Đoạn văn của bài đọc được trích từ chương mở đầu của thư thứ hai gửi Corintô, câu 22, và được phụng vụ dùng làm mô thức cho bí tích Thêm Sức. Tuy nhiên, ý nghĩa của nó trong nguyên bản thì rộng hơn là bí tích Thêm Sức. Để hiểu rõ vấn đề hơn, chúng ta sẽ đi từng bước.
Trước hết là tìm hiểu những ý nghĩa của “ấn tín” trong xã hội cổ truyền, cách riêng trong thế giới Do Thái và Hy Lạp và Rôma, tức là bối cảnh văn hóa của Kinh Thánh. Thứ hai, chúng ta hãy khảo sát những bản văn Tân Ước nói đến ấn tín và mối tương quan với Chúa Thánh Thần. Sau cùng, chúng ta sẽ xem truyền thống Giáo Hội đã hiểu ấn tín Chúa Thánh Thần như thế nào.
Câu hỏi thứ nhất: ấn tín là gì?
Trong tiếng Hán Việt, “ấn tín” có nghĩa là: con dấu để làm tin. Ấn là con dấu. Trong các công văn, người ta đóng con chấm để bảo đảm tính cách xác thực của chữ ký. Ngày nay, cái triện đã khắc sẵn rồi, chỉ cần chấm mực và in lên trên tờ giấy thôi. Thời xưa, cái triện được giữ riêng, hoặc đeo trong người hoặc trên tay (như đeo nhẫn), và khi cần thì mới rút ra và đóng ấn.
Đó mới chỉ một kinh nghiệm của chúng ta ở Việt Nam; còn trong xã hội Do Thái và Rôma cổ thời, ấn tín không chỉ được sử dụng để thị thực công văn nhưng còn mang công dụng khác nữa: nó đánh dấu quyền sở hữu trên một đồ vật, một thú vật và đặc biệt là một con người. Cách đây không lâu ở Việt Nam người ta còn dùng thanh sắt đỏ để đánh dấu trên các con bò, đôi khi chỉ là con số để phân biệt mỗi con, nhưng đôi khi cũng để xác nhận quyền sở hữu nữa bằng cách thêm tên hoặc một dấu hiệu gì của ông chủ.
Trong bối cảnh đó, cũng dễ hiểu tục lệ thời xưa khắc tên ông chủ trên thân thể của người nô lệ (được coi như tài sản của ông), và tên của vua trên thân thể người lính. Đừng ai nghĩ rằng đóng ấn như vậy là hạ giá nhân phẩm đâu: các quân nhân hãnh diện vì được phục vụ hoàng đế hoặc binh chủng của mình. Tục lệ này là nguồn gốc của tục xâm mình vẫn còn tồn tại không những nơi các binh sĩ, mà còn nơi nhiều bạn trẻ: họ xâm hình của một thần tượng nào đó, hay đơn giản, tên của tình nhân trên thân thể của mình.
Đúng thế. Khi bàn về bí tích thêm sức, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1295, đã kể ra những ý nghĩa sau đây: ấn tín như là dấu chỉ uy quyền, dấu chỉ quyền sở hữu; ấn tín chứng thực một văn kiện pháp lý, ấn tín niêm phong một tài liệu.
Thực vậy, Kinh Thánh đã dùng từ “ấn tín” hoặc theo nghĩa đen hoặc theo nghĩa bóng, đặc biệt khi nói về Thiên Chúa.
Theo sách Gióp, chương 38, Thiên Chúa đóng ấn trên vạn vật, ra như xác nhận chủ quyền trên chúng. Nơi khác, ấn tín được hiểu như dấu chứng thực, chẳng hạn như ấn tín chứng thực cho sứ mệnh của một ngôn sứ, được nói ở Isaia, chương 8 câu 13-14.
Lúc khác, ấn tín được hiểu về dấu niêm phong giữ kín, chẳng hạn như ông Đaniel (12,4) và Isaia (29,11) nói đến cuốn sách bí mật. Tuy vậy, việc Chúa tha thứ tội lỗi cho con người cũng được ví như là đóng ấn niêm phong, nghĩa là Chúa bỏ qua, không còn muốn nói tới nữa (Giop 14,17; Hosea 13,12).
Những ý tưởng này cũng gặp thấy trong Tân Ước, chẳng hạn như trong thư thứ nhất gửi các tín hữu Corintô (9,2), Thánh Phaolô gọi họ là “ấn tín chứng thực sứ vụ tông đồ”, theo nghĩa là chính đời sống của họ trở nên chứng-minh-thư cho hoạt động của thánh tông đồ. Sách Khải Huyền nhiều lần nói đến việc đóng ấn niêm phong các sứ điệp. Dù sao, điều đáng chúng ta lưu ý hơn hết là những đoạn văn nói đến ấn tín được khắc trên con người.
Chúng ta có thể bắt đầu với đoạn văn Ga 6,27, nói đến việc Thiên Chúa đã đóng dấu ấn trên Đức Giêsu. Các tác giả đã đưa ra nhiều giải thích về câu nói này: có người coi đó là dấu chỉ tấn phong Đức Giêsu làm thiên sai vào lúc Nhập Thể; có người hiểu về lúc lãnh phép rửa ở sông Giođan; ý kiến khác cho rằng những lời này ám chỉ phép lạ hóa bánh như dấu chứng của Chúa Cha cho sứ mạng của Đức Giêsu.
Riêng với các Kitô Hữu, chúng ta thấy có ba nơi mà Thánh Phaolô đề cập đến ấn tín được gắn liền với Chúa Thánh Thần.
Trước hết là đoạn văn 2 Cor 1,21-22 mà chúng ta đang nghiên cứu: “Thiên Chúa đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng”.
Một ý tưởng tương tự cũng được gặp trong đoạn văn thứ hai là Ep 1,13: “Trong Đức Kitô, cả anh em nữa, anh em đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em; vẫn trong Đức Kitô, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa”.
Cũng trong thư gửi Ephêsô, chương 4 câu 30, tác giả viết: “Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc”.
Các tác giả thường cắt nghĩa những đoạn văn này ám chỉ bí tích rửa tội, nơi mà chúng ta được Thiên Chúa đóng ấn, nghĩa là thuộc sở hữu của Thiên Chúa. Cũng như xưa khi Đức Giêsu được Thánh Thần tấn phong tại sông Giođan, chứng thực Người là Con Thiên Chúa, thì bây giờ nhờ bí tích rửa tội chúng ta cũng được trở thành con cái Thiên Chúa; bảo chứng của sự kiện này là Thánh Thần được ban cho chúng ta, nhờ đó chúng ta cầm chắc ơn cứu độ.
Hai tư tưởng vừa rồi có thể gắn liền với nhau, nghĩa là nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được trở nên thân thể của Đức Kitô, chúng ta cũng được chia sẻ cuộc tấn phong của Người. Ấn tín một đàng mang nội dung là Đức Kitô, theo nghĩa là chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Người; đàng khác, chúng ta cũng lãnh được Thánh Linh như ân huệ mở đầu, Thánh Linh là bảo chứng cho vinh quang mai hậu.
