của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Phụng vụ Thánh lễ ba ngày thứ Hai, thứ Ba và thứ Tư tuần XXVII thường niên cho ta nghe gần trọn cuốn sách Giôna gồm các chương 1, 3 và 4 (còn chương 2 là một Thánh vịnh mà, theo các nhà chuyên môn, là do một tác giả khác về sau đã “chèn” [đưa] vào và coi như chính lời kinh của ông Giôna dâng lên Chúa khi ở trong bụng cá). Truyện ông Giôna sớm trở thành phổ biến, và Chúa Giêsu cũng nói đến trong lời rao giảng của Ngài, khi nhắc lại sự sám hối của dân thành Ninivê để kích thích lòng hối cải cuả người Do-thái đương thời (Lc 11,30.32) và khi so sánh việc ông Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm với việc “Con Người” cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy (Mt 12,40). Ta hãy tóm tắt cốt truyện để nêu rõ sứ điệp của cuốn sách Cựu Ước này.
Giôna, nhân vật chính của cuốn sách là một tiên tri (ngôn sứ) ở vương quốc miền bắc. Ông nhận được lệnh của Thiên Chúa phải đi rao giảng sự sám hối cho dân thành Ninivê đầy tội lỗi mà Chúa đã dự định trừng phạt vì tội ác của họ. Để lánh mặt Chúa, thay vì đến Ninivê, ông lấy tàu đi Tácsít nằm ở một hướng khác. Chúa cho một trận cuồng phong nổi lên khiến thuỷ thủ vô cùng sợ hãi; họ nghi ngờ trên tàu có người nào đó là kẻ có tội khiến thần thánh nổi giận trừng phạt. Gieo quẻ thì quẻ rơi trúng ông Giôna. Ông biết tội mình và tự đề nghị người ta ném mình xuống biển. Thế là sóng yên bể lặng (chương 1,1-16). Một con cá lớn nuốt ông vào bụng. Nằm trong bụng cá, ông đọc một thánh vịnh cầu xin Chúa cứu giúp trong cơn ngặt nghèo. Sau ba ngày, con cá mửa ông ra trên đất liền (chương 2, 1-11). Thiên Chúa lại gọi ông một lần nữa, và lần này ông vâng lời đi rao giảng cho dân thành Ninivê, tuy một cách miễn cưỡng. Nhà vua và dân chúng nghe lời rao giảng của ông và mau mắn làm việc đền tội. Chúa hối tiếc về tai hoạ Ngài đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, và đã dung tha cho họ (chương 3,1-10). Tiên tri Giôna bực mình, ông trách Chúa về việc Chúa đã làm, và ông muốn chết quách cho rồi. Ông đi ra ngoài thành ngồi chờ xem cái gì sẽ xảy ra trong thành; Chúa cho một cây thầu dầu mọc lên che bóng mát cho ông và ông rất vui, nhưng hôm sau Chúa cho cây ấy bị khô héo khiến ông lại nổi giận và xin Chúa cất mạng sống ông đi. Chúa giải thích cho ông thấy cơn giận của ông là vô lý. Nếu ông giận chỉ vì một cây thầu dầu không đáng giá chi và ông cũng chẳng mất công gieo trồng và chăm bón, thì chẳng lẽ Thiên Chúa không thương hại thành phố Ninivê rộng lớn mà cứ để cho nó bị huỷ diệt sao?
Sứ điệp căn bản là tính phổ quát của ơn cứu độ. Sứ điệp được diễn tả bằng những cách khác nhau trong cuốn sách.
