CHIA SẺ

của Trí Dũng

TA TIẾC CHO EM

Mình muốn kể cho bạn nghe ba câu chuyện sau đây.

Câu chuyện thứ nhất

Hôm ấy, chàng quyết định đi gặp Thầy. Đã bao năm giữ luật, đã bao tháng ngày sống các giới răn, vậy mà trong chàng vẫn luôn khắc khoải một điều gì đó nó như hiển hiện trước mặt nhưng cũng lại khuất ẩn nơi sâu kín lòng. Phải chăng các giới luật đã khiến chàng mệt mỏi, làm cho chàng mất đi cảm hứng sống? Phải chăng chàng cảm thấy sự an toàn của đời chàng chỉ xây trên thói quen giữ luật nên cũng chẳng thiết tha với luật nữa? Phải chăng chàng không thấy lề luật như là ý nghĩa sống ở đời? Có lẽ vì vậy mà chàng vừa sống luật vừa đi tìm luật sống, chàng vừa giữ luật vừa muốn khỏi bị luật giữ.

Khi nghe dân chúng truyền nhau tin tức về một vị Thầy nổi tiếng tên là Giêsu chuẩn bị rời khỏi vùng của chàng, chàng đã không bỏ lỡ cơ hội gặp vị Thầy ấy. Chàng hy vọng Thầy sẽ chỉ cho chàng luật sống để chàng có thể sống ý nghĩa hơn, sống dồi dào hơn.

- Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?

Thì ra, chàng muốn tìm “sự sống đời đời”. Sự sống ấy chàng không tìm thấy trong việc giữ luật. Luật dạy rằng “chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ”. Thầy cũng nhắc lại cho chàng những giới răn ấy. Chỉ việc sống những giới răn này là chàng có “sự sống đời đời” rồi. Vậy mà, chàng vẫn không cảm thấy mình đang có sự sống ấy. Chẳng lẽ Thầy không có điều gì khác truyền dạy cho chàng ngoài những luật mà chàng biết rõ và tuân giữ chặt chẽ? Chẳng lẽ mình dễ tin vào những lời tuyên truyền của dân chúng rằng Thầy là Đấng Tiên Tri? Chàng hơi thất vọng khi nghe Thầy liệt kê các giới răn chúng sẽ đảm bảo cho chàng sự sống đời đời.

- Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thưở nhỏ.

Niềm tự hào trào dâng trong chàng. Chàng hãnh diện về những việc chàng đã làm. Nhưng dường như trong cảm xúc ấy có chút gì đó tự mãn. Chàng chỉ chờ Thầy xác nhận một điều thôi: Tốt lắm! Anh đã giữ luật tốt lắm! Vậy là anh có sự sống đời đời rồi. Anh không còn phải bận tâm lo lắng điều gì khác. Hãy đi và cứ làm như thế.

Thầy Giêsu nghe chàng xác tín việc giữ luật như thế thì rất cảm kích. Thầy đưa mắt nhìn chàng. Không ngờ một người trẻ như chàng lại luôn thực hành các giới răn của Lề Luật. Thầy yêu mến chàng trai trẻ này. Chàng có tâm hồn sống đạo sốt sắng. Nếu chàng “đi thêm bước nữa” là chàng có thể trở thành môn đệ của Thầy, chàng sẽ có sự sống đời đời làm gia nghiệp. Bởi vậy, Thầy mới bảo chàng:

- Anh chỉ còn thiếu một điều thôi, đó là anh hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.

Nghe Thầy nói thế, chàng thất vọng lắm. Chàng muốn Thầy chỉ cho chàng “bí quyết” để có sự sống đời đời, vậy mà Thầy lại bảo chàng đi bán tài sản cho người nghèo. Thế là sao? Chẳng lẽ bao năm giữ luật vẫn chưa đủ đảm bảo cho tôi sự sống đời đời sao? Tôi thực hành hết lề luật rồi, giờ lại bắt tôi phải thực hành tiếp lề luật mới ư? Không, tôi không thể cho người ta hết tài sản được!

Thế là chàng bỏ Thầy và trở về với cuộc sống cũ của mình. Chàng tiếc của. Chàng tiếc mất đi những gì chàng có. Chàng cũng tiếc là gặp Thầy. Tưởng Thầy sẽ công nhận những việc chàng làm để chàng yên tâm sống những gì chàng có, ai ngờ Thầy không những không “đóng dấu ấn đạo đức” cho chàng, không khen chàng lấy một lời, không thừa nhận những gì chàng làm sẽ đem lại cho chàng sự sống đời đời, Thầy lại còn bảo chàng bán tài sản cho người nghèo rồi theo Thầy. Thôi, thà cứ sống như cũ còn hơn thực hiện lời của Thầy.

