Chúng ta cần phải phân biệt hai quan điểm khác nhau về việc nên thánh: có những vị thánh được Giáo Hội tuyên phong, trình bày như là khuôn mẫu đáng cho chúng ta bắt chước. Danh sách của các chân phúc và hiển thánh được ghi trong cuốn Tử đạo thư (martyrologium), với một ấn bản mới phát hành hồi đầu tháng 10 năm nay.
Con số này tuy nhiều (có thể lên đến 1 vạn), nhưng không thấm thía gì so với con số các tín hữu đã sống trung thành với Tin Mừng: họ là những vị thánh vô danh trước mặt người đời, nhưng không hẳn là tầm thường trước mặt Chúa. Vì thế ta có thể phân biệt hai hạng thánh: những vị thánh được tôn phong (tạm gọi là thánh hữu danh), và những vị thánh vô danh.
Con số các thánh vô danh chắc là nhiều vô kể, và không ai trên trần gian này có thể làm sổ thống kê được. Ở đây chúng ta chỉ bàn đến các vị thánh hữu danh. Có nhiều cách để trả lời câu hỏi “có bao nhiêu gia đình nên thánh”. Cách trả lời thứ nhất là: có bao nhiêu vị thánh thì có bằng ấy gia đình thánh.Tôi giả dụ rằng các thánh là những con người như chúng ta, chứ không thuộc hàng Melkisêđec không cha không mẹ. Mỗi vị thánh đều xuất thân từ một gia đình. Gia đình đó đã có một vị thánh.
Dĩ nhiên là không! Việc nên thánh không giống như bệnh truyền nhiễm: bệnh tật và nết xấu thì dễ lây, chứ nhân đức thì khó lây! Người ta cũng nói đến bệnh di truyền chứ không ai nói đến đức độ di truyền! Tuy nhiên, chúng ta đừng vội bi quan như vậy. Chúng ta hãy nhìn đến vài gia đình có tới hơn một vị thánh.
Chắc là chị đã nghe nói đến bà thánh Mônica: nhờ lời cầu nguyện và nước mắt của bà, mà người con là Augustinô không những trở về với đức tin mà còn trở nên một đại thánh.
Thánh Đaminh thì cũng có một người anh làm chân phước (Mannes), và bà thân mẫu cũng là chân phước (Gioanna Aza). Chúng ta cũng được biết rằng thánh Biển đức có người em gái là thánh Scolastica. Cả hai sống vào thế kỷ VI. Ba thế kỷ sau, chúng ta có hai anh em làm thánh, đó là Cyrilô và Mêtôđiô bổn mạng của các dân tộc Slav, lễ kính 14 tháng 2.
Gần với thời đại chúng ta hơn cả là hai anh em Phanxicô và Giacinta Marto, được phong chân phước ngày 13/5/2000, không phải vì được thấy Đức Mẹ hiện ra ở Fatima cho bằng vì đã thực hiện các nhân đức cách anh hùng.
Đó là chưa nói đến những gia đình tử đạo, mà chúng ta đọc thấy một tấm gương trong Cựu Ước với 7 anh em nhà Macabê, được lặp lại trong truyện thánh Felicitas với 7 người con tử đạo (trước đây kính ngày 23/11, nhưng ngày nay bị các sử gia đặt nghi vấn).
Cách trả lời vừa rồi hầu như chỉ chú ý đến gia đình có một người con nên thánh. Chúng ta có thể xoay câu trả lời sang các phần tử khác, xét đến các người cha nên thánh và các người mẹ nên thánh.
Thực ra con số các người cha (nghĩa là gia trưởng) nên thánh không được nhiều cho lắm. Đừng kể thánh Giuse, Thánh Phêrô và các thánh tông đồ hoặc các thánh tử đạo, phải chờ đến thời Trung Cổ mới thấy các gia trưởng được đặt lên bàn thờ. Tiếc rằng những vị này đều là các vua chúa chứ không phải là lê dân.
Chẳng hạn như hoàng đế Henri II nước Đức (973-1024, kính ngày 15/7), vua Têphanô nước Hungary (975-1038, lễ kính 16/8), vua thánh Louis IX nước Pháp (1214-1270, kính ngày 25/8). Ngoài các vị thuộc hàng quý tộc này, chúng ta thấy ít ông thánh gia trưởng, nghĩa là ít có ông thánh làm chồng làm cha.