Tại sao nhà tiên tri bất tuân lệnh Chúa? Vì ông không ưa dân Ninivê là một dân ngoại giáo, và nếu Chúa cứ nhất định cứu độ họ thì ông không muốn hy sinh bản thân vì chuyện đó. Nhưng đây không chỉ là chuyện tâm tình riêng tư của một cá nhân, mà là quan niệm của cả một dân tộc. Sau thời lưu đày (thế kỷ thứ V trước công nguyên), dân Ítraen ngỡ ngàng vì nhiều dân ngoại không bị huỷ diệt như các tiên tri của họ đã loan báo, và một số dân ấy vẫn tiếp tục gây khó khăn cho họ. Bởi thế những người Ítraen từ đất lưu đày hồi hương vẫn sốt sắng mong chờ “Ngày của Chúa”, ngày mà Ngài sẽ thực hiện sự trừng phạt được loan báo. Họ xác tín mạnh mẽ rằng mình được hưởng lòng nhân từ của Chúa, và không thể hình dung nổi làm sao các dân ngoại cũng được Thiên Chúa nhân từ cứu độ như mình. Đó cũng chính là suy nghĩ của ông Giôna, nên ông bướng bỉnh chống lại ý Chúa, không muốn rao giảng cho thành Ninivê. Đàng khác, dân Ítraen vẫn chưa chịu hiểu ra vai trò làm chứng nhân “phổ quát” cho Thiên Chúa (témoin univsersel) mà hoàn cảnh bị bắt đi lưu đày, sống rải rác, lẫn lộn giữa các dân ngoại đã tạo dịp cho họ (x. Dictionnaire Encyclopédique de la Bible, Brepols, 2002,mục từ Jonas, livre).
Trong truyện Giôna, ta thấy tác giả đề cao tinh thần tôn giáo của các thủy thủ trên tàu (x.Jonas, Introduction, trong: La Bible, traduction oecuménique [TOB], Cef, Paris 1994) . Trong lúc Giôna chui xuống hầm tàu nằm ngủ say, thì họ lại kêu cứu, mỗi người kêu lên thần của mình. Vị thuyền trưởng còn đến gần ông Giôna và thúc dục ông: “Dậy! Kêu cầu thần của ông đi! May ra vị thần ấy sẽ sẽ nghĩ đến chúng ta và chúng ta khỏi mất mạng!” Rồi sau khi nghe ông Giôna cho biết cơn bão nổi lên là tại vì ông đang chạy trốn Thiên Chúa của mình, họ cũng kêu xin Đức Chúa của người Hi-pri.
Còn dân thành Ninivê mà Giôna tưởng là một dân gian ác hoàn toàn hư hỏng cũng tỏ ra mau mắn hưởng ứng lời giảng - dù là lời giảng miễn cưỡng của ông: “Họ tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ”; ngay nhà vua cũng “rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro” (chương 3, câu 5 và 6).
“Câu chuyện thú vị này không chỉ trích những người thờ ngẫu tượng hay người vô thần, nhưng chỉ trích chính những người Do-thái đạo đức, những người đóng kín trong chủ nghĩa dân tộc mà dễ dàng quên rằng Thiên Chúa là Chúa của muôn dân” (Sách Giôna, Dẫn nhập, trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước. Lời Chúa cho mọi người, Nhóm Phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ, nxb Tôn giáo, Hà Nội 2006, tr.1524).
Chuyện tiên tri Giôna chứa đựng nhiều bài học luôn hợp thời liên quan tới sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ của người Kitô hữu.
- Ông Giôna đã tuyên xưng trước mặt Chúa rằng “Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng hoạ” (chương 4, câu 2), nhưng trong thực tế, ông lại muốn Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu một cách “có chọn lọc”. Chúa thương ai, cứu ai cũng được nhưng với bọn Ninivê xấu xa này thì đừng!…
Còn hơn dân Do-thái và Giôna xưa, người Kitô hữu chúng ta ngày nay, nhờ mạc khải trọn vẹn và dứt khoát của Chúa Giêsu Kitô, còn biết rõ, biết cụ thể hơn thế nào là một Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu độ hết thảy mọi người, mọi dân tộc… Ngài là Cha chung của mọi người, và chúng ta phải có lòng nhân từ như Ngài (x. Lc 6,36). Nhưng trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cũng hành động như họ, chúng ta cũng muốn Chúa đứng về phía chúng ta mà cư xử với những ai chúng ta đánh giá là xấu, hoặc thù nghịch với ta, hoặc không thể thương nổi. Chúng ta muốn tìm những “ngoại lệ”, những trường hợp để “loại trừ” theo tiêu chuẩn của ta, của “phe nhóm” ta, không phải tiêu chuẩn của Chúa, của Tin Mừng. Thậm chí chúng ta còn phê phán những ai trong chúng ta không suy nghĩ như mình.
