của Trí Dũng
1. Hắn đi lang thang khắp phố chợ. Nhìn đời và nhìn người. Hắn thấy người buôn kẻ bán tấp nập, nhưng sao họ vẫn tươi cười. Vậy mà người ta cho đời là khổ ư? Kìa, họ mời chào khách hàng cách niềm nở. Hắn thấy lạ bèn hỏi một chị bán quần áo:
- Chào anh! – Cô ta cười duyên với hắn.
- Chào chị! – Hắn chào lại cũng niềm nở không kém
- Anh cần giúp gì không ạ?
Hắn ấp úng, không biết trả lời thế nào. Mục đích hắn tới đây đâu phải là mua quần áo nhưng là để hỏi tại sao cô lại vui thế.
- À… à… tôi chỉ muốn xem thôi! – Hắn nói xong thì thấy ngại quá. Sao hắn không nói thẳng lý do thật mà lại giấu diếm thế!
- Không sao! – Cô ta vẫn cười tươi với hắn – Anh cứ xem thử cái nào ưng ý thì anh mua.
Hắn tự nhủ: thế chẳng có cái nào ưng ý thì tôi có mua không? Nhưng rồi ý nghĩ ấy thoáng qua mau, hắn bước vào cửa hàng quần áo, nhìn phải nhìn trái, nhìn trên nhìn dưới. Quần áo đẹp và bắt mắt thiệt. Có điều mục đích của hắn không phải là mua quần áo. Bởi vậy, lướt một vòng xem qua loa các thứ áo quần, hắn liền bỏ đi. Ra tới cửa tiệp, cô bán hàng hỏi hắn:
- Thế anh không kiếm được gì vừa ý ư?
- À, tôi chỉ xem thôi. Vẫn chưa có ý mua.
- Không sao! Lần sau anh có ý mua thì mời anh tới tiệm chúng em! – Cô cười tươi tiễn hắn.
- Cảm ơn chị!
2. Hắn đi về phía gian bán thịt cá. Hắn nhìn bà bán thịt. Bà đang chặt khúc xương đùi cho khách. Ồ, sao bà nhiệt tình với khách đến thế. Có vẻ bà không biết mệt mỏi là gì dù mồ hôi đẫm ướt trán. Khách cầm gói thịt rồi trả tiền. Bà vui vẻ vừa nhận tiền vừa nói:
- Mai mốt mời chị lại ghé quán em nữa!
Hắn đợi vị khách đi một quãng rồi mới đến quầy của bà. Hắn hỏi:
- Cô bán đắt quá he!
- Cảm ơn chú! Từ sáng đến giờ cũng được nhiều khách. Mà chú muốn mua gì nào?
- À… cháu chẳng biết mua gì cả?
- Chú khéo nói nhỉ! – bà bán thịt gườm duyên với hắn. – Thế hôm nay thích nhâm nhi món gì, nói đi để cô lựa cho thứ thịt ngon nhất.
- Dạ… cũng được… nhưng mà…
- Sao, không có tiền chứ gì? Không có thì cô này cho mua thiếu, mai mốt ra trả cũng được – Dường như bà bán thịt hiểu tâm lý sao đấy mà hắn đổi ý muốn mua cái gì đó.
- Dạ… không… à… cháu chỉ muốn hỏi cô có bí quyết gì mà lại bán buôn vui thế!
- Rởm đời! Bí quyết với bí đao gì! Nào, đùi giò, tai, tim, gan… mấy thứ này nhậu hết ý…
Hắn chẳng còn cách nào khác đành xin khiếu lần sau:
- Dạ, thôi, cảm ơn cô! Lần sau cháu ghé lại. Hôm nay cháu không mang tiền nên không muốn làm phiền cô!
- Cũng được, vậy lần sau nhớ tới chỗ cô đấy nhé! – Bà bán thịt không có vẻ gì giận, trái lại bà rất cởi mở với hắn.
- Dạ, chào cô!
