của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Ngày Tết của Việt Nam luôn luôn có một ý nghĩa gia đình rất sâu đậm. Dù đi làm ăn nơi xa hoặc rất bận bịu, người ta vẫn cố gắng về quê ăn Tết. Chúng ta có một tập tục hết sức tốt đẹp là ngày xuân gia đình đoàn tụ, con cái chúc tuổi cha mẹ, học trò chúc tuổi thầy cô, kẻ dưới chúc tuổi kẻ trên, bà còn hoặc bạn bè thăm viếng nhau. Ngày Tết không những liên kết người sống với nhau mà còn liên kết người sống với người chết, con cháu với ông bà tổ tiên đã từ trần. Nhiều người có thói quen đi tảo mộ những ngày trước Tết. Người ta tin rằng dịp đầu năm ông bà tổ tiên về sum họp với con cháu. Niềm tin đó có tác dụng rất tích cực là giúp người sống luôn luôn nhớ tới cội nguồn của mình, sống hiếu thảo và cố gắng ăn ở xứng đáng với giòng họ mình.
Có lẽ bà con Việt kiều vì ở xa quê và sống trong một nền văn minh quá đề cao tự do cá nhân đến độ thường coi các nghĩa vụ và ràng buộc gia đình như những trở ngại cho cá nhân, nên càng thấy rõ hơn rằng tinh thần gia đình và đạo hiếu là những nét đẹp cao quý của nền văn hóa Việt Nam. Nhưng hiện nay, ngay ở trong nước, do đường lối mở cửa và đổi mới, ảnh hưởng của văn hóa Tây phương đang tràn vào và bắt đầu tác hại trên nhiều gia đình. Ly dị, tự do tình dục, hôn nhân thử, đĩ điếm, phá thai, ma túy… là những tệ nạn đang gia tăng trong các đô thị và bắt đầu lan ra một số vùng thôn quê.
Từ lâu Giáo Hội Việt Nam đã Kitô giáo hóa Tết Nguyên đán bằng cách đưa nó vào Phụng Vụ. Mấy năm gần đây, sách Phụng Vụ soạn ra những Thánh lễ với những bài đọc riêng - rất đẹp - cho từng ngày mùng một, mùng hai và mùng ba Tết. Ngày đầu tiên hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi như “nguồn cội của mọi nguồn cội”, và cầu bình an và phúc lộc cho cả năm; ngày thứ hai kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ; ngày cuối cùng nhìn ra cuộc sống thường ngày sắp bắt đầu lại để cầu xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm.
Thời tôi còn ở Quận I Tp Sàigòn, trong nhiều năm liền, mỗi sáng mùng một Tết, ngay sau Thánh Lễ, tôi đều đến gia đình một cha Dòng Phanxicô bậc đàn anh đã qua đời năm 1975, để nối tiếp một tục lệ tốt đẹp người thường làm lúc sinh thời: đó là chủ sự một cuộc cầu nguyện ngắn cùng với toàn thể gia đình bà mẹ (người cha đã mất), con cái, dâu rể, cháu chắt tụ họp trước bàn thờ Chúa. Ðại khái, buổi cầu nguyện bắt đầu bằng một bài hát và kết thúc với một lời nguyện, đôi khi là một “lời nguyện giáo dân” do cha mẹ sọan ra cho các em nhỏ đọc; giữa hai phần đó, tôi gợi ý cho họ nhớ lại những ân huệ Chúa ban để cảm tạ; xét mình về những lầm lỗi thiếu sót để xin tha thứ, những xích mích bất hòa trong gia tộc, nếu có, để thực lòng hòa giải, và cuối cùng dâng năm mới lên Chúa, cầu xin Chúa chúc lành và ban ơn phúc cho mỗi người. Sau đó, bà cụ chủ nhà và tôi ngồi xuống nhận lời chúc tuổi do “tộc trưởng” nói thay cho mọi người, ông này cũng mừng tuổi cho các thành viên khác, rồi bà cụ lì xì cho các cháu nhỏ trước khi chúng tôi nếm chút bánh mứt và ly rượu xuân. Tôi nghĩ việc làm này vừa có ý nghĩa tôn giáo vừa có ý nghĩa giáo dục tích cực.
