Trong lịch sử của các tôn giáo cũng như của Kitô Giáo, chúng ta thấy xuất hiện nhiều thứ tràng chuỗi. Dĩ nhiên là chúng ta hiểu về tràng chuỗi dùng vào việc cầu nguyện chứ không nói về các chuỗi hột xoàn hay các thứ chuỗi hạt khác dùng làm đồ trang sức.
Đây là một hiện tượng gặp thấy ở nhiều tôn giáo. Trong Ấn Giáo và Phật Giáo chúng ta thấy các tu sĩ và tín đồ sử dụng tràng chuỗi để niệm kinh. Theo các học giả, tràng chuỗi của Ấn Giáo và Phật Giáo gồm 108 hạt, nhưng tràng chuỗi của các Phật tử bên Nhật lên tới 112 hạt. Còn các tín đồ Hồi Giáo thì gồm 99 hạt, gồm có 3 màu, nhắc đến 99 ưu phẩm của Thượng Đế. Chúng ta không có thì giờ để đi sâu vào ý nghĩa của các con số ấy, vì thế chỉ giới hạn vào các tràng chuỗi trong Kitô Giáo mà thôi.
Có thể nói rằng, vào lúc đầu các tràng chuỗi chỉ có tính cách thực dụng, nghĩa là dùng để đếm. Không nói chị cũng hiểu được rằng trải qua dòng thời gian đã có sự tiến triển ít là về mặt kỹ thuật. Chẳng hạn như vào thế kỷ XIII, các tu sĩ Đaminh đã dùng vài dây thắt gút để đếm các kinh Kính Mừng, còn ngày nay thì chúng ta thấy các xâu chuỗi với đủ kiểu hạt, dây cước, và thắt thêm các ảnh tượng khác nữa.
Theo các sử gia, các tràng chuỗi đầu tiên ra đời tại các đan viện. Tại đây, các thầy trợ sĩ không nguyện kinh thần vụ thì đọc 150 kinh Lạy Cha thay thế cho 150 thánh vịnh. Vì thế các dây chuỗi dùng để đếm kinh Lạy Cha, và mang tên là paternoster, hoặc patriloquium.
Dần dần, do lòng thảo hiếu kính Đức Mẹ, người ta cũng đọc thêm 150 kinh Kính Mừng, gọi là “Thánh Vịnh Maria” (psalterium Marianum), tuy cái dây đếm kinh vẫn còn được gọi là paternoster như cũ.
Mãi tới thế kỷ XV, người ta mới bắt đầu đổi tên cho tràng kinh dâng kính Đức Mẹ là Rosarium, nghĩa là “vòng hoa hường”, lấy từ tục lệ đương thời hoặc là của các chàng công tử mang biếu các “công chúa của lòng anh” những bó hoa hường, hoặc là những vòng hoa hường mà các em bé quen đội lên đầu, hay là những vòng hoa kết thành triều thiên đội lên các bức tượng.
Nên biết là trong tiếng Pháp các tràng chuỗi được gọi là chapelet, có nghĩa là cái mũ nhỏ (petit chapeau), ám chỉ cái vòng hoa đội lên đầu tương tự như cái mũ; còn tiếng Ý thì gọi là corona nghĩa là cái vòng hoa. Dù sao đi nữa, các vòng hoa hường hay tràng hoa hường đều là biểu hiệu của lòng quý mến.
Như đã nói trên đây, nguồn gốc của tràng kinh kính Đức Mẹ là 150 kinh Kính Mừng, tương đương với con số 150 thánh vịnh. Nhưng dần dần việc lần chuỗi Mân Côi được phân ra làm 3 phần, mỗi phần gồm 50 kinh Kính Mừng, có lẽ bởi vì khó kiếm thời giờ để đọc luôn một hơi, cho nên phải phân chia ra để đọc vào 3 buổi trong ngày (sáng, trưa, chiều).
Một tu sĩ Đaminh thuộc thế kỷ XV tên là Cha Alain de la Roche (+1475) đã gắn thêm việc suy gẫm các mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn và Vinh Quang của Đức Kitô tương ứng với ba phần.
Đúng vậy, bởi vì việc đọc kinh Mân Côi vẫn còn phát triển từ thế kỷ XV. Vào khoảng cuối thế kỷ XV hay đầu thế kỷ XVI, các cha Dòng Đaminh du nhập thói tục chia kinh Mân Côi thành 15 chục kinh, và ở đầu mỗi chục thì thêm kinh Lạy Cha. Mãi đến đầu thế kỷ XVII mới thêm kinh Sáng Danh sau mỗi chục.
Từ đó, chị có thể hiểu được vì sao tràng chuỗi Mân Côi không phải chỉ gồm có 50 hạt liên tục, nhưng đã được phân ra thành từng chục, với một hạt cách quãng. Nhiều nơi còn thêm 1 kinh Lạy Cha, 3 kinh Kính Mừng ở đầu nữa, nhưng nó không phải là thành phần cốt yếu của Kinh Mân Côi.
Như vừa nói, nguồn gốc của các tràng chuỗi có tính cách thực dụng, nghĩa là dùng để đếm các kinh. Ngoài những tràng 5 chục hay 15 chục hột để đọc kinh Mân Côi, người ta còn làm chiếc vòng như chiếc nhẫn chỉ gồm có 10 hạt, và thậm chí khi túng quá thì đếm bằng các đầu ngón tay hay các đốt ngón tay cũng được. Cũng từ nguyên tắc thực dụng này mà trong lịch sử Giáo Hội người ta đã thấy xuất hiện nhiều tràng chuỗi để đếm số các kinh phải đọc.
Ở Việt Nam, ngoài chuỗi Mân Côi có lẽ tràng chuỗi được lưu hành tại nhiều giáo phận là tràng chuỗi kính Bảy sự Đau Khổ của Đức Mẹ. Đây là một việc tôn kính do Dòng Các Tôi Tớ Đức Mẹ quảng bá.