Hắn ra khỏi chợ. Phố phường đúng là “chật hẹp người đông đúc”. Xe cộ qua lại, kèn kêu inh ỏi. Bỗng có tiếng ai đó la đằng xa: “Cướp! Cướp!” Có người đuổi bắt cướp không? Chẳng có ai. Người bị cướp thất vọng vì kẻ cướp đã cướp mất cái gì đó xem chừng rất quan trọng. Hắn nhìn nét mặt khổ sở của người bị cướp. Hắn giận lắm. Hắn giận những kẻ đi đường chỉ biết nhìn dửng dưng người gặp nạn. Hắn giận chính hắn vì hắn không thể giúp gì cho người bị cướp này. Hắn nhủ lòng nếu hắn đi ngang qua chỗ cướp ấy sớm chút nữa thì hắn sẽ rượt bắt kẻ cướp để lấy lại món đồ bị cướp. Nhưng nghĩ vậy cho hả cơn giận thôi, chứ hắn cũng chẳng dám bắt cướp đâu. Thế là hắn đành lủi thủi bỏ đi.
3. Hắn lại đi. Nhưng lần này có cái gì đó dẫn đường chỉ lối đưa bước chân hắn đến ngôi giáo đường nằm ở vùng ngoại thành. Ở đây dân cư thưa thớt. Ngôi giáo đường nằm nép bóng sau rặng tre xanh. Con kênh phía trước chảy một mạch ra sông lớn như nối hai miền thế giới đồng quê và thành thị. Hắn băng qua cầu, vào sân giáo đường. Không gian tĩnh lặng chốn thiêng liêng như bao trùm tâm hồn hắn. Hắn nhìn quanh chỉ thấy bờ tre xanh. Hắn nhìn trời cao chỉ thấy màu mây xám. Hắn nhìn phía trước là tháp chuông nó nằm cạnh cổng giáo đường. Ngôi hang đá dựng gần bên cửa trước nhà thờ. Hắn chợt nhớ ra là sắp đến lễ Giáng Sinh rồi. Không khí đón mừng sinh nhật Chúa lan tràn khắp ngõ hẻm. Xứ hắn có tổ chức thi làm hang đá. Dân trong xóm tích cực tham gia. Dường như trước cửa nhà nào cũng có cái hang đá lớn nhỏ. Đèn giăng mắc muôn màu sáng rực. Nhưng hang đá nơi ngôi giáo đường vùng ngoại ô này lại khơi lên trong hắn điều gì đó mà hắn chưa thể gọi tên ngay. Có lẽ đó là cảm xúc nhẹ nhàng mà sâu lắng, cảm xúc dẫn đưa hắn đi vào cõi lòng. Hắn bâng khuâng nghĩ về “mùa đông năm ấy”, mùa đông Con Chúa giáng trần.
Mùa đông năm ấy sao sáng soi cuối trời.
Mùa đông năm ấy Con Chúa sinh xuống đời.
Nhịp ca véo von bao thiên thần vang hát.
Tôn thờ Ngôi Hai giáng sinh trần ai. (Sáng tác: Hoài Đức)
Chúa đã sinh ra “nơi máng cỏ hang lừa”. Chúa xuống trần giữa đêm đông nơi hoang vắng. Ôi! Cái khung cảnh vừa man mác buồn vừa huyền nhiệm thay. Làm sao Con Chúa lại có sáng kiến chọn khung cảnh ấy làm nơi khơi nguồn cứu độ? Làm sao Con Chúa lại chọn nẻo đường khó nhọc để đi đến với nhân loại?
Đang mải mê với những câu hỏi chợt đến thì hắn thấy bóng dáng vị thầy tu đi từ ngõ nhà xứ ra gác chuông. Vị thầy ấy đánh từng nốt chuông nghe như văng vẳng tiếng ai đó gọi mời. Tiếng chuông ấy như tiếng thiên thần ca vang “véo von” giữa tiết đông năm nào. Tiếng chuông mời gọi nhưng cũng thúc giục lên đường. Này bà con ơi! Tới giờ đi dự tiệc rồi. Hãy bỏ lại mọi thứ mà đến bàn tiệc Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn. Hãy đến dự tiệc, bà con ơi!
