Thánh Alêxiô đúng là thánh Alêxù đó. Alexius là tiếng La Tinh, dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh là Alexis (bổn mạng của đức cha Phạm văn Lộc, nguyên giám mục Kontum). Đừng lẫn với thánh Aloysius, tên La Tinh của thánh Luigi Gonzaga, được phụng vụ kính vào ngày 21 tháng 6.
Trước đây, thánh Alexis được phụng vụ kính ngày 17 tháng 7, nhưng với cuộc cải tổ phụng vụ sau Công Đồng Vaticanô II thì thánh Alexis bị gạt ra ngoài.
Ủy ban cải tổ lịch phụng vụ đã đề ra nhiều nguyên tắc làm việc. Một trong các nguyên tắc đó là loại trừ các vị thánh không có cơ sở lịch sử, cho dù nổi tiếng đến mấy đi nữa. Trong số các vị này, ta có thể kể đến thánh Alêxis và thánh Christophorus (tức là Christophe), bổn mạng của những người tài xế, trước đây kính vào ngày 25 tháng 7.
Thánh Christophe được vẽ như một người đang cõng Chúa Giêsu trên vai. Theo truyền kỳ, ông ta là một người Cana, thân hình to lớn vạm vỡ, và tuyên bố chỉ phục vụ người nào mạnh sức hơn mình mà thôi. Một đan sĩ đến thuyết phục ông hãy dùng sức mạnh của mình để giúp đỡ tha nhân, bằng cách cõng đưa những người muốn sang sông mà không có thuyền. Ông ta đồng ý.
Một bữa nọ, một em bé đến xin ông cõng, nhưng càng ra khơi, ông thấy sức nặng trên vai cứ tăng dần, đến độ khiến ông suýt chìm lỉm xuống nước. Khi qua bên kia bờ, ông được soi sáng cho biết là hài nhi đó là Đức Kitô; từ đó ông xin theo đạo và nhận tên là Christophorus, tiếng Hy Lạp có nghĩa là “kẻ mang Chúa Kitô”.
Thánh Alêxiô được tôn làm bổn mạng những người hành khất, và được thuật lại trong nhiều thi ca bình dân hoặc các vở kịch. Tại Việt Nam, truyện thánh Alêxiô đã được sáng tác thành tuồng kịch, ngay từ những thời buổi đầu của việc truyền bá Tin Mừng. Nhiều tín hữu xưa kia đọc thuộc lòng vở tuồng này cũng như sách giáo lý vậy.
Dĩ nhiên là các bản tuồng kịch viết bằng tiếng Việt đã thêm thắt nhiều tình tiết, và nhất là chỉ dựa theo một lưu truyền nào đó về thánh Alêxù mà thôi.
Trên thực tế thì có nhiều phiên bản. Theo một thủ bản (viết vào khoảng cuối thế kỷ V, giữa năm 450 hoặc 475), thì Alêxù là con của một gia đình trưởng giả ở Rôma. Vào chính đêm thành hôn, chàng ta bỏ nhà đi biệt tích. Chàng đi đến mãi tận Edessa (nay là Urfa bên Thổ-nhĩ-kỳ), và sống đời cầu nguyện và khổ hạnh.
Để có phương tiện sinh sống, chàng xin ăn ở cửa một nhà thờ. Nếp sống đạo hạnh của chàng đã khiến cho dân làng đặt tên là “con người của Thiên Chúa”. Mãi đến lúc gần chết, chàng ta mới tiết lộ tung tích cho ông từ coi nhà thờ. Ông này liền đi báo cho đức giám mục tên là Rabbula (412-435). Nhưng khi giám mục đến nghĩa trang nơi đặt thi thể của chàng, thì chỉ còn thấy vài mảnh giẻ rách mà thôi. Hiểu là thân xác của ông đã được về trời.
Lưu truyền vừa nói được đặt tên là “Syria” (bởi vì phát sinh từ Edessa thuộc Giáo Hội Syria) hoặc là Mar- Risha (hoàng thân, tước hiệu đặt cho Alêxù).
Một lưu truyền khác (mang danh là Hy Lạp do xuất xứ của nó là Constantinopolis) được viết vào thế kỷ IX, thêm nhiều tình tiết khác lâm ly hơn, và được truyền sang Tây Phương.
