của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Giả sử chúng ta bị bệnh thập tử nhất sinh, vô phuơng cứu chữa, và trong lúc chúng ta tuyệt vọng như thế thì có người thầy thuốc đến chữa lành cho ta. Người thầy thuốc đó thật là vị cứu tinh của ta, đại Ân nhân ta. Ông đã trả lại cho ta niềm vui, niềm hy vọng và lẽ sống. Ông là vận may của cuộc đời chúng ta. Bấy giờ, vì quá vui sướng và đầy thán phục đối với ông, chúng ta thích kể lại chuyện đó với người khác. Giả sử ngưới nào đó cũng lâm vào hoàn cảnh bệnh tật như ta, khi nghe câu chuyện ta kể, họ rất vui mừng, cho mời vị thầy thuốc tài ba nọ đến cứu chữa cho mình, và rồi đến lượt họ cũng được may mắn như ta, lúc bấy giờ họ càng cảm nghiệm rõ ràng hơn nữa rằng điều chúng ta kể lại cho họ nghe về ông thầy thuốc, quả là một câu chuyện tốt lành, là một sứ điệp hy vọng, một lời mang lại sự sống, tóm lại có thể nói, là một Tin Mừng. Phúc Âm, chính là một câu chuyện như thế.
Mở đầu Phúc Âm theo Thánh Luca, chúng ta đọc: “Có nhiều người đã ra công biên soạn, tường thuật những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta. Họ viết theo những điều đã được truyền lại cho chúng ta do những người, ngay từ đầu, đã là những chứng nhân mắt thấy tai nghe và đã trở thành những kẻ phục vụ Lời Chúa. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra”
Căn cứ vào lời của Thánh Luca, Phúc Âm hay Tin Mừng là cuốn sách ghi chép về Chúa Giêsu. Có 4 tác giả đã viết về Chúa Giêsu, về đời sống, hoạt động và giáo lý của Người, đó là Matthêu, Maccô, Luca và Gioan. Ðây không phải là những bài phóng sự, cũng không phải là những bài nghiên cứu khoa học về đức Giêsu. Phúc Âm là cuốn sách có mục đích làm cho người ta biết Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ để họ tin vào Người, hoán cải và được cứu rỗi. Các tác giả không phải là những nhà báo hay nhà nghiên cứu về một nhân vật lịch sử theo quan điểm khoa học, các người tiên vàn là những chứng nhân.
Thánh Luca trong đoạn Phúc Âm đã trích dẫn, cho biết các sách Phúc Âm đã được viết ra căn cứ trên những người đã được trực tiếp chứng kiến những sự việc xảy ra liên quan tới Ðức Giêsu. Những điều chúng ta ngày nay biết về Chúa Giêsu, những điều các vị lãnh đạo Giáo Hội, các nhà giáo dục và cha mẹ chúng ta truyền đạt lại cho chúng ta về Chúa Giêsu, những điều ấy, ngược giòng thời gian, trở lùi lại, từ thế hệ này qua các thế hệ trước, đưa ta tới tận nguồn, tức là tới các sách Phúc Âm và đời sống của Giáo Hội sơ khai, cung cấp cho ta những kiến thức chắc chắn về Người. Vậy đức tin của ta không dựa trên những chuyện bịa đặt, hoặc hoang đường nhưng dựa trên những sự kiện có thực đã được xác quyết bởi những chứng nhân đáng tin cậy, vì họ đã dám đổ máu ra bảo đảm cho điều họ nói là đúng.
Mỗi tác giả Phúc Âm là một chứng nhân của Chúa. Dù có trực tiếp sống với Chúa (như trường hợp Maccô, Matthêu và Gioan) hay không (trường hợp Luca, môn đệ của Thánh Phaolô), các thánh sử đều đã tin theo Chúa, yêu mến Chúa và cảm nghiệm rằng Chúa đáp lại những ước vọng sâu xa nhất của trái tim con người. Khi viết sách Phúc Âm, các thánh sử không chỉ muốn giới thiệu Chúa Giêsu cho kẻ khác bằng một tài liệu đáng tin cậy mà thôi nhưng còn muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình cho kẻ khác để họ cũng tin theo Chúa, yêu mến Chúa và nhờ đó mà được hạnh phúc như mình. Những sự kiện hay những tài liệu khách quan đã được “tiếp thu” qua kinh nghiệm riêng và mục đích riêng của mỗi vị, do đó mà nhiều khi có một số những sự khác biệt giữa các Phúc Âm liên quan đến cùng một sự việc hay biến cố như nhau. Ðó là điều hoàn toàn tự nhiên.
Vậy Phúc Âm là cuốn sách kể lại một câu chuyện tốt lành, một tin vui, một lời hy vọng, một sứ điệp hạnh phúc cho những ai đang đau khổ hay thất vọng. Người ta có thể đọc nó, nghiên cứu nó như bất cứ tài liệu nào (chưa hề có cuốn sách nào được học hỏi, nghiên cứu nhiều như cuốn sách này), nhưng nếu chỉ có thế thì người ta chưa đạt tới chủ ý của tác giả và cũng không thể hiểu nó cho thật sâu xa được. Chứng nhân không chỉ dừng lại ở việc thông tin nhưng muốn thuyết phục, muốn được người khác chia sẻ cùng một xác tín như mình. Ðàng khác bởi vì chỉ có Chúa Giêsu là người mang tới ơn cứu rỗi và hạnh phúc, nên chính Người mới thật là Tin Mừng cho con người. Phần thứ hai của bài Phúc Âm (Lc 4, 14-21) nói lên điều đó.
