của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Giáo Hội tương lai sẽ như thế nào? Ðó là câu hỏi có thể được đặt ra khi chúng ta bước vào một thế kỷ mới, một thiên niên kỷ mới. Ðể dựï đoán hướngï phát triển chung của Giáo Hội tương lai, chúng ta có thể dựa vào kinh nghiệm lịch sử của Giáo Hội trong 2000 năm qua cũng như những xu thế phát triển của Giáo Hội hiện đại trên bối cảnh tổng thể của nền văn minh nhân loại.
Kitô giáo đã phát sinh từ Châu Á, nhưng chỉ thực sự phát triển từ Châu Âu. Nó đã thừa kế hai nền văn hóa Hy-Lạp và La-Mã, rồi cùng với nền văn hóa của các dân mới tòng giáo (quen gọi là những dân Man di), làm nên một nền văn hóa riêng, độc đáo mà ta gọi là văn hóa Tây Phương, trong đó đức tin Kitô giáo vừa là nền tảng, vừa là nguyên lý chỉ đạo và tổ chức, vừa là chất keo nối kết. Nền văn hóa này đã trải qua những thời rất rực rỡ, có một tầm ảnh hưởng toàn cầu nhờ sự bành trướng của Châu Âu qua công cuộc truyền giáo, qua sự bành trướng của các nước Châu Âu đi tìm thuộc địa và qua sự phát triển khoa học kỹ thuật, cũng là một "món hàng xuất khẩu" của Tây Phương. Như thế, Giáo Hội Công Giáo nói riêng và các Giáo Hội Kitô giáo nói chung đã đóng một vai trò và nắm một vị trí hết sức quan trọng trong nhiều thế kỷ tại Châu Aâu và những nước khác lấy Kitô giáo làm tôn giáo chính.
Tuy nhiên ảnh hưởng của Kitô giáo bắt đầu giảm nhiều kể từ sau thời Trung Cổ, bắt đầu khoảng thế kỷ 15. Từ đó, nền văn minh Tây Phương phát triển theo chiều hướng xa rời Kitô giáo, đề cao sự tự do và tự lập của cá nhân cũng như của các cơ chế xã hội, chính trị đối lại sự thống trị của tôn giáo và giáo quyền. Con người cảm thấy đã trưởng thành, muốn nắm lấy quyền tổ chức cuộc sống trần thế mà không lệ thuộc, kể cả không cần sự bảo trợ của tôn giáo hay qui chiếu về tôn giáo. Xã hội trần thế và Giáo Hội chia lìa nhau, nhiều khi chống đối nhau kịch liệt. Người ta gọi xu hướng phát triển mới này là phong trào Trần tục hóa (sécularisation). Cao điểm của mối quan hệ căng thẳng này là cuộc Cách mạng dân chủ Pháp năm 1789.
Trong lúc đó thì Giáo Hội tỏ ra không thức thời, vẫn luôn nuối tiếc thời vàng son Trung Cổ, khi mà mọi người đều chấp nhận không bàn chãi sự lệ thuộc của tự nhiên đối với siêu nhiên, lý trí đối với đức tin, phần đời đối với phần đạo cũng giống như thể xác phải lệ thuộc linh hồn vậy. Vì thế Giáo Hội không thích nghi nổi với bước tiến của xã hội trần thế. Mãi đến gần cuối thế kỷ 19, Ðức Giáo Hoàng Piô IX còn phủ nhận các giá trị như dân chủ, tự do tôn giáo, và tuyên bố thẳng thừng rằng Giáo Hội không thể hòa hợp với nền văn minh hiện đại. Thời của Ðức Piô IX cũng là thời chấm dứt mọi quyền hành thế tục của ngôi vị giáo hoàng khi vua Victor-Emmanuel sát nhập bằng vũ lực các lãnh địa của Tòa Thánh để thống nhất nước Ý, lấy Ro-ma làm thủ đô (1870), mặc cho Ðức Giáo Hoàng quyết liệt phản đối. Vấn đề kéo dài mãi cho đến thời Ðức Piô XI, cuối cùng thì Giáo Hội cũng phải chấp nhận hiện trạng qua bản Hiệp ước ký kết với Mussolini năm 1929.
