của Lm. NGUYỄN HỒNG GIÁO
Ước chừng 6 triệu người Do Thái đã chết trong các trại tập trung của Đức quốc xã trong thời chiến tranh thế giới thứ hai. Một cuộc tàn sát man rợ không thể tin nổi ngay giữa thế kỷ XX, trong thời đại tự hào là văn minh của chúng ta! Đối với bất cứ ai là nạn nhân của nó, cuộc tàn sát ấy đều là một nỗi kinh hoàng vô cùng khủng khiếp, nhưng đối với người Do Thái, những kẻ biết mình là dân riêng của Thiên Chúa, thì đó còn là một thử thách quá sức nặng nề cho lòng tin của họ. Tại sao? Tại sao Thiên Chúa để cho sự ác hoành hành như thế trên con cái Người? Tại sao Người thinh lặng? Tại sao Người ẩn mặt đi? Người có công minh không? Người có nhân từ thật không? ...
Jossel Raschower chính là một người Do Thái đã bị giày vò bởi những thắc mắc tương tự, và ông đã tỏ cho hậu thế biết tâm trạng của mình trước lúc chết trong một trại giam của Hitler năm 1943, không phải qua một lá thư tuyệt mệnh, nhưng trong một bản tuyên xưng lòng tin như ông viết: “Nếu sau này có người tìm được lời tuyên xưng này, có lẽ họ sẽ biết tâm tình của một người Do Thái, của một trong hàng triệu người Do Thái đã chết, một người Do Thái bị Thiên Chúa bỏ rơi mặc dù họ tin tưởng mặnh liệt vào Người”. Bản tuyên xưng được Jossel cất giấu trong một cái chai. Người gọi đó là Di chúc trong lò lửa, bởi ông đã chết dưới ngọn lửa thiêu. Bản di chúc ấy đáng cho chúng ta đọc và suy gẫm.
“Khi tôi nhìn lại những năm tháng đã qua và trong chừng mực mà một con người có thể làm chứng cho một cái gì một cách chắn chắn, thì tôi có thể nói rằng: tôi đã sống một cuộc đời tuyệt đẹp. Cuộc đời tôi trước kia tràn đầy hạnh phúc. Tôi mở cửa đón tiếp mọi người trong cơn túng cực và tôi cảm thấy hạnh phúc khi có dịp giúp đỡ đồng loại. Tôi đã phụng sự Thiên Chúa với tinh thần xã kỷ nhiệt thành. Và điều duy nhất tôi cầu xin với Người là được phụng sự Người hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực tôi.
Nhưng bây giờ đang xảy ra trên thế giới một cái gì thật lạ lùng: đây là lúc mà Đấng Toàn Năng quay mặt đi, không nhìn đến những kẻ kêu van Người. Thiên Chúa đã ẩn mặt khỏi thế gian, và bởi thế loài người bị phó mặc cho các đam mê man rợ của họ. Lẽ dĩ nhiên những thời kỳ mà những đam mê ấy thống trị hoàn cầu, thì những người nào còn giữ được âm hồn thánh thiện, trong trắng sẽ là nạn nhân đầu tiên. Điều ấy không có nghĩa là bất cứ bản án nào đến, một người Do Thái sùng đạo cũng sẽ chấp nhận ngay mà nói: “Thiên Chúa có lý, bản án của Người công minh”. Không đâu! Tôi không chờ một phép lạ và tôi không cầu xin Chúa thương xót tôi. Người cứ việc đối xử với tôi cách lạnh nhạt như Người đã đối xử với hàng triệu người khác trong dân tộc tôi; tôi không phải là một luật trừ và tôi không mong chờ Người lưu ý đến tôi. Tôi sẽ không tìm cách cứu thoát mình; tôi sẽ chẳng làm gì để thoát khỏi nơi đây.
Tôi tin vào Thiên Chúa của dân Israel, cho dù Người đã làm hết cách đập tan đức tin của tôi. Tôi tin vào các giới luật của Người. Tôi cúi mình trước sự cao cả của Người. Nhưng tôi sẽ không ôm lấy chiếc gậy đang đánh phạt tôi. Tôi yêu mến Người nhưng tôi còn yêu mến lề luật Người hơn. Và dẫu cho tôi có lầm lẫn về Người, tôi cứ vẫn tôn thờ lề luật Người.
Chúa bảo là chúng con đã phạm tới Ngài. Nhưng con muốn xin Ngài nói cho con biết có tội nào trên thế gian đáng cho người ta chịu một hình phạt ghê gớm như thế không? Lạy Chúa, con thưa với Ngài vì con càng tin kính Ngài hơn bao giờ hết. Nhưng con không thể ca tụng Ngài về những hành động mà Ngài dung túng.
Tôi chết một cách bình an nhưng không toại nguyện; tôi chết, lòng đầy niềm tin, nhưng không van lơn cầu khấn. Tôi đã theo Chúa, cả khi Người xua đuổi tôi. Tôi đã giữ trọn luật Người cả những lúc Người đánh phạt tôi vì sự tuân giữ ấy. Tôi đã yêu mến Người, cả những lúc Nguời hạ tôi sát đất, làm khổ tôi cho đến chết.