Cũng vậy, việc Phụng Vụ dành riêng ngày mùng hai Tết để tưởng nhớ và cầu cho gia tiên cùng các bậc sinh thành, dưỡng dục chúng ta, cũng mang hai ý nghĩa như thế; nó vừa củng cố lòng tin kính Chúa vừa hun đúc lại nơi ta, nhất là nơi các thế hệ trẻ, lòng hiếu thảo, tình nghĩa gia đình và ý thức về giòng tộc của mình. Trong dịp Tết, nghe nói có giáo xứ tổ chức mừng tuổi cho các cụ phụ lão ngay tại nhà thờ một cách rất trang trọng. Những sáng kiến như thế đều đáng tán thưởng và nhân rộng.
Trong chiều hướng hội nhập văn hóa như trên, từ mấy chục năm nay Giáo Hội Việt Nam đã cho phép người Công Giáo được lập bàn thờ tổ tiên trong gia đình và hôm sớm được dâng hương hoa, đèn nến và vái lạy theo phong tục để tỏ lòng hiếu thảo. Có một thời Giáo Hội cấm việc đó, sợ rằng đức tin yếu kém của chúng ta sẽ đặt tổ tiên ngang hàng với Chúa, hay ít nhất cũng coi các người như những thần thánh phải thờ phượng. Ngày nay, Giáo Hội thấy rõ - và chúng ta cũng hiểu - rằng việc tôn kính tổ tiên không phải là một hành vi tôn giáo đúng nghĩa nên không còn lý do để ngăn cấm nữa. Song có lẽ vì đã bỏ mất thói quen lâu đời nên đại đa số tín hữu chúng ta không sốt sắng hưởng ứng phép ấy. Treo chân dung người quá cố trong nhà thì thỉnh thoảng còn thấy (dĩ nhiên đối với những bậc gia tiên còn có ảnh, nghĩa là chưa phải là xa xưa lắm), khá hơn thì đặt thêm hai ngọn nến và một bình hoa bên cạnh, nhưng dựng một bàn thờ tổ tiên đúng nghĩa là điều họa hiếm. Song như thế cũng đã là một tiến bộ lớn so với thời chưa được phép thờ kính tổ tiên. Ngày nay hầu như không còn người Công Giáo nào do dự thắp hương vái trước di ảnh một người quá cố hay trước một quan tài, nhưng trong thâm tâm họ vẫn như ái ngại khi đặt một bàn thờ nào khác trong nhà bên bàn thờ Chúa (và Ðức Mẹ) mà hầu như gia đình nào cũng có. Cho nên trong công tác mục vụ, các cha xứ cũng ít khi nhắc nhở, khuyến khích giáo dân về việc này.
Dù sao, thiển nghĩ điều quan trọng nhất không phải là ở chỗ có hay không có một bàn thờ tổ tiên. Nếu tôi không lầm thì không phải gia đình ngoài Công Giáo nào cũng có một bàn thờ như thế. Ðiều quan trọng là người Công Giáo chúng ta tỏ lòng hiếu thảo với tổ tiên không những bằng việc tưởng nhớ tới các người trong kinh lễ, - một việc mà chúng ta làm hằng ngày và chắc không mấy ai ngoài công giáo sánh kịp - nhưng còn biết diễn tả lòng hiếu thảo ấy theo những tập tục tốt đẹp của văn hóa dân tộc nữa. Ðiều này được xúc tiến khá mạnh kể từ Công đồng Vatican II. Nếu ngày nay vẫn còn những đồng bào cho rằng một khi đã theo đạo Công Giáo, người ta buộc phải lơ là với ông bà tổ tiên, nghĩa là coi thường đạo hiếu, thì đó rõ ràng là một hiểu lầm hoặc một thành kiến từ thời xa xưa còn lại.