của Trí Dũng
1. Em sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có. Nhà có gia nhân, người giúp việc nên dường như em chẳng phải lo lắng chuyện gì. Những năm tháng tuổi thơ qua đi chẳng để lại trong em kỷ niệm nào. Bởi vậy, khi lớn lên, đủ lông đủ cánh để tung tay, em đã gom tài sản thừa kế mà cha dành cho em để đi sống một đời tự do, một đời thỏa chí.
Em có tiền bạc, vàng ngọc nên người ta xem em là tất cả của họ. Em là khúc ruột liền khúc ruột của họ. Em cảm thấy hạnh phúc biết bao khi nhiều người vây quanh em, khi có người tiền hô hậu ủng, khi có người luôn đáp ứng những gì em đòi hỏi. Sống như thế quả là đáng sống. Em có tất cả!
Thế nhưng, cái tất cả ấy của em ngày một cạn kiệt. Người ta bắt đầu xa lánh em từ từ, vì họ không còn nhận được điều họ cần nơi em. Khi em không còn tiền nữa, khi tiền bạc đá quý em tiêu xài hết, thì đó cũng là lúc người ta tống khứ em đi, đuổi em như đuổi tà. Em lang thang khắp nẻo đường, phố chợ, ngửa tay xin người qua kẻ lại chút gì lót dạ. Nhưng chẳng ai thèm ngó đến em. Họ xem em như kẻ xa lạ, như kẻ ăn xin không đáng được giúp. Em lại rảo qua các làng mạc với hy vọng có ai đó giúp em. Không có ai!
Kinh nghiệm đói khiến em nghĩ suy. Đói là tình trạng thiếu thốn của em. Em chẳng có gì ăn. Cái đói ấy chạm đến đời em. Nếu em đói thế này lâu ngày, chắc em sẽ chết ! Khi cái đói đe dọa đến mạng sống, em phải chọn lựa. Hoặc cứ ở xứ lạ đây mãi để mang cái chết thê thảm, chết đói, hoặc phải trở về nhà, trở về với gia đình em. Và em quyết định chọn quay về với cha em. Nhưng sự chọn lựa này quả là khó! Mặt mũi nào còn dám nhìn gia đình, nhìn những người giúp việc. Trong em, cái tôi của người con trồi lên nó làm cho em suy nghĩ nhiều. Về nhà trong tình trạng đói khổ này đồng nghĩa với việc em đã tiêu hết gia tài cha dành cho em. Vậy là em áy náy, em dằn vặt, em tra vấn bản thân: về hay chết, vì ở đây đói quá? Em chấp nhận cái hiện tại đói. Em còn phải chấp nhận để cái tôi trong em chết đi. Nếu không, em sẽ khó tìm lại sự sống.
2. Còn anh? Anh là trưởng gia đình, là cột trụ của cả nhà. Gia nhân và những người giúp việc phải tuân nghe mệnh lệnh của anh. Có điều, anh thích lề luật hơn sự sống. Anh sống vì lề luật nhiều hơn là thưởng thức cuộc sống. Anh có tất cả những gì cha anh để lại cho anh. “Mọi sự của cha là của con”. Vậy mà, anh không cảm thấy vui. Anh làm việc vất vả suốt ngày. Anh trung thành với công việc thường nhật. Nhưng những công việc ấy không đem lại cho anh niềm vui. Anh sống ngày qua ngày với ý nghĩ làm việc cho cha, chứ không phải sống vui bên cha, bên những người giúp việc. Bằng chứng là anh đã thú nhận với cha rằng“bao nhiêu năm con làm việc cho cha vậy mà cha không cho con lấy con bê béo để ăn mừng với bạn bè”. Anh muốn tổ chức một bữa tiệc để mừng vui với bạn bè. Vậy mà anh không dám xin cha. Có cái gì đó trong anh đã ngăn ước muốn ấy thành hiện thực. Có cái gì đó trong anh làm cho anh trở nên cáu gắt với bản thân, với tha nhân. Anh không đói ăn nhưng đói niềm vui, đói những tiếng đàn ca nhảy múa của gia nhân. Anh ở nhà cha mà đói niềm vui!
