(Đoạn trích Kinh Thánh: Proverbs 9:1-18)
Kinh Thánh không nói cho chúng ta biết thế nào là thận trọng nhưng lại diễn tả một cách mỹ miều về người thận trọng, họ đối xử thế nào, họ làm gì, họ tránh những gì. Ngay cả chữ thận trọng cũng có thể được thay thế bằng nhiều chữ khác, tỉ như chữ khôn ngoan và bàn hỏi, hay các đặc tính liên hệ như suy xét kỹ lưỡng, cẩn thận, sáng suốt, thấu hiểu, chín chắn và phân xử hợp lý. Các bạn có thấy chữ thận trọng thật khó định nghĩa và khó phân loại không.
Tuy nhiên không ai trong chúng ta nghi ngờ vai trò chủ yếu của nó trong tinh thần môn đệ. Trong Cựu Ước, ngoại trừ đức tin và đức công chính, tôi tự hỏi không biết có đức tính nào được ca tụng nhiều hơn là sự khôn ngoan và thận trọng đến độ một người có suy xét, dè dặt, sáng suốt được coi là anh hùng, là gương mẫu của con người tuyệt hảo của Thiên Chúa. Trong hệ thống Kitô Giáo, sự thận trọng thật quan trọng đến độ được xếp hàng đầu trong các nhân đức chính yếu. Nó thật quan trọng đến độ Thánh Basil Cả đã nhận xét, “Sự thận trọng phải đi trước mọi hành động của chúng ta; vì nếu thiếu thận trọng, mọi sự có thể trở nên xấu xa dù nó có vẻ tốt lành. “
Có lẽ Thánh Tôma Aquinas có thể giúp chúng ta định nghĩa sự thận trọng. Vị Tiến Sĩ Thiên Thần này diễn tả sự thận trọng bao gồm sự phán đoán đúng đắn, có được bởi ơn Chúa ban, và bởi những kinh nghiệm thành công cũng như thất bại của một người trong cuộc sống. Đó là một đức tính thuộc về trí óc nhằm giúp chúng ta đoán ra được sự lành và sự dữ trong bất cứ hoàn cảnh nào và giúp chúng ta hành động xứng hợp với ý Chúa, dựa trên nền tảng của kiến thức này.
Thực sự chúng ta không còn dùng nhiều đến chữ “thận trọng” nữa có phải không? Đôi khi tôi tự hỏi có phải chữ “lương tri” đã thay thế một số ý nghĩa của nó. Ở Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ, Đức Ông John Tracy Ellis thường bắt đầu niên học bằng lời khuyên sau, “Nếu bạn thiếu khôn ngoan, Thiên Chúa có thể ban cho bạn; nếu bạn thiếu kiến thức, tôi có thể giúp bạn; nhưng nếu bạn thiếu lương tri--không ai có thể giúp bạn!”
Giờ đây, sự thận trọng, hay khôn ngoan, chắc chắn là đức tính cần kíp cho bất cứ tín hữu nào, nhưng đối với linh mục nó là căn bản. Dân chúng mong đợi các linh mục là những người khôn ngoan, thánh thiện, thận trọng. Nhiều khi chúng ta sửng sốt khi họ tìm kiếm sự giúp đỡ của chúng ta để chấm dứt những tranh chấp hay để có những quyết định khó khăn trong đời sống. Tôi nhớ lần đi coi xứ đầu tiên tôi đã giật mình khi một thanh niên nhờ tôi giúp anh chọn lựa giữa hai người yêu của anh, trong khi tôi đây là người độc thân; hoặc khi một bác sĩ già gấp đôi tuổi tôi nhờ tôi hướng dẫn trong một quyết định khó khăn về luân lý. Tôi hai mươi sáu tuổi, vừa mới chịu chức, chẳng có kinh nghiệm là bao trong cả hai lãnh vực này, tuy nhiên, vì tôi là một linh mục, giáo dân cho rằng tôi có sự phán đoán đúng đắn, có đầu óc sáng suốt, khôn ngoan. Tương tự như vậy, họ trông đợi chúng ta hành động với sự thận trọng, đừng trở nên những người dại dột, hớ hênh, vô trách nhiệm. Họ trông đợi chúng ta hành động với sự đáng tin cậy, điềm tĩnh và cẩn thận. Thận trọng trong những lựa chọn của chúng ta, thận trọng trong cách xử thế của chúng ta.
Nhưng bạn cũng biết rằng không ai là không thể vạch ra điều khuyên bảo khôn ngoan mà họ nhận được từ một linh mục là người mà bạn tôn trọng sự thận trọng của họ khi giúp đỡ bạn nhận thức. Như Thánh Augustin viết, “Sự tốt lành lớn lao nhất là sự khôn ngoan. “ Như vậy chúng ta phải mang ơn Giáo Hội để chăm sóc đức tính tối cần thiết này.