Bảy sự đau khổ của Đức Mẹ là: 1) Khi được ông Simêon tiên báo một lưỡi gươm sẽ đâm thâu con tim. 2) Khi bồng con trốn qua nước Ai cập. 3) Khi lạc con trong đền thờ. 4) Khi gặp Con vác thánh giá lên núi Calvariô. 5) Khi chứng kiến cái chết của Con trên thập giá. 6) Khi đón nhận xác Con được tháo từ thập giá. 7) Khi đi theo cuộc an táng Con trong mộ.
Sau mỗi lần suy niệm thì đọc một kinh Lạy Cha và 7 kinh Kính Mừng. Vì thế tràng chuỗi này gồm tất cả là 7 hạt đọc kinh Lạy Cha trước mỗi nhóm 7 kinh Kính Mừng. Đó là tràng chuỗi suy gẫm 7 sự đau khổ của Đức Mẹ.
Đối lại Dòng Phanxicô đã lập ra tràng chuỗi kính 7 sự Vui Mừng của Đức Mẹ. Thực ra không rõ tràng chuỗi này muốn đối nghịch lại với tràng chuỗi kính 7 sự đau đớn hay chỉ là bắt chước tràng chuỗi Mân Côi.
Bảy sự Vui mừng là: 1) Thiên thần truyền tin; 2) Thăm Viếng; 3) Chúa Giáng sinh; 4) Ba vua đến thờ lạy; 5) Tìm lại Chúa trong đền thờ; 6) Chúa Phục Sinh hiện ra với Đức Mẹ; 7) Đức Mẹ lên trời.
Mỗi mầu nhiệm gồm 1 kinh lạy cha 10 kinh kính Kính Mừng (như vậy là 7 chục kinh Kính Mừng), nhưng trong chục cuối cùng thêm 2 kinh Kính Mừng cho đủ số 72 là tuổi của Đức Mẹ.
Tôi xin chịu thua, không biết phải trả lời thế nào được. Bởi vì trước đó đã có một thứ tràng hạt khác kính nhớ cuộc đời của Đức Mẹ, tục gọi là “tràng chuỗi của Thánh Birgitta”.
Tràng chuỗi này được chia làm 6 phần, mỗi phần gồm có 1 kinh Tin Kính, 1 kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, và sau cùng thêm 1 Kinh Lạy Cha và 3 kinh Kính Mừng. Tổng cộng là 63 kinh Kính Mừng, kính 63 tuổi của Đức Mẹ.
Theo Thánh Birgitta, Đức Mẹ thụ thai Chúa Giêsu lúc 15 tuổi, và sống thêm 15 tuổi sau khi Chúa lên trời. Vị chi là 30, cộng thêm 33 năm sống với Chúa, thành ra 63. May thay, có lẽ ở Việt Nam không ai biết đến các thứ tràng chuỗi này, vì thế cũng đỡ rắc rối.
Từ thế kỷ XVI, một đan sĩ dòng Camalđôli đã truyền bá tràng chuỗi gồm 33 hạt nhỏ và 5 hạt lớn. Khi lần các hạt nhỏ, thì đọc 1 kinh Lạy Cha kính nhớ 33 năm mà Chúa Giêsu đã sống trên đời này, và khi lần 5 hạt lớn thì đọc kinh Kính Mừng để kính nhớ 5 dấu tích của Chúa. Tràng chuỗi kết thúc với kinh Tin Kính để kính nhớ các thánh tông đồ. Tóm lại, tràng chuỗi này nhằm suy gẫm cuộc đời của Chúa Giêsu và cuộc tử nạn trên thập giá.
Vào những thế kỷ gần đây, có thêm những tràng chuỗi ngắn hơn, kính Năm Dấu Thánh Chúa (gồm 5 nhóm 5 hạt: mỗi nhóm đọc 5 kinh Lạy Cha), hoặc kính Bửu Huyết của Chúa (gồm 6 nhóm 5 hạt: mỗi nhóm đọc 5 kinh Lạy Cha và 1 kinh Sáng Danh, và sau cùng thêm 3 kinh Lạy Cha và 1 kinh Sáng Danh). Có lẽ những tràng hạt này không hề được lưu hành ở Việt Nam.
Trước đây, Tòa Thánh đã ra nhiều quy luật về việc làm phép các tràng hạt, dù là tràng chuỗi Mân Côi và các tràng chuỗi khác. Có những quy luật nhằm bảo vệ tính cách thánh thiêng của nó, chẳng hạn như cấm không được buôn bán tràng hạt sau khi đã làm phép, nhằm tránh tội mại thánh.
Có những quy luật dành riêng việc làm phép cho một Dòng nào đó. Nói chung thì ai đọc kinh với tràng chuỗi được làm phép hợp lệ thì được hưởng ân xá. Tiếc rằng vì vô tình hay hữu ý, đầu óc vụ luật đã len lỏi vào tâm não của nhiều giáo sĩ và giáo dân, khiến họ đặt ra lắm vấn nạn không thua gì các luật sĩ Do Thái vào thời Chúa Giêsu, chẳng hạn như: giả như tôi cho anh bạn mượn tràng chuỗi để đọc kinh thì ai sẽ được hưởng nhờ ân xá? Hoặc giả như tràng chuỗi bị đứt và rơi mất mấy hạt, thế thì có còn ân xá nữa không?
Với việc duyệt lại đạo lý về ân xá sau Công Đồng Vaticanô II, Tòa Thánh đã xét lại toàn bộ vấn đề. Từ nay ân xá không được dính liền với tràng chuỗi nữa nhưng là gắn với việc đọc kinh. Thí dụ hễ ai đọc kinh Mân Côi (chỉ cần 5 chục chứ không buộc đọc hết 15 chục) chung tại nhà thờ hay tại gia đình hoặc với cộng đoàn thì được ơn Đại Xá. Dĩ nhiên, việc đọc kinh Mân Côi đòi hỏi việc suy niệm các mầu nhiệm cứu chuộc đã được xướng. Đây là điều kiện căn bản.
Còn khi đọc kinh Mân Côi, ta có dùng tràng hạt hay không thì cũng chẳng can gì; có thể đếm đầu ngón tay cũng được. Do đó vấn đề tràng hạt có làm phép hay không làm phép chẳng tăng giảm ảnh hưởng của việc cầu nguyện. Như thế Giáo Hội muốn cho chúng ta hãy đi vào tinh thần cầu nguyện mà Phúc Âm đã nhắn nhủ.
