của Trí Dũng
Sống là gặp gỡ. Có những gặp gỡ tình cờ êm đềm như con nước trôi. Có những gặp gỡ bất ngờ xảy đến như sấm bão. Có những gặp gỡ thường ngày quen thân như buổi chiều trên bến sông. Những gặp gỡ ấy đã đi qua cuộc đời mỗi người. Nhưng đâu là những gặp gỡ thật sự đã ghi dấu ấn trong ta? Phải chăng đó là những gặp gỡ đem lại cho ta niềm vui, luyến nhớ khiến ta muốn lưu giữ mãi trong lòng? Phải chăng đó là những gặp gỡ gây bao vết thương lòng mà mỗi khi nhớ đến ta chỉ mong quên nhanh? Dù mình thích giữ hay muốn quên những cuộc gặp gỡ vui buồn chăng nữa thì chúng ít nhiều đã làm thay đổi con người mình. Thay đổi lớn nhất là mình có cái nhìn khác. Cái nhìn khác ấy là cái nhìn đóng hay cái nhìn mở. Cái nhìn đóng thì dễ đưa lòng mình đến chỗ tự khép. Còn cái nhìn mở thì hướng ta đến tha nhân Vậy ai có thể đem lại cho mình cái nhìn mở ra?
Ông Gioan Tẩy Giả là một ngôn sứ lớn. Ông kêu gọi người dân thời đại của ông hãy sám hối. Cách thức họ tỏ lòng sám hối là đến sông Giođan, nơi ông làm phép rửa. Phép rửa trong nước là dấu chứng cho biết họ hối cải ăn năn. Nhưng dấu chứng ấy chỉ mang tính tạm thời. Thật sự, ông Gioan ý thức được sứ mạng là “tiếng kêu trong hoang địa”(Ga 1,23). Trong thâm tâm ông thì lại khắc khoải chờ mong một Đấng nào đó mà ông khẳng định là ông không biết. Tại sao ông không biết Đấng sẽ đến sau ông (Ga 1,27) nhưng ông lại rao giảng về Đấng ấy, lại làm phép rửa “để Người được tỏ ra cho dân Israel” (1,31)? Bởi vì “chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần’” (1,33). Như thế, để gặp gỡ Đức Giêsu thì trước tiên phải qua trung gian ai đó giới thiệu. Ông Gioan chưa gặp Đức Giêsu. Nhưng nhờ Thần Khí “giới thiệu” mà ông biết Người.
Nếu bạn và mình nhìn lại “những ngày xưa ấy”, hẳn chúng ta sẽ dễ dàng khẳng định rằng chúng ta gặp Đức Kitô qua nhiều trung gian. Này nhé, ngày mới chào đời, cha mẹ mình bế mình đến nhà thờ để lãnh nhận phép rửa tội. Nhờ bí tích rửa tội, mình được đón nhận vào Hội Thánh Chúa Kitô. Qua Hội Thánh của Người, mình học biết đức tin, mình lãnh nhận các bí tích. Ngày qua ngày, Thần Khí làm cho dung nhan Đức Kitô hiển hiện rõ qua gương các thánh, qua những tấm lòng quảng đại hy sinh quên mình vì tha nhân, qua những con người nhỏ bé nghèo hèn, qua những mảnh đời bất hạnh… Chỉ qua trung gian ai đó mình mới cảm nhận sâu sắc sự hiện diện của Người.
Sau khi biết Đức Giêsu qua trung gian Thần Khí, ông Gioan đã gặp trực tiếp Người khi Người đến sông Giođan chịu phép rửa. Ông chỉ biết Người qua Thần Khí chứ vẫn chưa gặp mặt Người vậy làm thế nào vừa gặp Người là ông nhận ra Người? Đó là vì ông đã thấy “Thần Khí tựa chim bồ câu và ngự trên Người” (1,32) đúng như những gì ông đã nghe từ Đấng sai ông đi làm phép rửa. Ông cảm thấy như có cái gì đó chạm đến “nỗi lòng sâu thẳm” của ông, làm cho cái nhìn của ông được khai mở để ông nhận ra ngay Người mà ông rao giảng đang hiện diện trước mặt ông. Tâm trí ông vỡ òa thành những lời xác quyết “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gia…Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (1,30.34). Ở đây, gặp gỡ Đức Kitô là nhớ lại những gì ta đã được nghe về Người, là thấy những điều đó đang xảy ra trước mắt, nhờ đó cái nhìn hiện tại của ta cũng đổi thay luôn. Ông Gioan đã thấy xảy ra đúng những gì ông đã được nghe, nên cái nhìn của ông bừng sáng. Nhờ vậy, ông gặp được Đức Giêsu đúng như Người là.
