(Đoạn trích Kinh Thánh: Mt 4:18-22)
Hầu hết các bạn đều biết câu chuyện thật hứng khởi của Thánh Maximilian Kolbe, nhưng tôi tin rằng, cũng như tôi, bạn không bao giờ thấy chán khi nghe lại câu chuyện ấy. Hãy nhớ ngày định mệnh ở trại giam Auschwitz khi các lính Đức Quốc Xã tập trung tù nhân thành hàng ngũ, và, theo lệnh của viên chỉ huy, họ tùy tiện chọn mười tù nhân để chết thay cho một người tù mới vượt ngục đêm hôm trước. Trong mười người bị chọn ấy, có một ông lớn tiếng than khóc vì ông ta có gia đình. Và Cha Kolbe đã lên tiếng, “Tôi muốn thế chỗ cho ông kia.”
Hãy tưởng tượng ra sự khinh bỉ của viên chỉ huy khi hắn hỏi, “Tên Ba Lan ghê tởm đó là ai?” Và hãy nhớ lại câu trả lời của Cha Kolbe: “Tôi là một linh mục Công Giáo.”
Trước câu hỏi đầy khinh bỉ “Mày là ai?” của viên chỉ huy, Cha Kolbe đã không trả lời:
Câu trả lời của người thật đơn giản và khiêm tốn: “Tôi là một linh mục Công Giáo.”
Trong mắt của Thiên Chúa, trong mắt của Giáo Hội và người dân đau khổ của Chúa, căn tính của Maximilian Kolbe là căn tính của một linh mục. Tại cốt lõi con người, trong trái tim của người, đã được ghi khắc một tấm thẻ bài, đánh dấu người là một linh mục đời đời của Thiên Chúa. Căn tính đó không thể bị tẩy xóa bởi các hoàn cảnh bất nhân của trại tử thần, hoặc khung cảnh vô thần của Auschwitz, hay bởi những người chung quanh hầu như đã mất đức tin hoặc không còn biết gì về siêu nhiên trước khi họ đi vào lỗ địa ngục.
Căn tính đó cũng khó tùy thuộc vào sự xưng tụng của những người sống chung quanh hoặc nó bị giảm bớt bởi những hồ nghi và khủng hoảng mà có lẽ cha đã cảm nghiệm trong khung cảnh đầy tra tấn. Căn tính đó xuất phát từ Thiên Chúa, và được ghi khắc mãi trong tâm hồn, được phát sinh từ lời mời gọi đi theo Thầy mà người đã nhận thấy ngay từ nhỏ, và được niêm phong vĩnh viễn bởi bí tích chức thánh. Cha rất ý thức về căn tính linh mục của mình nên người có thể can đảm trả lời trước sự nhạo báng của viên chỉ huy và chỉ đơn giản khẳng định điều người biết là sự kiện chủ yếu của cá tính mình, “Tôi là một linh mục Công Giáo.”
Trong Sắc Lệnh về Thừa Tác Vụ và Đời Sống Linh Mục (Presbyterorum Ordinis) của Công Đồng Vatican II, chúng ta đọc “Linh mục chia sẻ trong thẩm quyền mà qua đó chính Chúa Kitô đã xây dựng, thánh hóa, và hướng dẫn Thân Thể Người. Do đó… chức linh mục… được ban cho qua bí tích đặc biệt đó mà qua bí tích ấy, bởi việc xức dầu của Chúa Thánh Thần, các linh mục được ghi dấu với một cá tính đặc biệt và được đồng hình dạng với Linh Mục Kitô để họ có thể hành động nhân danh Chúa Kitô là Đầu” (Số 2).
Chức linh mục là một ơn gọi, chứ không phải là một nghề nghiệp; một tái xác định bản thể, chứ không phải là một thừa tác vụ mới; một lối sống, chứ không phải là một công việc; một tình trạng, chứ không phải là một nhiệm vụ; một thề hứa vĩnh viễn, suốt đời, chứ không phải là một loại phục vụ tạm thời; một căn tính, chứ không phải là một vai trò.
Chúng ta là linh mục; phải, sự thi hành, thừa tác vụ, thì vô cùng quan trọng, nhưng nó xuất phát tự bản thể; chúng ta có thể hành động như linh mục, chăm sóc như linh mục, hành xử như linh mục, phục vụ như linh mục, rao giảng như linh mục, vì trước hết và trên hết, chúng ta là linh mục! Bản chất đi trước hành động! Cha William Byron, nguyên giám đốc của trường Catholic University of America, rất thích nhắc lại rằng “chúng ta là con người sống động, chứ không phải là con người hành động, và phẩm giá cũng như căn tính thiết yếu của chúng ta xuất phát từ con người chúng ta, chứng không phải từ những gì chúng ta thi hành.” Điều này rất đúng về chức linh mục.