Khi tôi thăm dò những nhận xét của các cha sở về các chủng sinh đi thực tập, hoặc các thẩm định hằng năm của ban giám đốc nhà trường, hoặc ích lợi nhất là khi tôi nghe phê bình của các cha sở và đức giám mục về các linh mục mới chịu chức, ít khi tôi thấy họ chỉ trích về tính cách chính thống của học thuyết, sự tận tụy cầu nguyện, khả năng thuyết giảng, sự vâng lời hay sự khiết tịnh--tạ ơn Chúa vì tất cả những điều đó--nhưng tôi thấy có những nhận xét về sự thiếu thận trọng, và, điều này không làm tôi ngạc nhiên, vì như Thánh Tôma đã nhắc nhở chúng ta, sự thận trọng đi liền với kinh nghiệm và tuổi tác.
Dĩ nhiên điều khó khăn là sự thận trọng thường không liên hệ đến những gì chúng ta làm, hoặc ngay cả lý do tại sao, nhưng liên hệ đến phương cách, thời gian và nơi chốn! Sau đây là một vài thí dụ về sự thiếu thận trọng:
Bạn hiểu tôi muốn nói gì: động lực có thể thật tốt đẹp, điều cần phải thi hành rõ ràng--đó là phương cách, thời gian và nơi chốn là những gì có thể làm tan nát chúng ta--trừ phi chúng ta có sự thận trọng. Và sự thận trọng đó, như Đức Ông John Tracy Ellis nhận xét về lương tri, là điều hiếm có nhất!
Bây giờ tôi sẽ đi qua một số nhận xét thực tiễn về sự thận trọng, nhất là vì chúng áp dụng cho linh mục.
Trước hết, sự thận trọng thường liên hệ đến các quyết định, nhưng một loại quyết định đặc biệt. Đức tính cần có để chọn sự thiện khi phải lựa chọn giữa điều đạo đức và thiếu luân lý thì không phải là sự thận trọng--đó là sự vâng phục! Sự thận trọng là khả năng chọn lựa giữa hai điều tốt lành, hay, tối thiểu hai điều trung lập về luân lý.
Khi một người đến nói với tôi là anh ta muốn bỏ chủng viện, tôi hỏi anh là sự lựa chọn của anh đã hội đủ ba điều kiện sau đây chưa: (1) Đã cầu nguyện liên lỉ để tìm biết ý Chúa chưa? (2) Đó có phải là một quyết định kiên nhẫn, có nghĩa từ từ, cẩn thận, chín chắn, không bốc đồng? (3) Đó có phải một quyết định thận trọng, là điềm tĩnh, thanh thản, có suy nghĩ, và để ý đến những lời khuyên của người khôn ngoan hơn mình--cha linh hướng, các giám mục, cha giám đốc, bạn thân, gia đình, phải, ngay cả cha sở? Nếu quyết định đó quả thật đã được cầu nguyện, nhẫn nại và thận trọng thì tôi chỉ có thể ca tụng Thiên Chúa vì chủng viện này đã giúp được một người có một quyết định chín chắn. Quyết định rời bỏ chủng viện là một quyết định giữa hai điều tốt lành--chức linh mục và một ơn gọi khác tỉ như hôn nhân--và do đó đòi hỏi sự thận trọng.
Và sau đây tôi sẽ nói về sự cần thiết của sự thận trọng trong các quyết định phổ thông mà chúng ta phải đối diện.
Điều kiện thiết yếu của thận trọng là không bao giờ, đừng bao giờ quyết định khi nóng giận, khi thèm khát, khi chán nản, hay khi vội vàng.
Chúng ta không bao giờ, đừng bao giờ hành động khi nóng giận. Marcus Aurelius nhận xét, “Hậu quả của sự nóng giận thì thật đau buồn hơn cả nguyên nhân gây ra nó.” Đúng vậy, cần có sự kiểm soát phi thường, nhưng người thận trọng sẽ không bao giờ quyết định khi nóng giận; họ sẽ “để yên nó,” hay để sang một bên, hay trì hoãn nó cho đến khi có thể cân nhắc lúc điềm tĩnh. Một người khôn ngoan thì không sợ thú nhận, “Hiện giờ tôi quá nóng giận không thể quyết định được. Như Dag Hammarskjold nhận xét, “Thế giới này sẽ bớt đi biết bao cô nhi và quả phụ nếu các nhà lãnh đạo đừng quyết định chiến tranh khi họ còn nóng giận.”
