của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng như người ta quen gọi, nhưng đúng ra phải gọi là dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu,--là của riêng thánh Luca (Lc 15,11-31) và là một trong những trang đẹp nhất của Tân Ước. Câu chuyện được kể rất dễ hiểu và ý nghĩa của nó cũng khá rõ ràng.
Các nhà thuyết giảng thường nhấn mạnh tới đứa con thứ để kêu gọi người nghe ăn năn sám hối, nhưng người anh của nó không có gì để hoán cải sao? Anh ta không cần phải “trở về” với cha mình sao?
Trước hết, anh ta nổi giận và không chịu bước vào nhà, sau khi ở ngoài đồng về và được biết bên trong đang có yến tiệc linh đình mừng thằng em hoang đàng mới trở về. Anh ta giận ai? Chắc không phải giận em. Hắn còn gì đáng cho anh ta phải bận tâm tới nữa? Nhưng anh ta giận cha, bất bình với cách xử sự của ông. Đó là một sự bất công tầy đình, làm sao chịu nổi? Tôi cần được nghe ông ấy giải thích. Và quả thực người cha đã phải đích thân ra năn nỉ, xin anh ta vào. Bấy giờ anh ta cũng tự biện minh. Không phải vô cớ mà con tức giận. Hầu hạ cha bao nhiêu năm trời, chưa hề trái lệnh cha bao giờ, thế nhưng chưa khi nào cha cho con một con dê con để vui vẻ với bạn bè. Cha nghe rõ chứ? Một con dê con thôi, chứ nói gì tới con bê, nhất là bê béo! Còn thằng con của cha đó, tên ngỗ nghịch, bất hiếu, đàng điếm kia thì ... Lời giải thích của anh ta rõ ràng là một lời trách móc, đồng thời cũng là một lời kể công và một lời tố cáo người cha bất công. Và anh ta không dấu nổi niềm tự phụ của mình khi tự sánh với em. Giữa thằng đó và con, ai hơn ai? Ai đáng thưởng hơn ai?
Người cha dịu dàng trả lời: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con”. Nếu của cha là của con thì cha chẳng chịu ơn con, việc con làm cho cha cũng là làm cho con đó thôi! Kể lể công lênh, tức là đã tự mình tách ra khỏi địa vị làm con để rơi vào vị trí của một người làm thuê rồi. Hoá ra lâu nay đứa con cả vẫn coi cha mình như một ông chủ, còn mình chỉ là người đầy tớ hầu hạ, sẵn sàng thừa hành mọi mệnh lệnh của ông, như chính anh ta đã nói. Anh ta nghiêm túc, luôn làm đầy đủ mọi bổn phận mình, sòng phẳng, đâu ra đó, khó bắt lỗi anh ta được điều gì. Nhưng chỉ có thế. Với tâm trạng đó, làm sao anh ta cảm thấy tất cả niềm vui và hạnh phúc lớn lao vì luôn được ở với cha mình. Qua một cuộc sống mực thước, đàng hoàng, có vẻ ngoan ngoãn, anh ta chưa thật sự sống tâm tình của người con đối với cha, và vì thế cũng chưa bao giờ coi thằng út như một đứa em. “Thằng con của cha đó”, anh ta nói như thế với cha về đứa em. Mỉa mai và cứng cỏi biết bao! Thế thì có gì lạ khi anh ta không thể hiểu nổi niềm vui của cha: “Chúng ta phải ăn mừng và hoan hỉ vì em con đây (không phải “thằng con của cha đó” đâu nhé!), nó đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy”. Trong toàn bộ câu chuyện này, chúng ta không tìm ra được một chút tình nơi người con cả đối với em và cả với cha cũng thế. Anh ta ở trong nhà cha mà hành xử như một kẻ ở ngoài.
Thái độ anh ta làm cho chúng ta nghĩ ngay tới người Pha-ri-sêu “đạo đức” trong Dụ ngôn Người Pha-ri-sêu và người thu thuế (Lc 18, 9-14). Hãy lưu ý tới những chi tiết trong bài mô tả của thánh Lu-ca: Người Pha-ri-sêu “đứng riêng một mình” trong đền thờ. Đứng riêng. Có thể thêm: Phía trước, vì tác giả Luca, khi nói về người thu thuế, nhấn mạnh rằng anh ta đứng tận đằng xa. Và chắc chắn là ngẩng cao đầu, đầy tự tín. “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Những điều người Pharisêu này kể lể, --cũng giống như những lời giải thích của người con cả, đều đúng hết. Làm được bấy nhiêu việc năm này qua năm khác cũng đáng nể đấy chứ! Đấy là những bổn phận mà giáo phái Pharisêu buộc ông ta phải làm, và cho đó là một bảo đảm để được coi là người công chính, mà đã là công chính thì đương nhiên đáng được Thiên Chúa ban thưởng. Chuyện sòng phẳng thôi! Và quả thực đây là một bảng thành tích hơn là một lời cầu nguyện.
