của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Các tuần mùa vọng cho chúng ta lần theo những bước dài của lịch sử cứu độ và gợi ý cho ta sống lại niềm hy vọng của dân Chúa trong Cựu Ước, trải qua bao thăng trầm và thử thách đen tối vẫn le lói một niềm tin rằng Thiên Chúa sẽ đến cứu thoát họ.
Cựu Ước là cuộc chuẩn bị rất dài cho Đức Kitô đến. Có thể nói, qua phụng vụ mùa Vọng, chúng ta nghe thấy có tiếng chân của Đức Kitô càng lúc càng mạnh hơn, càng lúc càng gần hơn. Và hôm nay thì Người đã đứng trước cửa nhà chúng ta rồi. Chúng ta sẵn sàng rước Người vào chưa?
Vào cuối mùa vọng, phụng vụ giới thiệu cho ta Đức Kitô dưới danh hiệu kỳ diệu là Emmanuel có nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, và dưới tên gọi Giêsu, nghĩa là Thiên-Chúa-Cứu-Độ. Vậy Đức Kitô chính là Thiên Chúa đến ở với chúng ta để cứu độ chúng ta.
Danh hiệu Emmanuel đã xuất hiện trong trường hợp nào?
Ta hãy giải thích sơ lược đoạn sách Isaia, 7, 10-14.
Vào thế kỷ thứ VIII, vua Achaz là vua nước Giuđa nghe tin một trong các ông vua láng giềng hùng mạnh đang chuẩn bị đánh chiếm vương quốc của mình. Ông hoảng sợ đi tìm liên minh cầu viện với vua xứ Assur.
Ngôn sứ Isaia can ngăn nhà vua và khuyên ông hãy tin tưởng một mình Thiên Chúa mà thôi, nhưng Achaz không nghe.
Lần thứ hai, ngôn sứ Isaia lại can thiệp: nếu bệ hạ không tin lời tôi thì hãy thỉnh cầu Thiên Chúa ban cho một dấu hiệu để mà tin. Nhưng nhà vua không thấy cần phải xin dấu hiệu nào, vì nghĩ rằng cầu viện với các lực lượng hùng mạnh ở gần mình thì chắc ăn hơn là chờ đợi sự trợ giúp nơi một Thiên Chúa ở tận nơi đâu xa vời.
Ngôn sứ Isaia vẫn chưa chịu thua: Bởi vì người không chịu tin nơi Thiên Chúa, thì chính Thiên Chúa sẽ tự ý cho người một dấu hiệu: "Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, đặt tên là Emmanuel nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta".
Lời tuyên sấm này có hai nghĩa, một nghĩa lịch sử cụ thể trước mắt, và một nghĩa tiên tri, nhắm xa trong tương lai. Theo nghĩa lịch sử cụ thể, thì vua Achaz sẽ có một đứa con nối dòng, đó là Ezechias, sau này sẽ là một vị anh quân của dân Israel. Như thế tức là lời Chúa hứa với vua Đavít xưa, rằng dòng dõi nhà vua sẽ tồn tại mãi, lời hứa ấy vẫn được Thiên Chúa tiếp tục thực hiện. Thiên Chúa chứng tỏ là luôn trung thành, đáng cho con người tin tưởng trọn vẹn, cả những khi mọi sự xem ra tuyệt vọng.
Đó là nghĩa cụ thể của lời Isaia. Nhưng lời đó có một nghĩa cao siêu hơn bội phần.
Đứa con trai mà người trinh nữ sẽ sinh ra không những sẽ là một vị vua cao cả hơn Ezechias mà còn thực sự là Emmanuel, là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng ta và là cứu tinh cho toàn nhân loại.
Phúc Âm thánh Matthêu giải thích rằng: đó chính là Đức Giêsu, con Thiên Chúa làm người sinh bởi Đức trinh nữ Maria: "Hỡi ông Giuse, là con cháu nhà Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì đứa con mà bà cưu mang là do quyền năng của Chúùa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, ông phải đặt tên cho đứa trẻ là Giêsu, vì chính người sẽ cứu dân mình khỏi tội lỗi". Rồi thánh Matthêu viết tiếp ngay rằng tất cả những sự kiện đó dã thực hiện để làm trọn lời Chúa đã dùng ngôn sứ Isaia mà phán cùng vua Achaz...
Vậy, Đức Giêsu là đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta để cứu thoát chúng ta.
"Ta sẽ ở với ngươi" là một lời hứa, một lời bảo đảm của chính Thiên Chúa, chạy xuyên suốt Thánh Kinh.
Khi sai ông Môsê đi giải phóng dân Irael thoát khỏi ách nô lệ của ngưới Ai Cập và Môsê tỏ ra ngại ngùng, Chúa đã hứa: "Cứ đi, Ta sẽ ở với ngươi!" (Xh 3,12)
Khi Chúa dạy ngôn sứ Giêrêmia phải đi nói lời của Người cho vua chúa và dân chúng và ông đã muốn từ chối vì cho rằng mình vô tài bất lực, thì Chúa cũng lại động viên ông: "Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi" (Gr 1,7-8).
