Khi nói đến “ơn gọi”, trước tiên nên lưu ý về vài từ ngữ tương đương trong tiếng Việt.
Khi muốn ra vẻ trịnh trọng thì người ta dùng tiếng “ơn thiên triệu”, khi muốn thân tình thì người ta nói “nghe tiếng Chúa gọi”; còn khi nói đến “ơn gọi” là chúng ta muốn đề cao khía cạnh hồng ân: đó là ơn Chúa ban.
Tất cả những từ này tương đương với một danh từ trong tiếng La Tinh “vocatio”, theo nghĩa đen có nghĩa là: “sự kêu gọi, tiếng gọi”. Dĩ nhiên, trong lãnh vực thần học, chủ từ của sự kêu gọi là Thiên Chúa, chứ không phải là bạn bè gọi nhau ơi ới. Nói khác đi, cần phải hiểu là “Chúa gọi”.
Kinh Thánh nói đến việc Chúa gọi ở nhiều phương diện và cấp độ.
Theo nghĩa rộng nhất, “Chúa gọi” có nghĩa Chúa ban sự hiện hữu cho vạn vật và cách riêng là cho con người. Việc tạo dựng được quan niệm như hậu quả của tiếng Chúa gọi: Chúa gọi con người từ chỗ hư vô sang hiện hữu.
Lên một cấp nữa, “Chúa gọi” có nghĩa là Chúa mời gọi con người đến thông phần hạnh phúc với Người. Ơn gọi này cũng hướng tới tất cả mọi nhân sinh, được Thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi Êphêsô như là “Thiên Chúa tuyển chọn ta trong Đức Kitô trước khi tạo thành vũ trụ, để ta được trở nên tinh tuyền thánh thiện” (Ep 1,4; xc. 1Cr 1,2).
Ta thấy hai ý niệm “kêu gọi” và “tuyển chọn” được gắn liền với nhau, nhằm nêu bật tình thương của Thiên Chúa dành cho hết mọi người. Tuy vậy, trong lịch sử cứu độ, chúng ta cũng nhận thấy rằng tình thương mà Thiên Chúa bao phủ hết mọi người không ngăn cản việc Người tuyển chọn một dân tộc làm dân riêng, như trường hợp dân Israel trong Cựu Ước.
Tân Ước áp dụng tư tưởng đó vào dân mới của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh. Các phần tử được mời gọi một đàng là chia sẻ chức thiên tử của Đức Kitô, đàng khác là mang ơn cứu độ cho đồng loại. Đây là nguồn gốc của ơn gọi người Kitô Hữu được Công Đồng Vaticanô II nhắc tới nhiều lần, khi nói đến “ơn gọi nên thánh” hay “ơn gọi truyền giáo”.
Đúng như vậy. Qua bí tích rửa tội, tất cả các Kitô Hữu đều được mời gọi nên thánh, nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, vừa trong tư cách là con cái hiếu thảo của Chúa Cha vừa trong tư cách là mang Tin Mừng đến cho nhân loại. Đến đây, chúng ta vẫn còn nằm ở cấp độ mà thần học gọi là ơn gọi phổ quát, nghĩa là hướng đến tất cả mọi tín hữu, không trừ riêng ai. Tuy nhiên, chúng ta hãy đi thêm một bước nữa.
Thần học chú ý đến vài đoạn Phúc Âm nói đến việc Chúa gọi vài cá nhân và ủy thác cho họ một sứ mạng đặc thù nào đó. Thí dụ khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ đi theo Người: “hãy theo tôi”. Lời kêu gọi này hàm ngụ rằng họ phải rời bỏ môi trường nơi mình đang sinh sống để dấn thân phục vụ một kế hoạch mà Chúa vạch cho họ.
