Trước hết, chúng ta cần phải ghi nhận một điều rất quan trọng này là, khác với các tôn giáo khác, dân Do Thái đã nhận được giới truyền là không được tạc tượng vẽ hình của Thiên Chúa. Điều này vẫn còn được dân Do Thái duy trì cho tới ngày hôm nay.
Khi đi viếng một hội đường Do Thái, chúng ta không thấy bức tranh hay pho tượng nào của Thiên Chúa hết. Điều này muốn nêu bật chân lý là Thiên Chúa không có hình tượng. Người thuộc về thế giới linh thiêng, không có thân thể, không có phái tính nam nữ.
Thế nhưng xem ra đây là một điều mâu thuẫn. Một đàng Kinh Thánh khẳng định là Thiên Chúa không có hình dạng nào hết; đàng khác, Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh của Người. Nếu Người không có hình ảnh, thì sao lại dựng con người theo hình ảnh được?
Đó là thắc mắc mà các nhà thần học đã cố gắng tìm cách giải thích. Dĩ nhiên, trước hết chúng ta hãy khảo sát các đoạn văn Kinh Thánh đã, rồi sau đó chúng ta sẽ xem các lời giải thích. Chắc chị còn nhớ Kinh Thánh nói về tới việc Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh của Người ở đoạn nào chứ?
Đúng thế. Nên biết là đoạn văn vừa nói đã gây ra khá nhiều vấn nạn. Ngoài cái vấn nạn về việc làm sao con người lại được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa trong khi mà Thiên Chúa không có hình ảnh đã nêu trên, chúng ta còn gặp hai vấn nạn khác nữa.
Vấn nạn thứ nhất là: con người ở đây là con người nam nữ. Phải chăng cả nam cả nữ họp nhau lại mới làm nên hình ảnh của Thiên Chúa được?
Vấn nạn thứ hai là bản văn Kinh Thánh sử dụng hai từ ngữ: Thiên Chúa dựng nên con nguời theo hình ảnh (imago) và giống hệt như mình (similitudo). Như thế thì “hình ảnh” và “giống hệt” là hai tư tưỏng khác nhau, hay đồng nghĩa?
Trước khi trình bày những ý kiến giải thích, chúng ta cần thêm những đoạn văn khác của Kinh Thánh nhắc tới tư tưởng con người là hình ảnh của Thiên Chúa, đó là: Sách Sáng Thế 5,1; 9,6; Sách Khôn ngoan 2,23; Sách Huấn Ca 17,1.
Trong Tân Ước, Thánh Phaolô là người nói nhiều đến tư tưởng này hơn hết. Một đàng Thánh Phaolô thiết lập một tiêu chuẩn cao cấp hơn, khi gọi Đức Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa (2Cr 4,4; Cl 1,15; Dt 1,3). Từ đó, khi lặp lại tư tưởng của Cựu Ước về việc con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (Cl 3,10) người đã lái về chiều hướng là chúng ta cần phải trở nên giống hình ảnh của Đức Kitô (Rm 8,29; 1Cr 15,49; 2Cr 3,18).
Trong lịch sử thần học, đã có rất nhiều lối giải thích khác nhau.
Lối thứ nhất là phân tích từ ngữ. Như đã nói trên đây, đoạn văn căn bản là Sách Sáng Thế chương 1 câu 27. Trước đó, ở câu 26, chúng ta đọc thấy ý định của Thiên Chúa muốn làm nên con người theo “hình ảnh và giống hệt như Người”.
Các nhà chú giải Kinh Thánh đã tranh luận xem hai từ ngữ đó (hình ảnh / giống hệt) đồng nghĩa hay là khác nghĩa. Hầu hết các học giả đều cho là khác nghĩa.
“Hình ảnh” (tiếng Do Thái là selem) ám chỉ một sự tương đồng theo nghĩa vật chất, chẳng hạn khi đúc hình tạc tượng. Hình ảnh phải quy chiếu về cái khuôn mà nó được đúc ra, cái mẫu mà nó được tạc.
Còn từ ngữ “giống hệt” (tiếng Do Thái là demut) có tính cách trừu tượng, phần nào làm giảm bớt ý tưởng của “hình tượng”. Khi nói “giống như, tương tự” thì phải hiểu là không có y hệt trăm phần trăm. Cái hình tượng thì hoàn toàn y hệt như cái khung mà nó được đúc; còn tư tưởng “giống như”, thì chỉ cho thấy một vài nét tương đương, chứ không giống y như khuôn đúc.
