của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Trước khi từ biệt các Tông Đồ, Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về Chúa Thánh Thần.
Sau bữa tiệc ly, Người đã tâm sự rất lâu với các môn đệ, và Người quyến luyến họ biết bao! Người thương yêu họ còn phải ở lại giữa trần gian thù nghịch với một nhiệm vụ nặng nề! Người xúc động thực sự khi nói tới cuộc sống đang chờ các Môn Đệ yêu dấu của mình.
Nhưng Chúa Giêsu quả quyết Người không bỏ các Môn Đệ mồ côi, Người sẽ ban Chúa Thánh Thần cho họ: Thánh Thần sẽ dạy dỗ và nhắc nhở các ông tất cả mọi điều Người đã nói (Ga 14,16), sẽ dẫn đưa họ đến chân lý sung mãn (Ga 16,13-15), và Thánh Thần sẽ làm chứng cho Người (Ga 16,7-11)
Từ nay Chúa Giêsu sẽ không còn hiện diện và hoạt động với thân xác hiện hữu nữa nhưng với Thần Khí của Người, và đó là một sự hiện diện và hoạt động sâu xa mạnh mẽ hơn, không có gì giới hạn nổi.
Có người đã chia lịch sử cứa độ ra ba thời kỳ: thời Cựu Ước là thời kỳ của Chúa Cha, tiếp đến là thời kỳ của Chúa Con, và từ ngày lễ hiện xuống đầu tiên đến tận thế là thời kỳ Chúa Thánh Thần.
Sự phân chia đó sẽ sai lạc nếu người ta hiểu một cách tuyệt đối và đối chọi các thời kỳ ấy với nhau, như thể là thời kỳ Cựu Ước không có Chúa Con và Chúa Thánh Thần hoặc thời Chúa Thánh Thần (thời của Giáo Hội) không có Chúa Cha và Chúa Con.
Sự thật là thời đại của Giáo Hội cũng là thời Chúa Giêsu hiện diện và hoạt động bởi Thánh Thần, mà Chúa Thánh Thần cũng là bởi Đức Chúa Cha đồng thời cũng bởi Chúa Giêsu.
Chúa Thánh Thần quả thực là linh hồn của Giáo Hội và cũng là nguyên lý của sự sống và hoạt động siêu nhiên nơi mỗi người tín hữu. Rất tiếc là chúng ta ít để ý tới Chúa Thánh Thần, biết ít về Chúa Thánh Thần và ít cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.
Để dễ hiểu và hình dung được phần nào vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống của ta, hãy so sánh Chúa Thánh Thần với một người mẹ hiền. Đây là một sự so sánh hoàn không xa lạ trong thần học. Có thể nói trong Ba Ngôi thì Ngôi Nhất giống như người cha gia đình, Ngôi Hai là người con và Ngôi Ba là bà mẹ.
Bí tích Rửa Tội đã làm cho chúng ta trở nên con cái Cha trên trời, dẫn chúng ta nhập vào gia đình của Thiên Chúa. Là con của Chúa Cha, chúng ta cần phải nhờ Chúa Thánh Thần là thần linh con thảo của Đức Kitô phù trợ.
Bí tích Thêm Sức đã làm cho chúng ta đủ sức để nên con cái trưởng thành của Chúa Cha.
Nhưng thực tế, đó là một quá trình phấn đấu vươn lên không ngừng nhờ năng lực mà bí tích Thêm Sức đặt vào trong chúng ta, nhưng hiện thời chúng ta chỉ là một hài nhi yếu ớt bé bỏng. Chúng ta là một người phàm, sinh ra ở trần gian và được hưởng sự sống làm con ưu ái của Cha trên trời, tức là vượt sức tự nhiên của chúng ta vô cùng, chúng ta giống như một hài nhi lượm được ngoài đường, được đưa vào cung điện nhà vua, trong khung cảnh sống hoàn toàn xa lạ, cái gì cũng mới, cái gì cũng phải học. Từ cách ăn mặc, tác phong đi đứng cho tới ngôn ngữ nói năng cũng như tư tưởng, tâm tình.
Chính nhờ Chúa Thánh Thần mà chúng ta được chăm sóc, dạy bảo như người mẹ lo cho đứa con thơ.
1/ Trong gia đình trần gian, người mẹ đóng vai trò rất quan trọng là dạy cho hài nhi biết cha mình. Tiếng đầu tiên người mẹ dạy cho con mình là tiếng “ba”. Thánh Phaolô cũng đã viết về Chúa Thánh Thần: “Quả vậy ai được nhận Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa, vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận, không phải là thần khí làm cho anh em thành nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: Áp-ba!” (Rm 8,14-15). “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Áp-ba, cha ơi” (Gl 4,6).
2/ Trong gia đình trần gian, người mẹ cũng là người dạy cho hài nhi biết các anh các chị của nó.
