Chúng ta quen đọc hai kinh Tin Kính: một kinh ngắn được đặt tên là kinh “Tin Kính các Thánh Tông đồ”, trong đó xem ra đức tin về Chúa Thánh Thần chỉ giới hạn vào câu ngắn ngủi vừa kể, rồi tiếp đó là “Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này”.
Kinh thứ hai dài hơn, đọc trong Thánh Lễ Chúa Nhựt, được đặt tên là “Tín biểu Công Đồng Constantinopolis”. Trong kinh này, phần dành cho Ngôi Ba dài hơn, bởi vì Công Đồng Constantinopolis đã được triệu tập năm 381 để xác định đức tin về bản tính của Chúa Thánh Thần. Chúng ta sẽ phân tích nội dung của kinh này.
Dù sao, đừng nên quên rằng, khi đối chiếu các tín biểu (nghĩa là biểu thức đức tin) vào thời cổ, người ta thấy cấu trúc của nó gồm ba phần, tương ứng với tác động của Ba Ngôi Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ.
Phần thứ nhất nói về Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất. Phần thứ hai dài hơn cả, nói về Chúa Con, đã Nhập Thể, đã chịu tử nạn và sống lại, lên trời và sẽ trở lại xét xử trần gian. Phần thứ ba được dành cho Chúa Thánh Thần, Đấng tác động trong Hội Thánh và dẫn đưa nhân loại đến sự sống vĩnh cửu.
Như đã nói, trong tín biểu Constantinopolis chúng ta nhận thấy lời tuyên xưng về Chúa Thánh Thần phong phú hơn cả, gồm có hai đề tài chính: thứ nhất là bản tính của Người; thứ hai là tác động của Người. Nói vắn tắt, công đồng trả lời hai câu hỏi: Người là ai? Người làm gì?
Có lẽ trong tiếng Việt, từ “Thánh Thần” cũng có nghĩa tương tự như “thần thánh” vậy thôi. Trong tiếng Do Thái, ruah có nghĩa là: khí, gió, sức lực. Cựu Ước đã nói đến ruah Yahweh, (thường được dịch là “thần khí Chúa”), được hiểu như là sức mạnh, nghị lực của Thiên Chúa, tác dụng trong thiên nhiên và đặc biệt trong lịch sử của dân Do Thái.
Thần Khí Chúa gợi lên những vị cứu tinh, những nhà lãnh đạo, những ngôn sứ. Thuật ngữ ấy cũng xuất hiện trong Tân Ước. Một câu hỏi được đặt ra hồi thế kỷ IV là: phải chăng trong Tân Ước, “thần khí Chúa” ám chỉ sức lực của Thiên Chúa hay là một ngôi vị?
Dựa trên các bản văn Tân Ước và các giáo phụ, công đồng khẳng định rằng “Thần Khí Chúa là một ngôi vị”. Công đồng Constantinopolis đã tuyên xưng 5 điều liên quan đến bản tính của Ngôi Ba.
Thứ nhất, Người là “Đấng Thánh” (to hagion); có nghĩa là Người thuộc hàng thần linh.
Thứ hai, Người là “Chúa” (to kyrion).
Thứ ba, Người là Đấng ban sự sống (zoopoion). Cả ba đặc tính này đều nói đến thiên tính của Người.
Thứ bốn, Người phát xuất từ Chúa Cha. Thuật ngữ này lấy từ Tin Mừng Gioan 15,26, muốn nói rằng Người cùng bản tính Thiên Chúa như Chúa Cha, chứ không phải là thụ tạo.
Thứ năm, Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Cha và Con. Đây chỉ là một hệ luận; xét vì Người cũng là Thiên Chúa như Cha và Con, cho nên Người cũng phải nhận được sự thờ lạy và chúc tụng giống như hai vị kia.
Thoạt tiên dường như các bản kinh Tin Kính chỉ nói về bản tính của Thánh Thần mà thôi, rồi bước qua những điều tuyên xưng liên quan đến Hội Thánh. Tuy nhiên, khi đối chiếu các bản kinh cổ truyền, người ta thấy những chân lý liên can tới Hội Thánh đều được đặt trong phần thứ ba dành cho Thánh Linh (chứ không phải trong phần thứ hai liên quan đến Đức Kitô).
Các chân lý về Hội Thánh họp thành một mệnh đề duy nhất với chủ từ là Thánh Linh: “Tôi tin kính Thánh Linh hiện diện ở trong Hội Thánh” (Credo in Spiritum Sanctum - qui est - in ecclesia). Như vậy, cũng như công trình tạo dựng được gán cho Chúa Cha, công trình cứu chuộc được gán cho Chúa Con, thì công trình thánh hóa được gán cho Chúa Thánh Thần, đấng được tuyên xưng là Đấng Thánh và ban sức sống.
Người thánh hóa Hội Thánh, hay nói theo Cha Congar, khi bình giảng về bốn đặc điểm của Hội Thánh, “Người liên kết Hội Thánh nên một, Người thánh hóa Hội Thánh, Người duy trì Hội Thánh trung thành với đạo lý các tông đồ, Người giúp cho Hội Thánh được lan rộng tới muôn dân. Chính Người tha tội ban lại cho chúng ta sự sống thần linh, và thông ban sự sống bất tận khi cho thân xác chúng ta sống lại”.
Như vậy có nghĩa là Hội Thánh hoàn toàn nằm trong tay của Chúa Thánh Thần: Thánh Linh ban sức sống cũng như giúp cho Hội Thánh biểu lộ được bản chất của mình. Nói khác đi, tất cả phần thứ ba của kinh Tin Kính nói đến các tác động của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh và trong thế giới, đưa nhân loại đến cứu cánh tối hậu là cuộc sống vĩnh cửu.
Ở số 4 của Hiến Chế về Hội Thánh, Công Đồng Vaticanô II đã kể ra đến chín tác động của Thánh Linh:
Mỗi lời khẳng định đều kèm theo trưng dẫn các đoạn Kinh Thánh, đặc biệt là các bản văn của Thánh Gioan, Thánh Phaolô và Thánh Luca.
“Đặc sủng” hay có khi được dịch là “đoàn sủng” do từ charisma trong tiếng Hy Lạp Tân Ước. Tự nó, charisma chỉ có nghĩa món quà, tặng phẩm; nhưng trong các thư, Thánh Phaolô đã dùng danh từ ấy 16 lần để nói về các hồng ân mà Thánh Linh ban cho các tín hữu nhằm xây dựng cộng đồng. Như vậy, “đặc sủng” hay “đoàn sủng” có nghĩa là: ơn đặc biệt được Thánh Linh ban cho một vài tín hữu nhằm tới ích lợi của cộng đoàn (chứ không nhằm tới ích lợi cá nhân).
Thánh Phaolô đã cung cấp bốn bản liệt kê các đặc sủng ở thư thứ nhất gửi giáo đoàn Corintô, chương 12 với hai danh sách: ở các câu 8-10 và các câu 28-30; một danh sách thứ ba trong thư gửi Rôma, chương 12, các câu 6-8; và danh sách thứ bốn trong thư gửi Ephêsô chương 4 câu11.
Có điều là bốn danh sách không hoàn toàn trùng hợp với nhau. Từ đó, các nhà chú giải kết luận rằng Thánh Phaolô không chủ ý liệt kê tất cả mọi đặc sủng, nhưng chỉ nêu lên vài thí dụ gặp thấy ở vài cộng đoàn. Thực vậy, không thể nào giới hạn tác động của Thánh Linh được. Người thổi đâu tùy ý.
