của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Loài người chưa bao giờ coi cái chết chỉ là một hiện tượng thuần túy tự nhiên như mưa nắng, giông bão, ngày đêm hay tứ thời bát tiết chẳng hạn, bởi vì cái chết đi ngược lại một cách tàn bạo khát vọng sâu thẳm nhất của con người là được sống và sống mãi. Vì con người là một sinh vật có lý trí và tự do nên cái chết đối với nó là một vấn đề hay đúng hơn, là một bí ẩn vô cùng hệ trọng. Việc thờ kính người chết là một sự kiện phổ quát còn để lại những dấu tích từ thời tiền sử xa xưa nhất. Nó chứng tỏ rằng con người xưa nay vẫn luôn ra sức tìm cho cái chết một lời giải thích hay một ý nghĩa và từ đó xác định cho mình một cách cư xử, một thái độ sống.
Cái chết như một sự giải thoát.
Ðối với không ít người, khi gặp hoàn cảnh đau khổ cùng cực hay bị bế tắc tuyệt vọng trong cuộc sống, họ thường tìm đến cái chết không phải vì họ thích chết nhưng vì họ coi nó như lối thoát duy nhất. Trong Kinh thánh Cựu Ước ta thấy ông Gióp đã có lúc nghĩ tới giải pháp tiêu cực đó. Ông nói với Chúa: “Chẳng thà bị treo cổ, chẳng thà bị chết hơn là sống lây lất, da bọc xương. Con chẳng thiết tha gì, con đâu có sống mãi, xin cứ để mặc con, vì đời con chỉ là hơi thở” (G 7, 16)
Hưởng thụ hiện tại tối đa vì ngày mai sẽ chết.
Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Ðức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr. 15, 19). Tại sao đáng thương? Vì đạo Chúa dạy ta từ bỏ hưởng thụ những thú vui trên đời, nhưng lời dạy đó sẽ chỉ là trò bịp bợm nếu quả thực chết rồi là hết. Những khái niệm linh hồn bất tử, thưởng công phạt tội chỉ có ý nghĩa trong viễn tượng kẻ chết sẽ được phục sinh mà thôi. Thánh Phaolô viết tiếp:” Nếu kẻ chết không chỗi dậy thì chúng ta cứ ăn cứ uống đi vì ngày mai chúng ta sẽ chết” (l Cr. 15, 32).
Lẫn tránh.
Thái độ thứ ba được nhà tư tưởng Pascal của Pháp nói tới: đa số người đời không muốn trực diện với vấn đề sự chết vì nó vượt quá sức mình, nhất là vì nó quá bi đát, nên họ lẫn tránh vào trong đủ thứ “tiêu khiển”. Cái mà Pascal gọi là tiêu khiển (divertissement) bao gồm không những vui chơi, ăn uống, tiền tài, danh vọng, nhục dục mà ngay cả lòng say mê làm việc, hoạt động, chinh phục, chiến tranh v. v. Oâng viết:”Ðôi khi tôi để ý suy xét về các thứ lo toan của loài người cũng như những mối hiểm nguy và nỗi nhọc nhằn mà họ liều dấn mình vào, nơi triều đình, trong chiến tranh, từ đó sinh ra biết bao tranh cãi, biết bao đam mê và những công trình táo bạo và lắm khi xấu xa v. v., tôi muốn tìm ra lý do tại sao. Lý do đó nằm trong sự khốn cùng tự nhiên của thân phận yếu đuối và hay chết của chúng ta . Nếu ông vua không còn thú tiêu khiển nào, ông ta cũng khốn khổ và còn khốn khổ hơn người rốt hết trong đám thần dân của ông khi anh này được ăn chơi, tiêu khiển. Thú tiêu khiển mang lại thích thú cho ta và dẫn đưa ta tiến về cái chết một cách vô tư” (Les pensées)
Con người thời đại khoa học kỷ thuật.
