của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Ai-cập dưới sự lãnh đạo của ông Mô-sê được dân It-ra-en của Cựu Ước cảm nghiệm như cuộc giải phóng vĩ đại nhất lịch sử của họ, và mỗi lần gặp cảnh bất hạnh và thử thách, --tập thể hay cá nhân--họ thường quay lại biến cố đó để củng cố niềm tin và niềm hy vọng của mình bị chao đảo. Họ cũng thường lý tưởng hóa thời gian bốn mươi năm đi trong sa mạc như một thời vàng son, nhưng trong diễn tiến thực tế, đó là thời họ “thử thách” Thiên Chúa rất nhiều bởi sự bất trung của mình, và đã phải trả giá rất đắt..
Dân It-ra-en đã ra khỏi đất Ai-cập trong niềm hân hoan phấn khởi khôn tả. Với một giọng văn long trọng, tác giả sách Xuất Hành viết: “Thời gian con cái Ít-ra-en ở Ai-cập là bốn trăm ba mươi năm. Vào đúng ngày chấm dứt bốn trăm ba mươi năm đó, toàn thể các đạo binh của Ðức Chúa (tức “con cái Ít-ra-en”) đã ra khỏi đất Ai-cập. Ðó là đêm Ðức Chúa canh thức để đưa họ ra khỏi đất Ai-cập; đêm đó thuộc về Ðức Chúa, đêm canh thức của toàn thể con cái Ít-ra-en, qua mọi thế hệ” (12, 40-42). Ông Mô-sê, người lãnh đạo cuộc “xuất hành” vĩ đại, nói với dân: “Hãy ghi nhớ ngày hôm nay là ngày anh em ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ, vì Ðức Chúa đã dùng cánh tay mạnh mẽ của Người mà đưa anh em ra khỏi đó” (Xh, 13, 3). Nhưng chẳng bao lâu một mối đe doạ khủng khiếp xảy tới: Vua Pha-ra-ô cho một đạo quân hùng hậu đuổi theo. Chết đến nơi rồi! Ít-ra-en tay không sẽ làm gì chống lại đạo quân này với hàng trăm chiến xa và chiến mã? Mà chạy trốn cũng không được vì trước mặt họ là Biển Ðỏ chắn đường. Bấy giờ họ nói với ông Mô-sê: “Bên Ai-cập không có đủ mồ chôn hay sao mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc? Ông làm gì chúng tôi vậy, khi ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập? Chúng tôi đã bảo: Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai-cập! Thà làm nô lệ Ai-cập còn hơn chết trong sa mạc!” (Xh 14, 11-12). Ông Mô-sê trấn an dân:”Ðừng sợ! Cứ đứng vững, rồi anh em sẽ thấy việc Ðức Chúa làm hôm nay để cứu thoát anh em” (Xh 14, 13). Ðêm ấy Chúa cho gió thổi mạnh “dồn biển lại” để dân có thể đi qua ráo chân, nhưng khi quân Ai-cập rượt theo chạy lọt vào giữa biển thì ông Mô-sê giơ tay trên mặt biển và nước ập xuống vùi lấp tất cả.
Mới chỉ thử thách đầu tiên, khi mà ký ức về sự áp bức bóc lột tàn bạo của vua Ai-cập hẳn là còn sâu đậm nơi họ, thế mà dân Ít-ra-en đã bắt đầu hối tiếc vì đã ra đi! Ðiều đó báo trước rằng họ sẽ còn nhiều lần quay về quá khứ và tiếc nuối thời nô lệ, bời vì cuộc hành trình dai dẳng 40 năm trong sa mạc trước khi vào Ðất Hứa không thể thiếu khó khăn vất vả, đòi hỏi một niềm tin sắt đá.
Khoảng tháng rưỡi sau khi rời Ai-cập họ đói vì hết cái ăn. Chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Có bánh ăn rồi, lại thèm thịt. Và sau đó là chuyện thiếu nước. “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập làm chi?”, đó là điệp khúc họ lặp đi lặp lại với ông Mô-sê mỗi lần gặp thử thách. Kèm theo câu trách móc đó là nỗi niềm tiếc nuối: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Ðức Chúa bên Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê.” (Xh 16, 3). “Nhớ thuở nào ăn cá bên Ai-cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi. Còn bây giờ đời ta tàn rồi; mọi thứ đó hết sạch” (Ds, 115-6). Con người ta thật lạ. Trước khó khăn hiện tại, hầu như lúc nào họ cũng quay về dĩ vãng và lý tưởng hoá nó, cho nó là đẹp nhất. Làm thân nô lệ mà xem ra Ít-ra-en sung sướng có thua gì ai! Mà cho dù có đầy đủ về vật chất đi nữa thì họ vẫn sống đời nô lệ nhục nhã, mất nhân phẩm và nhân quyền. Ðặt cái ăn, cái uống lên trên tất cả, họ không thấy được niềm hạnh phúc của mình lúc này là một dân tự do, có Thiên Chúa lãnh đạo, và đang tiến về một miền quê hương mới. Mà nào có phải Chúa không lo nổi cho họ cả những nhu cầu vật chất đâu. Ðòi bánh thì có man-na (x. Xh 16, 1-18 ); thèm thịt thì có chim cút hằng hà sa số bay sà xuống chung quanh trại- ( theo lời sách Dân Số 11, 31-32, thì “người lượm ít nhất cũng hai trăm thùng đem phơi khô”); khát nước, Người cho nước vọt ra từ tảng đá (x. Xh 17, 1-7). Nhưng họ cứ vẫn lẩm bẩm, kêu ca.