Nhưng điều tưởng là mất mát đó, hóa ra lại đem tới lợi ích tinh thần lớn lao cho Giáo Hội. Quả vậy, kể từ khi bị tước hết mọi quyền lực trần thế và những biểu hiệu của quyền lực ấy như đất đai, quân đội v.v. để chỉ còn giữ lại quyền bính tinh thần mà thôi, người ta thấy uy tín của Giáo Hội ngày càng gia tăng, tiếng nói của Giáo Hội có trọng lượng hơn. Nhất là kể từ Công Ðồng Vatican II (1962-1965), một Công Ðồng đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn thái độ của Giáo Hội đối với thế giới, từ lên án đến đối thoại, từ xa cách đền gần gũi, từ cạnh tranh đến cộng tác chân thành và khiêm tốn vì lợi ích của con người. Từ nay con người sẽ là điểm gặp giữa Giáo Hội và Thế giới. Giáo Hội ngày nay hiện diện tích cực trong hầu hết các tổ chức và diễn đàn quốc tế lớn; nhiều thông điệp của các đức giáo hoàng được quan tâm nghiên cứu và tham chiếu không những trong mà cả ngoài Giáo Hội; trong một vài trường hợp Giáo Hội đứng ra hòa giải giữa những phe đối địch. Năm 1965, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI lên tiếng ngay tại diễn đàn Liên Hợp Quốc; kể từ đó việc một Giáo Hoàng được mời đến phát biểu về những vấn đề lớn của thế giới tại một tổ chức quốc tế không còn là điều xa lạ hay hiếm hoi. Ðức Gioan-Phaolô II đã có một ảnh hướng rất lớn trong các vấn đề xã hội, đặc biệt là vấn đề nhân quyền.
Kinh nghiệm lịch sử cho phép nghĩ rằng trong tương lai Giáo Hội sẽ tiếp tục duy trì và gia tăng uy tín cũng như củng cố vị trí của mình trên thế giới nếu Giáo Hội trung thành bước theo đường hướng của Vatican II. Mọi nỗ lực để tìm lại ảnh hưởng cho Giáo Hội theo kiểu thời Trung Cổ đều lỗi thời và, theo một nghĩa nào đó, không trung thành với tinh thần Phúc âm. Những gì con người hiện đại đã tranh thủ được cách chính đáng như tự do, tự lập, dân chủ, tính độc lập của các thực tại trần thế…, họ sẽ bảo vệ đến cùng, không chịu nhượng bộ cho ai. Nhưng có điều cũng rất đúng là nhiều khi con người hiện đại không biết làm gì với ưu thế và quyền lực đã dành được. Nền văn minh hiện đại thiên về vật chất và hưởng thụ, đã tỏ ra bất lực trong việc đem lại một sự phát triển hài hòa cho con người và xã hội. Ta có đủ thứ để hưởng thụ, ta không ngừng làm chủ cả thiên nhiên vạn vật, nhưng rồi cuối cùng là để làm gì? Tất cả có làm cho ta hạnh phúc hơn không? Ðó là câu hỏi về ý nghĩa mà nền văn minh hiện đại đang đặt ra và đang cần một lời giải đáp. Ðời sống vật chất sẽ còn tăng lên hơn nữa, thì nhu cầu tinh thần cũng sẽ tăng theo. Chính nhu cầu về một sự bổ túc tinh thần ngày càng khẩn thiết hơn đó đã khiến nhiều người hiện đại quay lại với tôn giáo từ mấy thập niên gần đây, ngay ở Tây Phương. Theo nghĩa đó, có người đã tiên đoán thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ tôn giáo. Tôn giáo sẽ được hoan nghênh không phải vì nó làmột hệ thống giáo lý và luật lệ chắc chắn hay một cơ cấu tổ chức vững vàng, nhưng vì là một chỗ dựa tinh thầøn, một sự gợi hứng và động viên cho con người vượt lên khỏi chính mình. Cần tôn giáo, nhưng họ lại sợ đánh mất tự do, nên con số tín đồ chắc sẽ không tăng theo tỉ lệ dân số, nhất là đối với những Giáo Hội quá chặt chẽ như Công giáo. Một lần nữa, vị trí và vai trò của Giáo Hội ta sẽ còn được củng cố thêm nếu Giáo Hội không thu mình lại để lo cho mình, nhưng biết đi đến với con người trong tinh thần khiêm tốn chia sẽ và phục vụ như Ðức Kitô.
