Theo các sử gia, việc tôn kính các vị tử đạo đã xuất hiện từ những thập niên đầu tiên của Kitô Giáo, trước các lễ kính Đức Maria hàng mấy thế kỷ. Các vị tử đạo được tôn kính như là những môn đệ đã theo sát gót Thầy mình, trong việc làm chứng cho chân lý và tình yêu.
Tuy nhiên, trong thiên niên kỷ thứ nhất, chưa có thủ tục điều tra trước khi phong thánh như ngày nay. Hồi đó các vị thánh được nhìn nhận do lòng đạo đức dân gian, và dưới sự hướng dẫn của các giám mục địa phương. Từ năm 1234, đức giáo hoàng Grêgôriô IX mới dành riêng cho Tòa Thánh thẩm quyền phong thánh.
Tuy vậy thủ tục áp dụng chỉ mới được thành hình từ thế kỷ XVII dưới thời đức Urbanô VIII. Dù sao, chính đức Bênêđictô XIV đã xác định những yếu tố căn bản của việc tử đạo trong tác phẩm luận bàn về thủ tục phong thánh (de Servorum Dei beatificatione et beatorum canonizatione) xuất bản tại Bologna vào những năm 1734-1738, tóm lại trong ba yếu tố sau.
Thứ nhất, yếu tố chất thể là cái chết (nếu không chết thì làm sao gọi là tử đạo được?).
Thứ hai, yếu tố mô hình là căn nguyên gây ra cái chết vừa nói. Căn nguyên cần được xét về hai phía: phía người giết và phía người bị giết. Như vậy ta có thể phân tách yếu tố thứ hai làm hai phần. Xét về phía người giết, lý do là vì ghét đạo (odium fidei), còn xét về phía người bị giết thì luật đòi hỏi rằng họ là tín hữu, họ chấp nhận chịu chết vì đức tin; ngoài ra họ cần phải chứng tỏ tinh thần Kitô Giáo qua việc nhẫn nhục chịu đựng, tha thứ cho kẻ thù chứ không nguyền rủa mạt sát.
Tuy tác phẩm của đức Bênêđictô XIV viết vào thế kỷ XVIII, nhưng nói chung vẫn còn giá trị, nghĩa là những tiêu chuẩn đặt ra vẫn còn được áp dụng. Duy có điều là vào thời nay việc chứng minh các điều kiện vừa nói gặp nhiều khó khăn hơn, vì nhiều lý do.
Tôi xin đi từ chỗ dễ đến chỗ khó. Yếu tố xưa nay được coi là đơn giản nhất thì nay có khi lại gặp khó khăn không nhỏ, đó là cái chết.
Trong thời Đức quốc xã, các cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha và Mêhicô, các trại tập trung dưới chế độ cộng sản, nhiều tín hữu (không những là cá nhân mà có khi cả một cộng đoàn) bị bắt và sau đó biệt tích luôn: không hiểu là họ bị giết liền sau đó, hay là chết dần chết mòn trong tù, trại tập trung, hay công trường. Làm sao chứng minh được rằng họ đã chết, chết vào ngày nào?
Mặt khác, người ta cũng nêu vấn đề về những người tuy không chết vì thể lý nhưng là chết về tinh thần, theo nghĩa là họ đã bị tra tấn, tẩy não, hủy diệt nhân cách cho đến nỗi khi ra khỏi tù họ chỉ còn là cái xác không hồn, mất hết khả năng sử dụng lý trí và ý chí. Dù sao, đó mới là một chi tiết tương đối ít quan trọng. Sang đến yếu tố thứ hai, (về nguyên nhân cái chết), thì việc chứng minh mới khó khăn hơn. Như đã nói trên đây, nguyên nhân cái chết là lý do tôn giáo. Đây là sự khác biệt giữa “tử đạo” (nghĩa là chết vì đạo) và tử nạn, tử trận; thậm chí khác với các anh hùng liệt sĩ chết để giải phóng dân tộc.
Như đã nói trên, nguyên nhân của cái chết được xét về hai phía: người giết và người bị giết. Động lực của người giết là ghét đạo (odium fidei). Điều này giả thiết hai điều kiện: thứ nhất, phải có người giết; thứ hai, người giết ghét đạo.
