Trước khi trả lời câu hỏi, thiết tưởng nên lưu ý về từ ngữ.
Trong năm dành cho các linh mục chúng ta bàn về Đức Kitô tư tế, chứ không bàn về Đức Kitô linh mục, bởi vì Đức Kitô là tư tế chứ không phải là linh mục.
Thực ra các linh mục thông dự vào cả ba chức vụ của Đức Kitô là ngôn sứ, tư tế và vua. Mặt khác trong tiếng Hán Việt, danh từ “tư tế” gợi lên ý tưởng “thờ cúng”, còn trong tiếng latinh, sacerdos còn hàm ngụ thêm tư tưởng “thánh hóa” nữa, như các giáo phụ thường phân tích tầm nguyên của tiếng sacerdos, gồm bởi sacra dos / sacra dans, có nghĩa là: ban cấp những đồ thánh.
Khi nói đến chức tư tế của Chúa Giêsu, các nhà chú giải Kinh Thánh đã đưa ra nhiều nhận xét thú vị, mà tôi chỉ muốn dừng lại ở hai điểm.
Thứ nhất, trong Tân Ước, duy chỉ lá thư gửi cho các tín hữu Hipri (quen gọi là gửi các tín hữu Do Thái) đề cập đến chức tư tế của Đức Kitô, còn những tác phẩm khác thì không đả động gì đến chức vụ ấy.
Thứ hai, tác giả lá thư gửi cho các tín hữu Hipri, khi đề cập đến chức tư tế của Đức Kitô, luôn nhấn mạnh rằng Đức Kitô là một tư tế độc nhất vô nhị, hoàn toàn khác với các tôn giáo khác, cách riêng là khác với đạo Do Thái.
Theo các sách Tin Mừng, Đức Kitô được người đương thời gọi bằng nhiều biệt hiệu, tựa như: “ngôn sứ, Rabbi (tôn sư, thầy), Mêsia”, nhưng không hề được gọi là “tư tế”.
Đã có nhiều giả thuyết được nêu lên để giải thích sự kiện này. Ý kiến đơn giản hơn hết là bởi vì Đức Giêsu không xuất thân từ dòng dõi tư tế. Trong xã hội Do Thái thời đó, chức vụ tư tế được dành cho dòng tộc Lêvi (mang tính cách cha truyền con nối). Chúng ta biết rằng ông Gioan Tẩy giả là con của ông Dacaria, thuộc dòng tư tế, còn Đức Giêsu lại thuộc dòng tộc Giuđa.
Tuy nhiên, người ta còn đưa ra những giải thích sâu xa hơn, đó là các tác giả sách Tin Mừng không có thiện cảm đối với hàng ngũ tư tế Do Thái. Ta có thể thấy hai thí dụ. Trong dụ ngôn về người Samari nhân hậu, một thầy tư tế và một thầy Lê-vi thấy kẻ bị thương nằm bên vệ đường nhưng thiếu lòng trắc ẩn và quay mặt bỏ đi. Nhưng bi đát hơn nữa, vị Thượng Tế tại Giêrusalem là kẻ chủ mưu thủ tiêu Đức Giêsu: điều này được nêu bật trong Tin Mừng nhất lãm cũng như trong Tin Mừng thứ bốn (Mc 12,10; Ga 11,47-50). Vì thế, hàng ngũ tư tế Do Thái không những là xa cách đạo lý của Đức Giêsu mà còn chống đối Người nữa.
Đúng thế, theo sách Tin Mừng, Đức Giêsu không phải là tư tế, không tự xưng mình là tư tế, và không được người đương thời coi là tư tế.
Tuy nhiên, dưới một khía cạnh khác, Đức Giêsu đã có những cử chỉ và lời nói tương đương với chức vụ của vị tư tế, được hiểu theo một ý nghĩa mới, chẳng hạn như khi giải thích sứ mạng của mình, Người nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45).
Ý tưởng này được lặp lại trong bữa Tiệc Ly, khi trao tấm bánh và chén rượu cho các môn đệ, Người nói: “Đây là Mình Thầy, được hiến ban cho anh em ... đây là chén giao ước mới, lập bằng máu của Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 20,19-20).
Ta có thể hiểu như là Đức Giêsu muốn khai trương một giao ước mới, một hy lễ mới, một phụng tự mới, một đền thờ mới. Điều này có thể được nhận ra khi Thánh Matthêu viết rằng bức màn trướng trong đền thờ Giêrusalem bị xé đôi vào lúc Đức Giêsu tắt thở trên thập giá.
Thánh Gioan thì còn nói mạnh hơn nữa. Ở chương 2, Chúa Giêsu bảo rằng hãy phá đền thờ Giêrusalem đi, bởi vì chính thân thể của Người là đền thờ mới (2,21); bước sang chương 4, Người nói với người phụ nữ Samari rằng đã đến lúc không cần lên đền thờ Giêrusalem để thờ phượng Chúa Cha nữa (4,21). Và Chúa Giêsu đã chết trên thập giá vào lúc cử hành lễ Vượt Qua: từ nay trở đi chính Người là hy lễ Vượt Qua mới.
Nói tóm lại, Đức Giêsu không phải là tư tế hiểu theo đạo Do Thái, nhưng là tư tế hiểu theo một nghĩa mới. Đó là điều mà tác giả thư gửi Hip-ri muốn khai triển.