Khoa học hiện đại đang hứa hẹn sẽ thực hiện giấc mơ bất tử cho con người bằng cách, chẳng hạn cất giữ những tế bào của một người đã chết đợi đến lúc muốn thì đưa họ trở lại cuộc sống. Nhưng xem ra giải pháp đó chỉ kéo dài cuộc sống, chứ không giải quyết được thực sự khát vọng sống vĩnh hằng của loài người. Công Ðồng Vaticanô II nhận xét:” Mọi cố gắng của kỷ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lo âu của con người: bởi vì đời sống sinh vật, dù có được kéo dài thêm đi nữa, cũng không thể thỏa mãn được khát vọng về một cuộc sống mai hậu đã được in sâu trong lòng con người “(Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 18). Ðiều đáng chú ý là văn minh vật chất càng cao, con người hện đại càng cảm thấy thiếu an toàn. Chối bỏ đức tin và niềm hy vọng Kitô giáo, nhiều người châu Aâu lại đi tìm an ủi trong sự tin tưởng vào thuyết luân hồi và đủ thứ niềm tin kỳ quặc, điều đó chứng tỏ họ đang mất phương hướng ...
Sống là học cho biết chết (Platon).
Ðại triết gia Hy Lạp Platon đã kể lại cuộc đối thoại của Socrate với các đồ đệ về vấn đề linh hồn bất tử, ngay trong tù, trước giờ ông phải uống thuốc độc kết liễu đời mình, theo bản án của quan toà. Socrate nói cái chết đó sẽ là một cuộc mạo hiểm đẹp. Nó chẳng có gì phải sợ. Linh hồn là bạn của những thực tại thường hằng, siêu việt. Chết là trở về với thế giới vĩnh cữu, chân thật, nơi nó đã phát xuất. Ngay khi còn sống, triết gia cũng không gắn bó với thế giới vô thường, khả giác, chỉ sử dụng nó cho mức tối cần mà thôi. Còn lúc làm triết lý, tức là khi đi tìm kiếm cái chân, thiện, mỹ đích thực, ông càng dứt với nó, càng tiến gần đến cùng đích hơn. Ðối với triết gia, sống là tập cho biết chết.
Chấp nhận cái chết như một tất yếu.
Một cách khác để chiến thắng nỗi sợ chết là chấp nhậân nó như một tất yếu theo định luật tự nhiên. Ðó là chủ trương của các triết gia Khắc Kỷ (Stoiciens) thời Cổ đại. Cá nhân ta sẽ tan biến nhưng thiên nhiên (cái toàn thể) sẽ vẫn tồn tại. Con người là một phần của thiên nhiên. Thiên nhiên có lý trí (rationalité, lý tính) bằng chứng là nó có trật tự, có tổ chức, có những qui luật nhờ thế mà ta có thể hiểu được nó. Con người có lý trí, nhờ tham dự vào lý tính phổ quát ấy. Vậy luật sống cho con người là sống phù hợp với thiên nhiên. Mà cái chết là một qui luật tự nhiên nên ta phải chấp nhận nó cách tự do và lúc đó ta sẽ được an bình, thư thái.
Chết là phi lý nhưng vẫn cố gắng sống hữu ích.
Luồng triết học nổi tiếng của thế kỷ 20, mệnh danh là chủ nghĩa Hiện sinh, tập trung sự suy tư vào thân phận bi thương của kiếp người. Nó luôn nhấn mạnh tới tính hữu hạn và “dang dở” của đời người, mà cái chết là bằng chứng rõ nhất và cuối cùng. Chính vì cái chết chấm dứt cuộc đời một cách tàn bạo và ngược lại với tất cả những gì tốt đẹp mà con người khao khát và cố gắng thực hiện trên đời, mà triết gia Camus (Ca-muy) đã đưa ra thuyết cuộc đời là phi lý, vô nghĩa vì chẳng dẫn tới đâu và đầy mâu thuẫn, không lối thoát. Logic mà nói, một cuộc đời như thế thì không đáng sống và chết mới là hợp lý. Tuy nhiên, Camus lại chủ trương: cần phải sống, phải chiến đấu, phải ra sức mang lại một chút ý nghĩa, một chút ánh sáng cho cái thế giới (cuối cùng là) vô nghĩa này bằng tình liên đới, lòng nhân ái, công bình, sự hy sinh cho người nghèo khổ. Ðây là một thái độ anh hùng trong tuyệt vọng.
Thái độ của người Kitô hữu dựa trên thái độ và lời giảng dạy của Chúa Kitô.