Sau khi kéo chuông nhà thờ xong, thầy ấy trở vào nhà xứ. Tự nhiên hắn có ý nghĩ gặp thầy hỏi han vài lời.
- Chào thầy! – hắn hơi ngập ngùng khi đứng trước mặt vị thầy tu này.
- Chào anh! Xin lỗi anh cần gì ạ?
Hắn có vẻ mất hứng nói chuyện với thầy này. Sao thầy không giống mấy bà mấy cô bán hàng ngoài chợ nhỉ? Chẳng thấy thầy cười niềm nở chào đón gì cả!
- Dạ, thưa thầy, con nói chuyện với thầy một chút được không ạ?
- Anh muốn nói chuyện gì thì xin đợi sau giờ kinh lễ được không? Tôi bận vào trong nhà chuẩn bị vài thứ cho giờ lễ chiều.
- Dạ… dạ….
Hắn cúi đầu chào thầy. Thầy đi vội vào nhà xứ. Bóng thầy biến mất sau khung cửa kính.
Hắn ngồi ở ghế đá nghĩ ngợi mênh mang. Hình như người trông coi giáo đường này ít cười thì phải. Mới hỏi chút xíu thôi mà thầy ta khó tính không cho hỏi. Thật buồn hết biết! Nhưng nghĩ lại, hắn thấy vị thầy ấy lịch sự làm sao. Thầy ta không dửng dưng như những người đi đường mà hắn gặp hồi trưa nãy. Khuôn mặt thầy tỏa ra nét đạo đức thánh thiện. Dường như thầy vẫn ung dung tự tại, chỉ lo bổn phận kinh lễ, lo phần rỗi linh hồn cho con chiên xứ đạo. Trách nhiệm ấy là chín thôi bởi vì thầy không thích thành toàn hay hoàn hảo với con số mười. Cho nên thầy muốn có cái khiếm khuyết, cái thiếu xót nào đó. Hắn không được thầy lắng nghe đàng hoàng, âu cũng là thiếu xót của thầy. Nghĩ thế, nên hắn cũng chẳng thèm nghĩ thêm điều gì khác ngoài những ý nghĩ về thầy vừa nảy sinh trong đầu hắn.
Người ta đến nhà thờ dự lễ chiều. Trông họ đi lầm lũi nhưng chân bước có vẻ không mỏi. Hiểu thế nào nhỉ? Chẳng biết nữa! Chỉ biết rằng dáng đi lầm lũi của họ gợi lên trong tâm trí hắn hình ảnh người mẹ. Mẹ hắn ngày nào cũng gánh hàng ra chợ. Chiều dọn hàng về nhà còn phải lo cơm nước cho chồng con. Nghĩ tưởng đến hình ảnh mẹ, lòng hắn như trùng xuống. Ôi! Sao mẹ vất vả thế! Có lẽ vì cứ mang thân lầm lũi nên mẹ hắn mong ước sao cho thằng con trai út đi tu để bà nhờ cậy phần rỗi linh hồn. Mà ở cái xóm của hắn có nhiều chàng trai cô gái dấn thân trên con đường tu trì. Nhìn gia đình họ vui tươi hớn hở có con đi tu nên phải chăng bà cũng muốn hắn chọn con đường lý tưởng ấy? Thì chỉ còn mình hắn! Các anh chị hắn đã lập gia đình rồi, vả lại các anh chị nào có cơ hội học hành như hắn. Bao hy sinh gia đình dành cho hắn để hắn ăn học đàng hoàng. Vậy mà hắn vẫn chưa xác định rõ con đường tương lai, hắn vẫn còn thích lông bông. Nghĩ tới đây hắn lại đâm ra tự trách mình.
4. Hắn nhớ cái ngày hôm ấy hắn đã nói với mẹ điều này:
- Con không đi tu đâu!