Chúng ta không bao giờ, đừng bao giờ quyết định khi thèm khát! Không hồ nghi là bộ óc nằm trên cái bụng, nhưng ngạn ngữ có câu, lý lẽ giảm dần khi các cơ phận ở bên dưới bụng tăng dần. Biết bao linh mục đã hấp tấp cởi áo vì họ hành động khi thèm khát! Người thận trọng cũng sẽ lùi bước, và tự cho mình một khoảng cách, trước khi tự để mình bị lấn lướt bởi sự thèm khát. Một linh mục nói với tôi là người đã nghĩ đến việc cởi áo vì yêu một phụ nữ. Tôi khuyên người hãy thận trọng, hãy thi hành mọi thứ có thể để bảo vệ ơn gọi. Người nói tôi đừng lo, vì người và người yêu sẽ cùng nhau đi xa hai tuần lễ để quyết định xem phải làm gì. Ơn gọi của người thật đen đủi là chừng nào! Như Shakespeare đã viết, “Các lời thề mạnh mẽ nhất chỉ là rơm rác trước ngọn lửa sôi sục trong máu.”
Chúng ta không bao giờ, đừng bao giờ hành động khi chán nản. Đau khổ vì thất bại, bị sa ngã phạm tội, hay hành động ngu xuẩn--tất cả những điều này làm chúng ta chán nản. Đó không phải là lúc quyết định. Chúng ta không xin thuyên chuyển chỉ vì cha sở la mắng và làm chúng ta buồn chán; chúng ta không từ bỏ chức linh mục vì cô đơn và trầm cảm. Người thận trọng không bao giờ pha trộn một sai lầm này với sai lầm khác.
Chúng ta không bao giờ, đừng bao giờ hành động hấp tấp. Một linh mục phải có thể quyết định một cách chín chắn, người sẽ không bao giờ quyết định bừa bãi. Người sẽ cân nhắc, hỏi ý kiến, cầu nguyện, suy tư, dành một thời gian và rồi mới hành động.
Một trợ giúp thứ hai cho sự thận trọng là một đời sống quân bình. Mỗi ngày đời sống chúng ta bám chặt vào Thiên Chúa qua sự cầu nguyện và tin tưởng vào căn tính cũng như sứ vụ của chức linh mục. Bất cứ gì xảy ra, một người thận trọng chắc chắn sẽ không bao giờ thiếu sót. Điều này được bảo vệ bởi một đời sống nhịp nhàng, sự điều dưỡng hàng ngày. Phải, chính linh mục, nhất là linh mục ở giáo xứ, phải thật linh động vì người không biết điều gì sẽ xảy ra trong ngày, nhưng một linh mục khôn ngoan luôn luôn có nguyên tắc chung làm căn bản cho đời sống hàng ngày. Người không phải là một người “thích lang thang” nhưng một người có mục đích và đường hướng, điềm tĩnh và thận trọng trong đời sống.
Trong Nhật Ký Một Linh Hồn của Đức Gioan XXIII có ghi lại vào ngày 14 tháng Tám 1961:
Về mục đích của đời sống tôi phải:
- Chỉ khao khát trở nên thánh thiện và nhân đức, và như thế làm hài lòng Thiên Chúa.
- Đưa mọi sự đến việc phục vụ và vinh danh cho Giáo Hội.
- Nhận thức rằng tôi được Chúa sai đến đây, và vì thế phải bình thản trước bất cứ gì xảy đến.
- Lúc nào cũng phó mình cho sự Quan Phòng của Chúa.
- Luôn luôn sắp xếp công việc trong ngày theo một phương cách thông minh và có thứ tự.
Đó là một người khôn ngoan!
Tôi thường trích lời của Đức Hồng Y Newman là người khi được hỏi về con đường đến sự tuyệt hảo, đã trả lời rằng: “Người tuyệt hảo là người thi hành công việc hàng ngày một cách hoàn hảo--trước tiên, đừng nằm nướng trên giường khi đã đến giờ thức dậy; hãy nghĩ đến Chúa trước hết; thành khẩn viếng Thánh Thể; đọc kinh Truyền Tin một cách sùng kính; ăn uống để vinh danh Chúa; lần chuỗi; bình thản; đừng nghĩ điều xấu; chiêm niệm buổi tối; xét mình hằng ngày; đi ngủ đúng giờ--và bạn đã hoàn hảo. “
Chương trình hàng ngày rất đơn giản, thận trọng đó là từ một người được coi là thông minh nhất chỉ sau Thánh Tôma Aquinas!
Mỗi người chúng ta phải biết mình cần những gì cho một đời sống có mục đích và có kết quả, tôi biết, trong chính đời tôi, dù biết bao sôi nổi, tôi phải đoan chắc có cầu nguyện--Thánh Lễ, kinh nhật tụng, suy niệm--tối thiểu ngủ được sáu tiếng, tập thể dục đôi chút và ba bữa ăn, nếu không tôi sẽ mau mệt, cáu kỉnh và vô tích sự.
