Trong văn hóa hiện đại, con tim là biểu tượng của tình yêu. Khi muốn bày tỏ tình yêu đối với ai, thì người ta trao tặng cho nhau hình của trái tim. Tuy nhiên, đó là phong tục của Tây Phương chứ không phải của Kinh Thánh.
Kinh Thánh được viết trong khung cảnh văn hóa miền Cận Đông, cho nên đã sử dụng những ngôn ngữ và biểu tượng khác. Tôi nghĩ rằng ngôn ngữ biểu tượng của Kinh Thánh rất gần gũi với ngôn ngữ của Việt ngữ hơn là ngôn ngữ của Tây Phương.
Trong tiếng Việt mình, con tim là cơ quan suy tư chứ không phải là cơ quan cảm xúc. Chẳng hạn như chúng ta nói “hồi tâm” lại, nghĩa là trở về với con tim, để mà đắn đo cân nhắc. Một cách tương tự như vậy, “tâm niệm” có nghĩa là tưởng nghĩ ở trong tim. Còn khi mà nói đến chuyện yêu thương thì chúng ta để ở trong lòng hay là trong bụng, chứ không phải là trong tim. Chẳng hạn như khi nói “Yêu em, anh để trong lòng; phép công là trọng, niềm tây sá gì!”. Hoặc khi nói đến chuyện “đau lòng xót dạ” (chứ không phải đau tim!), hay là “tức lộn ruột”, chứ không phải tức vỡ tim!
Tôi không phải là chuyên gia về ngữ học, cũng không phải là chuyên gia về y học nội khoa, cho nên không thể nói xác định cho chị biết đâu là tim và đâu là lòng!
Trong ngôn ngữ thường ngày, chúng ta dùng chữ “lòng” theo nghĩa bóng, và vì thế mà nó đồng nghĩa với “tim” (“tâm” trong từ Hán Việt), hay đôi khi đồng nghĩa với “hồn”, hay “tinh thần”: chẳng hạn như khi nói tới lòng bác ái, lòng vị tha, lòng yêu nước.
Tuy nhiên, nếu xét kỹ ra, thì phải nói là hai cơ quan khác biệt. Tôi nghĩ là cái lòng nằm ở dưới trái tim một chút: chẳng hạn khi nói rằng bà mẹ ẵm con vào lòng. Khi đi chợ, chắc chị biết là mua tim heo thì khác, và mua lòng heo thì khác! Nhưng mà thôi, ở đây tôi không muốn mạn đàm về nội tạng, mà chỉ muốn nói về ngôn ngữ của Kinh Thánh dựa theo văn hóa Do Thái.
Cái lòng ám chỉ hoặc ruột hay là thận, và là biểu tượng của cảm xúc; còn trái tim là biểu tượng của suy tư. Tiếc rằng nhiều khi dịch Kinh Thánh, chúng ta đã không để ý tới chi tiết đó. Chẳng hạn trong 8 mối Phúc thật, theo bản dịch của Nhóm Phụng vụ giờ kinh, chúng ta đọc thấy như sau: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”.
Như vậy, có 2 lần nhắc tới “tâm hồn” (tâm hồn nghèo khó, tâm hồn trong sạch). Nhưng mà trong nguyên ngữ thì không phải như vậy. Phúc dành cho người nghèo được diễn tả như là “khó nghèo trong tinh thần”, còn phúc dành cho người trong sạch thì nói rằng “trong sạch con tim”.
Đến đây chúng ta đã đi vào vấn đề. Trong Kinh Thánh, trái tim được coi như là trung tâm của con người. Chính nơi đây, con người suy tư, xét đoán, quyết định mọi hành vi. Trái tim tương đương với “lương tâm” trong luân lý hiện đại. Như vậy, trái tim không phải là biểu tượng của tình yêu cho bằng biểu tượng của trí tuệ phán đoán và của ý chí.
Như đã nói trên đây, trong tiếng Việt, chúng ta cũng nói tới việc “hồi tâm”, nghĩa là trở về với chính mình, trở về với cõi thâm sâu nhất của bản ngã. Vì thế không lạ gì mà người nào quen lắng nghe tiếng nói của con tim thì được gọi là có đời sống “nội tâm” dồi dào. Đây là còn ở trên bình diện tâm lý, xét tới những hành vi của con người.