Tuy nhiên, khi nói đến ấn tín, cũng cần ghi nhận một hiện tượng tương phản ở trong sách Khải Huyền. Một đàng, ở chương 7, các Kitô Hữu được các thiên sứ ghi trên trán ấn tín của Thiên Chúa hằng sống, như là dấu chỉ thuộc về Người và được Người che chở. Đối lại, các con cái ma quỷ cũng mang ấn tín ghi tên của Con Thú trên trán hay trên tay (Kh 9,4; 13,16.17), và dĩ nhiên là họ sẽ bị huỷ diệt.
Nên phân biệt hai chuyện: một bên là chuyện ấn tín, một bên là chuyện ấn tín Chúa Thánh Thần. Chúng ta bàn đến ấn tín Chúa Thánh Thần trước, bởi vì tương đối đơn giản hơn.
Như vừa nói ở trên, cụm từ “ấn tín Chúa Thánh Thần” được trích từ thư thứ hai gửi Corintô chương 1 câu 22. Các giáo phụ hiểu về bí tích rửa tội, nhờ đó Thánh Thần đã in hình ảnh của Chúa Kitô vào linh hồn chúng ta, bảo chứng cho chúng ta cũng sẽ được chia sẻ vinh quang làm nghĩa tử Thiên Chúa mai sau.
Tuy nhiên, dần dần phụng vụ áp dụng vào bí tích Thêm Sức, và dùng câu đó làm mô thức: “Hãy nhận lấy ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”. Đọc câu văn này trong bản dịch tiếng Việt, người ta có thể hiểu rằng chúng ta lãnh nhận các ơn của Chúa Thánh Thần như là ấn tín. Bản văn tiếng La Tinh: “Accipe signaculum doni Spiritus Sancti” có thể giải thích cách khác, đó là: hãy lãnh nhận ấn tín của Thánh Thần được ban như là hồng ân (như là công thức ở trong nghi lễ Byzantin). Thánh Thần vừa là ấn tín vừa là hồng ân.
Tại sao Thánh Linh được gọi là “ấn tín”? Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trả lời ở số 698 là: “bởi vì nói lên hiệu quả không thể xoá nhoà”, và bổ túc thêm ở số 1296 như thế này: “Chúa Thánh Thần xác nhận một người hoàn toàn thuộc về Đức Kitô, để vĩnh viễn phục vụ Người; ấn tín này cũng là một lời hứa là được Thiên Chúa che chở trong cuộc thử thách lớn lao thời cánh chung”.
Như vậy, ta có thể nói thế này: vào lúc rửa tội chúng ta đã được mang hình ảnh Chúa Kitô rồi. Với bí tích Thêm Sức (mà trong tiếng La Tinh gọi là confirmatio, nghĩa là xác nhận, khẳng định), Chúa Thánh Thần chứng thực sự kiện đó, cũng như kiện toàn ơn đã ban trong bí tích rửa tội, để chúng ta có sức mạnh trở nên chứng nhân cho Đức Kitô.
Trong tiếng La Tinh “Ấn tín Chúa Thánh Thần” được gọi là “sigillum”, và gốc Hy Lạp là sphragis. Thế nhưng, sphragis tiếng Hy Lạp cũng được dịch sang tiếng La Tinh là “character”, và rồi từ đó chuyển âm sang các sinh ngữ khác.
Tuy nhiên, danh từ character thường được hiểu về dấu tích không thể xoá nhoà của ba bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Truyền Chức. Ba bí tích này chỉ được lãnh một lần trong đời, chứ không thể lặp lại, như chúng ta có thể đọc thấy trong sách Giáo Lý Công Giáo ở các số 1121, 1272.
Nên biết là trong bản văn La Tinh, các từ sigillum và character được dùng như đồng nghĩa. Ba “ấn tích bí tích” (character sacramentalis) này không trực tiếp liên quan đến Chúa Thánh Thần. Kinh Thánh nói đến ấn tích của bí tích rửa tội, hơn là của hai bí tích kia. Ngoài ra, bộ Giáo Luật còn nói đến “ấn tín” của bí tích Hòa Giải (sigillum sacramentale), được hiểu theo nghĩa là “dấu ấn niêm phong”: linh mục phải tuyệt đối giữ kín những gì mà hối nhân đã nói trong tòa giải tội, không bao giờ được phép tiết lộ.
Trước khi đi vào câu hỏi về bản tính của ơn chảy nước mắt, thiết tưởng nên nhắc lại rằng các ơn của Chúa Thánh Thần mang nhiều hình dạng khác nhau.
Khi nói tới 7 ơn Chúa Thánh Thần, tuy dựa theo đoạn văn của Isaia chương 11 câu 2-3, chúng ta không coi đó như là bản liệt kê đầy đủ hết tất cả những hồng ân mà Chúa Thánh Thần ban cho các tín hữu. Con số đó chỉ có tính cách tượng trưng mà thôi: số 7 tượng trưng cho sự sung mãn dồi dào.
Trên thực tế, bên cạnh 7 ơn Chúa Thánh Thần, thần học cổ điển còn liệt kê thêm các hoa trái của Thánh Thần, dựa trên thư gửi Galát 5,22, tựa như: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.
Hồng ân cao quý hơn hết là yêu thương bác ái, như Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi Rôma 5,5. Vì thế tất cả những gì có liên hệ đến đức ái cũng đều được quy gán cho Thánh Thần, cách riêng là những đặc tính được nêu lên trong bài ca đức ái ở 1Côrintô 13: nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, v.v.
Trong số muôn vàn hồng ân của Thánh Thần, dĩ nhiên là mỗi người, mỗi nơi, mỗi thời chú trọng tới một vài hồng ân mà mình thấy cần thiết hơn cả cho đời sống. Chẳng hạn như trong Tông Đồ Công Vụ, xem ra Thánh Luca nhấn mạnh tới sự vui mừng hân hoan mà Thánh Thần ban cho các tín hữu giữa lúc gian truân thử thách. Còn vài nhà tu đức thời Trung Cổ thì chú trọng đến ơn chảy nước mắt và họ đã nài xin Thánh Thần ban cho ơn đó; thậm chí cho đến năm 1970, Sách Lễ Rôma còn đăng “lời nguyện xin nước mắt”.
Thường thì chúng ta gắn nước mắt với nỗi buồn, và gắn nụ cười với niềm vui. Nhưng không hẳn lúc nào cũng vậy. Có lúc chúng ta vui quá đến chảy nước mắt. Nhiều câu chuyện đã thuật lại cảnh hội ngộ của cha con, mẹ con, vợ chồng, anh chị em sau nhiều năm xa cách hay thất lạc. Họ sung sướng quá, ôm nhau và bật lên tiếng khóc. Khi làm việc ở trường học, tôi đã chứng kiến nhiều lần cảnh một thí sinh khóc khi nghe tuyên bố thi đậu! Trong những hoàn cảnh này, nước mắt biểu lộ cảm xúc vui mừng chứ không phải là buồn phiền lo âu. Thậm chí có thể nói rằng: khi ta vui vừa vừa thì miệng nở nụ cười, còn khi nào vui quá thì nước mắt trào ra!
Không phải như vậy. Đừng nghĩ như vậy, tội chết! Ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước, có thành ngữ “nước mắt cá sấu”: ở trong bụng thì vui mà bên ngoài thì giả vờ sụt sùi!
Các nhà tu hành đã xin ơn nưỡc mắt theo nghĩa khác. Khởi điểm của nó là chính các bản văn trong Kinh Thánh. Dĩ nhiên, xét vì là một tác phẩm thuật lại các cảm tình của con người, chúng ta gặp nhiều đoạn văn mô tả nước mắt như là biểu hiệu của buồn sầu, lo lắng, tủi nhục, nhớ nhung.
