của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Thiên Chúa đã xuống thế làm người.
Khi đọc lại các sách Phúc âm kể lại đời sống của Chúa Giêsu, ta có thể ngạc nhiên tại sao người Do Thái đã không nhận ra Chúa là Thiên Chúa nhập thể, là vị Cứu thế mà họ hằng khao khát, đợi chờ? Nhưng tôi tin chắc rằng nếu chính chúng ta sống vào thời của Chúa, hầu hết chúng ta cũng đã không nhận ra Người. Vì Chúa đến, không kèn không trống, không cổng chào đón tiếp, không vòng hoa trao tặng, nhưng âm thầm và bình thường như phần đông nhân loại. Thánh Luca kể rằng khi Chúa ra đời có ánh sáng chan hòa, có hằng hà sa số thiên thần ca ngợi tung hô dậy đất trời… Song đó chỉ là một cách diễn tả thần học có mục đích làm nổi rõ nguồn gốc và sứ mệnh siêu việt của Hài nhi Bê-lem. Còn sự việc thực sự đã xảy ra thì khiêm tốn, tầm thường lắm, nếu không thì chắc hẳn thiên hạ đã rần rần kéo nhau đến thờ lạy và mở tiệc liên hoan rầm rộ rồi. Thánh Gioan đã nêu bật tính bi đát của biến cố Giáng sinh khi viết: “Người đã đến trong nhà mình nhưng người nhà đã không tiếp nhận” (Ga 1,11).
Khi cha mẹ Người mệt nhọc đến Bê-lem, hai ông bà đã đi tìm quán trọ. Phúc âm kể rằng không còn chỗ cho họ trong quán nữa. Không còn chỗ cho họ vì sao? Suy nghĩ cách bình thường, ta có thể cho rằng tại vì họ chậm chân quá, các quán trọ đã đầy khách rồi. Song cũng có thể vì chủ quán thấy họ nghèo nàn, quê kệch nên muốn dành chỗ cho những khách xộp hơn, thanh lịch hơn. Cha mẹ của vị Cứu tinh mà như thế thì ai mà nhận ra cho được chứ?
Chắc về sau, khi danh tiếng Ðức Giêsu đã lừng lẫy rồi, chủ quán đã tiếc rẻ: “Phải chi mình đã cho hai ông bà trú đêm hôm ấy, thì quán trọ của mình nay đã trở thành di tích lịch sử nổi tiếng, thu hút đông đảo khách hành hương tới viếng thăm, tha hồ mà hốt bạc!” Và ông trách móc Ðức Mẹ và thánh Giu-se: “Giả như hai người đã đàng hoàng hơn, sang trọng hơn chút xíu, và tốt nhất là họ chịu nói cho mình biết họ là ai thì đâu đến nỗi phải trú đêm trong một hang lừa khốn nạn như thế? Tiếc! Rất tiếc là mình đã bỏ lỡ một vinh dự đón tiếp cha mẹ nhà Tiên tri. Lẽ ra họ đã ký tên vào sổ vàng gia đình mình rồi! Nhưng tại hai người hết, nên mới có cơ sự này”.
Tại hai người ư? Không! Tại Chúa đấy chứ! Tại Chúa muốn làm người như đại đa số nhân loại. Tại Chúa muốn làm người hèn mọn, nhỏ bé, đói rách. Nhưng nói thế không có nghĩa là phủi tội cho ta.
