của Trí Dũng
Cuộc sống không phải lúc nào cũng êm ả suông sẻ. Có những lúc mình phải bị quấy rầy. Cách thức quấy rầy dễ thấy nhất là gõ cửa nhà người. Gõ cửa là đi tìm. Kẻ gõ cửa là kẻ tìm gặp ai đó. Gặp ai đó cũng có nghĩa là quấy rầy người ấy. Thế nên, kẻ gõ cửa cũng trở thành kẻ quấy rầy. Kẻ gõ cửa trái tim mình, kẻ gõ cửa lòng mình, kẻ gõ cửa tâm hồn mình, đó là kẻ đến xáo trộn cuộc sống yên ổn của mình. Khi kẻ ấy đến gõ cửa nhà mình thì mình sẽ phải làm gì?
Tâm hồn mình cũng giống như ngôi nhà. Mình nghỉ ngơi trong ngôi nhà tâm hồn mình. Mình mời bạn bè người thân đến nhà mình. Khi ấy, mình cảm thấy vui tươi an bình. Ngược lại, nếu có ai đó xa lạ đến gõ cửa nhà mình, gõ cửa tâm hồn mình, gõ cửa lòng mình, nhất là người xa lạ ấy đến từ trời cao, "này Ta đứng ngoài cửa và gõ”, thì mình sẽ bị xáo trộn ngay, mình sẽ không được yên ổn đâu.
Giữa bao tiếng gọi mời hấp dẫn của cuộc sống chúng gõ cửa lòng mình, làm sao mình có thể nghe được tiếng của Đấng yêu thương mình? Nghi ngờ ban đầu là điều khó tránh khỏi. Đó có phải là tiếng Chúa? Làm sao mình có thể nhận ra tiếng của người xưng Ta? Làm sao mình biết Ta là Đấng Yêu Thương đang gõ cửa lòng mình?
Trước hết, mình phải tránh ảo tưởng do sợ hãi. Chẳng hạn khi mình ở nhà một mình mà có ai gõ cửa, nhất là lúc nửa đêm, thì sợ hãi là điều dĩ nhiên. Phản ứng sẽ là giật mình tự hỏi “ai vậy? sao đêm hôm lại có người tìm đến nhà?”. Cảm giác này làm cho mình tưởng tượng nhiều điều về kẻ gõ cửa. Biết đâu hắn là kẻ trộm. Nhưng trộm thì dại gì lại gõ cửa để chủ nhà thức giấc? Vậy chẳng lẽ là…ma? Nhưng ma thì có khả năng vào nhà mình mà không cần gõ cửa. Những suy nghĩ lan man như thế lại càng làm cho mình sợ hơn. Vì sợ nên mình im lặng, không phản ứng chi. Mình im lặng có lẽ tốt hơn, để biết đâu kẻ gõ cửa nghĩ không có ai ở nhà mà bỏ đi.
Thứ đến, mình phải can đảm lên tiếng. Mình cần hỏi kẻ gõ cửa rằng “ ai đó”. Hỏi như thế, mình mong nhận được câu trả lời. Nhờ câu trả lời ấy, mình có thể yên tâm. Vì nghe giọng nói của kẻ gõ cửa mình có thể nhận ra kẻ đó là ai. Tuy nhiên, nhận biết tiếng nói của ai đó đòi hỏi mình phải thân thiết với người ấy. Bằng không, mình có thể nhầm lẫn tiếng gọi, tưởng tiếng gọi ấy là tiếng của bạn thân, nào ngờ lại là tiếng gọi của kẻ thù. Chẳng phải người ta có khả năng nhái giọng đấy ư? Chẳng phải ma quỷ có thể giả giọng Chúa để đánh lừa con người đó sao? Cho nên, mình phải can đảm cất tiếng hỏi để có thể nghe tiếng của kẻ gõ cửa. Mình phải hỏi người xưng Ta ấy là ai, Đấng gọi mình ấy là ai. Nếu mình sống thân thiết với Thiên Chúa qua việc lắng nghe Lời Chúa, nếu mình thực hành việc lắng nghe Lời Chúa, thì khi Chúa trả lời Người là Ai, mình sẽ dễ dàng nhận ra đó có phải là tiếng gọi của Người, mình sẽ nhanh chóng gạt bỏ những tiếng gọi không phải của Người.
Cuối cùng, nghe tiếng Chúa xong, liệu mình có can đảm ra mở cửa để đón tiếp Người vào trong tâm hồn mình? Nếu ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào nhà nó và sẽ dùng bữa với nó. Ta ở bên nó và nó ở bên Ta" (Kh 3, 20). Hay là mình bảo với Chúa : thôi Người đi cho tôi nhờ. Người đến quấy rầy tôi làm gì. Để cho tôi yên thân. Nhà tôi đâu còn gì để ăn với uống. Xin Người hãy đến nhà người khác mà dùng bữa. Có thể sau khi mình nhận ra tiếng Chúa, mình lại đuổi Người đi để không muốn Người quấy rầy mình thêm.