Alêxù là con một của gia đình trưởng giả ở Rôma, song thân tên là ông Euphêmianô và bà Aglaê. Khi còn nhỏ, cậu ta đã có lòng thương người, và thường giúp đỡ những người nghèo mà cậu ta gặp. Vào chính ngày thành hôn, anh ta thỏa thuận với bà vợ sẽ giữ khiết tịnh hoàn toàn. Thế rồi, anh ta bỏ nhà ra đi đến phương trời vô định.
17 năm sau, anh trở về gia đình, nhưng không ai nhận ra. Anh được trao cho những công tác hèn hạ trong nhà như một người đầy tớ, và cho ngủ ở trong xó cầu thang trong vòng 17 năm trường. Tính tình của anh rất nhu mì hiền lành, và vì thế anh bị chính các gia nhân ăn hiếp. Mãi khi đến chết, thì một tiếng từ trời phán ra: “Hãy đi tìm con người của Thiên Chúa ở trong nhà ông Euphêmianô, bởi vì ông sẽ cầu bầu cho thành phố”.
ĐTC đến nhà ông Euphêmianô, và thấy trên tay của người hành khất một tờ giấy tiết lộ tông tích của mình. Dĩ nhiên đây là hồi bi thảm nhất của vở kịch: khi mà cha, mẹ, vợ thay nhau khóc than.
Cuộc đời của thánh Alêxù đã trở thành đề tài cho nhiều thi ca và tuồng kịch, kể từ thế kỷ XI. Việc tôn kính thánh Alêxù đã được phổ biến ở các Giáo Hội bên Đông (Syria, Etiopia, Slavic, cách riêng bên Nga, nơi mà nhiều người mang tên là Alexis), cũng như bên Tây (Ý, Pháp, Tây-ban-nha).
Truyện thánh Alêxù rất được phổ biến trong dân gian, ở nhiều nước bên Tây Phương trước khi được truyền bá sang Việt Nam, dưới nhiều thể văn cũng như nhiều hoạ phẩm trong các thánh đường. Tuy nhiên, những cuộc phê bình lịch sử đã bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, khi cha Duchesne nhận thấy rằng thánh Alêxù tuy chết tại Rôma nhưng không thấy tên tuổi trong các danh sách các thánh (martyrologium) của Giáo Hội Rôma trước thế kỷ X.
Về nơi an táng thì cũng có nhiều lưu truyền. Các Giáo Hội bên Đông nói rằng thánh Alêxù được chôn cất ở đền thờ Thánh Phêrô, một điều không thể kiểm chứng được. Tại Rôma thì người ta nói rằng thánh Alêxù được chôn ở nhà thờ thánh Bonifaxiô, trên đồi Aventinô.
Một chi tiết khác nữa liên quan đến danh tánh của vị giáo hoàng. Truyền kỳ bên Hy Lạp nói đến giáo hoàng Marxianô đã khám phá ra thánh Alêxù ở chân cầu thang của nhà song thân. Nhưng trong lịch sử không có giáo hoàng nào tên là Marxianô cả. Lưu truyền La Tinh thì nói rằng đó là giáo hoàng Innôcentê I.
Khi đối chiếu các lưu truyền lại với nhau, các nhà sử học cho rằng có lẽ lúc ban đầu, tại Edessa có một người hành khất sống đời khổ hạnh, và được nhiều người tôn kính như là một “con người của Thiên Chúa”. Về sau, người ta đặt tên cho ông là Alexis, và thêm thắt những tình tiết về nguồn gốc gia đình để càng làm tăng thêm thái độ khiêm tốn khổ hạnh của ông.
Có chứ. Tại Rôma, một thánh đường nổi tiếng mang tên thánh Alêxù, nằm trên đồi Aventinô, bên cạnh nhà thờ thánh Sabina, trụ sở dòng Đaminh, nơi mà hàng năm ĐTC đến khai mạc mùa Chay. Ngôi nhà thờ này được đức thánh cha Hônôriô III dâng kính thánh Alêxù, trước đó mang tước hiệu thánh Bônifaxiô. Tuy nhiên kiến trúc của ngôi thánh đường hiện nay không còn giữ được vẻ nguyên thủy nữa, nhưng đã được tân trang hồi thế kỷ XVIII.