Không ngớ ngẩn đâu, nếu ta nhìn từ phía nạn nhân. Nạn nhân có thể bị chết vì nhiều lý do khác nhau, chứ không hẳn chỉ vì bị ai giết. Thí dụ một người vì lòng mến Chúa đi phục vụ các bệnh nhân SIDA rồi mắc bệnh và chết. Có thể họ sẽ được phong thánh, nhưng không phải là thánh tử đạo.
Nguyên tắc này đã được đức Bênêđictô XIV xác định và còn thêm rằng: tuy Đức Maria được ca ngợi là Nữ vương các vị tử đạo, nhưng người không phải là một thánh tử đạo theo nghĩa chặt, vì thiếu điều kiện.
Đây là điều kiện vừa gây ra nhiều cuộc tranh luận hơn cả xét về lý thuyết, vừa khó chứng minh hơn cả trong thực hành.
Trong ba thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, các tín hữu bị giết do những sắc luật của hoàng đế Rôma muốn bài trừ Kitô Giáo. Động lực đã quá rõ. Nên biết là lý do ghét đạo được xét nơi sắc luật của hoàng đế Rôma ra lệnh xử tử, chứ không phải là nơi lý hình chặt đầu.
Thế nhưng trải qua dòng thời gian, quan niệm về “người giết ghét đạo” trở nên phức tạp. Người giết có thể là cơ quan công quyền hoặc là một tư nhân. Người giết có thể là người ngoại đạo mà cũng có thể là một người đồng đạo (nhưng rơi vào lạc giáo, ly giáo, hoặc đã bỏ đạo hay quên đạo).
Vấn đề then chốt là họ giết nạn nhân vì “ghét đức tin” (odium fidei). Thành ngữ này được đức Bênêđictô XIV giải thích như sau: “giết vì ghét đạo” có nghĩa là người giết muốn cưỡng bách tín hữu phải chối bỏ đức tin hoặc lỗi phạm luật Chúa; “giết vì ghét đạo” cũng có nghĩa là ngăn cấm tín hữu không được thi hành một công tác do đức tin thúc đẩy (dù là rao giảng Lời Chúa, hay bênh vực công lý, thi hành bác ái, hoặc thực hành một nhân đức).
Nên nhắc lại là “người giết” không nhất thiết là lý hình chặt đầu tín hữu hoặc cầm súng bắn, nhưng là cơ quan quyền lực tại một địa phương hay tại một quốc gia.
Đức Bênêđictô XIV đưa ra 5 phương pháp sau đây.
1) Căn cứ vào bản án xử tử.
2) Căn cứ vào cuộc đối chất giữa người giết và tín hữu được ghi lại trong hồ sơ tử đạo.
3) Căn cứ theo những lời hứa hẹn mà người giết dùng để dụ dỗ tín hữu bỏ đạo.
4) Căn cứ trên lời hứa cho tín hữu sẽ được trả tự do nếu chấp nhận bỏ đạo.
5) Căn cứ trên thái độ của người tín hữu không chịu tuân hành ý định của “người giết” vì thấy trái nghịch với đức tin hoặc
trái nghịch với các nghĩa vụ mà lương tâm Kitô Hữu đòi hỏi.
Đó là nói trên nguyên tắc, chứ trên thực tế việc chứng minh gặp nhiều khó khăn, bởi vì người ta thường trộn lẫn các động lực với nhau, chẳng hạn vì lý do chính trị, vì tư thù, vv. Dù sao, nên biết rằng hai yếu tố vừa nói (cái chết, và chết vì ghét đạo) chưa đủ để gọi là tử đạo.
Yếu tố cốt yếu là thái độ của người tín hữu nữa. Điều kiện cần thiết là họ chấp nhận chịu chết vì đức tin. Vì thế tuy phụng vụ có lễ kính các thánh anh hài tử đạo vào ngày 28/12, nhưng đó là hiểu theo nghĩa rộng; chứ giả như một phi công dội bom xuống một làng Công Giáo vì thù ghét đạo, thì Giáo Hội sẽ không vội làm án phong thánh tử đạo cho cả làng đó!
Một cách cụ thể, đức Bênêđictô XIV đã đặt ra các điều kiện như sau.
1/ Thứ nhất, phải là tín hữu Công Giáo. Điều này có nghĩa là Tòa Thánh không cứu xét hồ sơ của những người không hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo, tuy dù nhận biết rằng không thiếu người Chính Thống, Tin Lành hoặc thậm chí vô tín ngưỡng đã can đảm chấp nhận cái chết để làm chứng cho sự thật.