Như đã nói trên đây, thư gửi Do Thái là tác phẩm duy nhất trong Tân Ước gọi Đức Kitô là tư tế, nhưng đồng thời tác giả cũng rào trước đón sau, nhằm nêu bật rằng chức tư tế của Đức Kitô mang tính cách độc nhất vô nhị.
Điều thứ nhất mà tác giả muốn lưu ý là Đức Kitô không xuất thân từ hàng tư tế Do Thái (được đồng hóa với hàng tư tế thuộc dòng Aaron), nhưng Người là tư tế theo phẩm trật Melkiseđec.
Thứ đến, một đặc trưng nữa, Đức Kitô là Người dâng chính bản thân mình làm hy lễ, chứ không phải là hy lễ chiên bò tựa như các tôn giáo khác.
Đây là một điều đã gây rất nhiều tranh cãi giữa các nhà chú giải Kinh Thánh. Ông Melkisedec là một nhân vật huyền bí, được nhắc đến hai lần trong toàn thể Cựu Ước.
Lần thứ nhất, ở chương 14 của sách Sáng Thế, khi kể chuyện cuộc đời ông Abraham. Melkisedec được giới thiệu như là vua của Salem và tư tế của El-Elyon (Thượng Đế); ông chúc lành cho ông Abraham.
Lần thứ hai là ở Thánh Vịnh 110, 4 (được phụng vụ sử dụng trong Kinh Chiều II của các Chúa Nhật). Không ai hiểu rõ tông tích họ hàng của ông. Tác giả thư gửi Hipri lợi dụng chỗ này để giới thiệu Đức Kitô như là thượng tế từ trời cao, không cha không mẹ (Dt 7,3).
Đến đây chúng ta bước vào những cuộc tranh luận sôi nổi trong lịch sử thần học Kitô Giáo về chức vụ tư tế của Đức Kitô. Các tác giả đã tranh luận về lúc mà Đức Kitô trở thành tư tế (nói nôm na là “được phong chức”).
Sở dĩ có sự bất đồng ý kiến là bởi vì trong thư gửi Hipri, có nhiều đoạn văn xem ra mâu thuẫn với nhau: có khi nói Đức Kitô là Thượng Tế từ muôn thuở, có khi nói Người làm Thượng Tế vào lúc Nhập Thể, có khi nói Người trở thành Thượng Tế khi chết trên thập giá, đó là chưa kể có đoạn nói rằng Người làm Thượng Tế vào lúc phục sinh.
Chúng ta hãy rảo qua vài đoạn văn thì sẽ thấy. Trước hết, như vừa nói, tác giả thư gửi Hipri quan niệm rằng Đức Kitô là Thượng Tế theo phẩm Melkisêđec, không cha không mẹ, nghĩa là từ muôn thuở. Nói cách khác, Đức Kitô là Thượng Tế bởi vì là Con Thiên Chúa; thế nhưng ta đọc thấy ở ngay đầu tác phẩm rằng Người là Con Thiên Chúa (Thánh Tử) từ muôn thuở (1,2.5).
Ý kiến thứ hai cho rằng Đức Kitô là Thượng Tế từ lúc Nhập Thể, dựa theo ý niệm tư tế mà ông đưa ra ở chương 5 câu 1: “Thượng tế nào cũng được chọn trong số người phàm, và được đặt làm đại diện cho loài người trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như lễ vật đền tội”. Xét vì vai trò của Thượng Tế là trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, cho nên Đức Kitô chỉ trở nên Thượng Tế kể từ khi Con Thiên Chúa làm người, và chính Lời Thiên Chúa đã xức dầu tấn phong cho nhân tính.
Ý kiến này cũng được bổ sung với câu 7 của chương 10, trích dẫn lời Đức Giêsu thưa với Chúa Cha lúc vào trần gian: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể... bấy giờ con mới thưa: Này đây, con đến để thực thi ý Ngài”.
Ý kiến thứ ba thì cho rằng Đức Kitô trở thành Thượng Tế khi chịu chết trên thập giá, bởi vì đây mới chính là đặc trưng của chức tư tế Tân Ước, đó là vị Thượng Tế được đồng hoá với lễ phẩm (sacerdos et victima). Chính lúc đổ máu trên thập giá mà Đức Kitô thiết lập giao ước mới.
Ý kiến thứ bốn thì lưu ý rằng cái chết của Đức Kitô chẳng mang lại giá trị gì nếu không có sự phục sinh. Chính vào lúc phục sinh mà Người được tôn vinh làm Con Thiên Chúa, Thượng Tế vĩnh cửu, bước vào thánh điện trên trời.
Thoạt tiên xem ra là chuyện lý thuyết, nhưng trên thực tế, nó mang nhiều hệ luận cho đời sống đạo của chúng ta. Thực vậy, như tác giả thư gửi Hipri đã nhấn mạnh, trong Tân Ước, chúng ta chỉ có Đức Kitô là Thượng Tế duy nhất. Tuy nhiên, các Kitô Hữu cũng thông dự cách này hay cách khác vào các chức tư tế của Đức Kitô.
Các linh mục được thông dự vào chức vụ tư tế của Người khi cử hành bí tích Thánh Thể, nhắc nhớ giao ước Vượt Qua. Tất cả các tín hữu thông dự vào chức vụ tư tế của Người khi dâng hiến tất cả cuộc đời vâng phục, yêu thương phục vụ, cũng như khi dâng hy lễ chúc tụng ngợi khen, như Thánh Phêrô đã nhắn nhủ chúng ta (1 Pt 2, 5.9). Đó là điểm mới mẻ của Kitô Giáo, một tôn giáo không chỉ giới hạn vào phạm vi cúng bái tế tự, nhưng còn chi phối toàn thể cuộc sống.