Không bao giờ Người dửng dưng trước đau khổ và cái chết. Bao lần Người đã động lòng thương xót và ra tay giúp đỡ những người nghèo khổ, người đau ốm, tàn tật, kẻ bị khinh dể, bỏ rơi hoặc cô thân cô thế. Người đã không cầm được nước mắt trước cảnh một bà goá tuyệt vọng đi theo sau quan tài của đứa con một của bà, và Người đã làm cho nó được sống lại. Cũng thế, Người đã rơi lệ khi đến viếng mộ của Lazarô, bạn của Người mới mất, và Người cũng đã lấy quyền năng thần linh làm cho anh được hồi sinh.
Trước cuộc tử nạn của chính mình, Người lo buồn, sợ hãi đến vã mồ hôi máu ra. Trên thập giá, trong nỗi cô đơn cùng cực, Người đã thốt lên với Cha Người: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Ðức Giêsu là Thiên Chúa làm người, nhưng không phải là anh hùng, không phải là siêu nhân. Những phản ứng nói trên của Người trước đau khổ và cái chết là phản ứng tự nhiên của một con người bình thường, và Người đã muốn chia sẽ trọn vẹn thân phận của con người trong mọi sự, chỉ trừ tội lỗi. Nhưng sau phản ứng tự nhiên khởi đầu, Người luôn luôn lấy lòng tin yêu đối với Cha Người để vượt thắng sợ hãi và cái chết, để thi hành thánh ý Chúa Cha, và Người đã chết an bình trong tay Cha. “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”, đó là lời cuối cùng của Người trước lúc từ trần. Nơi Người, tình yêu đối với Chúa Cha và với đồng loại luôn luôn là tiếng nói cuối cùng. Chính là nhờ đi cho tận cùng thân phận con người vì tuân hành ý Chúa Cha mà Người đã được phục sinh. Phục sinh không phải là hồi sinh theo kiểu Lazarô, phục sinh là đi vào một cuộc sống mới hoàn toàn, vừa liên tục với cuộc sống trước vừa vượt hẳn lên trên, là vào vương quốc của Tự do, Bình an, Công bình và Yêu thương vĩnh cữu. Vì thế, Ðức Kitô phục sinh đã vĩnh viễn chiến thắng tội lỗi và sự chết.
Người Kitô hữu đặt tất cả niềm hy vọng của mình vào sự phục sinh của Chúa Kitô. Người phán với bà Matta đang tuyệt vọng vì Lazarô em bà mới mất:” Em con sẽ sống lại Chính Thầy là sự sống và là sự sống; ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống; ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Con có tin thế không?”(Ga 11, 23-26). Niềm tin vào Ðức Kitô không cất đi tính bi đát của cuộc đời hay nỗi sợ hãi tự nhiên trước cái chết, nhưng nhờ lòng tin đó, người Kitô hữu không còn coi đau khổ, thử thách và ngay cả sự chết là phi lý, vô nghĩa hoặc bất khuất nữa, như Giáo Hội tuyên xưng trong kinh Tiền tụng I của thánh lễ cầu cho tín hữu đã qua đời: “Chính Ðức Kitô khơi dậy nơi chúng con niềm hy vọng sống lại hiển vinh, để dù có buồn sầu vì số phận phải chết, chúng con vẫn được ủi an, bởi Cha đã hứa ban phúc trường sinh bất diệt”. Như vậy, chết chỉ là cửa ngõ đưa vào cuộc sống sung mãn.
Theo niềm tin Kitô giáo, cuộc đời thành tựu là cuộc đời sống và chết vì tình thương, mà tình thương cao cả nhất, đó là hy sinh cho hạnh phúc của kẻ khác như Ðức Kitô đã nêu gương. “Vậy nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô bí ẩn về về đau khổ và sự chết được sáng tỏ, bí ẩn đó đè bẹp chúng ta nếu chúng ta không biết đến Phúc Âm. Chúa Kitô đã sống lại nhờ sự chết của mình. Người đã hủy diệt sự chết và Người đã ban cho ta dồi dào sự sống để nhờ được làm con cái Thiên Chúa, chúng ta kêu lên trong Thánh Thần: Abba, Cha ơi!” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 22). Tiếng nói cuối cùng thuộc về sự sống, không phải sự chết.