của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Khi nói về phương tiện và mục đích, người ta thường nhắc lại nguyên tắc đạo đức: mục đích không biện minh cho phương tiện, nghĩa là anh không được phép dùng bất cứ phương tiện nào để đạt tới mục đích, cho dù đó là mục đích tốt. Điều này là không thể bàn cãi. Còn một nguyên tắc khác nữa--không nhất thiết thuộc phạm vi đạo đức và cũng đôi khi được nói tới, là phương tiện phải tương xứng với mục đích. Nhưng đọc Phúc Âm tôi thấy điều này nhiều khi không được Chúa Giêsu coi trọng. Thử lấy vài thí dụ:
Khi lập nhóm Tông Đồ là những người sẽ nối tiếp công trình cao cả của mình, Chúa Giêsu đã không chọn những người mà xã hội bấy giờ đề cao nhưng là những con người bình thuờng có thể gặp trong bất cứ đám đông quần chúng nào, có người thậm chí bị dư luận coi là kẻ tội lỗi. Người đã rất vất vả để huấn luyện họ thành những môn đệ chân chính. Xét về quan điểm của Người, họ là những “ưng viên” thích hợp cho mục đích Người theo đuổi, nhưng theo tiêu chuẩn thông thường của các xã hội mọi thời thì sự chênh lệch giữa sứ mạng được trao phó và bản thân họ--những người sẽ thi hành sứ mạng--là không thể lớn hơn. Sau này thánh Gio-an Kim Khẩu đã lưu ý đến sự chênh lệch này khi bình luận về mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho Nhóm Mười Hai: “Thầy trao lời cho anh em không phải cho mình anh em mà cho khắp cả thiên hạ được sống. Thầy không chỉ sai anh em đến với hai thành, mười thành hay hai mươi thành, cũng không sai anh em đến với một dân tộc như sai các ngôn sứ xưa, nhưng Thầy sai anh em đi khắp cả địa cầu, biển khơi, đến với toàn thể thế giới đang bị ảnh hưởng xấu xa.”
Nhiệm vụ thì lớn lao như thế nhưng Chúa cho phép các Tông Đồ sử dụng những phương tiện nào? Thưa hầu như “con số không”. Này nhé, Tin Mừng theo thánh Lu-ca viết: “Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: 'Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ'” (Mt 9,3-5).
Người ta lưu ý rằng những chỉ thị về truyền giáo trên đây thích hợp với hoàn cảnh xã hội và tôn giáo vùng Pa-lét-tin mà lúc đầu Chúa Giêsu giới hạn việc rao giảng của các Tông Đồ vào đó (x.Mt 10,5), nhưng sau này, trong một bối cảnh xã hội-văn hoá khác, thánh Phaolô sẽ không hiểu chúng theo nghĩa đen một cách máy móc. Chẳng hạn có lúc người đã ngày đêm vất vả làm một nghề tay chân để khỏi thành gánh nặng cho ai, lại còn có thể giúp đỡ kẻ thiếu thốn (x. Cv 18,3; 1 Tx 2,9; 2 Tx 3,8); những lúc khác, người không ngại nhận sự chu cấp của các giáo đoàn (x. Pl 4,10-20) và hình như cũng có khi sử dụng một thứ “quỹ truyền giáo”. Đối với người, “kho tàng” dư dật của mình là Đức Kitô, còn mọi thứ của cải khác đều không quan trọng, như người tâm sự với tín hữu Phi-líp-phê thân yêu của người: “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (4,12-13). Đó là bí quyết của tinh thần nghèo khó Phúc Âm nơi vị Tông Đồ. Phần chúng ta, lo lắng băn khoăn tìm kiếm các phương tiện vật chất, biết đâu là do ta thiếu tinh thần nghèo khó Phúc Âm hơn là do ta đầy nhiệt tình truyền giáo.
Tại sao Chúa Giêsu tỏ ra coi thường các phương tiện “tự nhiên” (như tài năng vốn có của con người) và phương tiện vật chất (như tiền bạc) đến mức ấy? Không phải là Chúa không ban cho các Tông Đồ phương tiện nào trong khi sai họ ra đi. Trái lại, phương tiện Người ban thì dồi dào và hữu hiệu nhất, không có gì sánh nổi. Quả thế, Người ban cho họ “năng lực và quyền phép trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật” (Lc 9,1 ; x.Mt 10,1 ; Mc 6,7); nhất là Người gởi Thần Khí của Người là Thánh Thần đến với họ. Chính “Thánh Thần sẽ cảm hoá tâm hồn và trí tuệ của những ai nghe Lời Người. Nhờ Thánh Thần, họ sẽ nhận ra lời Thiên Chúa trong những lời nói vụng về của những sứ giả không có học thức cao cho lắm ấy. Thánh Thần sẽ ban những dấu lạ ... củng cố chứng từ của các sứ giả.”
Nếu thế thì rõ ràng các phương tiện nhân loại đều là tương đối, hết sức tương đối. Nếu thế thì không có hoàn cảnh nào (dù khó khăn hay dễ dàng theo phán đoán tự nhiên) mà người môn đệ không thể loan báo Nước Thiên Chúa và làm chứng cho Tin Mừng cứu độ được. Không bao giờ nhà thừa sai nào sẽ có thể nói: tôi đang thiếu cơ sở, thiếu tiền nong, thiếu mọi thứ như thế này thì làm được “cơm cháo” gì cho Nuớc Chúa, đành bó tay thôi!
Phải chăng chúng ta càng “hài lòng” với những phương tiện vật chất và những thành tích, thì càng coi nhẹ các phương thế siêu nhiên mà Chúa và các Tông Đồ đề cao hơn cả? Phải chăng nhiều khi tinh thần truyền giáo giảm sút không phải vì thiếu phương tiện nhưng trái lại vì quá giàu có phương tiện? Nhưng nhu cầu vật chất thì bao giờ cho vừa? Một giáo dân Việt kiều than thở rằng xem ra từ khoảng gần vài chục năm nay, các linh mục tu sĩ trong nước không bao giờ “hết” nhu cầu xin giúp đỡ cả! Tôi nhắc lại lời nhận xét phê bình này trong mạch văn của bài viết vì thấy nó ăn khớp mạch lạc với suy nghĩ của mình ở đây, tuy không biết nó đúng đến mức nào.
Phương tiện vật chất dù cần thiết đến đâu cho công cuộc loan báo Tin Mừng, cũng chỉ đóng vai trò thứ yếu. Phương thế quyết định phải luôn luôn thuộc phạm vi tinh thần và siêu nhiên: đó là Thánh Thần Chúa, là ân sủng, là cầu nguyện, là gương sáng bằng đời sống bác ái, nghèo khó, khiêm nhường, phục vụ và hiếu hoà--, những thứ mà nhiều khi ta dễ chạy tới lúc gặp gian nan thử thách hơn lúc ta được dễ dãi và sung túc. Đó là một kinh nghiệm rất quen thuộc trong lịch sử dân Chúa thời Cựu Ước cũng như thời Tân Ước, trên diện rộng và trên diện hẹp.