Chúa Thánh Thần cũng đóng vai trò tương tự. Trong bài giảng sau tiệc ly, Chúa Giêsu đã nói với các Tông Đồ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến […], Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,12-14).
Đúng thế. Chúng ta chưa thấy Đức Giêsu là anh cả chúng ta bao giờ, chỉ nghe nói về Người, đọc hết các lời nói việc làm của Người trong Phúc Âm mà nhiều khi không hiểu ý nghĩa ra sao. Ngay các Tông Đồ xưa khi còn sống với Chúa Giêsu cũng không hiểu, mà phải nhờ Chúa Thánh Thần xuống soi sáng dạy dỗ cho mới hiểu được. Chúng ta cũng phải nhờ Chúa Thánh Thần dạy dỗ như thế.
3/ Nhưng vai trò liên lỉ của người mẹ là chăm sóc hài nhi đêm ngày, vì hài nhi còn măng sữa rất đễ bị tổn thương, người mẹ phải bao bọc, giữ gìn và chữa trị. Hài nhi cũng không tự mình chăm sóc mình nổi, từ ăn mặc, tắm rửa, đến đi đứng, nói năng đều cần đến bà mẹ.
Trong lời kinh của Lễ Hiện Xuống, Giáo Hội nhắc tới mấy việc tương tự của Chúa Thánh Thần đối với chúng ta: Xin thanh luyện lòng dơ bẩn, xin thấm nhuần tâm trí khô khan, xin băng bó tâm hồn lâm nạn.
Trong đời sống làm con Chúa Cha, có những việc chúng ta không thể tự làm cho đầy đủ, thì Chúa Thánh Thần ban các ơn của Người để giúp chúng ta có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa và lớn lên xứng với người con thảo.
Tóm lại: trong gia đình Thiên Chúa, trong cuộc đời làm con Thiên Chúa và làm môn đệ (làm em) của Đức Kitô, chúng ta không thể tự mình làm được gì cả, mà luôn luôn phải nhờ Chúa Thánh Thần như người mẹ hiền lo lắng cho con thơ.
Là luôn luôn ngoan ngoãn, vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Chúng ta không phải làm điều gì khác ngoài việc để cho Người tự do hành động, tự do uốn nắn, tinh luyện, chỉ dạy cho ta như Ngươi ưa thích.
Có thể mượn hình ảnh dân Chúa đi trong sa mạc xưa. Từ khi họ ra khỏi xứ Ai Cập bước vào sa mạc cho tới khi vào Đất Hứa, Chúa đã dùng cột mây che nắng họ ban ngày và cột lửa soi sáng họ ban đêm. Cột mây và ngọn lửa ấy luôn luôn hướng dẫn toàn dân, họ cứ việc vâng theo hoàn toàn: dừng lại khi cột ấy dừng lại, ra đi khi cột ấy lên đường. Họ không đi trước nhưng luôn luôn theo sau và không lìa xa bao giờ.
Đối với Chúa Thánh Thần chúng ta cũng phải vâng theo như vậy.
Đời sống thiêng liêng của ta cũng có thể ví như chiếc thuyền buồm. Chiếc thuyền muốn lướt sóng mà đi thì phải căng buồm đón gió, chính gió làm cho nó chuyển động. Cũng thế, Chúa Thánh Thần là gió mà chúng ta phải đón nhận và ta cũng chỉ phải làm một việc duy nhất là đón nhận tác động của Người.
Chúa Thánh Thần muốn chúng ta đón nhận mọi sự soi sáng và thúc đẩy của Người, hoàn toàn ân cần đón tiếp những gợi ý của Người, cho dù là nhỏ nhặt nhất.
Nếu chúng ta sống như thế, thì dần dần chúng ta được biến đổi, được thấm nhuần tinh thần siêu nhiên và có được những tâm tình, tư tưởng và hành động phù hợp với Phúc Âm Chúa Giêsu.
Có những người sau nhiều năm tu luyện, siêng năng đọc kinh rước lễ, nhưng đời sống của họ vẫn thấy hoàn toàn tự nhiên. Khi bị ai quở trách hay làm mất lòng mình một chút, họ liền tỏ ra bực tức, kêu la, quát tháo, khác xa với phản ứng của Chúa Giêsu. Trái lại nếu biết để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thì sau bấy nhiêu năm, họ phải có những phản xạ của con người siêu nhiên, phải có một thứ bản năng “thiêng liêng” ăn sâu vào nếp sống nếp nghĩ và họ sẽ phản ứng hoàn toàn siêu nhiên.
Tập luyện sống theo Chúa Thánh Thần phải hết sức chăm lo dùng mọi cách để càng ngày càng biết vâng theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Chẳng hạn.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến đổi mới Giáo Hội, và đổi mới tâm hồn con!