CHIA SẺ

của Trí Dũng

DÒNG SÔNG

Không biết từ bao giờ dòng sông đã trở thành đề tài cho biết bao nguồn thơ văn nhỉ? Chỉ biết rằng dòng sông đã gắn liền với cuộc sống con người từ lâu lắm rồi! Chẳng phải nhiều nền văn minh lớn đều sinh ra từ dòng sông đấy ư?

Hermann Hesse là một nhà văn nổi tiếng của Đức. Ông đã thực hiện cuộc “hành trình về phương Đông”. Ông tìm đến dòng sông Hằng, “nguồn mạch tâm linh” của người dân Ấn Độ. Có lẽ nhờ “nguồn mạch tâm linh” này mà ông đã viết nhiều tác phẩm để đời, trong đó có “Câu chuyện dòng sông”? Dù sao thì đối với ông, dòng sông chuyên chở một sự thật mà nếu kẻ lữ hành nơi dương gian này không biết dành thời gian ngồi trên bến sông để chiêm niệm thì sẽ không cảm nghiệm được: đó là dòng sông cho ông biết mọi thứ đều chóng qua, vạn vật đều “vô thường”, tất cả đều là phù du và phù du! Đây là bài học dòng sông của Hermann Hesse. Nhưng chẳng lẽ dòng sông chỉ dạy cho mình rằng không có gì là trường tồn, không có gì là bất biến thôi sao? Nếu vậy, dòng sông cũng chỉ diễn tả rõ một chút sự xoay vần của con tạo, bởi lẽ muôn loài muôn vật cũng đổi thay, chứ có đứng yên một chỗ đâu! Chắc hẳn ẩn sâu bên dưới sự đổi thay ấy phải có điều gì đó khiến người ta thường tìm đến bến sông?

Dòng sông kỷ niệm

Mỗi chúng ta ít nhiều đều lưu giữ trong ký ức dòng sông kỷ niệm. Mình cũng có một dòng sông chảy trong tâm hồn.

Nhà mình trước đây ở gần bến sông. Cứ chiều đến, mình lại có dịp ngụp lặn, bơi lội thỏa thích, nhất là cùng đám bạn thi nhau bơi đua. Đứa nào bơi ra được giữa sông là đứa đó thắng! Mình luôn là đứa bơi “nửa chừng” vì sợ ra chỗ sông sâu, nước chảy mạnh, không đủ sức trở vào bờ. Có hôm bị ba mẹ “phạt” không cho tắm sông, mình đành ngồi ở sau nhà, nhìn bạn bè vui đùa với nước. Lúc ấy, mình cảm thấy như đánh mất điều gì đó. Thật tiếc nuối khôn nguôi!

Ngoài những buổi chiều tắm sông, mình còn nhớ mãi cái buổi chiều mưa năm nào. Hôm ấy mình ngồi đằng sau nhà, vừa ăn cơm muối mè vừa nhìn dòng sông. Chợt có bóng thuyền ai đó đằng xa. Ông lái đò mặc tấm áo ni lông đang cố sức chèo vì ngược gió. Mưa như rát vào mặt ông. Con thuyền thì ngả nghiêng cố lướt trên sông. Thuyền đi gần ngang qua nhà mình thì mình thấy bóng người phụ nữ đang cho hai đứa bé ăn. Lòng tự hỏi không biết bây giờ gia đình ấy trôi dạt ở phương nào?

Rồi mỗi khi nước xuống, sông trông thật tội nghiệp, như thu mình lại vậy. Hai bờ vai nổi lên những lớp xương xẩu đen ngùm. Mấy đứa trẻ nghèo vào dịp này thường lội trên bờ đất sình ấy để nhặt ve chai. Con sông mùa khô hạn trông thật nghèo lại mang theo bao kiếp nghèo.

Dòng sông vẫn lặng lẽ trôi. Con sông quê hương của tuổi ấu thơ đã kể cho mình nghe bao phận người. Và còn biết bao chuyện đời mà dòng sông đã mang theo qua tháng năm… Dòng sông kỷ niệm đã cho mình biết mình may mắn hơn nhiều người, mình được Chúa thương thật dường bao!

