của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Lc 19,1-10
Ông Dakêu là một người thu thuế và là một người giàu có. Xin đừng ai thắc mắc do đâu mà ông ta giàu? Ðừng hỏi: Có phải ông đã làm giàu bất chính nhờ nghề nghiệp không? Cho dù ông có giàu phất lên một cách bất thường đi nữa nhưng nếu ông không “thành khẩn” tự khai ra thì đừng hòng tìm được chứng cớ hiển nhiên nào về sai phạm của ông. Ông sẽ có thể trả lời rằng nhờ vợ ông đã tần tảo buôn bán, hoặc gia đình ông đã có lần trúng số độc đắc chẳng hạn.
Thật ra, đối với ông Dakêu, nếu như đồng bào ông còn chịu thắc mắc hay chất vấn ông thì vẫn còn là điều may mắn! Ðàng này không ai buồn nói tới hạng người như ông nữa! Họ khinh dể ông, loại trừ ông, coi ông chẳng hơn gì các cô gái gái điếm (x. Mt 21,31-31). Chỉ nguyên một việc ông làm nghề thu thuế, mà lại thu thuế cho đế quốc Rôma, là đủ lý do để kết luận ông là bất lương, là tội lỗi xấu xa, khỏi cần bằng chứng nào khác.
Nhưng ông cũng biết rằng trong đồng bào ông còn có một người không hề khinh dể và lên án ông và các đồng nghiệp của ông, hơn nữa còn có lúc công khai bênh vực. Người đó là Ðức Giêsu. Chẳng phải Người đã chọn ông Lêvi, một nhân viên ngành thuế như ông làm môn đệ đó sao (Mt 9,9)? Ông rất muốn có dịp nhìn thấy con người kỳ lạ này.
Lần kia, biết Người sắp đi ngang Giêricô quê hương ông, Dakêu ra xem, nhưng vì dân chúng quá đông mà ông lại lùn, nên ông leo lên một cây sung để nhìn cho rõ. Ðường đường một người “đứng đầu những người thu thuế”, nghĩa là một công chức có địa vị, nhưng ông vẫn không sợ mất mặt (hay nói như đồng bào ông: “Có gì đâu nữa mà mất!”). Việc ông một mình ngất nghểu trên cây, tách khỏi đám quần chúng, có thể tượng trưng cho tình trạng ông bị loại trừ khỏi cộng đồng.
Rồi một điều không thể tưởng tượng nổi đã xảy ra. Khi Ðức Giêsu tới cây sung, Người ngước mắt lên nhìn ông và nói: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Mình có nghe sai không nhỉ? Không! Nhà tiên tri đang chờ mình thật đây mà! Thế là ông vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón rước Người.
Ta thử tưởng tượng đám dân chúng đang hăm hở đi theo Người đã bị một cú sốc như thế nào. Cả những kẻ vốn rất khâm phục Người cũng xì xầm: “Nhà người tội lỗi mà cũng vào trọ!” Xì xầm, tức là phản đối nhưng không ra mặt. Là vì theo quan niệm chung, ai giao du với người tội lỗi sẽ bị nhiễm uế (x. Lc 5,29 ; 7,34 ; 15,2).
Bài tường thuật của thánh Luca không nói tới bữa tiệc ông Dakêu thết đãi Ðức Giêsu, nhưng chắc chắn là có vì Người không chỉ “ghé chơi cho biết nhà” nhưng còn trọ lại nữa. Và đó phải là một bữa tiệc linh đình, có đông bạn bè trong ngành thuế tham dự, giống như ông Lêvi đã làm trước kia (x. Lc 5,29). Bởi vì ông Dakêu vui sướng, hạnh phúc không thể tả. Như thế là mình vẫn được nhìn nhận, vẫn còn phẩm giá! Ðừng hiểu lầm ông: ông không muốn nói rằng ông cảm thấy được khuyến khích tiếp tục cuộc đời xấu xa, tội lỗi nếu như quả thực mình là như thế trước mặt Thiên Chúa. Không! Trái lại, dù vị Thượng khách này không đả đụng gì tới đời ông, nhưng chính lòng nhân từ tỏa sáng, chính hành động cao cả của Người lại thức tỉnh lương tâm ông còn hơn là vô vàn lời chỉ trích hoặc trăm ngàn bài giảng luân lý.
