(Đoạn trích Kinh Thánh 2 Timôthê 1:11-13)
Hãy trung tín--luôn luôn trung tín!” Tôi nhắc lại những lời đơn giản này của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói với lớp chúng tôi vào tối hôm trước khi chịu chức, khoảng 20 năm trước đây. “Khi một người 'xin vâng' với chức linh mục, lời 'xin vâng' đó thì mãi mãi!” Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói như thế khi người truyền chức linh mục cho 40 tân chức của giáo phận Rôma trong năm 1995. Sắc lệnh của Công Đồng Vatican II về chức linh mục cũng đã diễn tả một cách tốt đẹp về sự trung tín là một nhân đức thích hợp nhất cho linh mục, vì vai trò mục vụ của người phản ảnh tình yêu trung tín và dồi dào của Thiên Chúa dành cho dân của Người, và của Đức Giêsu dành cho Giáo Hội.
Trong “Lời Thánh Hiến” của Nghi Thức Truyền Chức, đức giám mục cầu nguyện cho các tân chức “luôn được trung tín để lời Phúc Âm có thể vang đến tận cùng trái đất, và các dân tộc, được hiệp nhất trong Đức Kitô, sẽ trở thành một dân tộc thánh thiện và duy nhất của Thiên Chúa. “
Trung tín, dĩ nhiên, có nghĩa rằng chúng ta phải thành thật với bản chất của chúng ta cũng như sự đòi hỏi của ơn gọi, rằng chúng ta phải sống một cuộc đời chính trực phát sinh từ niềm xác quyết về căn tính của chúng ta dưới con mắt của Thiên Chúa, rằng chúng ta phải bền bỉ chu toàn nhiệm vụ của ơn gọi, rằng chúng ta là những người đáng tin cậy trong lời nói và là người dám sống những gì chúng ta tuyên xưng.
Trung tín là một điều thiết yếu trong toàn thể cuộc đời của một người muốn trở nên hoặc đã trở nên đồng hình dạng với Đức Kitô cho đến tận cốt lõi của con người qua bí tích truyền chức thánh.
Nói một cách thực tế, sự đào tạo vẫn tiếp tục ở bên ngoài khuôn viên chủng viện. Như Đức Thánh Cha đã nói trong tông thư Pastores Dabo Vobis và trong Chương Trình Đào Tạo Linh Mục, chủng viện đem lại một bầu khí mà các giá trị và thói quen về sự cầu nguyện, học tập, luyện tập các nhân đức tự nhiên và siêu nhiên, và các khả năng về mục vụ có thể triển nở và thấm nhập. Một trong những phương cách mà chủng viện thể hiện điều này là qua chương trình huấn luyện, trong đó các mục tiêu được đề ra và các mong đợi được thực hiện để giúp đỡ một chủng sinh có thể phát triển các giá trị và thói quen.
Bây giờ, qua thử thách mới biết hay dở, và sự thách đố thực sự để biết các giá trị và thói quen này có thấm nhập hay chưa, đó là khi các cơ cấu bề ngoài không còn nữa, khi mà guồng máy huấn luyện được lấy đi khỏi. Điều đó thực sự xảy đến khi truyền chức linh mục, nhưng nó cũng xảy đến trong mỗi lần đi nghỉ hè, đó là khi chúng ta thực sự nhìn thấy chín tháng ươm trồng và vun xới có sinh hoa kết quả trong đời sống của các chủng sinh hay không. Tất cả những giá trị mà chúng ta vun trồng trong chủng viện--Thánh Lễ, cầu nguyện hàng ngày, kinh nhật tụng, thường xuyên xưng tội, những suy tư về đời sống, phục vụ tha nhân, lớn lên trong nhân đức--có phải tất cả những giá trị ấy vẫn còn tiếp tục khi không có ai dòm ngó và khi sự đều đều của đời sống chủng viện không còn nữa? Dịp nghỉ hè có thể là cơ hội tốt để kiểm điểm lương tâm xem những gì chúng ta thi hành ở đây có được thấm nhập từ trước hay không, và để xem chúng ta có trung tín với ơn gọi của mình hay không.