Kinh Thánh còn đi xa hơn nữa, bởi vì con người được đặt trong mối tương quan với Thiên Chúa. Trong viễn tượng này, trái tim là nơi mà con người đối diện gặp gỡ với Chúa, để mà tuân phục hay là chống cưỡng Thiên Chúa. Từ đó mà ta gặp thấy những thành ngữ: trái tim ngoan ngoãn, hay là trái tim chai đá; trái tim gần Chúa hay là trái tim xa Chúa!
Quan điểm của Cựu Ước và của Tân Ước đều như nhau, theo nghĩa là con tim ám chỉ nơi mà con người quyết định chấp nhận hay là khước từ luật Chúa.
Vào cuối thời Cựu Ước, ngôn sứ Giêrêmia (Gr 31,33) đã loan báo một đặc trưng của giao ước mới ở chỗ Thiên Chúa sẽ trao cho con người một lề luật không phải là khắc trên tấm bia đá, nhưng là khắc trong con tim.
Dưới chế độ giao ước mới, con người sẽ tuân hành luật Chúa không phải như kiểu chấp hành bộ hình luật của Nhà Nước (sợ bị hình phạt)! Không, con người sẽ tuân hành luật lệ của Thiên Chúa cách tự nguyện, với xác tín nội tâm. Vì thế không lạ gì mà Chúa Giêsu thường kêu gọi con người hãy trở về với trái tim của mình. Con người cần phải thờ phượng Chúa trong trái tim, chứ không phải ngoài môi mép! Chúa Giêsu đã lặp lại lời cảnh giác của Isaia như vậy (Mc 7,6: Is 29,13).
Chính con tim là nơi đo lường tính cách luân lý của các hành vi. Thí dụ như trong bài giảng trên núi, khi Người cảnh cáo về những tội ngoại tình phạm ngay từ trong con tim (tâm tư) rồi (Mt 5,27). Từ con tim mà nảy ra những tư tưởng tâm tư làm hoen ố con người, chứ không phải qua những sự đụng chạm bên ngoài (Mt 15,19).
Ở đây, có lẽ con tim trong sạch không đối nghịch với “tà dâm” cho bằng “tà tâm”. Con tim trong sạch ám chỉ những con người thành thật, khiêm tốn; đối lại với hạng người dối trá, gian xảo, quỷ quyệt.
Một cách tương tự như vậy, Thánh Matthêu đã để lại lời khuyên của Chúa Giêsu ở chương 11 câu 29: “Anh em hãy học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong tim”.
Điều này phản ánh chân phúc dành cho kẻ hiền lành khiêm nhường của bài giảng trên núi, cần được hiểu theo nghĩa mà các ngôn sứ đã nói về nhóm nghèo của Giavê. Dù sao thì tư tưởng “trái tim trong trắng” đã gặp thấy trong Cựu Ước rồi, chẳng hạn như trong thánh vịnh 51, (câu 12,19), khi mà vịnh gia xin Chúa đổi mới con tim, biến đổi cho nó nên trong trắng, thay thế cho con tim chai đá, ngoan cố.
Nên biết là người Do Thái quan niệm con người như là một tổng thể, chứ không có chuyện tách rời ra xác một bên, hồn một bên, tim một nơi óc một nẻo.
Thực ra khi nói tới trái tim như là nơi sâu thẳm nhất của bản ngã, nơi quyết định tuân giữ hay chống cự luật Chúa, thì cũng đã hàm ngụ tư tưởng yêu ghét rồi. Vì ta yêu mến Chúa cho nên ta mới tuân giữ luật Chúa chứ! Đó cũng là điều mà Thiên Chúa mong đợi nơi con người: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết con tim, hết tinh thần, hết sức lực” (Mc 12,30).
Dù vậy, nếu muốn xác định một cơ quan của thân thể, thì có thể đặt nó ở trong lòng, tức là ở trong “ruột” hay là ở trong “thận”. Tôi nghĩ rằng trong tiếng Việt, chúng ta cũng nói tới ruột như là cơ quan của yêu thương, khi nói tới “anh em ruột” (liền khúc ruột); cũng vậy khi nói tới sự giận ghét hiềm thù, chúng ta để nó ở trong “bụng”, hay là chúng ta trách là “lòng dạ nham hiểm”.