2/ Họ tình nguyện chấp nhận chết để làm chứng cho đức tin. Khi nói đến đức tin thì chúng ta nên hiểu theo nghĩa toàn diện, đó là: một đàng, không phải chỉ nguyên là những chân lý trừu tượng siêu hình hay chân lý khoa học, nhưng là đạo lý cứu độ do Chúa mạc khải; và đàng khác, đạo lý này bao gồm niềm hy vọng và lòng yêu mến nữa.
Trên nguyên tắc thì không, bởi vì dựa theo quan niệm cho rằng việc tử đạo có khả năng thanh luyện tất cả mọi tội lỗi, cũng giống như bí tích rửa tội (rửa tội bằng máu). Vì thế không thiếu trường hợp phong thánh tử đạo cho một người trước đây có đời sống bê bối. Tuy nhiên, hồ sơ sẽ gặp nhiều trở ngại hơn là đối với người sống đời đức hạnh.
Dù sao, ta đừng nên quên rằng khi tôn phong các vị tử đạo, Giáo Hội không chỉ đề cao tấm gương anh hùng của các vị chứng nhân, nhưng tiên vàn là ơn Chúa đã ban cho họ lòng can đảm trung thành với Đức Kitô cho đến hy sinh mạng sống vì tình yêu. Hồng ân này tăng cường sức mạnh cho các tín hữu, và dĩ nhiên cũng thanh tẩy họ để họ liên kết với Chúa Kitô. Hậu quả của lòng yêu mến đó được biểu lộ qua việc tình nguyện chấp nhận cái chết, nghĩa là với thái độ nhẫn nhục tha thứ chứ không căm thù bất mãn.
Nói cách khác, Giáo Luật đòi hỏi sự chứng tỏ đức hạnh vào chính lúc tử đạo. Nếu ai nguyền rủa kẻ giết mình thì chắc chắn là không thể nào được coi như thánh tử đạo. Lại càng không thể coi là thánh nhân khi kháng cự với công quyền rồi bị bắt và kết án xử tử. Mặt khác, nếu ai muốn chịu tử đạo để phô trương thì cũng không phải là thánh nhân. Trên thực tế, đây cũng là một điểm khó khăn trong các vụ án.
Trước hết, nếu ai đã quen thói cờ bạc rượu chè thì sẽ gặp nhiều vấn nạn hơn khi chứng minh rằng đương sự đã được ơn cải hoán khi tử đạo. Thứ đến, việc tình nguyện chấp nhận tử đạo một đàng không có nghĩa là cứ hiên ngang đi nộp mạng, và đàng khác cũng không có nghĩa là tẩu thóat để rồi bị tóm cổ.
Việc hiên ngang nộp mạng có thể bị mang tiếng là liều lĩnh chứ chưa hẳn là gan dạ. Việc trốn thóat có thể là khôn ngoan thận trọng, nhưng cũng có thể hèn nhát. Dĩ nhiên, cần phải cứu xét từng hoàn cảnh, cân nhắc những động lực khiến phải lánh mặt hay ra mặt.
Nói đến đây, chắc là chị đã hiểu được tầm quan trọng của yếu tố thứ nhất trong thủ tục điều tra, đó là cái chết. Cần phải xác định rõ là người tín hữu đã biểu lộ những tâm tình yêu mến Chúa không những là vào lúc bị bắt nhưng còn kiên trì trong cũng tâm tình đó cho đến lúc chết. Trong thế kỷ XX, nhiều tín hữu bị thiệt mạng trong các trại tập trung, nơi lưu đày, không ai quen biết, và không có ai chứng kiến cả. Việc chứng minh trở nên khá phức tạp.
Những câu hỏi vừa nêu đụng tới nhiều vấn đề khá phức tạp liên quan đến việc tử đạo. Tôi sẽ cố gắng tách ra từng vấn đề để giải quyết.
Quả thật, khi nói đến “phúc tử đạo” thì phụng vụ ca ngợi chân phúc của các người đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa Kitô; tuy nhiên điều này không có nghĩa là Giáo Hội khuyến khích các tín hữu hãy tìm cách chịu tử đạo để được hạnh phúc.