Khác vì nhiều lý do. Lý do thứ nhất là về nền tảng Kinh Thánh; lý do thứ hai về chức năng.
Thứ nhất, xét về nguồn gốc, đạo lý về bảy ơn dựa trên một đoạn văn của Isaia, chương 11, câu 2. Ngôn sứ này nói đến một vị vua lý tưởng thuộc dòng dõi Đavít, được thần khí trang điểm với các nhân đức lỗi lạc vượt xa các tiền bối. Thần Khí Giavê sẽ đáp xuống trên vị ấy: thần khí khôn ngoan và trí tuệ (giống như 70 bô lão và Salomon), thần khí mưu lược và hùng mạnh (giống như Đavit), thần khí hiểu biết và kính sợ Giavê (giống như các tổ phụ Abraham, Isaac, Giacob, Môsê).
Theo nguyên bản Do Thái, ta thấy có 6 đức tính ghép từng đôi một; thế nhưng không hiểu vì lý do gì đức tính chót (kính sợ Giavê) lại được lặp lại ở câu 3 tiếp theo (“Người được đầy tràn thần khí kính sợ”). Có lẽ vì muốn tránh sự trùng hợp lặp lại, cho nên bản dịch Hy Lạp (LXX) và La Tinh (Vulgata) đã đổi “kính sợ Chúa” (yirath Yahweh) ở câu 2 ra thành “hiếu thảo” (eusebia, pietas). Từ đó, có thể đếm được bảy đức tính: trong Kinh Thánh, số 7 tượng trưng cho sự sung mãn vẹn toàn.
Tuy nhiên, đang khi ông Isaia hiểu về các đức tính của vị Mesia, thì các giáo phụ áp dụng cho cả các Kitô Hữu dưới tác động của Thánh Linh.
Lý do khác biệt thứ hai ở chỗ các đặc sủng chỉ được ban cho một vài người, còn bảy ơn Thánh Linh được ban cho tất cả mọi Kitô Hữu. Không ai lãnh được tất cả mọi đặc sủng; ngược lại, một người có thể lãnh nhận tất cả bảy ơn Chúa Thánh Thần. Dựa theo tư tưởng của Thánh Phaolô tông đồ, Thánh Tôma còn rút thêm một sự khác biệt thứ ba nữa, đó là các đặc sủng được ban để phục vụ cộng đoàn (vì vậy cũng gọi là “đoàn sủng”), và chưa chắc người lãnh nhận nó là thánh nhân. Đối lại, bảy ơn Chúa Thánh Thần đi kèm theo đức mến, và giúp cho người tín hữu được nên thánh, được gắn bó sâu xa hơn với Thiên Chúa.
Theo Thánh Tôma, bảy nhân đức đã đủ để đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa, đặc biệt là ba nhân đức tin-cậy-mến. Nhưng trong hành trình lên với Chúa, các nhân đức được ví như là nỗ lực gắng sức của chúng ta, còn bảy ơn Chúa Thánh Thần được ví như làn gió thổi vào cánh buồm đẩy mạnh chiếc thuyền. Vì thế các sư phụ thường phân hành trình tâm linh làm hai giai đoạn: giai đoạn đầu, đặt tên là “tu đức”, đòi hỏi cố gắng của cá nhân, làm sao trở nên thuần thục cho Thánh Linh hướng dẫn; giai đoạn hai được đặt tên là “huyền bí” trong đó chủ động là Thánh Linh, Đấng dìu dắt chúng ta nhanh đến sự thánh thiện.
Cả hai đều trùng nhau ở một chỗ là “ân huệ của Chúa Thánh Thần”, nghĩa là phát xuất từ một nguồn gốc. Duy có điều là Chúa Thánh Thần ban rất nhiều ơn, cho nên người ta dùng nhiều từ ngữ để mô tả những ân huệ ấy. Dù sao chúng ta đừng quên rằng các từ ngữ này bắt nguồn từ tiếng La Tinh, rồi sau đó được dịch sang các ngôn ngữ khác.
Một số từ ngữ mới được du nhập vào tiếng Việt trong thời gian gần đây, đôi khi còn trong giai đoạn thử nghiệm và có lẽ sẽ còn thay đổi. Chúng ta hãy lấy danh xưng của chính Ngôi Ba Thiên Chúa thì đủ rõ. Cho đến đầu thế kỷ XX, các nhà truyền giáo không dịch sang tiếng Việt, mà chỉ phiên âm từ tiếng La Tinh là “Đức Phiritô Santô”; dần dần, người ta mới gặp các từ “Thánh Thần, Thánh Linh, Thần Khí”: cả ba danh từ đều bắt nguồn từ một danh xưng tiếng La Tinh Spiritus Sanctus. Hiểu như vậy, chúng ta đừng ngạc nhiên khi các ân huệ của Chúa Thánh Thần được gọi bằng nhiều từ ngữ khác nhau. Chúng ta bắt đầu từ một thành ngữ “Bảy Ơn Chúa Thánh Thần”.
Trong não trạng người Do Thái, số 7 tượng trưng cho sự dồi dào, sung mãn. Ở Việt Nam, chúng ta thường nói đến “thập toàn”, nghĩa là lấy số 10 làm tiêu biểu cho sự trọn vẹn; còn người Do Thái ít đòi hỏi hơn, và chỉ lấy số 7 thôi; từ đó chúng ta thấy có 7 bí tích, 7 nhân đức (và 7 nết xấu), cũng như tuần lễ 7 ngày.
Thực ra khi nói đến 7 ơn Chúa Thánh Thần, thần học không chỉ muốn nói rằng Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta rất nhiều ơn dồi dào, nhưng còn muốn nói đến đích danh 7 ơn cụ thể, được Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo liệt kê ở số 1831, đó là: ơn khôn ngoan, ơn thông minh, ơn biết lo liệu, ơn can đảm, ơn hiểu biết, ơn đạo đức, ơn kính sợ Thiên Chúa.
Dựa trên đoạn văn Isaia 11,2. Ngôn sứ này nói đến một vị vua lý tưởng thuộc dòng Đavít, được thần khí trang điểm với các nhân đức lỗi lạc vượt xa các tiền bối. Thần Khí Giavê sẽ đậu xuống trên vị ấy: thần khí khôn ngoan và trí tuệ (như 70 bô lão và Salomon), thần khí mưu lược và hùng mạnh (như Đavít), thần khí hiểu biết và kính sợ Giavê (như các tổ phụ Abraham, Isaac, Giacop, Mose).
Theo nguyên bản Do Thái, ta thấy có 6 đức tính ghép từng đôi một; thế nhưng không hiểu vì lý do gì đức tính cuối cùng (kính sợ Giavê) lại được lặp lại ở câu 3 tiếp theo (“Người được đầy tràn thần khí kính sợ”). Có lẽ vì muốn tránh sự trùng lặp lại, cho nên bản dịch Hy Lạp (LXX) và La Tinh (Vulgata) đã đổi “kính sợ Chúa (yirath Yahweh)” ở câu 2 ra thành “hiếu thảo” (eusebia, pietas). Dĩ nhiên, theo văn bản Kinh Thánh, tất cả các đức tính vừa nói (dù 6 hay 7) đều ám chỉ về vị Thiên Sai, nghĩa là về Đức Kitô. Tuy nhiên, kể từ Thánh Augustinô, truyền thống Kitô Giáo đã áp dụng vào đời sống của mỗi tín hữu dưới ảnh hưởng của Thánh Thần.