Nhìn sự phát triển của Giáo Hội trong tổng thể từ thời thành lập đến nay, có thể nói: thiên niên kỷ thứ nhất là thiên niên kỷ của Giám Mục và thiên niên kỷ thứ hai là thiên niên kỷ của Giáo Hoàng. Nhưng một xu thế mới đang được khẳng định từ mấy thập niên gần đây và ngày càng được khẳng định, đó là sự đề cao vai trò của Giáo dân trong Giáo Hội. Phải chăng tương lai sẽ là "của" giáo dân?
Khoảng đầu thế kỷ thứ 2, thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a đã nói: "Ở đâu có Giám mục, ở đó có Giáo Hội". Hình ảnh cụ thể và rõ nét nhất về Giáo Hội là cộng đoàn tín hữu qui tụ chung quanh vị giám mục của mình để cử hành Thánh thể. Tất cả các Công đồng chung đầu tiên bàn về những vấn đề tín lý quan trọng nhất, đều là sự nghiệp của các giám mục. Các bản tuyên tín hay các kinh "Tin kính" mà chúng ta đang đọc ngày nay cũng vậy. Trong thần học, uy quyền thường được đặt ngay sau Kinh Thánh, đó là các Giáo Phụ mà đa số là Giám Mục, sống trong quãng thời gian từ thế kỷ thứ 2 đến thứ 8.
Dĩ nhiên, Giám Mục Rô-ma cũng đã sớm nổi lên như một người có vai trò lãnh đạo đặc biệt, được các Giáo Hội khác chấp nhận. Trong thiên niên kỷ thứ nhất, vị trí và vai trò các Giáo hội địa phương quan trọng hơn rất nhiều so với sau này. Nhiệm vụ đặc biệt của vị Giám Mục Rô-ma không phải là cai quản các Giáo Hội, nhưng là bảo vệ sự hiệp nhất các Giáo Hội. Người ta không gọi ngài là Ðại diện Chúa Kitô, mà là Ðại diện thánh Phê-rô (Vicarius Petri). Hầu như ngài không can thiệp vào các Giáo Hội khác. Việc bầu giám mục là do hàng giáo sĩ và giáo dân liên hệ. Trong một lá thư gửi cho Thượng phụ Ê-lô-gi-ô, Giám mục Alexandria, Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (thế kỷ thứ 7) đã từ chối danh hiệu "Giáo Hoàng hoàn vũ" (universal pope) với quyền cai trị trên tất cả mọi Giáo Hội. Ngài khiêm tốn nói tiếp mình chẳng ra lệnh cho ai cả, chỉ cố gắng chỉ ra điều gì ngài thấy là hữu ích mà thôi.