Mẹ hắn buồn lắm. Nhưng bà không giận. Bà chỉ khuyên hắn nếu không đi tu thì ít ra cũng học thành tài để gia đình khỏi phải lo lắng. Còn ba hắn thì dửng dưng. Dường như đối với ông, chữ tu là cái gì đó cao vời, nó dành cho những kẻ có chí khí can trường vững mạnh lắm lắm. Chứ như thằng con trai ông đây, ông thấy nó đi tu thì chẳng xong mà ra đời sống cũng không ổn. Thằng này chỉ có nước ở độc thân vui tính thì may ra…sống được.
Có lẽ bố mình nói đúng! Hắn nghĩ vậy. Sống đời độc thân biết đâu lại dễ sống. Quan niệm dân gian cho rằng tu là cõi phúc. Có người lại phủ nhận cái khổ cuộc đời mà đi đến quan niệm tu cho sướng cái thân. Người khác lại nghĩ đến tướng mạo ai đó để nhận định tướng này mà không đi tu thì chẳng được tích sự gì. Những ý nghĩ ấy thật phổ biến. Dường như có một khoảng cách rất lớn giữa tu và tục, giữa đi tu và ở đời. Đích nhắm vẫn là hạnh phúc. Dẫu vậy, người không sống đời tu thì cảm thấy tu hạnh phúc hơn. Có lẽ bởi vì người ấy đã nếm trải nhiều chuyện đời không mấy hạnh phúc nên nhìn đời tu với cái nhìn của ước muốn được hạnh phúc? Nhưng hắn thì không tìm thấy ý nghĩa của chữ tu. Bảo hắn đi tu mà hắn không thấy đời tu ý nghĩa thì làm sao đi được, huống chi là tu!
Khi quan niệm tu là trốn tránh thế gian, lánh xa sự đời, là ở yên phận, là an nhàn thảnh thời thì hắn cảm thấy tu như thế nào có nghĩa gì. Cái tính lông nhông của hắn không cho hắn “ở không” đâu. Hắn phải truy vấn, tra xét cặn kẽ đủ điều đủ lẽ rồi mới quyết định làm hay không làm. Cho nên cái định nghĩa quen thuộc này đã đánh động suy tư hắn: Tu là sửa mình. Có điều, hắn nghĩ, cái mình là gì mà phải sửa? Nó có phải là đồ vật hư cần phải sửa không? Mà sửa xong rồi thì nó có hư tiếp nữa? Hoặc nếu không sửa được thì bỏ mặc nó ư? Lại nữa, ai sửa mình? Tôi sửa mình à? Thế thì cái tôi và cái mình phải khác nhau lắm lắm. Nếu không làm sao cái tôi có thể sửa cái mình? Như vậy, cái tôi ấy có đủ tài trí và sức lực để sửa cái mình. Nhưng khổ nỗi, cái tôi và cái mình đều là một. Cả hai đều nằm trong cái thân tâm này, trong con người này. Thế thì sửa mình là sửa làm sao?
Những câu hỏi sao thế này, sao thế nọ đã giày vò tâm hồn hắn. Thật lòng thì hắn vẫn chưa tìm ra ý nghĩa cuộc đời. Nhưng nếu bảo hắn ý nghĩa cuộc đời là gì thì hắn sẽ chép miệng bảo: Đành chịu! Cái ý nghĩa ấy thật trừu tượng làm sao. Nó cao vút và ngự trị trên các tầng trời kia kìa. Chẳng phải người ta đã dạy hắn cái ý nghĩa ấy thế này: ngoài đời thì hắn nghe dạy phải yêu tổ quốc, yêu đồng bào ; trong nhà đạo thì hắn nghe giảng mến Chúa yêu người. Cụ thể thế nào, phải làm sao thì chẳng ai chỉ bảo hắn. Thế là hắn chỉ còn cái ý nghĩ đi lang thang khắp phố chợ. Cuộc sống ở phố chợ xem chừng rất cụ thể đối với hắn. Họ diễn giải cái tình yêu trừu tượng thành những hành động thiết thực. Có điều, hắn nghĩ thế này: những hành động thiết thực cụ thể ấy có chắc là tình yêu?
