Để trả lời câu hỏi này, thiết tưởng cần phải phân biệt nhiều loại thánh. Dưới một khía cạnh nào đó, tất cả các Kitô Hữu đều là những vị thánh, bởi vì họ được thánh hoá nhờ bí tích thánh tẩy. Đó là lý do vì sao trong các lá thư, Thánh Phaolô đã chào thăm các tín hữu như là “các thánh”. Nếu hiểu theo nghĩa này, tất cả các thiếu nhi đáng gọi là thánh, bởi vì các em giữ được tâm hồn trong sạch, chưa làm hoen ố tấm áo rửa tội.
Tuy nhiên, thường từ ngữ “thánh” được dành cho những tín hữu nào đã tiếp nhận ân sủng của Chúa và đáp trả cách ý thức qua việc thực hành các nhân đức một cách phi thường. Hiểu theo nghĩa này, truyền thống Giáo Hội đòi hỏi một hạn tuổi nào đó, chứ các em nhi đồng ngây thơ trong trắng chưa được gọi là các thánh.
Đây là một trường hợp ngoại lệ, ít là về hai điểm.
Ngoại lệ thứ nhất ở chỗ phụng vụ kính các thánh anh hài như các thánh tử đạo, nghĩa là những người chết vì đức tin. Như sẽ thấy sau, con số các thánh thiếu nhi tử đạo xem ra đông hơn là các thánh thiếu nhi không tử đạo.
Ngoại lệ thứ hai ở chỗ các thánh anh hài được coi như những chứng nhân cho Chúa Kitô tuy rằng các em chưa biết Chúa Kitô, như chúng ta nghe trong bài đọc Giờ Kinh Sách. Không những các em không biết Chúa Kitô, mà thậm chí cha mẹ của các em cũng chưa biết Chúa nữa. Xem ra lễ các thánh anh hài muốn làm nêu bật rằng việc làm chứng nhân cho Chúa Kitô là một điều hoàn toàn do hồng ân của Thiên Chúa, chứ không do công sức về phía con người.
Như vừa nói, cần phân biệt hai hạng thánh: các thánh tử đạo và các thánh không tử đạo. Các thánh nhi đồng tử đạo đã được nhắc tới từ cổ thời, điển hình các thánh anh hài. Các thánh nhi đồng không-tử-đạo thì xem ra mới có vào thời cận đại.
Sự khác biệt ở chỗ là các thánh không tử đạo đòi hỏi một mức độ ý thức nào đó để đáp trả ơn thánh Chúa; còn các thánh nhi đồng chịu tử đạo đôi khi ngoài tầm độ ý thức, chẳng hạn như trường hợp những em bị sát hại cùng với cha mẹ hoặc với những người khác trong họ đạo.
Điều này tuỳ thuộc vào thời điểm lịch sử. Vào thời xưa, khi Giáo Luật chưa có ấn định thủ tục phong thánh, thì nhiều tín hữu được tôn kính như thánh nhân do truyền thống dân gian, và tài liệu lịch sử không được chính xác lắm. Không lạ gì mà thời đó có nhiều thánh trẻ tử đạo, tuy rằng không có hồ sơ lý lịch về tuổi tác của họ.
Vài trường hợp điển hình: theo tục truyền thánh Agnès và Xêxilia chịu tử đạo lúc 12 tuổi, thánh Pancrazio và Vitô lúc 13 tuổi.
Vào thời cận đại, với thủ tục phong thánh do Giáo Luật ấn định tỉ mỉ, người ta biết rõ hơn cuộc đời của các thánh. Gần gũi với chúng ta hơn cả về thời gian là Thánh Maria Goretti, bị giết lúc 12 tuổi để bảo vệ đức trinh khiết; còn gần gũi về không gian (nghĩa là ở miền Á đông) thì có thể kể đến Chân Phúc Anrê Phú yên thầy giảng và Thánh Tôma Thiện chủng sinh ở Việt Nam, chịu tử đạo lúc 18 tuổi.