Chúng ta hãy chú trọng đến tâm tình thờ lạy, ngợi khen, cảm mến khi cầu nguyện, chứ không thể chỉ dừng lại việc lặp đi lặp lại các công thức; lại càng không nên đặt tin tưởng vào việc bấm các hột của tràng chuỗi. Tràng chuỗi chỉ là phương tiện để đếm các kinh, chứ chưa phải là chính sự cầu nguyện.
Bà vợ và bạn trăm nam có gì khác nhau không? Có thể có sự khác biệt nào đó. Cách đây mấy chục năm, tôi có nghe một bài hát: “em không muốn lấy anh làm chồng, mà chỉ muốn anh là tình nhân”. Theo điệu hát này, dường như lấy chồng thì bị ràng buộc bởi khuôn khổ của phong tục và luật pháp, bóp chẹt mất tình yêu.
Trên thực tế, chúng ta biết rằng có những người bạn rất thân tuy không phải là vợ chồng; và ngược lại, có những đôi vợ chồng không cảm thấy tình yêu như là bạn thân. Tuy nhiên, đó là những nhận xét về tâm lý.
Trong trường hợp của Thánh Giuse với Đức Maria, có lẽ có người nghĩ rằng hai vị này không phải là vợ chồng thực, bởi vì không có quan hệ tính dục; vì thế họ chỉ là hai người bạn mà thôi.
Thế nhưng hiểu như vậy là không đúng: hai vị thực sự là vợ chồng, và điều này nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Vì thế “bạn trăm năm” hay “chồng”, (hay phu quân, lang quân) đều đồng nghĩa với nhau.
Trong lịch sử Giáo Hội, không thiếu những ý kiến cho rằng Thánh Giuse không phải là chồng của Đức Maria, và Giáo Hội buộc lòng phải lên tiếng dựa trên nền tảng Kinh Thánh. Đối lại, nhiều giáo phụ và nhà thần học đã tìm cách giải thích vì lý do thích đáng cho việc Thánh Giuse làm chồng của Đức Maria.
Bản văn của Tin Mừng Thánh Matthêu trình bày một lý do quan trọng của kế hoạch ấy qua lời của thiên sứ: “Này ông Giuse, con cháu Đavit, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội lỗi của họ”.
Một chìa khóa quan trọng nằm ở danh hiệu mà thiên sứ đặt cho ông Giuse, đó là: “con cháu Đavit”. Vì ông Giuse là con cháu Đavit, nên khi ông kết hôn với bà Maria, thì trên giấy tờ Đức Giêsu mới được thuộc về dòng dõi vua Đavít; nhờ thế những lời của các ngôn sứ được hoàn tất.
Đừng quên rằng Tin Mừng Matthêu đã mở đầu với lời tuyên bố: “Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavit”. Làm thế nào mà Đức Giêsu trở thành con cháu vua Đavit? Câu trả lời nằm ở câu 16: nhờ sự kiện ông Giuse là chồng của bà Maria. Cũng do vai trò pháp lý ấy mà ông Giuse sẽ đặt tên cho hài nhi là Giêsu. Nói theo ngôn ngữ hành chánh thời nay, ông sẽ đứng ra làm giấy khai sinh cho hài nhi.
Nói đúng ra, trong lịch sử Giáo Hội, chúng ta gặp thấy hai lập trường đối nghịch:
1/ Một bên phủ nhận sự trinh khiết của Đức Maria. Vì thế họ cho rằng ông Giuse và bà Maria là hai vợ chồng giống như bao đôi vợ chồng khác. Chủ trương này đã xuất hiện từ những thế kỷ đầu tiên, thí dụ các ông Cerinthius, Carpocrates, nhóm Ebionist, ông Helvidius. Giáo Hội phải lên tiếng để bảo vệ tín điều Đức Maria đồng trình.
2/ Ngược lại, một lập trường cho rằng giá thú của ông Giuse và bà Maria chỉ có hình thức bên ngoài để che mắt thiên hạ thôi: hai người không có ý định nên vợ nên chồng (bởi vì Đức Maria đã khấn giữ trinh khiết trọn đời). Đây là chủ trương của ông Giulianô mà Thánh Augustinô đã phải đương đầu (Contra Iulianum).
Có thể nói Thánh Augustinô đã mở đầu cho các giáo phụ và các nhà thần học suy nghĩ về những lý do của vai trò làm chồng của Thánh Giuse. Đạo lý của các giáo phụ được Thánh Tôma Aquinô tóm tắt trong sách Tổng Luận Thần Học, phần III, vấn đề 29. Các lý do này được phân phối thành ba nhóm: về phía Chúa Giêsu; về phía Mẹ Maria; về phía chúng ta.
Trong nhóm thứ nhất, (về phía Chúa Giêsu) các giáo phụ đưa ra bốn lý do: 1/ để Người không bị thiên hạ khước từ vì lý do là con hoang (Thánh Ambrôsiô); 2/ để người ta có thể truy cứu gia phả của Người (Thánh Ambrôsiô); 3/ để hài nhi được che chở khỏi những cuộc tấn công của ma quỷ (Thánh Inhaxiô Antiôkia); 4/ để hài nhi có người chăm sóc dưỡng dục.
Trong nhóm thứ hai (về phía Đức Maria), chúng ta gặp thấy 3 lý do: 1/ tránh cho người khỏi bị ném đá về tội ngoại tình (Thánh Hiêrônimô); 2/ để gìn giữ sự khiết trinh của người (Thánh Ambrôsiô); 3/ để giúp đỡ người (Thánh Hiêrônimô).
Sau cùng, trong nhóm thứ ba (về phía chúng ta), có 5 lý do: 1/ để có người làm chứng về chân lý Đức Giêsu sinh bởi Trinh Nữ Maria (Thánh Ambrôsiô); 2/ để xác nhận những lời quả quyết của Đức Maria về sự trinh khiết của mình (Thánh Ambrôsiô); 3/ để những trinh nữ nào đã vi phạm lời thề thì không có lý do biện minh cho lỗi của mình (Thánh Ambrôsiô); 4/ để trở nên biểu tượng cho Hội Thánh tuy là trinh nữ nhưng đã đính hôn với Chúa Giêsu (Thánh Augustinô); 5/ để trong Hội Thánh những trinh nữ và những người kết bạn đều được kính trọng.