Tiếc rằng thời nay từ ngữ “tử đạo” thường bị hiểu lầm, thậm chí các cuộc tự sát của những kẻ cuồng tín cũng được gọi là “tử đạo”. Quan điểm này trái ngược với Giáo Hội Công Giáo, ít là ở hai điểm: thứ nhất, Giáo Hội tuyệt đối cấm các cuộc tự sát, dù là dưới danh nghĩa để bảo vệ tín ngưỡng; thứ hai, ngay cả trong thời kỳ bách hại tôn giáo, Giáo Hội cũng không khuyến khích các tín hữu hãy đi nộp mình để được lãnh triều thiên tử đạo.
Như vừa nói, chúng ta đang bàn đến một vấn đề khá phức tạp và có thể gây nhiều hiểu lầm. Vì thế, chúng ta hãy đi từ từ, từng bước một. Trước hết, chúng ta nên xác định từ ngữ.
Trong ngôn ngữ thông thường, “tử đạo” có nghĩa là chết vì đạo, và tương đương với “martyr” trong tiếng La Tinh (Pháp, Anh). Tuy nhiên, trong các sách Tin Mừng, martyr gốc Hy Lạp có nghĩa là chứng nhân (= người làm chứng). Dưới phương diện này, tất cả các Kitô có nghĩa vụ phải làm chứng nhân cho Chúa Kitô.
Có nhiều hình thức để làm chứng cho Chúa: bằng lời nói, bằng việc làm, bằng đời sống, bằng cách sống trọn Tin Mừng. Như chị biết, điều này không đơn giản chút nào hết, chẳng hạn khi chúng ta phải làm chứng cho lời Chúa dạy phải yêu thương kẻ thù nghịch, hoặc phải sống khiêm nhu. Dĩ nhiên, lời chứng hùng hồn nhất cho Tin Mừng là bằng chính mạng sống của mình. Qua sự hy sinh mạng sống, chúng ta chứng tỏ cho mọi người thấy tình yêu tuyệt đối dành cho kẻ mình yêu. Đến đây chúng ta có thể đả động đôi chút về “phúc tử đạo”.
Không hoàn toàn như vậy. Lịch sử của các dân tộc ghi nhận nhiều vị anh hùng đã hy sinh xương máu cho đại nghĩa. Dân tộc tri ân những vị đó. Chắc rằng đó cũng là vinh dự dành cho những kẻ đã hy sinh cho tổ quốc.
Tuy nhiên, khi nói đến “phúc tử đạo” thì bối cảnh thay đổi. Trước hết, lời chúc phúc không xuất phát từ phía chúng ta nhưng là do chính Chúa Giêsu, như chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,10-12).
Những lời này nằm trong bài giảng về các phúc thật, trong đó Chúa chỉ cho chúng ta thấy một hệ trật các giá trị hoàn toàn trái ngược với thế gian, bởi vì người đời cho rằng hạnh phúc nằm ở tiền tài, quyền lực, địa vị, danh vọng, đang khi Chúa Giêsu cho chúng ta biết rằng hạnh phúc đích thực nằm ở Nước Trời, tức là chính Thiên Chúa.
Chính trong mạch văn đó mà các thánh tông đồ đã gọi các tín hữu chịu bách hại là có phúc, chẳng hạn như Thánh Phêrô viết trong thư thứ nhất: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh chị em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cũng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Kitô, anh chị em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa ngự trên anh em” (1Pr 4,13-14).
Nói cách khác, đang khi người đời coi những kẻ chết vì đạo là vô phúc, bất hạnh, thì Tân Ước lại khẳng định ngược lại: các vị tử đạo thật có phúc bởi vì họ sẽ lãnh được phần thưởng lớn lao.
Thánh Matthêu đã để lại cho chúng ta danh sách các mối phúc thật, trong đó có phúc tử đạo. Tuy nhiên, hình như Thánh Matthêu cũng lưu ý chúng ta đừng vội áp dụng theo nghĩa đen. Chúa gọi những người nghèo là có phúc, nhưng điều này không có nghĩa là tất cả các Kitô Hữu hãy cố gắng trở thành bần cố nông; vì thế thánh sử thêm rằng hạnh phúc nằm ở chỗ khó nghèo về tinh thần.
Trở lại vấn đề đang bàn, khi nói đến “phúc tử đạo”, chúng ta đừng nên hiểu rằng đây là cái phúc mà chúng ta hãy cố gắng đi tìm, cho bằng đây là hồng ân mà chúng ta nhận lãnh. Các thánh tử đạo đã ý thức rằng họ được Chúa ban phúc làm chứng cho Người. Đây là một ân huệ của tình yêu, tình yêu muốn gắn bó với Chúa bất chấp những thiệt thòi mất mát xét theo quan điểm người đời.