Trong ngôi nhà thờ này, còn lưu giữ một cầu thang bằng gỗ mà tục truyền là nơi mà thánh Alêxù đã ở trong suốt 17 năm. Theo các nhà khảo cổ, nhà thờ thánh Alêxù không phải là căn nhà của ông Euphêmianô, nhưng chỉ là một nhà thờ trước đây kính thánh Bonifaxiô.
Vào năm 997, khi tổng giám mục Sergiô từ Đamascô buộc phải rời bỏ giáo phận để sang tá túc ở Rôma, thì được đức thánh cha trao nhà thờ thánh Bonifaxiô làm trú sở. Đức cha Sêrgiô đã thiết lập một đan viện tại nhà thờ này, và truyền bá lòng sùng kính thánh Alêxù. Thánh nhân trở thành mẫu gương cho những khất sĩ.
Trước đây lịch phụng vụ của Giáo Hội La Tinh kính vào ngày 17 tháng 7, còn lịch Giáo Hội Hy Lạp kính ngày 17 tháng 3. Như đã nói trên, bên Đông Phương nhiều người đã nhận thánh Alexis làm bổn mạng, từ các hoàng đế đến các thượng phụ giáo chủ. Bên Tây Phương, không những thánh Alêxù được đặt làm bổn mạng cá nhân, mà còn được nhận làm bảo trợ cho vài dòng tu nữa.
Dù sao, nếu ai nghĩ rằng thánh Alêxù chỉ là một nhân vật dã sử cho nên hết giá trị, thì có thể tìm thấy một nhân vật lịch sử khác với một cuộc sống tương tự. Đó là thánh Benoit Labre, sinh năm 1748 tại Amettes (nay là Arras, miền Bắc nước Pháp), trưởng nam trong một gia đình tiểu thương, với 15 người con.
Khi còn nhỏ, anh đã được nhiều giáo sĩ quen biết trong gia đình giúp đỡ để học làm linh mục. Nhưng anh không thấy ý Chúa gọi vào hàng giáo sĩ. Anh cũng đi thử nghiệm đời khổ tu với Dòng Chartreux, rồi dòng Xitô, nhưng cũng không thỏa mãn. Sau cùng, anh quyết định sống đời lãng tử.
Rời nước Pháp, anh đi bộ qua Italia, kính viếng các đền thờ cổ kính (Assisi, Loreto), và rồi sau cùng đến Rôma. Tại đây, trong vòng 7 năm, anh đi viếng các nhà thờ trong giáo đô, ban ngày đi cầu nguyện, và ban tối thì ngả lưng ở một vỉa hè hay núp bóng hí trường Colosê.
Anh qua đời ngày 16/6/1783, lúc chưa đầy 35 tuổi. Lạ thay, khi nghe tin người hành khất này qua đời, thì cả thành phố Rôma đến viếng xác của anh, trong suốt một tuần lễ.
Benoit Labre được phong chân phước 70 năm sau (1853) và được phong thánh ngày 8/12/1881.
Thánh Benoit Labre tượng trưng cho một khuôn mẫu thánh nhân mới của thời đại, một vị thánh không phải là giáo sĩ, tu sĩ, cũng chẳng phải là giáo dân thuộc hạng trưởng giả, nhưng là một giáo dân sống tầm thường. Nhờ sống đời cầu nguyện và nghiền ngẫm Lời Chúa, anh có thể sống không những cuộc đời đạm bạc, mà còn tiếp xúc với mọi hạng người, nhất là những hạng cùng đinh trong xã hội. Anh trở nên một người nghèo truyền giáo cho người nghèo.
Trước khi đi vào vấn đề, thiết tưởng nên lưu ý là trong sứ điệp gửi cho Bộ Phong thánh (ngày 27/4/06), Đức Thánh Cha chỉ bàn về vài điều kiện để tiến hành thủ tục phong thánh theo Giáo Luật, chứ người không đả động tới thần học về sự nên thánh.
Như chị đã biết, việc nên thánh nằm ở chỗ sống các nhân đức (nhất là đức mến), thuận theo ý Chúa trong hết mọi cảnh ngộ của cuộc sống. Hiểu theo nghĩa này, con số các thánh rất cao, và tuy rằng cuộc đời của họ kín đáo âm thầm. Điều quan trọng là họ quảng đại đáp lại ơn thánh của Chúa, và chính Chúa trở nên phần thưởng và danh dự của họ. Chừng ấy đã quá đủ cho các vị rồi.