Nói khác đi, theo các nhà chú giải Kinh Thánh, tác giả sách Sáng Thế muốn nói lên rằng con người được thông phần vào một vài ưu phẩm của Thiên Chúa, nhưng con người không thể nào mà bình đẳng ngang hàng với Thiên Chúa được.
Tuy nhiên, đây là ý kiến của vài nhà chú giải dựa theo sự phân tích từ ngữ. Trải qua lịch sử thần học, các giáo phụ đưa ra những lối giải thích khác, dựa theo khía cạnh tu đức, siêu hình hay tâm lý. Nói chung, các vị cho rằng hai từ ngữ “hình ảnh” và “giống hệt” diễn tả hai thực tại khác biệt.
Dĩ nhiên là có khá nhiều ý kiến. Có người cho rằng “hình ảnh” ám chỉ điều kiện thể lý, còn “giống hệt” thì ám chỉ điều kiện luân lý.
Ý kiến khác thì cho rằng “hình ảnh” nói tới tình trạng tự nhiên (sinh ra đã như vậy rồi), còn “giống hệt” ám chỉ một lý tưởng phải cố gắng vươn lên để đạt tới. Tiến thêm một bước nữa, người ta sẽ áp dụng vào trạng thái tự nhiên và trạng thái siêu nhiên.
Con người trong trạng thái tự nhiên đã là hình ảnh của Thiên Chúa rồi; và trạng thái này không bao giờ mất, cho dù con người có phạm tội. Ngược lại, sự “giống như” thì ám chỉ tình trạng siêu nhiên, con người được hưởng trong tình trạng công chính nguyên thủy, nhưng sau đó đã bị mất đi, và cần được chuộc lại trong Đức Kitô.
Việc tìm hiểu sự đồng nghĩa hay khác nghĩa không phải là thừa thãi đâu. Nhưng dể chị khỏi sốt ruột. Tôi xin trả lời thẳng cho câu hỏi của chị.
Như đã nói từ đầu, Thiên Chúa không có thân xác hay phái tính. Cho nên chúng ta không thể so sánh con người với Thiên Chúa về phương diện thể xác, tựa như nét mặt, màu da, phái tính. Ngay từ thời các thánh giáo phụ, người ta đã hiểu tiếng hình ảnh theo nghĩa quan năng tinh thần, theo đó, con người được sánh ví với Thiên Chúa ở chỗ có lý trí và ý chí.
Thoạt tiên, nói như vậy thì xem ra chẳng có gì mới lạ, bởi vì điều này đã được các triết gia nhận thấy rồi; đâu cần phải nại tới mặc khải làm chi. Tuy nhiên, ta nên nhớ rằng Kinh Thánh không có trình bày một suy tư siêu hình về con người, nhưng còn nhằm cái gì hơn nữa.
Bản trình thuật về việc tạo dựng con người cần được lồng trong bối cảnh của toàn thể công cuộc tạo dựng và nhất là trong mối tương quan với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên muôn loài, từ tinh tú cho tới khoáng vật, thảo mộc, thú vật, động vật, và loài người. Nhưng chỉ riêng có con người, Kinh Thánh mới dùng từ ngữ là Thiên Chúa đã tạo dựng nên theo hình ảnh của mình. Như vậy là Kinh Thánh muốn nêu bật sự khác biệt giữa loài người với các động vật và các thụ tạo khác. Sự khác biệt đó ở chỗ con người có lý trí và ý chí.
Chưa hết, Kinh Thánh không dừng lại ở chỗ so sánh cơ cấu bản thể của con người với các tạo vật khác, nhưng còn tiến thêm hai bước nữa.
Bước thứ nhất là khẳng định rằng tất cả các thụ tạo đã được trao cho con người cai quản, như chúng ta đọc thấy ở câu 29-30, tiếp liền theo việc tạo dựng con người. Như thế, không những là con người cao hơn các thụ tạo khác mà còn chỉ huy điều khiển chúng nữa. Từ suy luận này, các nhà thần học đã giải thích rằng con người được gọi là hình ảnh của Thiên Chúa bởi vì được Người trao cho trách nhiệm điều khiển vũ trụ, được thông phần vào vai trò sáng tạo của Người.