Sự tử đạo là một hồng ân do Chúa ban: nhờ tình yêu và sức mạnh của Chúa mà người tín hữu vượt lên các trở ngại khó khăn. Vì thế các tín hữu đừng cậy dựa vào sức riêng của mình để mong được tử đạo.
Thánh Tôma Aquinô dạy rằng (Summa Theologica II-II q.124, art.1) chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng chết vì đức tin khi có cơ hội, nhưng người nói tiếp rằng, chúng ta đừng nên tự ý đi tìm cơ hội ấy vì hai lý do như sau: thứ nhất là đừng liều lĩnh, bởi vì chưa chắc là chúng ta có khả năng chịu đựng những cực khổ hay không, nếu không có sức của Chúa; thứ hai, chúng ta không nên tạo cơ hội cho kẻ dữ phạm tội giết người, kẻo chúng ta phạm tội đồng lõa với họ!
Các tín hữu lại càng không nên khiêu khích người khác để họ giết mình, chẳng hạn như đi đốt phá chùa chiền các tôn giáo khác lấy cớ là tiêu diệt tà đạo. Công đồng Elvira bên Tây-ban-nha (năm 303-306) đã không gọi những người như vậy là tử đạo.
Ý kiến các nhà thần học luân lý không nhất trí khi trả lời câu hỏi này.
Có ý kiến cho rằng mình phải can đảm tuyên xưng đức tin; nếu mình bỏ chạy là tỏ ra hèn nhát. Đối lại, có ý kiến cho rằng việc ẩn trốn là điều được phép, bởi vì chính Chúa Giêsu cũng khuyến khích các môn đệ như thế, trong Tin Mừng Thánh Matthêu chương 10 câu 23: “Khi người ta bách hại anh em trong thành phố này, thì hãy trốn sang thành phố khác”. Chính Chúa Giêsu cũng lánh mặt những người muốn sát hại mình, khi chưa đến giờ đã định. Thánh Phaolô cũng đã tránh thoát cuộc bách hại của tổng đốc Đamascô như chính người thuật lại trong thư thứ hai gửi Corintô (chương 11 câu 33).
Ý kiến thứ ba thì đòi hỏi sự khôn ngoan, cân nhắc từng hoàn cảnh. Theo Thánh Tôma Aquinô (STh I-II, 85,5), các vị chủ chăn không được phép bỏ rơi đàn chiên của mình. Tuy vậy, đây không phải là nguyên tắc cứng nhắc. Chẳng hạn như thánh Cyprianô, giám mục Cartagô, vào thời kỳ bách hại của hoàng đế Valerianô, đã ẩn lánh một thời gian lâu dài, vì người nghĩ rằng nếu mà mình bị bắt và bị giết thì đàn chiên cũng sẽ mất người lãnh đạo; sau cùng thì người cũng nộp mình và chịu tử đạo.
Vào thời nay, trước những cuộc bách hại khốc liệt, chúng ta thấy có những vị mục tử cương quyết ở lại với đàn chiên; có những vị thì lẩn trốn vì cho rằng làm như vậy là mình có thể phục vụ đàn chiên tốt hơn, nhất là chờ đợi cho cuộc thử thách qua đi. Ta thấy đôi bên đều có lý, và phải cân nhắc tuỳ trường hợp, bàn hỏi với những người khôn ngoan và xin Chúa soi sáng.
Thực sự là có nhiều vị thánh ước ao được phúc tử đạo, chẳng hạn Thánh Đa Minh, Thánh Phanxicô vào thời Trung Cổ, thánh Têrêsa Avila vào thời cận đại, và gần chúng ta hơn nữa là thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu.
Tuy nhiên thiết tưởng nên phân biệt nhiều khía cạnh khi nói đến việc ước ao tử đạo. Tại sao các đấng ước ao tử đạo: phải chăng để chứng tỏ rằng mình là kẻ anh hùng, gan dạ, không sợ chết? Chắc hẳn đó không phải là động lực của sự ước ao.
Các vị thánh ước ao được tử đạo, bởi vì các đấng coi đó là một hồng ân cao quý, hồng ân được chia sẻ vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Động lực là bày tỏ lòng yêu mến, chứ không phải muốn vênh vang rằng ta đây can đảm hơn người khác!