Vào ngày trước khi chịu chức linh mục, tôi đi xưng tội với một linh mục dòng Chúa Thánh Thần ở St. Louis. Cha hỏi là tôi trông đợi gì ở chức linh mục. Dĩ nhiên có thể đoán được là tôi trả lời “Dâng Thánh Lễ, nghe xưng tội, phục vụ giáo dân ở giáo xứ,” và vân vân.
“Rất tốt,” cha trả lời, “nhưng cũng hãy vui khi là linh mục. Giả như ngay sau khi cử hành Thánh Lễ đầu tiên, con bị tai nạn phải tê liệt, điều đó có nghĩa con không thể thi hành bất cứ điều gì bình thường của tác vụ linh mục, nhưng con vẫn là một linh mục.” Và sau đó, cha nói những điều mà không bao giờ tôi quên được, “Mỗi ngày hãy dành thời giờ để nhận biết về căn tính linh mục, hãy vui trong căn tính đó, hãy ấp ủ nó, hãy cảm tạ Thiên Chúa vì căn tính đó—và rồi những gì con thi hành khi là linh mục sẽ có hiệu quả và rất khích lệ vì nó xuất phát tự bản chất con người của con.” Đó là điều tôi muốn nói về căn tính linh mục.
Hãy lắng nghe lời của Đức Tổng Giám Mục Rembert Weakland nói với Đại Hội Linh Mục Toàn Quốc Anh và Wales vào tháng Chín 1996:
Đối với chức linh mục và đặc tính bí tích của chức ấy, tôi là một “nhà bản thể học.” Tôi tin rằng điều gì đó đã xảy ra khi một người chịu chức thánh để đảm bảo giá trị của hành động khi người ấy hành xử nhân danh Chúa Kitô và Giáo Hội. Sự khác biệt ấy không làm cho người này tốt hơn bất cứ ai khác, nhưng nó đảm bảo giá trị của bí tích mà một linh mục thi hành… Trong phương cách này chúng ta khác với nhiều giáo phái Tin Lành… Từ từ tôi mới nhận thấy sự khôn ngoan của “chức thánh” để đảm bảo thứ tự trong dân Chúa.
Trong sự hiểu biết của Công Giáo, phong chức linh mục là sắp đặt lại thứ tự con người một cách toàn bộ và triệt để theo con mắt của Thiên Chúa và Giáo Hội, đưa đến một sự đồng nhất về bản thể, “tái đồng hình dạng” với Chúa Kitô. Căn tính linh mục này ở cốt lõi, thực chất của một con người, nó ảnh hưởng đến bản thể họ và, sau đó, hành động của họ.
Đã đủ về lý thuyết. Còn một số hậu quả về căn tính linh mục thì sao?
Vì khi là linh mục, chúng ta được đồng hình dạng với Chúa Kitô tại cốt lõi con người chúng ta, chức linh mục của chúng ta phải có cùng các đặc tính như của vị Thượng Tế Đời Đời. Hai đặc tính đáng được chú ý: chức linh mục của chúng ta thì vĩnh viễn, chức linh mục của chúng ta thì trung kiên.
“Khi một người 'xin vâng' với chức linh mục,” Đức Gioan Phaolô II nói, “lời 'xin vâng' đó thì vĩnh viễn.”
Trên thực tế, các bạn thân mến, điều này có nghĩa chúng ta không thể “từ bỏ” chức linh mục hay thôi không còn là một linh mục, giống như cha của bạn không thể không còn “là” cha của bạn. Chức linh mục thì vĩnh viễn.
Hầu hết chúng ta đều biết có những linh mục đã từ bỏ thừa tác vụ này. Sự kiện Giáo Hội nhấn mạnh đến bản chất vĩnh viễn của căn tính linh mục, và tôi đang đề cập đến, thì không có nghĩa là kết án những ai đã từ bỏ đời sống linh mục. Tôi được nghe hai giải thích hùng hồn nhất về chiều kích vĩnh viễn của căn tính linh mục từ hai người bạn thân, họ đã được miễn trừ những bó buộc của linh mục và giờ đây họ đang tích cực hoạt động trong Giáo Hội. Do đó đừng giải thích những điều tôi nói như sự trừng phạt những người tốt lành này.
Nhưng, bất kể bao nhiêu người đã từ bỏ, bất kể bao nhiêu sự chỉ trích, bất kể bao nhiêu điều tiếng xấu đã gây ra, chức linh mục vẫn vĩnh viễn. Đó là một thề hứa trọn vẹn, kéo dài cả đời đối với Chúa Kitô và Giáo Hội của Người.