Bước tiến thứ hai là con người có khả năng đối thoại với Thiên Chúa. Thực vậy, khi đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng trong tất cả muôn loài thụ tạo, Thiên Chúa chỉ hiện ra và đàm đạo với con người. Riêng chỉ có con người mới có khả năng để nghe và đáp lại tiếng Chúa. Tác giả sách Sáng Thế đã mô tả sự thân mật đó ở chương 3 câu 8, khi nói rằng Thiên Chúa hẹn con người mỗi ngày đi dạo trong vườn để đàm đạo.
Đúng như vậy. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, tác giả sách Sáng Thế đã muốn chêm vào tiếng “giống hệt” (hay là: tương tự) là để cho độc giả đừng hiểu lầm, giải thích hoàn toàn theo nghĩa vật chất. Sự so sánh cần phải đi tìm theo nghĩa tinh thần. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên để ý tới ý kiến của các giáo phụ, khi họ muốn nêu bật sự khác biệt giữa hai ý tưởng “hình ảnh” và “giống hệt”, áp dụng vào lịch sử cứu rỗi.
Con người dù có phạm tội hay không phạm tội thì vẫn là hình ảnh của Thiên Chúa, xét như là loài thụ tạo có lý trí và ý chí, và được đặt làm chủ vũ trụ. Tuy nhiên, xét như là bạn tri âm của Thiên Chúa, thì sau khi phạm tội, con người đã mất hồng ân đó. Kinh Thánh nói rằng, sau khi phạm tội, con người chạy trốn, không dám giáp mặt với Thiên Chúa nữa! Vì thế các giáo phụ nói rằng sau khi phạm tội, con người vẫn còn giữ được hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng không còn “giống hệt” với Thiên Chúa nữa.
Chính trong tình trạng này, mà chúng ta cần phải quy chiếu về một hình ảnh toàn hảo của Thiên Chúa, đó là Đức Kitô. Theo Thánh Phaolô, Đức Kitô mới thực là hình ảnh trung thực nhất của Thiên Chúa.
Dĩ nhiên, trong lịch sử thần học cũng đã có nhiều lối giải thích từ ngữ “Đức Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa”. Một lối giải thích thông thường nhất, đó là: Thiên Chúa vốn là Đấng vô hình vô tượng; nhưng nhờ Đức Kitô, chúng ta nhận thấy dung nhan hữu hình của Thiên Chúa. Khi chiêm ngắm dung nhan và cách cư xử của Đức Kitô, chúng ta có thể nhận ra dung nhan của Thiên Chúa, người Cha nhân hậu.
Tuy vậy, ngoài ý nghĩa này, các giáo phụ còn muốn móc nối với toàn thể lịch sử cứu rỗi, để nêu bật rằng trước đây do tội lỗi, tổ tiên loài người đã mất sự giao hảo với Thiên Chúa, đã mất sự “giống hệt” với Thiên Chúa. Nay Đức Kitô đến nối lại mối dây giao hảo đó, giúp cho con người lại trở nên giống hệt với Thiên Chúa.
Trong bối cảnh này, chúng ta thấy có một bước tiến trong suy tư thần học chung quanh tư tưởng “hình ảnh Thiên Chúa”. Trước đây, người ta chỉ lưu ý tới khía cạnh là con người có lý trí và tự do, hoặc khía cạnh là con người được đặt làm chủ vũ trụ. Ngày nay, người ta còn thêm khía cạnh thông hiệp nữa. Không những con người được kêu mời thông hiệp với Thiên Chúa nhưng con người cần phải hoạ lại Thiên Chúa, khuôn mẫu của sự thông hiệp.
Thực vậy, Thiên Chúa không đơn độc, nhưng có sự thông hiệp giữa Ba Ngôi. Con người cần phải hoạ lại sự thông hiệp đó. Có lẽ đó là tư tưởng mà Sách Sáng Thế muốn nhắm tới ở chương 1 câu 26, khi nói rằng Thiên Chúa đã dựng nên “con người nam nữ”.
Nguyên nam giới không thì chưa phải là con người. Nguyên nữ giới không thì cũng chưa phải là con người. Cần phải họp lại cả nam cả nữ thì mới thành con người. Có người dựa vào đây để đả phá hết mọi thứ bá quyền dù là về phía nam giới hay là về phía nữ giới: cả nam cả nữ đều bình đẳng, và phải bổ túc cho nhau thì mới làm cho nhân loại được hoàn hảo.
Nhưng, ngoài vấn đề nam nữ bình quyền, xem ra chúng ta có thể đoán rằng tác giả sách Sáng Thế đã muốn nhìn thấy nơi sự kết hợp nam nữ như là khuôn mẫu để cho con người biểu lộ tính chất hình ảnh Thiên Chúa: Con người là hình ảnh của Thiên Chúa khi biết yêu thương kết hiệp với tha nhân.