Một cách tương tự như vậy, chúng ta thấy Kinh Thánh nói tới “lòng dạ của bọn bất lương không còn biết xót thương” (Châm Ngôn 12,10). Hơn thế nữa, khi nói tới tình thương của Chúa Giêsu, các tác giả Tân Ước nói tới “lòng dạ” (hay là ruột) của Chúa. Thí dụ Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Philipphê như sau: “tôi yêu quý anh chị em, với lòng dạ của Chúa Kitô” (Pl 1,8).
Đây không phải là một trường hợp ngoại lệ. Khi mở Phúc Âm, chúng ta nhiều lần thấy các thánh sử nói tới việc Chúa Giêsu đã “động lòng”, mà nếu muốn dịch sát chữ thì phải nói là: “rung động lòng dạ hay là ruột gan” (splagkhnizomai, do: splagkhna), chẳng hạn như khi thấy đám đông theo Người mà không có gì ăn uống (Mt 9, 36; 14,14; 15,32), hoặc khi gặp người mù tại Giêricô (Mt 20,34), hay chứng kiến cảnh tượng đám ma con trai của bà góa Nain (Lc_7,13).
Một cách tương tự như vậy, Chúa Giêsu cũng ví Thiên Chúa “động lòng, động ruột” trong dụ ngôn chủ nợ khi thấy con nợ van nài xin tha (Mt 18,27), hay là người cha thấy đứa con hoang trở về (Lc 15,20).
Tôi nghĩ là chẳng cần thay đổi làm gì. Như đã thấy, trong Việt ngữ, các từ ngữ “tim” (tâm) cũng như “lòng” không còn hiểu theo nghĩa đen của một bộ phận cơ thể giống như trong ngôn ngữ y học, nhưng mà chúng đã biến thái.
Hai từ “tâm” và “lòng” được dùng theo nghĩa bóng, và đã trở thành đồng nghĩa. Nó ám chỉ cái phần giữa, hay là phần cốt tủy của một đồ vật (tim đèn, trung tâm thành phố, lòng trứng, lòng đất, lòng súng). Nơi con người, chúng ám chỉ cái chiều kích sâu thẳm nhất (đắc nhân tâm; được lòng hay là mất lòng): tâm hồn, tâm can, tâm hồn, tâm trí, lương tâm; hoặc là tính cách chân thành của mối tình: yêu thật lòng, yêu hết lòng.
Dĩ nhiên, các từ ngữ vừa nói cũng dùng theo nghĩa xấu nữa: hạng người tâm địa độc ác, lòng lang dạ sói, vv.
Trong việc tôn sùng Trái tim Chúa Giêsu, chúng ta không dừng lại ở khía cạnh tình cảm ướt át bên ngoài, nhưng chúng ta muốn đi sâu vào nội tâm, sống thân mật với Người. Trái tim, tấm lòng tượng trưng cho nơi thẳm sâu nhất của bản vị: chúng ta muốn rút lui vào đó để hàn huyên tâm sự với Chúa.
Theo giáo lý Công Giáo, có ba bí tích ghi ấn tích trong linh hồn của người thụ lãnh: rửa tội, thêm sức và truyền chức. Vì vậy, ba bí tích ấy chỉ được lĩnh nhận một lần trong đời, và không lặp lại được.
Ta có thể đọc thấy điều khẳng định này không những là ở trong quyển giáo lý Công Giáo (số 1121), mà cả trong bộ Giáo luật nữa (đ.845 §1).
Thực ra đạo lý của Giáo Hội Công Giáo về vấn đề được minh định từ công đồng Firenze (1439) và lặp lại ở Trentô, nhưng các nhà thần học đã bàn tới nó ngay từ cổ thời. Thiết tưởng để cho rõ ràng hơn, chúng ta cần phải đi từng bước một: thứ nhất, tìm hiểu ý nghĩa của tiếng ấn tích nói chung; thứ hai, tìm hiểu ý nghĩa của tiếng ấn tích khi áp dụng vào các bí tích; và sau cùng, chúng ta hãy tìm xem những công hiệu của nó trong đời sống đức tin.
Trong các bản văn La Tinh, người ta dùng ít là hai tiếng, đó là “character” và “sigillum”. Thường thường, khi nói tới ấn tín hay triện ấn, chúng ta liên tưởng tới cái dấu hay cái con chấm mà các cơ quan đóng vào các công văn giấy tờ, để thị thực, xác nhận rằng chính tay mình đã phê chuẩn nó.