Sau khi chịu phép Rửa ở sông Giócđan và chịu cám dỗ trong hoang địa, Chúa Giêsu trở lại Galilê, về Nadarét quê quán mình. Tại hội đường quê hương trong một ngày sa-bát, Người được mời đọc và giải thích Sách Thánh. Người mở sách ra và gặp thấy đoạn sác Ngôn sứ Isaia như sau: “ Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, co người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 14-19). Ðọc xong, Ðức Giêsu gấp sách lại, ngồi xuống và giải thích. Người nói gì? Ðơn giản: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Có thể Chúa Giêsu còn nói thêm nhiều điều khác nữa trong hội đường ngày hôm ấy, nhưng tác giả Luca thấy chỉ cần ghi lại bấy nhiêu. Những lời ngắn ngủi này đã đủ cho hiểu rằng Người tự giới thiệu như chính nhà Ngôn sứ đầy Thần Khí được Isaia tiên báo và Người coi đoạn sách kia là chương trình hành động của mình. Thời cứu độ đã đến, năm hồng ân của Thiên Chúa đã đến. Sứ mạng của Ðức Giêsu là một sứ mạng chữa trị và giải phóng, ưu tiên dành cho những người lầm than, đau khổ.
Nhưng phải hiểu theo nghĩa nào, vật chất hay thiêng liêng? Thưa cả hai. Phúc Âm kể lại biết bao điều Chúa đã làm để cứu giúp người ta. Người đi tới đâu là thiên hạ ùn ùn kéo tới đó để được cứu chữa khỏi bệnh hoạn, tật nguyền hay quỷ ám, đến nỗi lắm lần Người không còn thời giờ ăn uống, nghỉ ngơi. Nhưng cũng nhiều lúc họ đến chỉ để được nghe Người nói hay nhìn xem cách cư xử của Người. “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người “(Lc 4, 22. x Lc 13, 17). Ðối với đám đông quần chúng mà các nhà lãnh đạo bỏ rơi kia (x Mc 6, 34), Ðức Giêsu quả là nhà cứu tinh vĩ đại. Dĩ nhiên số đông những người đi theo Chúa Giêsu đó vẫn chờ đợi nơi Người một cuộc giải phóng xã hội, chính trị nghĩa là trần tục, mà thôi, nhưng không vì bị ngộ nhận hay có thể bị lợi dụng mà Người thôi an ủi, cứu giúp họ một cách cụ thể trong tình cảnh đáng thương của họ trước mắt. Nhưng Người luôn luôn dẫn họ đi xa hơn, từ nỗi lầm than phần xác đến nỗi lầm than tâm hồn, từ nhu cầu vật chất đến nhu cầu linh thiêng, từ những giá trị tương đối, chóng qua đến những giá trị bền vững, tuyệt đối. Người nói với họ về Nước Thiên Chúa, về Tình yêu của Chúa Cha, về nhu cầu phải hoán cải và tin vào Tin Mừng Người rao giảng (x Mc 1, 14). Người chính là đấng Chúa Cha phái đến trong sức mạnh của Thánh Thần để thực hiện cuộc giải phóng trọn vẹn cho con người, đó là giải phóng khỏi tội lỗi và sự chết, tái lập con người lại trong phẩm giá nguyên tuyền là con cái Thiên Chúa và anh em với nhau.
1. Chúng ta có đến với Chúa Giêsu như đám đông quần chúng nghèo khổ xưa tìm đến với Người để được cứu vớt không? Nói cách khác, đối với ta, Chúa Giêsu có thực sự là Ðấng mang lại niềm vui, niềm hy vong, lẽ sống và hạnh phúc hay không?
2. Thánh Thể và Lời Chúa là hai bàn tiệc Chúa dọn ra cho ta và bàn tiệc nào cũng ngon, cũng cần thiết cả. Khi đọc hoặc nghe Lời Chúa, đặc biệt là Phúc Âm, chúng ta gặp gỡ chính Chúa Kitô đang sống và đang ngỏ lời với ta. Vậy chúng ta có quan tâm nghe, học hỏi và nhất là sống Lời Chúa hay không?
3. “Hãy về và kể lại mọi điều Thiên Chúa đã làm cho anh” (Lc8, 39). Sau khi đã được phúc biết Chúa, được hưởng hành động cứu độ của Chúa, chúng ta có biết chia sẻ niềm vui và hạnh phúc mình đã nhận được hay không? Mỗi người phải nối dài hành động của Chúa Giêsu bằng cách gieo rắc niềm vui, ánh sáng và tình thương ra chung quanh. Chúng ta có cố gắng trở thành một “tin mừng”, “tin vui” cho kẻ khác không, hay ngược lại là một “tin dữ”, một nỗi sợ hãi?