của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Thánh Tô-ma tông đồ bị mang tiếng là kẻ cứng lòng, kém tin. Tôi thấy ngài hơi bị oan mặc dù cũng biết rằng chính Chúa Giêsu đã chê trách ngài như thế. Chuyện xảy ra thế nào?
Tin Mừng theo thánh Gio-an kể: Ngày thứ nhất trong tuần, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Người đã đến với các môn đệ đang nhốt mình trong một căn nhà đóng cửa kín mít vì sợ người Do Thái. Lúc đó tông đồ Tô-ma không có mặt. Khi ngài về, các môn đệ khác nói: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Chuyện động trời khó tin quá, Tô-ma đòi một bằng chứng thuyết phục hơn là những lời nói, ngài muốn chính mình được kiểm nghiệm: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin. " Tám ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện đến với các môn đệ cũng tại căn nhà nói trên và các cửa vẫn đóng kín nhưng lần này có Tô-ma hiện diện. Người nói với Tô-ma: " Hãy đặt tay con vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin. " Muốn gì được nấy, nhưng vị tông đồ không thấy là cần phải kiểm nghiệm thêm, ngài sụp lạy và tuyên xưng: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!". Bấy giờ Đức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những ai không thấy mà tin!"
Tôi muốn minh oan cho Tô-ma trong hai điểm. Trước hết ngài có kém tin hơn các môn đệ khác không? Này nhé: Cả hai thánh Mác-cô và Lu-ca đều nêu rõ thái độ không tin của các tông đồ khi nghe những người phụ nữ loan tin mừng Chúa phục sinh. Luca còn ghi chú thêm: "Các ông cho là chuyện lẩm cẩm, nên chẳng tin" (Lc 24, 11). "Lẩm cẩm", đó là một lời phê phán thật nặng nề. Nhưng cứ cho đi là các ông có phần nào xem thường chứng từ của phụ nữ bị coi là "giàu tưởng tượng" và "lắm điều", nhưng còn chứng từ của hai môn đệ từ Em-mau quay lại Giê-su-sa-lem báo tin thì sao? "Các ông cũng không tin hai người này" (Mc 16, 13). Còn lời trách của Đức Giêsu mà Tin Mừng Gio-an "dành riêng" cho Tô-ma, thì Mác-cô lại áp dụng cho tất cả nhóm tông đồ: "Sau cùng, Người tỏ mình cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Chúa dau khi Người chỗi dậy "(Mc 1614).
Điểm thứ hai, tôi cho rằng tông đồ Tô-ma có cớ để nghi ngờ lời kể của các tông đồ khác. Bạn thử xem: tin sao được khi mà hồng phúc được biết và gặp Chúa phục sinh không thay đổi gì nơi các tông đồ kia, họ vẫn thế, vẫn sợ sệt. Tám ngày sau khi Chúa hiện ra với họ, các cửa nhà họ vẫn cứ đóng kín (chính Gio-an ghi rõ chi tiết này: Ga, 20, 26). Họ vẫn không nhúc nhích. Tâm lý vẫn nặng nề. Họ thử phấn khởi hơn, vui tươi hơn, lạc quan, yêu đời, tràn trề hy vọng và đầy ắp những ước mơ và dự tính tương lai, thử hỏi làm sao mà Tô-ma không tin họ được? Nhưng điều này chỉ xảy ra sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống biến đổi họ, lúc ấy họ mới ùa ra ngoài đường phố rao giảng và làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh bất chấp mọi trở ngại và hiểm nguy! Thế thì ta nên thông cảm cho Tô-ma. Trong trường hợp như thế, việc ngài đòi bằng chứng nhãn tiền là hợp lý.
Thật ra, câu chuyện về Tô-ma "cứng lòng" vì không chịu tin những người đã được gặp Chúa phục sinh, là đoạn kết thúc Tin Mững Gio-an, chương 20. (Nên biết chương 21 chỉ là chương mới thêm vào sau). Nó rất quan trọng vì cho ta thấy dụng ý của tác giả Gio-an. Câu: "Phúc thay ai không thấy mà tin!" có thể coi như là một thứ định nghĩa về Đức Tin. Tin là tín nhiệm vào chứng từ, vào uy tín của một kẻ khác. Nếu mình thấy rồi thì mình biết, chứ không còn phải tin nữa. Nếu mình dựa vào uy tín của ai đã thấy, đã biết để tin theo, -nghĩa là coi đó là sự thật cho chính mình-, thì mình cũng biết, và biết chắc chắn nhưng là một thứ biết đặc biệt. Chỉ có các tông đồ là những chứng nhân ưu tuyển và trực tiếp của Chúa Kitô vì đã được cùng sống với Người và gặp Người sau khi Người "chỗi dậy từ cõi chết", còn tất cả các tín hữu khác như chúng ta đều tin vào Chúa nhờ lời chứng của các đấng.
Thái độ tin là một thái độ hoàn toàn tự nhiên, bình thuờng và thiết yếu trong cuộc sống. Trong học tập, nếu ta không tín nhiệm người khác như cha mẹ, thầy cô, những người chuyên môn..., nếu ta không tin lời họ thì ta sẽ học được gì, kiến thức ta sẽ có bao nhiêu? Rồi làm sao có cuộc sống chung được nếu thiếu lòng tin tưởng lẫn nhau. Trong công việc làm ăn cũng vậy, khi chung vốn, hè hụi, vay mượn, hay mua bán chẳng hạn, chữ tín không bao giờ thiếu được. Chẳng lẽ cái gì cũng đòi bằng chứng cả sao? Chẳng lẽ ta phải đích thân thực nghiệm mọi chuyện cả sao?
Vậy tin là cần thiết nhưng với điều kiện là những kẻ ta tín nhiệm (nghĩa là đặt hết niềm tin của ta vào) phải là những người xứng đáng, có uy tín, nghĩa là đáng tin. Vì thế đòi hỏi của tông đồ Tô-ma theo một nghĩa nào đó là chính đáng. Sẽ bị coi là nhẹ dạ, "cả tin" nếu ta nhắm mắt tin hết mọi chuyện bất cứ ai kể. Thực tế ít ai "ngây ngô" đến mức ấy. Vậy chúng ta "hãy tin" nhưng đừng quá "dễ tin"!
Trên kia đã nói, chỉ có các tông đồ là những chứng nhân ưu tuyển, nhưng mỗi người tín hữu đã dựa vào lời chứng của các đấng mà tin nhận Chúa Kitô, đến lượt mình cũng phải trở thành chứng nhân đáng tin cho Chúa bằng lời tuyên xưng và bằng một cuộc sống được biến đổi bởi điều mình tin và làm chứng. Nếu cách ăn nết ở và hành động của ta không ăn khớp với điều ta tuyên xưng hay rao giảng, chúng ta đừng vội trách ai "cứng lòng". Trong thời đại khoa học thực nghiệm ngày nay, có vô số những ông Tô-ma; và có lẽ ta cần tới họ vì những đòi hỏi của họ là một lời cật vấn thường xuyên đối với chất lượng chứng tá của người Kitô hữu chúng ta.