Còn những vị thánh được Giáo Hội tôn phong chỉ là một số nhỏ, được tuyển chọn để nêu gương sáng cho các anh chị em của mình. Một điều thứ hai cần lưu ý là trong sứ điệp vừa kể, Đức Thánh Cha không đặt thêm điều kiện nào mới trong thủ tục phong thánh, mà chỉ lặp lại những gì vốn áp dụng từ trước đến nay, trong số đó có điều kiện là “tiếng tăm thánh thiện”.
Trong gốc La Tinh, fama sanctitatis có thể dịch là “tiếng tăm thánh thiện”, hoặc “nổi tiếng, lừng danh, danh tiếng” về sự thánh thiện. Đây là một điều kiện để tiến hành thủ tục phong thánh đã được ấn định từ thời đức thánh cha Bênêđictô XIV, trong bộ sách De servorum Dei beatificatione et beatorum canonizatione xuất bản lần đầu tiên hồi năm 1734.
Ở quyển II, chương 39, người định nghĩa “tiếng tăm thánh thiện” là dư luận quần chúng nhìn nhận một người nào đó như là nổi bật về đời sống đức độ, khác với người thường (“Nihil aliud est quam existimatio, seu communis opinio de puritate et integritate vitae, et de virtutibus, non utcumque, sed per continuatos actus, data occasione, exercitos supra communem operandi modum aliorum proborum virorum aut mulierum ab aliquo Servo vel Serva Dei iam defunctis, nec non de miraculis eorum intercessione a Deo patratis; ita ut, concepta in uno vel pluribus locis erga eos devotione, a plerisque in suis necessitatibus invocentur et plurium graviorum virorum iudicio digni existimentur ut per Sedem Apostolicum referantur in Album Sanctorum vel Beatorum”).
Như vừa nói, có những vị thánh vô danh trước mặt người đời, không ai biết đến, và họ cũng chẳng cần cho ai biết. Nhưng khi Giáo Hội tuyên phong một thánh nhân là vì muốn nêu cao một tấm gương cho mọi người bắt chước.
Ở đây, ta nên hiểu “Giáo Hội” không phải chỉ về phía các nhà chức trách, nhưng tiên vàn là dân Chúa. Nếu cộng đoàn các tín hữu đã tỏ lòng khâm phục đối với một nhân vật nào, ắt là họ thấy đương sự mang một ý nghĩa gì cho cuộc sống của họ. Các nhà chức trách trong Giáo Hội muốn ủng hộ vào tiếng nói của nhân dân.
Chị đã biết có những người được gọi là “thánh sống”, nghĩa là họ đã được nổi tiếng đức hạnh ngay từ khi còn sống. Nhưng thường thường tiếng tăm thánh thiện bộc phát sau khi đã qua đời, hoặc qua những tiếng đồn của dư luận, và đặc biệt qua những dấu lạ xảy ra sau khi đã qua đời.
Vì vậy không phải là chuyện hiếm khi những người lúc sinh tiền thì không được ai biết đến (hoặc có khi bị mang tiếng xấu nữa), nhưng sau khi qua đời thì nhiều chuyện ẩn kín mới được đưa ra ánh sáng. Đó là khởi điểm của thủ tục phong thánh mới tiến hành, chứ không ai lại đi lục lọi một nhân vật vô danh tiểu tốt để lập hồ sơ phong thánh.
Như chị đã biết, dư luận thì có khi tự phát nhưng có khi cũng được cố tình gây ra. Đó là nói chung. Riêng trong vấn đề đang bàn, tiếng tăm thánh thiện của một tín hữu nào đó có thể là tự phát (như đã nói lúc nãy về các vị “thánh sống”), nhưng cũng có thể qua việc tuyên truyền cổ động, hoặc chuyền miệng rỉ tai.
Một thí dụ cụ thể của dư luận tự phát là những lời thỉnh cầu phong thánh cho đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II liền sau khi người qua đời. Trước đó, hiện tượng tương tự cũng đã xảy ra cho mẹ Têrêsa Calcutta.