Hiểu theo nghĩa này, trong Tân Ước chúng ta phải đặt Đức Maria vào hàng tiên phong của những người được Chúa gọi, qua trung gian của Thiên Sứ Gabriel; rồi đến các môn đệ và về sau, Thánh Phaolô cũng khẳng định là mình được Chúa gọi làm tông đồ để đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Thần học gọi đó là “ơn gọi riêng” đối lại với “ơn gọi chung” (hay phổ quát). Dù sao, ta cũng nên ghi nhận rằng giữa hai bên có sự liên hệ mật thiết: Thiên Chúa kêu gọi một số người (ơn gọi riêng) đi phục vụ toàn thể cộng đoàn (ơn gọi chung).
Câu trả lời tùy theo ngôn ngữ mà ta sử dụng. Trong ngôn ngữ thông thường, ta có thể nói tới rất nhiều ơn gọi riêng, hiểu theo nghĩa là mỗi người được Chúa ban tài nghệ nào đó để phục vụ xã hội: khả năng trí tuệ, đầu óc tổ chức, năng khiếu nghệ thuật vân vân.
Theo ngôn ngữ thần học, từ ngữ “ơn gọi” được hiểu theo nghĩa hẹp hơn, dựa theo những mẫu gương của Đức Maria và các môn đệ vừa nói trên đây. Một cách cụ thể hơn, trong quá khứ người ta nói đến hai ơn gọi: vào hàng giáo sĩ (ơn gọi linh mục) và vào hàng tu sĩ.
Ngày nay, người ta muốn nói đến ơn gọi “đi theo Chúa Kitô” theo gương các môn đệ, với hai nét chính: một đàng là ở gần kề Chúa, và đàng khác là loan báo Tin Mừng. Thực vậy, khi đọc lại các trình thuật Tân Ước về ơn gọi các môn đệ, chúng ta thấy trước hết họ được yêu cầu hãy rời bỏ nếp sống hiện tại (kể cả gia đình, nghề nghiệp) để đến chia sẻ cuộc sống giống như Chúa Giêsu, một nếp sống phục vụ Tin Mừng vừa bằng lời giảng vừa bằng nếp sống.
Theo tôi nghĩ, có sự khác biệt quan trọng. Theo lối nhìn trước đây, người ta nói đến ơn gọi vào hàng ngũ giáo sĩ và hàng ngũ tu sĩ. Lối nhìn này có thể đưa tới hai sự hiểu lầm đáng tiếc.
1/ Thứ nhất, người ta cho rằng hàng giáo sĩ thì lo việc tông đồ, còn hàng tu sĩ thì lo chuyện tu đức. Sự tách rời hai khía cạnh như vậy khá nguy hiểm. Các giáo sĩ dễ biến thành công chức, còn các tu sĩ thì chỉ nghĩ tới sự thánh thiện bản thân. Trên thực tế, cả hai khía cạnh đó liên hệ mật thiết với nhau, như ta thấy trong cuộc đời của Đức Maria và các môn đệ của Chúa.
2/ Sự hiểu lầm thứ hai là những ai không phải là giáo sĩ hay tu sĩ thì cũng được miễn việc tu thân hay làm việc tông đồ. Sự thực không phải như vậy; có rất nhiều người lãnh nhận ơn gọi phục vụ Tin Mừng tuy không gia nhập hàng giáo sĩ và tu sĩ. Vì thế lối nhìn mới muốn lưu ý chúng ta tiên vàn hãy lấy Chúa Giêsu làm trung tâm. Chúa kêu gọi ai là vì yêu thương người đó, muốn cho họ chia sẻ sứ mạng với Người. Nhưng trước khi tính đến chuyện làm ăn, Người muốn cho môn đệ nhận ra tình yêu của Người, muốn gắn bó với Người.
Tình yêu này không dừng lại ở mức độ tình cảm nhưng còn diễn ra việc hoà đồng tâm tình và nếp sống giữa hai thầy trò (chẳng hạn tính khiêm tốn, hiền hậu, phục vụ, phó thác). Khi đã thấm nhuần tinh thần đó rồi, người môn đệ được mời gọi chia sẻ niềm thao thức của Người đối với ơn cứu độ nhân loại. Họ được mời gọi lên đường mang Tin Mừng cho đồng loại.