Chẳng hạn như đầu Thánh Vịnh 137, tâm trạng của người lưu đày được diễn tả như sau: “Bờ sông Babilon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Sion”. Hay là Thánh Vịnh 42, 4, “Châu lệ là cơm bánh đêm ngày / khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi: Này Thiên Chúa ngươi đâu?” (Xem thêm Tv 6,7-8; 39,13; 102,10).
Mồ hôi nước mắt tượng trưng cho cảnh vất vả lao nhọc như ta đọc thấy trong Thánh Vịnh 126: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúc vàng”.
Tuy nhiên một ý nghĩa đặc biệt của nước mắt được truyền thống tu đức ghi nhận là tấm lòng thống hối, như chúng ta thấy cảnh của một phụ nữ tội lỗi được Luca kể lại chương 7 câu 38; và ông Phêrô cũng chảy nước mắt dàn dụa sau khi nhận ra tội của mình (Luca 22,62).
Các nhà tu đức coi nước mắt như là một hồng ân bởi vì họ dựa theo bản văn của Luca 6,21 nói về các mối phúc: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười”.
Câu chuyện không đơn giản như vậy. Đành rằng nước mắt là biểu lộ của lòng thống hối ăn năn, nhưng không phải chỉ có thế mà thôi. Một đàng, chúng ta có thể thống hối thực tình mà không cần phải chảy nước mắt. Các giáo phụ đã dư biết điều đó rồi. Việc thống hối diễn ra trong ý chí chứ không phải chỉ dừng lại ở cảm xúc. Đàng khác, nước mắt không phải chỉ diễn tả tâm tình thống hối mà còn bộc lộ nhiều tâm tình khác nữa.
Chẳng hạn như bàn về sự thống hối, viện phụ Gioan Climacô (thế kỷ VII) đã phân biệt nước mắt sợ hãi và nước mắt yêu thương. Nước mắt sợ hãi là khóc lóc vì lo sợ sẽ bị Chúa phạt xuống hỏa ngục; còn nước mắt yêu thương là khóc lóc vì đã làm mất lòng Chúa là Đấng tốt lành. Vì thế mà những dòng nước mắt này tiếp tục chảy, cho dù ta đã cải thiện thống hối.
Một cách tương tự như vậy, Thánh Grêgôriô Cả cũng nói tới hai thứ nước mắt, tương ứng với hai thứ sợ hãi: một thứ nước mắt sợ hãi của nô lệ, sợ bị trừng phạt; một thứ nước mắt của con cái, do lòng ước muốn những thực tại trên trời.
Thực ra, không phải chỉ có hai thứ nươc mắt mà thôi đâu; đan sĩ Cassianô (sống vào thế kỷ IV) đã phân biệt tới 5 loại nước mắt. Loại thứ nhất, nước mắt trào ra khi nhớ đến tội lỗi. Loại thứ hai nước mắt chảy ra vì khủng khiếp lo sợ trước cảnh phán xét và hỏa ngục. Loại thứ ba phát xuất từ sự việc chiêm ngắm những thực tại trên trời. Loại thứ bốn bắt nguồn từ sự đau đớn vì thấy có người chai lì trong đường tội lỗi. Loại thứ năm bộc phát khi thấy người lành bị hoạn nạn hoặc thấy bao nhiêu tội ác trên đời này.
Như vậy chị thấy rằng Cassianô có tầm nhìn rộng rãi hơn. Bởi vì không những ông ta chỉ khóc lóc khi nghĩ đến tội của mình hay là khóc lóc vì lòng yêu mến Chúa, nhưng còn khóc lóc vì tội của người khác, khóc lóc vì muốn chia sẻ sự đau khổ của người khác.
Vào thời Trung Cổ, chúng ta thấy có nảy lên nhiều phong trào “khóc” hay là phong trào “nước mắt” do động lực này. Chẳng hạn như trong tiểu sử của Thánh Đaminh, mỗi đêm người quỳ cầu nguyện dưới chân Thánh Giá, và khóc rống lên: “Lạy Chúa, số phận của các người tội lỗi sẽ ra sao?”.
Sự khóc lóc này mang chiều kích tông đồ, thuộc loại thứ bốn mà Cassianô đã nói trên đây. Nhất là nhiều phong trào đền tạ ra đời, chia sẻ vào những sự đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá hay là của Mẹ Maria. Chúng ta thấy một chứng tích còn ghi lại trong bài ca tiếp liên “Stabat Mater dolorosa”. Sau khi đã chiêm ngắm cảnh Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá, tác giả đã van nài thế này: “xin cho con được chia phần thống khổ của Con Mẹ; xin cho con được cùng Mẹ thảo hiếu khóc than cùng Đấng bị đóng đinh tỏ niềm thông cảm” (Fac ut tecum lugeam). Như vậy nước mắt vừa là dấu chỉ của tâm tình thống hối, vừa là dấu chỉ của lòng bác ái yêu thương, như thánh Bênađô đã nói.
Có chứ. Nguyên việc thống hối đã được coi như ơn của Chúa Thánh Thần rồi. Ngay từ trong Cựu Ước, ta đã thấy tư tưởng nói đến thần khí Chúa đổi mới tâm can, canh tân con tim của ta, biến nó từ tình trạng lòng chai dạ đá sang tình trạng chung thủy mến yêu. Nếu không có ơn Chúa, con người sẽ không nhận thấy lỗi lầm của mình và sẽ không biết thống hối. Các nhà tu hành còn nhận thấy rằng các tội nhân khóc lóc tội mình là một chuyện thường tình rồi; còn người đã vào bước vào đường tu đức thì lại cần phải có ơn đặc biệt để biết chảy nước mắt vì lòng mến Chúa và yêu tha nhân.
Thánh Têrêxa Avila đã nói tới nước mắt như hồng ân đi kèm theo việc cầu nguyện. Trong cấp đầu tiên, nước mắt trào ra bởi vì con tim cảm xúc khi suy đến tình yêu của Chúa. Cảm xúc này còn có tính cách tự nhiên. Nhưng lên đến các cấp độ cầu nguyện cao hơn, nước mắt cứ trào ra mà ta không biết được căn do từ đâu; ắt hẳn là do ơn Chúa.
Thậm chí Thánh Têrêxa nói rằng lắm khi lửa mến Chúa quá mạnh đến nỗi nước mắt trào ra như được dội lên để cho tâm hồn được tươi mát. Nhưng đồng thời Thánh Têrêxa cũng cảnh giác những ảo tưởng. Đừng lầm tưởng rằng có thể đo lường trình độ nhân đức với lượng nước mắt trào ra.
Thánh Inhaxiô, một con người xem ra đanh thép, cũng đã nói nhiều đến ơn nước mắt. Người đã xin cho chính mình được ơn nước mắt, và khuyến khích những ai dự Linh Thao cũng hãy xin ơn đó, mặc dù người không quên nhấn mạnh rằng không nên đồng hóa nước mắt với chính lòng mến Chúa yêu người. Lòng mến này được diễn tả qua lối sống và hành động chứ không phải là qua nước mắt.