Thầy nhìn chàng lặng bước quay lưng. Tiếc quá! Giá như chàng đừng bám dính vào những gì chàng có nhỉ! Chàng khôn quá vì chàng chỉ muốn có thôi. Chẳng phải chàng có thói quen sống đạo đức? Chẳng phải chàng có nhiều của cải vật chất? Tiếc cho chàng vì chàng không dám bỏ cái chàng có để theo Thầy.

Câu chuyện thứ hai

Giờ cơm đến. Gia nhân trong nhà hối hả dọn cỗ. Họ bày đầy thịt thà, rau cá trên bàn. Mọi thứ chuẩn bị xong.

- Mời ông chủ ra dùng cơm ạ!

Ông từ phòng trong đi ra. Bước đi thật nặng nề. Từ ngày trở nên giàu sang phú quý, ông chẳng bận tâm lo lắng việc chi. Mọi thứ đã có gia nhân lo. Ông cần gì thì bảo gia nhân làm. Cuộc sống của ông trôi qua thật lặng lẽ.

Sáng thức dậy, gia nhân đã dọn sẵn bữa điểm tâm cho ông. Ông chậm rãi thưởng thức hương cà phê. Ông thong thả nếm vị mì phở. Mỗi bữa sáng của ông kéo dài cả giờ. Nên bữa sáng chưa xong thì gia nhân lại phải lo bữa trưa cho ông. Họ lẳng lặng đi lại trong nhà như những bóng hình. Chỉ có bóng hình ông là thật nổi bật.

Bữa trưa nay vẫn thịnh soạn như mọi ngày. Ông thích món thịt này. Ông mê món cá nọ. Gia nhân biết ý ông nên thường làm các món ăn ấy cho ông. Một mình một bàn nên ông không có gì phải vội vã. Món nào ông chưa ăn tới mà nguội thì ông bảo gia nhân mang bỏ thùng rác. Rượu uống không hết thì ông bảo gia nhân đổ đi. Dù thức ăn thức uống vẫn còn dùng được nhưng gia nhân không thể làm trái ý ông. Tính ông keo kiệt mà lại phung phí. Ông keo kiệt với đám gia nhân. Không đồ ăn thừa nào họ được phép dùng. Đổ hết! Đổ hết!

Trước sân nhà ông, có một gã ăn xin thường hay lui đến. Hắn tật nguyền lại ghẻ lở. Mọi người xa lánh hắn như tránh tà. Hắn chẳng được ai chăm sóc. Hắn đi khắp phố phường, làng mạc. Lê từng bước chân đau nhói mong tìm chút của bố thí. Hắn nghe nói đến ông phú hộ là người ăn sung mặc sướng, thức ăn của uống lúc nào cũng dư đầy. Hắn bèn tới trước nhà ông, hy vọng ông cho chút thức ăn dư từ bàn ăn của ông. Ông không cho, nhưng nhiều lần có một gia nhân chạnh lòng thương hắn, lén lút đem cho hắn lúc miếng thịt, khi khúc cá... Ông biết được liền đuổi việc người ấy. Bởi vậy, các gia nhân khác không dám cho hắn thức ăn chi. Từ đó, hắn đành trông chờ vào bàn tay rộng ban của người đi đường. Kẻ qua người lại thỉnh thoảng cho hắn chút bánh mì. Nhờ vậy, hắn ít ra cũng sống sót qua ngày.

Bệnh ghẻ lở lan nhanh. Hắn không đủ sức kháng cự căn bệnh hiểm nghèo này. Một ngày nọ, vào chiều cuối thu, hắn không chịu nổi cái lạnh thất thường nên đã ngã gục. Nhiều người đi ngang qua đấy, thấy hắn nằm co ro nhưng lại không dám đến gần để vực hắn dậy. Họ đi vội vì sợ liên lụy. Họ cũng sợ bị lây nhiễm căn bệnh của hắn. Hắn nằm đó hằng giờ. Cái lạnh thấm sâu vào da thịt hắn, đóng kín các mạch, ngăn dần dòng máu chảy về tim. Hơi thở hắn nhẹ dần và mất hút trong bầu khí quạnh hiu.