Sang những nước láng giềng, chúng ta gặp thấy những trường hợp bên Trung Hoa, (trẻ nhất là Anrê Wang Tianqing và Phaolô Lang Fu 9 tuổi), Nhật bản (Thánh Tôma Kosaki 14 tuổi, Antôn Nagasaki 13 tuổi, Luy Ibarki 12 tuổi; cả ba đều là thiếu niên dòng Ba Phansinh, tử đạo năm_1582 và_1584), và Triều tiên (Phêrô Yu Tae-chol, 13 tuổi).
Trước khi trả lời câu hỏi, thiết tưởng nên phân biệt giữa phương diện Giáo Luật và phương diện thần học.
Dưới phương diện Giáo Luật, các thánh được xếp làm ba cấp: các vị hiển thánh, các vị chân phúc (hay á thánh), và các tôi tớ Chúa. Đó là ba chặng trong tiến trình phong thánh: chặng thứ nhất kết thúc với nghị định xác nhận việc thực hành các nhân đức anh hùng, và đương sự được gọi là “tôi tớ Chúa”. Hai chặng kế tiếp kết thúc với việc xác nhận phép lạ do lời cầu bầu của tôi tớ Chúa, và được tôn vinh là “chân phúc” và “hiển thánh”.
Dưới phương diện thần học mà chúng ta đang bàn, thì việc xác nhận nhân đức anh hùng đã đủ để đánh giá đời sống thánh thiện của đương sự rồi. Vào thời cận đại, chúng ta gặp thấy rất nhiều thánh trẻ.
Đúng thế, và nhân dịp đại hội giới trẻ thế giới ở Paris vào năm 1997, ĐTC Gioan Phaolô II đã giới thiệu người như khuôn mẫu thánh thiện cho các bạn trẻ, trùng vào bách chu niên của thánh nữ. Tuy nhiên còn nhiều vị thánh nữ ở dưới 24 tuổi.
Dòng Carmêlô còn vị thánh nữ người Chilê cũng tên là Têrêsa (de los Andes) qua đời năm 1920 lúc lên 19 tuổi khi còn là tập sinh, và được phong thánh vào năm_1993.
Dòng Chúa chịu nạn (Passioniste) có một vị Thánh Gabriel dell’Addlorata (24 tuổi) và Chân Phước Grimoalđô della Purificazione, tập sinh 19 tuổi, cả hai sống vào thế kỷ XIX.
Lùi lại vài thế kỷ trước đó, Dòng Tên có Thánh Gioan Berchmans 22 tuổi (qua đời năm 1621 và được phong thánh năm 1888) và Thánh Stanislaus Kostka, người Ba-lan tập sinh qua đời năm 1568 khi lên 18 tuổi, và được phong thánh năm 1726.
Không phải. Để thi hành các quyền lợi công dân thì cần phải tới tuổi trưởng thành là 18 tuổi. Nhưng để nên thánh thì không cần chờ tới tuổi 18. Chỉ cần thực hành các nhân đức trong một khoảng thời gian nào đó để chứng tỏ tính cách bền bỉ, chứ không phải là “anh hùng rơm”.
Trên thực tế, có lẽ nhiều người ở Việt Nam (cách riêng những ai quen biết với dòng Gioan Bosco) đã nghe nói đến Thánh Đominicô Saviô, người Ý, một đệ tử của Thánh Gioan Bosco, qua đời lúc 14 tuổi rưỡi (2/4/1842 - 9/3/1857) và được phong thánh ngày 12/6/1954.
Một phần tử khác thuộc gia đình Don Bosco là cô Laura Vicunha, người Chilê, 12 tuổi rưỡi (5/4/1891- 22/1/1904) được phong chân phước năm 1988.
Những vị gần chúng ta hơn nữa (xét về thời gian cũng như về việc phong chân phước) là hai thiếu nhi được thấy Đức Mẹ hiện ra ở Fatima vào năm 1917, đó là hai anh em Phanxicô và Giacinta Martô. Phanxicô qua đời lúc chưa tròn 11 tuổi (11/6/1908- 4/4/1919) và Giacinta qua đời lúc sắp lên 10 tuổi (11/3/1910- 20/2/1920); cả hai được phong chân phước ngày 13/5/2000. Hai em được phong thánh không phải vì được thấy Đức Mẹ hiện ra nhưng vì đã thực thi các nhân đức anh hùng: cả hai đều dâng những đau khổ để đền tội cho mình và cho tha nhân.