Cho đến khi xuất bản Sách Lễ hiện hành vào năm 1970 (được cải tổ theo ý muốn của Công Đồng Vaticano II), chúng ta còn gặp thấy lời nguyện xin ơn nước mắt (pro petitione lacrimarum) bắt nguồn từ thời Trung Cổ, tạm dịch như sau:
“Lạy Thiên Chúa toàn năng và dịu hiền. Chúa đã làm cho nước hằng sống trào ra từ tảng đá để cho dân Israel được giải khát. Xin Chúa cũng làm vọt ra khỏi con tim chai đá của chúng con những dòng nước mắt thống hối, ngõ hầu chúng con có thể khóc lóc về tội lỗi của mình và đáng nhận ơn tha thứ do lòng Chúa lân tuất”.
Chúng ta thấy rằng ơn nước mắt được hiểu về sự thống hối. Tuy vậy, trong các lời nguyện linh mục đọc trước khi dâng Thánh Lễ, chúng ta cũng tìm được lời xin được tiến lên bàn thánh “với tâm hồn trong trắng và suối lệ trào dâng”, (cum cordis puritate et lacrimarum fonte), biểu hiệu của tâm tình sốt mến. Vài nhà tu đức còn chú giải thêm: những giọt lệ này sẽ lau sạch đôi mắt của chúng ta để có thể nhìn thấy Chúa rõ hơn.
Chúa Thánh Thần không chỉ ban 7 ơn mà thôi, nhưng còn rất nhiều ơn nữa. Trước khi vào đề, thiết tưởng nên lưu ý hai điểm liên quan tới vấn đề dịch thuật.
Trước hết là danh xưng của Ngôi Ba Thiên Chúa: trong tiếng La Tinh danh xưng là Spiritus Sanctus (tiếng Pháp là Saint Esprit, tiếng Anh là Holy Spirit), nhưng được dịch sang tiếng Việt bằng ba từ ngữ: Chúa Thánh Thần, Thánh Linh, Thần Khí.
Một cách tương tự như vậy, các từ ngữ “ân ban, ân huệ, linh ân, đặc sủng, đoàn sủng, hồng ân, quà tặng, tặng phẩm” chung quy cũng hàm ngụ một tư tưởng thần học là “điều được trao ban”.
Do đó, trước khi nói đến các ơn mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, thì cần phải nói đến chính Thánh Thần là Đấng được Chúa Cha ban cho chúng ta. Điều này được nêu bật nơi nhiều tác phẩm của Tân Ước, thí dụ như Tin Mừng Thánh Luca (11,13), Tin Mừng Thánh Gioan (14,26; 15,26), và Thánh Phaolô đồng hoá Thánh Thần với tình yêu được đổ tràn xuống tâm hồn chúng ta (Rm 5,5). Sau đó, người ta mới bắt đầu nghĩ tới những tác động của Thánh Thần nơi chúng ta, và tìm cách mô tả chi tiết thành các ân huệ mà Người ban cho các tín hữu, xét theo từng cá nhân hoặc xét theo phần tử của cộng đoàn. Đó là nguồn gốc của thần học về các ân huệ của Chúa Thánh Thần.
Không thể nào làm một bản thống kê đầy đủ được. Như vừa nói, ân huệ lớn nhất mà Thánh Phaolô ghi nhận đó là agape tức là lòng yêu mến, nói ở thư Rôma chương 5 câu 5. Cần móc nối tư tưởng này với thư thứ nhất gửi Côrintô chương 13, (quen gọi là bài ca đức ái), khi Thánh Phaolô đặt agape như chóp đỉnh của mọi thứ ân huệ.
Mãi đến thời Trung Cổ, Thánh Tôma Aquinô mới trình bày hệ thống của các ân huệ Thánh Linh dựa theo hai danh sách: một danh sách 7 ơn Chúa Thánh Thần nhắm đến việc tăng trưởng nhân đức; còn một danh sách khác dựa theo các đặc sủng hay đoàn sủng.
Danh sách này dựa theo một bản văn của Cựu Ước, ở sách Isaia 11,1-3. Bản văn Do Thái viết như sau:
“Từ gốc tổ Giessê sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non. Thần Khí Giavê sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Giavê. Lòng kính sợ Giavê làm cho Người hứng thú”.
Đoạn văn này nói đến Đấng Mêsia được Thần Khí của Thiên Chúa trang bị với những đức tính của tiền bối: khôn ngoan và trí tuệ như vua Salomon; mưu lược và hùng mạnh như vua Đavit, hiểu biết và kính sợ Chúa như các tổ phụ.
Bản văn Do Thái chỉ nói đến ba cặp thần khí (nghĩa là 6 ơn), nhưng ơn “kính sợ” được lặp lại hai lần. Nhằm tránh sự trùng hợp, bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Hy Lạp và La Tinh đã sửa đổi thành “hiếu thảo”, và như vậy là đếm được bảy.
Số 7 tượng trưng cho sự sung mãn. Tự nó, bản văn của ngôn sứ Isaia nói đến những đức tính của Đức Mêsia; nhưng Thánh Augustinô và Thánh Grêgôriô Cả áp dụng vào những ân huệ mà Thánh Linh ban cho các Kitô Hữu.
Có chứ. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (số 1831) viết rằng “các ơn này bổ túc và hoàn thiện những nhân đức nơi những người lãnh nhận, giúp cho người tín hữu dễ dàng và mau mắn tuân theo các điều Thiên Chúa soi sáng”. Thực ra, sách Giáo Lý Công Giáo chỉ nói cách tổng quát vậy thôi, chứ không đi sâu vào chi tiết về bản chất của mỗi ân huệ. Thần học cổ điển đã xếp đặt các ân huệ cách hệ thống từ trên xuống dưới và giải thích vai trò mỗi ân huệ như thế này.
Đứng đầu là ơn khôn ngoan (hay cũng dịch là ơn Cao minh) giúp chúng ta gắn bó với Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc chân thật.
Thứ hai là ơn thâm hiểu (hay cũng dịch là ơn hiểu biết) ban cho ta sự hiểu biết sâu sắc các chân lý đức tin.
Thứ ba là ơn minh luận (hay cũng dịch là ơn thông minh) giúp ta phán đoán giá trị của các thụ tạo theo ánh sáng đức tin.
Thứ bốn là ơn chỉ giáo (hay là ơn biết lo liệu) ban cho ta biết chọn lựa con đường nào ý Chúa hơn cả và ngoan ngoãn để cho Chúa hướng dẫn.
Bốn ân huệ này thuộc về trí tuệ; ba ân huệ hợp còn lại thuộc về ý chí, đó là: thứ năm, ơn sùng hiếu (hay hiếu thảo, đạo đức) ban cho ta tôn thờ Thiên Chúa với tinh thần con thảo và liên hệ với mọi người như con cái cùng Cha.
Thứ sáu là ơn dũng cảm (hay mạnh bạo), giúp ta vượt thắng mọi khó khăn hoặc chịu đựng đau khổ nhờ sức mạnh Chúa ban.
Thứ bảy là ơn kính sợ, giúp ta tránh tội và loại bỏ sự quyến luyến của cải trần thế khi nó làm mất lòng tôn kính mến yêu Chúa.
Đó là giải thích bản chất của từng ân huệ. Còn khi bàn về vai trò của chúng, thì Thánh Tôma Aquinô cho rằng bình thường chúng ta thực hành điều tốt nhờ các nhân đức; các ân huệ của Chúa Thánh Thần tăng cường sức lực để chúng ta thực hiện các nhân đức “cách anh hùng”, điển hình như trường hợp mà Giáo Hội đòi hỏi nơi hồ sơ phong thánh.