Thực ra trong xã hội ngày nay thì cái chữ ký đã đủ để xác nhận tác giả của một lá thư, một bản văn rồi. Nhưng ở xã hội cổ truyền thì khác. Hồi đó chữ ký chưa có thông dụng, có lẽ vì số người biết đọc biết viết không được bao nhiêu; bởi vậy, người ta phải dùng những dụng cụ khác.
Thêm vào đó, ta cũng không nên quên rằng nhiều triện ấn có khắc hình tượng của tác giả nữa, nên chi khi đóng ấn xuống một văn tự xem ra như gắn một tấm hình căn cước vào đó vậy. Ngoài công dụng xác nhận tác giả văn kiện, triện ấn còn có công dụng bảo đảm sự kín đáo nữa. Điều này xảy ra khi người ta đặt cái triện niêm phong một phong thư dán kín: người nhận kiểm chứng xem nếu dấu triện còn nguyên si thì hiểu là chưa có ai khui ra cả.
Tuy nhiên, khi đọc lịch sử cổ thời ở vùng Trung Đông thì ta thấy triện ấn không phải chỉ dùng trong các văn tự, nhưng còn trong các lãnh vực khác. Người ta đóng triện (qua miếng sắt nung) trên các nô lệ hay súc vật để ghi nhận quyền sở hữu. Các binh sĩ cũng mang triện ấn của nhà vua hay tướng quân như dấu hiệu của sự trung thành phục vụ. Vì thế không lạ gì khi ta thấy trong Kinh Thánh, chữ triện ấn được dùng theo nghĩa thiêng liêng khi nói tới việc người tín hữu thuộc quyền sở hữu của Chúa.
Thí dụ Thánh Phaolô coi việc cắt bì của Luật cũ như là dấu ấn biểu lộ người Do Thái làm thành phần của Dân Chúa (Rm 2,29). Sách Khải Huyền thì nói tới những người thờ lạy Quỷ vương thì mang dấu của nó trên trán, cũng như những tôi trung của Chúa thì cũng được mang dấu ấn của Chúa trên trán (Kh 7,2 và 9,4). Theo vài sử gia, vào những thế kỷ đầu tiên, do ảnh hưởng của sách Khải Huyền, đã có những tín hữu in dấu Thánh Giá trên trán, để biểu lộ việc họ muốn thuộc trọn về Đức Kitô, họ thuộc về sở hữu của Đức Kitô. Theo tôi nghĩ, việc chúng ta đeo tượng ảnh Chúa hay Đức Mẹ nơi cổ có lẽ là vết tích của tục lệ đó.
Nói gỏn lọn vắn tắt thì đúng như vậy đó. Tuy nhiên, lịch sử của vấn đề thì dài dòng hơn.
Thánh Phaolô đã nói rằng nhờ Bí tích rửa tội chúng ta đã mang lấy hình ảnh Đức Kitô, chúng ta đã mặc lấy con người mới. Nhưng trong các thư của Thánh Phaolô chúng ta không gặp thấy từ ngữ “ấn tích của Đức Kitô”. Thảng hoặc có nói tới ấn tích, thì Thánh Phaolô nói tới “ấn tích của Chúa Thánh Thần” (Ep 1,13-14, 2 Cr 1,22).
Sự khác biệt hệ tại “ấn tích của Thánh Thần” hiểu được là ấn tích do Thánh Thần khắc vào tâm khảm của ta; còn ấn tích của Đức Kitô thì hiểu là ấn tích có khắc hình của Đức Kitô. Nói khác đi, một đàng là chủ động của ấn tích (Thánh Thần), một đàng là đối tượng của ấn tích (Đức Kitô).
Vấn đề ấn tích của Đức Kitô thực sự được đặt lên vào giữa thế kỷ III (khoảng năm 255), khi nảy lên cuộc tranh luận giữa đức Giáo hoàng Cornelio ở Rôma với đức Giám Mục Cypriano ở Cartago, Bắc Phi liên can tới việc rửa tội của những người lạc giáo trở lại.
Theo thánh Cypriano, các người được rửa tội trong phái ly giáo Novatiano, khi trở về với Giáo Hội thì phải rửa tội lại, xét vì phép rửa tội trong các phe ly giáo không thành, bởi những ai ly khai khỏi giáo họi thì không còn có Thánh Thần nữa.