Như đã nói nhiều lần, chúng ta quen gọi Đức Kitô là linh mục, nhưng nếu muốn dịch sát nghĩa thì phải nói là Đức Kitô là tư tế (sacerdos).
Trong lịch sử các tôn giáo, chức vụ tư tế thường gắn liền với việc tế lễ. Tuy nhiên các tác giả Tân Ước nêu bật đặc trưng của Đức Kitô ở chỗ là Người dâng chính bản thân mình làm hy lễ. Thực vậy, trong các tôn giáo khác, tư tế thường sát tế một thú vật để làm hy lễ, hoặc là dâng hiến hoa trái thiên nhiên hay một sản phẩm nào đó. Cho dù hiến phẩm như thế nào đi nữa, nó vẫn khác biệt với tư tế. Trái lại, nơi Đức Kitô thì tư tế và tế phẩm cũng là một.
Thánh Tôma Aquinô đã trả lời cho vấn nạn này khi bàn về chức tư tế của Đức Kitô.
Đức Kitô dâng mình làm hy lễ theo nghĩa là Người tự ý chấp nhận chịu chết, chứ không phải theo nghĩa là tự sát. Như chúng ta đã biết, Người bị giết chứ không phải là Người tự tử. Tuy nhiên, Thánh Tôma cũng nói thêm rằng trong trường hợp này, những người giết Đức Giêsu là những tên lý hình chứ họ không phải là tư tế.
Đức Giêsu là tư tế, như chúng ta đọc thấy trong thư gửi tín hữu Híp-ri, và Người đã kiện toàn các hy lễ của Cựu Ước, được tóm lại trong ba công hiệu chính: hy lễ xá tội, hy lễ kỳ an, và hy lễ thượng hiến.
Dù sao, bên cạnh việc đối chiếu với các hy lễ của Cựu Ước, điều quan trọng mà Thánh Phaolô muốn nhấn mạnh đó là tâm tình dâng hiến của Đức Kitô, khởi đầu cho một quan điểm mới về chức tư tế trong Tân Ước.
Thực vậy, nơi các tôn giáo khác, chức tư tế được thực hành vào dịp dâng hy lễ, và hy lễ là một động vật hay thảo vật. Đức Kitô thực hiện chức tư tế từ khi vào đời cho đến lúc chết: Người tự nguyện dâng hiến cuộc đời để làm đẹp lòng Chúa Cha; tất cả các lời nói và hành động đều trở thành hành vi hiến dâng.
Thánh Phaolô cũng muốn đi theo con đường đó: thánh nhân quan niệm rằng các công cuộc hoạt động tông đồ cũng là hy lễ, như chúng ta đọc thấy trong thư gửi Rôma, chương 15, câu 16: “Tôi viết thế là dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi làm người phục vụ Đức Giêsu Kitô giữa các dân ngoại, lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để các dân ngoại được Thánh Thần thánh hóa mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Chúa”.
Dĩ nhiên tính cách hy lễ được biểu lộ cách rõ rệt hơn nữa nơi các chết kết liễu cuộc đời phục vụ, như người đã viết trong thư gửi gíao đoàn Philipphê, chương 2 câu 7.
Nói thế chưa đủ, Thánh Phaolô còn muốn cho các tín hữu hãy theo gương Chúa Giêsu hiến trót cuộc đời làm hy lễ đẹp lòng Chúa: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thế xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1-2).
Tóm lại, đặc trưng của chức tư tế Kitô Giáo ở chỗ dâng chính cuộc sống của mình làm hy lễ.
Trong Tân Ước, chúng ta đọc thấy nhiều đoạn văn đồng hóa tư tế và tế phẩm nơi Đức Kitô, chứ không móc nối với bàn thờ. Tuy nhiên trước khi tiếp tục vấn đề, thiết tưởng ta nên lưu ý đến từ ngữ trong tiếng Việt. Từ “bàn thờ” gồm bởi cái “bàn” và “thờ” có lẽ được hiểu là bàn để đặt đồ thờ, (chẳng hạn như khi nói đến “bàn thờ tổ tiên”).
Trong tiếng La Tinh, danh từ “altare” còn gợi lên nhiều ý tưởng khác nữa. Trước hết, nó được cất ở nơi cao “altus”, kế đến nó được móc nối với với việc tế lễ; vì thế có lẽ danh từ “tế đàn” xem ra dịch sát nghĩa hơn. Dĩ nhiên, khi nói đến bàn thờ, các tác giả Tân Ước và các giáo phụ không nghĩ đến tất cả các tôn giáo trên hoàn cầu, nhưng họ nhằm đến đạo Do Thái cách riêng, và cụ thể hơn nữa là phụng tự của đạo Do Thái vào giai đoạn cuối cùng ở đền thờ Giêrusalem.
Trong đền thờ này có hai bàn thờ: một bàn thờ ở tiền đường, dùng để tiến dâng lễ tế xá tội, lễ tế toàn thiêu; bàn thờ thứ hai, ở trong nơi Cực thánh, để tiến dâng hương thơm. Bàn thờ dâng tiến lễ toàn thiêu được nhắc đến nhiều hơn là bàn thờ dâng hương.