Bảy ơn được sắp xếp theo một thứ tự cao thấp, với việc giải thích bản tính như sau:
1/ Ơn Khôn Ngoan (hoặc cao minh Sapientia), giúp cho ta gắn bó với Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc thực.
2/ Ơn Thông Hiểu (hoặc hiểu biết, Intellectus), ban cho ta sự hiểu biết sâu xa các chân lý đức tin.
3/ Ơn Minh luận (hoặc thông minh, Scientia) giúp ta phán đoán giá trị của các thụ tạo theo ánh sáng đức tin.
4 / Ơn Chỉ Giáo (cũng được dịch là: biết lo liệu, Consilium), ban cho ta biết chọn lựa con đường nào hợp với ý Chúa và ngoan ngoãn để cho Chúa hướng dẫn.
5/ Ơn Sùng Hiếu (hoặc hiếu thảo, đạo đức: Pietas), ban cho ta lòng tôn thờ Thiên Chúa với tinh thần con thảo và liên hệ với mọi người như những con cái cùng Cha.
6/ Ơn Can Đảm (hoặc hùng mạnh, Fortitudo), vượt thắng mọi khó khăn hoặc chịu đựng đau khổ bằng sức mạnh Chúa ban.
7/ Ơn Kính Sợ Thiên Chúa (Timor Domini), tránh tội và loại bỏ sự quyến luyến của cải trần thế khi nó làm mất lòng tôn kính yêu mến Chúa.
Có hai cách để trả lời câu hỏi đó, tuỳ theo cách ta hiểu “ơn Chúa Thánh Thần” theo nghĩa nào.
Theo một nghĩa rộng, “ơn Chúa Thánh Thần” được hiểu về sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần; hiểu theo nghĩa này, thì phải nói rằng tất cả chúng ta cần đến Người, bởi vì Người được Thánh Phaolô đồng hóa với “tình yêu”, mà chúng ta cần được đổ tràn vào tâm hồn ngõ hầu có thể yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Thánh Phaolô nói rằng nếu không có Thánh Thần trợ giúp thì chúng ta cũng chẳng biết cầu nguyện thế nào.
Theo một nghĩa hẹp hơn về 7 ơn Chúa Thánh Thần, thì sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (số 1831) nói rằng vai trò của chúng là hoàn thành các nhân đức và đưa các nhân đức đến mức trọn hảo.
Thật ra, Sách Giáo Lý Hội Thánh lấy lại quan điểm của Thánh Tôma Aquinô, theo đó, 7 ơn Chúa Thánh Thần đến kiện toàn 7 nhân đức. Các nhân đức giúp chúng ta nên những người đức hạnh đẹp lòng Chúa, nhưng nói được là các hành vi ấy còn là của ta. Chúa Thánh Thần đến giúp chúng ta bằng 7 ân huệ, để tăng cường cho các hành vi trở thành như là siêu phàm.
Các nhà tu đức thường chia hành trình tu đức thành hai chặng: ở chặng đầu, chúng ta phải nỗ lực chống lại các nết xấu và thực hành nhân đức, giống như chèo thuyền ra khơi; ở chặng thứ hai thì chính Chúa hoạt động nơi ta, tựa như chiếc thuyền căng buồm cho gió thổi, nhờ đó ta sẽ tiến bộ nhanh chóng.
Vì thế, vấn đề then chốt là chúng ta cố gắng ngoan ngoãn lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần thúc giục, luôn vươn lên đến sự thánh thiện.
Nếu cứ phân tích từ ngữ, thì “đặc sủng” có nghĩa là ơn đặc biệt, theo nghĩa là không phải ai cũng lãnh được. Thực ra, đặc sủng được dịch bởi danh từ charisma gốc tiếng Hy Lạp và được chuyển âm sang tiếng La Tinh và các sinh ngữ khác.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo mô tả bản chất của chúng ở các số 799 đến 801. Các đặc sủng cũng là những ơn của Chúa Thánh Thần, được ban cho các tín hữu nhằm ích lợi cộng đoàn. Chính vì thế mà đôi khi cũng được dịch là “đoàn sủng”.
Đạo lý về các đặc sủng được quảng diễn đặc biệt trong thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô, chương 12 và 13; đạo lý cũng được đề cập trong thư gửi Rôma và thư gửi Ephêsô. Như vậy ta thấy có sự khác biệt giữa đạo lý về các đặc sủng (được nói nhiều trong Tân Ước) và đạo lý về 7 ơn Chúa Thánh Thần (chỉ có 1 bản văn trong Cựu Ước). Nhưng trong lịch sử thần học Kitô Giáo, thì đạo lý về 7 ơn Chúa Thánh Thần được nói nhiều trong các sách giáo lý, còn đạo lý về các đặc sủng thì hầu như vắng bóng.
Trong các thư của Thánh Phaolô, chúng ta thấy có bốn danh sách các đặc sủng: 1Cr 12,8-10 và 28-30; Rm 12,6-8; Ep 4,11. Tuy nhiên, khi đối chiếu các bản danh mục ấy ta thấy có những điểm trùng hợp được lặp lại; từ đó các học giả kết luận rằng Thánh Phaolô không có chủ ý kê khai hết tất cả các thứ đoàn sủng một cách tỉ mỉ chi tiết (xét vì không ai có thể lường được hết những tác động của Thánh Thần), cho bằng hướng dẫn việc sử dụng chúng.
Trong bốn danh sách các đoàn sủng, người ta đếm tới 20 thứ. Các học giả đã đề ra những lối phân loại khác nhau, thí dụ: các đặc sủng ngoại thường (nói tiếng lạ, chữa bệnh) và thông thường (dạy dỗ, rao giảng, an ủi); một tiêu chuẩn khác dựa theo hình thức hoạt động, tựa như: tri thức (ngôn sứ, dạy dỗ, khuyên lơn) và thực hành (quản trị, hướng dẫn, phục dịch.v.v…).
Dù sao, như vừa nói, không thể nào liệt kê hết các đặc sủng: chúng có thể thay đổi tuỳ theo nhu cầu của mỗi cộng đoàn hoặc tuỳ theo thời đại. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (số 799) nhắc lại lời khuyên của Thánh Phaolô, rằng các đặc sủng có thể là lạ thường nổi tiếng, nhưng cũng có thể là đơn giản và khiêm tốn.
Chúng ta dễ bị thu hút bởi những đặc sủng phi thường (chẳng hạn như chữa bệnh, nói tiếng lạ) mà bỏ qua những đặc sủng phục vụ âm thầm kín đáo. Đó cũng là tình trạng của các tín hữu ở Corintô, khiến cho Thánh Phaolô phải lên tiếng.
Giáo huấn của người có thể tóm lại trong ba điểm sau:
1/ Các đoàn sủng tuy nhiều nhưng cũng phát xuất từ một nguồn gốc (tức là Thánh Thần) và cũng nhằm về một mục tiêu là để xây dựng Hội Thánh. Do đó, không có lý do gì mà những người đã nhận được đoàn sủng lại đâm ra ghen tị nhau. Trái lại, tất cả cần bổ túc cho nhau như những chi thể hợp tác với nhau để cho toàn thân được sống.