Trước khi trả lời câu hỏi, thiết tưởng nên ghi nhận một vài khó khăn về từ ngữ.
Có lẽ từ “thần hoá” hơi xa lạ đối với nhiều người Việt Nam. Tuy nhiên, có vài thuật ngữ tương tự khá quen thuộc trong văn chương cổ điển, chẳng hạn như “phong thần” hoặc là “hoá tiên”. Đàng khác từ “thần hóa” dùng trong các tác phẩm thần bí dùng để dịch từ “deificatio” hoặc “divinisatio”, nói nôm ra là “trở nên Thiên Chúa” (hoặc “biến thành Thiên Chúa”).
Tiếc rằng trong tiếng Việt, hai danh từ “thần” và “Thiên Chúa” lắm khi sử dụng trà trộn với nhau, chẳng hạn như: “thần học” (theologia) không phải là môn học về các thần nhưng là học về Thiên Chúa; các nhân đức “đối thần” (virtutes theologales) có nghĩa là quy hướng về Thiên Chúa, chứ chẳng nhằm tới thần thánh nào khác. Vì thế khi nói “thần hoá” thì chúng ta đừng hiểu là “hóa thần” nhưng là “hoá Thiên Chúa”, hoặc như có người đã dịch là “thiên linh hoá”.
Đúng vậy. Phong thần là chúng ta suy tôn một con người nào đó (chẳng hạn một vị vua, một vị anh hùng) lên hàng thần thánh; còn “thần hoá” là sự biến hoá một con người trở thành thần linh, hay nói theo văn chương cổ truyền, “hoá tiên”, còn nói theo quan niệm Kitô Giáo, “hoá nên Thiên Chúa”. Đó là tiến trình mà các tác phẩm thần bí muốn nói đến.
Thiết tưởng nên phân biệt hai khía cạnh: từ ngữ và nội dung.
Xét về từ ngữ, từ “thần hoá” (divinisatio) được gặp thấy nơi nhiều tôn giáo Á Châu và Hy Lạp chứ không có trong Kinh thánh; xét về nội dung, thì Kitô Giáo hàm chứa một đạo lý độc đáo về công trình “thần hoá”.
Các giáo phụ đã thực hiện một cuộc hội văn hoá quan trọng, bởi vì các đấng sử dụng một thuật ngữ của văn hoá cổ điển để diễn đạt một chân lý độc đáo của mặc khải Kitô Giáo.
Trong các tôn giáo cổ điển, có nhiều quan điểm khác nhau về sự thần hoá.
Một quan điểm vừa nhắc đến trong văn chương bình dân là “hoá tiên”. Xem ra đây là ước mơ của con người muốn thoát ra khỏi số phận mong manh của nhân sinh: họ mong được sống mãi như các vị tiên thánh, không còn nếm cảnh già lão, chết chóc nữa.
Bên Hy Lạp, người ta gặp thấy một luồng tư tưởng khác. Theo ông Platon, xưa kia con người sống trên thiên giới, nhưng vì phạm lỗi cho nên bị đày xuống hạ giới, bởi vậy con người muốn trở về cội nguồn của mình. Đây không chỉ là một mơ ước, nhưng phần nào là một điều tất nhiên: con người mang trong mình một mầm mống thần linh, cho nên muốn cho mầm đó được phát triển sung mãn, nghĩa là trở nên giống các thần linh.
Theo tôi nghĩ, tư tưởng này cũng phảng phất trong vài cổ tích bên Đông Phương nữa, nơi mà chúng ta cũng đọc thấy những sự tích các vị tiên vì phạm lỗi bị đày xuống trần để chuộc tội. Khác một chỗ là các vị tiên đó chỉ là trường hợp hoạ hiếm, còn các triết gia Hy Lạp thì áp dụng chung cho cả nhân loại. Mặt khác, chúng ta cũng có thể so sánh với truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc mình, vốn tự hào là “con Rồng cháu Tiên”.
Khi nói đến quan điểm Kinh Thánh, chúng ta đừng nên quên rằng có sự tiến triển về mặc khải từ Cựu Ước sang Tân Ước, mặc dù có sự liên tục đồng nhất.
Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước đều nhất trí ở hai điểm căn bản.