Thế nhưng các vị thánh vừa nói đã không được tử đạo, dù vậy họ tìm cách thức khác để thay thế, chẳng hạn như qua việc khổ chế, đánh tội, hành hạ thân xác. Như đã nói ở đầu, có nhiều cách thức để làm chứng cho Đức Kitô, bằng lời nói, việc làm, cuộc sống.
Riêng về việc bày tỏ tình yêu đối với Chúa và đối với tha nhân, vào thời đại hôm nay, chúng ta thấy những chứng tích của những người xả thân phục vụ những người mắc bệnh truyền nhiễm (như bệnh phong cùi) hay trong một cơn đại dịch: vì lòng mến Chúa, họ chấp nhận hy sinh mạng sống chứ không bỏ rơi các bệnh nhân. Những vị này tuy không lãnh triều thiên tử đạo, nhưng họ cũng đáng được gọi là những kẻ tử đạo, chết vì yêu mến những anh em của Chúa.
Mặt khác, khi đọc hạnh các thánh tử đạo, chúng ta cũng thấy những vị can đảm tuyên xưng đức tin trước mặt nhà cầm quyền, dù biết chắc điều gì sẽ xảy đến cho mình. Chúng ta phải nhìn nhận rằng những trường hợp ấy cũng là do ơn Chúa thúc đẩy, không những để tuyên xưng danh thánh Chúa mà còn để nâng đỡ tinh thần cho anh chị em đồng đạo của mình.
Như đã nói ở đầu, vấn đề này rất tế nhị: chúng ta đừng vội xét đoán lương tâm người khác, bởi vì cần tôn trọng tác động của Chúa Thánh Thần nơi họ. ĐTC Gioan Phaolô II đã viết những dòng suy niệm rất sâu sắc trong thông điệp Veritatis splendor (Ánh quang chân lý) số 91-94.
Nếu tính cho tới ngày 19 tháng 6 năm 1988, thì lễ tôn phong 117 vị thánh tử đạo Việt Nam phải kể là đông nhất. Tuy nhiên, số kỷ lục này đã bị phá vào năm 2000, với việc tôn phong 120 vị thánh tử đạo Trung Hoa.
Tuỳ theo cách tính, nghĩa là nếu chỉ tính các hiển thánh không mà thôi, hay tính cả các chân phước nữa; và nếu chỉ tính những vị được đặt lên bàn thờ dưới triều đại của đức Gioan Phaolô II hay phải tính cả những vị được tôn phong dưới các triều đại trước nữa.
Thực vậy nếu chỉ tính con số các vị hiển thánh mà thôi, thì các thánh Trung Hoa đứng hàng đầu. Còn nếu tính cả các chân phước nữa thì Nhật bản còn đông hơn, với 42 hiển thánh và 205 chân phước (cộng lại là 247 vị). Trong số này chỉ có 16 vị là do Đức Gioan Phaolô II phong thánh vào năm 1987 (nghĩa là một năm trước các thánh Việt Nam), số còn lại được phong dưới triều đức Piô IX vào những năm 1862 và 1867.
Không biết nên hiểu “thích” hay “không thích” theo nghĩa nào!
Theo số thống kê chính thức về các lễ nghi phụng vụ, thì con số các vị tử đạo chiếm một tỉ lệ rất cao trong hàng ngũ các vị chân phước và hiển thánh được tôn phong: 1032 chân phước tử đạo (so với 306 vị không tử đạo); và 402 vị thánh tử đạo (so với 80 vị thánh không tử đạo).
Dù sao đừng nên quên là các vị thánh tử đạo thì có thể tôn phong cả nhóm đông (như trường hợp Trung Hoa, Việt Nam, Triều tiên, với con số hơn 100 vị), điều này không thể xảy ra cho các vị thánh không tử đạo (chẳng hạn không thể phong thánh cho cả một tu viện hay một hội dòng). Tuy nhiên, thiết tưởng chúng ta đừng nên dừng lại ở con số thống kê mà thôi, nhưng hãy đi tìm hiểu ý nghĩa của việc phong thánh tử đạo.
Đức Gioan Phaolô II đã phát triển cả một nền thần học về ý nghĩa của việc tử đạo trong nhiều văn kiện (thông điệp, tông thư), và cách riêng trong các bài giảng nhân dịp lễ phong thánh, mở rộng nhiều viễn tượng mới. Tử đạo là gì, chị biết không?