2/ Hiểu như vậy, không nên khinh rẻ lẫn nhau, coi ơn này cao quý hơn ơn nọ. Trong một thân thể, những cơ quan coi như kín đáo, thấp kém hơn cả lại là cần thiết cho sự sinh tử hơn cả. Dù sao, đặc sủng cao quý đáng cho hết mọi người thèm khát là đức mến: nếu không có đức mến thì tất cả đều là hão huyền.
3) Mặt khác, Phaolô cũng không quên lưu ý về sự cảnh giác để nhận định đâu là đoàn sủng thực hay giả. Thực vậy, tuy phải tinh tế kẻo dập tắt ơn Thánh Thần, nhưng không phải tất cả các hiện tượng kỳ lạ đều xuất phát từ Thánh Thần. Vai trò phân định thần khí được uỷ thác cho các mục tử của Hội Thánh.
Trong các sách Phụng Vụ bằng tiếng Việt, lễ hôm nay được gọi là “Chúa Thánh Thần Hiện Xuống”; nhưng trong nguyên bản La Tinh thì lễ này được gọi là Pentecostes (gốc tiếng Hy- lạp) có nghĩa là 50 ngày (chuyển sang chữ Hán là “Ngũ Tuần”). Vì thế, nếu xét theo nguyên bản La Tinh, thì chỉ có một lễ Ngũ Tuần; còn nếu xét theo tiếng Việt, “Chúa Thánh Thần Hiện Xuống” thì phải nói rằng có nhiều lần.
Không phải thế. Trước đây, nhiều sách giáo lý và thần học thường đặt khởi đầu của sự can thiệp của Thánh Linh từ lễ Ngũ Tuần (quen gọi là lễ Hiện xuống). Nhưng khi nghiên cứu Kinh Thánh và các giáo phụ, chúng ta thấy rằng Thánh Linh đã tác động ngay từ lúc khai nguyên vũ trụ.
Vì thế, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (từ số 702 đến 730) đã gom lại những sự can thiệp của Thánh Linh trong lịch sử cứu độ vào ba giai đoạn như sau: 1) Thời hứa hẹn: tạo dựng, giao ước; ngôn sứ. 2) Thời viên mãn của Đức Kitô. 3) Thời chót của Hội Thánh.
Thời hứa hẹn kéo dài từ lúc tạo dựng vũ trụ cho đến hết thời Cựu Ước. Thời viên mãn trùng hợp với thời gian tại thế của Đức Kitô. Thời thứ ba là giai đoạn của Hội Thánh cho đến cánh chung.
Đành rằng phải chờ cho đến Tân Ước, thì mạc khải về Thánh Linh như là một Ngôi vị mới rõ ràng; thế nhưng sau khi đã lãnh nhận mạc khải đó, các Kitô Hữu đã đọc lại toàn thể lịch sử cứu độ và đã nhận ra tác động của Thánh Linh ngay từ lúc tạo dựng.
Trong khi phân tích các bản văn Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta đã thấy nói tới ruah Yaweh (thần khí Chúa) không những đã hiện diện vào hồi tác tạo vũ trụ, nhưng còn tiếp tục duy trì cho các sinh vật được hiện hữu. Nếu Thiên Chúa rút thần khí lại thì mọi vật tan tành thành mây khói.
Thánh Linh được kêu cầu như là “Thần Khí Tác Tạo” (Creator Spiritus). Ngoài ra, trong lịch sử của Israel, thần khí Chúa đã can thiệp cách đặc biệt khi gợi dậy bao nhiêu sứ giả cứu tinh, đặc biệt là các ngôn sứ: đó là điều mà chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Thánh Linh đã phán dạy qua các ngôn sứ” (x.1Pr 1,11; 2Pr 1,21).
Hơn nữa, trong những văn kiện sau công đồng, Thánh Gioan Phaolô II đã nhiều lần nói tới hoạt động của Thánh Linh vượt lên mọi biên cương của không gian và thời gian (thí dụ: thông điệp Dominum et Vivificantem số 53, Redemptor Hominis số 6). Lời khẳng định này mang theo nhiều hệ luận quan trọng cho công tác truyền giáo của Hội Thánh.
Ai ai cũng biết rằng Hội Thánh đã được sai đi mang Tin Mừng cứu rỗi đến cho muôn dân. Tuy nhiên, các nhân viên phục vụ Tin Mừng cần phải khiêm tốn nhìn nhận rằng không phải họ là những người tiên phong mang chân lý vào chỗ hoàn toàn u mê tăm tối. Không phải như vậy, Thánh Linh đã đi trước họ rồi: Người đã dọn đường cho Tin Mừng qua những hạt giống chân lý gieo vào lòng các dân tộc, các nền văn hóa, và nhất là trong thâm tâm của mỗi người. Từ đó, nhà truyền giáo không nên có thái độ ngạo nghễ của một người đi xâm chiếm vùng đất hoang vu, nhưng cần có thái độ kính cẩn đi rón rén, kẻo giày đạp những hạt giống chân lý mà Thánh Linh đã gieo trước đó (x.Cv 10,47).
Chúng ta đọc thấy tư tưởng này trong thông điệp Redemptoris Missio ở số 28-29; 56, tông huấn Ecclesia in Asia số 15-16. Nên biết là vào hồi Trung Cổ, Thánh Tôma Aquinô đã viết rằng đâu có dấu vết chân lý thì đấy có Thánh Linh (“Omne verum, a quocumque dicatur, a Spiritu Sancto est”: ST I-II,109,a.1,1m); còn Đức Gioan Phaolô II thì chú trọng cách riêng tới lời cầu nguyện chân chính như là dấu chỉ sống động của Thánh Linh. Thực vậy, Thánh Phaolô trong Rm 8,26 có nói rằng Thánh Linh đến giúp chúng ta cầu nguyện vì chúng ta không biết tìm lời lẽ xứng đáng thân thưa với Chúa; hậu nhiên, khi ta gặp thấy lời cầu nguyện đích đáng thì cần phải coi đó như tác động của Thánh Linh (Dominum et vivificantem số 65; Redemptoris Missio số 29).
Dựa theo từ ngữ của Tân Ước, Sách Giáo Lý đặt tên cho giai đoạn hai là “Thời viên mãn”: Đức Giêsu đã xuất hiện trong thế giới như sự thực hiện những lời Chúa hứa với các tổ phụ. Trong bối cảnh này, tác động của Thánh Linh cũng đánh dấu một bước tiến mới.
Tân Ước đã cho thấy Thánh Linh tác động trong cuộc đời của Đức Giêsu, từ khi Nhập Thể đến lúc Phục Sinh; rồi từ biến cố Phục Sinh, Thánh Linh trở nên hồng ân mà Đức Kitô ban cho nhân loại. Trong suốt cuộc đời ấy, có ba biến cố mà Thánh Linh can thiệp cách đặc biệt, đó là: vào lúc nhập thể, lúc lĩnh phép rửa, và trên thập giá.
(1) Thật vậy, Mátthêu và Luca (tác giả của Tin Mừng thời thơ ấu) đều giải thích việc Đức Maria thụ thai Đức Giêsu là do quyền năng của Thánh Linh (Mt 1,20; Lc 1,35). Điều này đã được tuyên xưng trong tất cả các tín biểu: “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người”. Dựa theo các giáo phụ, Thánh Tôma Aquinô giải thích rằng vai trò của Thánh Linh là kết hợp Ngôi Lời với nhân tính (gratia unionis), nhờ đó mà Đức Giêsu được sung mãn ân sủng và chân lý để thông truyền cho chúng ta với tư cách là đầu của Nhiệm thể (x. ST III, q.2,aa.10-12; q.6,a.6; q.7,a.13).