5. Giờ lễ tới rồi! Bài thánh ca trầm ấm như những lời Thiên Chúa tình yêu thì thầm mời gọi. Hắn vào nhà thờ, ngồi ở phía cuối. Nhìn phía trước, giáo dân khoảng chục người. Họ hát khen chúc tụng danh thánh Chúa sau một ngày lao động mệt nhọc. Dường như Chúa trên cao đang nhìn xuống đoàn dân Người. Có vẻ Người hài lòng trước thái độ đơn sơ, trước tâm tình tín thác của họ. Không có gì ngăn cản họ bày tỏ niềm tin cảm mến đối với Đức Chúa. Họ đến đây dự lễ đọc kinh là bằng chứng cho niềm tin cảm mến của họ. Ôi! Ước gì mình có tâm hồn chân chất giống họ nhỉ? Hắn thầm nghĩ trong lòng. Làm sao người ta có thể dâng Chúa những tâm tình đơn sơ trìu mến thế?
Vị linh mục bước ra bàn thánh. Hắn giật mình khi thấy cha chủ tế là vị thầy hồi nãy hắn gặp. Chết chưa! Mình gặp ông cha mà cứ tưởng là ông thầy! Trông ông cha này trẻ trung thế thì ai biết là “cha”. Hèn gì ổng vội vã bỏ đi là phải. Mình đã không gọi ổng là “cha”. Hắn tự dưng áy náy vì hắn đã xét đoán không đúng về “cha”. Người ta là “cha” thì phải biết là “cha”. Lần sau phải rút kinh nghiệm hỏi xưng chức danh trước khi hỏi về những vấn đề đáng hỏi.
Mải mơ mộng nên hắn không chú ý nghe các bài đọc. Mà không sao. Có cha giảng giải rồi. Thế là hắn bắt đầu để tâm để trí lắng nghe những lời cha nói. Tình yêu Thiên Chúa thật nhiệm mầu nhưng lại rất sống động cụ thể. Tình yêu ấy thể hiện bằng muôn sắc thái cuộc sống của con người nhưng nội dung yêu thì chỉ có một: Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi Người đã ban cho thế gian Con Một của Người (Ga 3,16). Tình yêu ấy vượt trên mọi thứ tình cảm con người nhưng lại đi từ những tình cảm ấy. Tình yêu ấy vượt mọi biên giới lãnh thổ, ngôn ngữ, chủng tộc, văn hóa… nhưng lại nằm trong “phạm vi” của Ba Ngôi. Và rồi cha đã trích lời của thánh Bernard, đan sĩ Xitô ở thành Clairvaux: chúng ta yêu mến Thiên Chúa chỉ vì Người là Thiên Chúa. Chúng ta không yêu mến Người vì cái này cái nọ. Những lời giảng thật nhẹ nhàng của cha như đã đánh động tâm hồn hắn. Hắn như bừng tỉnh điều gì đó. Đúng hơn hắn thoáng nhận ra câu trả lời cho ý nghĩa cuộc đời mà hắn đang tìm kiếm. Ý nghĩa đời hắn là Thiên Chúa Tình Yêu.
6. – Lễ đã xong, chúc anh chị em đi bình an!
- Tạ ơn Chúa.
Nhà thờ dần vắng bóng người. Còn lại ba người ngồi nán ít phút để cầu nguyện thêm. Hắn ở trong số ba người đó. Thật ra hắn chỉ muốn kéo dài thời gian cho qua một ngày. Bây giờ về nhà hắn chẳng biết làm gì ngoài vùi đầu vào tivi hay vi tính. Thì cũng tranh thủ giây phút tĩnh lặng này mà suy nghĩ thêm về lời giải mà hắn đã thoáng thấy trong giờ lễ. Nhưng kỳ lạ thiệt! Hắn chẳng có ý tưởng gì hết. Tâm trí hắn toàn là những hình ảnh của một ngày sống, chứ không có chút tư tưởng chi cả! Đúng hơn, hắn cảm thấy như lời giải đáp kia đủ cho hắn rồi. Còn ý nghĩa nào cuộc đời nào cao đẹp hơn Tình Yêu Thiên Chúa? Cho nên hắn cứ ngồi đó, nhìn không gian tĩnh lặng, nhìn ngọn đèn nơi Nhà Tạm, nhìn hàng ghế chạy dài lên gian cung thánh. Rồi hắn dán mắt nhìn bàn tiệc nơi vị linh mục khi nãy cử hành bí tích tình yêu của Thiên Chúa. Giờ đây, bàn thánh phủ khăn trắng. Thinh vắng bao phủ. Không còn ai, ngoài hắn với hắn. Đúng hơn, chỉ còn Thiên Chúa hiện diện và hắn có mặt.