Có lẽ một phần như vậy. Nhưng lý do chính là vì đa số các thánh nam là những giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ. Vì thế ít người để ý đến các người gia trưởng.
Lịch sử của các bà hấp dẫn hơn nhiều. Chúng ta có những bà mẹ thánh và giúp cho con cái nên thánh như trường hợp bà Monica nói lúc nãy. Tuy nhiên, hầu hết các bà mẹ và bà vợ được phong thánh không do tư cách là mẹ và vợ nhưng vì là sáng lập Dòng tu.
Chúng ta thấy có sự khác biệt lớn giữa nam giới với nữ giới ở điểm này. Ở Việt Nam cũng như ở ngoại quốc, người ta không giới hạn tuổi cho nam giới gia nhập chủng viện và tu viện; vì thế không ít người góa vợ xin đi tu. Còn các dòng nữ thì thường ấn định tuổi tối đa để nhận vào tập viện, vì thế ít khi các bà góa được nhận vào nhà dòng.
Nhưng đến khi bước sang danh sách các thánh thì chúng ta thấy ngược lại: các ông thánh góa vợ thì hiếm chứ các bà thánh góa chồng thì nhiều. Ở đây tôi không muốn nói đến các bà góa thủ tiết thờ chồng, nhưng các bà góa hoặc xin đi tu hay đứng ra thành lập một dòng tu. Con số này khá nhiều, và tôi chỉ xin giới hạn vào một vài vị thánh tên tuổi.
Thánh Brigitta (1303-1373) là một người thuộc hàng quý tộc Thụy điển, lấy chồng sinh được 8 người con, trong số này cô thứ hai tên là Karin (Catarina) cũng là một vị thánh. Sau khi chồng mất, bà lập một Dòng tu, và bà đóng đô tại Rôma 24 năm, vận động cho Đức Giáo hoàng rời Avignon trở về Rôma (lễ kính 23/7).
Thánh Francesca Romana (1384-1440) đã có ba người con, và sau khi góa chồng bà gia nhập một nữ đan viện Biển đức do bà lập (Lễ kính 9/3).
Hai bà Louise de Marillac (1591-1660) và Jeanne de Chantal (1572-1641) đều là góa phụ và trở thành những người đồng sáng lập Dòng nữ tử bác ái của Thánh Vinh sơn Phaolô, và dòng Thăm Viếng của Thánh Phanxicô de Sales.
Lúc nãy tôi đã nói rằng cần phải phân biệt hai loại thánh: những thánh hữu danh và những thánh vô danh. Chắc chắn là con số các bà mẹ và vợ làm thánh không tên tuổi thì đông vô kể.
Sở dĩ con số các thánh giáo dân được tôn phong còn ít là do các lý do kỹ thuật do Giáo Luật đặt ra. Trước đây, người ta quan niệm các thánh phải là những người hiến thân phụng sự Chúa trong đời tu trì, chứ ở ngoài thế gian thì khó nên thánh. Quan niệm thần học này đã được sửa đổi từ Công Đồng Vaticanô II với Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh. Nhưng vẫn còn khó khăn về phương diện kỹ thuật phong thánh: thủ tục phong thánh khá tốn kém và đòi hỏi nhiều chuyên viên. Vì thế các Dòng tu dễ xúc tiến hồ sơ hơn là các giáo dân.
Tuy vậy, chúng ta cũng nhận thấy một vài sự chuyển hướng trong những năm gần đây, nhất là từ sau Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1987 tại Rôma. Các thành viên tham dự đều ước ao có nhiều vị thánh giáo dân, cách riêng là trong bậc hôn nhân, chiếm đa số trong Dân Thiên Chúa. Cần phải tìm ra những người nên thánh trong đời sống hôn nhân, chứ không phải nên thánh vì đi tu sau khi đã góa chồng hay góa vợ.
Trong những khuôn mặt mới mẻ theo chiều hướng này, chúng ta có thể kể đến chân phúc Gianna Beretta Molla (1922-1962), một bà mẹ người Italia. Bà đã có 3 đứa con, đến khi mang thai lần thứ tư, bác sĩ khám phá bà bị u ở tử cung. Khi phải chọn lựa giữa việc cứu mạng sống của thai nhi và mạng sống của bản thân, bà tình nguyện hy sinh cho con mình. Đứa con thứ tư ra đời ngày 21 tháng 4 năm 1962, nhưng mà một tuần sau đó bà qua đời. Bà được phong chân phước ngày 24/4 năm 1994, với sự tham dự của cô gái út lúc đó đã lên 32 tuổi (và phong thánh ngày 16/5/2004).
