của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Ðể nói tới cái gì bấp bênh, vô định, chóng tàn, văn chương Việt Nam quen dùng hai hình ảnh gắn vào nhau là bọt và bèo.
“Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau” (Nguyễn Du)
Bọt là những cái bong bóng nước mong manh, thường đụng vào không khí chốc lát là tan. Chúng ta nghĩ đến những ngày trời mưa, đứng trong nhà nhìn ra sân nổi nước hoặc nhìn ra mặt ao ngoài vườn, có hàng ngàn, vạn cái bong bóng liên hồi nối tiếp nhau, chưa kịp "hiện" đã vội "khuất". Hay chúng ta nhớ lại tuổi thơ, chúng ta thường hòa cục xà phòng trong lon nước, nhúng một đầu khúc cỏ ống hoặc rơm rạ vào rồi lấy ra thổi; những chiếc bong bóng trong suốt như thủy tinh bay ra, phồng to và nổ tan. Có hình ảnh nào khéo hơn để diễn tả cái mong manh và vắn vỏi của cuộc đời?
Còn bèo, nó tự nhiên gợi cho ta ý tưởng về sự lênh đênh, trôi nổi không bám rễ, không có chỗ ở nhất định, luôn chuyển dời theo giòng nước hoặc làn gió thổi.
Lênh đênh duyên nổi phận bèo
Tránh sao cho khỏi nước triều đầy vơi (Ca dao).
Một người Việt sống tha hương đã viết hai câu thật buồn như sau:
Lênh đênh muôn dặm nước non
Dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh.
Những ai nhìn đời mình như đám bèo trôi thường có cảm giác bất lực; họ cảm thấy mình không làm chủ đời mình nhưng lệ thuộc vào may rủi hoặc một sức mạnh huyền bí nào đó. Cuộc đời trở thành một số kiếp, một phận mệnh.
Phận sao phận bạc như vôi (Nguyễn Du)
Bèo dạt, mây trôi đành với phận (Chu Mạnh Trinh)
Cuộc đời làm sao mà không bi đát khi nó vừa là bọt chóng tan, vừa là bèo trôi nổi, dật dờ không bến? Người ta có thể phớt lờ mà giễu cợt:
Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy
Kiếp phù du trông thấy cũng nực cười! (Nguyễn Công Trứ)
Cười thì cứ cười, nhưng là cười sa nước mắt. Tiếng cười vẫn không khỏa lấp được tính bi đát của kiếp sống mong manh chóng tàn. Một trăm năm có là gì trong cái lịch sử mênh mông của vũ trụ xuất hiện từ khoảng 15 đến 20 tỉ năm nay, của trái đất hình thành chừng 5 tỉ năm trước hoặc của sự sống đã có phỏng chừng 3 tỉ năm qua? Giống người chúng ta mới có mặt khoảng trên dưới một triệu năm thôi.
Nói về cuộc đời như thế không phải cốt ý làm cho ai bi quan chán chường. Một số triết gia cho rằng chỉ khi can đảm nhìn thẳng vào sự thật cuộc đời, người ta mới nghiêm chỉnh thể hiện nó.
Thế nên đừng vội phê phán người Công giáo khi họ nói rằng cuộc đời là tạm bợ và rằng chúng ta không có một quê hương trường tồn ở trần thế. Trần gian không phải là chốn lưu đày, song đúng hơn là nơi tạm trú, nơi ta "ở trọ", nói theo nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn.
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời.
Nếu hình dung trần gian là biển rộng, thì đời người là chiếc thuyền đang đi về bến. Lênh đênh mà vẫn có định hướng.
Nhưng cũng đừng ai vì đó mà vội kết luận rằng người Công giáo là người sống thoát ly, chẳng còn màng chi thế sự và sống vô trách nhiệm với đời. Thế gian này tuy tạm bợ vẫn là công trình tốt đẹp của Thiên Chúa và người ta phải định đoạt vận mệnh vĩnh cửu của mình ngay trong cuộc đời này bằng một cuộc sống đầy trách nhiệm mà họ sẽ phải trả lẽ với chính Ðấng Tối Cao.
Người Công giáo sống ở đời này trong hai thái độ bề ngoài có vẻ mâu thuẫn. Một đàng họ phải sống như thể đã vĩnh viễn định cư ở đây, đón nhận cuộc đời một cách thật tình và nghiêm túc; đàng khác họ phải sẵn sàng "nhổ trại" ra đi bất cứ lúc nào mà không để cho sự đời níu kéo, cầm chân. Họ giống như người học trò tốt ở trong lưu xá. Trong suốt tuần, (có khi suốt niên học) anh ta không mơ màng biếng nhác nhưng chăm chỉ học hành vì biết đó là điều cần thiết cho mình và làm vui lòng cha mẹ; nhưng anh ta cũng không quên rằng đến cuối tuần hay cuối năm anh sẽ được về với gia đình đoàn tụ, nghỉ ngơi.
Biết mình đang đi về đâu, người có lòng tin không vì thế mà đương nhiên hết còn cảm nhận tính bi đát của cuộc đời vì họ vẫn là con người như mọi người, nhưng họ có một niềm hy vọng giúp họ giữ được thái độ lạc quan và an bình.