Chúng ta thật có phúc khi có những gương trung tín trong đời sống chúng ta. Hầu hết mọi người chúng ta được lớn lên trong các gia đình mà chúng ta nhìn thấy sự trung tín hàng ngày của cha mẹ chúng ta, người vợ và người chồng sống cho nhau, họ là những người mà nếp sống của họ được hình thành bởi sự tương giao giữa hai người, và từng hành động của họ phát sinh từ tình yêu dành cho nhau và cho con cái. Tôi nhớ khi đến phòng cấp cứu của bệnh viện nơi cha tôi qua đời vì chấn động tim, khi ấy ông được năm mươi mốt tuổi. Người ta đưa cho tôi một cái túi đựng những vật dụng riêng của ông, trong cái bóp của ông tôi thấy có một đồng bạc, bằng lái xe, và hình của mẹ tôi và năm anh em chúng tôi. Có thể nói ông đã làm việc cho đến hơi thở cuối cùng vì sự trung tín với chúng tôi.
Hầu hết chúng ta được thấy các linh mục tốt lành là những người đáng tin cậy, bền bỉ, sẵn sàng thi hành nhiệm vụ--sự trung tín-luôn luôn có mặt ở đó vì giáo dân. Khi tôi từ phòng cấp cứu trở về nhà với gia đình, tại sao tôi không ngạc nhiên khi thấy cha sở của chúng tôi đã có mặt ở đó để an ủi gia đình chúng tôi? Người là một linh mục trung tín, là người sẵn sàng có mặt với những ai cần đến mình.
Chúng tôi được chúc phúc với các gương mẫu trung tín ở đây, tôi hy vọng là như vậy. Một trong những giá trị của Viện Nghiên Cứu Thần Học Tiếp Liên cho chúng tôi là cứ hai lần một năm, chúng tôi có được sự hiện diện của các linh mục trung tín ở hàng đầu. Cha Terry Morgan, giám đốc của chương trình này, trong năm 1995 nói với tôi rằng các linh mục trong năm ấy tổng cộng đã đóng góp được 1,141 năm phục vụ-- đó là sự trung tín. Tôi nhớ có lần phải thông tin cho Cha Donovan vào lúc 11:45 tối, mà trước cửa phòng người, đèn báo hiệu “đang bận” vẫn còn sáng, điều đó có nghĩa người đang giúp đỡ cho một chủng sinh nào đó; tôi nhớ Cha Vaughan quỳ trên sàn nhà trong phòng một chủng sinh với thau nước và khăn lau để chùi những vết tích ói mửa vì sự hoành hành của loại vi khuẩn quái lạ trong mùa đông năm ấy; tôi nhớ Tiến Sĩ Greco đứng trước máy “photocopy” vào sáng sớm lúc 5:20 để chuẩn bị cho phần thánh nhạc--đó là sự trung tín.
Mặc dù sự trung tín được nhận thấy qua các thành quả đáng tin cậy, bền bỉ như được mong đợi, đó chỉ là các kết quả, là hoa trái của sự trung tín đích thực. Chúng ta chỉ trung tín với những gì chúng ta thi hành nếu chúng ta trung tín với căn tính của chúng ta. Trung tín phát sinh từ căn tính.
Điều đó có nghĩa gì? Sự trung tín trong hành động của chúng ta phát sinh từ sự tin tưởng vững vàng, chắc chắn, khiêm tốn, với lòng biết ơn về chúng ta là ai, là các linh mục ngay trong cốt lõi con người. Tôi vừa mới đọc bài giảng Thánh Lễ Truyền Dầu của Đức Hồng Y Hickey năm 1995 ở Hoa Thịnh Đốn, và người đã đề cập đến điều này: “Qua quyền năng của việc truyền chức, chúng ta được ban cho khả năng để trở nên các linh mục đích thực mà quyền năng ấy đã thay đổi căn tính của chúng ta. Sự truyền chức ban cho chúng ta khả năng hành động nhân danh Đức Kitô, và quyền năng như một thầy dậy, một thượng tế cao cả, một mục tử, và một người phối ngẫu của Giáo Hội. Chúng ta không còn hành xử trong danh nghĩa của chúng ta, nhưng trong danh nghĩa và con người của Đức Giêsu, Đức Kitô… Qua sự truyền chức, căn tính của chúng ta đã bị biến đổi tự bên trong; chúng ta là linh mục trong tất cả những gì chúng ta thi hành. “
Tôi nhớ có lần giữ trẻ cho một gia đình hàng xóm, lúc ấy tôi chừng mười bốn tuổi. Khoảng 11g đêm, em bé khóc và tôi bế bé trong tay, ru em nín, nhưng nó khóc mãi. Khoảng nửa tiếng sau, cha mẹ em về và bà mẹ ẵm em trên tay. Cùng một việc ẵm bế, ru ngủ, cùng một hành động mà tôi đã phải thi hành trong nửa giờ đồng hồ mà không thành công--thế mà bây giờ em đã ngủ ngon lành. Điều quan trọng đối với em bé này không phải là hành động được thể hiện mà là người thể hiện hành động đó.