Trong số những người chồng và gia trưởng mới được phong chân phước dưới thời đức thánh cha Gioan Phaolô II, chúng ta có thể kể ông Bartolo Longo, người xây dựng thánh điện kính Đức Mẹ Mân Côi ở Pompei và các cơ sở xã hội kế cận; ông Federic Ozanam, người sáng lập hội bác ái Thánh Vinh sơn.
Gần chúng ta hơn cả là hai ông bà Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi, được phong chân phước ngày 21/10 năm nay. Hai ông bà thành hôn năm 1905, và sau 45 năm chung sống (ông qua đời năm 1951, bà qua đời 14 năm sau đó), để lại bốn người con, trong số này ba người lớn dâng mình cho Chúa (hai linh mục và một nữ tu).
Một hồ sơ tương tự cũng được tiến hành, đó là ông bà Martin, song thân của Thánh Têrêsa hài đồng Giêsu. Hai ông bà kết hôn ngày 13 tháng 7 năm 1858, sinh được 9 đứa con, nhưng 4 đứa chết yểu. Bà Zélie Guérin qua đời năm 1877 lúc 45 tuổi vì bệnh ung thư, còn ông Louis Martin sống thêm 17 năm nữa. (Phong chân phươc ngày 19/10/2008 và hiển thánh ngày 18/10/2015).
Tóm lại, trong câu hỏi: “Có bao nhiêu gia đình nên thánh?” chúng ta có thể hiểu về các gia đình có người đã được phong thánh (cách riêng là các con cái), phần nào cũng nhờ ảnh hưởng giáo dục của cha mẹ. Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu về các đôi bạn đã nên thánh trong bậc hôn nhân. Thực ra, chúng ta chỉ mới kể đến vài trường hợp cả đôi bạn cùng chủ tâm giúp nhau nên thánh qua việc chu toàn các nhiệm vụ làm vợ chồng và cha mẹ. Nhưng thiết tưởng không thiếu lần, họ nên thánh ngoài ý muốn, khi mà một người không còn trung thành với lời hứa khi lãnh bí tích, khiến cho bên kia phải thực tập nhân đức kiên nhẫn, yêu thương đến mức độ anh hùng.
Tôi chỉ xin trưng dẫn hai trường hợp. Một là bà thánh Isabella hoàng hậu Bồ Đào Nha (1271-1336), lễ kính 4/7. Chồng bà, vua Điônisiô là người bê tha và có nhiều nhân tình và con tư sinh. Ông nghi vợ mình cũng ngoại tình như mình, khiến cho bà hết sức đau khổ. Ông lại còn tranh chấp với trưởng nam, vì chàng này bị nghi là mưu toan tiếm quyền và phải chết nơi lưu đày. Bà Isabella đã chịu đựng tất cả những cảnh đó, và đã giúp chồng trở về với Chúa trước khi qua đời.
Trường hợp thứ hai là thánh Rita Cascia (1380-1456), rất phổ thông bên Italia, kính ngày 22/5. Nhờ lời cầu nguyện và khuyên lơn của bà, ông chồng trở lại sau một cuộc đời phóng túng, nhưng lại bị ám sát do những kẻ cùng làng chơi trước đây. Hai đứa con thề nhất quyết trả thù cho cha. Bà không thể nào can ngăn chúng được, và bà xin Chúa cất chúng về trời còn hơn là phạm tội sát nhân. Lời cầu của bà được chấp nhận, với một giá đắt là bà mang 3 cái tang.
Nhiều người nói rằng song thân của thánh Teresa là đôi hôn nhân đầu tiên được phong thánh. Nhưng tôi nghĩ tuỳ theo cách nhìn mà có thể khám phá nhiều gương mẫu khác. Dù sao, trước khi vào đề, chúng ta nên xác định vấn đề cho rõ.
Chúng ta đang bàn đến những vị thánh đã được Giáo Hội chính thức tôn phong mà thôi. Như chị biết, đó chỉ là một con số rất nhỏ so với những vị thánh vô danh, mà chẳng ai nghĩ đến tiến hành thủ tục phong thánh. Tôi xin đưa một thí dụ để so sánh cho dễ hiểu.