Như vừa nói, chúng ta có thể hiểu “thánh” theo nghĩa rộng, nghĩa là những người đã thực hiện nhân đức một cách anh hùng, tuy chưa có phép lạ để được tôn phong chân phước hoặc hiển thánh. Hiểu theo nghĩa này thì có lẽ người trẻ nhất là cô bé Antonietta Meo, 6 tuổi rưỡi. Sinh tại Rôma ngày 15/12/1930, là con út trong một gia đình với 2 chị và một anh, tuy rằng khi mở mắt chào đời thì chỉ còn một người chị, bởi vì hai người kia đã mất.
Từ năm 1936, em bị mắc ung bướu và phải cưa chân vào ngày 23/4. Em đã can đảm chịu đựng những đau khổ để cầu cho Đức Thánh Cha, các thừa sai, các thiếu nhi bên Phi Châu, cho đến khi qua đời ngày 3/7/1937.
Điều đáng chú ý là cô bé đã để lại trong nhật ký 150 lá thư (bắt đầu từ ngày 15/9/1936 cho đến ngày 2/6/1937 (1 tháng trước khi qua đời): 7 lá viết cho cha mẹ, 6 lá cho Chúa Ba Ngôi, 106 lá gửi Chúa Giêsu, 17 lá gửi Đức Mẹ, 2 lá gửi cho Thánh Têrêsa hài đồng Giêsu, 2 lá gửi cho Thánh Agnès.
Những lá thư này ngắn (đôi khi chỉ có 3, 4 dòng), nhưng rất sâu đậm, chẳng hạn như em đã viết cho Chúa Giêsu thế này:
“Lạy Chúa Giêsu, con biết Chúa đã đau khổ nhiều từ khi còn bé thơ. Con muốn đi mỗi ngày Chúa Nhật được đi Thánh Lễ,
diễn lại hy lễ trên thập giá, và Chúa còn hy sinh hơn nữa khi giam mình trong bí tích”.
“Lạy Chúa Giêsu, con sẽ rước Chúa mỗi ngày Chúa Nhật, và con ước ao rước Chúa mỗi ngày, nhưng mẹ con không đưa con đến nhà thờ.”
“Lạy Chúa Giêsu, xin thưa với Chúa Cha rằng con mến Chúa lắm”.
“Lạy Chúa Giêsu, con muốn phó thác đời con trong tay Chúa, nhưng xin Chúa giúp con với, bởi vì nếu không có Chúa thì con không làm gì được”.
Trong những ngày cuối đời, khi không còn viết được thì em đọc cho mẹ viết như sau:
“Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, con hết lòng mến Chúa, và con muốn lên núi Calvariô để ở kề bên Chúa”.
Em đã chịu rất nhiều đau đớn trên giường bệnh, nhưng không hề kêu ca. Những lá thư này đã được ĐTC Piô XI đọc và hết sức cảm động. Một năm sau khi qua đời, người ta đã viết tiểu sử của em. Án phong thánh đã được bắt đầu từ năm 1968, và đang đến những giai đoạn kết thúc. Có lẽ đây là vị thánh trẻ tuổi nhất trong lịch sử: 6 tuổi rưỡi.
Không biết có bao nhiêu người đã nghĩ tới câu hỏi ấy. Trên thực tế, vấn nạn ấy được nêu lên tại Bộ Phong Thánh ở Rôma này. Vấn nạn ấy có tính cách tiên quyết, bởi vì giả như người ta ấn định rằng số tuổi tối thiểu để làm thánh, tựa như 18 tuổi như dân luật đã ấn định để thi hành quyền lợi công dân, thì tất nhiên sẽ là không ai có quyền nạp hồ sơ phong thánh cho những người dưới tuổi đó.
Quả thực là những vấn nạn có thể làm cuộc đời thêm rắc rối; thế nhưng chúng cũng có thể giúp làm cho vấn đề thêm sáng tỏ hơn. Trong câu chuyện mà chúng ta đang bàn, thì vấn đề như thế này: thế nào là nên thánh? Một khái niệm đơn giản hơn cả về thánh nhân tức là sự trưởng thành về đường thiêng liêng.