Như vậy, tất cả vấn đề ơn gọi xoay quanh bản thân của Chúa Giêsu: ơn gọi làm môn đệ Chúa, đáp lại tình yêu của Chúa, và chia sẻ vào nếp sống của Chúa.
Ơn gọi đi theo Chúa có thể diễn tả cụ thể ra nhiều hình thức khác nhau. Có người tham gia vào chức vụ mục tử nhân lành, phân phát lương thực tinh thần (Lời Chúa, các bí tích) cho các tín hữu cũng như xây dựng các cộng đoàn. Có người tham gia vào việc biểu lộ tình thương của Chúa qua một công tác bác ái cụ thể: chăm sóc người bệnh tật, giáo dục thiếu nhi, an ủi những kẻ bị xã hội bỏ rơi, hoặc âm thầm cầu nguyện cho Nước Chúa được mở rộng.
Tôi xin nhấn mạnh: ngày nay có nhiều tín hữu dấn thân phục vụ Tin Mừng dưới nhiều hình thức (kể cả đi truyền giáo cho dân ngoại), mặc dù họ không gia nhập hàng ngũ linh mục và tu sĩ.
Tùy theo chúng ta hiểu tiếng “ơn gọi” theo nghĩa nào. Lúc nãy tôi có nói đến ơn gọi theo nghĩa rộng, nghĩa là khám phá những tài năng riêng mà Chúa ban để phục vụ cộng đoàn. Nếu tôi có năng khiếu nghệ sĩ, tôi sẽ đem tài năng giúp cho nhân loại thưởng thức cái đẹp. Việc theo đuổi một nghề nghiệp này đòi hỏi sự rèn luyện, cũng như chấp nhận những méo mó của nghề nghiệp. Vì thế trước khi dấn thân vào con đường đó, ta cần phải tìm hiểu xem mình thực sự có năng khiếu hay không.
Tôi nghĩ rằng có thể hiểu ơn gọi lập gia đình theo nghĩa đó, tuy vẫn biết rằng tỉ số lập gia đình thì cao hơn số các nghệ sĩ. Nói thế có nghĩa là người tín hữu trước khi lập gia đình cần phải ý thức về sứ mạng của gia đình trong chương trình của Chúa (tựa như là giúp cho đôi bạn thánh hóa nhờ tình yêu hỗ tương, giáo dục con cái nên công dân trần thế và công dân Nước Trời), và phải rèn luyện những đức tính cần thiết để trở thành người chồng hay người vợ, người cha người mẹ. Nếu chưa đủ điều kiện thì đừng nên tiến tới (tựa như người điếc thì đừng nên học âm nhạc).
Còn ơn gọi theo nghĩa chặt thì nên được dành cho ơn gọi đi theo Chúa Kitô để phục vụ Tin Mừng. Điều này giả thiết là họ không lập gia đình, ngõ hầu dành tất cả con tim cho Chúa, cũng như dấn thân phục vụ một lý tưởng cao hơn tầm nhìn của trần thế.
Người đời đi tìm thành công, danh vọng, lợi lộc: những điều này tự nó không phải là xấu xa; nó trở thành xấu khi sử dụng những phương pháp bất chính để chiếm đoạt chúng, hoặc sử dụng chúng vào mục tiêu phi pháp. Còn người phục vụ Tin Mừng đi tìm những giá trị khác mà sức loài người không thể đạt được, tỉ như: ơn cứu độ, bình an, yêu thương, tha thứ, nhẫn nhục.
Chỉ trong cái nhìn đức tin, chúng ta mới nhìn nhận đó là những giá trị, và cũng cần có ơn thánh Chúa thì mới có thể thực hiện được các giá trị đó. Trong bối cảnh đó, Giáo Hội thấy cần cầu nguyện cho những ơn kêu gọi như vậy. Cầu xin cho những người được Chúa gọi được biết can đảm đáp lại tiếng Chúa cho dù phải hy sinh. Cầu xin cho những người đã đáp lại tiếng Chúa được biết kiên tâm, không bỏ cuộc cho dù gặp thử thách.