Đây là những đề tài mà các nhà giảng thuyết sẽ quảng diễn trải qua dòng thời gian. Đặc biệt hơn nữa, từ hôn nhân giữa Thánh Giuse và Mẹ Maria, Thánh Augustinô đã rút ra những đức tính một đôi hôn nhân lý tưởng.
Thật vậy, theo quan điểm dân gian cổ truyền, mục tiêu của hôn nhân là sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường. Nhìn dưới viễn tượng của thần học Kitô Giáo, theo đó hôn nhân được nâng lên hàng bí tích, nghĩa là được gán thêm giá trị thánh thiêng, Thánh Augustinô vạch ra ba thiện ích của hôn nhân là: con cái, trung tín và chung thuỷ.
Tất cả ba thiện ích này đều đạt được nơi hôn nhân của Thánh Giuse với Đức Maria: sinh con, chính là Chúa Giêsu; trung tín, vì không hề có ngoại tình; chung thủy vì không hề có ly di. Hơn thế nữa, lý tưởng cao quý nhất của hôn nhân là sự hoà hợp (unio): hai người trở nên một. Tuy nhiên, không nên hiểu sự hoà hợp này về khía cạnh thể xác mà thôi; cần phải lên cao hơn nữa, đó là sự hoà hợp về tâm tình và về tinh thần.
Chắc chắn là có. Chúng ta chỉ muốn giới hạn vào vai trò làm chồng của Thánh Giuse chứ không đả động đến vài trò làm cha.
Vào thời nay, một tác giả đã đẩy mạnh thêm suy tư về điểm này là ĐTC Gioan Phaolô II trong tông huấn “Đấng Gìn Giữ Chúa Cứu thế” (ngày 15/8/1989). Chúng ta vừa kể ra sự hòa hợp vợ chồng như là tâm điểm của hôn nhân. ĐTC muốn đi sâu vào sự hòa hợp này: đây không chỉ là sự hòa hợp về tình cảm mà thôi, mà còn là sự thông hiệp trong việc thi hành sứ mạng, cùng nhau chia sẻ những lao nhọc trong đời sống đức tin.
- Cả hai đều là mẫu gương của người tín hữu, đáp lại mặc khải của Thiên Chúa với sự tuân thuận (RC 4): Đức Maria với lời "xin vâng", Thánh Giuse với việc lấy Đức Maria về làm vợ.
- Cả hai đều liên đới với nhau trong việc bảo vệ "mầu nhiệm", được ký thác cho hai người gìn giữ. Cả hai người đều giữ một vai trò tích cực trong kế hoạch cứu độ: Đức Maria qua chức vụ làm mẹ của Chúa Giêsu; Thánh Giuse qua chức vụ làm cha của Chúa Giêsu qua hôn nhân với Đức Maria (RC 3).
- Cả hai đều đã nếm những thử thách của cuộc "lữ hành đức tin" (RC 4; thông điệp Redemptoris mater). Mặc dù chấp nhận lời của thiên sứ nói về bản tính của Chúa Giêsu, Đức Maria chưa hiểu trọn tất cả sự súc tích của nó: Mẹ đã nghiền ngẫm lời Chúa trong lòng (Lc 2,19); Mẹ đã cảm thấy tâm can như bị lưỡi gươm đâm thâu (Lc 2,35); Mẹ không hiểu câu trả lời của Chúa Giêsu trong đền thờ sau ba ngày thất lạc (Lc 2,50).
Vào dịp này, Thánh Luca chú thích rằng Thánh Giuse cũng chia sẻ cùng tâm trạng như vậy ("họ không hiểu lời Chúa nói"). Chúng ta cũng có thể suy đoán rằng ông cũng trải qua màn đen của đức tin kể từ khi thấy bà Maria có thai, và kéo dài suốt những chặng đường đi về Bêlem, lánh nạn về Ai-cập.
Những gian nan thử thách xem ra hoàn toàn trái nghịch với bản tính thần linh của Đức Giêsu: chẳng lẽ đấng Mêsia, đấng "Thiên Chúa Cứu Độ" mà tỏ ra yếu ớt nhu nhược như vậy sao? Thật là có lý để khẳng định rằng Thánh Giuse đã trải qua một tiến trình gay go để hiểu biết bản thân của Đức Emmanuel.
- Từ sự chia sẻ và liên đới vừa nói, chúng ta có thể hình dung sự khắng khít giữa hai vị: mối tình vợ chồng được Thần Khí đức ái nâng cấp để thông dự vào kế hoạch cứu độ. Mối tình của hai người thể hiện được lý tưởng "bí tích" mà Thánh Phaolô đã diễn tả về tình yêu huyền nhiệm giữa Đức Kitô và Hội Thánh (RC 7).
Thật vậy, vào lúc tạo dựng, Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với nhân loại nhờ một đôi vợ chồng. Thế nhưng đôi vợ chồng này đã để cho tội lỗi len vào trần gian vì sự bất tuân của mình. Bây giờ, Thiên Chúa muốn thiết lập một giao ước mới, và Người cũng muốn thực hiện nơi một đôi hôn nhân là Đức Maria và Thánh Giuse, một đôi hôn nhân đã được thanh luyện và thánh hóa, trở nên ngôi đền thánh của tình yêu và cái nôi của sự sống.
Thiết tưởng nên lưu ý là các hoạ sĩ không phải là nhiếp ảnh viên: họ không chụp lại tấm hình căn cước một nhân vật. Khi vẽ một bức tranh, kể cả bức tranh chân dung, các hoạ sĩ thường tô thắm thêm những nét diễn tả một tư tưởng hay cảm nghĩ gì nữa đó. Vì thế mà họ sẽ lựa chọn màu sắc của y phục, cũng như bày trí cảnh vật vân vân.
