của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Chắc hẳn hầu hết chúng ta, nhất là những người sống ở thôn quê đều biết cái ách là gì và dùng để làm gì: đó là một khúc gỗ uốn (hay đẽo) cong máng vào cổ con trâu con bò hay con ngựa để kéo cày hay kéo xe. Để cái ách nằm yên một chỗ trên cổ con vật, người ta buộc nó vào một sợi dây chạy vòng qua phía dưới họng của nó. Khi cổ con vật bị cái ách khung lại như thế nó bị kềm chế và người chủ sẽ dễ dàng điều khiển nó. Chính vì thế mà theo nghĩa bóng, cái ách ám chỉ sự nô lệ, sự lệ thuộc như khi ta nói: “sống dước ách đô hộ của người nước ngoài”, hay khi Kinh Thánh viết: “Họ vui mừng trước nhan Chúa như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt … Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đã bẻ gẫy như trong ngày chiến thắng quân Mađian” (Isaia 9,2-3, Bài đọc I lễ đêm Giáng Sinh; x. Giêrêmia 28, 12-14). Ở đây “bẻ gẫy ách” có nghĩa là giải phóng khỏi tình cảnh nô lệ, mang lại tự do hạnh phúc (ơn cứu độ).
Trong Kinh Thánh, ách còn có nghĩa là Lề Luật của Thiên Chúa, bằng chữ viết hay truyền khẩu. Người ta mang ách của Chúa khi tuân phục các giới răn của Người, còn kẻ tội lỗi thì vất bỏ cái ách đó (x. Giêrêmia 2,20; 5,5). Ách cũng là giáo huấn của một bậc thầy, vì thế mang lấy ách của họ là làm môn đệ họ. Nếu đó là một bậc thầy đích thực thì thật là may nắn cho người học trò: họ đã gặp được “cái ách của sự khôn ngoan”! Sách Huấn Ca viết: “ Hỡi những người không được giáo huấn, hãy đến gần tôi và thụ huấn với tôi (… ..). Hãy tra cổ vào ách , và đón nhận giáo huấn vào tâm hồn; giáo huấn này, các bạn có thể tìm thấy ngay ở bên cạnh mình. Hãy đưa mắt nhìn: tôi đâu có vất vả bao nhiêu, và chính tôi đã được nghỉ ngơi an nhàn…” (Huấn Ca 51, 23.26-27).
Đọc câu Kinh Thánh Cựu Ước này chúng ta nghĩ ngay tới lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng thánh Matthêu: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).
Ai là những kẻ vất vả mang gánh nặng nề? Chúng ta thường giải thích đoạn Tin Mừng này theo nghĩa “đạo đức”. Người vất vả và mang gánh nặng nề là tất cả những ai đau khổ thể xác và tinh thần, gánh nặng của họ có thể là nghèo đói, bệnh tật, bị khinh dể, bị thất bại trong tình yêu, trong đời sống gia đình hay sự nghiệp …, là bầy con nheo nhóc, ông chồng nghiện ngập, đứa con vào tù , căn nhà xiêu vẹo toang hoác, cuộc sống bổn phận tối tăm nhàm chán …, rồi tâm trạng chán nán ngã lòng, thất vọng về mình đầy yếu đuối và tội lỗi, kéo lê một cuộc đời không còn hy vọng, không còn ý nghĩa… Đó là những cái ách hay gánh nặng nề mà Chúa Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm nhường mời gọi họ đến trút bỏ lên cho Người và Người sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Đại khái ý nghĩa của bài Tin Mừng là như thế.
Cách giải thích đạo đức này không sai, nhưng căn cứ vào những điều nói trên đây về ý nghĩa của thuật ngữ “ách” trong Kinh Thánh, thì rõ ràng là nó chưa sát ý bản văn. Theo bản văn, cái gánh của ta thì nặng nề còn cái ách của Chúa thì êm ái cũng như cái gánh của Người thì nhẹ nhàng. Chúa sẽ cất gánh nặng trên vai ta khi ta nhận lấy cái ách, cái gánh của Chúa, tức là giáo huấn của Người, giới răn của Người, khi ta trở thành môn đệ của Người: “Hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi”. Thế ta đang vác cái ách hay cái gánh nào đây? Những người đang trực tiếp nghe Chúa Giêsu xưa là những tín hữu Do Thái. Họ phải mệt nhọc tuân giữ vô số những điều luật, không những những điều luật căn bản và quan trọng của đạo Do Thái mà còn rất nhiều nhiều điều chi tiết mà tập tục và các thầy dạy đạo thêm thắt vào đến nỗi nhiều khi rất khó phân biệt cái chính với cái phụ. Chính Chúa Giêsu đã có lần nói với dân chúng: “Các kinh sư và các người Pharisêu bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn đụng ngón tay vào” (Mt 23, 4).