(2) Biến cố can thiệp lần thứ hai của Thánh Linh là vào lúc Đức Giêsu lĩnh phép rửa ở sông Giođan, tất cả bốn Phúc Âm đều mô tả sự xuất hiện của Thánh Linh (Mt 3,18; Mc 1,10; Lc 3,21; Ga 1,32). Dựa theo Cv 10,37-38, nhiều giáo phụ (thí dụ: Irênêô, Adversus Haereses, 3,18,3; Ambrôsiô, De Spiritu Sancto 1,3,44) đã giải thích biến cố đó như Đức Giêsu được Thánh Linh xức dầu (Kitô, trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là người được xức dầu), để khởi sự sứ mạng ngôn sứ và cứu tinh (x. Is 42,1). Như chúng ta đã biết, chính nhờ quyền năng của Thánh Linh đáp xuống trên mình mà Đức Giêsu mang Tin Mừng đến cho người nghèo (Lc 4,18), giải phóng con người khỏi vòng nô lệ của ma quỷ (Mc 3,22-20; Mt 12,28), bệnh tật, tội lỗi, chết chóc (Mt 8,17; 12,15-21; Cv 10,38).
(3) Sau hết, biến cố Đức Kitô bị treo lên Thập Giá được Thánh Gioan giải thích như là sự tôn vinh Thiên Chúa. Thiên Chúa được tôn vinh vì đã mạc khải tình yêu của Người qua việc trao ban Con Một mình cho nhân loại (Ga 3,16). Thánh Gioan không mô tả cái chết của Đức Giêsu trên Thập Giá như một thảm kịch đau thương cho bằng như một sự mạc khải của tình yêu trao hiến. Sự trao hiến đạt đến mức tột đỉnh khi mà tặng phẩm không phải là một “đồ vật” mà là một “nhân vật”: Thánh Linh chính là nhân vật được trao tặng.
Thực vậy, Thánh Gioan cho thấy rằng “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30) vào lúc mà Đức Giêsu tắt thở; thế nhưng Gioan đã mô tả sự tắt thở không phải như sự trút hơi lìa đời mà là “trút ban thần khí”. Chương trình yêu thương cứu rỗi của Thiên Chúa được hoàn tất do việc Đức Kitô hiến mạng sống mình cho những bạn hữu mình yêu, và cử chỉ tình yêu ấy được đóng ấn với sự trao ban Thánh Linh.
Thánh Linh đã được ban phát ngay từ hồi nguyên thủy, nay được ban ra dồi dào từ cái chết của Đức Kitô, như mạch suối nước hằng sống (Ga 19,30; x.7,37-39). Việc trao ban Thánh Linh được biểu thị cách hữu hình vào lúc Đức Kitô Phục Sinh hà hơi trên các tông đồ: “Các con hãy nhận lãnh Thánh Linh” (Ga 20,22).
Thánh Phaolô đã nói rất nhiều về việc Thánh Linh được trao ban từ cuộc Phục Sinh của Đức Kitô (thí dụ Rm 1,4; 8,11) để trở thành sinh lực cho chúng ta, biến chúng ta thành con cái Chúa, và là bảo chứng cho việc chúng ta sẽ sống lại mai hậu.
Như đã nói ở đầu, trong bản văn La Tinh, hôm nay không phải là lễ Thánh Thần Hiện xuống, nhưng là lễ Ngũ Tuần. Đối với người Do Thái, lễ Ngũ Tuần kỷ niệm biến cố Thiên Chúa ban bố giao ước trên núi Sinai, 50 ngày sau khi được cứu thoát khỏi cảnh nô lệ bên Ai-cập. Đối với các Kitô Hữu, chúng ta cũng mừng kỷ niệm giao ước mới.
Các ngôn sứ Gieremia và Edekiel đã nói đến giao ước mới được ghi khắc trong con tim. Giao ước ấy hiển hiện qua việc trao ban Thánh Linh. Lễ Ngũ Tuần cũng là ngày ra mắt của Hội Thánh, Hội Thánh của giao ước mới.
Nên biết là trong Tông Đồ Công Vụ, Thánh Luca còn kể lại nhiều cuộc hiện xuống của Thánh Linh, thí dụ: ở chương 4,31 (sau khi cộng đoàn tín hữu cầu nguyện trong cơn bách hại); chương 8,17 cho dân Samari; chương 10,44 cho dân ngoại (x.19,6). Thần học gọi đó là một vài biểu hiện bên ngoài của Thánh Linh. Những hoạt động âm thầm của Người còn nhiều hơn nữa.
Thánh Linh là hơi thở nuôi sống Hội Thánh; Người rút hơi lại thì Hội Thánh tiêu tan. Theo Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, (số 688), Thánh Linh vẫn tiếp tục thổi hơi vào Hội Thánh qua bảy nơi sau đây: 1/ nơi Kinh Thánh mà Thánh Linh linh ứng; 2/ nơi Thánh Truyền; 3/ nơi Huấn Quyền; 4/ trong phụng vụ bí tích; 5/ trong các đoàn sủng và tác vụ; 6/ trong các dấu chỉ của đời sống tông đồ và truyền giáo; 7/ nơi chứng tá của các thánh.
Trước khi trả lời cho những câu hỏi vừa nêu lên, tôi xin phép lưu ý hai điểm sau đây: thứ nhất, không phải lúc nào chim bồ câu cũng tượng trưng cho Chúa Thánh Thần; thứ hai, Chúa Thánh Thần không phải chỉ được tượng trưng bằng chim bồ câu mà thôi.
Tôi xin bắt đầu với điểm thứ nhất, đó là: chim bồ câu không chỉ dành để tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Phong tục bình dân cũng như nghệ thuật còn dùng chim bồ câu để tượng trưng cho những thực tại khác nữa. Một biểu tượng đầu tiên là tính chất đơn sơ thật thà, dựa trên lời của Chúa Giêsu: các con hãy khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim câu (Mt 10,6). Một biểu tượng nữa là tâm hồn trong trắng. Chúng ta còn nhớ tích chuyện Thánh Biển Đức thấy linh hồn của cô em của mình, Scholastica, bay về trời dưới dạng của chim bồ câu.
Một biểu tượng khác, quen thuộc hơn với chúng ta, đó là hoà bình tượng trưng bởi con chim câu ngậm cành ô liu. Nguồn gốc của điển tích này là sách Sáng Thế: sau khi lụt hồng thủy đã cạn rồi, ông Noe thả con quạ ra đi thám thính; quạ ta thấy nhiều xác chết nên có chỗ làm ăn và không quay về tàu nữa; đến lượt ông Noe thả con chim câu ra, nó lượn một lát vội quay trở về liền. Bảy ngày sau, ông Noe lại thả nó ra, lần này nó bay đi một lát và trở về miệng ngậm cành ô liu, cho thấy nước đã cạn rồi. Và cũng từ đó, hình ảnh con chim câu ngậm cành ô liu tượng trưng cho cảnh vật đã trở lại thanh bình sau những thời giặc giã xáo trộn.
