của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Chúng ta luôn có nhu cầu được sống an toàn, nhưng Chúa cảnh giác chúng ta rằng có những an toàn giả dối đe doạ làm hỏng cuộc đời chúng ta.
Tiền bạc của cải là cần thiết song dùng nó để làm gì: đó là vấn đề. Trong Tin Mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu kể dụ ngôn về nhà phú hộ kia làm ăn phất lên đến độ không còn biết chất hoa lợi ruộng nương vào đâu nữa, phải phá những cái lẫm cũ, xây những cái kho trữ mới rộng lớn hơn. Của cải cất giữ an toàn rồi, ông ta tự nhủ: “Hồn tôi hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Nhưng Thiên Chúa bảo ông: “Đồ ngốc! Nội đêm nay ngươi sẽ chết, thì những gì người sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”. Và Chúa Giêsu kết luận: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (x. Lc 12, 16-20).
Chúng ta không thể sống mà không có những sự an toàn. Của cải, tài năng, sức khoẻ, sắc đẹp, công ăn việc làm ... là vô cùng quý giá, nhưng dù sao đó cũng chỉ là phương tiện phục vụ cho cái gì cao cả hơn như sự sống, tình yêu, hạnh phúc cho mình và cho kẻ khác. Tất cả sẽ trở thành giả dối khi ta cho rằng có nó rồi là đủ, là như đã đạt mục đích cuộc đời. Đặt tất cả đời ta vào trong những phương tiện như thế rõ ràng là dại dột, nhưng không dễ gì nhận ra khi ta đang ở trong cuộc.
Về chuyện này, chúng ta có vô số kinh nghiệm. Kinh nghiệm của cả một xã hội như những trận động đất, những cuộc chiến tranh tàn phá, là hai cuộc di cư năm 1954 và năm 1975 đối với đông đảo đồng bào ta chẳng hạn. Kinh nghiệm riêng tư: có thể là một tai nạn, một cuộc hoả hoạn, một trận lũ quét, một trận dịch cúm gà, v. v. Mọi an toàn của ta bị quét sạch đi trong nháy mắt.
Ngoài những an toàn vật chất, dân Chúa còn bị cám dỗ đặt tin tưởng vào những cái “dù” to tướng là những an toàn tôn giáo. Ông Gio-an Tẩy Giả rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê, kêu gọi người ta sám hối để đón nhận ơn cứu độ mà Đức Kitô sắp mang tới cho họ. Khi thấy những người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Sa-đốc đến (những nhà tôn giáo được coi và tự coi là “tiêu biểu” trong đạo Do Thái), ông cứng giọng răn đe: “Các anh hãy sinh hoa kết quả xứng với lòng sám hối, và đừng tưởng có thể nghĩ bụng rằng: 'Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham'. Vì tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh hoa kết quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3, 8-10). Tương tự như thế, Chúa có thể nói với ta hôm nay rằng ta đừng tưởng mình đã an toàn trước mặt Chúa chỉ vì ta đã chịu phép rửa tội, là con cái Hội Thánh, hơn nữa là giáo dân nhiệt tình..., hay vì ta là linh mục, là tu sĩ, là những người thánh hiến cách riêng cho Chúa.
Có lẽ cũng nên nhắc lại một kinh nghiệm thật đau xót của dân Chúa trong Cựu Ước. Bị quân Phi-li-tinh đánh bại, dân Ít-ra-en liền rước Hòm Bia Giao Ước từ Si-lô về đặt giữa trại, hy vọng rằng có Hòm Bia mình sẽ lại thắng quân địch và được an toàn, nhưng họ vẫn bại trận và tệ hơn nữa, chính Hòm Bia cũng bị quân Phi-li-tinh cướp mất (x. I Sm 4, 1-10). Về sau, Hòm Bia rồi cũng quay lại được với Ít-ra-en và cuối cùng được đặt trong đền thờ Giê-ru-sa-lem cho đến năm 586 thì bị quân địch phá hủy cùng với đền thờ. Hòm Bia và Đền thờ Giê-ru-sa-lem là hai biểu tượng vừa tôn giáo vừa chính trị lớn nhất, linh thiêng nhất của dân Ít-ra-en, nhưng khi chúng chỉ còn là biểu tượng trống rổng, bị coi như là một thứ bùa thay thế cho tâm tình tôn giáo đích thực là lòng trung thành với Giao Ước, thì có thiêng đến đâu, tự chúng cũng không cứu nổi họ!