- Chuyện ông Giôna cho ta một bài học khác nữa. Lần thứ hai được Thiên Chúa bảo đi giảng cho Ninivê, nhà tiên tri biết là không thể “thoát” khỏi Thiên Chúa được nên đã vâng lời ra đi, ông đã rao giảng một cách miễn cưỡng, chắc chắn không thể mạnh mẽ hùng hồn. Tuy thế lời giảng của ông vẫn có tác dụng tích cực và lập tức. Vậy kết quả đó không phải do bản thân ông nhưng do sức mạnh của Lời Chúa. Tiên tri hay Ngôn sứ là người phát ngôn của Chúa. Ông chỉ là “công cụ”, dù là công cụ có tự do. Bài học ở đây là người loan báo Tin Mừng hãy tin vào sức mạnh của Lời Chúa, và nếu thành công, đừng nghĩ là do tài ba đức độ của mình. Đàng khác, người rao giảng không được ngã lòng về bất cứ ai cả. Khi họ ngã lòng thì thường là vì họ đánh giá người khác theo các tiêu chuẩn riêng của mình. Nhưng tư tưởng con người không phải là tư tưởng của Thiên Chúa.
- Chuyện Giôna cũng nhắc nhở chúng ta: Đạo Công giáo là đạo “chung” cho mọi người, đạo phổ quát; Giáo Hội Công giáo là một cộng đồng mở--mở ra với mọi nền văn hoá, mọi dân tộc. Chúa đã chọn dân Do-thái làm dân riêng của Ngài nhưng là để thực hiện ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Nhưng nhiều khi họ đã để cho chủ nghĩa dân tộc che khuất sứ mạng tôn giáo phổ quát ấy.
Ngày nay và mọi thời, các cộng đồng Kitô hữu chúng ta cũng thường bị cám dỗ sống khép kín, lo củng cố nội bộ, lo bảo vệ “tổ chức” của mình, loay hoay không ngừng với những vấn đề nội bộ, không biết đến hoặc không màng tới những vấn đề lớn của xã hội bao quanh. Hậu quả là những vấn đề nhỏ nhen dễ dàng nảy sinh và sức toả sáng của đời sống chứng tá giảm dần. Ao tù nước đọng thường chứa nhiều mầm bệnh hơn dòng nước chảy hay cái ao có cửa rộng thông ra ngoài. Cám dỗ này thường gặp trong một môi trường thù nghịch với đạo, nhưng ngược lại, một môi trường quá thuận lợi (nhiều tự do, nhiều phương tiện vật chất, nhiều quyền lợi) cũng có thể là mảnh đất tốt cho nó xuất hiện và “đánh bại” người ta khi họ sớm hài lòng về những “thành tích” bề ngoài đạt được. Tinh thần truyền giáo dễ bị lãng quân, bị mai một hoặc bị hiểu sai khi người ta đồng hoá nó với tinh thần “chinh phục”, “bành trướng”, “phô trương” vốn còn khá sâu đậm nơi người công giáo Việt Nam ta nói chung. Chúng ta dễ lầm tưởng rằng “Nước Chúa trị đến” khi thanh thế của cộng đoàn chúng ta được biểu dương…
Mới đây, Jean-Baptiste Maillard, tác giả cuốn sách nhan đề “Thiên Chúa đã quay trở lại” (Dieu est de retour) , đã quả quyết trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin Zenit (tại Roma): “Tôi đã có thể ghi nhận rằng ở Pháp, Giáo Hội 'khoẻ mạnh' khi Giáo Hội loan báo Tin Mừng”, và “Loan báo Tin Mừng, đó không phải là một chuyện cảm tính hay ngay cả xúc động, nhưng tiên vàn là yêu thương” (ZF091012). Nhận định của ông làm tôi liên tưởng tới một tư tưởng của cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, ngài nói đại ý rằng: Đức tin càng được ban phát (foi donnée) càng được nhân lên gấp bội (foi multipliée)- nghĩa là “cho” không giảm không mất nhưng lại mạnh thêm, tăng thêm.