Chúa có thể hành hạ con, song con sẽ cứ tin kính Ngài. Con sẽ yêu mến Ngài mãi mãi, dẫu cho ngược với ý Ngài. Và lạy Chúa, đây là những lời cuối cùng con nói vì giận dữ: Chúa sẽ không làm cho con bỏ Ngài được đâu.
Chúa đã làm đủ cách cho tôi sinh ra ngờ vực. Nhưng tôi chết như tôi đã sống, trong một niềm tin bất khuất vào Ngài”. (Testament dans la fournaise, trong: Bible et Vie chrétienne”số 64, 1965, tr.71-74).
Chúng ta hết lòng cảm phục và phải ca ngợi niềm tin sắt đá,--vâng tôi muốn nói: khí khái, siêu phàm-- của ông Jossel Raschower. Nhưng ông cũng đã phải “chiến đấu” với mình, “chiến đấu” với Thiên Chúa dữ dội biết bao để giữ cho được niềm tin ấy! Ông không thể coi thử thách Chúa để cho ông và dân tộc phải chịu là một chuyện công minh. Nhưng ông cũng không thể “lên án” Chúa. Ông không hiểu, ông không hết thắc mắc, nhưng vẫn “cúi mình trước sự cao cả” của Chúa. Ông có giận Chúa thật, nhưng không chối bỏ Chúa; phải nói: ông hờn giỗi thì đúng hơn. “Tôi đã yêu mến Người. Tôi đã và vẫn còn say mê Người, cả những lúc Người hạ tôi sát đất, làm khổ tôi cho đến chết”. Cuối cùng ông cho ta biết: “Tôi chết một cách bình an nhưng không toại nguyện”. Không toại nguyện vì vấn đề đau khổ của người công chính vẫn là một bí nhiệm mà trí khôn ông không sao hiểu nổi, nhưng ông vẫn chết bình an vì nhìn nhận Thiên Chúa cao cả vượt muôn ngàn trùng sự khôn ngoan, hiểu biết của phàm nhân. Trí khôn phản kháng nhưng lòng cứ tin yêu.
Một phần nào đó, nhân vật Gióp trong Cựu Ước cũng đã có thái độ như thế. Nhưng thời ông Gióp, Mặc khải chưa đi tới chỗ khẳng định niềm hy vọng sống lại, nên kết thúc cuộc thử thách, Gióp lại được Thiên Chúa ban cho hạnh phúc ngay ở đời này, với của cải sung túc, tuổi thọ sung mãn và con đàn cháu đống, như là phần thưởng cho cuộc đời thánh thiện của ông.
Cái chết của Jessel Raschower khiến ta nhớ tới cái chết của cha Maximilianô Kôlbê cũng trong một trại giam của Đức quốc xã năm 1941. Dù Raschower tuyên bố mình chết bằng an, nhưng thái độ của ông trước cái chết vẫn còn xa với phong thái tự do, ung dung, toả sáng tình yêu và hy vọng của vị linh mục dòng Phanxicô Ba Lan này, mà Đức Gioan-Phaolô II đã phong thánh cách nay ít năm. Cha đã tình nguyện chết thay cho một trong số mười bạn tù vừa bị lên án tử hình, sau khi nghe ông này đau đớn kêu lên: “Ôi vợ tôi! Ôi các con tôi!” Sau hai tuần bị bỏ đói khát cùng với những tử tù khác, cha Kôlbê là người suy nhất còn sống sót. Khi vào căn hầm hành hình, toán người dọn dẹp trại giam thấy cha ngồi dưới đất, đầu tựa vào tường, thân mình ngay ngắn và mặt mày rạng rỡ. Và người ta đã phải kết liễu cuộc đời cha bằng một mũi thuốc độc.
Sự khác nhau đó giữa Raschower và cha Kôlbê phải chăng là sự khác nhau giữa Cựu Ước và Tân Ước? Mặc khải của Cựu Ước về đau khổ và sự chết chỉ được kiện toàn nhờ Đức Giêsu Kitô. Đau khổ vẫn mãi mãi là một vấn nạn mà ngay cả Chúa Giêsu cũng đã không giải đáp về mặt lý thuyết, nhưng cuộc đời yêu thương và phục vụ của Người, nhất là cuộc Tử nạn cứu độ và sự Phục sinh vinh quang đã rọi một tia sáng mới lên đó, như Công đồng Vatican II đã tuyên bố: “Nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, bí ẩn về đau khổ và sự chết được sáng tỏ, bí ẩn đó đè bẹp chúng ta nếu chúng ta không biết đến Tin Mừng của Người. Chúa Giêsu đã sống lại. Người đã hủy diệt sự chết nhờ cái chết của Người và Người đã ban cho ta dồi dào sự sống, để chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa như Người và có thể kêu lên trong Thánh Thần: Abba, Cha ơi!” (Vui mừng và Hy vọng, số 22). Một tiếng gọi biết bao tin tưởng, biết bao ngọt ngào!