Trong số các linh mục giáo phận (tức là các cha xứ), có rất nhiều vị đã sống đời thánh thiện, nhưng con số các cha xứ được đặt lên bàn thờ thì không nhiều lắm, đếm chưa hết năm đầu ngón tay (nổi tiếng nhất là thánh Jean Marie Vianney, rồi đến Thánh Gioan Avila). Nếu các linh mục muốn được phong thánh thì hoặc là phải lập dòng, hoặc là làm giám mục hay là tử đạo. Thử hỏi: các linh mục còn khó được phong thánh, thì phải nói thế nào về các đôi hôn nhân?
Chưa hết, tôi thấy cần phải thêm đôi ba tiền đề nữa. Thứ nhất, chúng ta muốn tìm hiểu những đôi vợ chồng cùng giúp nhau nên thánh, chứ không phải một người này làm cớ cho người kia nên thánh. Đó là trường hợp của Thánh Monica chẳng hạn: bà nên thánh vì đã phải chảy ra bao nhiêu nước mắt vì ông chồng, cũng như hiện nay có biết bao nhiêu bà vợ đang vác thánh giá vì ông chồng cờ bạc rượu chè. Như vậy là các bà nên thánh bất chấp ông chồng bê bối, nhưng ở đây chúng ta không bàn đến.
Thứ hai, chúng ta không muốn nói đến những người đã nên thánh sau khi hôn nhân đã kết liễu, như trường hợp của nhiều bà thánh goá phụ đã đi tu hoặc lập dòng (chẳng hạn bà thánh Louise de Marillac, đồng sáng lập dòng nữ tử Bác Ai với Thánh Vinh sơn Phaolô); những người này nên thánh vì là tu sĩ chứ không phải là vợ.
Thứ ba, chúng ta không muốn nói đến những đôi vợ chồng, sau khi đã kết hôn, lại khấn giữ khiết tịnh, để rồi sau đó mỗi người theo đuổi ơn gọi tu trì (như ta thấy vài trường hợp vào thời Trung Cổ).
Thứ bốn, chúng ta không muốn nói đến các vị thánh tử đạo: các đấng được phong thánh vì đã đổ máu làm chứng cho đức tin, chứ không chỉ nguyên vì sống đời hôn nhân. Đó là trường hợp của nhiều các thánh tử đạo ở Hàn Quốc và Trung Hoa, trong đó cha mẹ con cái đều được phúc tử đạo. Thí dụ là tại Kokura (Nhật) năm 1620, có hai đôi hôn nhân cùng với đứa con thơ; tại Nagasaki, năm 1619 có bốn đôi vợ chồng; năm 1622, có 10 đôi vợ chồng; năm 1622, có đôi vợ chồng với hai con trai; năm 1626, ba đôi vợ chồng; năm 1627, một đôi vợ chồng. Những vị này thuộc danh sách 118 vị chân phước mới được tuyên phong ngày 24 tháng 11 năm 2008. Còn trong số các thánh tử đạo Triều tiên kính vào ngày 20 tháng 9, có bốn đôi vợ chồng tử đạo vào những năm 1839-1867.
Sau khi đã mào đầu dài dòng như vậy, bây giờ chúng ta đi vào vấn đề các đôi vợ chồng nên thánh trong đời sống hôn nhân.
Chúng ta không kể những vị thánh sống vào những thế kỷ đầu của Hội Thánh (chẳng hạn hai ông bà Prisca và Aquila được nói trong sách Tông Đồ Công Vụ) và vào thời Trung Cổ khi chưa có thủ tục phong thánh hoặc thiếu chứng tích lịch sử, mà chỉ giới hạn vào thời cận đại mà thôi: xin thú nhận rằng con số không nhiều cho lắm, bởi vì một đàng như đã nói, không ai đứng ra lập thủ tục phong thánh; và nhất là đàng khác, người ta chưa nghĩ đến một hạng thánh nhân mới trong hàng ngũ các thánh, đó là các vị có đời sống hôn nhân thánh thiện.
Nhìn dưới khía cạnh pháp lý, điều khó khăn là phải tiến hành hồ sơ cả hai vị một lúc, chứ không phải là kẻ trước người sau, tuy rằng hai người không qua đời cùng ngày.