Từ ngữ “ơn chức bậc” xem ra có vẻ lạ tai đối với một số người, nếu chưa nói là hơi quê mùa. Thực ra thì không dễ gì tìm được một từ ngữ chính xác để dịch cho hết ý nguyên gốc La Tinh “gratia status”, chuyển sang tiếng Pháp thành “grâce d’état”. Người nào không hiểu thần học thì có thể yên trí dịch ra là “ân huệ Nhà Nước”, và chúng ta không thể trách là dịch sai, bởi vì ngay cả các nhà thần học cũng chưa nhất trí với nhau về nội dung của nó.
Có người hiểu theo một nghĩa khá rộng là “ơn Chúa gọi vào một bậc sống”. Như chị đã biết, thần học cổ truyền nói đến ba bậc sống trong Hội Thánh: giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân. Trong bối cảnh đó, người ta cho rằng để gia nhập vào hàng giáo sĩ hay tu sĩ, cần phải có ơn Chúa kêu gọi. Và ơn Chúa gọi ai vào một bậc sống đặc biệt cũng kèm theo những ơn cần thiết để thực hiện ơn gọi đó.
Chẳng hạn như ai được Chúa gọi vào hàng linh mục thì cũng được Chúa ban ơn để thi hành chức vụ linh mục nữa. Từ sau Công Đồng Vaticanô II, các nhà thần học muốn mở rộng quan niệm về “bậc sống”, theo nghĩa là không nên chỉ giới hạn ơn gọi vào bậc giáo sĩ và tu sĩ, mà cần mở rộng đến bất cứ một tình trạng sinh sống nào ở trên đời này, chẳng hạn như: bậc gia đình, bậc cha mẹ; thậm chí có thể mở rộng đến cả các chức nghiệp nữa, thí dụ như: giáo sư, bác sĩ, luật sư, chính trị gia, vv.
Nghĩa hẹp thì được hiểu vào ơn gọi vào một chức vụ cụ thể nào đó. Chẳng hạn như cha Phêrô đã được Chúa gọi vào hàng giáo sĩ rồi; nay cha được bổ nhiệm về làm cha sở một họ đạo nào đó, thì người ta nói rằng cha sẽ được ơn Chúa giúp đỡ dể chu toàn chức vụ làm cha sở.
Vấn đề này hơi phức tạp, nhất là khi hiểu theo nghĩa hẹp. Nếu hiểu theo nghĩa rộng, thì Giáo Hội vẫn tin việc gia nhập vào một bậc sống (cách riêng hàng ngũ giáo sĩ và tu sĩ) là kết quả của một ơn gọi riêng biệt, mà chúng ta quen gọi là “đặc sủng”.
Thực vậy, không phải hết mọi người đều được gọi để sống sự khiết trịnh trọn hảo của đời tận hiến. Đó là một ơn gọi mà Chúa ban cho một số người, được chọn lựa để phục vụ Nước Chúa. Và một khi Chúa đã gọi và chọn thì Chúa cũng ban những trợ lực cần thiết để theo đuổi ơn gọi đó. Đó là nói trên nguyên tắc. Còn khi áp dụng vào từng cá nhân thì vấn đề trở nên phức tạp hơn, theo nghĩa là làm thế nào mà biết được rằng Chúa đã gọi người ấy? Chúa không hiện ra kêu gọi đích danh từng người, như là trong trường hợp của ông Samuel, ông Isaia, hoặc ông Simon Phêrô.
Sự nhận định ơn gọi thực hiện qua việc tìm hiểu và kiểm chứng nhiều dấu hiệu khác nhau (chẳng hạn như khả năng, khuynh hướng, đức hạnh, vv). Đôi khi tiến trình nhận định ơn gọi kéo dài cả bao năm trường, nhưng kết cục vẫn chưa thể khẳng định 100% rằng đương sự có ơn gọi. Và dầu biết được rằng Chúa đã gọi tôi, nhưng tôi cũng chưa thể khẳng định rằng ơn Chúa sẽ theo sát tôi suốt đời như đinh đóng cột. Lịch sử cho thấy đã có nhiều trường hợp mất ơn gọi (chứ không phải chỉ thiếu ơn gọi).