Đức Ông Cornelius Flavin, là cha sở đầu tiên tôi phụ tá, rất thân với chị của người. Một chiều kia, tôi nhận được điện thoại cho biết bà đã qua đời. Lúc đó khoảng 3g30 chiều, và tôi biết người sẽ về nhà bất cứ lúc nào từ nhà thương, vì người đến đó mỗi buổi chiều. Và đúng vậy, khi nghe tiếng mở cửa nhà xe tôi đi ra để ngỏ lời chia buồn đồng thời ngỏ ý xem tôi có giúp được gì không; người đi vào phòng riêng mà tôi nghĩ người sẽ khóc thảm thiết và điện thoại cho các anh chị em cũng như gọi nhà quàn. Kế tiếp, điều tôi chứng kiến là người đi ra khỏi phòng và đến nhà thờ để đọc kinh nhật tụng, như thường lệ từ 4 đến 5 giờ chiều. Vào lúc khủng hoảng và mất mát, sự điều độ cầu nguyện, bổn phận hằng ngày người vẫn không quên.
Một người thận trọng phải có sự nhịp nhàng như vậy, sự điều độ được hoạch định để tất cả những điều căn bản chắc chắn được thi hành. Điều này không phải là trốn trách nhiệm nhưng đảm bảo một cách khôn ngoan là chúng ta sẽ chu toàn một cách có kết quả.
Phương cách tiếp cận đời sống quân bình này phải tránh những thái quá. Tập thể dục thì quan trọng, nhưng có thể quá sức; giấc ngủ là điều căn bản, nhưng có thể thiếu cân đối; đồ ăn thức uống thì cần thiết, nhưng có thể bị lạm dụng; giải trí và nghỉ ngơi thì cần có, nhưng có thể quá mức. Ngay cả sự cầu nguyện có thể bị lạm dụng, tin hay không là tùy.
Một vị giám mục kể cho tôi nghe về một sinh viên ở trường này khoe với người, “Đức giám mục biết không, con là một người chiêm niệm. “
Đức giám mục trả lời, “Tôi nghĩ anh muốn nói là anh cần thời gian chiêm niệm để tăng sức và thêm ý nghĩa cho tác vụ của anh?”
“Không” vị linh mục trẻ trả lời. “Con muốn nói con là một người chiêm niệm!”
Đức giám mục trả lời, “Tôi phong chức cho anh để trở nên một linh mục tích cực hoạt động ở giáo xứ, chứ không phải là một người chiêm niệm!” Đức giám mục nói đúng. Vị linh mục trẻ đã thiếu thận trọng trong phương cách tiếp cận việc cầu nguyện.
Đặc biệt là thái độ tiếp cận quân bình, cân đối, đều đặn đối với đời sống nhất là khi khủng hoảng, và chúng ta sẽ có rất nhiều. Khi thảm kịch xảy đến, hoặc cho chính chúng ta hoặc cho người dân; khi những cám dỗ và sự chán nản xảy đến; khi những đòi hỏi chồng chất và dường như choáng ngợp chúng ta--hơn lúc nào hết cần phải có sự thận trọng để có một phương cách tiếp cận bình thản, đầy suy tư, đáng tin cậy đối với đời sống, được bám rễ trong những điều cốt yếu, tránh những thái quá.
Phương cách thứ ba là sự thận trọng giúp chúng ta tập trung vào chính mình, giữ trung thực những gì là tiên quyết. “Tại sao Thiên Chúa lại dựng nên bạn? Để biết Người, để yêu mến Người, và phục vụ Người trong thế giới này, và để hạnh phúc với Người ở đời sau,” đúng như nhiều người chúng ta đã cảm nghiệm được trong giáo lý. Hoặc, trong những lời đơn giản của Thánh Y Nhã “Quy Tắc và Nền Tảng Đầu Tiên”:
Con người được dựng nên để ca tụng, tôn kính và phục vụ Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và nhờ đó họ cứu rỗi được linh hồn mình.
Những điều khác trên mặt đất được tạo nên vì con người để giúp họ đạt được cùng đích mà họ đã được dựng nên.
Vì thế, con người sử dụng tạo vật là để giúp họ đạt được cùng đích ấy, và họ phải tách biệt với tạo vật một khi chúng cản trở họ.
Do đó, chúng ta phải giữ mình trung lập với mọi tạo vật, một khi chúng ta có sự tự do lựa chọn và không bị cấm cản. Do đó, đối với chính chúng ta, chúng ta không thể muốn sức khỏe hơn là đau yếu, muốn giầu sang hơn là nghèo khổ, muốn vinh dự hơn là hổ thẹn, muốn sống lâu hơn là chết yểu. Mọi thứ khác cũng giống như vậy.