Chúng ta đã nghe nói nhiều về hai vị song thân của Thánh Têrêxa (ông bà Louis và Zélie Martin: bà sinh năm 1831 và qua đời năm 1877; ông sinh năm 1823 và qua đời năm 1894), nhưng nên biết rằng hai vị này mới được phong chân phước ngày 19/10/ 2008.
Gần 7 năm sau một đôi hôn nhân khác: đó là ông Luigi Beltrame và bà Maria Corsini được phong chân phước ngày 21/10/ 2001. Ông sinh ngày 12-1-1880 tại Catania còn bà sinh ngày 24-6-1881 tại Firenze. Ông làm nghề luật sư, bà là giáo viên và viết báo. Hai ông bà gặp nhau tại Rôma và kết hôn tại đền thờ Đức Bà ngày 25 tháng 11 năm 1905. Trong số 4 người con (hai trai hai gái), thì ba người đi tu, chỉ có con gái út lập gia đình. Ông qua đời năm 1951 và bà qua đời năm 1965. (Như vậy là ngược với trường hợp của song thân thánh Teresa: bà qua đời năm 1877 còn ông qua đời năm 1894). Đây là trường hợp đầu tiên mà hai vợ chồng được phong chân phước cùng một ngày, và với sự tham dự của ba người con lúc ấy đã được 95, 92 và 87 tuổi.
Có thể nói được là hai vị đã mở màn cho một thủ tục phong thánh mới, nghĩa là cả hai vợ chồng một lúc. Từ đó đến nay đã nhiều hồ sơ được mở ra.
Cũng tương đối đông. Như chúng ta đã biết, tiến trình phong thánh trải qua nhiều chặng: trước hết là giai đoạn điều tra các nhân đức; khi hồ sơ kết thúc, đương sự được gọi là “tôi tớ Chúa”; giai đoạn hai là xét các nhân đức, kết thúc với việc tặng danh hiệu “đáng kính”; giai đoạn ba, khi đã có một phép lạ, thì sẽ được phong “chân phước”. Giai đoạn cuối cùng là việc phong “hiển thánh”.
Hiện nay, chúng ta đã có hai hiển thánh, song thân của thánh Teresa, hai chân phước, đó là hai ông bà Luigi và Maria Beltrami. Xuống một cấp nữa là các bậc đáng kính, thì đã có nhiều đôi, chẳng hạn như Ulisse và Lelia Amendolagine (giáo phận Rôma), Anna Maria và Marcello Inguscio (giáo phận Catania); Francesco và Teresa Savilli (Bari), mới nhất là Domenica và Sergio Bernardini (Modena). Đôi cuối cùng này mới được nhìn nhận các nhân đức anh hùng vào ngày 5/5 năm nay; đặc biệt là trong số 11 người con, thì có 2 người con trai đi tu dòng Capuxin (một giám mục, một linh mục), 6 người con gái làm nữ tu.
Đúng thế, và điều này không có gì khó hiểu, bởi vì có những giám mục hoặc phong trào đứng ra xúc tiến hồ sơ. Tuy nhiên, trong số các hồ sơ đã bắt đầu, ta thấy cũng có nhiều vị thuộc các lục địa khác. Tôi xin trưng dẫn hai trường hợp, một ở Á Châu và một ở Phi Châu.
Trường hợp Á Châu là hai đôi vợ chồng Takashi Nagai và Midori Moriyama. Takashi Nagai (1908-1951) vốn thuộc gia đình theo thần đạo, sống tại Nagasaki. Khi còn làm sinh viên y khoa tại đây, anh đã quen biết cô Midori, thuộc gia đình Moriyama Công Giáo.
Năm 1932, vào đêm Giáng sinh, cô Midori cảm thấy đau bao tử. Đang khi các bác sĩ khác cho rằng đó là một chuyện bình thường, thì Takashi đã chẩn bệnh là đau ruột thừa, và giữa đêm tuyết, anh đã đưa cô đi bệnh viện mổ cấp cứu. Nhờ vậy mà cô được cứu sống. Cô âm thầm cầu nguyện cho anh trở lại đạo. Điều này đã xảy ra vào tháng 6 năm 1934.
Thời ấy, nước Nhật đang trải qua những cuộc chiến tranh với Trung quốc và tiếp đó là cuộc đại chiến. Anh bác sĩ đã làm việc liên miên trong phòng khám bệnh với quang tuyến X, và anh đã bị mắc bệnh bạch cầu, khiến anh có lúc muốn bỏ nghề. Nhưng chị vẫn nâng đỡ tinh thần cho anh, trong công việc phục vụ bác ái này.