Dù sao, đây là lối giải thích của Thánh Tôma Aquinô về sự cần thiết của bảy ân huệ Chúa Thánh Linh. Trên thực tế, Chúa Thánh Thần ban các ân huệ cho tất cả mọi tín hữu chứ không riêng gì cho các vị thánh. Duy có điều là các vị thánh ngoan ngoãn để cho Thánh Thần dẫn dắt, còn chúng ta thì làm ngơ giả điếc, không đếm xỉa đến tiếng thôi thúc của Thánh Thần tiến đến sự trọn lành.
Xét về từ ngữ thì không có gì khác. “Ơn Chúa Thánh Thần” và “đặc sủng Thánh Linh” đều là những ơn ban (hồng ân, tặng phẩm) của Ngôi Ba Thiên Chúa.
Nhưng xét về mục tiêu, thì các nhà thần học Trung Cổ đã phân chia ra thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm bảy linh ân như vừa nói, mục tiêu là giúp các tín hữu nên thánh. Nhóm thứ hai gồm những ân huệ mà Thánh Linh ban cho các tín hữu nhằm giúp ích cho cộng đoàn Giáo Hội.
Đạo lý này dựa theo giáo huấn của Thánh Phaolô. Khi viết thư cho các cộng đoàn, thánh tông đồ nhận thấy Thánh Linh đã ban cho các tín hữu rất nhiều ân huệ: những ân huệ này mang tính cách đa dạng, không phải ai ai cũng lãnh được (nghĩa là người có người không), và có người lãnh được ơn này nhưng không nhận được ơn kia (nghĩa là không đồng đều).
Không nói ai cũng đoán được, chuyện ghen tương phân bì đương nhiên xảy ra: kẻ không có thì ghen tị với kẻ có; người có thì vênh váo tự phụ với người không có; giữa hai người đều có thì tranh chấp với nhau, xem ai trọng hơn ai.
Trong bối cảnh đó, Thánh Phaolô đã giải thích về vai trò của các đặc sủng thế này: Chúa Thánh Thần không phân phát đồng đều các ân huệ cho mỗi người bởi vì mục tiêu của chúng không phải là để tôn vinh cá nhân, nhưng là để xây dựng cộng đoàn. Cộng đoàn được ví như một thân thể, với nhiều bộ phận, cơ quan, chức năng khác nhau. Tất cả mọi bộ phận đều quan trọng cho sự hoạt động của thân thể: mắt cần đến chân tay, đầu cần đến trái tim, vv. Không cơ quan nào có quyền lên mặt tự đắc, khinh chê các bộ phận khác, bởi vì nhiều khi chính những cơ quan bé nhỏ tế nhị nhất lại là cơ quan sinh tử.
Thánh Phaolô đã liệt kê bốn danh sách các đặc sủng: hai danh sách ở chương 12 của thư thứ nhất gửi Côrintô, câu 8 đến câu 10, và câu 28 đến câu 30. Danh sách thứ ba ở thư gửi Rôma chương 12 câu 6. Danh sách thứ bốn ở thư gửi Êphêsô chương 4 câu 11.
Trong bốn danh sách này, người ta thấy có những đặc sủng trùng hợp với nhau, nhưng cũng có nhiều dị biệt. Từ đó, ta có thể nhận xét rằng không thể nào làm bản thống kê toàn thể các đặc sủng được. Con số các đặc sủng không bị giới hạn, và được Chúa Thánh Thần ban phát cho Giáo Hội tuỳ theo nhu cầu mỗi nơi mỗi thời.
Tùy chúng ta hiểu đặc sủng theo nghĩa nào, mà ta đánh giá về sự hiện hữu của nó. Có người hiểu đặc sủng theo nghĩa là ân huệ khác thường, chẳng hạn như: chữa bệnh, nói ngôn ngữ lạ, nói tiên tri; theo nghĩa này đặc sủng hiếm lắm. Người khác thì hiểu đặc sủng theo nghĩa bình thường, chẳng hạn như ơn phục vụ, ơn an ủi; theo nghĩa này, số người lãnh đặc sủng lên cao hơn.
Dù sao, các nhà tu đức đã lưu ý hai điểm sau đây: thứ nhất, các đặc sủng này được ban nhằm xây dựng cộng đoàn, chứ không phải để khoe khoang vênh váo; vì thế đừng ai sử dụng đặc sủng để tìm cầu danh lợi cá nhân. Thứ hai, người nhận đặc sủng chưa chắc đã là người thánh thiện; vì thế Chúa Giêsu đã cảnh cáo rằng vào ngày phán xét, có người tự hào rằng mình đã nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ nhân danh Chúa, nhưng họ sẽ nghe tiếng đáp lại: “Ta không biết các ngươi” (Mt 7,23). Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Côrintô rằng hãy ước ao đặc sủng cao quý nhất, đó là đức ái.
Chúng ta không thể nào thiết lập danh sách kiểm kê các hoạt động của Chúa Thánh Thần. Tôi chỉ muốn thêm một điều là ngoài 7 ân huệ (nhằm giúp các tín hữu nên thánh) và các đặc sủng (nhằm xây dựng cộng đoàn), các nhà thần học còn nói đến 12 hoa trái của Thánh Linh, dựa theo đoạn văn Gl 5,22-23, được sách Giáo Lý Công Giáo trích dẫn ở số 1832, đó là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hoà, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, thanh khiết”.
Đúng như vậy, yêu mến Chúa thì mới khó chứ còn sợ Chúa thì không khó gì. Người ta vẫn thường so sánh sự khác biệt giữa Cựu Ước với Tân Ước như là sự khác biệt giữa sợ hãi với yêu mến, hậu quả của sự mặc khải khuôn mặt của một Thiên Chúa công thẳng và một Thiên Chúa nhân lành.
Tuy vậy, trong số các hồng ân của Thánh Thần, Kinh Thánh có nói đến ơn kính sợ: căn gốc của nó là đoạn văn Isaia chương 11, câu 2. Dĩ nhiên, người ta có thể vặn lại là đoạn văn này thuộc về Cựu Ước rồi; nhưng (như chúng ta sẽ thấy) không thiếu những đoạn văn Tân Ước nói đến sự kính sợ Thiên Chúa. Để rõ ràng hơn, trước hết, chúng ta sẽ xét lại ý nghĩa của sự sợ; kế đó, chúng ta áp dụng vào mối tương quan với Thiên Chúa; sau cùng, chúng ta sẽ bàn đến ý nghĩa của ơn kính sợ mà chúng ta xin Chúa Thánh Thần tuôn ban. Trước hết, cần phải tìm hiểu bản chất của cái sợ. Có nhiều thứ sợ lắm, chắc chị đã dư biết rồi.
Đó chỉ là xếp loại các thứ sợ dựa theo đối tượng. Và chúng ta thấy có thứ sợ hữu lý và có thứ sợ phi lý: sợ hùm sợ beo thì ai mà chẳng sợ! Nhưng mà sợ ma hay sợ bóng thì cái sợ mất đối tượng, sợ vu vơ!
Một cách xếp loại nữa là các cấp độ của sự sợ: từ chỗ nhè nhẹ (gọi là sờ sợ) tới cấp độ trầm trọng, chẳng hạn như khi nói tới: khiếp sợ, kinh sợ, kinh hãi, kinh hoàng.