Chúa đã đến và đang dùng mọi cách cho ta nhận ra Người, chỉ tại ta nặng tai, lơ đễnh, nhắm mắt làm ngơ, hoặc chỉ muốn nhìn thấy những gì hợp với tư tưởng và ước vọng của mình thôi. Ðối với ta, cách thức Chúa tỏ mình ra cho ta kỳ quặc quá. Ta muốn Chúa uy nghi sáng láng để không ai có thể cưỡng lại được. Còn Chúa thì ẩn mình trong một con người và một cuộc đời giống như mọi người. Con bác thợ mộc đấy mà! Ðồng bào của Người đã từng nói như thế về Người để giải thích tại sao họ không thể tin vào Người. Ta muốn Chúa đến một cách “thuần túy là Chúa”, không lấp lửng, không mập mờ. Chúa ra Chúa, người ra người. Còn Chúa thì tỏ mình ra qua các dấu hiệu. Mà đã là dấu hiệu thì vừa che vừa mở, có thể giải thích theo nhiều nghĩa. Một nụ cười có thể bị coi là mỉa mai hoặc được xem là đưa tình tùy theo tâm trạng của người nhìn nụ cười ấy. Ðến như các phép lạ Chúa làm, tuy được quần chúng đơn sơ tán thưởng nhưng vẫn bị những kẻ chống đối cho là phù phép ma quỉ. Nhưng Chúa đã không muốn dùng phương tiện nào khác ngoài các dấu hiệu để đến với loài người. Thân xác của Chúa là một dấu hiệu. Lời ăn tiếng nói, thái độ, cử chỉ, hành động của Chúa là những dấu hiệu. Cho nên Người đã trách người đương thời: “Các ngươi biết coi điềm trời để đoán thời tiết, tại sao không coi các điềm thời đại để biết rằng Nước Thiên Chúa đã đến?”. Ðiềm thời đại mà Ðức Giêsu nói tới đây là những dấu lạ Người làm, lời giảng dạy chân thật đầy uy quyền của Người, niềm khát vọng giải phóng nóng bỏng của quần chúng, sự “tuột dốc” của các nhà lãnh đạo tôn giáo v.v.
Loài người chúng ta luôn luôn có một mơ ước thầm kín là vượt ra khỏi những giới hạn của kiếp làm người. Ta không muốn mãi mãi phải làm ăn cực nhọc, phải lắng lo toan tính, phải buồn sầu vất vả, khỏe rồi bệnh, được rồi mất, gần rồi xa, phải lệ thuộc thời gian nghĩa là phải lớn lên, trưởng thành, già nua và chết. Khi yêu, ta muốn thời gian ngừng trôi. Khi vui, ta muốn niềm vui kéo dài mãi mãi. Nhưng đâu có được! Niềm mơ ước thầm kín này tự nó là tốt. Người Công giáo coi đó là dấu hiệu của Thiên Chúa tuyệt đối trong con người. Nhưng sẽ là tai họa cho ta nếu không chấp nhận thân phận làm người của mình. Ta muốn đi đường tắt, còn Chúa nhập thể lại muốn đi từ từ, từng bước một, từng cảnh ngộ một của cuộc sống làm người. Chúa cũng sinh ra, lớn lên, cũng ăn, cũng học, cũng vui, cũng buồn, cũng đau khổ và hy vọng…, cũng đổ mồ hôi để sinh sống. Ma quỉ đã cám dỗ Người hãy lấy uy quyền vô hạn của Thiên Chúa để gieo mình từ nóc đền thờ xuống mà “không hề hấn chi” và để biến đá thành cơm ăn khi đói mà chẳng cần một chút khó nhọc nào. Dưới chân thập giá mấy chú lính Do Thái đã khiêu khích: “Nếu là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá cho bọn tao tin!” Chúa đã có thể làm như thế vì Người là Thiên Chúa, nhưng bởi Người là Thiên Chúa nhập thể làm người, cho nên Người đã không muốn làm như họ mong chờ, vì như thế là làm người “theo con đường tắt”.
Vì có khuynh hướng không chấp nhận thân phận làm người có giới hạn và những điều kiện nhập thể của loài người là những cái bị coi là không tốt hoặc không nên có, nên chúng ta thường chỉ nhận ra sự cao cả thật sự của các bậc thánh nhân khi họ không còn sống giữa chúng ta. Tại sao? Tại vì sự cao cả, thánh thiện của họ lắm khi không hiển nhiên nhưng bị che khuất, bị giới hạn bởi cuộc sống thể lý của họ. Tại vì ta nghĩ rằng thánh mà cũng ăn, cũng ngủ, cũng vui buồn, cũng có lúc bực bội, nóng nảy, có thể cũng còn một vài thói quen kỳ dị… thì chưa phải là thánh. Tại vì ta quan niệm rằng thánh thiện là phi thường, siêu thoát, xa cách, không còn giống phàm nhân nữa. Bởi vậy thường phải đợi đến khi người ta chết rồi, nghĩa là đã thoát khỏi điều kiện vật chất của cuộc sống rồi, ta mới dễ dàng nhận ra cái tốt, cái “thánh” của họ. Ðức Giêsu Kitô đã đảo lộn quan niệm thông thường này. Nơi bản thân mình, Người đã cho thấy rằng: cao trọng có thể ở trong nhỏ bé, thánh thiện trong bình thường, vô biên trong giới hạn.