Sự lựa chọn và khao khát độc nhất của chúng ta phải là những gì dẫn đến cùng đích mà vì đó chúng ta được tạo nên.
Louis Puhl, S. J. , Linh Thao
Sự thận trọng giúp chúng ta giữ được mục tiêu của mình một cách sáng sủa và rõ ràng, nhờ đó duy trì được một đời sống có trật tự và có mục đích. Người khôn ngoan sẽ thường nói, “Điều đó thực sự không can gì đến tôi, “ khi họ nhận ra bổn phận của chính họ và không cần phải quá hăng say đối với bổn phận của người khác.
Vì thế các linh mục ở giáo xứ cũng phải tập trung về công việc của mình. Khi ở trong giáo xứ, đó là ưu tiên của bạn. Bạn sẽ bị chôn vùi với những lời mời cử hành Thánh Lễ đây đó, hay tổ chức suy niệm và tĩnh tâm ngoài giáo xứ, trở nên tuyên uý cho đoàn thể này nọ--nhưng sự thận trọng giúp chúng ta biết tập trung! Phải, tôi có thể chấp nhận các nhiệm vụ khác, nhưng chỉ khi nào chúng không gián đoạn những trách nhiệm chính của tôi ở giáo xứ.
Và, dĩ nhiên, sự thận trọng bảo vệ mục tiêu căn bản của chúng ta, là đời sống vĩnh cửu qua sự trung thành với ơn gọi linh mục, và điều này chắc chắn là quan trọng. Vì đời sống chúng ta với Đức Kitô trong ơn sủng thì dễ vỡ, ơn gọi linh mục của chúng ta thì mong manh, và người khôn ngoan thì phải bảo vệ những hạt ngọc vô giá ấy bằng bất cứ giá nào!
Một cha giám đốc ơn gọi rất được ngưỡng mộ đến thăm trường North America và bày tỏ sự lưu tâm của người trong chính lãnh vực này. Than thở về việc hai linh mục trẻ ra đi, người nhận xét, “Làm thế nào mà họ dám nghĩ rằng chức linh mục có thể tồn tại khi hằng tuần họ đi chơi cả sáu buổi tối và không trở về nhà mãi cho đến nửa đêm? Làm thế nào họ dám nghĩ rằng họ vẫn còn độc thân khi cứ gần gũi với các phụ nữ hấp dẫn? Tôi thật lo sợ,” và người kết luận, “một số các linh mục trẻ quá tự tin, hầu như tự phụ, và không nhận ra sự mong manh của ơn gọi. Sao họ không cảnh giác hơn?” Sự cảnh giác--một đồng nghĩa khác với thận trọng.
Vì thế người khôn ngoan phải biết những giới hạn của mình. Chúng ta thường gọi đó là “cơ hội phạm tội,” được định nghĩa như bất cứ người nào, nơi vào hay vật gì có thể khiến việc phạm tội dễ dàng hơn. Một số người đưa chúng ta đến những chuyện tầm phào, hay kêu ca, chỉ trích cay độc--tốt hơn chúng ta nên tránh xa họ; khi chúng ta đến những nơi khiến chúng ta uống rượu nhiều--chúng ta nên tránh; khi chúng ta cảm thấy mình bị quyến rũ về xác thịt với người nào đó--chúng ta phải tránh người ấy. Vì người linh mục khôn ngoan biết rằng sự ưu tiên không thể nhượng bộ là đời sống vĩnh cửu qua sự trung thành với ơn gọi của mình, và hạt ngọc quý giá đó phải được bảo vệ bằng mọi giá!
Tôi có đọc một bài thật hay của Cha Dominic Maruca, S. J. , về điểm này. Cha Dominic nói, “Được coi là một dấu chỉ của sự khôn ngoan khi không đánh giá quá cao sức mạnh của mình hay đánh giá quá thấp sự mãnh liệt của đam mê.” Sau đó người tiếp tục kể ra bốn dấu hiệu nguy hiểm mà, theo kinh nghiệm của người, thường dẫn đến việc rời bỏ sứ vụ linh mục. Đó là: miệt mài trong các sinh hoạt trần thế thay vì sinh hoạt cổ điển của linh mục là rao giảng, huấn luyện, và cử hành các bí tích, với hậu quả là chỉ muốn sống một mình và né tránh những dấu hiệu bên ngoài của giáo sĩ tỉ như y phục và danh xưng; quá nhiều tiền của; ngày càng không thích kinh nguyện và bí tích, nhất là Thánh Lễ và bí tích hòa giải; hay một tương giao nhiều cảm xúc. Điều mà vị giám đốc khôn ngoan này cổ võ là chúng ta phải thận trọng bảo vệ ơn gọi linh mục mong manh của chúng ta, vì chúng ta không thể thi hành điều đó một mình.