Hành động có hiệu quả vì căn tính của người thi hành; nếu dùng lời của Đức Thánh Cha viết trong Pastores Dabo Vobis, “con người thì quan trọng hơn hành động.” Cũng vậy, đối với chúng ta là các linh mục bây giờ hay tương lai, sự trung thành với nhiệm vụ cầu nguyện, học hỏi, công việc mục vụ, và lớn lên trong nhân đức phải phát xuất từ một ý thức có tính cách khiêm tốn, biết ơn và không ngừng về căn tính của chúng ta là các linh mục bây giờ hay tương lai, về một con người được khuôn đúc lại, để trở nên đồng hình dạng với Đức Kitô ngay từ cốt lõi con người mà Người là đầu, là mục tử và là phu quân của Giáo Hội. Như vậy, sự trung tín không thể bị ép buộc, có phải không? Nó phát xuất tự bên trong, từ một ý thức về con người chúng ta. Do đó, là các linh mục, những điều như là được bài sai về đâu, làm cái gì, làm việc với ai, tất cả đều thứ yếu so với điều quan trọng hàng đầu: chúng ta là linh mục. Trung thành với bổn phận của một linh mục là điều tự nhiên sẽ xảy đến. Dân chúng gọi chúng ta, không phải là “Linh Mục”, không phải là “Tiến Sĩ,” không phải là “Kinh Sư”, mà là “Cha”--và “Cha” là một đặc tính dựa trên bản chất, chứ không phải chức năng.
Một trong những linh mục rất đắc lực mà tôi quen biết thì người bị mù, thận bị hư và lúc nào cũng phải ngồi trên xe lăn--nói cách khác, người không thể thi hành nhiều công việc mục vụ--tuy nhiên người là người giải tội cho gần một phần ba linh mục trong giáo phận, và các linh mục đến với người chỉ vì con người của người. Tôi lại xin trích dẫn lời của Đức Hồng Y Hickey: “Căn tính của linh mục thì không phải là chiếc áo quan tòa, được khoác vào khi đến phiên xử. Chúng ta vẫn giữ căn tính linh mục dù chúng ta đi đâu, dù chúng ta làm gì… Chúng ta luôn luôn cần nhìn đến căn tính linh mục như một lối sống, một cách yêu thương Đức Kitô và tất cả anh chị em giáo dân là những người mà Chúa Giêsu đã chết cho họ. Cuộc đời chúng ta phải trở nên trong suốt: ánh sáng Đức Kitô phải chiếu qua chúng ta trong tất cả tư tưởng, lời nói và hành động của chúng ta. Chúng ta được mời gọi để trở nên con người đích thực của chúng ta, là linh mục của Giáo Hội, những người tận tụy cho Thiên Chúa mà không một chút e ngại. “
Như thế, chúng ta không chỉ trung tín với một công việc, một sứ vụ, một nghề nghiệp, một chuyên môn, một chức năng. Sống trung tín--một mục tiêu cao cả--phát sinh từ ý thức có tính cách khiêm tốn, biết ơn và không ngừng về căn tính linh mục của chúng ta. Chúng ta trung tín với một Ngôi Vị, trung tín với Chúa Giêsu và hôn thê của Người, là Giáo Hội.
Khi tôi học ở lớp hai, một học sinh hỏi Cha Callahan: “Thưa cha, cha có vợ không?” Người trả lời: “Có. Tôi kết hôn với Giáo Hội.” Nghe xưa quá có phải không? Có lẽ như vậy. Điều đó có đúng không? Chắc là như vậy. Như người chồng trung tín với vợ, người cha với con cái, thì linh mục trung tín với Hôn Thê của Đức Kitô, là Giáo Hội. Nếu chúng ta đồng hình dạng với Đức Kitô một cách triệt để như một linh mục, một thầy sáu, thì chúng ta phải hành động trong ngôi vị của Người, và phải triển nở một kết hợp mầu nhiệm với lòng quý mến đời sống và Giáo Hội của Người. Có ai ngạc nhiên khi thấy Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường nói một cách văn vẻ về khía cạnh hôn nhân của chức linh mục không? Cũng giống như một người chồng khi bị một phụ nữ gạ gẫm thì ông ta trả lời rằng, “Tôi đã bị chiếm đoạt,” vì ý thức về căn tính của mình đối với người vợ, thì chúng ta, các linh mục--cũng như linh mục tương lai--cũng đã bị chiếm đoạt, nói theo một cách nào đó, đã bị ràng buộc.