Bàn về nguồn gốc của sự sợ, Thánh Tôma Aquinô dựa theo sự phân tích tâm lý của các nhà triết học Hy Lạp, đã viết như thế này: Trên đời này, chúng ta thường phải đương đầu với nhiều cam go. Những chuyện đó thường được phân thành hai khối: những điều tốt và những điều xấu (hoặc chuyện lành và chuyện dữ). Bản năng tự nhiên là muốn chiếm hữu điều tốt và xua đuổi điều xấu. Vì thế, đứng trước một điều tốt cam go thì ta “hy vọng” nếu ta thấy có thể đạt được, và “tuyệt vọng” (hay thất vọng) nếu ta cảm thấy mình không đủ sức đạt được. Còn với điều xấu (điều dữ), thì ta “sợ” nếu thấy mình không thể vượt được; và “liều” thì thấy mình có thể thắng được nó.
Đúng rồi. Chúa là sự thiện tuyệt đối, là hạnh phúc chân chính của con người. Vì thế Người là đối tượng của niềm hy vọng của chúng ta, đối tượng của nhân đức trông cậy. Thế nhưng Chúa cũng có thể trừng phạt tội lỗi của chúng ta, vì thế mà chúng ta sợ Người.
Thực ra tâm tình đã thấy xuất hiện nơi nhiều tôn giáo hoàn cầu. Lúc nãy, chúng ta đã nhắc tới các thành ngữ: “sợ ma, sợ quỷ, sợ hùm sợ hạm”: đó không phải là cái sợ vu vơ, nhưng là sợ một lực lượng vô hình, mạnh hơn ta, và có thể làm hại cho ta. Con người cảm thấy mình bé bỏng, và sợ bị đè bẹp bởi các quyền lực siêu nhiên.
Thêm vào đó, cần ghi nhận một tâm thức ở nơi nhiều tôn giáo, đó là các tai ương (hạn hán, lũ lụt, động đất, dịch tễ, vv) được coi như những hình phạt do Trời giáng xuống để phạt loài người. Hiểu như thế thì ai mà chẳng sợ ông Trời: sợ trời cũng tựa như sợ sấm sợ sét, bởi vì có thể gây cho mình mất mạng như chơi.
Khi nói tới Kinh Thánh, chúng ta cần phải phân biệt nhiều khía cạnh. Ngoài sự phân biệt giữa Cựu Ước và Tân Ước, chúng ta còn phải phân biệt giữa Lời Chúa mặc khải và phản ứng của con người.
Xét về phản ứng của con người, thì phải nói rằng con người ở trong Kinh Thánh cũng giống như bao nhiêu con người khác, đó là khiếp sợ trước sự uy nghi cao cả của Thiên Chúa. Tâm trạng này phản ánh qua tục ngữ trong Cựu Ước: “không ai có thể nhìn thấy nhan Chúa mà sống nổi” (Xh 33,21).
Nên biết là câu nói bắt đầu từ chính ông Môsê, người tôi trung của Chúa. Một thí dụ điển hình là khi ông Isaia nhận được thị kiến trong đền thờ thì ông thốt lên: “Nguy rồi, chết mất thôi, bởi vì tôi là một người môi miệng ô uế mà mắt tôi đã thấy Chúa các đạo binh” (Is 6,5). Con người khiếp hãi khi diện kiến Thiên Chúa. Trong bối cảnh đó, ta hiểu được rằng vì sao trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước, thường mỗi lần Chúa hiện ra thì đều bắt đầu với lời trấn an “đừng sợ”. Chúng ta có thể lấy hai thí dụ điển hình từ Tân Ước, khi Thiên Sứ Gabriel truyền tin cho trinh nữ Maria (Lc 1,30) và khi thiên sứ hiện ra cho các phụ nữ đến viếng mộ Chúa vào buổi sáng Phục Sinh (Mt 28,5).
Đó là nói về phía con người của Kinh Thánh. Còn nói đến Lời Chúa mặc khải, thì chúng ta nhận thấy sự khác biệt vượt bực so với tín ngưỡng tự nhiên. Kinh Thánh trình bày một Thiên Chúa đến gặp gỡ con người, quan tâm săn sóc đến con người, chứ không phải là một lực lượng thiên nhiên hay định mạng mù quáng. Thiên Chúa cam kết hiện diện với dân mà Người tuyển chọn, cam kết sẽ bảo vệ họ cho dù họ phải trải qua mọi thử thách.
Niềm tin này không những làm thay đổi mối tương quan giữa người tín hữu với Thiên Chúa mà cả lối xử thế của họ nữa. Chỉ cần trưng dẫn vài thí dụ thì đủ rõ.
Trong Cựu Ước, thánh vịnh 23 đã trở thành cảm hứng cho bao nhiều nhạc sĩ: “Chúa là mục tử tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì... Dầu qua lũng âm u, tôi sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng”.
Còn trong Tân Ước, thì chúng ta lại còn gặp nhiều gấp bội những lời trấn an của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ khi phải đương đầu với những cuộc bách hại: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (Lc 12,32). “Thầy nói cho anh em là các bạn hữu của Thầy được biết: anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa... Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn qúy giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Lc 12,4.7).
Vấn đề không đơn giản như vậy, tùy theo chúng ta hiểu tiếng “sợ” theo nghĩa nào. Như vừa nói, một tâm tình mà Kinh Thánh muốn gieo vào lòng người tín hữu là sự phó thác tin tưởng nơi Thiên Chúa nhân lành, Cha quan phòng. Tâm tình này đương nhiên vượt mọi thứ lo âu sợ hãi. Chúng ta có thể trưng dẫn hai đoạn văn điển hình, một của Thánh Phaolô và một của Thánh Gioan.
Thánh Phaolô viết ở cuối chương 8 thư gửi Rôma (35-39) như sau: “Ai có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ giam cầm, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta... Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu”.
Còn Thánh Gioan thì viết trong thư thứ nhất (4,18): “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt, và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo”.
Mặt khác, Tân Ước cũng có nhiều đoạn văn ca ngợi lòng kính sợ Chúa, thí dụ như trong bài ca Magnificat của Đức Maria: “Từ đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”. Các tín hữu được định nghĩa như là những người “kính sợ Chúa” (Cv 10,35), đối lại với phường bất lương, những kẻ không sợ Chúa cũng chẳng coi ai ra gì hết (Lc 18,2; 23,40).
Thực ra không có gì mâu thuẫn. Ngay từ trong Cựu Ước, Kinh Thánh đã ca ngợi những người kính sợ Chúa, coi đó như là một chân phúc (thí dụ như Thánh Vịnh 112: “Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban”; hoặc Thánh Vịnh 111: “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan”). Có điều là chúng ta cần phải phân biệt nhiều cấp độ và nhiều hạng kính sợ Chúa, từ đó ta mới hiểu được ý nghĩa của ơn kính sợ mà chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần.
Ở cấp độ sơ đẳng nhất, sợ Chúa có nghĩa biết tôn trọng luật lệ luân lý, tôn trọng các nghĩa vụ đối với bản thân và tha nhân; đối lại với quân bất lương, hạng người “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.
Ở cấp độ thứ hai, sợ Chúa là sợ sự công thẳng của Người: Người tốt lành vô cùng nhưng Người cũng công bình vô tận. Người không dung tha những tội lỗi của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải tránh phạm tội, kẻo sẽ bị trừng phạt ở đời này và nhất là đời sau.