Tuy nhiên, nhiều lần tiếng tăm thánh thiện được nổi lên nhờ việc xuất bản các tác phẩm liên quan đến cuộc đời của đương sự, cách riêng qua những dấu lạ xảy ra nhờ lời chuyển cầu của vị đó. Một trường hợp khá rõ rệt là Thánh Têrêsa Lisieux, một nữ tu dòng kín Carmêlô, được biết đến sau khi qua đời, nhờ xuất bản các bút tích.
Có thể nói được là tất cả thủ tục phong thánh được thiết lập nhằm kiểm chứng dư luận về tiếng tăm thánh thiện, nghĩa là xét xem dư luận đó có cơ sở chắc chắn hay không, hoặc chỉ là bong bóng xà-phòng.
Nói cách khác, nhà chức trách trong Giáo Hội muốn xác định rằng “tiếng tăm” (hay tiếng đồn) có đúng với sự thực không; nếu đúng thực thì tuyên bố người tín hữu thực sự là thánh thiện. Phong thánh là như thế đó.
Thường thì các tác giả quen giải thích thủ tục phong thánh dựa theo tiến trình của các giai đoạn tố tụng, từ cấp giáo phận cho đến Tòa Thánh. Thủ tục này đã thay đổi nhiều lần từ khi thiết lập bộ phong thánh (trước đây gọi là bộ Nghi Lễ) năm 1588 cho đến nay.
Văn bản hiện hành là tông hiến Divinus Perfectionis Magister được đức thánh cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25 tháng giêng năm 1983, cùng ngày với bộ Giáo Luật. Tuy nhiên xét về nội dung, thì các yếu tố vẫn không thay đổi, theo nghĩa là thủ tục phong thánh có ba điểm cần được kiểm chứng: thứ nhất là tiếng tăm thánh thiện; thứ hai là việc thực hành các nhân đức, và thứ ba là tiếng của Chúa.
Như vừa nói, tiếng tăm thánh thiện có nghĩa là dư luận đồn thổi về sự đạo đức thánh thiện của một người nào đó, và để kiểm chứng hơn thì phải làm toà án để điều tra thực hư thế nào. Nói khác đi, hai điểm thứ nhất và thứ hai liên hệ mật thiết với nhau.
Sau khi đã nghe dư luận về tiếng tăm thánh thiện của một tín hữu, người quan thiết (chẳng hạn như một giáo phận và đôi khi một hội đồng giám mục của một quốc gia, hay một dòng tu) sẽ cử một người gọi là “thỉnh viên” (postulator) làm đơn xin đức giám mục mở toà án điều tra.
Dĩ nhiên là trong lá đơn, thỉnh viên đính kèm vài dấu chỉ chứng tỏ những dư luận tốt về người tín hữu đó, và thiết lập một danh sách những người có thể gọi ra làm chứng về đời sống nhân đức của đương sự.
Dĩ nhiên mỗi vị thánh mang một khuôn mặt đặc thù, không có chuyện photocopy, sao y chính bản. Tuy nhiên, ngay từ thời các giáo phụ, người ta thường đánh giá đời sống thánh thiện dựa theo việc thực hành 7 nhân đức, gồm ba nhân đức hướng Chúa (hoặc đối thần: tin, cậy, mến) và 4 nhân đức trụ cột (khôn ngoan, công bằng, mạnh bạo, tiết độ). Vì thế cần phải làm sáng tỏ (qua các lời cung khai hoặc những chứng cớ chắc chắn rằng) người tín hữu đã thực hành các nhân đức đó cách anh hùng, nghĩa là cách bền bỉ đáng khâm phục.
Chẳng hạn như về đức tin: không chỉ là chấp nhận các tín điều, mà còn bảo vệ truyền bá đức tin; về đức cậy: tín thác tin tưởng vào Chúa, đặc biệt là trong lúc bị thử thách; còn phạm vi đức mến thì như chị đã biết, bao trùm rất nhiều lãnh vực.
Ngoài việc thực hành 7 nhân đức vừa kể, các tu sĩ còn phải chứng tỏ đã thực hành ba lời khuyên Vâng lời, Khó nghèo, Khiết tịnh.
Trong việc điều tra sự thánh thiện của một tín hữu, nhà chức trách của Giáo Hội muốn nghe từ hai phía: ý dân và ý trời. Ý dân qua những lời cung khai của các nhân chứng quen biết đương sự. Còn ý trời qua phép lạ.