Hắn nhìn bàn tiệc lặng câm. Có lẽ chẳng khi nào bàn tiệc đông đủ người. Có lẽ ngày nào cũng chỉ bằng ấy người đến dự tiệc. Sức ăn của họ cũng yếu dần nên thức ăn lúc nào cũng dư đầy. Bỗng dưng hắn nảy sinh ước muốn được đứng nơi bàn tiệc ấy để cử hành bí tích tình yêu của Chúa. Hắn muốn đem thức ăn dư đầy ấy cho kẻ đói khát. Còn nhiều người vẫn chưa biết đến bàn tiệc này. Còn nhiều người chưa bao giờ cảm nếm thứ của ăn nuôi sống linh hồn. Nỗi khát khao ấy đến với hắn cách bất ngờ. Hắn không biết cảm xúc ấy từ đâu đến. Nhưng hắn biết rằng chính cái trống vắng nơi bàn tiệc thánh đã đánh động tâm hồn hắn, làm cho hắn bừng sáng một thứ cảm xúc rất rõ ràng: đi theo tiếng gọi Tình Yêu
Nhưng rồi cái cảm xúc ấy chóng qua. Hắn nhìn lại lòng mình thì thấy nó cũng trống vắng như bàn tiệc vắng vậy. Tâm hồn hắn chất đầy nhiều thứ, nhưng lại thiếu một thứ quan trọng. Tâm hồn hắn ngập tràn muôn ánh sao nhưng lại thiếu ánh sao chỉ lối. Làm sao con có thể dâng lên Thiên Chúa Tình Yêu cái tâm hồn vắng lặng này? Hắn thì thầm với Chúa. Trong tiếng thì thầm ấy, hắn như nghe có tiếng vọng lại. Ta ở rất gần con mà con lại muốn đi tìm Ta chốn xa vắng. Ta ở nơi sâu thẳm lòng con mà con lại tìm Ta ở bên ngoài con. Ta hiện diện nơi anh em sống quanh con vậy mà con lại tìm Ta trong những tư tưởng, ý niệm. Ôi! Lạy Chúa! Người có đó vậy mà con xem như Người không có đó.
7. – Anh ơi! Đến giờ nhà thờ đóng cửa rồi! Phiền anh được không?
Cha trẻ chạm nhẹ vai hắn. Hắn như tỉnh giấc sau cơn ngủ mê vậy. Hắn thấy cha trẻ đứng bên cạnh. Hắn vội đứng dậy chào cha cho phải phép.
- Hồi nãy con không biết cha là cha.
- Không sao đâu! Mà nè, trước giờ lễ anh muốn hỏi tôi điều gì phải không?
- Dạ… nhưng con đã tìm ra câu trả lời nhờ bài giảng của cha rồi! Cảm ơn cha nhiều!
- Vậy tốt rồi! Tạ ơn Chúa!
- Con muốn hỏi cha điều này được không?
- Anh cứ hỏi! Nếu giải đáp được thì tôi rất sẵn lòng.