Thánh Francis de Sales đã diễn tả điều đó thật hay: “Bạn phải khôn ngoan như con rắn, khi gặp nguy hiểm, nó đưa thân mình ra để che chở cái đầu. Giống như vậy, chúng ta phải liều mạng, nếu cần thiết, để duy trì tình yêu và sự hiện diện của Chúa trong chúng ta một cách đầy đủ và trọn vẹn, vì Người là đầu và chúng ta là thân thể của Người. “
Hằng năm khi nghe Đức Ông Charles Elmer nói với các tân linh mục ở Casa thì tôi lại cảm động. Người bảo họ, “Tôi không lo lắng về sức học của các anh em, vì ít có ai rời bỏ nơi đây vì không có sức học. Điều tôi lo lắng là ơn gọi linh mục, đời sống tâm linh của anh em.” Đức ông nói tiếp, “Do kinh nghiệm, tôi biết khi sách kinh không được mở, khi Thánh Lễ hằng ngày không được cử hành, khi một linh mục thường xuyên ở quán ăn và phố xá nhiều hơn là ở nhà nguyện, khi linh mục bỏ quên Đức Giêsu và Mẹ Maria, khi nhiều tháng trôi qua mà không xưng tội thì chức linh mục của người ấy đang trong tình trạng nguy kịch.”
Sự thận trọng giúp chúng ta tập trung vào những gì thực sự cần thiết.
Khía cạnh quý báu thứ tư của sự thận trọng: chúng ta thực tế về những gì chúng ta bỏ lại sau lưng. Chúng ta biết khi là một linh mục, chúng ta có được những gì. Cũng như các tông đồ bỏ lại lưới, tầu bè, cha mẹ, sinh kế để đi theo lời mời gọi, thì chúng ta cũng nhận ra được những gì bỏ lại sau lưng.
Một cha sở kể cho tôi nghe về một tân linh mục làm phó xứ cho người, vài tuần lễ trước Giáng Sinh vị linh mục ấy đến với cha và hỏi, “Này cha. Con sẽ được nghỉ đêm Giáng Sinh hay sáng Giáng Sinh?”
Cha sở không hiểu, hỏi lại, “Cha muốn nói gì?”
Vị tân linh mục tiếp, “Chắc chắn là con có quyền ở với gia đình trong dịp Giáng Sinh, do đó con mong đợi là con sẽ được tự do vào đêm Giáng Sinh hay ngày Giáng Sinh. “
Bạn có thể tưởng được--là một linh mục giáo xứ mà không nhận thức rằng, quả thật, giáo xứ là gia đình của người, và bỏ lại sau lưng một niềm vui chính đáng với gia đình đó là một mong đợi thực tế nơi linh mục địa phận, và vì thế người phải thưởng thức Giáng Sinh đầu tiên với sự chìm đắm trong sinh hoạt giáo xứ?
Đôi khi dường như chúng ta nghĩ rằng Đức Giêsu chỉ nói đùa khi Người cho chúng ta biết cái giá của tinh thần môn đệ, những điều như cô đơn, vỡ mộng, bị chống đối, chán nản, hy sinh, và đau khổ. Người khôn ngoan phải biết họ sẽ được gì, và cũng quan trọng không kém, họ phải bỏ lại những gì, có thể nói là khoái lạc xác thịt, một sự nghiệp, có danh vọng, được nổi tiếng, được sự hỗ trợ đầm ấm của một người vợ và gia đình, và tiền bạc.
Sự thận trọng giúp chúng ta nhận ra được những gì bỏ lại sau lưng.
Một lãnh vực sau cùng của sự thận trọng tôi muốn nhắc đến thì được diễn tả bằng chữ “dè dặt”, là một đồng nghĩa khác cho đức tính này.
Sự dè dặt rất có ích trong lời ăn tiếng nói. Trước đây khi nói về sự chính trực tôi có đề cập đến sự cần thiết phải giữ bí mật của một linh mục. Ít khi nào chúng ta gặp khó khăn khi ít nói. Như Ben Franklin nhận xét, “Kín miệng và chấp nhận để người ta nghĩ mình là ngu dốt thì tốt hơn là mở miệng và chứng minh điều đó.” Đừng nghĩ rằng chúng ta phải có nhận xét về mọi thứ, rồi nói luôn mồm những chuyện vớ vẩn--dân chúng tôn trọng một linh mục biết lắng nghe, biết đưa ra nhận xét đúng lúc và lời lẽ thì khéo léo, thích hợp và vừa đủ. Tương tự như vậy, chúng ta phải dè dặt đừng khiếm nhã, thề nguyền trong lời nói.