Còn thánh Cornelio thì chủ trương rằng truyền thống của Giáo Hội cấm rửa tội lần thứ hai; do đó ai mà đã rửa tội trong các phe lạc giáo hay ly giáo khi trở về với Giáo Hội thì phải trải qua thời kỳ thống hối đền tội, chứ không phải rửa tội lại nữa.
Năm mươi năm sau, nghĩa là sang đầu thế kỷ IV, vấn đề được đặt ra đối với bí tích truyền chức. Trong thời kỳ bắt đạo dưới triều vua Đioclêtianô, một số giám mục và linh mục đã phản bội, đi nộp Sách Thánh cho cảnh sát. Vấn đề được đặt ra là nếu các Giám Mục phản đạo như vậy truyền chức thánh thì bí tích có thành hay không.
Phe của Giám Mục Đonatô Bắc Phi chủ trương là bí tích không thành: nghĩa là giáo sĩ lãnh nhận chức thánh do tay của các giám mục phản đạo thì phải chịu chức lại khi trở về với Hội Thánh. Ta có thể ví với trường họp các giám mục ái quốc bên Trung quốc ngày nay vậy.
Tuy nhiên lập trường của Giáo Hội thì khác: các linh mục và giám mục phản đạo không buộc phải chịu chức lại. Trong cả hai trường hợp vừa kể, các Giáo hoàng nại đến truyền thống của Giáo Hội không hề chấp nhận việc rửa tội hay truyền chức lần thứ hai. Nhưng phải chờ tới Thánh Augustinô thì lý lẽ của truyền thống đó mới được giải thích, với đạo lý về ấn tích: tức là khi lĩnh hai bí tích vừa kể, người tín hữu lãnh một ấn tích, một dấu chấm không thể nào xóa nhoà được.
Thánh Augustinô phân biệt hai loại công hiệu của bí tích rửa tội.
Một đàng là bí tích ban ơn thánh, rửa sạch tội lỗi, ban cho ta làm con Thiên Chúa; ơn thánh này có thể mất đi khi ta phạm tội; thậm chí nếu ta không chuẩn bị xứng đáng thì có lẽ ta cũng chẳng hề bao giờ lĩnh nhận được ơn thánh cả.
Còn đàng khác là ấn tích, khắc dấu của Đức Kitô vào linh hồn của ta, ghi quyền sở hữu của Đức Kitô; ấn tích không bao giờ xóa nhoà.
Sang thời Trung Cổ, thuyết về ấn tích của Thánh Augustinô được đào sâu thêm do thần học kinh viện. Thánh Tôma Aquinô coi ấn tích như là khả năng ban cho tín hữu được tham gia vào phụng vụ Kitô Giáo, tức là phụng vụ mà Đức Kitô tiến dâng lên cho Chúa Cha. Nhờ ấn tích này mà các tín hữu được quyền lãnh nhận hay ban các bí tích. Ấn tích là sự thông dự vào chức tư tế của Đức Kitô.
Phải thú nhận rằng cho tới gần đây, các sách thần học chỉ giới hạn vấn đề ấn tích vào phạm vi tín lý và kỷ luật. Ta có thể trích vài tỉ dụ từ bộ Giáo Luật.
Khi một người đã được rửa tội rồi, và sau đó có bỏ đạo, thì khi trở lại không phải rửa tội nữa, mà chỉ ăn năn thống hối nhờ bí tích giải tội. Cũng vậy, một người đã rửa tội trong Giáo Hội Chính Thống hoặc Anh giáo thì khi gia nhập Giáo Hội Công Giáo cũng không phải rửa tội lại, nhưng chỉ cần tuyên xưng đức tin Công Giáo.
Còn đối với bí tích truyền chức cũng vậy. Ai đã chịu chức linh mục hay giám mục rồi, thì dù có lang bang con đàn cháu đống, họ vẫn là linh mục. Tuy Giáo Hội đã dự trù những biện pháp kỷ luật dành cho những giáo sĩ đã lỗi nghĩa vụ, kể cả hình phạt trục xuất khỏi hàng giáo sĩ hay hình phạt tuyệt thông; nhưng ấn tín linh mục thì không thể xóa được.
Bộ Giáo Luật đã dự trù một trường hợp không ai có thể tưởng tượng nổi ở điều 976: đó là trong trường hợp gặp một người sắp chết, thì một linh mục tuy rằng tội vạ có nặng tới đâu đi nữa, vẫn được ban năng quyền để giải tội cho người đó nếu được yêu cầu, cho dù bên cạnh có một linh mục khác đạo đức thánh thiện.