Ở cấp độ thứ ba, sợ Chúa không phải là sợ Người phạt nhưng là sợ làm cho Chúa buồn phiền. Thần học gọi là sợ “hiếu thảo của con cái”, đối lại với “sợ hãi của nô lệ” của cấp thứ hai, cũng tựa như con cái sợ làm cha mẹ buồn phiền; đối lại với nô lệ sợ bị ông chủ trừng phạt. Cái “sợ hiếu thảo” là hậu quả của tình yêu và đi đôi với tình yêu; còn sự sợ của nô lệ thì trái ngược với tình yêu. Thực vậy, khi chúng ta yêu mến một người nào, chúng ta cố gắng hết sức để đừng làm phiền lòng họ cũng như chúng ta tìm hết mọi cách để chiều chuộng họ, làm vui lòng họ.
Chính ở điểm này mà chúng ta hiểu được ý nghĩa của ơn kính sợ. Theo Thánh Phaolô, Thánh Thần được ban cho ta để biến đổi chúng ta từ điều kiện nô lệ sang điều kiện “con cái” của Chúa (Gl 4,6-7). Nhờ đó, chúng ta có khả năng sống tín thác vào Chúa và không còn sợ hãi nữa.
Nhưng đồng thời, chúng ta cũng không muốn làm trái ý dù chỉ là một điều rất nhỏ bé (quen gọi là tội nhẹ). Từ đó, chúng ta cảnh giác tìm cách hoà hợp tâm tình ý nghĩ của mình với ý Chúa. Nhờ thái độ chính xác trong tương quan với Thiên Chúa, cách cư xử đối với tha nhân cũng biến đổi: không những là chúng ta không còn sợ những cái vu vơ, không những là chúng ta không còn sợ những đe doạ bất công, nhưng chúng ta cũng có tâm tình hoà nhã với mọi người: ai kính sợ Chúa thì cũng biết tôn trọng người khác, những con cái của Chúa. Họ không có thái độ ngạo mạn, coi mình như là trung tâm vũ trụ nếu chưa nói là chúa vũ trụ.
Thực ra không phải chỉ trong các bài giảng chúng ta mới nghe nói tới các mầu nhiệm. Đôi khi trong kinh nguyện chúng ta cũng thấy xuất hiện tiếng mầu nhiệm, thí dụ như các mầu nhiệm Kinh Mân Côi. Và rồi trong cuộc nói chuyện hằng ngày, cũng có người buộc miệng thốt lên “thật là mầu nhiệm” để nói rằng: thật là khó hiểu, bí ẩn.
Không rõ tiếng mầu nhiệm đã xuất hiện từ lúc nào trong ngôn ngữ Việt Nam, nhưng chắc chắn là trước khi Kitô Giáo đến nước ta. Tuy rằng các tôn giáo khác không hay nói tới các mầu nhiệm, nhưng chúng ta cũng thấy những từ tương tự, thí dụ như là: phép mầu, nhiệm mầu, nhiệm lạ, huyền bí, huyền nhiệm, bí nhiệm, vv. Tất cả những từ đó đều có liên hệ với nhau.
Riêng tiếng “mầu nhiệm” thì được sử dụng trong các sách thần học và giáo lý để dịch chữ mysterium tiếng La Tinh, hay mystère tiếng Pháp. Bởi thế thay vì đi truy nguyên các từ điển Hán việt để xem “mầu” là gì, “nhiệm” là gì, chúng ta hãy đi thẳng vào nội dung của tiếng “mysterium”.
Có thể nói là cho tới Công Đồng Vaticano II, hầu hết các sách thần học và giáo lý đều hiểu từ “mysterium” (mầu nhiệm) trong lãnh vực của đức tin, theo nghĩa là những chân lý vượt quá tầm hiểu biết của trí tuệ con người, sức con người không tài nào hiểu nổi. Chúng ta chỉ biết chấp nhận bằng đức tin dựa trên lời Chúa chân thật. Thí dụ mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi: tại sao Cha, Con, Thánh Thần đều là Thiên Chúa, nhưng không phải là Ba Chúa mà chỉ là một Chúa?
Một thí dụ khác là mầu nhiệm Nhập Thể: tại sao ông Giêsu là con người mà lại là Chúa được? Tại sao Thiên Chúa lại có thể xuống thế làm người được? Những điều đó vượt quá khả năng hiểu biết và suy luận của chúng ta. Sở dĩ chúng ta biết được những điều đó là do chính Chúa mặc khải; vì thế chúng ta chấp nhận những điều đó vì dựa vào chính uy tín của Chúa, tin rằng Chúa không sai lầm và cũng không lường gạt chúng ta.
Chúng ta thú nhận rằng lý trí chúng ta không phải là tiêu chuẩn tối cao của chân lý; sự hiểu biết của chúng ta có giới hạn cũng như chính thân phận con người của chúng ta cũng giới hạn; còn có rất nhiều thực tại cao xa hơn tầm trí của con người.
Nói tóm lại, các mầu nhiệm áp dụng vào lãnh vực chân lý đức tin, về những thực tại thần thiêng vượt quá thế giới hữu hình của chúng ta (hoặc là về bản tính của Thiên Chúa, hoặc là đường lối khôn dò của Chúa: mầu nhiệm đau khổ, mầu nhiệm sự chết). Thế rồi từ đó, người ta nới rộng ra những điều thuộc lãnh vực khác nữa, nghĩa là cái gì không hiểu nổi thì cũng coi là mầu nhiệm hết!
Công Đồng Vaticanô II không nói rằng các sách giáo lý và thần học đã hiểu sai tiếng mầu nhiệm; nhưng công đồng đã mở rộng nhãn giới của tiếng đó ra. Như vừa nói, trước đây, mầu nhiệm có nghĩa là điều vượt quá sự hiểu biết của mình; cho nên đụng tới mầu nhiệm thì miệng lưỡi chúng ta tịt luôn, hết chỗ nói. Tuy nhiên, hiểu tiếng mầu nhiệm như vậy thì thật quá nghèo nàn.
Thực vậy khi mở Tân Ước, chúng ta thấy từ mầu nhiệm mang một ý nghĩa súc tích hơn nhiều. Theo thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô chương 3, thì mầu nhiệm không ám chỉ một chân lý vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta, cho bằng ám chỉ kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Kế hoạch này được gọi là mầu nhiệm bởi vì trước đây giấu kín không ai biết đến, và bây giờ thì mới tỏ lộ nhờ Đức Kitô mặc khải. Chính nhờ Đức Kitô mà chúng ta biết được ý định của Thiên Chúa muốn quy tụ hết muôn dân muôn nước thành một gia đình; hơn thế nữa chính Đức Kitô là dụng cụ môi giới thực hiện cuộc hoà giải giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau.
Nói tóm lại, theo Thánh Phaolô, mầu nhiệm chính là kế hoạch hoà giải của Thiên Chúa nơi Đức Kitô; vì vậy mà thánh tông đồ cũng gọi là ”mầu nhiệm Đức Kitô”.
Có ảnh hưởng rất nhiều. Trên đây, chúng ta đã thấy rằng trước kia trong các sách giáo lý và thần học, tiếng mầu nhiệm được hiểu là điều gì vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta; vì thế mỗi lần nghe nói tới mầu nhiệm là chúng ta tự thú là mình mù tịt chẳng hiểu ất giáp gì. Còn khi nói đến mầu nhiệm của Đức Kitô theo nghĩa của Thánh Phaolô thì nhãn giới sẽ khác hẳn.