Dè dặt thì có giá trị trong việc chọn lựa chiến thuật. Qua những kinh nghiệm làm việc ở giáo xứ, bạn đã biết khi được bài sai đến một giáo xứ mới sẽ có nhiều điều làm bạn bực mình muốn thay đổi. Sự thận trọng, dè dặt giúp bạn kiên nhẫn và tôn trọng, chờ cơ hội tốt và giành được sự tin tưởng, trước khi khởi chiến. “Còn người phó tế tự rước lễ thì cha nghĩ sao!” Tôi biết là họ không nên làm như vậy; sẽ đến lúc khi bạn giúp họ hiểu điều đó. Nhưng khởi chiến ngay có lợi gì không? Cha sở không thích chầu Mình Thánh. Tôi có nên lớn tiếng đòi hỏi, đe dọa hay hô hào dân chúng không? Hay tôi nên giành được sự tin tưởng của người, kiên nhẫn và từ từ dẫn dụ người rồi mới trình bầy? Thái độ hùng hổ, ngạo mạn, kiêu căng, tỏ ra biết nhiều thường làm thiệt hại mục đích. Có những điều bạn phải tranh đấu đến cùng; có những điều bạn phải chịu đựng mà không mất sự chính trực. Người linh mục khôn ngoan phải biết sự khác biệt.
Sự dè dặt rất có ích khi khôi hài. Biết nói đùa là một điều may mắn của linh mục, nhưng nó phải được hướng dẫn bởi sự dè dặt khôn ngoan. Hãy cẩn thận khi nói đùa về tình dục hay mầu da, vì dân chúng thấy chướng tai và dễ căm phẫn.
Đặc biệt tránh kiểu nói đùa có tính cách đồng tính luyến ái, tỉ như gán cho người đàn ông một cái tên đàn bà, hay giả tiếng con gái để nói chuyện với nhau. Điều đó sỉ nhục phụ nữ và sự khiết tịnh. Có nhiều nơi chúng ta mang tiếng xấu đến độ cha mẹ phải nhốt con cái trong phòng khi các linh mục đến thăm, và người ta nghe linh mục và các chủng sinh gọi nhau bằng tên phụ nữ. Thật nực cười!
Dè dặt rất có giá trị trong nghệ thuật phê bình. Thật là một nhân đức, ngay cả là một dấu chỉ trung thành để vạch ra những khuyến điểm của bề trên và đưa ra các phương pháp cải tiến. Thật đáng ngợi khen để bày tỏ những lo âu, sợ hãi, và chỉ trích Giáo Hội mà chúng ta yêu quý đến độ chúng ta khao khát muốn Giáo Hội trở nên tuyệt hảo. Tuy nhiên, khi nào, ở đâu và thi hành điều đó thế nào thì đòi hỏi sự khôn ngoan và dè dặt.
Như vậy, nói cho cùng, một nữ tu chỉ trích một hồng y và kêu gọi bất tuân phục người ngay trong chương trình truyền hình trên toàn quốc, hay một linh mục khiển trách Đức Thánh Cha trong mục báo hằng tuần, hoặc một linh mục gọi một thần học gia, ngay cả người ấy bất đồng quan điểm với huấn quyền, là “vết ung nhọt trên thân thể Mầu Nhiệm” ngay trên truyền hình, là thiếu thận trọng.
Khi một linh mục đặt vấn đề với sự giảng dậy của Giáo Hội trên toà giảng hay trong lớp học, trong cuộc thảo luận, hay lớp giáo lý tân tòng thì điều đó thiếu sự dè dặt.
Để tôi vạch ra bốn đặc tính của sự chỉ trích khôn ngoan: đó là không bao giờ ad hominem, khi tên tuổi, tính tình, và các động lực của một người không bao giờ được bài bác; phải luôn luôn tuân theo các quy tắc thích hợp; giọng điệu phải luôn luôn bác ái và tôn trọng; và, một khi đã được giải quyết thì không trở nên thô lỗ vì bất cứ lý do gì.
Và sau cùng, sự thận trọng thúc giục chúng ta phải tránh, không những chính sự dữ, nhưng ngay cả bề ngoài của sự dữ. Chúng ta mang ơn chức linh mục, Giáo Hội và người dân--chúng ta đã đau khổ quá nhiều vì điều tiếng xấu của giáo sĩ--nên đừng liều lĩnh tạo thêm những dấu hiệu nhập nhằng. Tôi thành thật xin lỗi, nhưng có những điều chúng ta không thể thi hành, ngay cả chúng ta biết đó là điều không có hại. Có thể chúng ta không nghĩ gì khi cùng đi với một thanh niên đẹp trai, nhưng tôi e rằng chúng ta không thể làm như thế. Có thể bạn không có ý ủng hộ phe phái khi xuất hiện trong cuộc gây quỹ có tính cách chính trị, nhưng dân chúng sẽ giải thích điều đó một cách sai lạc. Có thể bạn ngây thơ khi đóng bộ đồ vét đi ăn và xem văn nghệ với một phụ nữ xinh đẹp ở giáo xứ, nhưng đó đã là điều tiếng xấu. Sự dè dặt giúp chúng ta tránh, không chỉ sự dữ, nhưng ngay cả bề ngoài của sự dữ.
