của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Cuộc tiếp khách xảy ở làng Bê-ta-ni-a gần Giê-ru-sa-lem. Khách là Ðức Giê-su, chủ nhà là hai chị em cô Mac-ta và Ma-ri-a, họ là các bà chị của anh La-za-rô. Gia đình này là bạn thân của Ðức Giê-su. Mac-ta và Ma-ri-a đều ân cần đón tiếp Chúa, nhưng mỗi người theo một cách. Cô Ma-ri-a chăm chỉ hầu chuyện khách, trong lúc cô Mac-ta thì hoạt bát, chạy ra chạy vào rối rít lo dọn bữa đãi khách. Một người phục vụ bằng đôi tai nghe, người kia bằng hai tay làm việc. Nếu chỉ có thế thì có lẽ chẳng có gì để nói thêm. Ðằng này cô chị Mac-ta lại đến thưa với Ðức Giê-su: “Thưa Thầy, em con nó để một mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay”.
Tôi cứ tưởng mỗi người một việc như thế là do phân công, hóa ra không phải. Hay là bà chị có tính lanh chanh, chỉ nói để nói thôi, nói để cho người ta chú ý tới mình thôi, -(xin lỗi bà thánh!) - nhưng chắc cũng không đúng. Bởi lẽ câu trả lời của Chúa nghiêm nghị quá. Nếu Mac-ta chỉ nói do tính lanh chanh thì hẳn là Người phải hiểu rõ chứ vì Người vốn là bạn của gia đình này. Vậy thì câu nói của cô Mac-ta là một lời trách cô em, đồng thời cũng là một cách kể công và khoe mình quan trọng. Ngoài ra, nếu khách nhạy cảm, khách còn có thể coi đó như một lời trách khéo đối với chính mình. Nhưng Chúa từ tốn đáp lại: “Mac-ta, Mac-ta ơi, con lo lắng bận rộn nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy mất “.
Người ta thường giải thích câu nói của Chúa Giê-su như một sự đề cao việc chiêm niệm trên sự hoạt động. Theo cách giải thích này thì Mac-ta tiêu biểu cho đời sống hoạt động và Ma-ri-a tiêu biểu cho đời sống chiêm niệm. Trên thiên đàng người ta sẽ chẳng còn hoạt động gì nữa mà chỉ còn chiêm ngắm Thiên Chúa trong niềm hạnh phúc vĩnh cữu vô biên mà thôi. Như thế Ma-ri-a đã đạt tới cùng đích của đời sống Ki-tô-hữu, cho dù chỉ là trong chốc lát ngắn ngủi giữa cuộc hành hương dưới thế này. “Phần hơn” của cô là ở chỗ đó. Có Chúa rồi, “chiếm hữu” được Chúa rồi thì còn gì hơn nữa? Nhưng có phải ý chính của bản văn Phúc Âm là như thế không?
Ta không biết cô Mac-ta đã phản ứng thế nào vì sách Tin Mừng không kể tiếp câu chuyện. Nhưng nếu hai cách thức phục vụ của Mac-ta và của Ma-ri-a đối chọi nhau và người ta cần phải chọn lựa cách của Ma-ri-a, tức là ngồi yên một chỗ để nghe lời Chúa nói, thì chắc chắn đại đa số người Ki-tô hữu sẽ cảm thấy khó chịu và sẽ nói: “Kiểu sống của Ma-ri-a không phù hợp với chúng tôi chút nào cả! Chúng tôi xin để phần tốt nhất cho ai khác, cho tu sĩ dòng kín chẳng hạn, còn chúng tôi đành phải chọn cái phần dở hơn vậy! Thực tế cuộc sống chúng tôi rất bận rộn; chúng tôi không có thời giờ ngồi dưới chân Chúa; chúng tôi muốn cầu nguyện nhiều hơn, dự thánh lễ hằng ngày, đọc Kinh Thánh hoặc sách báo đạo đức nhiều hơn… Nhưng cuộc sống không cho phép”. Một người nào đó sẽ còn sắc bén hơn: “Mà nói cho cùng, vai trò chúng tôi không thể thiếu được. Không có chúng tôi, liệu các nhà chiêm niệm sẽ ăn gì, mặc gì? Và giả sử tất cả mọi người Ki-tô hữu đều 'chiêm niệm' như cô Ma-ri-a cả, thử hỏi còn ai mà đi truyền giáo, ai mà lo giảng dạy, ai chăm sóc bệnh nhân, ai phục vụ người nghèo khổ v.v.?”
Nhưng Chúa Giê-su đâu có đối chọi Ma-ri-a với Mac-ta về cách thức tiếp đón của họ. Chúa có nói lời nào trách móc Mac-ta đâu. Công việc của cô tốt và cần lắm chứ! Bởi vì khi vào nhà các bạn mình, Chúa cũng cần được phục vụ bằng thức ăn, của uống, nước rửa tay chân, nhà cửa sạch sẽ, mát mẻ… Chúa đã lên tiếng chỉ vì Mac-ta muốn cho rằng việc nấu nướng dọn dẹp của cô là rất quan trọng và Ma-ri-a nên để Chúa “chịu khó” ngồi một mình mà giúp cô một tay.