Khi bước sang Tân Ước, có thể nói được là chuyện bàn thờ không còn quan trọng nữa, xét vì ngay chính đền thờ cũng không còn giữ vị trí quan trọng trong công cuộc tế tự. Thực ra, nếu muốn nói chính xác hơn, dựa theo Tin Mừng Thánh Gioan, thì phải nói rằng chính Đức Kitô là đền thờ mới, bởi vì chính Người là cung điện của Thiên Chúa.
Vào những thế kỷ đầu tiên, khi Kitô Giáo chưa được tự do hành đạo, các tín hữu tập họp tại tư gia để cầu nguyện, và họ cử hành Thánh Lễ trên các chiếc bàn đơn sơ. Đến khi các đền thờ Kitô Giáo được xây cất, vấn đề ý nghĩa của bàn thờ được đặt ra.
Các giáo phụ đã sớm quy gán về Đức Kitô, không những bởi vì trên bàn thờ được cử hành Thánh Lễ tưởng niệm hy lễ của Đức Kitô, nhưng vì bàn thờ tượng trưng cho chính Đức Kitô nữa.
Thuật ngữ “Đức Kitô là Thượng Tế, hy lễ và bàn thờ” (sacerdos, victima et altare) đã xuất hiện nơi các giáo phụ thế kỷ thứ III, với chứng tích của ông Origene (+253, Hom. in Jos. viii. 6. Ipse esse ostenditur et sacerdos et hostia et altare). Việc giải thích này sớm ảnh hưởng đến đời sống thiêng liêng của các tín hữu cũng như kiến trúc của thánh đường.
Thực ra, đối với đời sống đạo, tư tưởng “Đức Kitô là bàn thờ” không thêm gì mới lạ so với tư tưởng “Đức Kitô là hiến lễ” và “Đức Kitô là đền thờ”, bởi vì điều mà các giáo phụ muốn nhấn mạnh là các tín hữu hãy cố gắng sống cuộc đời thánh thiện như là hiến lễ đẹp lòng Chúa.
Chúng ta có thể trích dẫn một đoạn văn tiêu biểu của Thánh Grêgôriô Cả: “Bàn thờ của Chúa là gì nếu không phải là linh hồn những người sống đời thánh thiện? Vì thế thật đúng lý để gọi bàn thờ của Thiên Chúa là trái tim của những người công chính” (Hom. super Ezech. II, 10, 19 : PL 76, 1069).
Chúng ta cũng đừng quên tư tưởng của Thánh Phêrô theo đó các tín hữu là những viên đá sống động làm nên đền thờ Thiên Chúa. Từ đó ông Origène kết luận rằng mỗi khi các tín hữu dâng lời cầu nguyện là họ dâng lên Chúa hy lễ đẹp lòng Chúa và góp phần vào việc kiến tạo bàn thờ của Chúa.
Như đã nói, trong những thế kỷ đầu tiên, các Kitô Hữu không quan tâm lắm đến ý nghĩa của bàn thờ: họ dâng Thánh Lễ trên bất cứ cái bàn nào cũng được. Đến khi xây cất những thánh đường nguy nga, người ta mới bắt đầu tìm hiểu ý nghĩa của bàn thờ.
Trước hết, xét vì bàn thờ là nơi diễn ra hy lễ Thánh Thể, cho nên người ta cố gắng dành cho nó hình thức xứng đáng với chức năng này, qua việc tìm những chất liệu quý báu (tựa như gỗ quý, hoặc đá cẩm thạch). Thứ đến, xét vì bàn thờ tượng trưng cho Đức Kitô, cho nên bàn thờ được đặt ở vị trí cao trong thánh đường, và được dành sự tôn kính đặc biệt, qua những nghi thức hôn kính bàn thờ, xông hương bàn thờ.
Nói đúng ra, không phải lúc nào người ta cũng có ý thức về bàn thờ như là biểu tượng của Đức Kitô. Có khi người ta coi đó như chỗ để cử hành hy lễ, vì thế bàn thờ được cất ở trên nơi cao, ra như tượng trưng cho núi Calvariô. Có khi người ta coi như là cái bàn để đồ thờ, vì thế trên đó người ta chất đầy đèn nến, bông hoa trên đó.
Vào những năm sau Công Đồng Vaticanô II, khuynh hướng chung là coi bàn thờ như là bàn tiệc thánh (mensa), vì thế người ta quan tâm đến hình thù của cái bàn hơn là tính cách tượng trưng cho Đức Kitô.
Trong khi đó, sách Phụng Vụ, cụ thể là Văn Kiện Hướng Dẫn Sách Lễ Rôma và Văn Kiện Dẫn Nhập Lễ Nghi Cung Hiến Bàn Thờ, đã muốn nhấn mạnh để ý nghĩa chính yếu của bàn thờ như là biểu tượng của Chúa Kitô, và từ đó đưa ra những hệ luận thực tiễn. Mỗi thánh đường chỉ nên có một bàn thờ, nơi tập trung chú ý của toàn thể cộng đoàn hướng về Chúa Kitô là Đấng Cứu thế duy nhất, cũng như hướng về một bí tích Thánh Thể của Hội Thánh, như Thánh Ignaxiô giám mục Antiôkia đã viết: “Chỉ có một thân xác của Đức Kitô Giêsu, chỉ có một chén bửu huyết của Người; chỉ có một bàn thờ, cũng như chỉ có một giám mục” (Ad Philadelphia, 4).
Theo truyền thống lâu đời của Giáo Hội, bàn thờ nên làm bằng đá quý, tuy rằng Hội Đồng Giám Mục có thể chấp thuận cho phép làm bằng chất liệu khác, miễn là xứng đáng, kiên cố và mỹ thuật.