Ngày nay, các nhà thần học đã đặt lại toàn diện vấn đề của ơn chức bậc, không những là qua những nghĩa rộng hay nghĩa hẹp như đã nói trên đây, mà nhất là về mục tiêu của ơn đó nữa.
Thường thì chúng ta quen hiểu ơn chức bậc theo nghĩa là ơn giúp đỡ để thi hành chức vụ mỹ mãn (chẳng hạn như ơn chức bậc dành cho một cha xứ là thi hành chức vụ mục tử cách tận tụy, và được các tín hữu mộ mến).
Nhưng hiểu như vậy là đã thu hẹp mục tiêu của ơn thánh Chúa, bởi vì chúng ta chỉ đánh giá hiệu quả của ơn thánh qua những tiêu chuẩn phàm trần, tựa như là thành công thắng lợi.
Không phải như vậy; mục tiêu thứ nhất của ơn thánh là giúp cho chúng ta sống và tăng trưởng trong tình nghĩa với Chúa. Hiệu quả của ơn thánh cần được nhìn trong bối cảnh này, kể cả khi nói về ơn chức bậc. Như vậy, nếu người nào được Chúa kêu gọi vào phục vụ Hội Thánh trong hàng linh mục, thì chúng ta có quyền tin rằng Chúa cũng ban những trợ lực cần thiết để cho đương sự được nên thánh trong tác vụ linh mục, kể cả qua những thử thách thất bại mà đương sự gặp thấy trong suốt cuộc đời.
Chúng ta đã thấy nhiều gương của các linh mục (cũng như nhiều tín hữu khác) được thánh hóa qua những thử thách, hiểu lầm, do Chúa quan phòng xếp đặt như dụng cụ để thanh lọc và tôi luyện các nhân đức. Nếu giải thích “ơn chức bậc” theo nghĩa này thì chúng ta thấy có cơ sở thần học chắc chắn.
Khi Chúa kêu gọi chúng ta vào một bậc nào thì Người ban cho ta những phương tiện cần thiết để thực hiện ơn gọi ấy. Đồng thời, chân lý này cũng thúc đẩy chúng ta tìm cách sống trung thành với ơn gọi của mình; bởi vì qua đó mà chúng ta tuân hành ý Chúa. Và chúng ta càng trung thành với ơn Chúa bao nhiêu thì càng giúp cho ơn thánh đạt tới hiệu năng bấy nhiêu, nghĩa là đạt tới lý tưởng tăng trưởng trong sự thánh thiện.
Về điểm này, ý kiến của các nhà thần học không đồng nhất. Một lý do là vì họ chưa nhất trí về ý nghĩa của từ “chức bậc” (hoặc hàng ngũ). Trước đây, người ta chỉ giới hạn vào hai ơn gọi chính trong Hội Thánh là ơn gọi giáo sĩ và ơn gọi tu sĩ. Nhưng ngày nay thì không những người ta đã mở rộng đến hàng ngũ giáo dân, hàng ngũ hôn nhân, mà thậm chí còn muốn áp dụng cho các nghề nghiệp chẳng hạn như giáo sư, bác sĩ.
Liệu có thể quả quyết được rằng một người nào đó được Chúa gọi làm bác sĩ hay không? Theo tôi nghĩ, có thể khẳng định là có ơn gọi làm bác sĩ, ít là theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là không phải bất cứ ai cũng có thể trở thành bác sĩ; cần phải có một vài năng khiếu nào đó, ít là để theo học ngành y khoa. Nghĩa thứ hai mang tính cách cao thượng hơn, đó là coi việc hành nghề bác sĩ như là cơ hội để phục vụ tha nhân, xoa dịu những nổi đau khổ của họ.
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng một khi người nào nhận định được việc hành nghề bác sĩ như một ơn gọi của Chúa thì chắc chắn họ sẽ được ơn Chúa giúp để nên thánh trong nghề nghiệp đó.