Dù sao đi nữa, để hoạ lại chân dung của Thánh Giuse, thì không hoạ sĩ nào có thể đóng vai của nhà nhiếp ảnh được, vì hai lý do: a) thứ nhất là Thánh Giuse không có để lại một di ảnh nào, vì thế chẳng ai biết mặt mũi của người ra sao; b) nhất là, lý do thứ hai, không ai biết gốc gác lai lịch của Thánh Giuse hết.
Đúng như vậy, đặc biệt là Matthêu nói tới Thánh Giuse khá nhiều trong hai chương đầu, vì vậy có người gọi Matthêu là thánh sử của Giuse (đối lại với Luca là thánh sử của Đức Maria).
Nhưng qua Phúc Âm của Matthêu chúng ta chỉ biết được rằng Giuse là con ông Giacob (1,16) cũng giống như tổ phụ Giuse trong Cựu Ước. Giuse đã đính hôn với Maria, nhưng Chúa Giêsu không phải sinh ra do sự giao hợp tự nhiên.
Sang đến chương 2, thì chúng ta lại gặp Giuse ở cạnh Đức Maria tại Bêlem khi ba vua đến tìm gặp Hài Nhi Giêsu; và tiếp đó Giuse lại phải đưa hài nhi với bà mẹ lánh nạn sang Ai Cập và từ đó trở về Nadarét.
Có vậy thôi: chúng ta không biết được Giuse qua đời lúc nào, cũng như chúng ta không biết Giuse được bao nhiêu tuổi.
Dựa vào những tác phẩm ngụy thư. Như vừa nói, trong toàn bộ Tân Ước, Matthêu là người nói tới Giuse nhiều hơn hết, nhưng thánh sử chẳng cho ta biết nhiều chi tiết về tông tích Giuse, vì thế mà không khỏi để lại trong đầu óc chúng ta nhiều câu hỏi, khêu gợi tính tò mò muốn biết hơn về lai lịch của Thánh Giuse.
Các nhà chú giải Kinh Thánh cận đại đã không ngừng nhắc nhở chúng ta rằng mục tiêu của bốn tác giả Phúc Âm không phải là viết tiểu sử của Chúa Giêsu, nhưng tiên vàn là để loan báo một Tin Mừng, tin mừng cứu độ. Trọng tâm của Tin Mừng là cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, như chúng ta đọc thấy trong những bài giảng của Thánh Phêrô trong sách Tông Đồ Công Vụ; kế đó, người ta kéo dài thêm một chút, tới những lời giảng và hoạt động của Đức Kitô (quen gọi là cuộc đời công khai). Mãi về sau, người ta mới kéo dài thêm một phần gọi là nguồn gốc và cuộc đời thơ ấu của Chúa.
Dù sao, trong Phúc Âm của Matthêu, Thánh Giuse chỉ xuất hiện như nhân vật phụ chứ không phải là nhân vật chính: Giuse được mời vào sân khấu bởi vì ông là con vua Đavít, nhờ vậy mà Chúa Giêsu cũng thuộc dòng dõi Đavit, và như vậy những lời tiên tri về Đấng Cứu thế thuộc dòng Đavit được thực hiện. Đó là lý do mà Matthêu kể lại gia phả của Giêsu từ đầu Phúc Âm.
Mặt khác, Matthêu cũng nhấn mạnh ngay từ khi thuật lại gia phả rằng Chúa Giêsu không phải là con của ông Giuse sinh bởi giao hợp vợ chồng. Vì thế ta thấy có sự gián đoạn mạch văn. Từ đầu, mạch văn của gia phả là ông A sinh ra ông B, ông B sinh ra ông C; thế nhưng tới cuối thì thay vì nói ông Giuse sinh ra ông Giêsu, thì Matthêu lại viết: “ông Giacop sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu”. Cảnh thiên thần hiện đến cho ông Giuse từ câu 18 đến 25 sẽ giải thích điều đó.
Có chứ! Chúng ta có thể tưởng tượng những người yếu bóng vía thì sẽ e ngại rằng nếu để ông Thánh Giuse quá trẻ mà ở chung với cô Maria cũng còn trẻ, thì e rằng hai người khó mà giữ mình khiết tịnh được. Vì vậy, cho ông Giuse già đáng tuổi bố của cô Maria thì cô ta sẽ an tâm hơn!
Tuy nhiên, như vừa nói, đó chỉ là mối bận tâm của những người yếu bóng vía, suy bụng ta ra bụng người. Các Kitô Hữu đời xưa thì có mối bận tâm khác. Họ thấy rằng Phúc Âm có nói tới các anh em của Chúa Giêsu. Tại sao có chuyện ấy được, khi mà tục truyền rằng Đức Maria trọn đời đồng trinh, trước cũng như sau khi sinh Chúa Giêsu? Vì thế để giải quyết vấn đề, một số tác giả bèn nghĩ rằng những anh em đó phải được hiểu là các anh cùng cha khác mẹ với Chúa Giêsu; nói cách khác, ông Giuse đã có một đời vợ rồi và đã có con; sau đó vợ mất, ông Giuse ở góa một thời gian thì tục huyền với cô Maria!
Đúng vậy. Như đã nói trên đây, các Phúc Âm nói rất vắn tắt về cuộc đời thơ ấu và ẩn dật của Chúa Giêsu kéo dài hơn 30 năm, đang khi mà cuộc đời công khai chỉ hơn kém 3 năm. Kế đó, người ta cũng muốn biết lai lịch, gốc gác của Đức Maria và Thánh Giuse nữa. Vì thế mà hàng lô truyền kỳ đã ra đời từ thế kỷ II, quen gọi là “ngụy thư”.
Thực ra, theo nguyên gốc Hy Lạp “ngụy thư” (apocrypha) lúc đầu có nghĩa là sách giấu kín; và kế đó, nó ám chỉ những sách không được ghi vào sổ bộ Sách Thánh; chứ không phải lúc nào ngụy thư cũng có nghĩa là sách nói bậy bạ.
Chúng ta lấy một thí dụ: tác phẩm mang danh là “Tiền Phúc Âm của Giacôbê” là một ngụy thư; thế nhưng chính từ tác phẩm đó, mà chúng ta biết được danh tánh của song thân Đức Maria là Gioakim và Anna; cũng từ tác phẩm đó mà phụng vụ đón nhận lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ.