Tuy nhiên, gần đây thần học không muốn dừng lại ở lãnh vực tín lý và kỷ luật, nhưng còn muốn rút ra những hệ luận khác có tính cách tu đức xây dựng hơn.
Thực vậy, khi nói rằng bí tích in ấn tích của Đức Kitô vào linh hồn, thì mặc nhiên đòi hỏi chúng ta phải sống làm sao để cho hình ảnh ấy được tươi sáng mãi, chứ không để phai mờ hoen ố. Mỗi người chúng ta phải trở thành một Kitô khác giữa đời.
Dĩ nhiên, điều này được nhấn mạnh cách riêng đối với ấn tích của chức linh mục. Các đấng không những lãnh ấn tích để nhân danh Đức Kitô (in persona Christi) đọc lời truyền phép bí tích hay đọc lời tha tội, nhưng ấn tích ấy đòi hỏi các đấng sống như Đức Kitô mục tử nhân lành, hiến mạng vì đoàn chiên, dâng hiến đời mình làm của lễ.
Đối lại với thần học Lutêrô coi các tác vụ trong Hội Thánh như là công tác mà cộng đoàn ủy thác có thời hạn, thần học Công Giáo về ấn tín coi rằng chức linh mục không phải chỉ là một nghề nghiệp, một công tác có thời hạn, nhưng là một ơn gọi suốt đời, một sự thay đổi hướng đi của cuộc sống.
Mặt khác, nói rằng ấn tích không thể xóa nhoà thì cũng như nói rằng ấn tích tạo ra một mối dây liên kết ta khắng khít với Đức Kitô hơn, một mối dây mà không ai có thể cắt đứt được. Đây là một điều an ủi lớn cho chúng ta, để lỡ khi chúng ta có yếu đuối sa ngã, chúng ta nhớ lại rằng Đức Kitô vẫn còn chìa tay ra cho ta: Người không cắt đứt tình bằng hữu cho dù ta có phản bội Người.
Thực không dễ gì trả lời cho câu hỏi đó, vì hai khó khăn chính sau đây.
Thứ nhất là vì chúng ta gặp thấy những lời giải thích khác nhau về ý nghĩa của việc làm sáng danh Chúa.
Thứ hai là vì những bản dịch Việt ngữ không phải lúc nào cũng sát nguyên bản.
Tôi xin bắt đầu bằng cái khó khăn thứ hai vì có lẽ dễ giải quyết hơn.
“Sáng danh” dịch từ chữ gloria, thí dụ kinh “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”. Tuy nhiên cùng một tiếng “gloria” ấy lại được dịch khác đi trong thánh lễ với bài ca “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời” (Gloria in excelsis Deo); ở vài hàng sau đó, tiếng glorificamus te (nghĩa là: làm vinh danh) lại được dịch là “chúng con tôn vinh Chúa”. Và ở lời kết thúc kinh nguyện Thánh Thể, thì omnis honor et gloria lại được dịch là: “mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa”.
Như thế, tuy cùng là một tiếng gloria, nhưng được dịch là: sáng danh, vinh danh, vinh quang; và ta cũng có thể thêm: vinh hiển. Hay nói cách khác: “sáng danh, vinh danh, vinh quang, vinh hiển” đều mang một nghĩa như nhau.
Thường thường, người ta sẽ cố gắng tìm ý nghĩa ấy bằng cách lục lọi các từ điển. Chúng ta sẽ thấy rằng “vinh hiển, vinh dự, vinh quang” có nghĩa là: được kính trọng, được đánh giá cao, được nở mày nở mặt... Tuy nhiên, phương pháp này sẽ đưa đến kết quả tai hại là chúng ta sẽ gán cho Thiên Chúa những điều mơ ước phàm tục, chẳng có hợp tí nào với Người cả!
Thực vậy, con người chúng ta thích được thiên hạ chú ý, tán thưởng, được dành chỗ trọng vọng; và chúng ta cũng tưởng Thiên Chúa cũng vậy, cần phải đặt Người lên trên một bệ cao chót vót và tất cả đều cúi rạp xuống đất hết. Đó là chưa kể tới một thèm thuồng kín đáo là chúng ta mong được ngồi bên hữu và bên tả của Người cho thiên hạ lé mắt. Vì chúng ta mang trong người tính háo danh, nên chúng ta tưởng rằng Chúa cũng mong được như vậy, vì lẽ Người là chủ tể vạn vật mà!