Chúng ta yêu quý Giáo Hội và trung tín với Giáo Hội như một chàng rể hồ hởi, vui vẻ, phấn khởi trong tuần trăng mật. Thật đúng là kết hôn càng lâu với hôn thê của chúng ta, là Giáo Hội, chúng ta càng ý thức hơn về những tì tích, khuyết điểm, nếp nhăn của Giáo Hội--nhưng chúng ta càng yêu quý Giáo Hội hơn nữa. Như Henri de Lubac có viết:
Làm thế nào mà tôi biết Người nếu không có Giáo Hội? Có thể Giáo Hội dường như yếu ớt, chậm phát triển, cách hành động thì nực cười, các chứng tá thường giấu kín. Con cái Giáo Hội có thể không hiểu, nhưng vào những lúc đó, tôi sẽ nhìn đến diện mạo khiêm tốn của vị hôn thê của tôi và sẽ yêu mến nàng hơn nữa, vì khi một số người bị thôi miên bởi những đặc điểm khiến diện mạo của nàng trông vẻ già nua, thì tình yêu sẽ giúp tôi khám phá ra các động lực ẩn giấu, một hoạt động thầm lặng đã đem cho nàng sự tươi trẻ mãi mãi.
Tôi nhớ có lần tham dự kỷ niệm sáu mươi lăm năm thành hôn của một đôi vợ chồng. Khi ngồi bên cạnh hai người trong bữa tiệc, người chồng chỉ về ba đứa cháu, buồn bã cho biết cả ba đều ly dị. Ông nói, “Cha biết không, khi nhìn lại quá khứ, có những lúc Anna và con tưởng như đã đổ vỡ. Chúng con cãi nhau và làm nhau đau khổ, và có những quãng thời gian nhiều khi cả năm chúng con không có hạnh phúc theo cái nhìn của thế gian. Nhưng thật phúc đức vì chúng con đã không nghĩ đến chuyện li dị! Chúng con chỉ biết rằng một khi đã kết hôn, trong cái nhìn của Thiên Chúa, chúng con là vợ chồng cho đến suốt đời, dù bất cứ điều gì xảy ra. Nhờ thế, mới có ngày hôm nay, và con”--vừa nói ông vừa nắm lấy bàn tay bà vợ--”chưa bao giờ sung sướng như vậy!”
Chất phác quá? Có lẽ vậy. Ngây thơ quá? Có thể. Thiếu thực tế? Dường như đúng--theo tiêu chuẩn thế gian. Lãng mạn? Thật như vậy! Và những người yêu nhau là những người lãnh mạn một cách tuyệt vọng. Chúng ta là các linh mục đang trong cuộc tình với một người được gọi là Giáo Hội, cùng với Chúa Giêsu trung thành với Giáo Hội cho đến chết, khi thịnh vượng hay khi gian nan. Chúng ta trung tín với một ngôi vị, chứ không phải một ý tưởng hay một công việc.
Hầu hết mỗi linh mục đều tìm ra những phương cách để nuôi dưỡng và gìn giữ lòng trung tín của họ, và các phương cách này thường rất nhiều, ở đây tôi chỉ kể ra ba điều rất quan trọng.
Điều thứ nhất giúp chúng ta trung tín với chức linh mục là Thánh Lễ hàng ngày. Tôi nhớ có lần đến thăm cha sở đầu tiên tôi giúp việc khi người nằm bệnh viện sau cuộc giải phẫu. Người phải nằm liệt giường khoảng một tuần lễ, và khi tôi bước vào phòng, người mỉm cười. Tôi hỏi thăm sức khỏe và dường như người tươi rói trả lời, “Họ nói ngày mai tôi có thể dâng lễ. “ Điều đó cho thấy Thánh Lễ thật quan trọng đối với người. Có lẽ tôi cũng hân hoan khi nghĩ đến thức ăn đầu tiên của tôi đem cho người, đó là dâng Thánh Lễ.