Thứ nhất, Thiên Chúa và con người là hai thực thể khác biệt: Thiên Chúa là Đấng Tạo thành, còn con người chỉ là một thọ tạo (được nặn lên từ bùn đất: St 2,7). Vì thế, Kinh Thánh không thể nào chấp nhận ước mơ của con người muốn trở thành Thiên Chúa.
Thứ hai, Kinh Thánh cũng loại trừ ý tưởng sinh sản nơi Thiên Chúa: Người không có sinh con đẻ cái; vì thế không ai có thể tự hào rằng mình là dòng dõi của Thiên Chúa.
Hai điểm này xem ra loại trừ tư tưởng “thần hoá” ra khỏi mặc khải Kitô Giáo. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng có những đoạn văn cho thấy một sự tương đồng nào đó giữa Thiên Chúa với con người.
Ngay từ chương đầu của sách Sáng Thế, con người đã được mô tả như là “hình ảnh Thiên Chúa” và được dựng nên “giống như Thiên Chúa” (St 1, 26-27; xc Kn 2,23). Các nhà chú giải không nhất trí trong việc giải thích ý nghĩa của các hạn từ đó: phải hiểu “hình ảnh” theo nghĩa nào? Có phải vì con người có lý trí tự do? Hay là được chia sẻ việc quản trị vạn vật? Dù hiểu thế nào đi nữa, mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa đã bị cắt đứt do tội của nguyên tổ, khi ông bà ăn trái cấm, muốn trở thành Thiên Chúa, tự quyết định tiêu chuẩn điều lành điều dữ.
Tóm lại, Kinh Thánh Cựu Ước một đàng dường như bài trừ tư tưởng thần hoá của các tôn giáo khác; nhưng đồng thời, lại hé mở một hy vọng cho con người được gần với Thiên Chúa.
Tân Ước tiến thêm hai bước, nhờ mặc khải về thân thế và sự nghiệp của Đức Kitô.
Thứ nhất, xét về thân thế của Người, mặc khải cho chúng ta biết rằng Đức Giêsu là Con yêu dấu của Thiên Chúa, theo như tiếng nói từ trời phán ra vào lúc Người lãnh phép rửa ở sông Giorđan (Mt 3,17; Mc 1,11; Lc_3,22). Người được tuyên xưng là “Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Dĩ nhiên “Con” ở đây không hiểu theo nghĩa vật lý sinh sản, trái ngược với thần thoại các tôn giáo khác.
Tôi không muốn dài dòng để giải thích về điểm này, nhưng chỉ muốn nêu bật khẳng định của Thánh Gioan trong Phúc Âm thứ bốn. Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa Nhập Thể, ngõ hầu những ai đón nhận Người cũng được trở nên con Thiên Chúa: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1,12-13).
Từ ngữ “sinh lại” (tái sinh) được đề cập trong cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô (Ga 3,3-5), gây cho ông ta một thắc mắc không giải quyết nổi, bởi vì ông hiểu việc “sinh lại” theo nghĩa vật lý.
Đúng thế. Nhiều lần chúng ta chỉ nhìn đến sự nghiệp cứu chuộc của Đức Kitô theo nghĩa tiêu cực (đó là Người cứu chúng ta khỏi tội lỗi), nhưng ít để ý đến khía cạnh tích cực.
Khía cạnh tích cực là cho chúng ta tham dự vào đời sống thần linh. Tân Ước dùng nhiều từ ngữ khác nhau để diễn tả thực thể đó, chẳng hạn như Thánh Phaolô nói rằng chúng ta được kết nạp làm nghĩa tử Thiên Chúa (Rm 8,14-17), được tham dự vào sự sống bất diệt (1Cr 15,52).
Thánh Phêrô, trong lá thư thứ hai, chương 1 câu 4 còn khẳng định rằng: “Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh chị em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian”.
Dựa trên những tư tưởng đó mà các giáo phụ phát triển thần học về sự “thần hóa”.
Trong lịch sử Giáo Hội, thời giáo phụ kéo dài khoảng 7 thế kỷ, và đã có sự tiến triển về tư tưởng trong suốt thời gian đó. Ta có thể nói cách vắn tắt như thế này.
Công cuộc thần hóa được áp dụng vào hai giai đoạn: giai đoạn mai sau và giai đoạn hiện tại.
1/ Mai sau (vào giai đoạn cánh chung mai hậu), chúng ta được chia sẻ hạnh phúc vĩnh viễn với Thiên Chúa, và chúng ta sẽ được biến đổi hoàn toàn, theo như Thánh Phaolô và Thánh Gioan đã khẳng định. “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1Cr 13,12). “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người như thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3,2).