Dĩ nhiên rồi. Thực ra phần lớn của tác phẩm “tiền phúc âm của Giacôbê” dành để nói tới nguồn gốc lai lịch của Đức Maria.
Thánh Giuse xuất hiện vào lúc Đức Maria thành hôn và mang thai. Theo đó, thì từ hồi 3 tuổi, Đức Maria đã được dâng mình vào đền thờ. Đến tuổi dậy thì, thì thầy cả thượng phẩm phải tính chuyện lập gia đình cho cô. Nhờ ơn trên soi sáng, thượng tế hô hào các chàng trai tới, mỗi người mang một cái que và đặt trong đền thờ.
Sáng hôm sau, thượng tế vào đền thờ cầu nguyện thì thấy các que còn y nguyên như trước, và mỗi chàng lại vác que về nhà. Thế nhưng còn sót lại một que của Giuse và chủ nhân được gọi tới; khi Giuse vừa lấy lại cây que của mình thì một con chim bồ câu thoát ra và đáp xuống trên đầu của Giuse. Thật đúng là dấu lạ. Nhưng Giuse không dám nhận Maria, viện cớ là mình đã già lại phải nuôi nấng một đàn con. Thầy cả phải doạ rằng nếu ai không tuân theo ý Chúa thì sẽ bị trời phạt; ông cụ sợ quá đành rước Maria về nhà!
Tác phẩm “tiền Phúc Âm của Giacôbê” chỉ nói là Giuse góa vợ và đã có con, chứ không nói bao nhiêu tuổi. Nhưng câu chuyện chưa hết.
Giuse nhận Maria về rồi thì để cô ta ở nhà, rồi ông ra đi kiếm việc làm. Đang khi đó, thiên thần hiện đến báo tin cho Đức Maria về việc thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu. Sáu tháng sau đó, ông Giuse trở về nhà thấy bạn mình mang bầu: chúng ta có thể tưởng tượng được bi kịch đã diễn ra. May thay, đến đêm thiên thần hiện ra giải thích đầu mối nguyên do.
Nhưng đó mới là chuyện nội bộ; đến lượt hàng xóm và nhất là vị Thượng Tế trong đền thờ kêu Giuse lại mắng một trận vì đã xâm phạm tiết hạnh của bà Maria. Cả Giuse lẫn Maria đều một mực thanh minh thanh nga. Sau cùng để kiểm chứng, thượng tế bắt cả hai phải uống nước đắng theo luật của sách Dân Số (chương 5) đã truyền khi có ai bị tố cáo về tội ngoại tình. Cả hai đều uống mà không bị nước hành: cả làng mừng rỡ tung hô Chúa. Và Giuse đưa Maria về nhà cho tới ngày đi Bêlem.
Dĩ nhiên còn nhiều ngụy thư khác nói tới Giuse. Xét về tuổi thì có tác phẩm tựa đề “Tiểu sử của Giuse thợ mộc” xuất phát từ Ai Cập vào khoảng thế kỷ IV-V, thuật lại những giây phút cuối đời của người. Theo đó, Giuse qua đời lúc 111 tuổi. Tại sao lại già quá như vậy? Theo Cha Benoit, nguyên giám đốc Học Viện Thánh Kinh ở Giêrusalem, thì tại vì Giuse trong Cựu Ước qua đời lúc 110 tuổi, nên Giuse trong Tân Ước phải cho cao hơn 1 tuổi.
Cuộc đời của Thánh Giuse diễn ra như sau: người lập gia đình lúc 40 tuổi; và sống với bà này được 49 năm, sinh được bốn trai hai gái. Như vậy, khi vợ mất thì cụ đã được 89 tuổi rồi; và ở vậy được một năm thì cụ được lệnh phải lấy cô Maria lúc đó mới có 12 tuổi. Hai năm sau thì cô Maria có thai. Và cụ qua đời khi Chúa Giêsu lên 19 tuổi. Và để cho tình sử thêm mặn mà thì tác giả thêm rằng trước khi nhắm mắt, Thánh Giuse đã xin lỗi Đức Maria bởi vì đã có lúc nghi ngờ người bạn của mình khi thấy bụng lớn!
Như đã nói ở đầu, các nhà hoạ sĩ không phải là nhiếp ảnh viên, nên họ muốn vẽ thế nào là tùy sở thích của họ. Chúng ta đã thấy rằng các truyền kỳ về Thánh Giuse lão bộc đã ra đời nhằm giải quyết vấn nạn về các anh em của Chúa Giêsu. Ngày nay, khoa chú giải kinh thánh tìm cách giải thích cách khác (anh em theo nghĩa là anh em họ), nên không cần tới giả thuyết anh em cùng cha khác mẹ nữa.
Ngoài ra cũng nên biết là ngay từ thời Trung Cổ, Thánh Toma Aquinô đã bác bỏ những truyền kỳ đó, và quả quyết rằng Thánh Giuse trinh khiết suốt đời (Summa Theol. III, q.28, a.3, ad 5m). Nhiều bức tranh cũng cho thấy Thánh Giuse cầm cây bông huệ tượng trưng sự trinh khiết. Tuy nhiên, có lẽ nhân đức mà truyền thống đề cao hơn cả nơi Thánh Giuse là sự vâng lời trong thinh lặng. Hình như tại Việt Nam cũng có bài ca “Giuse người âm thầm”: thực sự chúng ta không biết gốc tích của người; như một nhân vật phụ trên sân khấu; xong việc rồi, thì người rút lui vào hậu trường biệt tăm.
Trong một năm, lòng đạo đức bình dân thường dành ra vài tháng để kính nhớ một nhân vật nào đó, cụ thể là: tháng 5 kính Đức Mẹ, tháng 6 kính Thánh tâm Chúa, tháng 10 kính Đức Mẹ Mân Côi, tháng 11 nhớ các linh hồn đã qua đời.