Một cha dòng Tên giải tội nổi tiếng là Walter Ciszek kể lại những năm người bị cầm tù ở trại lao động Siberia, mỗi sáng người giữ lại một chút vụn bánh của bữa điểm tâm, với một chút rượu được lén lút đem vào nhờ sự tử tế của người lính gác, thế là người chui vào một góc phòng cử hành Thánh Lễ hàng đêm trước khi tắt đèn với tất cả những gì nhớ được ở trong trí. Một ngày kia, khi Cha Rob Jaskot và tôi gặp Đức Hồng Y Keeler sau khi người đến Baltimore, điều đầu tiên người phát biểu sau khi đến chỗ trọ là, “Sau khi tắm rửa, cạo râu xong, tôi sẽ dâng lễ, và sau đó nằm nghỉ một chút.” Bạn thấy rằng các linh mục trung tín thì trung thành với Thánh Lễ hằng ngày.
Truyền thuyết về Cha Theodore Hesburgh, là người có thể tự hào về nhiều thứ, một trong những điều người tự hào nhất được kể trong tự truyện của người, đó là trong suốt nửa thế kỷ của đời linh mục, người chỉ quên dâng Thánh Lễ có một lần. Nếu bạn muốn trung tín với ơn gọi của mình, hãy trung tín với Thánh Lễ hàng ngày.
Điều thứ hai giúp bạn trung tín với chức linh mục là đọc kinh thần vụ hàng ngày. Tiến sĩ Greco kể cho tôi nghe về một linh mục thân với ông ta, từng phải trải qua nhiều khó khăn khi tìm kiếm ơn gọi. Khi ông hỏi một linh mục xem người khuyên bảo gì cho các linh mục tương lai, người nói, “Bảo họ trung tín với kinh nhật tụng.” Bộ kinh nhật tụng tôi dùng là được thừa hưởng từ cha sở ở quê của tôi, người là một linh mục rất trung tín và được thương mến. Khi viên chức thi hành di chúc gửi cho tôi bốn cuốn sách kinh của người, tôi nhìn đến cuốn kinh mà người sử dụng trong thời gian cuối đời thì--không nghi ngờ gì--giây đánh dấu vẫn còn ở trang kinh nguyện vào tối hôm người tắt thở--trung tín cho đến cùng.
Bạn nghe câu chuyện của những đôi vợ chồng thường liên lạc với nhau trong ngày--họ nói chuyện vào buổi sáng trước khi đi làm, họ gọi điện thoại vào bữa trưa, cùng nhau dọn bữa tối và chuyện trò trước khi đi ngủ. Đó có phải là điều chúng ta thi hành trong kinh thần vụ với Chúa: là thường xuyên giữ liên lạc với Chúa Giêsu trong ngày và với vị Hôn Thê của chúng ta là Giáo Hội, khi chúng ta cầu nguyện trong phụng vụ các giờ kinh không?
Người linh mục đầu tiên hoàn tục mà tôi còn nhớ đã kể cho tôi nghe khi ông ta đến gặp đức tổng giám mục để xin cởi áo. Đức tổng rất hiền hòa và, trong những điều khuyên bảo, đức tổng khuyên người linh mục muốn cởi áo là giờ đây ông không bị buộc phải đọc kinh thần vụ nữa. Khi kể lại điều này, ông cười khúc khích, nhận xét rằng, “Thứ chết tiệt ấy tôi đã không đọc trong nhiều năm.” Chẳng cần phải nói nhiều. Không ai nghi ngờ rằng, trung tín với kinh thần vụ nuôi dưỡng sự trung tín với ơn gọi.
Sự trợ giúp thứ ba là một lối sống đều hòa, bền bỉ. Bạn thường nghe các cha linh hướng, các nhà trị liệu, và các chuyên gia tâm lý nói rằng sự điều dưỡng có kế hoạch, thận trọng, sự quân bình giữa cầu nguyện, học hành, làm việc, giải trí, thể thao, thời giờ cho bạn hữu, ăn uống, ngủ nghỉ--là một đảm bảo tốt cho một đời sống vui vẻ và mạnh khoẻ. Bất kể chúng ta ở đâu và làm gì, bất kể là ở đây hay khi nghỉ hè, một số điều chắc chắn cần phải có--tôi vừa mới nhắc đến hai điều, Thánh Lễ và kinh thần vụ. Nhưng còn những điều khác, từ việc ngủ nghỉ đều độ và thể thao; thời giờ cho bạn hữu và đọc sách--bạn biết tôi muốn nói gì.
