ra. Dòng Carmêlô được thành lập tại đất thánh vào thế kỷ XII và được Tòa Thánh châu phê vào thế kỷ XIII. Còn hiện tượng trao áo phép thì diễn ra vào thế kỷ XIII, cho Thánh Simon Stock. Tuy nhiên, gần đây các sử gia nhận thấy rằng cần phải phân biệt hai giai đoạn khác nhau trong việc Đức Mẹ trao áo và những lời hứa kèm theo.
Một đàng là thị kiến của Thánh Simon Stock bề trên tổng quyền dòng Carmêlô ngày 16/7/1251, trong đó Đức Mẹ hứa sẽ gìn giữ những ai mặc áo cả đêm cả ngày thì sẽ được gìn giữ khỏi sa hỏa ngục: ai mà mặc áo này thì sẽ không phải rơi vào lửa đời đời. Xem ra đặc ân chỉ dành cho các tu sĩ của Dòng Carmêlô mà thôi.
Một đàng khác là đặc ân hứa với ĐHY Giacôbê Déuse, về sau làm giáo hoàng hiệu là Gioan XXII. Đức Mẹ hứa sẽ mau mắn cứu khỏi luyện ngục vào ngày thứ bảy liền sau khi qua đời; nhưng Đức Mẹ đòi hỏi rằng ngoài việc mang áo dòng còn phải giữ khiết tịnh theo bậc của mình; đọc kinh nhật khóa, kiêng thịt ngày thứ tư và thứ bảy. Đây gọi là đặc ân “thứ bảy” (privilegium sabbatinum), dành không những cho các tu sĩ của Dòng mà còn cho những ai liên kết với Dòng qua việc lãnh áo của dòng nữa.
Tiến thêm một bước nữa, các sử gia cho thấy rằng cả hai chuyện đều là bịa hết. Bởi vì cái thị kiến dành cho Thánh Simon Stock được ghi lại trong một thủ bản viết vào giữa thế kỷ XIV, nghĩa là 100 năm sau khi thánh nhân qua đời; thậm chí Luđôvicô Saggi đã đặt nghi vấn không biết Simon Stock có phải là một nhân vật lịch sử hay không nữa: người ta gán ghép tên của một tu sĩ Simon người nước Anh với một bề trên tổng quyền tên là Stock. Còn thị kiến dành cho Đức Gioan XXII lại càng bịa hơn nữa, bởi vì nó ra đời 150 năm sau khi biến cố xảy ra.
Có lẽ có người sẽ bàng hoàng khi nghe những điều vừa nói. Thiết tưởng không có chi mà phải bàng hoàng cả. Những chuyện tích Mẹ hiện ra như vậy thuộc về một thời đại mà người ta thích chuyện phép lạ với thánh tích. Nhưng ngày nay, người ta nhận thấy cần phải vượt qua cái não trạng đó. Chúng ta lãnh áo Đức Mẹ không phải để mong cho người cứu ta cho khỏi luyện ngục ra như kiểu đóng tiền cọc ở ngân hàng rồi tới một lúc nào đó thì đòi tiền lời. Thiết tưởng cần phải đặt lại vấn đề cho đúng chỗ.
Khi một người xin lãnh áo Đức Mẹ Carmêlô thì người ấy muốn chia sẻ tinh thần của Dòng Carmêlô, nổi bật về lòng kính mến Đức Mẹ, cũng như về đời sống khiêm nhường ẩn dật. Khi lãnh chiếc áo đó, người tín hữu dâng mình cho Đức Mẹ để xin người giúp ta giữ gìn toàn vẹn tấm áo trắng mà đã lãnh nhận ngày chịu phép rửa tội.
Kinh nguyện mà chủ tế đọc khi làm phép áo nhấn mạnh tới ý tưởng đó: tấm áo này diễn tả ước nguyện của người mang nó muốn chia sẻ tinh thần của Dòng. Ý định này lặp lại quyết tâm của chúng ta khi rửa tội là mặc lấy Chúa Kitô nhờ Mẹ Maria giúp đỡ; thực vậy Mẹ rất mong muốn cho ta được trở nên giống Chúa Kitô ngõ hầu làm sáng danh Thiên Chúa Ba Ngôi, cho tới ngày chúng ta được vào nước trời, lộng lẫy trong chiếc áo cưới.
Chúng ta không kính việc Đức Mẹ hiện ra ban áo dòng, nhưng mà chúng ta kính Đức Mẹ núi Carmêlô, một tước hiệu của Dòng Carmêlô. Linh đạo của Dòng này chú trọng tới Đức Mẹ như mẫu gương của đời chiêm niệm (trong nhiều tôn giáo, núi cao là nơi dễ nhấc lòng lên cùng Chúa, nơi gặp gỡ Chúa); kinh nguyện phụng vụ ngày lễ cũng xin nhờ Mẹ Maria dẫn dắt chúng ta lên tới Đức Kitô là ngọn núi thánh.
Thánh Gioan Thánh Giá, một tiến sĩ của Dòng, đã viết một quyển sách mô tả con đường tiến lên đường trọn lành với tựa đề “Leo lên núi Carmêlô”. Nói cách khác Dòng Carmêlô kính Đức Maria như là mẫu gương và cô giáo dạy ta biết kết hợp với Chúa. Thiết tưởng cũng có thể ví việc kính Đức Mẹ núi Carmêlô với việc kính Đức Mẹ Mân Côi.
Có một thời người ta thích nhấn mạnh đến chuyện Đức Mẹ hiện ra trao tràng chuỗi cho Thánh Đaminh, hoặc hứa hẹn bao nhiêu điều cho người nào lần chuỗi. Nhưng ngày nay chúng ta cần vượt qua cái tâm trạng hiếu kỳ và phần nào kinh doanh thương mại đó, để chú trọng tới ý nghĩa thâm sâu của nó: đó là chúng ta cùng với Đức Maria chiêm ngắm những mầu nhiệm căn bản của Kitô Giáo, mầu nhiệm Nhập Thể, Thập Giá và Phục Sinh của Chúa Kitô.