Thánh Phaolô đã có lần ví Đức Kitô như viên đá được dân Do Thái mang theo trên sa mạc (1Cr 10,4). Chính Đức Giêsu đã tự ví mình như viên đá bị loại bỏ nhưng đã trở nên đá tảng góc tường (Lc 20,17; Ep 2,20) .
Một điều khác đáng lưu ý là bàn thờ được cung hiến cho Thiên Chúa, vì thế từ nay trong các nhà thờ mới cất, không được phép đặt tượng ảnh các thánh trên bàn thờ. Có thể duy trì việc đặt hài cốt ở dưới bàn thờ, nhưng không được phép đặt bình hài cốt lên trên mặt bàn thờ.
Ngoài ra còn nhiều biểu tượng khác nữa: trong nghi thức cung hiến bàn thờ, đức giám mục xức dầu thánh chrisma ở bốn góc và chính giữa mặt bàn thờ, kính nhớ việc Chúa Kitô được Thánh Thần xức dầu tấn phong. Sau đó xông hương bàn thờ, tượng trưng cho hiến lễ ngào ngạt hương thơm được dâng lên Chúa Cha. Những tấm khăn trải lên bàn thờ tượng trưng cho bữa tiệc hiệp thông giữa Thiên Chúa với loài người, nhờ hy lễ của Đức Kitô Ngôi Lời Nhập Thể. Những đèn nến sáng biểu hiệu cho Đức Kitô là ánh sáng trần gian.
Trước khi trả lời câu hỏi, thiết tưởng nên nhắc lại một chi tiết lịch sử.
Năm nay kỷ niệm đúng 90 năm lễ Chúa Kitô Vua được thiết lập do Đức Thánh Cha Piô XI, vào ngày 11 tháng Chạp năm 1925, với thông điệp Quas primas, để đánh dấu Năm Toàn Xá sắp kết thúc, và cũng để kỷ niệm 1600 năm Công Đồng Nixêa (năm 325), tuyên bố Đức Kitô đồng bản tính với Đức Chúa Cha.
Dĩ nhiên, vào thời ấy, chế độ quân chủ rất phổ biến trên thế giới, khác với ngày nay, khi các nhà lãnh đạo quốc gia mang tên là Tổng Thống, Chủ Tịch, chứ không gọi là Quốc Vương, Hoàng Đế nữa.
Tuy nhiên, xét về thực quyền, chưa chắc tổng thống hay chủ tịch thời nay có nhiều quyền hành như các vua dưới thời quân chủ, do nguyên tắc phân quyền giữa các ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp trong thể chế dân chủ. Quyền hạn của chức vụ tổng thống cũng thay đổi: tổng thống Hoa Kỳ có rất nhiều quyền, còn tổng thống ở Ý chỉ giữ vai trò tượng trưng, việc điều hành chính phủ được giao cho thủ tướng. Chúng ta cũng có thể nói như vậy về vai trò chủ tịch nước.
Dù sao, bài Tin Mừng Thánh Gioan đọc trong Thánh Lễ hôm nay đã nhắc nhở chúng ta đừng nên hiểu danh hiệu vua của Đức Giêsu theo nghĩa chính trị. Chúa Giêsu là Vua thật, nhưng vương quốc của Người không thuộc về trần gian này.
Khi nói vương quốc của Chúa Giêsu không thuộc về trần gian này, chúng ta đừng hiểu là vương quốc đó ở trên cung trăng; nhưng nên hiểu rằng vương quốc ấy không mang những hình thái chính trị theo như người đời thường hiểu.
Thực vậy, mỗi khi nghĩ tới vương quyền, người ta nghĩ đến địa vị, quyền lực, tài sản; còn Chúa Giêsu đã nhiều lần tuyên bố rằng Người đến để phục vụ chứ không phải để được hầu hạ. Hơn thế nữa, Người hiểu vương quyền theo một nghĩa khác: đó là “vương quyền của sự thật và sự sống, vương quốc của ân sủng và thánh thiện, vương quốc của công lý, tình thương, và bình an”, như được nói trong kinh Tiền Tụng của ngày lễ hôm nay. Người đã dành suốt cuộc đời, bằng lời nói và việc làm, để thực hiện vương quốc ấy, được gọi là “vương quốc của Thiên Chúa”.
Đây là điều đã gây ra nhiều tranh cãi vào thời Đức Giêsu. Người Do Thái đồng hóa vương quốc của Thiên Chúa với nền độc lập của xứ sở. Quan niệm này đã có từ xưa lắm rồi. Người Do Thái tin rằng dân tộc của họ được thành hình nhờ sáng khởi của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là Đấng kiến tạo quốc gia, đã ban bố lề luật.
Nói cách khác, Thiên Chúa đích thực là vua của Israel. Tuy về sau, một chế độ quân chủ đã được thiết lập kể từ vua Saul, nhưng các vị vua này chỉ là người thay mặt Thiên Chúa mà thôi, và các vua phải tuân theo luật lệ mà Chúa đã ban. Tiếc rằng sự bất tuân của họ đã gây ra cảnh mất nước nhà tan, lưu đày, mất chủ quyền.
Vào thời Chúa Giêsu, đất nước Israel bị đế quốc Rôma xâm chiếm: vì thế họ mong có một lãnh tụ, một vị cứu tinh sẽ dành lại độc lập, tái lập vương triều nhà Đavit.
