CHIA SẺ

của Trí Dũng

CHÚA ĐÃ BỎ LOÀI NGƯỜI?

Khi bạn vui sướng, hạnh phúc, bạn có bao giờ nghĩ đến Chúa không? Nếu bạn nghĩ đến Chúa lúc đó, liệu bạn có cho rằng Chúa bỏ rơi bạn? Ngược lại, khi gặp khốn cùng, khổ đau, bạn chạy tới kêu cầu Chúa cứu giúp, nhưng bạn nghe như tiếng Chúa ở chốn xa vắng lắm. Lúc ấy, tại sao bạn có cảm nghĩ Chúa lìa bỏ bạn, không đoái hoài chi đến những lời kêu xin của bạn?

Sách Thánh Vịnh ghi lại không ít những giây phút con người cảm thấy Chúa như bỏ rơi họ.

Lạy Chúa… Người nỡ lòng ruồng bỏ con sao?
Dù con thảm thiết kêu gào, nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời! (Tv 22,2)

Lạy Chúa, thân con đây, Chúa nỡ nào ruồng rẫy,
ẩn mặt đi mà chẳng đoái hoài (Tv 88,15)

Lạy Chúa, xin nghe lời con cầu khẩn,
Tiếng con kêu, mong được thấu tới Người.
Buổi con gặp gian truân, xin Người đừng ẩn mặt,
Trong ngày con cầu cứu, xin Người lắng tai nghe (Tv 102,2-3)

Phải chăng Chúa đã bỏ loài người? Không phải đâu. Chính vì tâm trí chúng ta bị bao phủ bởi biết bao ý tưởng, hình ảnh, cảm xúc, hay “vô minh”, nói theo ngôn ngữ nhà Phật, nên chúng ta không thể nghe tiếng Chúa gọi, không thể nhận ra sự hiện diện của Chúa. Chúng ta “có tai như điếc, có mắt như mù”! Chẳng phải chúng ta cũng giống như bà Ma-ri-a Mác-đa-la nghe tiếng Chúa mà không biết đó là tiếng Thầy Giêsu? Chẳng phải chúng ta cũng đâu khác gì hai môn đệ trên đường Em-mau gặp được Chúa Phục Sinh đồng hành nhưng lại chẳng nhận ra đó là Chúa?

Thật sự thì Thiên Chúa luôn ở với con người. Người ở với con người qua dân Người chọn, cụ thể hơn qua các vị tổ phụ và các vị ngôn sứ của dân ấy. Đỉnh cao sự hiện diện của Thiên Chúa ở với con người, đó là Người sai Con yêu dấu của Người xuống thế làm người, “ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Người Con ấy còn ở lại với chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể huyền nhiệm được Giáo Hội cử hành mỗi ngày, qua những môn đệ được chọn, qua các vị thánh nữa. Chắc bạn vẫn nhớ lời hứa trường cửu của Thiên Chúa“Ta ở cùng ngươi” vang vọng suốt chiều dài lịch sử cứu độ? Hẳn bạn cũng không quên trước khi về trời, Thầy Giêsu đã hứa với các môn đệ rằng“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20)?

Nhưng nếu Chúa ở với con người, tại sao Người lại để biết bao người chịu cảnh đói khổ, bất công? Tại sao Người không ra tay diệt trừ cái ác bạo tàn đang hoành hành khắp nơi? Tại sao Người nỡ lòng nhìn cảnh người ta giết hại các thai nhi mà không hành động gì? Thực tế là thế. Và còn biết bao thực tế phũ phàng khác nữa! Nhưng khi chúng ta đặt những câu hỏi ấy, điều đó cũng có nghĩa là ta vẫn chưa biết Chúa hiện diện ở đây, ta vẫn chưa nhận ra Người đang “có đó”. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận Chúa ở bên ta và ta ở bên Chúa, lúc ấy ta mới có quyền đặt những câu hỏi tại sao ấy cho Chúa. Bằng không, những câu hỏi ấy sẽ chống lại chúng ta: ngươi thấy tha nhân khổ đau, ngươi thấy sự dữ lan tràn khắp nơi, sao ngươi không làm cái gì đó theo khả năng của ngươi để giảm bớt cái ác, cái khổ? Hóa ra ngươi là kẻ vô dụng ư?

Thế thì thay vì tra vấn Thiên Chúa về các vấn đề “ác ung”, chúng ta phải nỗ lực nhận biết Người hiện diện giữa dòng đời này. Một vị ẩn tu ở sa mạc có nói đại ý thế này: nếu con người không nói lên được tự đáy lòng mình rằng Thiên Chúa và tôi đang ở giữa lòng thế giới này thì con người sẽ không có an bình đâu. Tiếc thay, con người hôm nay đã quên mất sự hiện diện Thiên Chúa, chỉ còn là “tôi đang ở giữa thế giới này” mà thôi! Vậy làm sao chúng ta có thể tái nhận biết Chúa đang hiện diện bên mình? Kinh Thánh chỉ cho chúng ta biết ba cách này:

  • Lắng nghe Lời Chúa và mở lòng đón nhận Người. “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).
  • Yêu thương tha nhân: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12) vì “ở đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời”. “Nếu chúng ta yêu thương nhau… thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta” (1 Ga 4,12).
  • Họp nhau cầu nguyện: “nếu hai hay ba người họp nhau lại vì Danh Thầy thì Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20).

Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa gọi, biết yêu thương tha nhân và biết họp nhau lại cầu nguyện vì Danh Chúa. Nhờ vậy, con mới nhận biết sự hiện diện của Chúa để con không còn phải thốt lên lời ai oán “Chúa đã bỏ loài người”. Làm sao con lại oán thán Chúa bỏ rơi con khi mà Chúa gõ cửa lòng con nhưng con lại không chịu mở cửa cho Chúa vào? Làm sao con dám trách Chúa đã im tiếng lánh mặt trước những lời kêu van khốn cùng của anh em khi mà Chúa truyền cho con mệnh lệnh “anh em hãy yêu thương nhau”? Làm sao con lại than phiền Chúa không hiện diện với cộng đoàn tín hữu chúng con khi mà chúng con họp nhau không phải vì Danh Chúa? Chẳng phải khi con không thực hiện ba điều căn bản trên, chính con mới là người bỏ Chúa?

Chúa ơi, Chúa không hề bỏ con người. Chỉ có con người bỏ Chúa mà thôi!