Chúa Giêsu thì khác. Người là vị thầy nhân hậu và khiêm tốn; Người giúp người ta khám phá ra lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc đời mình và ngay cả nơi thập giá đè nặng trên mình nữa. Chúa bày tỏ tình thương của Thiên Chúa ngay trong những đòi hỏi của Luật. Chỉ có Thiên Chúa là thiện hảo và uy quyền của Chúa Kitô là thiện hảo (x. Lời Chúa cho mọi người, chú giải Mt 11, 25-30).
Tôi nghi vấn: phải chăng Thánh Matthêu viết đoạn Tin Mừng trên đây nhắm vào cộng đoàn Kitô hữu thời ngài đang bị những người lãnh đạo làm cho thêm nặng nề với những bó buộc không cần thiết hoặc không đúng với tinh thần của Chúa Kitô, Đấng sáng lập Giáo Hội và là vị Thầy tối cao của Giáo Hội?
Nhưng khi tìm hiểu bản văn này tôi cảm thấy nó mang tính thời sự rất cao đối với không ít cộng đoàn trong Giáo Hội Việt Nam ta ngày nay. Tôi đã từng nghe từ những giáo dân, tu sĩ và có khi cả giáo sĩ nữa, lời nhận xét và phàn nàn rằng đạo chúng ta quá “khó khăn”, “nặng nề” với nhiều bó buộc không biết có phải thật cần thiết không? Có những quy định xem ra chỉ tiện lợi cho chủ chăn hơn là phục vụ con chiên, hoặc bảo vệ “cơ chế” “tổ chức” hơn là con người, hoặc làm nản lòng người dân hơn là nâng đỡ khuyến khích … Nghe nói có những nơi cha xứ sử dụng quyền dứt phép thông công (?) quá dễ dàng đến nỗi giáo dân phải thắc mắc chạy đi nơi khác hỏi: làm thế có đúng giáo luật hay không? Nghe nói có nơi tổ chức thánh lễ chiều tối thứ bảy nhưng vẫn buộc cả những người đã dự lễ chiều phải đi lễ ngày chúa nhật hôm sau (?). Nghe nói có gia đình vì bị cha xứ làm khó dễ gay gắt cứng cỏi quá về một việc gì đó, cuối cùng đã nản lòng và tuyên bố “bỏ đạo” (?).
Tôi đã thấy tận mắt một tờ mẫu “Giấy Xin Kết Hôn” của giáo xứ nọ in sẵn, với hai mục: “Tra Chứng” và “Kết Quả (khảo) Kinh và Giáo lý”, khá “lạ lùng”. Mục Tra chứng, thực ra chỉ là bản “lý lịch” quen thuộc của người xin kết hôn: tên thánh tên gọi, ngày và nơi sinh, ngày và nơi rửa tội, ngày và nơi chịu phép Thêm sức, con ông bà nào, thuộc giáo họ nào. Điều “lạ” là bản khai đó phải có chữ ký trước hết của người tra sổ, chữ ký của Ban Hành giáo chứng thực, của Ban Giới trẻ xác nhận, của người làm chứng và cả của người xin kết hôn nữa. Năm chữ ký cho một tờ lý lịch. Chắc còn chặt chẽ hơn một tờ khai lý lịch bên hành chánh! Về mục Kinh và Giáo lý, các đòi hỏi cũng quá khắt khe: phải thuộc Kinh sáng Kinh chiều, Kinh chúa nhật, Kinh cám ơn sau rước lễ, Kinh cầu Trái Tim, Kinh cầu Đức Bà, Kinh cầu Thánh Giuse, Giáo lý công giáo và Giáo lý hôn nhân. Tất nhiên bản khảo hạch phải có chữ ký của Giám khảo. Với những người trẻ hôm nay, số đông phải đi làm ăn trong những thành phố xa, có khi mỗi ngày phải làm việc vất vả chín mười tiếng đồng hồ, không biết họ sẽ xoay xở ra sao để được phép kết hôn?
Mong sao những chuyện nêu trên chỉ là cá biệt! Điều hết sức đáng lo nơi những người mục tử như thế là để cho tinh thần vụ luật (Pharisêu) và tinh thần “hành chánh” lấn át mất lòng bác ái mục vụ và tinh thần Phúc Âm. Cộng đoàn sẽ chạy trơn tru như một cỗ máy tốt, giáo dân sẽ vâng lời bề trên răm rắp, trật tự được bảo đảm tối đa, nhưng không còn là một gia đình đầy tình thương ấm áp và sống động của con cái Chúa nữa. Chúa Giêsu kêu gọi người tín hữu hãy mang lấy ách của Chúa và hãy học với Chúa, chứ không phải mang ách của ta và học với ta những linh mục của Chúa và Hội Thánh. Dù cố gắng hết mức, “ách” và “giáo lý” của (riêng) ta vẫn có thể là gánh nặng cho đoàn chiên.