Midori qua đời vào tháng 8 năm 1945, vào lúc đang chuẩn bị mừng lễ Đức Mẹ Mông triệu, vào lúc mà trái bom nguyên tử rơi xuống Nagasaki. Vì là bác sĩ, Takashi không thể ở lại nhà, và anh lên đường đi cấp cứu các bệnh nhân. Không ngờ rằng chính anh cũng bị bệnh khi tiếp xúc với họ. Anh được chữa lành cách lạ lùng nhờ lời chuyển cầu của cha Maximilano Kolbe, và còn sống đến năm 1951.
Những năm cuối đời, anh đã có dịp viết sách về người bạn đời của mình, một người thánh thiện đã cổ động tinh thần để anh giúp đỡ các bệnh nhân mặc dù biết những nguy hiểm.
Quay sang Phi Châu, trước thềm Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình, Đức tổng giám mục Kigali, thủ đô Ruanda, đã mở án phong thánh cho đôi vợ chồng Cyprien và Daphrose Rugamba.
Cyprien sinh năm 1935 còn Daphrose sinh năm 1944, cả hai đều sống tại một làng ở miền nam Ruanda. Cyprien có thời kỳ vào chủng viện, nhưng sau 2 năm, anh đã chuyển hướng, và tiếp tục học xã hội học. Daphrose làm giáo viên. Hai người kết hôn vào năm 1965. Từ khi rời chủng viện, Cyprien thờ ơ với tôn giáo, và nhờ lời cầu nguyện của Daphrose, anh đã hoán cải vào năm 1982. Từ nay, gia đình anh trở nên tổ ấm thực sự, không phải chỉ giới hạn vào gia đình tự nhiên, mà anh chị còn mở rộng của đóng nhận các thiếu nhi bụi đời.
Năm 1989, sau một chuyến đi thăm nước Pháp trở về, anh chị quyết định thiết lập cộng đoàn Emmanuel ngay tại nhà của mình. Vào lúc cuộc nội chiến bùng nổ giữa hai bộ tộc tutzi và hutu, hai anh chị tuyên bố mình thuộc bộ tộc Giêsu, và đứng ra bên ngoài các cuộc tranh chấp. Người ta khuyên anh chị hãy đến trú ngụ ở chốn an toàn hơn, nhưng anh chị từ chối.
Ngày 7 tháng 4 năm 1994, như có linh tính báo trước, anh chị đã tụ tập lại trong nhà để chầu Thánh Thể. Một toán khủng bố đã tàn sát đôi vợ chồng, cùng với 6 đứa con tự nhiên và tất cả những người khác đang tìm chỗ trú trong nhà họ. Nên biết là hiện nay căn nhà của anh chị đang chứa hơn 100 người, dưới sự điều khiển của cộng đoàn Emmanuel.
Trong tiếng Việt, nói đến “tiến sĩ” là nói đến bằng cấp. Nếu tôi không lầm thì bằng này đã có từ xưa lắm rồi, trước khi mở các trường đại học nữa. Ai đọc lịch sử cũng đều nhớ các cuộc thi để lấy bằng Tú Tài, Cử Nhân, Tiến Sĩ thời xưa. Dĩ nhiên là ai muốn đỗ bằng tiến sĩ thì phải có văn hay chữ tốt, thông kim bác cổ và sẽ được mời làm quan ngay.
Khi tiếp xúc với văn hoá Tây Phương, cha ông chúng ta đã dùng từ tiến sĩ để dịch danh từ docteur, tuy rằng hai từ ngữ không hoàn toàn tương đương với nhau, xét vì một đàng, từ docteur có thể dịch là tiến sĩ hay bác sĩ, đàng khác bằng docteur gắn với khung cảnh đại học.
Thành thực mà nói, ngày nay bằng docteur được cấp như văn bằng cao cấp của đại học, nhưng vào thời Trung Cổ, tức là lúc đại học mới ra đời, thì bằng này chỉ được trao cho ai được bổ làm giáo sư.
Trong tiếng La Tinh, từ doctor gắn liền với động từ docere, nghĩa là dạy dỗ. Chính trong khung cảnh này mà chúng ta lồng tước hiệu Tiến sĩ Hội Thánh.