Chúng ta nên xác định ý nghĩa của từ “phép lạ”. Thường người ta hiểu phép lạ là điều gì lạ thường, chẳng hạn như chữa bệnh, nói tiên tri. Một người nào làm những chuyện đó thì sớm muộn gì cũng được nổi tiếng, và được dư luận chú ý.
Tuy nhiên Giáo luật không đòi hỏi điều này trong thủ tục phong thánh. Phép lạ cũng có thể hiểu theo nghĩa luân lý, đó là thực hiện một điều phi thường. Dưới phương diện này, việc thực hành các nhân đức anh hùng phải kể là một phép lạ, bởi vì con người bản tính mỏng dòn, dễ làm bậy hơn là làm điều tốt. Do đó ai mà cứ kiên trì sống đức độ như hoa sen giữa bùn thì phải kể là phép lạ rồi.
Tuy nhiên, trong thủ tục phong thánh, Giáo Luật đòi hỏi một phép lạ theo nghĩa chuyên môn hơn: đó là một sự kiện khác thường nhờ lời chuyển cầu của vị tôi tớ Chúa (phép lạ xảy ra sau khi qua đời, chứ không phải là lúc còn sống). Qua phép lạ, Giáo Hội nhận thấy rằng quả là Chúa cũng xác nhận rằng người tín hữu thực sự thánh thiện. Ý dân hợp với ý trời trong việc chứng tỏ sự thánh thiện của đương sự.
“Trạng sư của ma quỷ” là một từ ngữ bông đùa được gán cho vị “Chưởng lý”. Trong bất cứ công cuộc xét xử nào, cần phải lắng nghe ý kiến thuận và ý kiến nghịch. Ngay trong khi điều tra ở cấp giáo phận, toà án đã buộc phải triệu tập không những là những người làm chứng đời sống đức độ của đương sự, mà cả những người nói ngược lại.
Khi hồ sơ được chuyển lên Tòa Thánh, một ủy ban chuyên viên gồm tám nhà thần học được triệu tập để nghiên cứu hồ sơ, dưới sự chủ toạ của vị Chưởng lý (Promotor fidei, dịch sát nghĩa là “Cổ động viên của đức tin”). Tất cả uỷ ban sẽ cứu xét các lý do thuận nghịch, và thường vị Chưởng lý phải quan tâm đến các lý do chống. Do đó vị này mang tiếng là “trạng sư của ma quỷ”, nêu lên những vấn nạn đối nghịch với tiếng tăm thánh thiện; tuy nhiên tên gọi của vị đó là người “cổ động đức tin”, chứ không phải là “tay sai của ma quỷ”!
Trong tiếng Việt, chữ “lạ” có hơi hàm hồ. “Lạ” có thể đối lại với “quen”, như khi nói “người lạ”. “Lạ” cũng có thể hiểu là cái gì “khác thường”, ít khi xảy ra: điều khác thường ấy có thể gây ra trầm trồ ngạc nhiên, nhưng cũng có thể gây ra kinh tởm.
Thí dụ hoa mai nở vào mùa thu thì là “lạ” và đáng ngạc nhiên, nhưng một quái thai với hai đầu ba bàn tay thì cũng “lạ”, nhưng có thể gây ra kinh hoàng cho lối xóm. Những thái độ nửa người nửa ngợm cũng đáng kể là “lạ”, nhưng chúng ta tìm cách tránh xa kẻo sợ liên lụy vào thân.
Trong ngôn ngữ của Giáo Hội, tiếng “phép lạ” dùng để dịch danh từ miraculum tiếng La Tinh. Theo nguyên ngữ, nó ám chỉ một hiện tượng khác thường, gây ra ngạc nhiên, thán phục.
Có lẽ ngôn ngữ bình dân nghĩ như vậy. Thí dụ một anh học trò đi chơi suốt năm, thế mà đến kỳ khảo hạch lại đỗ cao thì phải kể là phép lạ chứ còn gì nữa? Hay là một anh chàng ra xa lộ phóng xe với tốc lực hơn 200 cây số/giờ, đâm vào cầu, té xuống sống, nhưng vẫn không hề hấn gì hết thì đủ gọi là phép lạ rồi. Đó là chưa nói đến bao nhiêu trò ảo thuật khác mà chúng ta có thể thấy trình diễn trong các rạp xiếc.