Chúa gõ cửa lòng mình. Phần mình, mình nghe tiếng gõ cửa, mình lên tiếng hỏi kẻ gõ cửa, rồi mình ra mở cửa.
Tha nhân gõ cửa lòng mình qua những sinh hoạt cuộc sống hằng ngày : mình gặp ai, mình thấy gì, mình nghe chi … Khi đang đi ngoài phố mà có kẻ xa lạ đến gặp mình để xin mình giúp đỡ thì mình sẽ làm gì? Bây giờ, người tốt kẻ xấu lẫn lộn. Thật giả khó nhận ra. Làm sao mình biết kẻ xa lạ ấy nghèo thật, khốn khổ thật, đang cần thật sự giúp đỡ? Câu hỏi này cho mình biết mình đang nghi ngờ kẻ xa lạ này. Sự nghi ngờ này dẫn mình đến quyết định : tốt nhất không giúp. Mình lắc đầu tỏ dấu hiệu cho biết mình không có tiền, rồi mình bỏ đi.
Ngược lại, mình có thể cho hắn ít tiền để khỏi phiền toái. Trường hợp này mình giống như người chủ nhà trong câu chuyện người bạn quấy rầy này: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: 'Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả'; mà người kia từ trong nhà lại đáp: 'Xin anh đừng quấy rầy tôi : cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được’. Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn thì cũng sẽ dậy để cho người tất cả những gì anh cần vì thể diện" (Lc 11,5-9).
Nhưng mình có thể nghĩ khác. Mình giúp ai đó chỉ vì họ là họ. Muốn vậy, mình đừng đánh mất cái nét “ vô tư lợi” của những người đã nói với Chúa lời này: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?” (Mt 25,37-39). Họ chỉ nhìn thấy người đói khát, trần truồng đang thiếu thốn thức ăn của uống áo mặc. Họ chỉ thấy người khách lạ đang thiếu chỗ trọ. Họ chỉ thấy người tù đày đang bị bỏ rơi. Và họ đã làm điều gì đó vì những người ấy đang đói khát, trần truồng, đang tìm chỗ trọ, đang cô đơn. Thế thôi!
Tha nhân gõ cửa lòng mình. Mình hoặc không mở lòng đón tiếp họ, hoặc tiếp đón họ vì thể diện, vì xã giao, hoặc mình đón nhận họ cách vô tư chỉ vì họ là họ.
Nghe tiếng Chúa nhưng mình lại bịt tai không muốn nghe. Gặp người xa lạ thì mình dễ dàng lảng tránh, không muốn giao tiếp. Thấy nhiều chuyện “bất bình” nhưng mình lại làm ngơ như không có chuyện gì xảy ra. Nghe những tiếng kêu thống khổ nhưng mình lại giả điếc, chẳng chịu lên tiếng an ủi những người khổ đau. Nếu mình không mở cửa lòng mình đón tiếp Thiên Chúa, nếu mình không mở cửa tâm hồn đón tiếp tha nhân, thì mình sẽ chỉ còn một mình trong ngôi nhà vắng lạnh. Mình không thông giao với Thiên Chúa và tha nhân. Mình không còn nhìn thấy bầu trời. Mình không còn ngửi được mùi đất. Nguồn sống trong mình dần bị tách nghẽn. Mình bắt đầu hoảng loạn. Rồi mình nổi loạn chống lại thế giới xung quanh. Mình phản kháng chống lại thực tại. Mình sợ bị giam cầm trong chính ngôi nhà tâm hồn mình. Và đây là lúc mình bắt đầu đập phá cánh cửa lòng mình để tìm lối thoát. Nhưng than ôi! Cửa đóng quá chặt. Mình không còn đủ sức đập tung cửa. Khi ấy mình giống như tên đầy tớ vô dụng bị ném vào nơi tối tăm, ở đó mình sẽ phải khóc lóc nghiến răng (Mt 25,30) vì mình đã chôn đồng tiền xuống đất chứ không làm cho đồng tiền sinh lời. Khi ấy mình giống như những kẻ trong ngày phán xét sau cùng: họ phải chịu cực hình muôn đời (Mt 25,42-46). Nếu mình tự gõ cửa lòng mình thì điều đó có nghĩa là mình bắt đầu tự kết liễu đời mình rồi!
Tóm lại, mình cần học biết lắng nghe tiếng Chúa và tiếng tha nhân. Lắng nghe tiếng Chúa và tiếng tha nhân là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Điều quan trọng là mình phải mở cửa lòng mình để đón tiếp Chúa, để đến với tha nhân. Có như thế, mình sẽ không rơi vào kết cục bi thảm “tự gõ cửa” lòng mình, tức tự hủy hoại đời mình vậy.