Những ý nghĩa vừa nói của chim bồ câu rất dễ hiểu. Nhưng mà còn có những ý nghĩa khác có vẻ thâm thúy hơn, hoặc phải quen với Kinh Thánh thì mới hiểu được. Thí dụ như chim bồ câu tượng trưng cho hạng người thanh bạch, vì dựa theo tục lệ của Cựu Ước quy định về việc dâng lễ phẩm: dân nhà nghèo không có tiền sắm lễ vật đắt tiền thì kiếm lấy đôi chim câu để dâng cho Chúa. Tục lệ đó được thánh sử Luca nhắc tới (2,24) khi thuật lại rằng ông Giuse và bà Maria dâng hài nhi Giêsu vào đền thờ, và sau đó đã chuộc lại với đôi chim câu.
Một ý nghĩa nữa có lẽ hơi xa lạ với tâm tình người Việt, đó là chim câu tượng trưng cho tình nhân. Chúng ta thấy biểu tượng này ở trong Kinh Thánh, sách Diễm Tình Ca. Ở chương 1, câu 15, (và chương 4 câu 1) đôi mắt của cô nàng được ví như những bồ câu. Sang chương 2 câu 14 (và chương 5 câu 2), cô ta được gọi là “bồ câu của anh ơi”! Thánh Vịnh cũng nói tới cánh bồ câu lướt bay mau lẹ (68,14; 55,7).
Tôi chắc thế nào khi thấy con chim câu với cành ô liu cũng có người liên tưởng tới Chúa Thánh Thần, Thánh Thần của an bình thuận hoà, hiệp nhất. Nhưng nguồn gốc gần hơn cả của việc tượng trưng Chúa Thánh Thần với chim bồ câu lấy từ Tân Ước.
Chị còn nhớ cảnh Chúa Giêsu lãnh phép rửa ở sông Hoà giang (Giođan) chứ? Các Phúc Âm đều thuật lại liền đó tầng trời mở ra, một chim câu đáp xuống trên Đức Giêsu, đồng thời có tiếng phán trên không trung: “Này là Con Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”.
Đã có nhiều lối giải thích khác nhau.
Có người thì cho rằng Phúc Âm muốn ví việc Thánh Thần đáp xuống cách êm thắm tựa như chim bồ câu (J. Jeremias).
Có người thì liên tưởng đến cảnh tạo dựng nói ở sách Sáng Thế (1,2), khi thần khí lượn trên mặt nước, được truyền thống Do Thái so sánh với chim bồ câu: như vậy Thánh Thần được ví như là khai mào công cuộc tái tạo vũ trụ với sứ mạng của Đức Kitô.
Có người thì liên tưởng tới cảnh chim bồ câu của Noe sau cơn hồng thủy, là là mãi mới tìm được chỗ đáp: một cách tương tự như vậy, Chúa Thánh Thần đã tìm thấy nơi Đức Giêsu một bãi tốt để đáp xuống, đổ tràn xuống những hồng ân mà ngôn sứ Isaia đã loan báo.
Dĩ nhiên, đây là một sự gán ghép nhiều hình ảnh chồng chất lên nhau. Bởi vì Thánh Thần đáp xuống trên Đức Kitô tại sông Hoà giang (Giođan) dưới hình bồ câu, cho nên từ đó mỗi lần mô tả việc Chúa Thánh Thần đến thì các hoạ sĩ đều vẽ hình chim bồ câu.
Thí dụ như trong cảnh Truyền Tin cho Đức Mẹ ở Nazareth, nhiều khi chúng ta thấy hoạ sĩ vẽ bồ câu đáp xuống trên đức trinh nữ, nhằm diễn tả lời của Thiên Sứ Gabriel đọc thấy ở Tin Mừng theo Thánh Luca, chương 1 câu 35: “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên chị”.
Trở lại với vấn đề lễ Hiện xuống thì sách Tông Đồ Công Vụ tả lại biến cố này dưới hình ảnh lưỡi lửa. Thực ra thì các bức tranh vẽ cảnh nhà tiệc ly đều có các lưỡi lửa trên đầu Đức Mẹ Maria và các thánh tông đồ.
Có lẽ cần phải tách ra hai hình ảnh khác nhau: một bên là lưỡi và một bên là lửa.
Lưỡi là cơ quan để mà nói; vậy thì có thể hiểu là Chúa Thánh Thần ban cho các tông đồ ơn để nói. Nói không những theo nghĩa là đi giảng Tin Mừng mà còn theo nghĩa là nói lên lời tán dương ca rao những kỳ công của Chúa: nói cách khác, lời để giảng và lời để ca khen chúc tụng. Tuy nhiên, lưỡi ở đây còn có nghĩa sâu hơn nữa.
Trong tiếng La Tinh, lưỡi (lingua) còn có nghĩa là ngôn ngữ, tiếng nói (thí dụ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt, tiếng Tàu thì cũng đều nói được là “lưỡi” (langue) Anh, Pháp, Việt, Tàu vv).
Các nhà chú giải Kinh Thánh đều nhận thấy rằng biến cố Hiện Xuống lật lại tình thế của tháp Baben. Tại Baben, vì tội kiêu ngạo loài người đã bị phân tán thành nhiều ngôn ngữ bất đồng, chẳng ai hiểu ai nữa. Còn trong ngày Hiện Xuống, thì tuy có nhiều lưỡi (tức là nhiều ngôn ngữ) nhưng tất cả đều có thể nghe và hiểu được Tin Mừng. Đây là dấu hiệu tính cách hoàn vũ của Hội Thánh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần: tuy bao gồm nhiều chủng tộc ngôn ngữ khác nhau, nhưng tất cả đều hợp nhất trong một đức tin.
Lửa thường ám chỉ cái gì sốt nóng. Trong trường hợp này, nó có thể ám chỉ lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng; nhưng tiên vàn nó ám chỉ tình yêu sốt mến được đốt lên bởi Thánh Thần của tình yêu (Sách Diễm Ca 8,6 đã ví tình yêu với lửa).
Những ý nghĩa đó còn được biểu lộ qua phẩm phục màu đỏ dùng trong phụng vụ lễ Hiện Xuống (đỏ như lửa). Ngoài ra, Thánh Antôn Pađôva (năm nay kỷ niệm 800 năm sinh nhật), đã ví 7 công hiệu của lửa tương ứng với 7 ơn Chúa Thánh Thần như sau:
Thứ nhất, lửa đốt rụi làm cho những cây cao phải ngã gục; tương ứng với ơn kính sợ Chúa, làm cho ta nên khiêm nhường.
Thứ hai, lửa hàn sì những nứt nẻ, tương ứng với ơn thảo hiếu hàn gắn những tâm hồn chia rẽ.
Thứ ba, lửa soi sáng vào chỗ tối tăm, tương ứng với ơn thông hiểu.
Thứ bốn, lửa thâm nhập thấu tới những chỗ cứng cỏi nhất tựa như sắt; tương ứng với ơn mạnh bạo.
Thứ năm, lửa luôn bừng cháy lan rộng, tương ứng với ơn chỉ giáo, thúc đẩy hành động chứ không chịu ở yên.
Thứ sáu, lửa luôn bốc lên cao, tương ứng với ơn minh luận, hướng về những sự trên trời.
Thứ bảy, lửa đi tới đâu thì tăng thêm năng lượng tác động tới đó; tương ứng với ơn khôn ngoan thượng trí, điều khiển tất cả các hành vi nhân đức (Prediche. Nel dì di Pentecoste).