Thiên Chúa vẫn hứa như vậy với tất cả những ai được Người giao cho một trách nhiệm khó khăn. Và chỉ với Thiên Chúa, người được chọn mới mong hoàn thành được nhiệm vụ. Khi truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria, sứ thần nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà" (Lc 3,28). Và lời cuối cùng của Chúa Giêsu lúc từ biệt các môn đệ để về với Chúa Cha, cũng là lời bảo đảm: "Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20).
"Ta (sẽ) ở với ngươi": lời hứa và lời bảo đảm ấy đã trở thành hiện thực trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô. Phúc Âm thánh Matthêu không nói gì tới việc truyền tin cho Đức Maria nhưng lại tường thuật cẩn thận lời sứ thần truyền tin cho ông Giuse như sau: "Hỡi ông Giuse, là con cháu nhà Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì đứa con mà bà cưu mang là do quyền năng của Chúùa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, ông phải đặt tên cho đứa trẻ là Giêsu, vì chính người sẽ cứu dân mình khỏi tội lỗi". Rồi Matthêu viết tiếp ngay rằng tất cả những sự việc xảy ra này là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ , và ông trích dẫn đoạn sách Isaia 7,14 nói trên.
Trong suốt dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã muốn liên hệ với con người, giao du với họ, kết thân với họ để rồi chuốc lấy bao nhiêu là cay đắng, nhục nhã, chỉ vì muốn họ được hạnh phúc. Nhưng dù sao chăng nữa, Người cũng mới chỉ giao du, liên lụy với loài người qua những sứ giả, chẳng hạn như Môsê và các ngôn sứ mà thôi. Còn bây giờ, qua Đức Kitô, thì Người đích thân đến với chúng ta. Tác giả thư gởi tín hữu Do Thái viết: "Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng miệng các tiên tri mà phán dạy cha ông ta; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy qua Con của Người..." (1,1-2)
Chúa Giêsu đích thực là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Người đến không như một kẻ xa lạ, nhưng như là một người đồng số phận với chúng ta, như một người anh em. Thiên Chúa đã làm người, Người không đứng bên ngoài, từ trên cao để nhìn vạn vật biến chuyển. Người đi vào lịch sử, mặc lấy bản tính hay chết của chúng ta: cũng đói khát, vất vả, cũng yếu đuối bệnh tật, cũng chịu đau khổ và phải chết như ta. Emmanuel: Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, đó là chóp đỉnh của mạc khải về tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Thiên Chúa yêu thương ta, Người không chịu nổi sự xa xách, Người vội vã đến với ta, không gì cản bước Người được, dù đó là tội lỗi chồng chất của chúng ta.
Trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa nói lời cuối cùng và cũng là lời đẹp đẽ nhất với chúng ta:
Hỡi trần gian, Ta đã yêu ngươi!
Hỡi con người, Ta đã yêu ngươi!
Có Chúa Với Ta, Còn Gì Phải Sợ?
Nếu có Chúa ở với ta, thì sẽ không bao giờ có gì làm cho ta phải hoảng sợ. Sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng ta sẽ là nguồn mạch bình an và niềm vui đích thực, bất chấp mọi gian nan thử thách. Nhưng tuy Chúa muốn ở với ta, ta vẫn có thể từ chối Người. Đó là tất cả nỗi bi đát và tai hoạ cho con người vốn có tự do! Như ngày xưa khi Chúa giáng trần, người ta đã không muốn tiếp đón, từ ông chủ quán trọ đến vua Hêrôđe rồi số đông dân Do Thái; ngày nay chúng ta vẫn có thể đóng sập cửa nhà lại với Người.
Có những người khách mà ta không muốn tiếp. Họ quấy rầy ta, họ đến vào lúc ta bận rộn, họ khó tính khó nết, lắm trò lắm chuyện, có khi còn muốn xin xỏ cái này cái kia. Những người như thế, nếu như bất đắc dĩ mà phải tiếp, thì ta nói xa nói gần, nhìn đồng hồ..., để họ hiểu mà tự rút lui trước khi ta phải nói một lời khiếm nhã. Ngược lại, có những người khách mà ta rất trông chờ, ta chuẩn bị đủ mọi thứ để tiếp họ và khi họ đến, ta không muốn họ ra đi sớm. Giả sử có người thân ở nước người báo tin sắp về mừng lẽ Giáng sinh hay ăn tết với ta, chắc chắn cả gia đình ta chờ họ từng ngày từng giờ, ta biết họ sẽ đem niềm vui lại cho ta, vì họ thương ta và ta mến họ.
Lễ Giáng sinh sắp tới: ta có chờ Chúa đến không? Ta có muốn tiếp Chúa như tiếp một người khách quý, một người thân yêu không ? Chúa không quấy rầy ta, Người chỉ đến vì chúng ta và cho chúng ta mà thôi. Ta không có gì phải sợ Người, hay sợ mất mát thiệt thòi điều gì, ngược lại, Người giàu sang phú quý, Người quảng đại vô song, Người có mọi sự để ban cho ta, Người yêu thương ta cho dù ta không yêu thương Người, Người không làm cho ta mất tự do mà trái lại, Người giải phóng chúng ta khỏi mọi giới hạn cầm buộc ta... Chúng ta hãy cảm thấy hạnh phúc vì có Người đến ở với mình, và cũng hãy làm cho Người cảm thấy hài lòng vì được đến và ở với chúng ta.