Khi tôn phong một vị thánh nào làm Tiến sĩ Hội Thánh, Giáo Hội không có ý tỏ lòng khâm phục tài trí sâu sắc của họ cho bằng nhìn nhận họ đáng làm thầy dạy dỗ Dân Chúa. Dĩ nhiên tất cả các thánh đều đáng làm thầy dạy dỗ chúng ta, xét vì họ làm gương nhân đức đáng cho chúng ta bắt chước. Nhưng đối với thánh tiến sĩ, họ còn làm thầy theo nghĩa là họ để lại một học thuyết, một đạo lý qua các tác phẩm của họ. Nói cách khác, họ làm thầy bằng cuộc đời và bằng học thuyết.
Thoạt tiên ta có cảm tưởng là con số các tiến sĩ Hội Thánh đông vô kể, vì trải qua dòng lịch sử, không biết bao nhiêu Giáo Hoàng, Giám Mục, Linh Mục, giáo dân đã viết sách để trình bày đạo lý, bênh vực đức tin, dạy dỗ các tín hữu. Nhưng trên thực tế, số Tiến sĩ Hội Thánh tương đối ít: chỉ có 32 vị (36 tính đến năm 2017). Lý do của sự hạn chế này có thể tóm lược như sau:
1) Lý do thứ nhất, bởi vì tước hiệu Tiến sĩ Hội Thánh mới ra đời từ thế kỷ XVI, trong khi các tước hiệu tử đạo, đồng trinh, tu sĩ đã có từ các thế kỷ đầu và thường được tôn phong do các Giáo Hội địa phương. Tước hiệu Tiến sĩ Hội Thánh ra đời khi mà thủ tục phong thánh đã trở nên khắt khe hơn, nên không lạ chi con số không được phong phú lắm.
2) Lý do thứ hai là để được phong tiến sĩ Hội Thánh, thì cần phải được phong hiển thánh trước đã. Do đó rất nhiều học giả tuy lỗi lạc, nhưng vì chưa được phong thánh nên vẫn không được tôn làm Tiến sĩ Hội Thánh.
Trên nguyên tắc cần phải có 3 điều kiện.
1) Thứ nhất, như đã nói, phải là một vị đã được phong hiển thánh. Do đó, cho dù là một học giả hết sức nổi tiếng nhưng chỉ mới được phong chân phước mà thôi, thì không mong được tặng tước hiệu tiến sĩ.
2) Thứ hai, vị thánh ấy đã để lại một học thuyết lỗi lạc có ảnh hưởng đến đời sống của Giáo Hội.
3) Thứ ba, cần phải được Đức Thánh Cha hay Công đồng hoàn vũ tuyên bố. Nói khác đi, cần phải có thẩm quyền tối cao của Giáo Hội công bố, chứ không để mặc cho công luận định đoạt. Dĩ nhiên là cộng đồng Dân Chúa có quyền thỉnh nguyện Toà Thánh để xin trao tước hiệu tiến sĩ cho vị thánh nào đó, nhưng thẩm quyền quyết định thì dành cho Toà Thánh.
Điều kiện thứ nhất và thứ ba không có gì khó khăn. Vấn đề gai góc hệ tại điều kiện thứ hai. Khi nào một vị thánh được công nhận là có một học thuyết lỗi lạc? Về vấn đề này không thể đưa ra một tiêu chuẩn toán học được.
Việc tuyên dương tiến sĩ Giáo Hội cách chính thức diễn ra vào năm 1587, khi Đức Giáo Hoàng Piô V tặng tước hiệu đó cho Thánh Tôma Aquinô, dòng Đa Minh, xét vì ảnh hưởng của học thuyết của người trong toàn thể Giáo Hội, đặc biệt qua các văn kiện của Công đồng Trentô.
Thực ra, trước đó một số Giáo Phụ đã được kính như Tiến sĩ Giáo Hội rồi, đó là 4 vị bên Tây: Ambrôxiô, Augustinô, Hiêrônimô, Grêgôriô Cả; và 4 vị bên Đông: Basiliô, Grêgôriô Naxianxênô, Gioan Kim Khẩu và Athanasiô. Bởi vậy, khi Đức Piô V đặt Thánh Tôma vào hàng tiến sĩ, xem ra người muốn coi vị thánh này ngang hàng với các Giáo Phụ kể trên, tuy rằng tước hiệu Giáo Phụ chỉ được áp dụng cho các thánh sống trong những thế kỷ đầu của Kitô Giáo.