Biết bao lần ta đã phải thốt lên, như người chủ quán ở Bêlem xưa: “Phải chi… Phải chi…” Phải chi tôi đã đối xử tử tế hơn với ông ta một chút. Té ra ông ta là một người tốt. Phải chi tôi đã tích cực tiếp tay với bác ấy trong1úc gặp khó khăn. Nay mới biết bác ta là một bậc tài đức… Cứ thế, cuộc đời ta đầy những tiếng tiếc nuối “phải chi”, những tâm tình tiếc nuối “phải chi”, cho tới ngày Chúa đến phán xét ta: “ Xưa Ta đói, ngươi đã không cho ăn, khát, ngươi đã không cho uống, Ta rét, ngươi không cho mặc v.v.” Và lúc ấy, nhiều kẻ trong chúng ta sẽ lại ngạc nhiên, rồi tiếc rẻ và hối hận. “Nếu biết vậy thì…” Nhưng cũng tại Chúa cả thôi. Sao không nói rõ ràng cho chúng tôi biết? Chúa đã nói rồi đấy! Cứ mở Phúc Âm ra thì biết. Nhưng Chúa muốn nói gì thì nói, ta vẫn không muốn nhìn nhận những con người cụ thể, bằng xương bằng thịt mà ta gặp gỡ hằng ngày là chính Chúa được. Họ “thường” quá. Họ tệ nữa là khác. Ta còn nghĩ rằng thời đại này không thể là thời đại của ơn cứu độ được; xã hội này không thể là nơi cho Chúa hiện diện và Nước Chúa lan rộng được. Nó tội lỗi quá, hồ đồ quá, vật chất quá. Ðó là điều ta vẫn thường tự nhủ bởi vì ta vẫn đòi hỏi cái “thuần túy”. Nhưng ta lầm.
Chúa đang đến với ta hằng ngày. Qua Giáo Hội, qua các Bí tích, qua Lời Chúa, qua anh chị em đồng loại ta, nhất là qua những người nghèo hèn, thấp cổ bé miệng. Chúa đến qua các biến cố lớn nhỏ đang xảy đến với ta, chung quanh ta, trong xã hội, trong thế giới. Vẫn âm thầm, kín đáo, lờ mờ, ẩn náu, như xưa kia ở Bê-lem, Na-za-ret và Pa-lex-tin. Chúa sẽ chẳng nói thẳng với ta, chẳng bảo đảm với ta là Người đang đến hiển nhiên nơi này, nơi kia.
Một người Công giáo Việt Nam hôm nay phải tìm gặp Chúa tại đây, trong cái xã hội cụ thể mà mình đang sống -- ở trong nước hay ở ngoài nước -- với tất cả cái hay, cái dở, với tất cả những lo âu và hy vọng của nó. Nếu ta sống bên lề, sống hờ hửng, thoát ly, chắc chắn ta sẽ bị hụt mất cuộc hẹn hò với Chúa, vì Chúa không ở đâu xa, trong những diều kiện tinh tuyền, thuần túy: thuần túy tốt lành, thuần túy trong sạch, tuần túy tinh thần, thuần túy tôn giáo … Muốn thuần túy, chúng ta phải sang bên kia thế giới, nhưng lúc đó thì quá muộn rồi.
Sứ điệp Giáng sinh thật “thực tế” và đòi hỏi ta gắt gao chừng nào! Giáng sinh không phải chỉ là thơ mộng, màu sắc, âm thanh mơn trớn hay tình cảm dạt dào chóng qua. Hài nhi Giêsu trong hang đá đã chẳng biết gì là thơ mộng cả. Người đã nếm biết cái lạnh, cái đói, cảnh nghèo hèn, tủi nhục, nhưng đồng thời cũng biết giọt sữa ấm của mẹ hiền, lòng thương cảm của những kẻ chăn chiên…, nghĩa là Người đã biết những điều kiện làm người như ta. Chúa không còn là “Thiên Chúa thuần túy” nữa, bởi đó Người đã gần gũi với ta và nâng ta lên với Người. Và nhờ Người, con người cũng không còn “thuần túy” là người nữa.