Tuy nhiên, đó chỉ là quan niệm bình dân, chứ trong ngôn ngữ thần học thì để một sự kiện có thể gọi là phép lạ, cần hội đủ hai điều kiện:
1/ thứ nhất, việc đó mang tính cách khác thường;
2/ thứ hai, nó do Chúa làm ra.
Hai điều kiện đi đôi với nhau thì mới được nhận là phép lạ.
Thú thực là không dễ gì cắt nghĩa: thế nào là khác thường, bởi vì nó rất tương đối.
Thí dụ vào đầu thế kỷ XX, khi mới sáng chế ra máy bay, thì mỗi chiếc máy bay cất cánh là cả một phép lạ; còn ngày nay nó trở thành quá nhàm và không còn là khác thường nữa. Do đó tính cách “khác thường” tuỳ thuộc vào thời gian và nơi chốn nhiều lắm.
Thánh Augustinô đã có nhận xét như sau: khi Chúa Giêsu biến năm tấm bánh để nuôi năm ngàn người thì ai cũng la lên là phép lạ; còn Thiên Chúa hằng ngày nuôi sống cả triệu người trên mặt đất từ những hạt giống bé tí, thì không ai coi đó là phép nữa.
Thực vậy, nếu ta chú ý mở mắt ra thì ta sẽ thấy biết bao nhiêu điều kỳ diệu chung quanh ta! Chỉ cần lấy một thí dụ cỏn con thôi nhé, đó là con ruồi và con muỗi. Ta ghét nó và tìm cách diệt nó; nhưng thực ra ai chế tạo được một con vật li ti như vậy, biết bay, biết động? Vũ trụ này tràn ngập những kỳ công của Thiên Chúa, và do đó nói được rằng mỗi ngày chúng ta có dịp chứng kiến cả trăm phép lạ.
Tuy nhiên, để nhấn mạnh đến sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa, Giáo Hội đặt ra điều kiện thứ nhất là: sự kiện này hoạ hiếm, khác thường; đồng thời, sự khác thường phải là do Chúa làm ra, chứ không phải là trò ảo thuật, do sức tự nhiên, hoặc là do ma quỷ.
Đây là cả một vấn đề phức tạp. Làm thế nào biết được khả năng của sức tự nhiên? Biết đâu một điều gì ngày hôm nay coi như vượt khả năng tự nhiên, nhưng chừng vài năm nữa, nhờ sự tiến bộ của kỹ thuật khoa học, thì con người có thể thực hiện được?
Cách đây ba trăm năm, ai dám nghĩ rằng con người có thể tạo ra điện thoại, máy truyền hình, vệ tinh nhân tạo? Tuy nhiên, nếu chờ cho đến khi nắm chắc giới hạn của sức tự nhiên, thì e rằng chẳng bao giờ có phép lạ.
Vì thế, khi xét đến các trường hợp phép lạ, Giáo Hội không chỉ xét đến khả năng con người cách tuyệt đối, nhưng là đặt nó trong một môi trường cụ thể. Thí dụ như một người mắc bệnh phong cùi: giả như anh đi điều trị tại bệnh viện tối tân bên Hoa Kỳ mà được lành, thì không thể coi là phép lạ; tuy nhiên, nếu người đó sống nơi rừng rú, thiếu thuốc men, mà lại được lành bệnh thì phải kể là ngoài sức tự nhiên.
Theo các thống kê thì phải nói ngược lại: các phép lạ được giảo nghiệm tại Âu-Mỹ nhiều hơn, bởi vì họ có những phương tiện tối tân để cứu xét hơn là ở các nước chậm tiến.
Đàng khác, không phải là khi khoa học và kỹ thuật đã tiến bộ thì không còn phép lạ nữa! Chúng ta trở lại trường hợp của người phong cùi: đành rằng ngày nay taị Âu Mỹ bệnh này có thể chữa trị dễ dàng; tuy nhiên thông thường việc chữa trị đòi hỏi một thời gian nào đó. Vì thế nếu một bệnh nhân được khỏi bệnh ngay tức khắc sau khi đọc kinh cầu nguyện thì có thể coi đó là phép lạ.