Để tránh cái nguy cơ ấy, muốn có một ý nghĩa đứng đắn về “vinh quang” của Thiên Chúa, chúng ta phải trở về với Kinh Thánh, chứ không thể chỉ dựa vào các từ điển ngữ học.
Trong nguyên ngữ Do Thái, tiếng “vinh quang” (kabod) lúc đầu ám chỉ khối nặng, trọng lượng (kiểu như chúng ta thường nói “nặng kí”); nhưng được áp dụng cho những lần Thiên Chúa mặc khải cho nhân loại. Sự vinh quang được gắn với những lần Người tỏ mình ra. Vinh quang là cái gì mà Người đã có và bây giờ bộc phát ra.
Nói thế thì phải hiểu rằng vinh quang nơi Thiên Chúa hoàn toàn khác với chúng ta, bởi vì thường chúng ta đi tìm vinh quang mà ta chưa có, và chúng ta thèm thuồng được thiên hạ nhìn nhận cho ta. Còn Thiên Chúa thì đã có vinh quang, nhưng Người có tỏ ra thì ta mới biết được.
Hơn thế nữa, vinh quang và danh vọng mà chúng ta tìm kiếm thường là cái gì hão huyền: chúng ta muốn vượt lên trên người khác; còn nơi Thiên Chúa thì không phải như vậy. Người không tỏ lộ vinh quang để thị oai cho thiên hạ khiếp sợ; nhưng mà Người thông đạt vinh quang, nghĩa là thông ban những điều tốt mà Người có cho thụ tạo. Sự tỏ lộ (hay thông đạt) ấy khởi sự với việc tạo dựng: khi Người ban cho các vật được hiện hữu, và nhất là khi ban cho con người được hưởng hạnh phúc.
Thêm một bước nữa, dân Israel cảm nghiệm thấy Người tỏ lộ vinh quang khi Người cứu dân khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập, và dẫn đưa họ vượt qua biển Sậy và trong suốt cuộc xuất hành. Dấu hiệu của tình yêu che chở được biểu lộ qua một đám mây và cột lửa dẫn đường.
Tiếp tục tư tưởng ấy, khi bước sang Tân Ước, Thánh Gioan nhận thấy rằng vinh quang của Chúa (tiếng Hy Lạp là doxa) đã tỏ hiện nơi Đức Kitô, vì nơi Người tình yêu của Thiên Chúa đã đến cắm lều giữa chúng ta, đã hiện diện giữa chúng ta. Suốt cả cuộc đời của Đức Kitô nơi trần thế là một cuộc biểu lộ vinh quang Thiên Chúa liên tục: khi tha tội, khi chữa bệnh, khi trừ quỷ. Nói cách khác, khi tiêu diệt những kẻ thù của con người (tội lỗi, bệnh tật, chết chóc). Vinh quang ấy được bộc lộ tỏ tường hơn nữa khi Đức Kitô được phục sinh từ cõi chết.
Như đã nói trên đây, đối với con người chúng ta, thì vinh quang là cái gì mà mình chưa có, cho nên chúng ta còn đi chạy chọt tìm tòi; mong sao được thiên hạ nhìn nhận. Vì thế, khi được ai khen thưởng, tâng bốc thì chúng ta cảm thấy vui lòng hả dạ, và nói được là lên kí! Còn nơi Thiên Chúa, thì vinh quang không phải là do ai trao tặng Người, mà là do chính Người tuôn ban ra.
Tất cả vũ trụ này mang dấu vết những ưu phẩm của Người, như thánh vịnh 19 đã nói: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm”. Tuy nhiên, giữa các loài thụ tạo, con người là loài có tri giác, nhờ đó mà con người có khả năng để khám phá ra vẻ đẹp của công trình mà Thiên Chúa đã làm; và cũng từ đó, con người có khả năng để trầm trồ, thưởng thức, khen ngợi những công trình của Chúa. Kinh Thánh gọi đó là sự “tôn vinh Thiên Chúa”.
Hơn thế nữa, con người không phải chỉ là một khán giả nhìn ngắm những kỳ công của Thiên Chúa, nhưng con người còn được mời gọi vào chia sẻ hạnh phúc với Người. Do đó, con người tôn vinh Chúa không những qua các bài ca hay lời hoan nghênh, nhưng nhất là qua việc đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa.
