của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Ai là Thánh? Thì đó là những người được Giáo Hội chính thức nhìn nhận như thế chứ còn ai nữa! Câu hỏi thật dễ ợt! Vâng, tôi cũng đã nghĩ thế. Nhưng mỗi lần đọc tiểu sử của một vị thánh "chính thức", tôi vẫn không tránh khỏi ngỡ ngàng vì các tiêu chuẩn về thánh thiện của tôi ( của chúng ta?) không luôn luôn ăn khớp với những điều tôi bắt gặp nơi các Thánh.
Mới đây Giáo Hội kính mừng Thánh Calixtô Giáo Hoàng tử đạo. Vài lời gợi ý của linh mục chủ tế trong tu viện của tôi hôm đó đã làm tôi sinh thắc mắc, cảm thấy cần phải tìm hiểu thêm.
Calixtô nguyên là nô lệ của một nhà quí tộc Rôma, chắc được ông chủ cho ăn học rồi giao cho quản lý một ngân hàng. Làm thế nào mà để mất tiền, nhà chuyên viên tài chính của chúng ta phải bỏ trốn. Nhưng đi đâu cho lọt? Anh bị bắt và bị phạt phải quay cối xay đá. Ít lâu sau được tha theo yêu cầu của các chủ nợ (chả biết trước kia họ có "làm ăn" gì mờ ám với anh không?) Song chẳng bao lâu lại bị bắt vì ẩu đả trong một hội đường Do Thái giáo. Lần này anh bị tuyên phạt phải đi lao động hầm mỏ ở Sacdinia. Nhưng Calixtô thật tốt số. Chẳng hiểu thế nào hoàng đế Commôđô ra lệnh trả tự do cho anh cùng với các tù nhân lao động khổ sai khác. Từ đây cuộc đời của anh "phất" lên như diều gặp gió. Vào khoảng năm 199 Calixtô được phong chức phó tế do Ðức Giáo Hoàng Zêphirinô, trở thành bạn thân và cố vấn của ngài, rồi năm 217 lên kế vị ngài trên ngai Giáo Hoàng.
Ðã từ lâu trong Giáo Hội thời bấy giờ có qui định khắt khe về ba loại tội nhân bị khai trừ vĩnh viễn khỏi cộng đoàn Kitô hữu, dù họ ăn năn hối cải cũng không được Giáo Hội tha thứ và cho tái nhập trở lại, đó là chối đạo trong các cuộc bắt bớ, ngọai tình và sát nhân. Dĩ nhiên Thiên Chúa có thể tha thứ, nhưng Giáo Hội thì không. Biện pháp kỷ luật nghiêm ngặt đó của Giáo Hội là để tự bảo vệ mình và răn đe những người muốn sống buông thả. Tuy nhiên, xét về mặt tâm lý và xã hội, thì thật khó cho những kẻ lầm lỡ cảm nghiệm được tình yêu vô biên của Chúa đối với họ và kiên trì sống đền tội cho đến chết. Trong thực tế nhiều tội nhân xấu số đã ngã lòng bỏ cuộc.
Ðức Giáo Hoàng Calixtô là người đã mạnh dạn thay đổi qui đinh "bất nhân" kia: bằng một sắc lệnh, ngài công bố rằng từ nay cả ba hạng tội nhân nói trên chỉ làm việc đền tội trong một thời gian tướng xứng rồi được giao hoà với Giáo Hội, như các tội nhân "bình thường"
Thế là sóng gió nổi lên trong Giáo hội. Phe "khoan hồng" thì vỗ tay hoan hô cùng với những kẻ yếu đuối sa ngã, còn phe "khắt khe" tức giận vô cùng, nhiều người không ngại mạt sát Ðức Thánh Cha. Họ tố cáo ngài là quá mềm yếu, quá nhân nhượng, thậm chí bị mua chuộc, đồng loã với bọn xấu, mở cửa cho những lạm dụng và suy thoái. Chắc họ đã đưa ra nhiều lập luận "sắc bén" lắm vì đứng đầu phe này là hai nhà thần học lừng danh Tectulianô và Hyppôlitô. Nhưng ngoài những lập luận "thần học" của các vị này, chắc hẳn người ta đã không quên bới móc quá khứ tù tội của Ðức Calixtô&
Về phần mình Ðức Thánh Cha đã dễ dàng thông cảm với người tù tội hơn và hiểu rõ giáo lý và thái độ nhân từ vô biên của Chúa Kitô đối với tội nhân, chính vì bản thân ngài đã trải qua một thời yếu đuối đó. Lý luận của ngài trong vụ này chắc chắn chẳng tinh vi và "khôn ngoan" bằng lý luận của nhóm khắt khe, nó đơn giản hơn nhiều, vì nó sát với Phúc Âm của Chúa hơn.