Nghe gia nhân cho biết có một gã ghẻ lở chết trước sân nhà, ông phú hộ dửng dưng như chẳng có chuyện gì xảy ra. Quan huyện cho lính xuống tìm hiểu nguyên nhân cái chết của gã ăn mày này. Khi biết gã ta chết trước nhà ông phú hộ, vì sợ danh tiếng ông, nên quan đành cho qua chuyện. Quan sai lính đào hố ở phía bìa rừng và chôn xác gã ấy. Xác hắn được vùi chôn mau. Nhưng hồn hắn thì thong thả đi về cõi trời. 

Sau mùa đông năm ấy, ông phú hộ ngã bệnh. Thầy lang của ông bảo ông ăn nhiều mà chẳng chịu vận động nên phát chứng bệnh thời nay gọi là tiểu đường, tim mạch. Ông sai gia nhân đi tìm các danh y nổi tiếng để chữa trị. Nhưng mọi người đành bó tay. Bệnh của ông không có thuốc chữa. Thế là một năm sau ngày chết của gã ăn mày, ông phú hộ cũng phải bỏ tất cả mà trở về với bụi đất. Gia nhân báo tin cho anh em ông biết. Biết ông có nhiều của cải, họ liền vội đến nhà ông, bề ngoài là để lo chuyện tang ma cho ông nhưng trong lòng thì ai nấy đều tính cách chia tài sản của ông. Của cải ông để lại thật nhiều! Tiếc cho ông quá! Ông ra đi không mang theo được gì trong người ngoài tấm thân đẫy đà quá khổ.

Nếu chuyện đời người kết thúc sau cái chết thì có khác biệt chi giữa ông phú hộ và người ăn mày ghẻ lở? Số là sau khi chết, người ăn mày hưởng phúc trên trời, còn ông phú hộ thì chịu cực hình nơi âm phủ. Sống trên trần thế sung sướng quá nên ông không chịu nổi khổ đau nơi địa ngục này. Một hôm, ông ngước mắt lên trời, thấy bóng người ăn mày ghẻ lở năm nào. Ông tự nhủ lòng rằng ông nào có gây tội tình chi cho người khác. Vậy mà giờ đây ông phải chôn vùi trong kiếp ngục tội này. Còn gã ăn mày kia, sao anh ta lại ở cõi cao ấy?

- Ông Trời ơi! Sao ông ở bất công quá! Tôi có tội tình gì mà Ông lại đày tôi ở chốn này?

Ông Trời nhìn xuống ngục phủ, thấy ông phú hộ than oán nên đành lên tiếng:

- Này ông phú hộ! Ông có nhớ khi ông còn sống ông đã làm những gì không?

- Tôi chỉ nhớ là tôi đã không làm gì nên tội. Tôi hằng ngày sống quanh quẩn trong dinh thự, nào có gây hại cho ai.

- Này ông phú hộ! Ông có nhớ người anh em ở trước nhà ông không?

- Sao Ông lại hỏi tôi? Người đó chẳng phải đang ở gần Ông đấy ư?

- Đúng vậy, ông phú hộ à! Nhưng ông có biết tại sao người anh em ấy lại ở trên này, còn ông thì chịu lửa thiêu đốt không?

- Không, tôi không biết!

- Bởi vì, ông phú hộ ơi, ông đã sống sung ở sướng trước mặt người anh em khốn khổ này. Ông chẳng thèm ngó ngàng tới người anh em của ông.

- Việc đó liên hệ gì tới tôi! Tôi quan tâm đến ai là quyền của tôi. Chẳng phải tôi có tự do làm việc tôi muốn sao ?

- Ông phú hô này, dĩ nhiên ông có quyền sử dụng sự tự do của ông mà không quan tâm đến người anh em đây.

- Thế tại sao giờ này tôi phải chịu cực hình, còn người đó lại được diễm phúc ở nơi Ông ?

- Ông phú hộ muốn biết lý do ư ?

- Muốn, tôi muốn biết tại sao Ông Trời lại phân biệt đối xử như thế ?

- Đơn giản lắm, ông phú hộ à ! Vì ông đối xử với người anh em này thế nào thì ông cũng bị đối xử theo cách tương tự !