Đúng thế, nhưng đó là dựa theo từ ngữ Hán Việt “tử đạo”. Dĩ nhiên, người ta có quyền đặt vấn đề: “thế nào là chết vì đạo?” Đạo nào mà chẳng có người chết! Tuy nhiên, thay vì tranh luận về từ “đạo”, thì đức thánh cha muốn dựa trên từ ngữ được dùng trong nguyên gốc Hy Lạp “martys”, có nghĩa là “làm chứng”. Các thánh tử đạo làm chứng cho cái gì?
Điều đó chỉ đúng một phần thôi. Bởi vì chúng ta đã quen ghép từ “tử đạo” với “anh hùng”, và liên tưởng tới ý chí mạnh mẽ của các đấng. Thánh Tôma Aquinô cũng coi việc tử đạo như một hành vi đặc trưng của nhân đức mạnh bạo. Tuy nhiên đức Gioan Phaolô II muốn đặt thần học về chứng tá trong một bối cảnh rộng lớn hơn.
Khi tuyên dương các vị tử đạo, phụng vụ tiên vàn chúc tụng Thiên Chúa đã ban sức mạnh cho các đấng, trước khi ca ngợi lòng dũng cảm của các vị. Nói khác đi, sự chứng tá anh hùng của các thánh là một hồng ân do tình thương mà Chúa ban. Đáp lại, các vị tử đạo muốn bày tỏ lòng yêu mến với Chúa qua việc dâng hiến mạng sống của mình cho Chúa.
Thực ra đây cũng là tư tưởng đã gặp thấy nơi các thư của Thánh Phaolô, khi người tuyên bố rằng mình muốn hoà đồng với Đức Kitô, Đấng đã hiến mạng sống mình để bày tỏ tình thương của Chúa Cha cho nhân loại, và đồng thời cũng muốn bày tỏ lòng yêu mến thi hành ý muốn của Chúa Cha. Đó là lý do vì sao các giáo phụ đã ca ngợi các vị tử đạo như là những Kitô Hữu gương mẫu, bởi vì các đấng đã sống trọn vẹn ơn gọi của người tín hữu.
Dĩ nhiên, Đức Thánh Cha phải dựa trên đạo lý của Kinh Thánh và truyền thống, khi đề cao sự tử đạo như là một hồng ân của Chúa và là sự tuyên xưng lòng yêu mến đối với Chúa. Ta có thể gọi là chiều kích hướng Chúa (hay đối thần) của sự tử đạo.
Điều mới mẻ của đức Gioan Phaolô II ở chỗ người còn thêm chiều kích nhân bản của việc tử đạo. Thường thì chúng ta chỉ nhìn các vị tử đạo như những con người dũng cảm bất khuất, và dĩ nhiên điều này cũng đúng thôi. Nhưng đức thánh cha còn muốn thêm nhiều suy tư khác, nhằm cho thấy các vị tử đạo làm chứng cho “giá trị làm người”: họ đã thể hiện trọn vẹn ơn gọi làm người hơn ai hết.
Bởi vì các đấng đã làm nổi bật các giá trị cao quý nhất của con người. Giá trị thứ nhất là chính sự sống. Vừa mới nghe điều này, có lẽ chúng ta thấy khó hiểu, bởi vì các vị tử đạo sẵn sàng hy sinh mạng sống, nghĩa là họ coi nhẹ mạng sống. Nhưng sự thực thì khác. Qua cái chết do lòng yêu mến Chúa, các vị tử đạo tuyên xưng rằng họ rất quý trọng sự sống vĩnh cửu (được đồng hoá với Đức Kitô). Họ hết sức tha thiết gắn bó với sự sống vĩnh cửu, cho nên họ cố gắng bảo vệ bằng bất cứ giá nào.
Giá trị nhân bản thứ hai mà các vị tử đạo chứng tá là phẩm giá con người. Phẩm giá của con người nằm ở chỗ nó có thể vượt lên trên chính mình để đạt đến Đấng Siêu Việt. Những đối thủ của các đấng như muốn thách thức rằng chỉ có cuộc sống ở đời này mà thôi. Nhưng chủ trương như thế là hạ giá con người xuống ngang hàng với thú vật và cỏ cây. Không phải thế, giá trị của con người vượt quá tầm mức của thế giới hữu hình; và đó là điều khác biệt với loài súc vật và thảo mộc.