Dĩ nhiên là chúng ta không thể nào hình dung được một ông bác sĩ tốt mà hành nghề dở, không những đã không giúp bệnh nhân được lành mà còn tiễn đưa họ sang bên kia thế giới. Không, một khi người nào đã ý thức rằng mình đã được Chúa gọi vào phục vụ tha nhân trong nghề bác sĩ thì đương sự sẽ cố gắng trau dồi kiến thức, cũng như cố gắng thi hành chức nghiệp cách tận tâm.
Tôi nghĩ là hai điều kiện này đủ để bảo đảm cho ông ta hành nghề cách đắc lực. Ngược lại, nếu một bác sĩ cứ y rằng Chúa sẽ ban ơn chức bậc cho mình, và ông không cần biết gì đến chuyện trau dồi kiến thức chuyên môn, hoặc lơ đễnh lúc chẩn bệnh và chữa bệnh, thì chúng ta đủ có thể mường tượng những hậu quả tai hại của thái độ tắc trách ấy. Trong trường hợp này không phải là tại vì ông thiếu ơn Chúa nhưng tại vì ông ta đã không cộng tác với ơn Chúa.
Cách đây 21 năm, chính đức Gioan Phaolô I đã kể lại kinh nghiệm cá nhân có liên quan đến vấn đề này.
Trong mật hội bầu giáo hoàng, khi thấy số phiếu cao của các hồng y được dồn cho mình, người cảm thấy run sợ. Một hồng y ngồi bên cạnh đã trấn an rằng: Ngài đừng lo, nếu Chúa gọi ai vào chức vụ nào thì sẽ ban ơn để thi hành chức vụ đó. Dĩ nhiên đây là một câu nói để an ủi, nhưng thử hỏi: nó có cơ sở thần học đến đâu?
Thực ra chúng ta có thể lồng trong bối cảnh quan phòng phổ quát của Thiên Chúa. Tất cả mọi sự xảy ra trên đời ta đều nằm trong kế hoạch an bài của Người, kể cả những chuyện mà chúng ta cho là rủi ro xui xẻo. Nhưng không dễ gì mà khẳng định rằng cứ làm liều đi, rồi Chúa sẽ tới giúp cho.
Giả như hội đồng hồng y cứ bầu đại một người nào đó dù bất tài lên làm giáo hoàng, và tin rằng Chúa sẽ không thể nào bỏ rơi Hội Thánh, thì chúng ta không nghĩ rằng các hồng y ấy có đức tin mạnh mẽ, nhưng phải nói rằng họ điên rồ và họ sẽ chịu trách nhiệm nặng nề về thái độ vô trách nhiệm này.
Về phía người được bầu cũng vậy: nếu mình thấy không có khả năng thì mình nên từ chối kết quả của cuộc bầu cử, chứ không nên nhận liều vì tin vào ơn chức bậc.
Thí dụ vừa rồi quá phi lý một cách trắng trợn; nhưng mà trên đời này còn nhiều trường hợp rắc rối hơn nhiều, khi phải tính chuyện bổ nhiệm hay bầu cử các chức vụ trong xã hội hay trong Giáo Hội. Không thể nào cắt cử một người vô tài bất lực vào một chức vụ, với bình phong là Chúa sẽ ban ơn chức bậc để bù đắp. Nhất là khi một người thiếu tư cách mà cũng vận động chạy chọt, hoặc dùng thủ đoạn để chiếm một chức vụ, thì ơn chức bậc lại càng xa vời hơn nữa.
Dù sao, để kết luận, tôi cũng xin thú nhận là trên đời, tuy chúng ta vẫn lấy sự khôn ngoan thận trọng làm tiêu chuẩn hành động, nhưng thật là khó mà vạch ra biên cương giữa khôn ngoan với liều lĩnh, hoặc giữa thận trọng với nhút nhát. May thay, như tục ngữ Âu Tây đã nói, “Thiên Chúa có thể viết dòng chữ ngay thẳng, kể cả với ngòi bút lệch lạc”.