của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Sự cao trọng của Đức Maria thì vượt lên trên hết các thiên thần và các thánh. Thật chúng ta không biết ca tụng Mẹ như thế nào cho vừa. Nhưng có một điều lạ: khi nhìn vào cách thức người Công giáo Việt Nam tán dương Đức Mẹ, tôi thường nhận thấy đó là những lời tán tụng vừa quá mức vừa bất cập. Sao lại có chuyện mâu thuẫn như thế?
Rất nhiều lời ca tụng là quá mức khi vô tình chúng ta đặt Đức Maria ngang hàng với Chúa Giêsu, ngang hàng với Thiên Chúa; và những lời ca tụng đó đáng lẽ chỉ phải dâng lên một mình Thiên Chúa mà thôi. Có những lời ta áp dụng cho Đức Mẹ mà cũng có thể áp dụng cho Chúa Giêsu và còn áp dụng một cách thích hợp hơn cho Chúa Giêsu, như khi ta hát:
“Vững chí chiến đấu vì Mẹ trong Mẹ,
Nước Mẹ thống trị, chiến sĩ lên đường mới”
Ngoài nước Chúa ra, ngoài sự thống trị của Đức Kitô ra, thọ tạo nào có một nước thống trị muôn đời?
Nhiều khi ta than thở : “Trên con đường về quê mà vắng bóng Mẹ, con biết cậy vào ai? Biết nương nhờ ai?” Tôi hiểu lắm, đó chỉ là một cách nói thôi, nhưng trong tình hình hiểu biết giáo lý của phần lớn giáo dân ta còn thấp, những cách diễn tả như trên dễ đưa ta sai lạc. Chỉ một mình Thiên Chúa là tuyệt đối. Và chắc chắn Mẹ sẽ không vắng bóng trong cuộc đời các con cái Mẹ ở trần gian vì lòng Mẹ lân tuất vô biên. Nhưng xét cho cùng, cho dù có mặt Mẹ hay không thì cũng không phải Mẹ là người cứu độ chúng ta, bởi chính Mẹ đã phải được cứu độ. Có những kiểu nói hàm hồ, nên tránh.
Lời ca tụng Đức Mẹ trong Giáo hội Việt Nam ta rất nhiều, có thể là rất đẹp nhưng vẫn thiếu sót khi xem Đức Mẹ chỉ là một nguồn cảm hứng cho hồn thơ, hồn nhạc, hay thậm chí cho những rung động tình cảm có vẻ ít nhiều trần tục. Ta nói nhiều tới trăng, sao, hương, hoa, suối, nhạc, phím đàn, nhưng ít khi đề cập đến các tước vị Đức Mẹ trong lịch sử cứu độ. Lời của ta nhiều khi thật trống rỗng! Ta nói nhiều tới cô đơn, đau khổ, nước mắt, rợn rùng của trần thế, chông gai ba thù, nhưng quá ít đề cập đến những nhu cầu đích thực của đời sống Kitô hữu chúng ta, đến những nhân đức cao cả của Đức Mẹ mà ta phải noi theo: lòng tin, cậy, mến, lòng dũng cảm, tinh thần phục vụ, phó thác, cầu nguyện, lắng nghe và thực hành Lời Chúa …
Có lần tôi vào một nhà giáo dân đạo đức. Vừa bước vào gian chính tôi đứng ngay trước một bàn thờ Đức Mẹ thật to và lộng lẫy mà không thấy thánh giá đâu. Có lẽ chủ nhà biết tôi không thích kiểu cách sùng kính quá đáng đối với Đức Mẹ, nên ông vội kể cho tôi nghe lời của một vị linh mục nói rằng bà thánh kia quả quyết: suốt đời Đức Mẹ đã luôn luôn bước đi trong ánh sáng Thiên Chúa và hằng có các thiên thần chầu chực phục vụ trên một con đường ngập hào quang … Tôi hiểu ý của ông, tuy không nói ra, nhưng ông dựa vào “uy tín” của một linh mục khác và một vị thánh để gián tiếp phê bình lập trường của tôi. Và tôi đã trả lời, đại ý là kiểu diễn tả đó có thể rất đúng nếu hiểu theo nghĩa “thiêng liêng” như một cách đề cao sự thánh thiện của Đức Mẹ là đấng đầy ân sủng, nhưng hiểu theo nghĩa hẹp thì sai, bởi lẽ chính Ngôi Hai Thiên Chúa là Con của Mẹ cũng đã bước đi trong thân phận con người, phải dò dẫm, phải chiến đấu, phải khóc lóc rơi lệ mà học cho biết vâng lời, như thư gởi cho giáo đoàn Do Thái đã viết. Huống hồ là Đức Mẹ!