Nói chung, nguồn gốc của các tháng dâng kính như vậy không có gì khó hiểu. Lúc đầu, người ta mừng lễ kính một vị thánh. Nhằm để chuẩn bị mừng lễ, người ta tổ chức ba ngày hay chín ngày dọn mình; và rồi tính cách long trọng của lễ còn kéo dài ra suốt tuần bát nhật. Vị chi là non 20 ngày rồi, cho nên kéo dài ra thêm một tháng cũng chẳng vất vả gì.
Điều này rõ rệt với phụng vụ Đông Phương: ngày 15 tháng 8 là lễ Đức Mẹ lên trời; các đan sĩ dành 15 ngày trước đó để chuẩn bị và kéo dài thêm 15 ngày sau đó. Trong bối cảnh đó, chúng ta có thể hiểu được vì sao tháng 3 được dành cho Thánh Giuse, bởi vì lễ Thánh Giuse được mừng trong tháng Ba, ngày 19. Việc dâng kính tháng Ba cho Thánh Giuse được ĐGH Piô IX chuẩn nhận ngày 27/4/1865.
Thường lễ các thánh được mừng vào ngày qua đời, được coi như ngày sinh (dies natalis) vào cõi sống trường cửu. Thế nhưng, đối với Thánh Giuse cũng như nhiều thánh thời cổ, thì chúng ta không biết ngày qua đời của họ. Vì thế các ngày lễ thường được ấn định dựa theo một truyền thống địa phương nào đó, chẳng hạn như lễ cung hiến một thánh đường nào đó.
Riêng đối với Thánh Giuse, chúng ta nên ghi nhận một điểm quan trọng. Trong khi mà lễ kính các thánh tử đạo đã xuất hiện từ những thế kỷ đầu tiên, tiếp đến là các lễ kính Đức Mẹ từ thế kỷ IV và các thánh tu hành, nhưng nói được là trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất, không nơi nào mừng lễ kính Thánh Giuse hết. Quả thật Thánh Giuse là một con người thầm lặng, lúc còn sống cũng như sau khi đã qua đời.
Đừng kể vài chứng tích lẻ tẻ, phải chờ đến thế kỷ XIV, mới thấy lễ kính Thánh Giuse được cử hành trong các dòng hành khất, chẳng hạn Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ (năm 1324), Dòng Phan Sinh (năm 1339).
Sang thế kỷ XV, lễ mới được bành trướng. Năm 1467, giáo phận Milano (Italia) ấn định lễ Thánh Giuse vào ngày 20 tháng 3, và chuyển sang ngày 19 tháng 3 từ năm 1509. Phải chờ tới cuộc cải tổ phụng vụ sau Công Đồng Trentô, do Đức Piô V thì lễ Thánh Giuse mới được ghi vào lịch phổ quát của Giáo Hội (1568-1570). Lễ được mừng vào ngày 19 tháng 3, và trở thành lễ buộc từ năm 1621, dưới thời Đức Grêgôriô XV.
Các sử gia vẫn chưa tìm ra mối liên hệ. Tại vài Giáo Hội Hy Lạp, Thánh Giuse được mừng sau lễ Giáng Sinh (ngày 26 tháng chạp), nhưng người cùng đứng chung với các tổ phụ từ ông Abraham cho đến Thánh Giuse.
Bên Ai Cập, người ta mừng ngày qua đời của Thánh Giuse vào ngày 20 tháng 7, không hiểu dựa trên cơ sở nào. Bên Tây Phương, lần đầu tiên tên Thánh Giuse được xướng ngày 19 tháng 3 là một cuốn Tử Đạo Thư của một đan viện Biển Đức ở Reichenau (trước đây thuộc tổng Zurigô Thụy sĩ) vào thế kỷ IX, có lẽ dựa theo một Phúc Âm ngụy thư thế kỷ IV.
Bên cạnh lễ mừng vào ngày 19 tháng 3, phụng vụ còn dành một lễ nhớ nữa, đó là lễ Thánh Giuse Lao Động, được Đức Piô XII thiết lập ngày 1/5/1955, nghĩa là vào lễ Lao Động Điều này không có gì khó hiểu. Trước đó, phụng vụ còn mừng lễ Thánh Giuse bổn mạng Hội Thánh, được Đức Piô IX ấn định (10/9/1847), vào Chúa Nhựt III sau lễ Phục Sinh, nhưng sau đó được Đức Piô X (24/7/1913) dời vào ngày thứ Tư trong tuần II sau lễ Phục Sinh. Lễ này bị bãi bỏ năm 1956, khi được thay thế bằng lễ Thánh Giuse Lao Động.
Cũng nên biết là vài nơi, người ta còn mừng lễ đính hôn của Đức Mẹ và Thánh Giuse, vào ngày 23 tháng Giêng. Nguồn gốc lễ này bắt nguồn từ Linh Mục Jean Gerson vào thế kỷ XV.
Còn lễ Thánh Gia (Chúa Giêsu, Mẹ Maria, Thánh Giuse) thì mang tính cách phổ quát, được mừng vào Chúa Nhật sau lễ Giáng Sinh, cũng có thể kể như một lễ kính Thánh Giuse, mặc dù không phải 100%. Lễ này được Đức Lêô XIII du nhập vào lịch chung của Giáo Hội năm 1893 (hồi đó, mừng vào Chúa Nhật III sau lễ Hiển Linh).
Có lẽ việc tôn kính mà Thánh Giuse thích hơn cả là sống theo Phúc Âm, cũng như người đã cố gắng thi hành, đặc biệt trong việc tuân hành ý Chúa, và trung thành với việc bổn phận.
Điều này được nhắc tới nhiều lần trong các văn kiện Toà Thánh, gần hơn cả là tông huấn “Redemptoris Custos” (Người Gìn Giữ Chúa Cứu thế) của đương kim giáo hoàng, ban hành ngày 15 tháng 8 năm 1989.
Khi bàn về các việc đạo đức, thì có nhiều hình thức, chẳng hạn như: Kinh cầu Thánh Giuse, ngắm 7 sự vui buồn Thánh Giuse, kinh cầu cho Hội Thánh. Có lẽ trong số này, kinh cầu Thánh Giuse được nhiều người biết đến hơn cả. Kinh cầu này dựa theo sườn của kinh cầu Đức Bà, và được sử dụng trong vài hiệp hội tại Rôma từ thế kỷ XVI (khoảng năm 1597).