- Con muốn đi tìm Chúa. Nhưng có trở ngại lớn này là nhiều khi con gặp các cha, con thấy họ có vẻ mệt mỏi đến đờ đẫn (có lẽ họ thiếu ngủ vì phải chăm lo việc hồn cho đoàn chiên hay do họ tiếp xúc với con người nhiều quá nên họ thiếu sức sống?). Nhiều cha được hưởng mức sống có thể nói hơn người lao động vất vả kiếm sống hằng ngày. Con không chịu được cảnh sống xa hoa ấy. Làm thế nào các cha đó có thể sống thoải mái khi mà phần đông người lao động ngoài đời phải vất vả cực nhọc mới đủ ăn? Hơn nữa con không cảm nhận được sự bình an nơi họ. Và dĩ nhiên con cũng không nhiễm lây được an bình nào do họ đem lại. Con không hiểu tại sao họ lại để cho đôi mắt họ thất thần, thiếu sắc khí đến thế. Một người tu, tận hiến cuộc đời cho Chúa phải là người dũng mãnh, phải toát ra sức sống an vui cho những ai tiếp xúc với họ. Lẽ nào họ lại để cuộc đời tu trì bị thấm nhiễm tinh thần thế gian đến vậy? Chẳng phải họ là những chiến sĩ hăng say sứ mạng loan báo thiên ân đó sao?
- Anh đặt vấn đề rất thực tế đấy! Nhưng nếu ai cũng muốn trốn chạy tìm kiếm an bình cho bản thân, ai cũng thích trầm tư trong cõi tu, thì lấy ai sống gần người dân, chia sẻ niềm vui nỗi buồn hay khổ đau hạnh phúc của họ? Người nào có ơn gọi của người ấy. Những người tu anh gặp có lẽ họ đã hy sinh nhiều. Mình nên nhận ra nơi họ tình yêu dấn thân vì Chúa và vì tha nhân đến nỗi đôi mắt trở nên thiếu sức sống, đến nỗi bước đi vội vã thiếu thảnh thơi, đến nỗi vầng trán nếp nhăn in đậm thiếu an bình. Lẽ ra mình phải yêu thương họ nhiều hơn, mình phải gần gũi họ nữa. Còn chuyện cuộc sống xa hoa của các cha thì anh đừng lấy thế mà phản kháng. Anh phải coi đó là “mối lợi” cho riêng anh. Bởi vì trong anh có hạt giống của đời sống khó nghèo. Anh hãy khởi đi từ chính hạt giống sống nghèo khó ấy thì anh sẽ chẳng còn trách các cha nào sống xa hoa. Dường như anh đang có những trăn trở rất tốt, chúng sẽ giúp anh tiến bước trên con đường tìm Chúa.
Hắn nghĩ ngợi giây lát rồi hỏi tiếp
- Thế làm sao cha có hạnh phúc?
- À, câu hỏi này vừa khó vừa dễ. Dễ vì chỉ có phương cách này đối với tôi thôi: cầu nguyện! Còn khó vì phải “cầu nguyện không ngừng”, như lời thánh Phaolô dạy vậy.
- Nhưng con cũng cầu nguyện mà sao con không cảm thấy vui hay hạnh phúc? Nhiều lúc con vào nhà thờ mà lòng trí thật nặng trĩu, chán chường, nhưng sau buổi cầu nguyện, con cũng vẫn mang tâm trạng ấy, chẳng thay đổi chút nào.
- Cầu nguyện không phải để kiếm tìm hạnh phúc hay trốn tránh khổ đau. Cầu nguyện trước hết là hiện diện bên Chúa để nói cho Người nghe về bản thân mình và để Người nói về mình luôn, để rồi khi cầu nguyện xong, mình có thể nhận biết được ý Người và đem ra thực hành trong cuộc sống. Khi mình thực hiện ý Chúa là lúc mình khởi đầu một cuộc sống mới nó sẽ đem lại cho mình sự bình an tâm hồn. Cuộc sống thì lúc nào cũng có vui buồn cả, vấn đề là trong từng hoàn cảnh sống ấy mình có bị giao động tâm hồn không. Khi vui thì mình thường dễ lạc quan, hoặc lúc buồn thì toàn nhìn thấy đời xám xịt. Cầu nguyện là để lấy lại sự bình an sau những cảm xúc vui buồn ấy.