Ông phú hộ cúi gục mặt nghĩ ngợi. Tôi đã đối xử thế nào với người anh em ấy đến nỗi bây giờ tôi bị đối xử lại theo cách này? Nhưng ông chẳng nghĩ ra điều gì giữa cái nóng cực hình mà ông không sao chịu nổi. Ông bèn lớn tiếng kêu lên :

- Ông Trời ơi ! Tôi biết lỗi rồi ! Tôi đã đối xử cách dửng dưng vô tình với người anh em ấy. Giờ đây, tôi ân hận về việc tôi đã làm. Tôi tiếc đã không bố thí cho kẻ đói ăn, đã không cho kẻ vô gia cư ở trọ… Tôi xin lỗi người anh em này. Giờ đây, Ông hãy cho tôi ít nước đi ! Nếu Ông không muốn thì ít ra cũng sai người anh em ấy nhỏ ít giọt cho tôi. Dù gì thì tôi đã xin lỗi người ấy. Ở đây, tôi chết khát và nóng quá !

- Ông phú hộ ơi, giữa chốn ông đang sống bây giờ hoàn toàn xa cách với nơi của người anh em ông. Hai thế giới sống ấy không thể liên lạc với nhau. Không có giọt nước nào từ trời lại có thể vượt vạn trùng dặm mà đến chỗ hỏa diệm ngút lửa. Tôi rất tiếc là chẳng ai giúp gì cho ông được.

Tiếc cho đời ông phú hộ quá ! Ông đã sử dụng của cải cho riêng ông mà chẳng ngó ngàng chi tới đồng loại đang thống khổ. Giá mà ông có thể làm lại cuộc đời?

Câu chuyện thứ 3

Từ ngoài đồng về gần tới nhà. Anh ngạc nhiên sao hôm nay có tiếng nhạc inh ỏi? Chẳng lẽ cha đãi tiệc mà không cho mình biết ? Hay hôm nay có chuyện mừng gì cha muốn dành cho mình ? Đang băn khoăn thắc thì đúng lúc ấy, người giúp việc từ trong nhà ra vườn. Anh thừa dịp hỏi người ấy :

- Này chú, ở nhà có chuyện gì thế ?

Người giúp việc ngạc nhiên nhìn anh, nhưng thoáng chốc liền hiểu ngay anh vẫn chưa biết đứa em của anh trở về.

- Anh vừa đi làm về nên không biết đó thôi. Chẳng là ông chủ đãi tiệc mừng cậu út mới về !

Nghe tới đấy, anh đùng đùng nổi giận, liệng cuốc quay mặt bỏ đi, không thèm vào nhà nữa. Anh ra bờ đê mang theo những cảm xúc tức bực trong lòng. Hoàng hôn buông dần dưới góc trời. Mùi hương đồng pha chút vị đất tỏa nhè nhẹ. Gió lướt qua mái tóc khô, qua làn da rám nắng. Dù vậy, anh vẫn để lòng nơi bữa tiệc đang diễn ra ở nhà. Làm sao cha lại đãi tiệc mừng cái thằng trời đánh ấy trở về ? Nó đi ăn chơi phung phí tài sản mà cha lại để Nó vào nhà ? Không thể hiểu cha nổi ! Từ giận cha, anh chuyển sang oán ghét đứa em mình. Từ ghen ghét em, anh lại trút giận lên cha. Anh không muốn cha cư xử với Nó như con trong nhà. Nó bỏ nhà đi thì Nó không có quyền quay về. Nó quay về thì Nó không có quyền làm con nữa, nghĩa là Nó không được phép ở trong nhà này.

Sau khi biết chuyện anh không muốn vào nhà mừng tiệc đứa em trở về, cha anh liền ra đồng tìm anh. Bước chân ông thật trĩu nặng. Ông mừng vì con út ông còn mạnh khỏe vừa mới về gặp ông thì lại buồn vì anh trai cả lại không đón nhận em mình. Ông không muốn anh em không thèm nhìn mặt nhau. Cả hai đều là con ông. Ông yêu thương hai đứa, không phân biệt cả hay út. Chúng đều có chỗ trong trái tim ông. Hết đứa út làm ông buồn lại đến đứa cả. Dường như từ lâu lắm rồi, ông không vui vì hai đứa con ông không thể yêu thương nhau. Bây giờ là lúc cho tụi nó hòa giải. Ông không thể để tình trạng anh em chia rẽ mãi thế này.
Thấy bóng anh ngồi ở bờ đê, tay ném những hòn đất thật xa, ông biết anh đang giận lắm. Nhưng ông vẫn lại gần chỗ anh, ân cần hỏi :

- Em con vừa mới về, sao con không vào nhà, ngồi ngoài này làm gì ?