Tôi nghe không phải chỉ có một cha sở than phiền về các cha phó không biết tổ chức cuộc sống của mình, hoạch định giờ giấc, biết phòng xa, không phản ứng với khủng hoảng và khó khăn.
Chúng ta sống một cuộc đời rất sôi nổi và nhiều đòi hỏi, với các yêu cầu về tinh thần, học hành, tông đồ, cộng đồng. Học cách quân bình những điều đó với sự khôn ngoan và cân xứng có lẽ là một trong những bài học đáng giá mà bạn cần có.
Một lối sống bền bỉ, ngăn nắp giúp chúng ta trải qua những thời gian khó khăn. Thật đúng là khi chúng ta bị xô đẩy, bị đối chất, bị thử thách nhiều nhất thì chúng ta lại rơi trở về các căn bản vững vàng này. Có nhớ Đức Hồng Y Newman khuyên nhủ những ai muốn biết bí mật của người là gì không? “Nếu bạn hỏi tôi bạn phải làm gì để trở nên tuyệt hảo, điều đầu tiên tôi nói là đừng ngủ nướng khi đã đến lúc thức dậy; nghĩ đến Chúa trước hết; tham dự Thánh Lễ; đọc kinh Truyền Tin một cách sốt sắng; ăn uống để làm vinh danh Chúa; cũng nên lần chuỗi Mai Khôi; nên hồi tưởng những gì đã qua; đừng nghĩ điều xấu; suy niệm mỗi đêm; xét mình hàng ngày; đi ngủ đúng giờ--và bạn đã tuyệt hảo.”
Bất cứ người nông dân nào cũng bảo bạn giống như vậy! Bất cứ ai thành công cũng có thể nói với bạn về một lối sống đều hòa, quân bình, bền bỉ, đó là bí quyết của họ; bất cứ linh mục trung tín nào cũng bảo bạn giống như vậy.
Trung tín với Chúa, trung tín với Giáo Hội của Người, trung tín với ơn gọi của chúng ta. Sự minh chứng sẽ xảy đến khi vui vẻ và thành công cũng như khi thử thách và nhiều khó khăn. Như Kinh Thánh nói với chúng ta về Thiên Chúa, “Đừng quên Người khi thịnh vượng và đừng nguyền rủa Người khi hoạn nạn.” Sự khó khăn là vẫn gần với Người trong những lúc lên xuống, trung thành với Người trong lúc thành công hay thất bại.
Chúng ta có một gương mẫu tuyệt hảo về sự trung tín là Đức Mẹ Maria. Chúng ta gọi người vừa là “căn nguyên của niềm vui” và vừa là “Đức Mẹ Sầu Bi”. Mẹ luôn luôn kề cận với Người, một môn đệ trung tín và là người mẹ ở giây phút sung sướng nhất của lịch sử cứu độ--Bêlem; và giây phút buồn thảm nhất--Can-vê.
Có lần tôi nghe một chuyên gia tâm lý nói rằng, giây phút đầu tiên mà đứa trẻ ý thức về căn tính độc đáo của mình là khi nó nhìn vào mắt của mẹ nó. Bạn và tôi tìm ra con người của mình trong lời cầu nguyện khi đăm chiêu nhìn vào đôi mắt của người Mẹ tinh thần của chúng ta--có thể đó là đôi mắt lo sợ của Đức Bà Czestochowa, hay con mắt đầy an ủi của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Khi chăm chú nhìn vào mắt của Đức Mẹ, chúng ta sẽ nhận ra căn tính của mình: một người con của Thiên Chúa, được Cha yêu thương, được Đức Giêsu cứu chuộc, được mời gọi bởi Thượng Tế Đời Đời để trở nên đồng hình dạng với Người từ tận đáy tâm hồn. Chính nhờ ý thức về căn tính siêu nhiên đó, được học biết từ Mẹ, mà sự trung tín với Thiên Chúa, Giáo Hội của Người, lời mời gọi của Người sẽ xảy đến.
Như Đức Gioan Phaolô II đã viết trong Lá Thư Thứ Năm Tuần Thánh cho các linh mục vào năm 1995: “Nếu chức linh mục tự bản chất là phụng sự Thiên Chúa, thì chúng ta phải sống thiên chức ấy trong sự hiệp nhất với Mẹ, người là Nữ Tì của Thiên Chúa. Và rồi chức linh mục của chúng ta sẽ được gìn giữ an toàn trong tay Mẹ, ngay cả trong con tim của người. “