Nhưng thử hỏi có thể nói đến sự trưởng thành mà không ấn định một số hạn tuổi tối thiểu hay không? Có thể nào một em bé năm ba tuổi, tuy rằng tâm hồn ngây thơ trong trắng, được coi như là trưởng thành hay không?
Chính vì vậy mà người ta cảm thấy cần phải xác định một mức tuổi tối thiểu. Hơn thế nữa, tiêu chuẩn sử dụng trong các vụ án phong thánh là sự “thực hành các nhân đức đến mức độ anh hùng”. Dĩ nhiên lịch sử mọi nơi mọi thời có những tấm gương của các “anh hùng tí hon”. Nhưng để khỏi rơi vào cảnh “anh hùng rơm” (chỉ hăng hái bồng bột chốc lát rồi xẹp), thần học đòi hỏi rằng để việc thực hành các nhân đức nói được là đã đạt tới mức độ anh hùng, thì cần có yếu tố thời gian để chứng tỏ tính chất bền bỉ của nó; nói khác đi tính chất anh hùng cần được biểu lộ qua việc thực hành các nhân đức một thời gian dài.
Đúng như vậy. Giả như người ta giả thiết rằng cần phải chứng tỏ việc thi hành các nhân đức trong vòng 10 năm, thì tối thiểu muốn làm thánh thì phải chờ tới 15, 16 tuổi, bởi vì chưa có thể nói tới hành vi nhân đức của các em bé trước khi bắt đầu 4 - 5 tuổi.
Tuy nhiên nãy giờ chúng ta mới nghe lập luận từ một phía, bây giờ chúng ta hãy nghe lập luận của phía bên kia. Trước hết là khái niệm anh hùng.
Quan niệm bình dân chấp nhận có những anh hùng tí hon, tại sao Giáo Hội không thể chấp nhận các thánh tí hon được. Mức độ anh hùng có tính cách tương đối theo khả năng sức lực của từng lứa tuổi, chứ đâu thể xét cách tuyệt đối, bắt buộc ai cũng phải vào hang hùm xé miệng cọp được!
Đi sâu hơn vào vấn đề phong thánh, người ta đòi hỏi phải phân tích kỹ lưỡng hơn khái niệm “thánh thiện là gì”? Và câu trả lời có thể tóm tắt như sau: “sự thánh thiện hệ tại việc thuận tuân theo ý Chúa qua việc bền bỉ chu toàn bổn phận của bậc mình”. Và ai trung thành với bổn phận của mình ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, thì phải coi đó là thánh thiện, anh hùng rồi.
Hơn thế nữa, trong khái niệm về sự thánh thiện, chúng ta đừng nên quên tác động của ơn thánh Chúa: chính ơn thánh đã biến đổi, canh tân con người nên thánh thiện. Nói khác đi, trong chân dung của một thánh nhân, chúng ta có thể ví tác động của ơn thánh như tấm vải lụa, mầu sắc, và với chính nhà hoạ sĩ; còn cố gắng của đương sự ví được như cái bút lông sẵn sàng để cho hoạ sĩ nắn nót.
Trong những thế kỷ đầu có những vị thánh tử đạo tục truyền là trẻ, tỉ như Tarcisio, một cậu bé giúp lễ; Inê (Agnès) tục truyền còn là cô bé. Vào thời đại của chúng ta thì có Maria Goretti, 12 tuổi, thà chết chứ không thà lỗi đức trinh khiết.
Nhưng điều đáng để ý là trong hai thế kỷ XIX và XX này, Giáo Hội đã đặt lên bàn thờ nhiều bạn trẻ không phải là tử đạo. Trong những thế kỷ trước đây, những trường hợp này tương đối là hiếm, thí dụ như vào năm 1726, Đức Bênêđictô XIII đã phong hiển thánh cho Stanislaus Kotska, tu sĩ dòng Tên người Ba-lan qua đời năm 1568 lúc 18 tuổi rưỡi; 1 thế kỷ sau, vào năm 1826 Đức Lêô XII phê chuẩn việc tôn kính chân phước dành cho Imelda Lambertini, dòng Đaminh, qua đời năm 1333; kế đó vào năm 1906, Đức Piô X đặt làm bổn mạng các trẻ em rước lễ lần đầu.
