của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Cụm từ “Ngày thứ nhất trong tuần” chỉ xuất hiện 8 lần so với 68 lần từ “Ngày Sabbat” được sử dụng trong Tân Ước, nhưng nó có một ý nghĩa và một tầm quan trọng hết sức to lớn đối với người Kitô hữu, vượt xa ngày Sabát của người Do Thái. Ý nghĩa và tầm quan trọng của kiểu nói này đi kèm theo tính mới mẻ của nó.
Ngày thứ nhất trong tuần là ngày Chúa Kitô phục sinh. Tất cả bốn sách Tin Mừng nói về biến cố Phục Sinh đều dùng cách nói “lạ tai” này. Thánh Matthêu và thánh Máccô còn nhấn mạnh rằng “ngày thứ nhất trong tuần” nối tiếp ngày sabát. Matthêu: “Sau ngày sabát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên là Maria, đi viêng mộ. Thình lình đất rung chuyển…” (Mt 28,1-2). Còn Máccô: “Vừa hết ngày sabát, bà Maria Mácđala với bà Maria mẹ ông Giacôbê, và bà Salômê mua dầu thơm đi ướp xác Đức Giêsu. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ…” (Mc 16,1-2).
Ngày thứ nhất trong tuần sẽ là Ngày Chúa Nhật, Ngày Của Chúa. Từ nay, nó sẽ thay thế vai trò của ngày Sabát trong Đạo Do Thái.
Theo Kinh Thánh Cựu Ước, tuần lễ bảy ngày dựa theo thời gian Thiên Chúa tạo dựng trời đất muôn vật muôn loài, kết thúc vào ngày thứ bảy là ngày Thiên Chúa “nghỉ ngơi”. Ngày sabát tương ứng với ngày thứ bảy đó. Sách Sáng Thế ghi lại một cách long trọng: “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó, Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người” (St, 2,2-3). Như vậy, ngày thứ bảy là một ngày thánh, và dân Do Thái phải noi theo Chúa để nghỉ ngơi và để thờ phượng Chúa, tưởng nhớ công trình tạo dựng của Người. Trong Sách Xuất Hành, luật Sabát sẽ là một luật buộc rất nhặt: … “Trong sáu ngày, người ta sẽ làm việc, nhưng ngày thứ bảy là một ngày sabát, một ngày nghỉ hoàn toàn, dâng Đức Chúa: kẻ nào làm việc trong ngày sabát sẽ bị xử tử” (Xuất Hành, 31,15; x. thêm Mười Điều Răn, trong Xuất Hành 20, 1-17).
Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, ngày Sabát không còn ý nghĩa nữa. Thánh Inhaxiô Antiôkia đã viết vào khoảng cuối thế kỷ thứ I: “Những người (vốn) sống theo trật tự sự việc cũ (nay) đã đến với niềm Hy Vọng Mới. Họ không tuân giữ ngày Sabát nhưng ngày Chúa Nhật, ngày mà sự sống của chúng ta đã trổi lên nhờ Đức Kitô và nhờ cái chết của Người.”
Ngày Chúa Nhật cũng là một ngày nghỉ ngơi (trong giới công giáo, người ta quen nói: ngày kiêng việc xác). Ở phương Tây, ngày nghỉ Chúa Nhật không dành riêng cho người Kitô hữu, mà đã trở thành ngày nghỉ chính thức cho mọi người kể từ khi hoàng đế Constantin ban hành sắc chỉ ngày 7 tháng 3 năm 321, lấy ngày Chúa Nhật làm ngày nghỉ bắt buộc (trừ công việc đồng áng vẫn được phép vì việc thu hoạch ngày mùa nhiều lúc cấp bách không thể trì hoãn). Sắc chỉ viết: “Vào Ngày Mặt Trời đáng tôn kính (dies solis), các viên chức và cư dân hãy nghỉ ngơi và tất cả các công xưởng phải đóng cửa”. Ngày Mặt Trời trong thực tế trùng hợp với ngày Chúa Nhật của người Kitô hữu, hơn nữa họ coi ngày Chúa Nhật mới đích thực là ngày Mặt Trời vì Đức Kitô là Mặt Trời Công Chính (Sol Justitiae). Ta còn thấy dấu tích của ngày Mặt Trời/ngày Chúa Nhật trong cách gọi của người Anh Sunday hay người Đức Sonntag.