Không phải bốc đồng, nhưng từ đáy lòng ông cuộn lên một niềm sám hối mãnh liệt khiến ông cất tiếng thưa với Chúa: “Thưa Ngài, này đây phần nửa tài sản tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Ông Dakêu tự buộc mình làm một việc đền bù rộng rãi phi thường, vượt xa mức đòi hỏi của luật lệ. Ðiều ấy chứng tỏ ông đã thật lòng hoán cải và hơn nữa ông biết mình đã được tha thứ và cứu độ. Chính Ðức Giêsu xác nhận như thế khi Người phán: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này”.
Câu chuyện về ông Dakêu cho tôi thấy rằng thái độ lên án và tẩy chay thường chỉ khiến người có tội thu mình lại và càng dễ dấn sâu hơn vào con đường sai trái của mình; chỉ có một thái độ tích cực có thể giúp họ hồi tâm hoán cải, đó là cởi mở, cảm thông, kính trọng và tùy hoàn cảnh mà nhắc nhở hay sửa dạy với đầy lòng yêu mến.
Cuộc hoán cải của Dakêu cũng tự nhiên bắt tôi nghĩ về cách thực hành Bí tích Hòa giải của chúng ta. Chúng ta quen nói “toà giải tội”, “linh mục ngồi toà”, “tòa cáo giải”... Tòa nói đây, theo giáo lý thì đúng là toà án: có tội nhân, có “quan tòa” là cha giải tội, có bản cáo trạng mà tội nhân tự đọc lên và sau đó “quan tòa” tuyên án và ra hình phạt. Có điều ở đây việc tuyên án luôn luôn là một lời xá tội và hình phạt thường chỉ là một việc đền tội nhẹ nhàng nào đó.
Quan niệm việc đi xưng tội như một việc ra toà, cứ lý thì không sai nhưng nếu quá nhấn mạnh khía cạnh này sẽ rất nguy hiểm. Khi vào “tòa”, thật ra ta không gặp một ông quan tòa cho bằng gặp một Ðấng là Thiên Chúa hằng yêu mến ta, đã chịu nạn, chịu chết và phục sinh cho ta. Khi còn ở trần gian, Người đã luôn tỏ lòng thương xót cách riêng đối với những người bị loại trừ, bị khinh dể, bị lên án. Người chẳng ngại dư luận hay thù ghét khi đích thân lui tới với những người bị coi là tội lỗi đáng khinh, thậm chí Người còn ăn uống với họ nữa. Người nói Người đến thế gian để cứu vớt “những gì bị hư hỏng” và “trên trời sẽ vui mừng khôn xiết khi một người tội lội ăn năn, hối cải”.
Hình như Giáo Hội cứ sợ nhấn mạnh quá vào lòng từ bi của Chúa hơn sự “công thẳng” của Người, sẽ khiến người ta dễ dàng lạm dụng. Cha mẹ hiền từ quá, e rằng con cái lên mặt. Nhưng làm sao lại gọi là “quá” khi ta biết rằng tình thương ấy vượt lên trên hết mọi sự loài người chúng ta có thể nghĩ tới hay mơ tới? Loài người chúng ta có khuynh hướng lấy cách thức hành động của mình gán cho Thiên Chúa.Tôi nghĩ ngược lại nên nhấn vào tình thương vô biên của Chúa, và giáo dục đức tin thế nào cho tín hữu cảm nghiệm được tình yêu ấy, lúc đó họ sẽ dễ dàng nhận ra tội lội của mình hơn, họ sẽ hiểu rằng phạm tội là phạm tới tình thương Chúa, chứ không chỉ đơn giản là vi phạm một điều cấm hay điều buộc, tự nó vốn là vô hồn. Tội lỗi trong quan niệm Kitô giáo không hoàn toàn như quan niệm của loài người trong các xã hội.
Cũng “cứ lý” mà nói thì xưng tội phải là việc vui mừng vì có gì hơn là được bày tỏ tâm hồn với Chúa và đón nhận ơn tha thứ, ơn hòa giải của Người? Nhưng thực tế, đa số người tín hữu chúng ta ngại đi xưng tội, và không ít người thật sự sợ hãi. Rất nhiều người xưng tội có vẻ máy móc... Tại sao? Chắc chắn câu trả lời không đơn giản. Chúng ta vui mừng vì số người đi xưng tội vẫn còn rất đông trong các giáo xứ chúng ta, nhất là vào các dịp lễ trọng. Phải chăng vì thế mà các vị chủ chăn vẫn an tâm và chưa thật sự cảm thấy cần thiết phải xem xét lại để “cải tiến” mục vụ Bí tích Hòa giải?