Nhưng con số các thánh trẻ tăng vọt lên trong thế kỷ XX. Ngoài Têrêsa Lisieux quen gọi là Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một nữ tu dòng kín 24 tuổi, ta có thể kể đến Dominico Savio, một đệ tử đầu tiên của Thánh Gioan Bosco, qua đời năm 1857 khi mới được 14 tuổi. Chính đức Piô XII đã phong chân phước năm 1950 và hiển thánh năm 1954.
Cũng trong gia đình Bosco, ta có thể nhắc tới Laura Vicuna, qua đời năm 1904 lúc 12 tuổi, và được phong chân phước năm 1988. Hai nhân vật có lẽ quen thuộc với chúng ta hơn cả là Phanxicô Marto (10 tuổi rưỡi) và Giacinta (non 10 tuổi), hai anh em được thấy Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Được phong chân phước ngày 13/5/2000.
Tuy nhiên, nếu muốn xét tới mức độ kỷ lục thì phải nhắc tới Anonietta Meo, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1930 và qua đời ngày 3/7/1937, 6 tuổi rưỡi, sau khi bị cắt một chân vì ung thư. Hồ sơ phong thánh đã bắt đầu từ 1975. Dĩ nhiên còn nhiều hồ sơ khác nữa tại bộ Phong thánh của những bạn trẻ từ 7 tới 18 tuổi, mà chúng ta không muốn dài dòng ở đây.
Ngôn ngữ chuyên môn của Bộ phong thánh là “thực hành nhân đức đến mức độ anh hùng”. Thế nào là một nhân đức anh hùng?
Ngoài tính cách khó khăn đòi hỏi một sức lực phi thường, như chúng ta thường hiểu hai tiếng “anh hùng”, thần học còn đòi hỏi: tình yêu (tức là đức ái) cũng như động lực siêu nhiên thôi thúc thực hành việc đó nữa. Những tiêu chuẩn đó không thể đo lường bằng thước tấc hay trọng lượng được, nhưng phải xét trong điều kiện cụ thể của từng cá nhân.
Thánh Tôma Aquinô ví sự trọn hảo như là ly nước đầy: dung lượng của ly lớn và ly nhỏ khác nhau; nhưng điều cần phải xét là nó đầy hay là vơi: một ly nhỏ mà đầy thì đáng quý hơn là một ly lớn mà cạn.
Khi xét đến mức độ anh hùng của các thiếu nhi cũng vậy. Không thể đo lường một thời gian lâu dài nơi các em cũng như nơi người lớn; nhưng phải xét tính cách phi thường so với những đồng bạn cùng trạc tuổi; tỉ như: một sự đau đớn kéo dài, một cố gắng bền bỉ để chu toàn bổn phận. Thêm vào đó, chúng ta cần phải phải xem các em đã ý thức thế nào với tiếng gọi của Thiên Chúa mời gọi nên thánh hơn, đã đáp ứng thế nào với tác động của Chúa Thánh Thần.
Một vị thánh như vậy không phải là người lúc nào cũng lên gân gồng bắp thịt cho căng, túc trực chiến đấu; nhưng là một người tận tụy với việc bổn phận hằng ngày, cách vui tươi, bởi vì ý thức rằng những công việc tầm thường đó là biểu hiệu việc đáp lại ơn thánh Chúa.
Có lẽ thoạt tiên người đời không thấy dấu hiệu gì khác thường, xét vì tính cách phi thường diễn ra ở thâm cung của nội tâm, khi đương sự cương quyết sẽ không từ chối ơn Chúa, sẵn sàng dốc hết tâm lực để làm đẹp lòng Chúa. Dĩ nhiên từ thái độ nội tâm như vậy, dần dần sẽ phát hiện những dấu hiệu bên ngoài đáng cho đời thán phục: tỉ như sự tận tụy với bổn phận cả những lúc gặp khó khăn; trung thành với lương tâm chứ không chiều theo những dụ dỗ; bình thản chịu đựng những đau khổ bệnh tật; siêng năng trong việc đạo đức; quên mình để lo phục vụ tha nhân, vân vân. Và ơn gọi làm thánh như vậy không phải là độc quyền của một giới nào, một tuổi nào hết. Tất cả đều được kêu gọi nên thánh.