Tuy nhiên, anh lại không thấy đói niềm vui! Đúng hơn, anh không chấp nhận cái hiện tại đói của anh. Thói quen và lề luật đã lấp đầy tâm trí anh. Cái đói niềm vui có đó nhưng anh cảm thấy như nó không có đó. Cái đói niềm vui của anh đã làm cho anh chết dần chết mòn, khiến anh không thể vui vì em anh “đã chết nay sống lại, đã lạc mất nay được tìm thấy”! Giá mà anh thừa nhận như người em rằng ở đây đói quá, đói niềm vui ấy, thì chắc anh sẽ suy nghĩ về tình trạng sống không vui của anh. Cái tôi của anh nó che mất cái nhìn về hiện tại, tức gặp lại đứa em đi giang hồ trở về. Cái tôi của anh nó đóng chặt lối ra của hiện tại, tức khép lại hy vọng có cuộc sống vui tươi.
3. Cả hai anh em đều sống trong tình trạng đói, đói thể xác và đói tinh thần! Hai anh em đói bởi vì họ chỉ “ăn những thứ của đất” (Giôsuê 5,10-12) mà không hướng lòng đón nhận của ăn từ trời. Đúng hơn, cái đói là dấu hiệu cho biết rằng hai anh em đã bám dính vào đất mà quên mất trời. Người em có nhiều tiền bạc nhưng lại tiêu xài hết, còn người anh thì có tất cả tài sản của cha nhưng lại khổ sở không dám tiêu xài! Cuộc sống quả có nhiều nghịch lý. Nghịch lý ấy đi vào cõi lòng mỗi người thì nó thường gây xáo trộn, xung đột.
Thật vậy, có những lúc mình là người em, là hình ảnh của một lối sống đương đại. Lối sống ấy đề cao sự buông thả, tự do, cá nhân chủ nghĩa. Nhưng cũng có những lúc mình là người anh, là hình ảnh của một lối sống luân lý, truyền thống. Lối sống này đề cao quy tắc lề luật và phủ nhận sự phóng túng. Tâm hồn mình bị giằng xé bởi hai lối sống này. Bởi thế, nhiều lúc mình thấy phung phí biết bao ơn ban của Chúa để “đầu tư” vào những thứ của đất: tiệc tùng, vui chơi, tiền bạc, nhan sắc, tự hào, danh dự, vinh quang... Và sau cái nếm trải tất cả những thức ăn của đất ấy là cái đói, là thiếu thốn, là trống vắng, là cô đơn, là buồn tủi... Nhưng cũng có lúc mình sống nhiệm nhặt, khổ hạnh như người anh. Theo thời gian, mình dính chặt vào thói quen, lề luật. Mình sống lề luật nên dễ cáu gắt với tha nhân, với những ai không sống theo luật. Mình sống lề luật nhưng mình lại không cảm thấy tự do, không cảm thấy vui. Mình sống lề luật nên lề luật đã làm cho mình khó quên cái tôi bản thân.
Làm sao mình có thể vượt qua tình trạng xung đột lối sống đây? Trước tiên mình phải thừa nhận rằng mình đang đói. Sau đấy, mình phải tìm cách thoát khỏi cái đói. Một trong những cách thoát đói, theo thánh Phaolô khuyên mình, là hãy làm hòa với Thiên Chúa, hãy ở trong Đức Kitô (2Cr 5,17-21) để được tái sinh thành người mới. Con người mới ấy là con người của vượt qua, vượt qua người em, vượt qua người anh, vượt qua những cám dỗ đến từ lương thực của đất để đón nhận của ăn từ trời, vượt qua những thứ lề luật của đất chúng làm cho mình trở nên “nô lệ” để tuân theo luật trời nó biến đổi mình nên công chính trước mặt Thiên Chúa.
Tóm lại, người em hoang đàng và người anh khắc khổ đều có ở trong mình. Khi gặp điều kiện này nọ thì mình hoặc trở thành người em đi hoang, hoặc trở nên người anh nghiêm khắc. Ngày nào tâm hồn mình còn sống trong sự xung khắc giữa anh và em thì ngày ấy mình vẫn chưa có hòa giải với Thiên Chúa. Nhưng tự sức mình không thể vượt khỏi xung đột anh em. Chỉ có Đức Kitô mới giúp mình sống vươn lên, sống vượt khỏi hai người anh em ấy để trở nên đồng hình đồng dạng với Người.