Chắc chị đã biết là trong tiếng Do Thái, “thánh thần” (ruah) có nghĩa là gió. Sách Tông Đồ Công Vụ kể lại rằng trong ngày Hiện Xuống có tiếng động, gió thổi mạnh. Nhưng mà làm sao mà vẽ được gió? Chỉ có cách là biểu thị qua những hậu quả của nó, tựa như các cửa bị bật toang, hay là các ngọn lá bị cuộn trong cơn lốc.
Một hình ảnh nữa là bàn tay hay cánh tay, dựa trên Phúc Âm theo Thánh Luca 11,20 (Mt 12,28). Thánh ca kinh chiều lễ Hiện Xuống cũng gọi Thánh Thần là “ngón tay thần hiệu Chúa thiên đàng”, lẽ ra dịch sát là: ngón tay hữu của Chúa Cha (digitus paternae dexterae): ngón tay (bàn tay) ám chỉ quyền năng tác động: Chúa Thánh Thần là Đấng tác tái tạo vạn vật.
Dựa theo Phúc Âm Thánh Gioan, Thánh Thần cũng được biểu thị như mạch nước hằng sống tuôn ra (Ga 7,37-39).
Sau cùng, có nơi còn vẽ Thánh Thần dưới hình của một đám mây: trong Cựu Ước, đám mây biểu lộ sự tỏ hiện vinh quang Chúa; trong sứ điệp truyền tin cho Đức Maria, Thiên Sứ Gabriel sau khi khẳng định: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên chị” liền thêm “quyền năng Đấng Tối cao sẽ rợp bóng trên chị”, một hình ảnh của đám mây phủ hòm bia thánh trong Cựu Ước (Lc 1,35; Xh 16,10).
Để kết luận, nên biết rằng truyền thống của Giáo Hội không chấp nhận hình dung Chúa Thánh Thần như một nhân vật, mà chỉ chấp nhận qua những biểu tượng nói lên tác động của Người mà chúng ta đã điểm qua: chim bồ câu, lửa, lưỡi, ngón tay hay bàn tay, mạch suối, đám mây (xem thêm Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 694-701).
Không ai biết được hình dạng của Chúa Thánh Thần như thế nào. Đây là một điểm khác biệt với Chúa Giêsu, là Lời Thiên Chúa đã Nhập Thể nơi một con người lịch sử. Vì thế, chúng ta không thấy những icôn của Thánh Thần, nhưng chỉ có những biểu tượng của Người một phần trích từ Tân Ước, phần khác dựa theo những cảm nghiệm của các thánh nhân.
Biểu tượng quen thuộc hơn hết là chim bồ câu, xuất hiện lúc Đức Giêsu lãnh phép rửa ở sông Giođan. Chim bồ câu này gợi cho chúng ta con chim câu ngậm cành ô liu báo tin lụt hồng thuỷ đã chấm dứt (sách Sáng Thế chương 8 câu 11).
Chim bồ câu trở thành biểu tượng của hồng ân hoà bình, hay nói chung là ân huệ từ trên ban xuống. Theo chiều hướng này, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo từ số 694 đến số 701 đã liệt kê rất nhiều hình ảnh và biểu tượng của Chúa Thánh Thần, đó là: gió, nước, dầu, lửa, áng mây, ánh sáng, dấu ấn, bàn tay, ngón tay. Ở đây chúng ta chỉ chú trọng đến hình ảnh của lửa.
Lửa mang nhiều biểu tượng lắm, trong đời sống tự nhiên cũng như trong đời sống siêu nhiên. Giá trị của lửa thay đổi tuỳ nơi tuỳ thời.
Ở xứ nóng như Việt Nam, khi hàn thử biểu lên cao, thì chúng ta nói “trời nóng như lửa”, và chúng ta cố gắng giảm cơn nóng đó bằng mọi phương tiện trong tầm tay: quạt giấy, quạt điện, máy lạnh, hoặc dội nước. Như vậy lửa là cái gì xấu mà chúng ta muốn xua đuổi.
Nhưng nếu ở xứ lạnh, thì chị mong có chút lửa để sưởi ấm: nhà nghèo thì đốt củi, nhà giàu thì đốt lò sưởi.
Từ hai thí dụ đơn giản, chúng ta thấy rằng lửa mang hai công dụng trái ngược nhau. Nếu mở rộng ra toàn thể cuộc đời và nhất là mở rộng đến toàn thể lịch sử nhân loại thì ta sẽ thấy nhiều cách đánh giá khác nhau về lửa hơn nữa.
Đại khái, có người cho rằng văn minh nhân loại bắt đầu từ khi con người đã khám phá ra lửa, từ đó nó đã làm thay đổi bộ mặt của trái đất này nhờ làm chủ được năng lượng; nhưng ngược lại, mỗi lần nghe nói đến núi lửa thì phải khẳng định ngược lại: nó đã tàn phá bao nhiêu công trình của nhân loại.
Chúng ta cũng phải kể thêm ý kiến của các triết gia thời cổ, theo đó lửa là một trong năm yếu tố cấu thành nên vạn vật (ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hỏa, thổ).
Có chứ! Trong nhiều tôn giáo, lửa không phải chỉ là hiện tượng thiên nhiên, nhưng còn là biểu tượng của Thiên Chúa nữa.
Dĩ nhiên, có những tôn giáo đã phong thần cho tất cả các hiện tượng thiên nhiên, dù là mặt trời mặt trăng, hoặc gió (thần phong), mưa (thần vũ), lửa (thần hỏa), vân vân. Kinh Thánh của người Do Thái đã tách rời Thiên Chúa ra khỏi các hiện tượng thiên nhiên, bởi vì chúng chỉ là thụ tạo của Thiên Chúa mà thôi.
Tuy nhiên, các tác giả Kinh Thánh trong Cựu Ước đôi khi coi lửa như là biểu tượng của việc Thiên Chúa xuất hiện, và họ diễn tả qua nhiều cách thức.
Một cách thức bình dân hơn cả là hình dung Thiên Chúa cũng giống như loài người, vì thế có lúc nổi giận, và cơn giận của Người bừng bừng như lửa. Tiếc rằng cơn giận của Người không biểu lộ qua sắc mặt, nhưng qua công hiệu, tức là Người đã dùng lửa tiêu diệt những kẻ tội lỗi.
Một ấn tượng khá sâu đậm từ cổ thời được ghi lại trong sách Sáng Thế (chương 19) là việc Chúa trừng phạt thành phố Sođôma vì những tội lỗi tày trời của dân chúng, và đã phóng lửa diêm sinh từ trời thiêu rụi thành. Từ đó, các ngôn sứ và tác giả Sách Thánh thường diễn tả sự trừng phạt tội lỗi qua việc thiêu đốt, cách riêng là vào thời cánh chung khi Thiên Chúa ra tay can thiệp để thiết lập công lý trên địa cầu.
Đúng vậy. Chúng ta thường nghĩ tới lửa hỏa ngục như là cực hình của lửa hỏa lò để hành hạ tội nhân, nhưng thiết tưởng đó không phải là ý nghĩa chính: lửa không biểu lộ sự nóng nảy ngột ngạt cho bằng sự tiêu huỷ tựa như khi ta đốt rác rưởi đồ vô dụng.