Có thể định nghĩa một thánh trẻ như thế này: “một người vui tươi trung thành với bổn phận hằng ngày, đương đầu với những khó khăn thử thách, tìm cách hết sức làm điều thiện hảo vì lòng mến Chúa”.
Đó cũng là lời nguyện chúc cho tất cả các thính giả nhân dịp đầu năm mới: tìm thấy nơi sự thánh thiện bí quyết của sự trưởng thành già dặn cũng như của sự vui tươi trẻ trung.
Có hai cách để trả lời câu hỏi, với kết quả hoàn toàn trái ngược nhau: cực đa và cực tiểu.
Dưới một phương diện nào đó, ta có thể trưng dẫn lời của Chúa nói với ông Abraham trong sách Sáng Thế chương 15 câu 5: “hãy nhìn lên trời, thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không”, nghĩa là con số của các linh mục thánh thiện đếm không xuể; nhưng nhìn dưới một phương diện khác, thì phải nói rằng đếm chưa hết đầu ngón tay.
Chúng ta hãy khởi sự từ vòng ngoài (nghĩa là từ chỗ đông nhất), rồi từ từ chúng ta sẽ đi vào bán kết và chung kết thì sẽ thấy con số còn lại chẳng còn bao nhiêu.
Ở chu vi rộng lớn nhất, chúng ta phải tạ ơn Chúa vì có rất nhiều vị linh mục thánh thiện, tận tâm với sứ vụ của mình, đến nỗi nói được rằng họ bỏ mạng vì công vụ. Con số này không thể đếm được, bởi vì chỉ có Chúa biết.
Tiến thêm một bước nữa, chúng ta chỉ giới hạn vào những linh mục đã được Giáo Hội tôn vinh hiển thánh. Con số này chắc là ít hơn và có thể đếm được: chỉ cần giở sách Tử-đạo-thư, hoặc lịch phụng vụ mà xem. Tuy nhiên nên lưu ý là chúng ta chỉ nói các linh mục mà thôi, vì thế không được tính các giáo hoàng và giám mục. Đến đây tạm gọi là bước vào vòng bán kết.
Sau cùng, chúng ta hãy đi vào vòng chung kết, nghĩa là chỉ tìm các linh mục làm thánh chỉ vì là linh mục mà thôi, nghĩa là loại bỏ các linh mục tu sĩ (hoặc tu dòng hoặc lập dòng) và các linh mục tử đạo. Chúng ta sẽ thấy con số tụt xuống rất thấp. Chúng ta hãy lấy một thí dụ: trong số 117 thánh Việt Nam, có 8 giám mục (và như vậy không tính), 5 linh mục Tây Ban Nha và 8 linh mục người Pháp, 37 linh mục người Việt (trong số đó có 11 vị dòng Đaminh). Nhưng không ai được vào vòng chung kết, bởi vì các đấng là những vị tử đạo. Nói thế có nghĩa là ở Việt Nam chưa có linh mục nào được phong thánh chỉ vì là linh mục.
Như đã nói lúc đầu, chúng ta đứng trước một tình trạng khá mâu thuẫn giữa hai thái cực. Một đàng thì không đếm xuể, nhưng đàng khác thì đếm không hết đầu ngón tay. Nếu áp dụng tiêu chuẩn đặt ra cho vòng chung kết đã nói (nghĩa là chỉ giới hạn vào các linh mục không tử đạo và không tu sĩ), thì chỉ đếm được 2 vị: một là Thánh Gioan Marie Vianney và hai là Thánh Gioan Avila.
Xét theo lịch sử thì phải đổi thứ tự: Thánh Gioan Avila (1500-1569), đương thời với Thánh Inhaxiô và Têrêsa Avila, được phong thánh năm 1970, (kính vào ngày 10 tháng 5) và được hàng giám mục Tây Ban Nha nhận làm bổn mạng các linh mục giáo phận trong nước.