Ðối với Chúa Giê-su, cả hai cách phục vụ, cả hai lối sống của Mac-ta và Ma-ri-a đều cần thiết và bổ túc cho nhau trong điều kiện đời sống hiện tại ở trần gian. Ðiều Người muốn nhắc cho Mac-ta ở đây là: Việc cốt yếu nhất đối với người môn đệ là nghe lời Người và đem ra thực hành. Muốn làm gì thì cứ làm; thích làm thật nhiều thì cứ làm cho nhiều nhưng đừng bao giờ vì lo lắng bận rộn công việc mà quên đi Ðấng là trung tâm của đời mình, Ðấng mà mình phải vâng nghe và tôn vinh trong mọi sự. Chính Người sẽ mang lại cho đời sống và hoạt động của ta ý nghĩa và tính thống nhất cao cả nhất. “Mọi sự thuộc về anh em, còn anh em thuộc về Ðức Ki-tô và Ðức Ki-tô thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3,22-23).
Trong nhiều đoạn Phúc Âm, Chúa Giê-su cũng nói tới điều quan trọng nhất, cần thiết nhất: ”Phúc cho ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,28) ”Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21. x.Mt 12, 46-50; Mc 3, 31-35).
”Ðừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? …Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 25.33). Tính ưu tiên ở đây không phải là ưu tiên về thời gian (làm cái này trước rồi làm cái kia sau) hay số lượng (làm “việc Chúa” nhiều, làm “việc đời” ít) v.v. nhưng ưu tiên về giá trị.
Khi chúng ta quét tước, giặt giũ, nấu nướng, khi chúng ta đi chợ, làm việc bổn phận ở trường học, ở xí nghiệp, nơi chợ búa, trên đồng ruộng …, nếu chúng ta tận tình làm việc cho đẹp lòng Chúa, nghĩa là như Chúa muốn, thì ta vẫn đang chọn phần tốt nhất như cô Ma-ri-a bởi vì chúng ta vẫn đang qui chiếu về Chúa, đang lắng nghe lời Chúa và thi hành thánh ý Chúa về đời mình. Thánh Phao-lô dạy: “Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31). Hoạt động là tốt, nhưng ai cũng biết hoạt động có thể làm cho ta phân tâm, phân tán, quên mất cái cốt yếu, và hời hợt. Mac-ta đã muốn làm việc phục vụ Chúa nhưng vào một lúc nào đó, cô để cho công việc thu hút đến nỗi hầu như quên mất đối tượng của công việc mình.
Kinh nghiệm cho ta biết có rất nhiều cách tiếp khách. Có cách vồn vã, có cách lạnh nhạt; có cách thực lòng, có cách giả dối; khi thân tình, lúc xã giao; có lúc ngồi hàn huyên cả giờ không chán, nhiều khi lại chỉ mong mau mở cửa tiễn khách ra về. Bề ngoài mọi sự đều đàng hoàng cả nhưng thật là buồn tẻ. Cũng vậy, người ta có thể giữ đạo đầy đủ, không chê trách vào đâu được, nhưng không vì thế mà đã là gặp gỡ Chúa, đón tiếp Chúa thực sự vào nhà mình, vào đời mình. Mọi sự đều đầy đủ, chỉ thiếu mất điều cốt yếu là tấm lòng chúng ta.
Lời Chúa trong câu chuyện hai chị em Mac-ta và Ma-ri-a gợi lên cho ta nhiều kiểu đón rước Chúa, mà kiểu quan trọng nhất là lắng nghe lời Người. Ðể biết lắng nghe Chúa, chúng ta nên tập cho biết lắng nghe kẻ khác. Ðây không phải là chuyện dễ. Thử theo dõi một cuộc bàn cãi thì thấy… Nếu biết nghe thực sự thì biết bao cuộc cãi cọ, tranh chấp, xung đột sẽ không xảy ra. Muốn nghe kẻ khác, phải ra khỏi chính mình, quên mình đi, từ bỏ tính ích kỷ, kiêu ngạo, khoe khoang, nóng giận để chú ý tới người đang nói với mình. Và đó là một cách thực hành bác ái. Thiển nghĩ tậäp được thói quen đó có thể là bước chuẩn bị tốt cho ta sẽ dễ dàng lắng nghe lời Chúa hơn.
Bởi vì đón tiếp Chúa còn là biết nhận ra Người trong tha nhân, nhất là những người nghèo khổ, bé mọn: “Xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống, Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước…” (Mt 25 35). Ông A-bra-ham tiếp đón ba người khách lạ một cách hết sức ân cần vào một buổi trưa nóng nực. Lòng hiếu khách của ông đã được ban thưởng. Sau bữa ăn, khách đã báo cho ông và bà Sa-ra vợ ông một tin vui: “Ðộ này sang năm, ông bà sẽ sinh được một cháu trai nối giòng” (St 18,10). Thì ra ba người khách kia là chính Thiên Chúa mà lúc đầu ông bà không biết. Không biết mà vẫn đón tiếp như biết, nghĩa là như thể đón tiếp Chúa vậy.
Sau hết, đón tiếp Chúa còn là phục vụ. Mỗi người phục vụ theo cách của mình, theo khả năng của mình. Ma-ri-a thích trầm lắng, Mac-ta hoạt bát, năng nổ, Si-mon thì dùng sức lực vác đỡ thập giá Chúa, bà Vê-rô-ni-ca trao khăn cho Chúa lau mặt, ông Giu-se an táng Chúa… Cách phục vụ nào cũng tốt cả miễn là người ta làm nhiệm vụ mình cách khiêm nhường, quảng đại, vô vị lợi, tắt một lời, nếu người ta có lòng yêu mến.
Ðừng bỏ lỡ cơ hội nào mà không ân cần đón tiếp Chúa.
Test