Bên cạnh quan niệm chính trị về vương quyền Thiên Chúa, tượng trưng nơi nhóm Zelot, còn quan niệm luân lý về vương quyền, theo đó Thiên Chúa thực thi vương quyền khi nào con người suy phục và tuân giữ lề luật của Người. Nhóm Pharisiêu tượng trưng cho quan điểm ấy.
Chúa Giêsu không tán thành quan điểm chính trị của nhóm Zelot, như Người đã giải thích cho tổng trấn Philatô: “vương quyền của tôi không thuộc về thế gian này”. Chúa Giêsu cũng không hoàn toàn tán thành quan điểm luân lý của nhóm Pharisiêu, bởi vì việc tuân giữ lề luật của Thiên Chúa không chỉ giới hạn vào chữ viết, nhưng cần đi vào cái cốt lõi của nó là tình yêu.
Mặt khác, vương quyền này không chỉ giới hạn vào đời sống luân lý cá nhân, nhưng còn chi phối sinh hoạt xã hội nữa, như chúng ta thấy qua các hành động của Chúa Giêsu nhằm thực hiện vương quyền Thiên Chúa: chữa lành người bệnh, an ủi người sầu khổ, tha thứ cho kẻ tội lỗi, xua đuổi ma quỷ, cho người chết sống lại.
Một cách đặc biệt, Chúa Giêsu thực hiện vương quyền của Thiên Chúa bằng cái chết trên thập giá và sự phục sinh để diệt trừ tội lỗi và cái chết, tức là những biểu hiện của sự dữ trên thế gian.
Đúng thế, nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, vương quyền của Thiên Chúa đã được thiết lập trên trần gian này rồi. Tội lỗi của nhân loại đã được tha thứ. Lực lượng của sự dữ đã bị đập tan.
Nói khác đi, tuy không nên hiểu vương quyền của Thiên Chúa theo nghĩa là một chế độ cai trị trong một quốc gia, nhưng điều này không có nghĩa là nó hoàn toàn thiêng liêng, chỉ giới hạn trong tâm hồn con người. Đành rằng, một cuộc cải cách xã hội cần phải bắt đầu từ con tim, một con tim yêu thương, hoà giải, chứ không phải một con tim ích kỷ, căm thù, nhưng một con tim bình an cũng dẫn đến các hành động thân thiện với người chung quanh, thông cảm với những nỗi khổ đau của tha nhân.
Nhờ cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa, con người cũng muốn chia sẻ lòng thương xót ấy cho những người khác. Đây là một sứ mạng mà Đức Kitô uỷ thác cho các môn đệ của Người.
Mặt khác, cũng cần thêm rằng vương quyền của Thiên Chúa tuy đã được thiết lập rồi, nơi sự phục sinh của Đức Kitô, nhưng còn ở giai đoạn khởi đầu. Chúng ta mong đợi giai đoạn thành toàn của nó khi Đức Kitô quang lâm. Vào lúc ấy, theo như Thánh Phaolô đã viết trong thư I gửi Corintô, mọi sự dữ sẽ bị đập tan; sự dữ cuối cùng là cái chết. Lúc ấy, thật sự là thế giới này được đặt dưới vương quyền của Thiên Chúa, vương quốc của sự sống, của tình yêu, của công lý và hòa bình.
Như đã nói ở đầu, lễ này mới được thiết lập cách đây 90 năm, vào năm 1925. Từ đó đến nay, ý nghĩa của nó đã thay đổi nhiều, đặc biệt do thần học của Công Đồng Vaticanô II.
Khi Đức Piô XI thiết lập, danh xưng của ngày lễ chỉ là “Đức Kitô Vua”, và được mừng vào Chúa Nhựt cuối tháng 10. Tại sao vào cuối tháng 10? Bởi vì nó đi liền ngay trước lễ Các Thánh, những người đã được vào nước trời, nghĩa là vương quốc Thiên Chúa. Tuy nhiên, đức thánh cha còn có một ẩn ý khác.
Vào thời đó, nhiều quốc gia Công Giáo tại châu Âu muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi các văn bản luật pháp, họ muốn thực hiện một chính thể dân chủ, đặt nền tảng trên các nguyên tắc của lý trí. Lễ Chúa Kitô Vua muốn nhắc nhở các quốc gia ấy hãy nhớ rằng mọi thể chế chính trị cần được quy chiếu vào các điều răn của Chúa, các luật lệ quốc gia phải phù hợp với luật của Chúa.
Sau Công Đồng Vaticanô II, cuộc canh tân phụng vụ đã dời lễ này sang Chúa Nhựt cuối cùng của năm phụng vụ dưới danh xưng: “Đức Kitô Vua Vũ trụ”. Danh hiệu này muốn nói lột bỏ tất cả mọi màu sắc chính trị: đừng hiểu Đức Kitô là vua của một quốc gia nào, bởi vì Người là vua của vũ trụ. Lễ này được đặt vào cuối năm phụng vụ, như là lời chúc tụng tạ ơn vì những ân huệ đã lãnh nhận từ mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, (trọng tâm của phụng vụ), cách riêng những ân huệ đã lãnh nhận trong năm phụng vụ vừa qua.
Có rất nhiều hệ luận. Chúa Giêsu là vua, và Người muốn cho chúng ta cũng làm vua với Người, như chúng ta đọc thấy trong bài đọc thứ hai, trích từ sách Khải Huyền.