Tôi hy vọng điều sau đây rất hiển nhiên đối với bạn, nhưng chúng ta đừng coi thường bất cứ điều gì: nếu bất cứ ai trong các bạn nhìn đến chức linh mục không như là một thề hứa tuyệt đối, kéo dài cả đời đối với Chúa Kitô và Giáo Hội, nhưng chỉ như một thừa tác vụ có thể rời bỏ bất cứ lúc nào khi cảm thấy chán chường, hoặc chỉ là một phương cách hữu ích để sống thử vài năm phục vụ cho đến khi theo đuổi một nghề nghiệp khác, thì hãy vui lòng biết rằng đó không phải là điều Giáo Hội nghĩ đến!
Tôi còn có thể nói gì khác? Chức linh mục thì vĩnh viễn! Chúng ta sống chức thánh đó như thế nào, chúng ta được bài sai đi đâu, chúng ta làm những gì--tất cả những điều này chắc chắn sẽ thay đổi, nhưng căn tính linh mục của chúng ta sẽ không bao giờ thay đổi. Chức linh mục thì vĩnh viễn.
Nếu điều đó làm bạn sợ hãi hay bàng hoàng, tốt! Chủng viện là để đảm bảo rằng bạn có thể tự do, cốt ý, và vui vẻ nói lời “xin vâng” mà nó kéo dài suốt đời. Lậy Chúa, đừng có ai đó coi nhẹ chức linh mục!
Là một điều rất tốt để ngay tự đầu tôi nói về một trong những cám dỗ lớn lao nhất của đời sống chủng viện, có thể nói là trôi dần vào chức linh mục. Sự quyết định của chúng ta khi chịu chức, sự tin tưởng rằng Chúa mời gọi chúng ta phục vụ Người và Giáo Hội một cách viễn viễn trong chức linh mục, phải rõ ràng, hăng say, cốt ý, và tự do. Chúng ta không trở nên linh mục để hài lòng cha mẹ, ông bà, đức giám mục, giáo phận, hay bất cứ ai; chúng ta trở nên linh mục vì chúng ta đã phân định lời gọi của Chúa một cách thành khẩn và dựa trên lý trí, chúng ta đã thận trọng xem xét ơn gọi ấy, và giờ đây chúng ta tự do và vui sướng ấp ủ điều đó. Để duy trì một thề hứa trọn đời đối với ơn gọi linh mục, điều đó sẽ không thể được nếu chúng ta thả nổi rồi trôi dần vào đó. Chúng ta không trở nên linh mục chỉ vì một điều gì đó tốt hơn chưa xảy đến. Vì nếu như vậy, hãy đoán xem có gì trở ngại? Khi điều gì đó hay ai đó tốt hơn đến với chúng ta một ngày nào đó, chúng ta sẽ gặp khó khăn.
Làm sao lại có chuyện một người đã trải qua bao năm trong chủng viện và rồi, chỉ vài năm sau khi chịu chức, họ đã từ bỏ? Bạn biết rõ điều đó đã xảy ra. Tại sao? Vì những vấn đề không được đối phó khi ở chủng viện, tỉ như sự hồ nghi trầm trọng, tội lỗi, khó khăn tình cảm, vấn đề cá nhân—và sau này chúng buộc phải xuất đầu lộ diện.
Đó là lý do chủng viện có các cha linh hướng, tâm lý gia, cố vấn ơn gọi, sự thẩm định hằng năm, tĩnh tâm, v.v.—vì ơn gọi linh mục thì quá trọn vẹn, quá vĩnh viễn đến nỗi người ta phải vững tin và rõ ràng về điều đó.
Bất cứ gì được thi hành ở trường North American College thì đều hướng về chức linh mục. Chúng ta bắt đầu một năm với việc phong chức phó tế; sự hiện diện và gương mẫu tận tụy của các linh mục trong ban giảng huấn, của các linh mục mới chịu chức được năm năm, và các linh mục đang nghỉ phép; các thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ; buổi tiếp tân khi cha giám đốc đọc danh sách những người rời trường để “đi rao giảng Phúc Âm”—luôn luôn nhắm đến chức linh mục.
“Khi một người 'xin vâng' với chức linh mục, lời 'xin vâng' đó thì vĩnh viễn.”
Đặc tính thứ hai của căn tính linh mục là sự trung kiên. Bạn phải thuộc lòng câu nói lừng danh của Mẹ Têrêsa, “Chúa không yêu cầu chúng ta thành công; Người yêu cầu chúng ta trung tín.”