Bố cục như sau: Mở đầu là những lời khẩn cầu dâng lên Ba Ngôi Thiên Chúa, và Đức Mẹ Maria; tiếp theo là những lời cầu cùng Thánh Giuse dưới 25 tước hiệu. Các tước hiệu này có thể phân thành 5 nhóm.
Nhóm đầu tiên nói sự thánh thiện cũng như nguồn gốc của Thánh Giuse (dòng dõi vua Đavít, thuộc hàng các tổ phụ).
Nhóm thứ hai nói đến các chức vụ được ủy thác (bạn Đức Maria, dưỡng phụ Đức Giêsu, Đấng che chở cho Đức Kitô và thánh gia).
Nhóm thứ ba ca ngợi sáu nhân đức của thánh nhân (công chính, khiết tịnh, khôn ngoan, mạnh bạo, vâng lời, trung thành).
Nhóm thứ tư đề cao Thánh Giuse như khuôn mẫu cho các nhân đức xã hội (nhẫn nại, thanh bần, cần cù lao động, mẫu gương cho các gia trưởng, các người khiết tịnh cũng như người có đôi bạn, an ủi kẻ âu sầu).
Nhóm cuối cùng nhắc đến những tước hiệu bổn mạng (của những người lâm tử và của toàn thể Hội Thánh).
Kinh này dựa theo việc suy gẫm bảy sự đau đớn Đức Mẹ do các tu sĩ dòng Tôi Tớ Đức Mẹ phổ biến. Việc suy gẫm bảy sự vui buồn Thánh Giuse được in thành sách từ thế kỷ XVI, suy gẫm các biến cố vui buồn của Thánh Giuse, dựa theo những trình thuật Tin Mừng thơ ấu của Thánh Mathêu và Thánh Luca.
Nên lưu ý là đối với Đức Mẹ thì chỉ nói tới bảy sự đau đớn, còn đối với Thánh Giuse, chúng ta vừa suy gẫm bảy sự buồn cùng với bảy sự vui. Nói cách khác, mỗi biến cố đều có mặt buồn của nó và liền đó là mặt vui.
Bảy biến cố là: thứ nhất, việc Đức Mẹ mang thai Chúa Giêsu, gây ra nhiều băn khoăn cho Thánh Giuse, nhưng sau đó được thiên thần giải thích. Thứ hai, khi chứng kiến cảnh khó nghèo của Chúa Giêsu khi sinh ra tại Belem. Thứ ba, khi làm phép cắt bì cho Chúa Giêsu. Thứ tư, khi cụ Simêon tiên báo những đau khổ của Chúa Giêsu. Thứ năm, khi trốn qua Ai Cập. Thứ sáu, khi trở về Nadarét. Thứ bảy khi lạc mất và tìm lại Đức Giêsu trong đền thờ.
Sau mỗi cảnh suy niệm, đọc một kinh Lạy Cha và Kính Mừng, có thể thêm kinh Sáng Danh.
Như đã nói ở đầu, trong năm phụng vụ có hai ngày kính Thánh Giuse: ngày 19 tháng 3 và ngày 1 tháng 5. Còn những cơ hội khác thì để tùy theo lòng đạo đức và tập tục địa phương.
Chẳng hạn như nhiều nơi mỗi tuần dành một ngày kính Thánh Giuse (ngày thứ Tư) cũng như ngày thứ Sáu dành kính Thánh Tâm Chúa (hoặc cuộc tử nạn), thứ Bảy kính Đức Mẹ.
Có nơi chuẩn bị lễ Thánh Giuse không phải với tuần bảy ngày mà là 7 Chúa Nhật, nhớ đến 7 sự vui buồn của Thánh Giuse. Thế rồi trong tháng 10, tháng Mân Côi, Đức Lêô XIII đã muốn thêm vào kinh Thánh Giuse (Lạy ơn ông tháng Giuse, chúng tôi chạy đến cùng người), kinh do người soạn ra và đăng ở cuối thông điệp Quamquam pluries (15/8/1889).
Dưới khía cạnh lịch sử, các học giả không thấy có một mối liên hệ nào hết. Vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo, các tín hữu ăn chay mỗi tuần hai ngày, (thứ Tư và thứ Sáu), khác với người Do Thái cũng ăn chay mỗi tuần hai ngày, nhưng là vào thứ Hai và thứ Năm.
Theo sự giải thích của vài giáo phụ, ngày thứ Sáu tưởng niệm Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, còn ngày thứ Tư tưởng nhớ ngày Chúa bị Giuđa phản bội. Không rõ từ hồi nào người ta dành thứ Tư để kính Thánh Giuse, và vì lý do gì. Tuy vậy, cũng có người bóp trán để giải thích thế này. Ngày thứ Tư là ngày ở giữa tuần lễ, với nhịp độ làm việc cao, khác với nhịp độ uể ỏai hay cầm chừng của đầu tuần hay cuối tuần. Như vậy đáng để dành cho Thánh Giuse, gương mẫu của sự cần cù làm việc!
Dù sao, cũng nên biết là đối với người kính mến Thánh Giuse, thì họ vẫn nhớ đến tên của người mỗi ngày, cùng với việc kêu cầu Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria. Ngoài ra, tại vài nơi, người ta còn đọc một kinh riêng kính Thánh Giuse dưới hình thức bổn mạng của người chết lành.
Truyền thống cho rằng Thánh Giuse là người có phúc nhất trên đời, bởi vì lúc lâm chung, người có Chúa Giêsu và Đức Mẹ đứng bên cạnh. Từ đó một hiệp hội được thành lập với trụ sử đặt tại Rôma, cầu xin Thánh Giuse giúp cho mọi người được chết lành.
Tại Việt Nam, ở nhiều nhà thờ và gia đình, người ta đọc mỗi ngày hai lần kinh nguyện vắn tắt như sau: “Lạy ông Thánh Giuse, là cha nuôi Đức Chúa Giêsu cùng là bạn thanh sạch rất thánh đồng trinh Đức Bà Maria, xin Ngài cầu nguyện cho chúng tôi và cho các kẻ mong sinh thì trong ngày (đêm) hôm nay”.