Một cách cụ thể hơn, Công Đồng Vaticanô II có nói đến việc các giáo dân được tham gia vào vương quyền của Đức Kitô, ở số 36 của Hiến Chế Lumen Gentium, và được sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo lặp lại ở các số 908-913.
Trước hết, tham gia vào vương quyền của Đức Kitô là được hưởng sự tự do của con cái Chúa, được giải thoát khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi, đam mê.
Kế đến, tham gia vào vương quyền của Đức Kitô có nghĩa là cố gắng để đưa các giá trị của Tin Mừng vào đời sống gia đình và xã hội, phù hợp với công lý và tình thương. Tôi nghĩ đây là điều mà các giám mục ước mong khi đề ra chương trình mục vụ cho năm tới là “Phúc Âm Hóa Đời Sống Xã Hội”.
Thứ ba, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo còn thêm một điều nữa, tham gia vào vương quyền của Đức Kitô có nghĩa là cộng tác vào việc phục vụ Giáo Hội, qua những hoạt động tông đồ, những trách nhiệm mục vụ trong giáo xứ và giáo phận, tuỳ theo khả năng mà Thánh Thần ban cho mỗi người.
Khi đọc Phúc Âm, ta thấy người ta gán cho Đức Giêsu nhiều danh xưng khác nhau, chẳng hạn như là “Ngôn sứ, Mêsia hay Kitô, Thầy, Rabbi, Chúa”. Nhưng đó là những danh xưng mà người khác gọi Người, chứ Người không tự xưng như vậy. Ngược lại, khi nói về bản thân của mình, thì Đức Giêsu xưng mình là “Con người”.
Trong Phúc Âm, danh hiệu “Con Người” xuất hiện 82 lần (Marcô 14 lần, Matthêu 30 lần, Luca 25 lần, Gioan 14 lần). Nếu muốn dịch cho sát chữ, thì phải nói “Con của người” (Fils de l’homme, Son of man) mới đúng. Đây là một thuật ngữ Do Thái đã gặp thấy từ Cựu Ước, với những ý nghĩa khác nhau, và rồi được Đức Giêsu sử dụng cũng với nhiều ý nghĩa khác nhau nữa.
Thực ra, trong nguyên gốc tiếng Do Thái, hạn từ “con của người” có nghĩa là “con của ông Ađam, con của loài người”, và chỉ có nghĩa là “một phần tử của nhân loại, phàm nhân”, hay nói tắt là “con người” giống như trong tiếng Việt.
“Con người” được hiểu về thân phận nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa, lại còn thêm điều kiện tội lỗi nữa. Ấy nhưng, Thiên Chúa đã đặt con người làm chủ tể muôn loại thụ tạo, như chúng ta đọc thấy trong Thánh Vịnh 8,5-6: “Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân”.
Tóm lại, con người ám chỉ thân phận phàm nhân. Tuy nhiên, ở trong sách Đaniel, chương 7, thì ta thấy một ý nghĩa khác. Trong một thị kiến, ông thấy xuất hiện bên cạnh ngai của Thiên Chúa (tượng trưng như một vị Lão thành), từ trên tầng mây, một kẻ “giống như Con Người”, và vị Lão thành trao cho người này quyền thống trị, vinh quang và vương vị. Ở đây, “Con Người” ám chỉ một nhân vật huyền bí, thuộc về thiên giới hơn là thuộc về hạ giới.
Như đã nói trên đây, Đức Giêsu đã nhiều lần tự xưng mình là “Con Người”, nghĩa là thay vì nói “tôi” (ở ngôi thứ nhất) thì dùng “Con Người” (ở ngôi thứ ba). Tuy nhiên, từ này mang nhiều ý nghĩa khác nhau, có khi ám chỉ thân phận khiêm tốn của con người, có lúc ám chỉ một uy quyền siêu phàm, và nhất là Con Người hiện đến để xét xử nhân loại trong ngày cánh chung.
Trái với những quan niệm đương thời mong chờ một đấng Mêsia đầy quyền lực vinh quang, Đức Giêsu trình bày đường lối hoạt động của mình như là một tôi tớ phục vụ: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ” (Mc 10,45).
Sinh hoạt của Người rất bình dị đơn sơ: “Con chồn có hang, con chim có tổ, còn Con Người không có chỗ dựa đầu” (Mt 8,20; Lc 9,58). Thân phận khó nghèo phục vụ đạt đến cao độ trong cuộc Tử Nạn: Đức Kitô quy gán cho mình tất cả những gì mà Isaia nói về người đầy tớ đau khổ của Thiên Chúa. “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại” (Mc 8,31).
Nên biết là trong ba lần tiên báo cuộc tử nạn Đức Giêsu đều dùng tiếng Con Người: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại” (Mc 9,31). “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư” (Mc 10,33).
Tuy nhiên, bên cạnh những đoạn văn nói đến điều kiện khiêm tốn của Đức Giêsu, chúng ta gặp thấy những đoạn văn khác trong đó tiếng “Con Người” hàm ngụ một thứ quyền bính, tuy không phải là quyền bính hiểu theo nghĩa trần tục.
Ta có thể lấy một thí dụ ngay từ những chương đầu tiên của Phúc Âm Thánh Marcô.
Khi người ta mang đến cho Người một người bại liệt, Đức Giêsu nói với anh: “Này con, con đã được tha tội rồi”. Thế rồi, trước những tiếng xì xèo của mấy kinh sư về lời nói bị coi là phạm thượng, Người trả lời: “Để các ông biết, ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Ta truyền cho con: hãy đứng dậy, vác lấy chõng mà đi về nhà!” (Mc 2,10).