Trong lúc đó thì người thu thuế đứng tận đằng xa, không dám ngước mắt lên trời, vừa đấm ngực vừa cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Anh này cũng đứng riêng ra--”đằng xa”-- nhưng vì thấy mình bất xứng, chứ không phải vì ý thức mình vượt xa “bao kẻ khác”. Anh ta ra trước mặt Chúa với một bảng thành tích âm (nếu nói được như thế), tức là tội lỗi. Vì thế anh ta không dám ngước mắt lên trời, chỉ biết trông chờ vào lòng thương xót của Chúa mà thôi.
Đức Giê-su kết luận: chính người thu thuế khi trở xuống mà về nhà, đã được nên công chính, còn người Pha-ri-sêu thì không.
Đọc bài Phúc Âm này, chúng ta thấy mình giống ai trong hai người con? Chắc đa số người Ki-tô hữu chúng ta không cho rằng mình là đứa con thứ hoang đàng, ngỗ nghịch. Ta chưa phải là thánh, nhưng cũng còn “thường bậc trung”, không đến nỗi sa đoạ như thế. Phải chăng chúng ta gần với người anh cả hơn? Có lẽ ta không chấp nhận thái độ và lập luận của anh ta, (nhất là của người Pha-ri-sêu) như được phơi bày “huỵch tẹt” ra như trên, nhưng một cách rõ ràng hay mơ hồ, ta vẫn thường suy nghĩ và hành động giống như anh ta. Cách sống đạo của chúng ta lắm khi chỉ là tuân giữ một số những bổn phận bề ngoài, và cảm thấy yên lòng một khi đã làm xong những nghĩa vụ ấy. Còn tiến tới sâu hơn trong tình yêu đối với Chúa và với anh em, chưa chắc là mối bận tâm thường xuyên của ta. Đạo của ta phải chăng còn vụ hình thức quá, vụ luật lệ quá, là một thứ “đạo nhà thờ” và “đạo lập công”? Có những việc đạo đức vốn rất tốt lành, đáng phổ biến, như tôn sùng Trái Tim Chúa Giê-su các ngày thứ sáu đầu tháng hoặc kính Đức Mẹ các ngày thứ bảy đầu tháng ..., nhưng một cách cổ vũ nào đó trong Giáo Hội dễ tạo ra não trạng pha-ri-sêu nơi tín hữu, khi người ta quá nhấn mạnh vào phần thưởng kèm theo, và thậm chí lời bảo đảm phần rỗi linh hồn cho những ai trung thành thực hiện những việc ấy.
Thành thực mà nói chúng ta cũng cảm thấy cách đối xử của người cha đối với đứa con út có cái gì quá đáng. Tôi tưởng tượng: ngay cả những người láng giềng hay những người bàng quan khi biết chuyện, họ cũng xì xầm. Có lẽ họ không nhấn mạnh khía cạnh bất công như đứa con cả, nhưng họ cho rằng cái ông cha này thiếu khôn ngoan trong việc giáo dục con cái. “Thương con thì thương, vui mừng thì cứ vui mừng, nhưng tới mức đó thì không được! Một vừa hai phải thôi chứ!”- “Ông ta mềm quá, yếu quá làm con cái nó khinh. Hoặc nó lợi dụng. Thằng đó cùng đường mới mò về, chứ rồi được ít lâu lại cuỗm mớ tiền của bố ra đi bụi đời cho mà xem. Phải nghiêm chớ!”- “Đúng! Đáng lý phải phạt cho hắn ta một trận đã. Hay ít nhất cũng phải từ từ để thử lòng nó ít lâu xem sao đã. Ngọt ngào với nó như thế ngay từ đầu, thằng ranh đó sẽ coi uy quyền của mình ra cái gì nữa”.
Tất cả những lý sự trên đều là thường tình cả. Nhưng bài dụ ngôn nói về ai? Về Thiên Chúa. Và ta không thể hiểu nổi cách cư xử của Người với con người nhất là người tội lỗi, khi ta lấy khái niệm công bằng hay khái niệm khôn ngoan của nhân loại ra đối chọi với lòng nhân hậu vô biên của Người. Lòng nhân hậu ấy vượt xa cách suy nghĩ và cách làm thông thường của chúng ta. “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương ...Người không cứ tội ta mà xét xử, Không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, Tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao; Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, Tội ta phạm, Chúa cũng ném thật xa”. Đó là lời Thánh vịnh 102, nghĩa là của Cựu Ước. Ngay trước thời Ngôi Hai nhập thể làm người để nói đầy đủ cho ta về Thiên Chúa Cha, thì Kinh Thánh Cựu Ước cũng đã nói được những lời rất lạ lùng như thế về cõi lòng của Thiên Chúa. Huống hồ là Tân Ước.
Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8) Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một cho thế gian... (Ga 3,16) Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5,48) Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ (Lc 6,36). Nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự (1 Ga 3,20)...
Những lời như thế phải là kim chỉ nam cho đời sống đạo của ta, nghĩa là cho cách thức chúng ta liên hệ Thiên Chúa, với tha nhân và với chính bản thân. Xét mình theo tiêu chuẩn này, chúng ta sẽ hiểu và cảm thấy mình luôn luôn phải trở về, phải sám hối.