Kitô giáo đã để lại những dấu ấn rõ rệt trong cách tính ngày, tháng và năm của nhân loại nên cũng không lạ khi trong hai ngàn năm qua đã có những nỗ lực để xoá bỏ các dấu vết ấy, mà nổi bật nhất có lẽ là Cách Mạng Pháp năm 1789. Cách Mạng đã tuyên bố một tôn giáo mới là việc thờ kính Lý Trí và Đấng Tối Cao, và xoá bỏ các ngày lễ Kitô giáo, thay thế niên lịch Grêgôriô bởi niên lịch cộng hoà (calendrier républicain) với những “tuần lễ” 10 ngày có một ngày nghỉ… Nhưng cuộc “cách mạng” này cuối cùng đã thất bại.
Ngày Chúa Nhật là ngày tưởng nhớ Đức Kitô phục sinh và tưởng nhớ công trình sáng tạo mới của Người. Trong ngày ấy, chúng ta cử hành cuộc chiến thắng của Đức Kitô trên tội lỗi và sự chết. Như Thánh Phaolô dạy, nhờ bí tích Thánh Tẩy chúng ta đã chết đối với tội lỗi và “chỗi dậy” trong sự sống mới của Đức Kitô phục sinh, thành những thọ tạo mới. Mầu nhiệm Phục Sinh còn mang một chiều kích vũ trụ nữa. Trong bản thân phục sinh của Người, Đức Kitô đã đưa một phần vật chất, một phần của thế giới này vào trong vinh quang của Thiên Chúa, và như thế đã mở ra cho nhân loại một thế giới vô biên hoàn toàn mới mẻ cũng như một niềm hy vọng chắc chắn về sự chiến thắng cuối cùng của sự sống trên sự chết, của sự thiện trên sự ác và của tình yêu trên hận thù… Một trích dẫn từ Hiến chế Vui Mừng Và Hy Vọng của Công đồng Vaticanô II sẽ rất thích hợp ở đây: “Chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại, chúng ta cũng chẳng biết cách thức biến đổi của vũ trụ. Chắc chắn hình ảnh một thế giới lệch lạc vì tội lỗi sẽ qua đi, nhưng chúng ta biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một đất mới nơi công lý ngự trị. Hạnh phúc nơi ấy sẽ thoả mãn và lấp đầy mọi ước vọng hoà bình trào dâng trong lòng con người. Khi ấy sự chết sẽ bị đánh bại, con cái Thiên Chúa sẽ phục sinh trong Chúa Kitô và những gì được gieo vãi trong yếu hèn, mục nát sẽ mặc lấy sự không hư nát; tình yêu và các hoạt động bác ái sẽ tồn tại và toàn thể tạo vật mà Thiên Chúa đã dựng nên cho con người sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ phù vân” (số 39).
Trong mỗi cử hành Thánh Thể, - mà việc cử hành Thánh Thể trong Ngày Của Chúa vào các thế kỷ đầu đã có trước việc thiết lập ngày Chúa Nhật như là ngày nghỉ hằng tuần – chúng ta cử hành cuộc tạo dựng thứ nhất trong bản thân Chúa Kitô và đồng thời cũng cử hành sự khởi đầu của “cuộc tạo thành mới” (x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Thư Dies Domini, số 1). Trong mỗi Thánh Lễ, chúng ta “loan truyền Chúa chịu chết, tuyên xưng Người sống lại và trông đợi Người lại đến” trong vinh quang. Thánh Lễ ngày Chúa Nhật (và mỗi ngày) diễn tả ý nghĩa và cứu cánh của đời sống người Kitô hữu chúng ta. Đầy xúc động, Thánh Giêrônimô đã thốt lên: “Ngày Chúa Nhật là ngày phục sinh, ngày của người Kitô hữu, đó là ngày của chúng ta.”
Chúa Nhật: ngày của Chúa nhưng cũng là ngày của chúng ta. Với việc ngưng nghỉ mọi công ăn việc làm trong ngày đó, chúng ta có thể bồi bổ lại sức khoẻ tinh thần, khẳng định sự tự do của mình đối với những ràng buộc của kinh tế, củng cố mối dây gia đình và bạn bè, dành thời giờ cho chiêm niệm, và đó đã là nếm hưởng một chút niềm vui của sự phục sinh.