Chúng ta có khuynh hướng chung là đẩy Đức Mẹ lên mức tối đa, ngang hàng với Thiên Chúa cũng được, ít nhất là càng xa với thân phận của chính chúng ta bao nhiêu càng hay bấy nhiêu và coi đó là cách ca ngợi đẹp lòng Mẹ nhất. Tôi tin rằng Mẹ sẽ buồn hơn vui, bởi vì lòng tôn sùng của ta ít hướng về việc sống noi gương Đức Mẹ.
Trong thông điệp Mẹ Đấng Cứu Thế của Đức Gioan Phaolô II, người nhấn mạnh đến đức tin của Mẹ: sự cao cả của Mẹ là ở chỗ tin, nhờ tin mới được làm Mẹ của Chúa Cứu thế, nhờ tin mới giữ được một chỗ có một không hai trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, nhờ tin mới trở thành người cộng tác một cách đặc biệt (nhưng vẫn là thứ yếu) vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu. Nhưng cũng là một lòng tin bị thử thách, có sáng, có tối, có trưởng thành dần dần theo định luật của ân sủng và của cuộc sống. Đức Thánh Cha nói tới “những đêm tối đức tin” trong đó Mẹ không hiểu rõ, không hiểu hết; chính nhờ thử thách mà đức tin của Mẹ trờ nên chín mùi và ngày thêm sâu sắc. Mà cũng vì tin, nên Mẹ thực sự là thành phần của Giáo Hội, Mẹ là người đầu tiên đã được hưởng trọn vẹn mọi hoa trái của ơn cứu độ do Chúa Giêsu: tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, tín điều Mẹ Hồn Xác Lên Trời đều căn cứ trên giáo lý đó.
Năm 1982, khi loan báo ý định về năm thánh cứu độ, Đức Thánh Cha nói: “Mẹ là đỉnh cao của ơn cứu độ; Mẹ gắn liền vào công cuộc cứu độ một cách bất khả phân ly, bởi vì Mẹ là Mẹ của Đấng Cứu Thế và là hoa trái cao quý nhất của ơn cứu chuộc. Thật vậy, Mẹ là người đầu tiên được cứu vớt bởi chính công nghiệp của Đức Kitô là con Thiên Chúa và là con của Mẹ…”
“Rõ ràng là sự cao cả của Mẹ không tách rời sự cao cả của Chúa Giêsu. Nhưng đàng khác , cũng rõ ràng là Mẹ gần gũi với chúng ta trong thân phận thọ tạo, đặc biệt trong đời sống đức tin…”
Một dấu hiệu khác về sự thiếu sót trong lòng sùng kính của giáo dân đối với Đức Mẹ là phần đông họ thích những chuyện ly kỳ, thích nghe theo những tin đồn phép lạ nơi này nơi kia hơn là những lời Chúa dạy trong Tin Mừng và những giáo huấn của Giáo Hội. Một lòng sùng kính lành mạnh chỉ có được trong một đức tin lành mạnh, vững vàng.
Chúng ta không biết ca tụng Đức Mẹ thế nào cho đủ, nhưng trong thực tế hiện nay, mặc dù đã có nhiều tiến bộ so với khoảng vài ba chục năm trước đây, tôi thiển nghĩ lòng tôn sùng của chúng ta có thể là dư mà vẫn chưa đủ. Dư vì quá nhấn mạnh vào những điều phụ thuộc hoặc có khi lại hàm hồ (dị nghĩa), và thiếu vì còn ít quan tâm tới những nội dung cốt yếu trong giáo lý của Hội Thánh về Mẹ Maria.