Con người tôn vinh Chúa qua việc đáp lại tình yêu của Người. Bằng cách nào? Bằng chính tình yêu của mình. Tình yêu ấy diễn tả qua tâm tình yêu mến, tạ ơn, chúc tụng. Tình yêu ấy cũng được diễn tả qua đời sống phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Tình yêu đó cũng còn được diễn tả qua việc loan báo cho người khác biết tình thương của Thiên Chúa, và lôi kéo họ vào sự đón nhận tình yêu ấy.
Hiểu như vậy, thánh Irênê đã phát biểu như sau: “Vinh quang của Chúa là con người sống động, và sự sống của con người là sự chiêm ngưỡng Chúa”. Vinh quang của Thiên Chúa không phải là do con người mang lại cho Người; ngược lại, vinh quang của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi con người, một kỳ công tuyệt tác của Thiên Chúa; tuyệt phẩm đó nói được là hoàn tất khi con người đạt tới cứu cánh của mình tức là chiêm ngữơng Chúa, chia sẻ cuộc sống thần linh.
Thiết tưởng câu nói có ít là hai nghĩa: một nghĩa tiêu cực, và một nghĩa tích cực.
1) Nghĩa tiêu cực, chúng ta hãy đặt một mục tiêu cao thượng cho các kế hoạch công tác của chúng ta, đó là vinh danh Chúa, chứ đừng đi tìm tư lợi; đừng tìm háo danh, đừng tìm thành công thắng lợi nhất thời. Vì vinh quang Chúa, chúng ta hãy sẵn sàng chịu đựng những hy sinh đau khổ, cũng như Đức Kitô đã chấp nhận những sỉ nhục của thập giá chứ không tìm danh vọng riêng tư.
2) Nghĩa tích cực, chúng ta hãy cố gắng cộng tác với kế hoạch của Thiên Chúa. Người đã tỏ lộ vinh quang (nghĩa là tình yêu) qua việc tạo dựng và nhất là qua việc cứu chuộc loài người. Người muốn cho mọi người đón nhận tình yêu ấy, để chính họ cũng được hạnh phúc.
Như đã nói trên đây, chúng ta làm vinh danh Chúa qua việc đón nhận tình yêu của Người, với tâm tình biết ơn, ca khen; với đời sống thánh thiện, với công tác truyền giáo tông đồ, để giúp những người khác cũng được nhận biết tình yêu của Chúa.
Đồng nghĩa, xét vì cả hai đều dịch từ tiếng La Tinh “glorificare”: có nghĩa: tôn vinh, làm vinh quang, làm vinh hiển.
Ta thấy mẫu gương nơi chính Đức Kitô, mà ta đọc thấy ở Tin Mừng Thánh Gioan 17,4: “Lạy Cha, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất”, (hay là con đã làm hiển danh Cha), bởi vì đã tỏ ra tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại qua các lời nói và việc làm.
Chính nơi Đức Kitô, nhân loại có thể nhận thấy vinh quang của Thiên Chúa. Thế rồi, tiếp đó Đức Kitô nói tiếp: “giờ đây, xin Cha hãy tôn vinh con”, nghĩa là hãy tỏ ra sự hiệp nhất chặt chẽ giữa Đức Kitô và Cha; việc tôn vinh Đức Kitô diễn ra qua việc Phục Sinh, khi nhân tính Đức Kitô chói sáng, vì phản ánh thiên tính nơi Người.
Câu hát này lấy từ bài ca của các Thiên thần tại Bêlem mà Luca thuật lại (2,14). Các nhà chú giải đã cho rằng câu hát ấy có thể hiểu hai cách.
1) Một đàng là công bố sự kiện đã xảy ra rồi, tức là vinh quang và tình yêu của Thiên Chúa đã được tỏ lộ ra qua việc Con Chúa giáng trần, mang lại bình an cho nhân loại được Chúa yêu thương.
2) Đàng khác là một lời nguyện chúc: ước mong sao cho tình yêu, vinh quang, hoà bình được tỏ rạng hơn nữa.
Thiết tưởng cả hai nghĩa bổ túc cho nhau. Một đàng là Chúa đã biểu lộ vinh quang và tình yêu; và đàng khác, con người tôn vinh Chúa khi đón nhận và đáp trả tình yêu đó.