Tuy nhiên, cho đến đây, chúng ta mới chỉ nói đến một biểu tượng và có phần tiêu cực là thiêu hủy. Lửa còn mang nhiều biểu tượng khác, và tích cực hơn.
Khi Chúa hiện ra với ông Mosê, thì ông thấy lửa ở bụi gai, nhưng lửa ấy không đốt cháy bụi gai; vì thế ông mới tò mò đến gần để điều tra (Sách Xuất Hành chương 3 câu 2), và đến khi Chúa hiện ra để trao giao ước cho ông, thì sách Xuất Hành chương 24 câu 17 lại nói đến lửa.
Lửa ở đây là biểu tượng của sự uy nghi, cũng tựa như sấm chớp vậy. Đây là hình ảnh mà một số thánh vịnh sử dụng để mô tả sự “thần khải” (nghĩa là việc Chúa tỏ hiện), thí dụ thánh vịnh 97 (câu 3-5): “Ngọn lửa hồng mở lối tiên phong / đốt tiêu tan địch thù tứ phía. Ánh chớp của Người soi sáng thế gian / địa cầu trông thấy mà run sợ / núi tan chảy như sáp / khi diện kiến thánh nhan / vị Chúa tể hoàn cầu”.
Ngôn sứ Edêkiel mô tả thị kiến mà ông tiếp xúc với Thiên Chúa như là một cỗ xe bừng lửa (1,4-28).
Thiên Chúa cũng dẫn dắt dân Israel trong sa mạc bằng cột lửa.
Một biểu tượng tích cực khác của lửa là dấu chỉ của sự chấp nhận, chẳng hạn như khi lửa từ trời xuống đốt hy-lễ toàn thiêu của vua Đavit (1 Sbn 21,26), của vua Salomon (2 Sbn 7, 1), của ngôn sứ Elia trên núi Carmêlô (1 Vua 18,38).
Các biểu tượng của lửa vừa nói trên đây dựa theo các bản văn của Cựu Ước.
Sang thời Tân Ước, ta thấy nhiều tư tưởng Cựu Ước được tiếp nhận, và đồng thời cũng có những tư tưởng mới được du nhập.
Chúng ta đã nói qua sự tiêu diệt của lửa như là sự phán xử vào thời cánh chung. Vào lúc Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ, thì ông Gioan Tẩy giả đã loan báo rằng thời cánh chung đã bắt đầu, và đe doạ rằng ai không thống hối thì sẽ bị lửa thiêu đốt (Mt 3,10-12). Có lẽ vì vậy mà ông đã hơi thất vọng khi thấy Chúa Giêsu không tiêu diệt phường tội lỗi nhưng ngược lại, Người đã đến mang ơn tha thứ cho họ.
Thực ra, chính Chúa Giêsu đã có lần tuyên bố rằng Người đến để ném lửa vào thế gian và ước mong cho nó bùng lên (Lc 12,49-50), nhưng dựa theo mạch văn, có lẽ Người không nói đến việc tiêu diệt thế gian, cho bằng đến chính cái chết của mình. Xem ra lửa ở đây nói lên lòng ước ao mãnh liệt.
Dù sao, giữa một bên là lửa thiêu huỷ và một bên là lửa yêu mến, ta cũng có thể nói đến một công hiệu thứ ba, đó là lửa canh tân đổi mới, đốt cái gì nhơ bẩn, và hâm nóng cái gì nguội lạnh. Chúng ta thấy một thí dụ ở nơi ngôn sứ Isaia, khi ông được lửa thanh luyện khỏi mọi nhơ bẩn để xứng đáng lãnh nhiệm vụ ngôn sứ.
Đúng vậy, tuy không phải chỉ có thế mà thôi. Chúng ta hãy duyệt lại các bản văn móc nối Thánh Thần với lửa thì sẽ thấy.
Có hai bản văn chính: thứ nhất là lời tiên báo của Thánh Gioan Tẩy giả; thứ hai là trình thuật lễ Ngũ Tuần. Bản văn thứ nhất được kể lại trong Tin Mừng Matthêu và Luca. Ông Gioan tuyên bố về sứ mạng của Đức Kitô như thế này: “Tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi ... sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3,11 và Lc 3,16).
Có tác giả giải thích “lửa” theo nghĩa của sự phán xét cánh chung, nghĩa là sự trừng phạt. Tuy nhiên, có tác giả lại móc nối với biến cố Ngũ Tuần,
“Thánh Thần và lửa” trong tiếng Hy Lạp cũng có nghĩa là “gió và lửa” (bởi vì pneuma trong tiếng Hy Lạp cũng có nghĩa là gió, hơi thở), và giải thích rằng Matthêu và Luca muốn nói đế thời Chúa Giêsu như là thời đại trao ban Thánh Thần. Câu chuyện này đưa chúng ta đến biến cố Ngũ Tuần. Việc Chúa Thánh Thần hiện xuống dưới hình lưỡi lửa mang nhiều ý nghĩa biểu tượng đã hàm ngụ từ Cựu Ước.
Ý nghĩa thứ nhất là sự thần hiện (nghĩa là việc Thiên Chúa tỏ hiện) cũng tựa như xưa kia Thiên Chúa đã hiện ra với ông Mosê qua bụi lửa.
Ý nghĩa thứ hai là “giao ước mới”. Ta có thể giải thích từ ngữ “phép rửa bằng lửa” (đối lại với phép rửa của ông Gioan Tẩy giả) theo nghĩa ấy: Chúa Thánh Thần được ban cho Hội Thánh như giao ước mới, vào dịp lễ Ngũ Tuần khi dân Do Thái mừng lễ kỷ niệm thiết lập giao ước Sinai. Giao ước mới được khắc trong con tim chứ không trên bia đá, như Thánh Phaolô đã lưu ý trong 2Cr 3,3.
Ý nghĩa thứ ba kèm theo nghĩa vừa rồi là sự thanh tẩy: trước đây, phép rửa bằng nước của ông Gioan đã là dấu hiệu thanh luyện tội lỗi rồi; bây giờ phép rửa bằng lửa lại càng có sức thanh luyện hơn nữa. Thật vậy, lửa của Chúa Thánh Thần thanh luyện các môn đệ khỏi sự nhút nhát sợ sệt, và ban cho họ sự can đảm để tuyên xưng đức tin.
Ý nghĩa thứ bốn cũng tương tự như ý nghĩa vừa kể: lửa là ý tưởng soi sáng, giúp cho các môn đệ hiểu biết kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, cũng như xưa kia Chúa đã dẫn dắt dân Người bằng cột lửa.
Ý nghĩa biểu tượng thứ năm của lửa là tình yêu. Sách Diễm Ca đã có lần ví tình yêu như lửa, nhưng có lẽ tác giả hiểu về lửa của đam mê. Bây giờ Chúa Thánh Thần đốt lên ngọn lửa của tình yêu, nguồn động lực cho mọi hoạt động tông đồ bác ái, và đồng thời cũng là động lực xây dựng cộng đoàn Hội Thánh. Không lạ gì mà phụng vụ cầu khẩn như sau: “Lạy Chúa Thánh Thần, Ngài làm cho các dân tộc tuy ngôn ngữ bất đồng nhưng vẫn cùng tuyên xưng một đức tin duy nhất, xin ngự đến tâm hồn các tín hữu và làm cho họ cháy lửa yêu mến Ngài. Xin Chúa sai Thánh Linh xuống tác tạo mọi sự, và canh tân bộ mặt trái đất.”