Còn Thánh Gioan Vianney thì ra đời sau đó 2 thế kỷ (1786-1859), được phong thánh ngày 31/5/1925 và từ năm 1929 (nghĩa là cách đây 80 năm) được Tòa Thánh đặt làm bổn mạng các cha sở.
Chúng ta nên trở lại nhận xét đã nói lúc đầu: có thể hiểu tiếng nên thánh theo nhiều nghĩa. Nếu hiểu nên thánh như là được tôn vinh lên bàn thờ, thì phải nhận rằng muốn làm thánh lẹ thì phải vào tu dòng hoặc lập dòng. Lý do bởi vì, có như vậy thì sau khi chết mới có người tiến hành thủ tục phong thánh, chứ nếu một thân một mình thì đâu ai lo. Tuy nhiên chúng ta có thể đặt vấn đề cách khác.
Đừng kể việc tử đạo là một điều không thể nào tính trước, thì từ lâu đời sống thánh thiện của linh mục đã được gắn với ơn gọi tu dòng. Để hiểu điều này chúng ta cần trở về với lịch sử Giáo Hội. Nhưng trước hết, cần phải xác định vài từ ngữ hơi hàm hồ trong tiếng Việt.
Điều hàm hồ thứ nhất là ở Việt Nam, ai muốn làm linh mục thì phải đi tu, nhưng các linh mục không được gọi là tu sĩ. Tại sao vậy? Bởi vì “tu sĩ” được dành riêng cho một lớp người khác, quen gọi là các dòng tu. Từ đó có sự phân biệt giữa “linh mục triều” và “linh mục dòng”.
Nguồn gốc của các từ ngữ này không rõ rệt cho lắm. Có người giải thích rằng “linh mục triều” có nghĩa là linh mục “quan triều” bởi vì so sánh các linh mục với các quan chức. Có lẽ trong quá khứ các linh mục được coi như những vị lãnh đạo ngang hàng với các xã trưởng, tỉnh trưởng. Dù sao, các linh mục triều cũng thường được gọi là cha xứ hay cha sở, bởi vì đứng đầu một giáo xứ (hay họ đạo), đối lại với các “cha dòng”, nghĩa là sống trong nhà dòng, mặc dù trên thực tế, các cha dòng đi coi xứ không phải là ít.
Trong Giáo Luật, người ta thường nói đến ba hàng ngũ trong Giáo Hội, đó là: giáo sĩ, tu sĩ, và giáo dân. Sự phân biệt không được rõ ràng cho lắm. Chúng ta tạm gác hàng ngũ giáo dân sang một bên và chỉ nói đến hàng ngũ giáo sĩ và tu sĩ.
Trong ba thế kỷ đầu tiên, chưa có sự phân biệt rõ rệt giữa hai bên, hay nói đúng hơn, các tu sĩ chưa họp thành một hàng ngũ riêng. Có những người nam nữ cảm thấy được gọi sống sát với Tin Mừng, nên họ đã giữ một nếp sống nhiệm nhặt khắc khổ hơn, không lập gia đình để dấn thân vào việc truyền giáo, nhưng họ vẫn sống giữa cộng đoàn tín hữu.
Từ đầu thế kỷ IV, mới nảy ra phong trào đan tu, gồm những giáo dân rút lên đồng vắng để sống thân mật với Chúa. Dần dần, họ cũng đảm nhận vài công tác mục vụ, như là giảng dạy, giải tội, dâng lễ. Vì thế các đan sĩ lãnh chức linh mục: đó là hiện tượng “giáo sĩ hóa các đan tu”, với nguy cơ là họ đặt nặng việc cầu nguyện và cử hành Thánh Lễ như trọng tâm của đời sống linh mục.
Đúng rồi, nhưng chưa đủ. Các linh mục còn phải coi sóc đoàn chiên nữa. Dù sao, song song với hiện tượng “giáo sĩ hóa các đan tu” là hiện tượng “đan tu hóa các giáo sĩ”.