Dòng sông thống hối

Khi nhớ về dòng sông của thời thơ ấu, mình nghe trong lòng như có tiếng hát của ai đó. Lời ca trầm buồn đượm màu nhung nhớ. Hình như mình đã nghe bài hát này lâu lắm rồi. Sao hôm nay tiếng hát ấy lại vọng về tâm trí mình? Phải chăng tâm trạng của mình cũng giống tâm trạng của người lữ khách tha phương đang hát kia? Không phải. Đó là tiếng ca của kẻ bị lưu đày vang vọng trên bờ sông Babylon.

Bến bờ sông xa mờ, đàn ai reo hững hờ trên cành dương liễu.
Sóng vỗ dạt dào nghe gió đưa như tiếng ai nỉ non.
Si-on quê hương ơi, còn đâu tiếng thánh ca mừng vui,
Lầu tháp cao huy hoàng, thành đô ơi, gợi luyến nhớ thân lưu đày.
(Thánh vịnh 137)

Dòng sông Babylon đã đi vào tiếng khóc than xa quê của kẻ bị lưu đày năm xưa. Si-on thành đô đã mất rồi. Giờ đây kẻ bị lưu đày không còn “đất tổ”. Biết bao giờ mới được trở về Si-on xưa?

Ôi quê hương vời vợi nhung nhớ
Hồn lữ khách vấn vương đợi chờ.

Nhưng đây không chỉ là tâm trạng “nhớ nhà” mà còn là niềm hối lỗi.

Nơi tha hương lòng tôi thống hối.
Tiếng khóc than vọng đưa xa xôi
Bao đau thương sầu vương trăm lối
Tội con đáng phát lưu ngàn đời.

Dòng sông Babylon đã soi dọi lòng kẻ bị lưu đày, nhờ vậy kẻ ấy nhận ra rằng chính tội lỗi là nguyên nhân gây ra tình cảnh tha hương này.

Nhìn về dòng sông Babylon, mình thấy thân phận kẻ bị lưu đày trên bến sông. Đó là thân phận kẻ tội lỗi. Nhìn về thân phận của kẻ tội lỗi ấy, mình thấy chính con người tội lỗi của mình, mình thấy mình đã quên mất tình Chúa rồi!

Dòng sông thanh tẩy

Từ dòng sông Babylon giúp mình thống hối, giờ đây mình phải làm gì để có thể tìm lại được hương vị ngọt ngào của tình Chúa? Có lẽ mình phải đi theo đoàn người “từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê…đến sông Giôđan” (Mt 3,5), nơi ông Gioan làm phép rửa. Để làm gì? Để thú tội và thanh tẩy tội lỗi.

Dòng sông Giôđan đã chứng kiến biết bao lượt người đến nhận phép rửa của Gioan. Họ nghe lời giảng sám hối của ông và lãnh nhận phép thanh tẩy từ dòng sông này. Con người là “tiếng kêu trong hoang địa”ấy đã làm chứng sống động về “phép rửa trong nước” (Ga 1,26).

Sông Giôđan còn ghi lại cuộc gặp mặt “lịch sử” giữa Gioan và Đức Giêsu khi Đức Giêsu cũng đến chịu phép rửa của Gioan trước khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Chính cuộc gặp mặt với Đức Giêsu trên sông Giôđan ấy mà Gioan đã làm chứng về “Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1,33).

Mùa Chay năm nay mình có dịp nhìn về dòng sông. Dòng sông cho mình biết về phận mình. Mình được may mắn hơn nhiều người. Mình được Chúa thương nhiều. Nhưng mình cũng lỗi phạm không ít. Mình chối bỏ tình Chúa không biết bao lần. Đúng là ẩn sâu bên dưới sự đổi thay của dòng sông chính là phận người. Phận người trôi dạt giữa dòng đời, phận người tội lỗi cần được thanh tẩy và phận người được giải thoát khỏi tội lỗi. Có lẽ vì lý do đó mà người ta thích đến với dòng sông để mong tìm thấy điều gì đó nơi thân phận họ?