Nghĩ chuyện ông Gioan gặp Đức Giêsu mà mình thấy mình còn ở rất xa Người. Ông nhìn là biết Đức Giêsu. Còn mình thì nhìn mà chẳng biết Người. Chẳng phải Người đang hiện diện khắp nơi đó sao? Ấy vậy, nhìn đâu mình cũng chỉ thấy hình ảnh mình. Này nhé, khi gặp người nào đó, mình đánh giá ngay người này thế nọ thế kia. Mình giống như những người cùng thời với Đức Giêsu: khi “ông Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu thì các ông bảo ‘ông ta bị quỷ ám’. Con Người đến, cũng ăn uống như ai thì các ông lại bảo ‘đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’”(Lc 7,33-34). Mình không nhận ra ai đó như họ là mà như những gì mình nghĩ họ là. Thế đấy! Mình không nhận diện đúng người anh em mình như người ấy là thì làm sao mình nhận ra Đức Kitô như Người là? Cho nên mình cần phải học Gioan nhiều!
Gặp Đức Kitô và làm chứng về Người xong, ông Gioan còn đi xa hơn nữa, đó là ông muốn giới thiệu Người cho các đồ đệ của ông. “Ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông liền nói: ‘Đây là Chiên Thiên Chúa’. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu” (1,35-37). Tại sao ông làm điều đó? Có vị sư phụ nào lại giới thiệu cho đệ tử mình một vị thầy khác tài đức hơn mình? Làm được điều này không phải dễ. Nhưng Gioan đã dám làm bởi vì ông đã gặp Đức Kitô. Ông biết không phải ông là người được Thiên Chúa tuyển chọn. Chính Người mới là Chiên Thiên Chúa, là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn, chứ không phải ông. Ông nhớ lại cuộc gặp gỡ hôm nào với Đấng ấy. Và ông không muốn các đồ đệ mình phải theo người không được chọn. Gặp gỡ Đức Kitô đã làm cho cái nhìn của ông mở rộng.
À, đến “chặng thứ ba” này, cũng là chặng sau cùng của cuộc gặp gỡ thật sự, thì thú thật mình…đuối sức rồi. Mình chưa học nhận biết Người thì làm sao giới thiệu Người cho anh em khác? Xét kỹ thì mình chỉ giới thiệu cho người ta những tư tưởng, những hình ảnh về Người, chứ không phải “Đây Chiên Thiên Chúa”. Vẫn còn đó cái tôi chi phối. Chẳng phải nhiều khi mình muốn giới thiệu một Đức Kitô theo quan điểm của mình, theo những tư tưởng thêu dệt của mình? Cho nên, giới thiệu Đức Kitô là giới thiệu Đấng mà mình “không đáng xách dép cho Người” (1,27), tức là phải từ bỏ mình để Người được tỏ hiện vinh quang. “Đây Chiên Thiên Chúa”. Hãy theo Người! Hãy đến gặp Người. Hãy học nơi Người. Đừng theo học tôi nữa!
Có một bài hát mình rất thích. Lời ca nhẹ nhàng, tiết nhịp vui tươi tràn đầy sức sống, đủ làm rung động lòng người. Tựa bài hát là “Gặp gỡ Đức Kitô”. Điệp khúc của bài hát thế này:
Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình,
Gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh,
Gặp gỡ Đức Kitô chân thành mình gặp mình,
Gặp gỡ Đức Kitô nảy sinh tình đệ huynh.
Đây đúng là cuộc gặp gỡ đích thực nó có sức lay chuyển tận gốc con người mình, nhờ vậy mình mới đủ sức bay cao, bay xa để giới thiệu Đức Kitô cho những người anh em xung quanh, để họ cũng gặp được Người. Muốn thế, mình phải đi qua ba chặng đường gặp gỡ của Gioan: qua trung gian Thần Khí giới thiệu, qua việc nhìn và nhận ra Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa vì thấy lời của Đấng từ trời trở thành hiện thực, qua việc mình trở thành trung gian giới thiệu Đức Kitô cho mọi người. Đi hết con đường này có lẽ phải mất cả đời. Nhưng nếu mình còn ở đâu đó trên ba chặng đường ấy thì cũng hãy “nhớ khi xưa gặp nhau”, nhớ ai đó đã giới thiệu Đức Kitô cho mình để mình tìm lại sức lực mà đi tiếp. Bởi vì chỉ có Đức Kitô mới là Đấng làm cho cái nhìn của mình mở ra chứ không khép kín.