Cuộc chống đối dữ dội nhất, đó là việc họ không chịu tiến vào vùng đất Ca-na-an mà Thiên Chúa hứa ban cho họ sau mấy chục năm lưu lạc trong hoang địa. Vì sợ các dân địa phương, nên họ bắt đầu nói xấu về vùng đất mà các đại diện của họ vừa mới đi thăm dò về và mô tả là “miền đất tràn trề sữa và mật” (Ds 12, 27). Lần này họ nổi loạn thực sự. Không chỉ kêu la, khóc lóc suốt đêm, mà họ còn vạch ra một kế hoạch hành động cụ thể. Họ bàn tính với nhau đặt một người cầm đầu để trở về Ai-cập, thậm chí định ném đá những người chủ trương đưa dân vào vùng đất mới. Và Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Dân này còn khinh thị Ta đến bao giờ nữa? Cho đến bao giờ chúng không chịu tin vào ta, mặc dù Ta đã làm bấy nhiêu dấu lạ giữa chúng? Ta sẽ dùng ôn dịch mà phạt chúng, sẽ không cho chúng hưởng gia nghiệp ” (Ds 14, 11-12). Nhưng cũng như nhiều lần khác, ông Mô-sê lại đứng ra cầu bầu cho dân. Nghe lời ông, Chúa đã tha thứ, nhưng Người quyết định sẽ không cho thế hệ những người ra đi từ Ai-cập được vào Ðất Hứa. Thế cũng phải thôi: khi người ta không muốn đón nhận ân huệ Chúa ban, thì Người không ép!
Kinh Thánh Tân Ước thường so sánh cuộc giải phóng mà Ðức Giê-su Ki-tô thực hiện cho nhân loại nhờ sự chết và phục sinh của Người, với cuộc giải phóng Ít-ra-el khỏi ách nô lệ Ai-cập. Thánh Phao-lô nói với các tín hữu Ga-lát: “Chính là để chúng ta được tự do mà Ðức Ki-tô đã giải thoát chúng ta” (5, 1). Người đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, thì chúng ta cũng được tham dự vào cuộc chiến thắng đó khi kết hiệp với Người trong bí tích Thánh Tẩy, và được sống cùng chính sự sống mới của Người. Ðối với ta, Ai-cập là thế giới của tội lỗi và sự chết khống chế con người một cách nghiệt ngã; Mô-sê của ta là Ðức ki-tô; nước Biển Ðỏ là nước Rửa Tội; Ðất Hứa là Nước Trời, nước của công chính, bình an, tình yêu và tự do viên mãn trong Ðức Ki-tô. Rõ ràng cuộc giải phóng của ta vượt xa cuộc giải phóng của Ít-ra-en, nhưng chúng ta vẫn học được nhiều điều nơi kinh nghiệm của họ.
Trước hết, kinh nghiệm đó cho thấy rằng tự do không phải là cái gì chúng ta đạt được một lần là xong, mà là điều chúng ta phải tiếp tục chinh phục nhờ ơn Chúa cùng với nỗ lực lớn và cảnh giác cao độ của bản thân, vì bao lâu còn trên bước đường hành hương, nghĩa là còn sống ở thế gian, chúng ta vẫn thường xuyên bị cám dỗ quay về với cuộc đời nô lệ. “Củ hành, củ tỏi” vẫn có sức quyến rũ. Trong ta, “kẻ thù” vẫn chưa chịu buông tay: nói theo thánh Phao-lô, con người cũ vẫn lăm le lấn lướt con người mới, xác thịt chống lại Thần Khí, tội lỗi cạnh tranh với ân sủng. Thánh Tông Ðồ cảnh cáo: “Anh chị em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa, Anh chị em được gọi để hưởng tự do; có điều đừng lợi dụng tự do để sống theo xác thịt” (Gl 5, 1. 13).
Kinh nghiệm Ít-ra-en còn lưu ý ta rằng muốn đạt tới tự do, phải chấp nhận trả giá. Muốn được tự do nhưng không muốn từ bỏ những sự êm ái ngọt ngào của tội lỗi -(vâng, cuộc sống nô lệ ấy cũng có vẻ quyến rũ của nó); muốn theo Thần Khí nhưng cũng muốn nhân nhượng với xác thịt: đó là những điều không thể. Sự tự do của con cái Thiên Chúa đòi hỏi một chọn lựa dứt khoát. Không cuộc đời Ki-tô hữu nào mà không có hy sinh, từ bỏ và thập giá. Không chỉ hy sinh, từ bỏ miếng bánh, miếng thịt, hay củ hành, củ tỏi mà thôi đâu, nhưng hơn nữa, nếu cần thì phải sẵn dám liều mạng sống mình.
”Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc14, 26). ”Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì TinMừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 35).
Ðời sống mới trong Ðức Ki-tô không hủy diệt các giá trị tự nhiên nhưng đòi phải sắp xếp lại trong một trật tự mới, ở đó chúng sẽ càng được vinh thăng.