Anh quay về phía cha và trút mọi bực tức lên cha :

- Sao cha lại đãi tiệc mừng cái thằng con trời đánh của cha trở về ? Nó phung phí tài sản của cha thì cha lại ăn mừng, còn con lo chắt chiu tích góp, làm việc cực nhọc để có chút đỉnh lo cho cuộc sống mai này, thì cha lại chẳng quan tâm, cha chẳng cho con lấy một con dê để mừng với bạn bè.

- Con ơi, sao con lại trách cha như thế ?

- Con không trách cha. Con chỉ muốn cha biết rằng con ở với cha mà chẳng đoái hoài gì tới con.

- À, thì ra con muốn cha quan tâm tới con ? Chẳng phải cha đã giao hết mọi sự trong nhà cho con đó sao ? Cha đâu còn gì trong tay nữa. Tất cả mọi sự của cha là của con. Con không lấy thế làm vui ư ? Nếu con có tất cả mọi thứ của cha thì sao con lại trách cha không quan tâm đến con ?

Anh lặng thinh, nhìn về phía đàn bò đang thong dong gặm cỏ. Anh lướt quanh cánh đồng vừa mới thu hoạch vụ mùa. Đây là tài sản cha cho mình à ? Anh tự nhủ lòng như thế. Nhưng anh bèn dẹp ý nghĩ ấy ngay. Thằng em của anh trở về sẽ lại đòi chia của thì sao ?

- Con không trách cha không quan tâm đến con. Con trách… Con không muốn… – Anh nói lấp lửng không thành câu.

- Cha hiểu con muốn nói gì rồi ! Em con nó bỏ nhà đi, nay trở về còn khỏe mạnh, lẽ nào con lại không vui mà chỉ nghĩ chuyện em con sẽ tranh giành tài sản với con.

- Nhưng nếu điều đó xảy ra thì cha tính thế nào ?

- Cha đã chia tài sản cho hai đứa con rồi. Phần của con sẽ không ai lấy mất đâu. Nhưng con phải vui vì em con trở về. Con không thể để ý nghĩ tranh giành tài sản cản ngăn niềm vui đón nhận em con. Em con còn sống. Đó chẳng phải là điều quý giá hơn mọi tài sản sao?

Nói rồi, ông liền quay về nhà, để anh một mình. Anh ngồi trầm mình trong nghĩ suy mông lung. Những cảm xúc giận dữ như lắng dịu phần nào. Lời cha nói thì vẫn chưa thấm nhập hồn anh nhưng anh cũng mơ màng hiểu ý nghĩa nào đó. Sự sống của đứa em mới quan trọng. Vậy có phải anh sợ em anh giành mất tài sản của anh đến nỗi anh không thèm đoái hoài gì đến sự trở về sống sót của Nó ? Khi đào sâu nỗi sợ ấy, anh nhận ra tại sao anh đã phản ứng với cha, với em anh như thế. Bởi vì trong anh cũng có khát khao đi hoang như đứa em. Anh muốn bỏ nhà cha, mang tài sản của mình đi tận hưởng niềm vui cuộc sống. Đứa em đã làm điều đó. Nếu Nó đừng trở về thì có lẽ anh sẽ bỏ ý định đi hoang kia. Nhưng Nó đã trở về và cha đã vui mừng đón nhận Nó. Chính vì thái độ quá yêu thương của cha mà anh có phản ứng tức giận với cha và với đứa em. Giá mà anh biết cha yêu thương như thế, có lẽ anh cũng đi hoang luôn rồi ! Và đây là điều anh nghiệm ra : anh tiếc là đã không đi hoang giống em mình!

Tối hôm ấy, anh lén lút về nhà lấy phần tài sản của anh rồi bỏ đi hoang…

Bạn mến, bạn biết tại sao mình kể cho bạn ba câu chuyện trên không ? Bởi vì ba câu chuyện ấy dạy cho mình ba điều về tiếc nuối:

- Mình tiếc vì phải bỏ cái gì đó mà mình dính bén.

- Mình tiếc vì đã không làm cái gì đó trong khả năng của mình để bây giờ mình phải gánh chịu hậu quả.

- Mình tiếc vì sợ phiêu lưu, sợ làm cái gì đó khác thói quen của người ta.
Và vì có tiếc nuối nên nhiều cuộc đời mới dang dở.