- Làm sao con có thể hiện diện với Chúa? Trong thế giới nhộn nhịp này, việc ngồi thinh lặng một mình để lắng nghe tiếng Chúa quả là hành động vô ích, mất thời gian. Thà đi làm những việc thiện nguyện còn tốt hơn ở lì một chỗ. Bởi lẽ, tâm trí con nghĩ suy nhiều điều liên quan đến cuộc sống, đến đời mình, đến con đường lý tưởng mình đang kiếm tìm. Con không sao dứt bỏ chúng được. Vậy lúc con rong chơi trong tư tưởng ấy liệu con có hiện diện bên Chúa không?
- Còn tùy ở ý hướng của anh! Nếu anh ray rứt hay áy náy vì trong giờ cầu nguyện, anh không tập trung hay có nhiều hình ảnh ý tưởng quấy rầy anh, thì anh hãy nhìn và nhận diện chúng. Nếu anh thấy tâm trí mệt mỏi vì chúng thì anh hãy dâng lên Chúa những mệt mỏi ấy. Làm như thế cũng là hiện diện trước mặt Chúa rồi. Hoặc khi anh tìm gặp được niềm vui nội tâm thì đó là dấu chỉ cho biết anh đang ở gần Người. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là anh ở gần Người để tìm bình an cho tâm hồn, mà chính là Người. Chỉ vì Người là Người mà tôi phải ở đây, chứ không vì tôi thích cõi yên vắng để chạy trốn, để tìm an bình cho tâm hồn. Tôi cũng không vì tranh thủ giờ cầu nguyện để suy tính. Tôi chỉ vì mục đích duy nhất là Chúa, Đấng hiểu và thương tôi.
- Con luôn bị hoàn cảnh bên ngoài tác động, nên khi cầu nguyện, con chỉ gặp bất an. Thật sự, con không thể chịu đựng nổi cảnh khổ đau của người khác. Biết bao người nghèo khổ, bệnh tật đang cần sự giúp đỡ, cần sự quan tâm chăm sóc, vậy mà con bất lực nhìn họ bất lực trước cuộc sống. Phải chăng con đang chạy trốn khổ đau để tìm cho mình hạnh phúc riêng?
- Chắc anh cũng biết rõ là chúng ta không phải là Chúa! Chúng ta không thể quán xuyến hết mọi chuyện trong thiên hạ!
- Vâng, chúng ta không phải là Chúa nhưng ít ra chúng ta cũng phải làm cái gì đó cho họ chứ?
- Nếu anh muốn đi tìm Chúa thì đây chưa phải là lúc anh vào đời đâu! Thời gian tìm Chúa là thời gian anh chỉ có nhiệm vụ lắng nghe ý Chúa. Người muốn gì nơi anh. Sau đó, khi khám phá ra tình yêu và ý muốn của Người, anh có thể làm những việc con tim anh thúc bách. Việc anh dằn vặt, đau cái đau của người khác chứng tỏ đó là dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa dành cho anh. Hãy đón nhận những cảm xúc ấy trong niềm tín thác vào Chúa. Thôi, anh hãy đi bình an! Tôi sẽ hiệp ý cầu nguyện với anh để anh tìm ra ý Chúa muốn cho cuộc đời anh.
- Cảm ơn cha đã chia sẻ những điều bổ ích này.
- Anh can đảm nhe! Nếu có gì cần thì mời anh đến giáo xứ. Tôi giúp được anh điều gì thì tôi sẽ giúp! Chúc anh đón mừng lễ Giáng Sinh tươi vui và an bình. Chúa đến với chúng ta thì chúng ta cũng hãy đi gặp Người.
- Cảm ơn cha!
Nói rồi, hắn bước khỏi nhà thờ. Sau lưng hắn, cổng nhà thờ đóng lại. Nhưng phía trước hắn, có một cánh cổng mới mở ra. Cánh cổng của an bình đã mở ra cho hắn một hướng đi, đã đem lại cho hắn ý nghĩa cuộc đời: Tình Yêu Thiên Chúa!