Câu trả lời tuỳ theo chúng ta hiểu tiếng “nhân bản” là gì. Dù sao, ngoài việc làm chứng tá cho mối tương quan với Đấng Siêu Việt, các vị tử đạo còn làm chứng cho các giá trị khác nữa, mà chắc chắn chị sẽ đồng ý là “nhân bản”. Trong số các chân lý này, Đức Gioan Phaolô II kể đến lòng cương trực bảo vệ chân lý.
Trước khi bàn về một chân lý nào cụ thể, ta nên hiểu về lòng yêu mến chân lý. Các vị tử đạo đã khám phá ra một chân lý, và họ sống chết cho chân lý đó. Dĩ nhiên nhiều người sẽ nghĩ đến lòng trung thành với các chân lý đức tin, nhưng trong thông điệp Veritatis splendor (số 94), đức thánh cha Gioan Phaolô II đã nhắc đến tấm gương của Thánh Gioan Tẩy giả khi ông khẳng khái tố giác nếp sống của vua Hêrôđê là trái nghịch luân lý.
Ông Gioan Tẩy giả là chứng nhân bất khuất cho chân lý về sự thánh thiện của hôn nhân, (hay cũng có thể nói là chứng nhân cho công lý). Và ông không chịu khuất phục trước quyền lực. Giá trị cao quý của con người nằm ở chỗ đó: sống trung thành với lương tâm của mình. Và chính ở điểm này mà các vị tử đạo tỏ ra là những con người tự do đích thực: tự do có nghĩa là chọn lựa đi theo chân lý, và không bị nao núng bởi sức ép của bạo lực.
Dĩ nhiên, những người dám hy sinh mạng sống vì chính nghĩa không chỉ giới hạn trong số các tín đồ Kitô Giáo. Họ có đáng gọi là tử đạo không? Tôi hy vọng sẽ trở lại đề tài này vào dịp khác. Hôm nay chúng ta chỉ nói đến quan điểm của đức thánh cha Gioan Phaolô II.
Các ký giả đã ghi nhận rằng lần đi thăm Ấn Độ vào ngày 1/2/1986, người đã đến viếng thăm mộ của Mahatma Gandhi, một người đã sử dụng phương pháp bất-bạo-động để tranh đấu giành độc lập cho quốc gia Ấn Độ. Ông đã bị ám sát bởi một người đồng bào quá khích, chống lại chủ trương xoá bỏ các đẳng cấp. ĐTC đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với Gandhi. Tuy ca ngơị ông Gandhi như là một người “tử đạo vì chân lý”, nhưng đức thánh cha không thể phong thánh cho ông được, bởi vì ông ta đâu phải là tín đồ Kitô Giáo!
Mặt khác, khi phong thánh cho cha Maximilianô Kolbe, một linh mục dòng Phanxicô đã tự nộp mình để thế mạng cho một tù nhân khác có gia đình khi ông bị quốc xã Đức kết án chết thiêu trong hỏa lò, đức thánh cha cho thấy rằng cha Kolbe không chỉ chứng tỏ lòng thương yêu bác ái dựa theo gương của Chúa Kitô Đấng đã hiến thân cho người thân yêu, nhưng còn làm chứng cho sự thật về công lý, bởi vì cha bênh vực cho một người vô tội bị kết án oan ức. Chắc chắn trên đời này những tấm gương tương tự có thể thấy ở ngoài Giáo Hội Công Giáo.
Đã hơn một lần, đức Gioan Phaolô II không chỉ dừng lại ở nhãn hiệu (xem có phải là người Công Giáo hay không Công Giáo), nhưng nhìn đến chân lý khách thể mà các vị đó làm chứng.
Trong Năm thánh 2000, người đã tổ chức tại hí trường Côlôssê ở Rôma (vào ngày 7 tháng 5) một buổi lễ tưởng niệm tất cả các chứng nhân cho Tin Mừng, dù là phần tử Giáo Hội Công Giáo, hay Chính Thống, Tin Lành. Tất cả đều gặp nhau ở một điểm chung, là họ đã được thuyết phục bởi tình yêu Chúa Kitô, và làm chứng cho Tin Mừng của Người, một Tin Mừng không chỉ bao gồm những chân lý về mầu nhiệm Thiên Chúa, mà còn bao gồm những chân lý về phẩm giá con người, về tình huynh đệ liên đới giữa nhân loại nữa. Hai khối đó không tách biệt nhau, bởi vì Đức Kitô đã đến để mặc khải kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người, và đó chính là cốt yếu của phẩm giá con người, như Công Đồng Vaticanô II đã nói trong Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng”.