Nên ghi nhận là nói rằng “Con Người có quyền tha tội” thì cũng như nói “Tôi có quyền tha tội”. Và ở cuối chương 2 của Phúc Âm theo Thánh Marcô, trong một cuộc tranh luận với người Pharisiêu về việc tuân giữ ngày Sabát, Đức Giêsu tuyên bố: “Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bat” (2 2,27).
Trong Phúc Âm theo Thánh Matthêu, ta lại gặp thấy tiếng “Con Người” trong dụ ngôn về hạt giống và cỏ lùng: “Kẻ gieo giống là Con Người” (Mt 13,37). Và rồi, vài hàng tiếp theo đó, chúng ta thấy hạn từ Con Người được dùng theo nghĩa thứ ba, nghĩa cánh chung: “Đến ngày tận thế, Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người”.
Đúng thế, trong các đoạn văn vừa kể trên đây, chúng ta có thể nhận thấy rằng từ “Con Người” được hiểu như là con người (phàm nhân), hoặc là trong điều kiện tôi tớ phục vụ, hoặc là trong vị thế uy quyền.
Thế nhưng trong Phúc Âm, ta còn thấy tiếng “Con Người” được dùng để ám chỉ một nhân vật huyền bí, từ trời cao theo như sách Đaniel chương 7. Ý nghĩa này được gặp thấy trong hai hoàn cảnh.
Hoàn cảnh thứ nhất là bài giảng về ngày tận thế được thuật lại trong Phúc Âm nhất lãm, chẳng hạn như trong bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, trích từ Luca chương 21 câu 27: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”.
Hoàn cảnh thứ hai là trong phiên toà xét xử tại dinh Thượng Tế. Vị này hỏi Người: “Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng đáng chúc tụng không?”; và Người đáp lại: “Phải chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14,61-62). Vì câu nói này mà Đức Giêsu bị kết tội là phạm thượng và lãnh án tử hình.
Ta thấy “Con Người” không còn ám chỉ một người phàm, nhưng là một vị ngự bên hữu Thiên Chúa, nghĩa là ngang hàng với Thiên Chúa. Sau này, theo sách Tông Đồ Công Vụ (7,56), ông Têphanô bị kết án tử hình cũng vì tội đó, khi ông nói rằng “Kìa tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa”.
Thực khó mà biết được tại sao Đức Giêsu lại thích sử dụng một từ ngữ với nhiều nghĩa như vậy. Các học giả đoán rằng có lẽ bởi vì nó diễn tả được bản tính bí ẩn của Người. Người là Thiên Chúa vừa là người.
Tiếng “Con Người” theo truyền thống Do Thái rất thích hợp để diễn tả thân phận con người của Đức Giêsu, một con người không những giống như bao người khác mà còn chấp nhận số phận đau khổ hơn bất cứ con người nào.
Mặt khác, dựa theo sách Đaniel chương 7, Con Người cũng là một nhân vật thuộc thiên giới, ở bên cạnh Thiên Chúa, và được Thiên Chúa trao ban quyền cai quản vũ trụ.
Trong Phúc Âm thứ bốn, hai ý nghĩa chính của tiếng Con Người (vừa là phàm nhân vừa thuộc thiên giới), được kết nạp lại trong hình ảnh môi giới giữa trời và đất, thí dụ như ở chương 1, câu 51, khi Đức Giêsu nói với ông Natanael: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”.
Ở chương 3, câu 13, Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống”, để rồi sang chương 6, câu 63, thì lại nói: “Con Người lên nơi đã ở trước kia”.
Dù sao, trong Phúc Âm theo Thánh Gioan, ta thấy một tư tưởng trùng hợp với tư tưởng bài Phúc Âm hôm nay, đó là Con Người được Chúa Cha ban quyền xét xử (Ga 5,27). Khi nói đến sự xét xử, nhất là sự xét xử cánh chung, chúng ta đừng vội hình dung ra một vị thẩm phán ngồi toà.
Thực vậy, trong Kinh Thánh, xét xử không chỉ có nghĩa là xử kiện (xem ai phải ai trái), nhưng còn có nghĩa là cai trị nữa. Đức Giêsu, sau khi đã chấp nhận thân phận tôi tớ, vâng phục ý của Chúa Cha để thực hiện chương trình cứu độ nhân loại bằng thập giá, nay đã sống lại hiển vinh, và chia sẻ với Thiên Chúa quyền cai quản vũ trụ, sự cai quản đượm nhuần tình thương và công lý, chứ không phẩi sự cai quản của vũ lực.
Ngoài ra cũng nên thêm một ý kiến nữa khi giải thích hình ảnh Con Người ngự trên đám mây, đó là dựa theo một tư tưởng của Thánh Phaolô gọi Đức Kitô là Ađam mới (1Cr 15,45-49), nghĩa là Người đã tái lập vẻ nguyên tuyền của con người như là hình ảnh Thiên Chúa và được đặt làm chủ tể vạn vật. Vì tội lỗi ông Ađam cũ đã làm mất vẻ huy hoàng đó. Ngày nay, nhờ công trình cứu độ, Đức Kitô đã cho con người được chia sẻ vinh quang Thiên Chúa. Điều này sẽ được biểu lộ vào ngày cánh chung, ngày phán xét và cũng là ngày phục sinh của toàn thể nhân loại.