Mầu nhiệm của Đức Kitô bao gồm hết những gì Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Kitô vì phần rỗi của chúng ta, thí dụ việc Người đã Nhập Thể ở với chúng ta, tất cả những lời nói hành vi để tỏ bày tình yêu của Chúa, đặc biệt là qua biến cố Thập Giá và Phục Sinh. Do đó mầu nhiệm của Đức Kitô không phải chỉ gồm những chân lý về bản thân Đức Kitô nhưng còn gồm hết các việc làm và cuộc đời của Người, nhằm thông ban cho ta tình yêu của Chúa.
Thánh Phaolô gọi là mầu nhiệm bởi vì những điều đó trước đây được giấu kín không ai biết; mãi nhờ Đức Kitô chúng ta mới biết được. Dĩ nhiên, khi tán giải ra tiếng Việt, chúng ta có thể hiểu mầu nhiệm như là cái gì “tuyệt vời, diệu huyền, nhiệm mầu”, chứ không phải theo nghĩa là tối tăm khó hiểu. Dù sao, thì chúng ta cần phải ghi nhận thêm một nghĩa thứ ba của tiếng mầu nhiệm nữa, áp dụng trong lãnh vực phụng tự cầu nguyện.
Mầu nhiệm theo Thánh Phaolô bao gồm kế hoạch yêu thương cứu rỗi của Thiên Chúa được mặc khải và thực hiện nơi Đức Kitô. Nhờ Đức Kitô, chúng ta lãnh nhận ơn tha thứ hoà giải của Thiên Chúa. Tuy nhiên những hồng ơn đó không những chỉ được ban cho nhân loại trong cuộc đời tại thế của Đức Kitô, nhưng vẫn còn được tiếp tục ban cho chúng ta qua các bí tích.
Trong tiếng Việt, tiếng “bí tích” chẳng thấy có dính dáng gì với tiếng mầu nhiệm hết; thế nhưng trong nguyên ngữ Hy Lạp, các bí tích được gọi là “mysterion”, và tiếng La Tinh khi thì dịch là “sacramentum” khi thì chuyển âm là “mysterium”. Có điều là các dịch giả ở Việt Nam hình như không để ý, vì vậy mà ở đầu Thánh Lễ, chúng ta thường được nghe vị chủ tế mời gọi như sau: “Anh chị em, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh”. Mầu nhiệm thánh là gì? Thưa chính là bí tích Thánh Thể. Chính qua dấu hiệu của bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu Đức Kitô, mà chúng ta tiếp xúc với Đức Kitô và nhận lãnh những hồng ân cứu độ.
Nói cách khác, mầu nhiệm ở đây đồng nghĩa với bí tích (hay có người dịch là nhiệm tích), có nghĩa là những lễ nghi, nhờ những dấu hiệu hữu hình, đưa chúng ta tiếp xúc với Đức Kitô. Trong các bí tích dẫn đưa chúng ta tiếp xúc với Đức Kitô thì nổi bật hơn cả là Thánh Thể; vì thế Sách Lễ gọi Thánh Lễ là “mầu nhiệm thánh”.
Như thế, chúng ta đã có ba nghĩa của mầu nhiệm: (1) thứ nhất, mầu nhiệm là một chân lý do Chúa mặc khải, vượt quá tầm hiểu biết của trí tuệ và chúng ta chấp nhận bằng đức tin; (2) thứ hai, mầu nhiệm là chính Đức Kitô, vì nơi Người Thiên Chúa đã bộc lộc kế hoạch cứu rỗi; (3) thứ ba, mầu nhiệm là bí tích đưa chúng ta lãnh nhận ơn cứu rỗi của Đức Kitô. Nghĩa thứ ba cũng có thể áp dụng cho Hội Thánh: Hội Thánh được gọi là mầu nhiệm bởi vì qua các dấu chỉ hữu hình của HT (lời giảng, bí tích, cộng đoàn), mà ơn thánh Chúa được ban cho ta.
Chúng ta biết rằng kinh Mân Côi gồm có 15 mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng; nhưng chung quy chỉ xoay quanh cuộc đời của Chúa Kitô từ lúc Nhập Thể cho tới Phục Sinh, và sẽ hoàn tất ở cánh chung. Như thế, các mầu nhiệm trong kinh Mân Côi chính là mầu nhiệm của Đức Kitô, hiểu theo nghĩa của Thánh Phaolô.
Chúng ta suy niệm những chặng đường trong cuộc đời của Đức Kitô, tưởng nhớ lại những hồng ân mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua mỗi chặng ấy, để từ đó bày tỏ lòng biết ơn yêu mến Chúa, đồng thời chúng ta cũng muốn hoạ lại cuộc đời của Đức Kitô ra chính cuộc sống của chúng ta bằng việc thực hành các nhân đức.
Như vậy, các mầu nhiệm không phải là cái gì bí ẩn, tối tăm khó hiểu; nhưng là những việc huyền diệu mà tình yêu Chúa đã thực hiện; chúng ta muốn chiêm ngắm và hoạ lại trong đời, để đáp lại tình yêu đó. Việc cầu nguyện, suy gẫm và chiêm niệm các mầu nhiệm của Đức Kitô dần dần đưa chúng ta tới sự kết hiệp thân mật với Người, gọi là kết hợp thần bí (hay huyền nhiệm: mystique).
Nếu tôi không lầm, “nhiệm cục” dịch bởi tiếng La Tinh oeconomia (hay: économie tiếng Pháp). Nếu lật từ điển, chúng ta sẽ thấy “économie” có nghĩa là “kinh tế” hay là sự “tiết kiệm”. Tuy nhiên không thể nào dịch “économie du salut” là “kinh tế cứu rỗi”.
Thực ra, ở trong nguyên ngữ Hy Lạp, oikonomia có nghĩa là sự quản lý nhà cửa (oikos là nhà; và nêmô: xếp đặt phân phát).
Trong thư gửi Êphêsô 3,2 Thánh Phaolô đã áp dụng từ oikonomia vào chính mầu nhiệm cứu rỗi, khi Thiên Chúa bày tỏ những điều trước đây giấu kín và phân phát các hồng ân trong Đức Kitô. Vì vậy oikonomia được dịch ra La Tinh là “dispensatio”, vừa mang nghĩa là bày tỏ kế hoạch, vừa có nghĩa là ban phát hồng ân. Từ đó có người dịch là ”Nhiệm cục cứu rỗi” hiểu theo nghĩa là: chương trình, kế hoạch. Thế nhưng khi áp dụng vào khía cạnh ơn thánh, thiết tưởng phải dịch là sự “phân phát thông ban” (communication) thì mới đúng, như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã giải thích ở số 1076: économie sacramentelle có nghĩa là thông chuyển những công ơn cứu chuộc của Đức Kitô.
Ngoài ra cũng nên biết là đôi khi thần học Đông Phương không giới hạn economia vào mầu nhiệm Nhập Thể và cứu chuộc của Đức Kitô, nhưng còn bao hàm tất cả các công trình của Thiên Chúa thực hiện từ lúc tạo dựng vũ trụ để thông ban tình yêu. Oikonomia đối lại với Theologia (dành đời sống nội tại của Thiên Chúa). Tuy nhiên đây chỉ là từ ngữ của thần học Giáo Hội đông phương mà sách GLHTCG nói tới ở các số 236; 685 và 1066.