của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Nhân Chủ nhật “Chúa chiên lành”, tôi đọc lại nhận định và cũng là ứơc muốn của một giáo dân về người linh mục và thấy thấm thía. Tôi viết một lời Kinh sau khi suy gẫm về bài chia sẻ của người giáo dân này, bà Madeleine Delbrêl (1904-1964), một “khuôn mặt toả sáng” của công giáo Pháp thế kỷ XX.
“Tôi là Mục Tử nhân lành Mục tử nhân lành hy sinh tính mạng cho đoàn chiên” (Ga 1011).
Thiếu vắng một linh mục đích thực trong một đời người là một nỗi khốn cùng không diễn tả nổi. Món quà lớn nhất mà người ta có thể dâng, tình bác ái lớn nhất mà người ta có thể mang tới, đó là một linh mục xứng với danh hiệu của mình. Linh mục là một cách thể hiện sự hiện diện hữu hình của Chúa Kitô, và ở trên thế gian này, đó là cách gần đúng hơn cả.
Trong Đức Kitô có một cuộc sống của con người và một cuộc sống của Thiên Chúa. Trong linh mục, người ta cũng muốn gặp lại một cuộc sống thực sự nhân bản và một cuộc sống thực sự thần linh. Khốn thay nhiều linh mục xem thiếu một trong hai mặt ấy.
Có những linh mục dường như chưa bao giờ có một cuộc sống làm người. Họ không biết lượng định các khó khăn của một giáo dân, một người cha, người mẹ trong gia đình cho đúng về phương diện nhân loại. Họ không hiểu nổi thế nào là một kiếp người đích thực, cụ thể, đau đớn.
Khi giáo dân đã gặp được một linh mục hiểu họ, một linh mục với trái tim nhân loại của mình đã đi vào đời họ, thì họ sẽ không bao giờ quên được nữa. Nhưng với điều kiện là tuy “linh mục hoà cuộc sống mình vào cuộc sống của chúng tôi, họ đừng sống hoàn toàn như chúng tôi”. Đã lâu đời các linh mục cư xử với giáo dân như những vị thành niên; ngày nay một số lại rơi vào thái độ cực đoan và trở thành “bồ bịch”. Khi một người cha gia đình thấy con đã lớn, ông đối xử với nó như người lớn, chứ không phải như trẻ con, nhưng ông vẫn coi nó là con của ông: một đứa con đã thành người.
Cũng thế, người ta cần linh mục sống một đời sống của Chúa. Linh mục tuy sống giữa chúng tôi, nhưng cũng phải là người của một thế giới khác.
Những dấu hiệu mà chúng tôi chờ đợi về sự hiện diện của Chúa nơi linh mục là gì?
Nhưng lắm khi còn một cuộc sống thứ ba xâm lấn và tràn ngập hai cuộc sống nhân bản và thần linh nói trên: ấy là cuộc sống của người linh mục trở thành “con người của tổ chức Giáo Hội”, của “giới giáo sĩ”. Ngôn ngữ họ, lối sống họ, sở thích của họ đối với những lợi lộc nhỏ nhen và những tranh giành ảnh hưởng vụn vặt, tất cả các thứ đó làm thành một mặt nạ che khuất khuôn mặt linh mục, khuôn mặt mà chắc rằng họ vẫn giữ được đàng sau cái mặt nạ ấy.
Sự thiếu vắng một linh mục đích thực trong một cuộc sống là một khốn cùng không diễn tả được, là nỗi khốn cùng duy nhất .
MADELEINE DELBRÊL
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Thiên Chúa cao cả uy quyền, nhưng Chúa muốn hạ mình làm người, chia sẻ thân phận con người yếu đuối và hay chết của chúng con. Suốt đời Chúa đã sống nghèo khó, hèn mọn. Sinh ra trong một gia đình nghèo. Chào đời nơi chốn hang lừa cô quạnh. Phải đổ mồ hôi vất vả làm ăn sinh sống. Khi ra hành đạo, Chúa chẳng có một nơi cư trú cố định, Chúa phải sống nhờ lòng tốt của người khác. Rồi Chúa đã phải chịu đóng đinh giữa hai tên gian phi và đã được an táng trong phần mộ của người khác bố thí cho.
Lạy Chúa, Chúa không muốn dùng quyền năng thần linh Chúa để tỏ cho người ta biết và nhìn nhận Chúa là Chúa Tể. Chúa sống khiêm nhường, chìm sâu trong nhân tính, ưa thích lui tới với những người nghèo khó, bé mọn, những người bị khinh dễ, những người bị bỏ rơi và những người tội lỗi. Chúa không dùng quyền hành thống trị ai. Chúa không có quyền lực nào ngoài tình yêu vị tha dành trọn vẹn cho mọi người, nhất là những ngưòi nghèo khó.
Trong bữa tiệc ly, Chúa đã quỳ gối đổ nước rửa chân cho các môn đệ, rồi Chúa dạy: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà con rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14).
Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con phải rửa chân cho nhau, nghĩa là khiêm nhường phục vụ lẫn nhau. Đó không phải là điều thông thường giữa loài người chúng con. Ơ đời ai cũng muốn phần hơn, ai cũng muốn ở trên kẻ khác, ai cũng muốn lo cho mình hơn hết. Ơ đâu có đôi ba người với nhau là ở đó bắt đầu có quan sát, dòm ngó, rồi cạnh tranh, dành dật quyền lợi, địa vị, ngôi thứ. Ngay giữa anh chị em trong cùng một gia đình cũng thế. Và ngay trong đám Tông Đồ của Chúa cũng vậy. Nhiều lần họ cũng tranh dành địa vị cao thấp, bởi thế Chúa đã mạnh mẽ dạy rằng: “Anh em biết, những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người.Vì Con Người đến không phải để được người ta ph5c vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 42-44).
Lạy Chúa, xin cho chúng con thấm nhuần lời Chúa dạy. Xin gạt ra khỏi chúng con mọi tư tưởng kêu căng, mọi khuynh hướng thống trị, mọi ước muốn cạnh tranh, dành dật, lên án lẫn nhau. Nhưng xin cho chúng con biết sống khiêm nhu hèn mọn, biết quên mình vì kẻ khác, biết coi kẻ khác hơn mình, biết nhạy cảm nhận ra những nhu cầu của kẻ khác và tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong niềm vui và hạnh phúc của kẻ khác. Amen.