Qua thiên niên kỷ thứ hai, vai trò các giám mục và các giáo hội địa phương giảm dần; thay vào đó, vị Giám mục Rô-ma tự khẳng định như người lãnh đạo tối cao của mọi Giáo Hội với một quyền bính ngày càng trở nên tuyệt đối. Sự thống nhất chính trị của thế giới Phương Tây tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển này. Hạ bán thế kỷ 11, Ðức Grêgôriô VII quả quyết rằng Giám Mục Rô-ma xứng đáng nhận danh hiệu giám mục hoàn vũ, có quyền cách chức các giám mục khác, ngay cả Hoàng đế nữa. Triều đại Ðức Giáo Hoàng Innoxenxiô III (1198-1216) tiếp tục và đẩy mạnh đường lối của Ðức Grêgôriô VII và đổi danh hiệu Ðại diện thánh Phêrô thành Ðại diện Chúa Kitô. Với Ðức Bônifaxiô (1294-1303) thì quyền bính Giám Mục Rô-ma trở thành tuyệt đối, sau khi sự chống đối của các vua chúa hoàn toàn bị bẻ gãy: "Chúng tôi tuyên bố, khẳng định và xác định rằng việc mỗi người phải lệ thuộc vào Giáo Hoàng Rô-ma là điều tuyệt đối cần thiết cho sự cứu rỗi".
Việc thực thi quyền bính tối cao của ngôi vị giáo hoàng tuy gặp chống đối, nhưng nói chung vẫn được khẳng định trong suốt thời Trung Cổ khi mà Kitô giáo chiếm vị trí độc tôn trong xã hội Châu Âu. Nhưng từ thế kỷ 15 trở đi, trong tình trạng trần tục hóa, như đã nói trong phần trên, quyền bính ấy không những bị các Giáo Hội Kitô giáo li khai và quyền bính phần đời phủ nhận, mà nhiều khi còn bị chính một số người bên trong nội bộ đặt thành vấn đề. Ðiều này giải thích phần nào những đòn tấn công ác liệt của Cách mạng Pháp năm1789 đã đưa ra nhằm vào thế lực Giáo Hội, và tại sao Công Ðồng Vatican I do Ðức Piô IX triệu tập năm 1869 đã phản ứng quyết liệt khi công bố tín điều bất khả ngộ của Ðức Giáo Hoàng. Công Ðồng này tuyên bố: "Chúng tôi dạy và tuyên bố rằng, do huấn lệnh của Chúa, Giáo Hoàng Rô-ma nắm giữ thường quyền ưu việt trên tất cả các Giáo Hội khác(...). Cả giáo sĩ lẫn giáo dân đều buộc phải phục tùng quyền bính này (...) không những trong các vấn đề đức tin và luân lý mà còn trong những vấn đề liên quan tới kỷ luật và cai quản của Giáo Hội trên toàn cầu." Cách hiểu chức vụ giáo hoàng như trên thật hoàn toàn khác với cách hiểu trong thiên niên kỷ thứ nhất. Và nó cũng bao hàm một quan niệm nhất định về bản chất và cơ cấu Giáo Hội.
Nhưng Công Ðồng Vatican II do Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII triệu tập năm 1962, đã đổi mới cái nhìn về Giáo Hội. Người ta đã có thể nói tới một sự tản quyền và dân chủ hóa trong Giáo Hội; điều này vừa phù hợp với nguồn cội của Giáo Hội vừa đi sát với xu hướng phát triển của văn minh hiện đại. Năm 1963, trong một thánh lễ tổ chức vào đầu khóa họp thứ hai của Công Ðồng để cầu nguyện cho Ðức Gioan XXIII mới tạ thế, Hồng y Suenens nói trong bài giảng lễ: "Ngày lớn nhất trong cuộc đời của ÐGH Gioan không phải là ngày ngài lên ngôi giáo hoàng, không phải là ngày ngài thụ phong linh mục. Ngày lớn nhất trong đời Ðức Gioan là ngày ngài chịu phép Thánh Tẩy. Không có một phẩm giá nào trong Kitô giáo lớn hơn phẩm giá được làm một người đã chịu phép Thánh Tẩy". Ðây là một chân lý hầu như đã bị lãng quên và nay được Vatican II phục hồi lại trong vị trí ưu tiên của nó. Theo Công Ðồng, điều trước tiên chúng ta phải nghĩ tới khi nói về Gáo Hội, không phải là hàng giáo sĩ nhưng là cộng đoàn Dân Chúa, trong đó mọi người đều hưởng một sự bình đẳng căn bản như nhau. Phẩm trật là cần thiết cho Giáo Hội, nhưng phẩm trật đến sau--theo nghĩa là các "chức sắc" của Giáo Hội là những người được tuyển chọn từ hàng ngũ các tín hữu để phục vụ cộng đồng. Cốt yếu, Giáo Hội là một hiệp thông gồm tất cả mọi người môn đệ Chúa Kitô và cũng là con cái Cha trên trời.