2/ Còn trong hiện tại, thì các giáo phụ đề nghị một tiến trình để trở nên giống như Thiên Chúa, theo nhiều cấp độ. Trước hết, nhờ việc thực hành các nhân đức để bắt chước Chúa Kitô; cách riêng chính nhờ thực hành đức bác ái mà chúng ta được kết hiệp với Thiên Chúa. Dần dần, nhờ sự phát triển của khuynh hướng chiêm niệm nơi các giáo phụ Đông Phương, người ta đề cao sự chiêm niệm, bao gồm tác động tri thức và ý chí (hiểu biết và yêu mến). Chính qua hai hành vi cao cấp nhất của trí tuệ mà con người tiến đến sự kết hiệp với Thiên Chúa.
Dù sao, có hai điểm mà các giáo phụ không ngừng nhấn mạnh, cách riêng khi đối chiếu với các nền triết học và tôn giáo khác, đó là:
a) sự thần hoá không phải là nỗ lực riêng tư của con người, nhưng tiên vàn là hồng ân của Thiên Chúa;
b) sự thần hoá dựa theo một quy mẫu là Đức Kitô. Chỉ nơi Đức Giêsu Kitô, sự thần hoá mới đạt tới tuyệt đỉnh, khi một con người được kết hiệp với Ngôi Lời Thiên Chúa.
Chúng ta được chia sẻ vào hồng ân nghĩa tử Thiên Chúa trong tầm mức duy trì sự kết hiệp với Đức Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Và tiến trình này cũng là tác động của Thánh Linh nữa.
Ta có thể giải thích ý nghĩa của lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời cách vắn tắt như thế này.
Mỗi người chúng ta sớm muộn gì cũng chết. Chuyện gì xảy ra sau khi chết? Theo đức tin Công Giáo, sau khi chết, thân xác trở về bụi tro, nhưng linh hồn bất tử thì về với Chúa. Chúng ta cũng tin rằng vào ngày tận thế, thân xác sẽ được phục sinh và lại kết hợp với linh hồn.
Tuy nhiên, với Đức Maria thì khác. Người đã qua đời, và cả linh hồn lẫn thân xác đều được đưa về với Chúa. Như vậy, Đức Maria được hưởng trước điều mà sẽ xảy ra cho tất cả nhân loại vào lúc tận thế. Tuy nhiên, vào những năm sau Công Đồng Vaticanô II, có nhiều người đã đặt lại vấn đề, bởi vì họ cho rằng sự phân biệt hai yếu tố hồn xác là quan điểm của triết học Hy Lạp, chứ không phải là quan điểm của Kinh Thánh.
Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi xin lưu ý về ý nghĩa của vài từ ngữ. Chúng ta thường phân biệt nơi con người hai yếu tố hồn xác.
Xác là gì? Nếu tôi không lầm thì trong tiếng Việt, cái xác mang nghĩa tiêu cực (xác chết, xác không hồn, nhà xác); vì vậy có lẽ không ai khen rằng “chị có cái xác đẹp”, nhưng phải nói rằng “chị có thân hình đẹp”. Tuy nhiên, “xác” và “thân hình” đều được dịch bởi cùng một danh từ corps trong tiếng Pháp (hoặc body trong tiếng Anh).
Đến khi bước sang lãnh vực đức tin, chúng ta dịch le Corps du Christ (the Body of Christ) là “Mình Thánh Chúa Kitô” hoặc “Thánh Thể” chứ không dịch là “xác của Chúa” hay “thân hình của Chúa”!
Vấn đề trở nên phức tạp hơn nữa khi ý nghĩa của danh từ “xác” bị thay đổi trong cụm từ “thân xác” và “xác thịt”. Cụm từ “thân xác” được dùng như đồng nghĩa với “thân thể, thân mình”; còn cụm từ “xác thịt” thường được dùng trong luân lý và mang nghĩa xấu (liên quan đến chuyện dâm ô); hiểu như vậy, ta có thể đoán được rằng ta chỉ có thể đến giá trị của “thân xác”, chứ không thể nói đến giá trị của “xác thịt”.