Chuyện xảy ra như thế này. Đời sống thánh thiện không dễ gì: sau thời nhiệt thành của thuở ban đầu, dần dần đời sống tâm linh lạnh nhạt, đưa đến tình trạng sa sút. Điều này xảy ra cho cá nhân cũng như cho cộng đoàn. Vì thế suốt dòng lịch sử của Giáo Hội, nhiều phong trào canh tân cải cách đã nổi lên để cỗ võ sự thánh thiện của giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ cũng như giáo dân.
Riêng đối với hàng giáo sĩ, một phương thức cải cách được đặt ra là nếp sống kỷ luật và cộng đồng. Vì thế mà đừng kể những đan tu lãnh chức linh mục và tiếp tục sống trong đan viện, từ thời Trung Cổ, đã có nhiều dòng tu được thiết lập bởi các giáo sĩ và cho các giáo sĩ.
Người ta đặt tên là các “tăng sĩ” (canonici regulares) vào thế kỷ XI, nghĩa là các giáo sĩ sống chung và giữ luật của Thánh Augustinô; hoặc các “giáo sĩ kỷ luật” (clerici regulares) vào thế kỷ XVI; các “tu đoàn giáo sĩ sống chung” (societates vitae communis) hồi thế kỷ XVII, với hai tổ chức quen biết ở Việt Nam là Hội các thừa sai Paris và Tu hội Xuân bích. Đó là chưa kể những dòng tu được thiết lập nhằm thi hành một sứ vụ đặc biệt của linh mục, chẳng hạn như giảng thuyết, dạy học, truyền giáo, như chúng ta thấy nơi các dòng giáo sĩ (tựa như dòng Đaminh, dòng Tên, dòng Salesien).
Hiện tượng đan tu hóa các giáo sĩ đặt nặng vấn đề kỷ luật sống chung và việc tuân giữ ba lời khấn. Dĩ nhiên là những điều đó cũng tốt thôi, nhưng khó áp dụng, cách riêng về đời sống chung.
Các linh mục phụ trách mục vụ phải sống trong các giáo xứ chứ đâu có thể tụ tập thành cộng đoàn được. Tuy vậy, từ Công Đồng Vaticanô II, nhiều văn kiện Tòa Thánh vẫn đề cao đời sống cộng đoàn, kể cả trong bức thư của đức thánh cha gửi các linh mục vào dịp lễ Thánh Tâm năm nay.
Đời sống cộng đoàn nâng đỡ tinh thần rất nhiều cho các linh mục. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng cộng đoàn ở đây có thể hiểu là 2-3 người chứ không nhất thiết là một chục người. Hơn thế nữa, sắc lệnh của Công Đồng Vaticanô II về đời sống linh mục còn cống hiến một khuôn mẫu cộng đoàn rộng lớn hơn, đó là cộng đồng linh mục đoàn presbyterium của giáo phận dưới sự lãnh đạo của giám mục.
Dĩ nhiên là cần phải tìm cách để diễn tả tính cách cộng đồng linh mục đoàn ra thực tại, chẳng hạn như qua các cuộc tĩnh tâm, gặp gỡ, thăm viếng, học hỏi. Cách riêng, về các phương thế nên thánh của các linh mục, Công Đồng Vaticanô II đã đặt “đức ái mục tử” lên hàng đầu: linh mục phải coi việc tận tâm phục vụ đoàn chiên như phương thế số một để nên thánh.
Đây là ơn gọi đặc trưng của linh mục. Bộ Giáo Luật lặp lại tư tưởng ấy ở điều 276. Nhằm thi hành ơn gọi đó, nghĩa là để giúp cho các tín hữu nên thánh, các linh mục phải tìm cách thánh hóa mình qua việc cầu nguyện và thực tập nhân đức. Như vậy, Công Đồng Vaticanô II đã kết hợp kinh nghiệm của hiện tượng “giáo sĩ hóa các đan tu” và “đan tu hóa các giáo sĩ” dưới một mô hình mới, đó là “mục tử nhân lành”. Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1990 đã chấp nhận mô hình đó, như ta thấy nơi tông huấn “Pastores dabo vobis” ở số 21.