Trong thiên niên kỷ thứ ba, chắc Giáo Hội sẽ phải tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa việc xem xét lại ý nghĩa của thừa tác vụ trong Hội thánh, qua đó vai trò giáo dân sẽ được làm nổi bật hơn nữa. Trong những năm 40 và 50 của thế kỷ trước, việc tông đồ giáo dân được định nghĩa là "sự tham gia của giáo dân vào việc tông đồ của hàng giáo phẩm" (Piô XI). Ngày nay, Vatican II khẳng định: "Giáo dân làm tông đồ là thông phần vào chính sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội; nhờ lãnh bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, mỗi tín hữu đều được chính Chúa đề cử làm tông đồ" (Hiến chế tín lý về G.H.,33). Một thay đổi hết sức quan trọng. Một đàng hiểu nhiệm vụ tông đồ là của riêng hàng giáo sĩ, đàng kia coi đó là một sứ mạng được Chúa ủy thác chung cho Giáo Hội; dĩ nhiên người giáo dân tham dự vào đó theo cách thức của giáo dân, nhưng họ không nhận sứ mạng đó từ sự "chiếu cố" của hàng giáo phẩm. Trong thế kỷ 21, chắc một số thừa tác vụ trong Giáo Hội sẽ được giao cho giáo dân rộng rãi hơn hiện nay, còn cách thi hành thừa tác vụ có chức thánh cũng sẽ được canh tân. Ngay cả chức vụ Giáo Hoàng. Trong Thông Ðiệp Ut Unum Sint (Xin cho họ được hợp nhất) về vấn đề đại kết, Ðức Gioan-Phaolô II mời gọi các vị lãnh đạo và thần học gia của các Giáo Hội "anh em" giúp ngài "tìm ra một cách thức thực hành quyền tối thượng cởi mở đối với hoàn cảnh mới, tuy không từ bỏ những gì cốt yếu cho sứ mạng của quyền đóù" (số 95).
Giáo Hội có một sứ mạng duy nhất và bất biến lãnh nhận từ Ðấng sáng lập thần linh của mình; nhưng Giáo Hội cũng là một thực tại trần thế bước đi trong thời gian lịch sử; kinh nghiệm hai ngàn năm qua cho thấy Giáo Hội không ngừng phải mò mẫm tìm kiếm để hoàn thành sứ mạng đó trong sự thích nghi với những hoàn cảnh luôn đổi thay, với nhiều thành công cũng như thất bại và thậm chí lỗi lầm. Trong thiên niên kỷ thứ ba, qui luật đó sẽ vẫn chi phối đời sống Giáo Hội và chúng ta có thể nghĩ rằng bộ mặt của Giáo Hội sẽ không hoàn toàn giống như ngày nay.
Trong biểu tượng của Năm Thánh 2000, chúng ta thấy có câu: Ðức Giêsu Hôm qua, Hôm nay và Mãi mãi. Cùng với lời hứa của Chúa Giêsu: "Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20), đó là cơ sở cho Giáo Hội tin tưởng, hy vọng và hăng say dấn mình vào thiên niên kỷ thứ ba này.