Không hẳn là đọc kinh theo nghĩa là phải đốt đèn làm tuần cửu nhật, nhưng một cách nào đó cần có sự cầu nguyện, để chứng tỏ rằng đây là một công việc của Chúa.
Thực vậy, chúng ta đừng đồng hóa phép lạ với trò ảo thuật. Như đã nói trên đây, để được gọi là phép lạ, thì ngoài tính cách khác thường, cần phải chứng tỏ đây là một công việc của Thiên Chúa, chứ không do sức lực con người hoặc một thụ tạo nào khác, kể cả thiên thần và ma quỷ.
Dĩ nhiên, khi Thiên Chúa làm phép lạ thì Người không muốn trổ tài phù phép, nhưng muốn tỏ ra tình thương cứu độ. Về phần con người, cần phải lãnh nhận phép lạ trong tinh thần đức tin. Đó là lý do vì sao nói rằng phép lạ xảy ra trong khung cảnh cầu nguyện.
Có thể có nhiều dấu hiệu khác nữa để chứng tỏ sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, kể cả tai ương nhằm cảnh cáo con người tội lỗi. Tuy vậy, thông thường Giáo Hội chỉ lựa những trường hợp nói lên tình thương cứu độ của Thiên Chúa, đặc biệt qua trường hợp chữa lành bệnh nhân.
Đúng thế. Bởi vì trong trường hợp này, ngoài việc bày tỏ tình thương của Chúa, việc kiểm chứng khoa học cũng dễ áp dụng hơn.
Thông thường thủ tục diễn tiến như sau. Trước hết, bệnh nhân đã được bác sĩ chẩn bệnh, để chứng minh rằng có mắc bệnh, thường là bệnh hiểm nghèo hoặc nan trị. Điều này đòi hỏi nhiều cuộc khám nghiệm khá rắc rối. Kế đó, nếu bệnh nhân tuyên bố là mình khỏi bệnh thì đương sự lại cần được khám nghiệm do một hội đồng bác sĩ, để xem nguyên nhân của sự lành bệnh: có phải do việc dùng thuốc không, có phải do tình cờ ngẫu nhiên không, có phải do một động lực tâm lý thúc đẩy hoặc một bí thuật nào khác.
Thường công cuộc khám nghiệm đòi hỏi thời gian lâu dài, bởi vì ngoài việc điều tra nguyên nhân lành bệnh, còn phải chờ xem bệnh có tái phát nữa không. Sau khi thu thập đầy đủ dữ kiện, hội đồng y khoa sẽ kết luận: “Đây là một trường hợp không thể giải thích được theo thói thường”.
Nên biết là các bác sĩ sẽ không tuyên bố gì về phép lạ hết: họ chỉ kết luận rằng đây là một trường hợp hãn hữu, không thể giải thích được theo kiến thức hiện hành. Việc xác nhận phép lạ thuộc về thẩm quyền của Giáo Hội: toà án Giáo Hội sẽ xét xem việc lành bệnh có liên quan gì đến sự cầu khẩn Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của các thánh nhân hay các tôi tớ Chúa không? Công cuộc này cũng không phải là đơn giản đâu.
Nói tóm lại, việc xác nhận phép lạ không phải là dễ dàng. Cứ lấy thống kê của Lộ- đức thì rõ: từ năm 1858 đến nay, (tức là trong vòng 130 năm), có đến hơn 5 ngàn người đến tạ ơn Đức Mẹ vì được lành bệnh, nhưng số phép lạ được chuẩn nhận không tới 70. Dĩ nhiên, đây phải hiểu là phép lạ dựa theo các tiêu chuẩn khắt khe do Giáo Luật đặt ra, chứ ai cũng biết là con số các phép lạ còn cao hơn.
Bởi vì Giáo Hội muốn tìm một dấu chỉ chắc chắn rằng người tín hữu nào đó thực là đẹp lòng Chúa, đang hưởng vinh quang với Chúa, và vì vậy Thiên Chúa đã nhậm lời nguyện nhờ sự chuyển cầu của vị ấy. Đó là quan điểm của thủ tục phong thánh hiện hành, và không ai cấm Giáo luật có thể sửa đổi trong tương lai, như vài tác giả đã yêu cầu.