Chúng ta đều biết có những tai hoạ đè bẹp con người nhưng cũng có những tai hoạ hữu ích và, về những mặt nào đó còn cần thiết cho ta nữa. Chúng có thể là lời cảnh cáo, lời cảnh tỉnh, hay một sự bó buộc ta phải rời bỏ một chân trời hẹp hòi để nhìn tới những chân trời xa hơn, bỏ một trật tự ta lầm tưởng là vĩnh viện, một thế giới bề ngoài là hấp dẫn nhưng kỳ thực đã nên rổng tuyếch hay mục nát rồi để bắt đầu lại một cái gì mới, khám phá ra những giá trị mới. Ngẫm nghĩ về việc vua Na-bu-cô-đô-nô-xo phá huỷ Giê-ru-sa-lem cùng với Hòm Bia, dân Ít-ra-en trong cuộc lưu đày đã nhận ra rằng tôn giáo của mình trước đây đã trở nên hình thức và hẹp hòi, họ ngộ ra rằng nơi đâu cũng phải tìm kiếm Thiên Chúa, và Người là Đấng siêu việt, không thể bị con người nhốt vào trong một nơi chốn hay một dân tộc nào. Đó là chuyện Cựu Ước.
Còn về Tân Ước, ta hãy nghe tác giả Lu-ca tường thuật: Sau khi phó tế Tê-pha-nô bị giết, một cuộc bắt đạo dữ dội xảy ra cho Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem; ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri. Chính những người này lại là những kẻ tiếp sức cho các Tông Đồ loan báo lời Chúa cho những nơi họ lánh nạn (x. Cv 8, 1-4). Tôi nghĩ tới những anh chị em tín hữu chúng ta, sau ngày 30-4-1975, phải đi vùng kinh tế mới hay bỏ thành phố tìm về sống ở những vùng xa, vùng sâu; chính họ mang đạo Chúa tới những nơi mà bình thường không biết đến bao giờ mới có mặt được.
Thánh Lu-ca còn nhắc lại lời Chúa Giêsu nói rằng tai hoạ của kẻ khác cũng có thể sinh ích lợi cho ta. Đó là trường hợp những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đó cũng là trường hợp mười tám người bị tháp Si-lô-e đổ xuống đè chết. Thiên hạ bàn tán với nhau rằng những kẻ xấu số kia là những con người tội lỗi bị Chúa trừng phạt. Đức Giêsu bảo những người đến kể lại hai câu chuyện thời sự đau thương đó cho Người nghe: “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu ăn năn sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy “(Lc 13, 4-5).
Còn chuyện của chúng ta ngày nay thì sao? Vô số chuyện. Chỉ gợi ý với hai trường hợp thôi. Cuộc “giải phóng” năm 75 đã là tai hoạ giáng xuống biết bao người khi họ phải đi học tập cải tạo. Nhưng chúng ta biết rằng rất nhiều những sĩ quan chế độ cũ đã thực sự “tu tỉnh” lại đời sống đức tin của mình hoặc đã xin trở lại đạo, trở thành những Kitô hữu gương mẫu qua chính những năm tháng thử thách ấy. Trường hợp thứ hai đơn giản hơn nhưng rất thường gặp trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay: hai vợ chồng lao đầu vào làm ăn, say sưa với công việc làm giàu, còn con cái thì bỏ mặc cho nhà trường và xã hội, trừ ra tiền bạc và tiện nghi thì họ cung cấp không thiếu thứ gì; sau ít năm, họ đã là những con người thành đạt về nghề nghiệp và đời sống vật chất, họ cảm thấy mãn nguyện, cho đến một ngày đẹp trời, công an bất ngờ đến báo cho họ biết thằng con trai mà họ nghĩ là đang học năm cuối đại học lâu nay đã là thành viên một nhóm ăn chơi phá phách và vừa tham gia vào một vụ giết người. Một tiếng sét bên tai. Một thế giới sụp đổ. Và họ bắt đầu mở mắt ra...
Ta đang sống với những an toàn thật hay những an toàn giả dối?