của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Trong dụ ngôn Ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó (Luca 16, 19-31) mà Phụng vụ thánh lễ ngày thứ năm tuần II Mùa Chay cho chúng ta nghe, tôi đặc biệt chú ý tới hai lời xin của ông nhà giàu đang chịu cực hình nơi âm phủ và lời đáp của tổ phụ Aùpraham từ chối thỉnh nguyện của ông ta.
Trước hết, khi ngước mắt lên thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và anh Ladarô “trong lòng tổ phụ”, ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lười con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” Ông Ápraham trả lời đại ý rằng khi ở trần gian nhà phú hộ đã hưởng phần phước của mình rồi nay phải nhận lấy phần họa, còn Ladarô trước đây suốt đời gặp toàn bất hạnh thì bây giờ được an ủi, như thế là xứng hợp, là công bằng. Vả lại nếu có muốn, vị tổ phụ cũng chẳng thể làm được vì có một vực thẳm ngăn cách không cho đôi bên thông thương với nhau được. Câu trả lời nhắc ta tới bài giảng Tám mối phúc theo cách trình bày của chính tác giả Luca: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (6, 20), và: “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi” (6, 24). Oái ăm thay, trước kia trong khi ông ta sống mãn nguyện trong thế giới riêng của mình, thì ông không hề biết có một người cùng khốn nằm ngay trước cửa nhà ông và chỉ “thèm được những thứ trên bàn ông rớt xuống mà ăn cho no. “ Sự sung túc làm mờ con mắt ông và đóng kín cửa lòng ông. Ông chỉ biết có mình, còn Ladarô là không có, không hiện hữu đối với ông. Nhưng bây giờ, sau khi cả hai đã qua thế giới “bên kia”, khi chính ông ta lại rơi vào đau khổ, mắt ông mới mở ra; (thì ra, mình có đau khổ mới hiểu được kẻ đau khổ và mới thấy mình cần đến kẻ khác!); ông nhà giàu không những nhìn nhận có Ladarô mà còn muốn xin Ladarô giúp đỡ mình nữa. Nhưng không thể được nữa rồi! Sự ngăn cách mà ông ta dựng nên trước kia và đáng lẽ không nên có thì bây giờ đã trở nên dứt khóat, vĩnh viện.
Ai là những Ladarô đang sống trước nhà chúng ta mà ta không biết tới? Có thể là những con người, những số phận, những nhóm, những giới, những thành phần kém may mắn trong xã hội hoặc ngay trong làng xóm, trong giáo xứ hay cộng đoàn tu sĩ chúng ta... Thái độ thờ ơ, vô tâm vô cảm, nhất là “bất biết” đối với họ có thể làm cho phần rỗi đời đời của ta bị đe dọa.
Sau khi lời cầu xin thứ nhất bị từ chối, nhà phú hộ nài xin ông Ápraham cho Ladarô về cảnh cáo năm người anh em của ông ta còn sống để họ khỏi rơi vào chốn cực hình như ông đang phải chịu. Tổ phụ đáp: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó. “ Môsê và các Ngôn Sứ là Kinh Thánh, là Lời Chúa. Đó là nền tảng cốt yếu của niềm tin và đời sống đạo. Lời Chúa đã đủ rồi. Ông Aùpraham nhắc lại cho ông nhà giàu như thế. Nhưng ông này dựa vào kinh nghiệm của chính mình cho rằng chưa đủ. Ông giải thích: “Thưa tổ phụ Aùpraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. “ Ông Aùpraham chấm dứt cuộc đối thoại bằng một câu dứt khoát: “ Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại họ cũng chẳng chịu tin.”
Ở đây rõ ràng có hai cái nhìn, hai cách lý luận đối nghịch nhau. Ông nhà giàu cho rằng những chuyện lạ lùng có sức mạnh thuyết phục hơn Lời Chúa, còn đối với Ápraham thì ngược lại. Về mặt kinh nghiệm thực tế, ý kiến của ông nhà giàu có thể đúng, thường là đúng. Chuyện lạ, chuyện kỳ bí thường gây ngạc nhiên, sự chú ý và tò mò, nó đưa người ta đến chỗ tìm hiểu, và đa số quần chúng do thiếu hiểu biết và óc phê phán thường mau mắn tin theo. Nhưng những niềm tin dựa trên chuyện lạ lùng giật gân thường cũng mau chóng tan thành mây khói. Đó không phải là đức tin Kitô giáo.
Chúa Giêsu luôn luôn từ chối những ai đòi Người làm phép lạ để cho họ thấy mà tin. Và mỗi lần Người thực hiện một việc lạ lùng nào đó để cứu chữa ai, Người cũng đòi họ phải có lòng tin, rồi còn căn dặn họ đừng phao tin ra nữa. Lòng tin đi trứơc phép lạ, chứ không phải sau. Dĩ nhiên đôi khi phép lạ củng cố lòng tin hoặc chuẩn bị cho lòng tin nhưng phép lạ không thể là nền tảng hay nguyên nhân cho lòng tin tôn giáo đích thực. Có những người hay nhóm người công giáo cứ sính chuyện lạ, tìm kiếm thậm chí “sưu tầm” chuyện lạ, thích phổ biến chuyện lạ; hình như đức tin của họ chỉ được nuôi dưỡng và đứng vững nhờ những thị kiến, những cuộc hiện về, những mặc khải gọi là tư, những phéùp lạ. Hỏi rằng đức tin và đời sống đạo ấy có khác gì thứ lòng tin của những đám người ùn ùn kéo đến những nơi mà người ta đồn có chuyện lạ dù họ không hề là môn đệ Đức Kitô? Niềm tin đó thường là mê tín. Giáo Hội rất thận trọng với những “chuyện lạ” theo cái nhìn của quần chúng. Ngày nay nhiều tín hữu vẫn đặt chuyện lạ lên trên Lời Chúa. Mà Lời Chúa hôm nay không phải chỉ là Môsê và các Ngôn Sứ mà chính là Đức Giêsu Kitô NGÔI LỜI nhập thể. “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6).
Nếu chúng ta không hiểu và chấp nhận lý luận của ông Ápraham với ông nhà giàu kia, rằng “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”, - thì “đức tin” Kitô giáo của chúng ta còn rất cần được tinh luyện và củng cố.
“Lạy Chúa, con tin nhưng xin giúp lòng tin yếu kém của con!” (x. Mc 9, 23).
Xin mở mắt cho con nhìn thấy những việc kỳ diệu Chúa làm và bịt mắt con khỏi những điều phù phiếm!