của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Câu chuyện xảy ra vào khoảng đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Hẳn đây là một tiệc cưới khá lớn và có lẽ là đám cưới của một người bà con hay bạn bè hay lối xóm của gia đình Ðức Giêsu vì ta thấy Người cùng đi với thân mẫu và các môn đệ của Người. Dù vậy, tôi nghĩ rằng chung quanh Người, nhiều người đã không khỏi thắc mắc. Sau này người ta sẽ phê cho Ðức Giêsu một câu nặng nề: “Ðây là một tên ăn nhậu, bạn bè với bọn thu thuế và phường tội lỗi” (Mt11,19). Khi lên án như thế, họ đã nhớ lại những lần Chúa đi ăn tiệc như lần này. Ngay cả chúng ta ngày nay cũng có thể có đôi điều thắc mắc về hành động của Ðức Giêsu.
Trong dịp lễ Giáng sinh, chúng ta đã nghe thánh Gioan tuyên bố: “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và ở giữa chúng ta”. Vài ngày sau, Phụng vụ lại cho ta nghe Gioan chia sẻ: “Ðiều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã được nghe, điều chính mắt chúng tôi đã được nhìn thấy, điều chính tay chúng tôi đã đụng tới, đó là Lời sự sống.” Chính Ngôi Lời vĩnh cửu mà Tông đồ Gioan đã nói tới với tất cả lòng say sưa và cảm mến đó, hôm nay cũng chính Gioan lại cho ta thấy Người đi ăn cưới. Chúng ta như bị lôi từ thượng tầng thiêng liêng cao vút xuống sát sàn của thực tế tầm thường của cuộc đời trần tục. Một linh mục, một giám mục đến chia buồn với một gia đình có tang, hoặc thăm một người bệnh hoạn tật nguyền, điều đó không làm ai thắc mắc. Nhưng nếu các vị đi tới những nơi đình đám, tiệc tùng, chắc chắn sẽ có những người nghiêm khắc lắc đầu. Ðàng này, không phải là một linh mục hay giám mục mà chính là Ngôi Hai Thiên Chúa Làm Người. Người lại còn kéo cả đám môn đệ đi theo nữa. Ông Gioan Tẩy giả nổi tiếng là người nhiệm nhặt, khắc khổ, không biết tới miếng thịt là gì, chén rượu ra sao. Nay Ðức Giêsu muốn huấn luyện đám môn đệ non nớt như thế nào mà lại kéo họ tới nơi đình đám? Nếu nhỡ có người thấy cặp tân hôn hạnh phúc mà bị cám dỗ về lập gia đình thì sao đây? Ngày nay có lẽ chúng ta mỉn cười trước một câu hỏi như thế, nhưng ngày xưa (mà cũng chưa xưa lắm) lối suy nghĩ này không xa lạ lắm với các nhà huấn luyện chủng sinh, tu sĩ.
Ðã vậy, khi nửa bữa tiệc, chủ nhà thiếu rượu, Ðức Giêsu lại không nghĩ: “Thôi, uống bấy nhiêu cũng đủ rồi. Rượu vào, lời ra, chẳng có gì hay đâu, thiếu chút cũng chẳng sao.” Không, Chúa không nghĩ như thế, Người còn làm phép lạ cho sáu chum nước trở thành rượu ngon để thực khách tiếp tục vui vẻ. Khi không, Người biếu cho chủ nhà những bảy, tám trăm lít rượu hảo hạng! Tha hồ mà cụng ly “chăm phần chăm”.