Cứ đà ấy người ta có thể đoán là danh hiệu tiến sĩ sẽ được dành cho các thánh cận đại. Tuy nhiên điểm lại 4 thế kỷ qua, chúng ta thấy sự thực không xảy ra như vậy.
Trong số 32 vị tiến sĩ, thì có 17 vị, (tức là quá một nửa) sống từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII, nghĩa là thời các Giáo Phụ, 8 vị sống từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII, tức là thời Trung Cổ; và chỉ có 7 vị sống vào thời Cận Đại, nghĩa là từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Vị tiến sĩ trẻ nhất là thánh Anphong Maria Liguori, qua đời năm 1787, cách chúng ta hơn 200 năm rồi.
Đúng 90 phần trăm! Khi đọc lại các tác phẩm của các vị, chúng ta thấy họ có trình độ học thức khá rộng, có nhiều vị đã từng là giáo sư đại học nữa. Tuy nhiên điều này chỉ đúng 90 trăm thôi, xét vì trong hàng ngũ của các vị có hai phụ nữ, tức là thánh Catarina Siena và thánh Têrêxa Avila.
Thực vậy, cho đến năm 1970, 30 vị tiến sĩ Giáo Hội không những thuộc nam giới mà còn thuộc hàng giáo sĩ nữa: với 20 giám mục, 9 linh mục và 1 phó tế (tức thánh Ephrem). Đức Phaolô VI đã làm một cuộc cách mạng quan trọng khi thêm hai Thánh vừa nói vào hàng ngũ tiến sĩ Giáo Hội.
Cách mạng dưới nhiều phương diện. Thứ nhất vì họ là phụ nữ. Trước đây người ta lấy câu nói của Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi thánh Timôthêô (1Tm 2,12: “Tôi không cho phép các bà được dạy”) để ra quy luật ngăn cản các phụ nữ vào hàng Tiến sĩ. Nhưng ngày nay các nhà chú giải Kinh Thánh giải thích rằng Thánh Phaolô không có ý đặt ra một định luật tổng quát, mà chỉ giới hạn vào một trường hợp cụ thể, khi các bà không có đặc sủng mà cứ đòi lên tiếng trong hội đường. Do đó ai nhận được đặc sủng thì có quyền dạy; và trong thực tế, trong Giáo Hội tiên khởi đã có những phụ nữ thi hành đặc sủng ngôn sứ hay tiên tri.
Khía cạnh cách mạng thứ hai của Đức Phaolô VI là hai vị chỉ là giáo dân chứ không phải là giáo sĩ. Và khía cạnh cách mạng đáng kể hơn cả là hai vị không hề theo học các đại học hay chủng viện, nếu chưa nói là mù chữ! Nói khác đi, khi tuyên dương Catarina và Têrêxa làm tiến sĩ, xem như Đức Phaolô VI muốn nhấn mạnh rằng tước hiệu này được trao tặng không phải cho các trí khôn sắc sảo, mà cho những ai biết trình bày một đường lối hữu hiệu đưa con người về với Thiên Chúa hơn.
Catarina và Têrêxa đã không trình bày một học thuyết trừu tượng, nhưng là một con đường cụ thể mà các vị đã sống, nhờ đó Lời của Chúa được diễn tả ra đời sống cụ thể, có sức thu hút lý trí và tâm tình con người.
Như đã nói lúc đầu, các tiến sĩ Hội Thánh là những bậc thầy của Giáo Hội, song chúng ta đừng nên quên rằng vị thầy duy nhất của chúng ta là Đức Kitô. Các thầy khác chỉ là đồ đệ đã hấp thụ bài học của Chúa, và truyền lại cho chúng ta những kinh nghiệm quý giá, để chúng ta có thể thưởng thức sức mạnh và ánh sáng của Lời Người.
N.B. Năm 1997, đức thánh cha Gioan Phaolô II đã phong thêm một vị tiến sĩ nữa: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu. Năm 2012, đức thánh cha Bênêđictô XVI tôn phong hai vị Gioan Avila và Hildegard Bingen. Năm 2015, đức thánh cha Phanxicô tôn phong thánh Gregorio Narek. Tổng cộng cho đến năm 2017 có 36 thánh tiến sĩ.