Nhưng có lẽ đây là cảm tưởng của riêng tôi vì quen với thuật ngữ thần học, chứ các thính giả không nghĩ như vậy. Dù sao, chúng ta nên ghi nhận rằng cùng một từ ngữ trong tiếng Âu Châu có thể được dịch ra bằng nhiều từ trong tiếng Việt với nhiều ý nghĩa khác nhau. Câu chuyện trở nên rắc rối hơn khi cùng một từ ngữ trong tiếng Âu Châu cũng thay đổi ý nghĩa khi chuyển từ văn hóa Do Thái sang văn hoá Hy Lạp nữa, thuộc hai hệ tư tưởng khác nhau.
Chắc chị đã biết, các triết gia cổ điển Hy Lạp đã nhận ra nơi con người hai yếu tố biệt lập, gọi là linh hồn và thân xác. Hơn thế nữa, theo nhiều triết gia cổ điển (điển hình là ông Platon), linh hồn đã được dựng nên từ muôn thuở, và vì phạm tội nên hồn bị đày xuống trần để đền tội: thân xác là nhà tù của linh hồn, và linh hồn chỉ mong được thoát khỏi thân xác, để trở về thiên giới.
Quan điểm văn hoá Do Thái thì khác hẳn, cho dù bề ngoài các từ ngữ không khác nhau mấy. Con người có: xác, hồn, khí. Như vậy là ba (chứ không phải hai), nhưng đây không phải là ba yếu tố có thể tách rời nhau, nhưng là ba chiều kích trong con người, hay ba mối tương quan (với tha nhân, với ngoại giới, với Thiên Chúa).
Xác (trong tiếng Do Thái: basar; Hy Lạp: sarx; La Tinh: caro; Pháp: chair; Anh: flesh, được dịch ra tiếng Việt là “xác phàm, xác thịt, nhục thể”) mang nhiều ý nghĩa: thường nó ám chỉ con người xét theo thân phận mỏng dòn (chẳng hạn: Tv 78, 39: “Con người là loài xác mỏng manh, cơn gió thoảng qua không hẹn ngày về”).
Xác cũng ám chỉ con người trong liên hệ với tha nhân và với thế giới (chẳng hạn như khi ông Adam nói với bà Eva (St 2, 23.24): “Đây là xương bởi xương của tôi và thịt (xác) bởi thịt của tôi... Hai ông bà trở nên một xương một thịt”. (Nếu muốn chuyển nghĩa sang văn hoá Việt Nam thì có thể nói “mình ơi!”).
Hồn (Do Thái: nephesh; Hy Lạp: psyché; La Tinh: anima; Pháp: âme; Anh: soul) ám chỉ sức sống: con người là một sinh linh. Con người được Thiên Chúa trút sinh khí vào (St 2,7). Cái yếu tố “hồn” làm cho con người khác với đất đá (và giống với các sinh vật), nhưng cái “hồn” cũng là yếu tố tách con người ra khỏi các động vật, bởi vì con người có cảm xúc, biết yêu thương, giận hờn, ghen ghét, nhớ nhung. Thí dụ Tv 42: “Linh hồn tôi khao khát Chúa Trời... Tôi thả hồn miên man tưởng nhớ.. Hồn tôi hỡi, cớ sao phiền muộn”. Linh hồn chính là cái “tôi” (bản ngã).
Đặc trưng của văn hoá Do Thái là nói đến chiều kích thứ ba nơi con người, được gọi là Khí: (Do Thái: ruah; Hy Lạp: pneuma; La Tinh: spiritus; Pháp: esprit; Anh: spirit, và được dịch ra tiếng Việt bằng nhiều từ: tinh thần, thần khí, thần trí, tâm trí, vv.), với nhiều ý nghĩa. Đôi khi chỉ có nghĩa là hơi thở, tinh thần, ý chí, nhưng đặc biệt nó còn ám chỉ khả năng liên lạc với Thiên Chúa và chiều kích hướng thượng nơi con người. Đôi khi “hồn” và “khí” được dùng như đồng nghĩa, bởi vì con người nhận được sức sống từ nơi Thiên Chúa, và nếu Thiên Chúa rút “sinh khí” hay “hơi thở” lại thì nó trở về bụi tro.
Trong kinh Magnificat, cả hai từ “hồn” (linh hồn: anima) và khí (thần trí: spiritus) được dùng như đồng nghĩa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí (hay thần khí) tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng Cứu độ tôi”. Linh hồn tôi và thần trí tôi đều chỉ đến toàn thể cái “tôi”, chứ không phải là hai “bộ phận” của tôi.
Thân xác nói lên thân phận mỏng dòn của con người. Và đây là ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể, được Thánh Gioan Tông Đồ diễn tả như là Lời Chúa trở nên “xác thể” (xác phàm), nghĩa là Lời Thiên Chúa trở nên con người, chấp nhận thân phận con người, gồm tất cả linh hồn, tâm tình, thân thể.