Ðành rằng Tông đồ Gioan, sau khi Chúa Giêsu sống lại, nhờ được Chúa Thánh Thần soi sáng, đã hiểu ra ý nghĩa thiêng liêng của phép lạ này. Ðám cưới Cana ám chỉ Giao ước mới mà Thiên Chúa, qua Con của Người, đã muốn ký kết với nhân loại, và Ðức Giêsu quả là Ðấng Phu quân thần linh đến phối hợp với loài người để đưa loài người vào niềm vui bất tận. Tuy biết thế, những người nghiêm khắc vẫn còn có thể có ý kiến: thiếu gì nơi, thiếu gì dịp xứng đáng hơn để Chúa biểu lộ vinh quang của mình thay vì đưa cái thánh thiêng vào chỗ ăn uống tiệc tùng?
Những thắc mắc trên đây đều phản ánh một quan niệm nhất định về tôn giáo và về sự thánh thiện. Người ta thường nghĩ rằng tôn giáo phải xa cách trần tục, sự thánh thiện không ăn nhằm chi với đời thường. Không biết từ bao giờ người ta đã nhét vào trong đầu rất nhiều người chúng ta cái định kiến cho rằng người đạo đức phải là người khắc khổ, nghiêm nghị, nhiệm nhặt. “Thưa Cha, con khô khan lắm vì con thích vui vẻ.” - “Thưa Cha, hôm ăn chay, kiêng thịt, đến trưa con ăn cơm cảm thấy rất ngon miệng, như thế có còn được công phúc gì nữa không?”. Chúa Giêsu không ngừng phá vỡ các định kiến tương tự của chúng ta về tôn giáo. ( Dĩ nhiên ngày nay nhiều người có khuynh hướng ngược lại, coi khổ chế và kỷ luật sống cũng như các ràng buộc tôn giáo là lỗi thời; quan niệm này cũng sai không kém, nhưng đó là một chuyện khác, không bàn tới ở đây).
Chúng ta tôn vinh Thiên Chúa không phải chỉ khi đọc kinh cầu nguyện và làm các việc tôn giáo mà thôi, mà cả khi ta đón nhận một cách đơn sơ và lòng biết ơn tất cả những gì bình thường làm nên một cuộc đời, như tình yêu, hôn nhân, sinh con đẻ cái, nghề nghiệp, một bữa tiệc vui, một buổi giải trí với gia đình hay bạn bè, một cuộc chia ly, một cuộc gặp gỡ.
Khác với ông Gioan Tẩy giả, Ðức Giêsu cho các môn đệ mình thấy Người là một con người cởi mở với đời, tự do, thân ái, khiến người bình dân chất phác và cả người tội lỗi cảm thấy dễ gần gũi. Những niềm vui lành mạnh của cuộc sống đâu có phải là những điều chúng ta đánh cắp của Chúa. Thánh Phaolô đã chẳng dạy: ”Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm nhân danh Ðức Kitô và nhờ Người mà ngợi khen Thiên Chúa” đó sao? Chúng ta càng nhân đạo, càng quảng đại, dịu hiền, tế nhị, vui vẻ, biết quan tâm tới kẻ khácà thì chúng ta càng giống Chúa Giêsu. Nếu chúng ta thích vẻ hồn nhiên tươi mát của trẻ thơ, nếu chúng ta yêu tính thật thà và ghét sự giả dối, nếu chúng ta động lòng trước nước mắt của một người đau khổ, bênh vực một người yếu thế hay bị áp bức, hoặc đơn giản hơn nữa, nếu chúng ta biết thưởng thức vẻ đẹp một bông hoa, làn gió mát một buổi chiều tà, vẻ bình an tĩnh mịch của ban đêm, thì chúng ta đang sống trong những tâm tình mà Chúa Giêsu đã có và bấy giờ chúng ta đang hiệp thông với Người. Không phải càng xa đời thường bao nhiêu, chúng ta càng gần Chúa bấy nhiêu. Trái lại, chính đời sống bình thường sẽ dẫn ta đến với Chúa nếu ta biết sống cho đúng với thánh ý Người, bởi vì Chúa đã đến trong cuộc đời và trong bản tính nhân loại để thánh hóa nó từ bên trong và nâng nó lên tới mức thần linh.