Cuộc tranh luận sôi nổi đã trở thành bi đát khi nhóm khắt khe tự ly khai thành Giáo Hội riêng với một giáo hoàng riêng, và vị giáo hoàng đó không ai khác hơn là nhà thần học nổi tiếng Hyppôlitô. Vị giáo hoàng mạo danh này vẫn giữ thái độ chống đối gay gắt cả sau khi Ðức Calixtô từ trần, dưới hai triều Giáo Hoàng Uốcbanô và Pôntianô. Ðiều đáng nói là về sau cả hai đối thủ Calixtô và Hyppolitô đều đã được phong thánh. Thánh Calixtô chịu tử đạo năm 222, thánh Hyppolitô cũng bị bắt vì đức tin, bị đưa đi lao động khổ sai ở các hầm mỏ Sacdinia, nơi mà Calixtô thời trai trẻ đã bị đày tới, và ngài đã chết vì đạo năm 235 dưới thời hoàng đế Maximinô.
Dòng máu tử đạo đã liên kết các đối thủ mà lập trường tư tưởng không thể nào hoà hợp được.
Không phải là những con người hoàn hảo, toàn thiện, tinh tuyền không vướng mắc lỗi lầm, thiếu sót hay tật xấu nào.
Không phải là những siêu nhân, những con người phi thường vượt lên trên đám đông nhân loại.
Cũng không phải là những người bất thường, kỳ dị. Nhiều chuyện li kỳ mà người ta thích kể về các đấng như chuyện vị thánh nọ mới sáu tháng tuổi, đã biết kiêng bú vào mỗi thứ sáu, hoặc 5, 6 tuổi đã sống "thanh khiết" đến nỗi không dám nhìn mặt mẹ mình (!). Những chuyện như thế chỉ là bịa đặt.
Các thánh là những người bình thường như mọi người, nhưng nhờ ơn Chúa trợ lực, họ cố gắng tiến tới mẫu mực của mình là Ðức Kitô, mỗi người theo "con người", cá tính và những điều kiện riêng.
Ai thánh thiện hơn Chúa Giêsu? Thế mà Ngài vẫn bị người đương thời coi là xấu xa vì Ngài không đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức, thánh thiện của họ. Theo họ thì người Biệt Phái là gương mẫu và thánh thiện hơn. Nhưng Ngài có những tiêu chuẩn riêng của mình. Cũng như ngày nay chúng ta có tiêu chuẩn của chúng ta, dựa theo đó chưa chắc chúng ta sẽ luôn luôn đánh giá cao những người cố gắng sống theo giáo lý và gương mẫu của Chúa.
Nhưng có điều không thể nghi ngờ: chỉ một mình Thiên Chúa là thánh và Ðức Giêsu Kitô là tấm gương phản chiếu trọn vẹn sự thánh thiện của Thiên Chúa. Người kitô hữu là thánh nếu họ liên kết mình vào Thiên Chúa nhờ Ðức Giê su Kitô như Phúc âm truyền lại cho ta học biết. Theo tiêu chuẩn đó thì con số các thánh còn đông đảo hơn danh sách các chư thánh của Giáo Hội bội phần và có lẽ hằng ngày ta vẫn sống chung đụng với nhiều đấng thánh mà không hay.