Tuy nhiên, nơi Thánh Phaolô, chúng ta có sự chuyển hướng đáng kể. Một đàng, chúng ta thấy thánh tông đồ sử dụng ngôn ngữ cổ truyền nói đến ba chiều kích nơi con người, như trong đoạn văn 1 Tx 5,23 (được đọc vào giờ Kinh Tối thứ năm: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm”; đàng khác, Thánh Phaolô đã thay đổi ý nghĩa của từ thân xác.
Trong từ ngữ cổ điển, “xác” ám chỉ điều kiện mỏng dòn của con người; nhưng Thánh Phaolô, đặc biệt trong lá thư gửi Rôma (8,5-13) và Galát (5,16-24), gán cho nó một nghĩa xấu, đó là nguyên uỷ tội lỗi, và đối chọi giữa “khí” (spiritus) và “xác” (caro), như là hai thù địch: không những chúng có thể tách rời nhau mà còn có thể diệt trừ nhau nữa. Thí dụ như Gl 5,1624: “Anh em hãy sống theo thần khí, và như vậy anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của xác thịt nữa. Vì xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với thần khí...”
Nên lưu ý là Thánh Phaolô không đối lập giữa “hồn” với “xác”, mà là giữa “khí” và “xác” (hoặc thần khí và xác thịt). Tuy nhiên ở đây thiết tưởng Thánh Phaolô không nói đến hai nguyên tố cấu thành nên con người, nhưng là hai khuynh hướng điều khiển các hành vi: ta có thể nghe theo Chúa (khí nghĩa là Thần Khí), hoặc là chiều theo đam mê ích kỷ.
Tuy nhiên, để thay thế từ “xác thịt” (caro, flesh) mang một nghĩa xấu, Thánh Phaolô dùng một từ khác mang nghĩa tích cực, đó là “thân thể” (corpus, body), với nhiều giá trị khác nhau.
Trước hết, bí tích Thánh Thể, nghĩa là thân thể của Chúa Kitô. Kế đến là Hội Thánh được gọi là thân thể của Đức Kitô. Rồi thân thể của mỗi người chúng ta được coi như là đền thờ của Chúa Thánh Thần (1 Cr 6,19). Hơn thế nữa, Thánh Phaolô đã cực lực bảo vệ niềm tin vào thân thể phục sinh, đối lại với quan niệm Hy Lạp, khinh miệt thân thể, coi nó như nhà giam của linh hồn.
Đúng vậy. Tuy nhiên, phải thú nhận rằng mãi đến gần đây mới xuất hiện những suy tư triết học và thần học về thân thể (hay thân xác).
Phải hiểu thân xác như thế nào? Vào lúc đang diễn ra thế vận hội, người ta nghĩ đến thân thể cường tráng khoẻ mạnh. Trong cuộc thi đua thẩm mỹ, người ta nghĩ đến sắc đẹp cân đối của thân thể. Tuy nhiên giá trị của thân thể đâu phải chỉ có như vậy? Thân thể của ta còn bao gồm cả bộ não, các giác quan, cơ thể, tứ chi nữa chứ. Nhất là cái thân mình của tôi định hình cho chính căn cước của tôi nữa. Thân của tôi khác với cái thân của người khác, và nhờ cái thân của tôi mà tôi có thể tiếp xúc với ngoại giới, thu nhập những hình ảnh và kiến thức, cũng như bộc lộ ý nghĩa và trao đổi tâm tình với tha nhân.
Thân xác với linh hồn không phải là hai yếu tố sống kề bên nhau, nhưng hợp nên toàn bộ con người của ta. Do đó, linh hồn bị tách ra khỏi thân xác thì nhớ nhung mong được đoàn tụ với bạn của mình. Vì thời giờ eo hẹp, cho nên tôi xin tạm ngưng ở nơi đây. Các thính giả có thể tìm hiểu thêm về ý nghĩa và giá trị của thân xác Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo ở số 1004, với những quy chiếu về các số 364; 1397.
Việc nhìn nhận giá trị thân xác diễn ra thực hành qua việc tôn trọng thân xác của bản thân cũng như của tha nhân (giữ gìn sức khỏe, sự lành mạnh toàn thân, số 2288-2297), cũng như giúp đỡ những nhu cầu thể xác của tha nhân qua các công tác bác ái (số 2447).