Sự thận trọng, chính nó có thể bị lạm dụng. Chúng ta đã từng thấy nhiều linh mục lạnh lùng một cách cứng ngắc đối với các sinh hoạt có tính cách sáng tạo, hăng say, liều lĩnh, hay bái ái chỉ vì họ sợ bị coi là “thiếu thận trọng.” “Nhưng chúng tôi chưa bao giờ làm điều đó,” dường như là câu tụng niệm của biết bao linh mục sợ hãi không dám làm điều gì mới mẻ. Hãy lắng nghe John McKenzie: “Đã từ lâu, sự thận trọng, không phải là đức tính mà qua đó người ta phân biệt những gì nên làm của Kitô Hữu, nhưng là đức tính mà qua đó người ta nêu ra lý do để tránh thi hành những điều của một Kitô Hữu!”
Nhưng, quan điểm của chúng ta không phải là một quan điểm thuần tuý tự nhiên, có tính cách trần tục, hay thật hữu lý, có phải không? Thánh Vincent de Paul viết: “Sự khôn ngoan có tính cách con người, thuộc nhục dục, hay thuộc trần thế chỉ phát đạt trong giới hạn trần tục. Sự khôn ngoan Kitô Giáo nhờ vào Sự Khôn Ngoan Nhập Thể Đời Đời để dẫn dắt… Nó được điều hòa bởi các chân lý tổng quát của đức tin.”
Sự thận trọng không bao giờ cản trở chúng ta khỏi lòng bác ái có tính cách mục vụ--nó chỉ bảo vệ và tinh luyện. Hãy lắng nghe Thánh Pio Pietrelcina nói:
Bạn phải luôn luôn có sự thận trọng và tình yêu. Sự thận trọng có đôi mắt, tình yêu có đôi chân! Tình yêu có đôi chân để chạy đến Thiên Chúa và tha nhân, nhưng sự thôi thúc của nó thì mù quáng và có khi làm vấp ngã! Bởi thế nó phải được hướng dẫn bởi sự thận trọng, vì thận trọng có đôi mắt. Khi sự thận trọng thấy tình yêu có thể trở nên buông thả, nó cho mượn đôi mắt. Theo phương cách này, tình yêu tự hạn chế, theo sự hướng dẫn của thận trọng, để hành động những gì cần và không hành động như nó muốn.
Như vậy, trở nên thận trọng không có nghĩa thiếu sự sáng tạo, thiếu mạo hiểm và thiếu sự liều lĩnh. Trở nên thận trọng có nghĩa biết lúc nào, khi nào, thế nào để hành động! Vì, như Thánh Phaolô viết, “Sự khôn ngoan của thế gian này là sự ngu dại đối với Thiên Chúa. “
Có khi nào bạn nghĩ rằng bạn đã có sự khôn ngoan mà bạn thán phục nơi người khác, sự thận trọng mà Giáo Hội mong đợi nơi bạn không? Rất tốt! Vậy thì bạn đang đi đúng đường. Dĩ nhiên, người ngu nghĩ mình khôn ngoan, trong khi, như cuốn Noi Gương Đức Kitô dạy, “Đánh giá thấp về công trạng của chính mình và coi trọng công trạng của người khác là chứng cớ của sự khôn ngoan. “
Trong khi tuổi tác, sự học hỏi, kinh nghiệm và thực hành có thể giúp chúng ta trở nên khôn ngoan, thực sự đó là một quà tặng của Thiên Chúa. Ngay cả Walt Whitman phải thú nhận như vậy trong cuốn “Song of the Open Road“:
Sự khôn ngoan, dứt khoát không được khảo sát trong trường học
Sự khôn ngoan không thể trao truyền cho người không có,
Sự khôn ngoan thì thuộc về linh hồn, không thể chứng minh được.
Như thế, hằng ngày chúng ta xin nhưng không bao giờ có được đầy đủ; và ai nhận biết rằng sự khôn ngoan không bởi chúng ta nhưng do bởi Thiên Chúa là người khôn ngoan nhất trong tất cả. Như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã kết luận, “Tôi biết Đức Kitô ngự trong tôi, dẫn dắt tôi bất cứ những gì tôi nói hay hành động. Một tia sáng, mà trước đây tôi không thấy, đến với tôi vào lúc cần thiết nhất. “