Chúng ta trung kiên với căn tính linh mục dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Điều này nghe có vẻ lạc quan tếu, nhưng giá trị của chức linh mục không tùy thuộc ở nơi chúng ta được bài sai, người chúng ta làm phụ tá, hay loại thừa tác vụ chúng ta dự phần. Cha Ignotus, bình luận gia nổi tiếng của tờ London Tablet, đã viết: “Linh mục bị gán cho nhiều thất bại. Người ít đi thăm giáo dân, giảng dở. Người phản trí thức. Các nhà xã hội học vạch ra các khuyết điểm của linh mục, 'Con người, chứ không phải thiên thần, là thừa tác vụ của phúc âm.' Điều này an ủi. Vì với linh mục không có những điều tỉ như thành công, cúp vàng, cúp bạc hay cúp đồng. Người chỉ ráng sức và khi gặp khó khăn, người không thể làm gì nhiều. Ngoại trừ, có lẽ, chỉ biết lớn tiếng than van.”
Sự trung kiên sẽ dễ dàng khi đời sống linh mục hạnh phúc, thích thú, đầy nhiệt huyết. Nhưng sự buồn sầu, cô đơn, chán nản sẽ đến, và rồi chúng ta còn có thể trung kiên không? Có, nếu chúng ta biết rằng sự trung kiên của chúng ta không phải đối với công việc, nghề nghiệp, chức vụ, sự bài sai, nhưng đối với một lời mời gọi, một cá tính, một Con Người, có thể nói là Chúa Giêsu và Giáo Hội! Nó không dựa trên sự thành công, phần thưởng, hay sự chu toàn.
Trong một giáo xứ mà tôi được sai đến, có một đôi vợ chồng mà tôi nhớ rất rõ. Lúc bấy giờ, họ đã trong lứa tuổi bốn mươi, nhưng hai mươi năm trước đó, chỉ năm năm sau khi kết hôn, bà bị chứng bệnh thấp khớp, khiến cơ thể bà vặn vẹo đến độ sau cùng bà phải ngồi trên xe lăn.
Ông chồng bà là một người đẹp trai, hăng hái, rất thành công trong việc buôn cổ phần. Trong hai mươi lăm năm ông luôn trung thành với bà. Mỗi sáng, ông bế bà ra khỏi giường, tắm rửa và thay quần áo cho bà, giúp bà ăn sáng; mỗi bữa ăn trưa ông lại về thăm bà và đẩy xe lăn cho bà đi dạo. Mỗi tối ông giúp bà ăn tối, đọc sách cho bà nghe và thay quần áo ngủ cho bà. Ông đã có thể bỏ bà để đi theo biết bao cuộc tình khác; trong những chuyến đi làm xa chắc chắn ông đã bị cám dỗ đi tìm vui thú xác thịt vì bà không thể cung ứng được. Nhưng không bao giờ! Luôn luôn trung thành! Không phải vì những gì bà có thể cho hay làm cho ông, nhưng trung thành với bà, với ơn gọi của ông, với căn tính của ông là một người chồng và người cha!
Trong đời sống linh mục, có những lúc chúng ta cảm thấy khô khan, hoang mang, hồ nghi, mệt mỏi, chán chường, cô đơn và giận dữ--và đó là khi sự trung kiên được chứng tỏ. Hiền Thê của chúng ta, là Giáo Hội, có lúc dường như tật nguyền và vô dụng, một bòn rút; Thầy chúng ta, Chúa Giêsu, có lúc dường như xa lánh, cách biệt, vắng mặt. Chúng ta vẫn trung kiên. Như Thánh Tôma Aquinas đã cầu nguyện:
Ôi lậy Chúa, xin ban cho con một trái tim kiên vững mà không có ảnh hưởng đê tiện nào lại có thể lôi nó xuống bùn đen.
Xin ban cho con một trái tim bất khuất mà không đau khổ nào làm nó kiệt quệ.
Xin ban cho con một trái tim chính trực mà không mục đích tầm thường nào làm nó nao núng.
Ôi lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin ban cho con sự trung kiên để sau cùng con có thể được ấp ủ trong lòng Ngài!
Do đó chúng ta trung kiên; chúng ta là linh mục ngay tại cốt lõi con người; không có “ngày nghỉ” hay đi hè đối với căn tính linh mục, không có nghỉ phép hay về hưu, không có “giờ làm việc”, vì chức linh mục của chúng ta thì không phải là hình tượng bên ngoài nhưng là một căn tính bên trong mà nó bao bọc chúng ta từ đầu đến chân.
Khi làm giám đốc chủng viện, tôi luôn nhận được đề nghị về những gì tôi phải nói với chủng sinh, các linh mục tương lai. Một linh mục bạn, rất tốt, rất hiểu biết, khuyên tôi nên nhắn nhủ các chủng sinh là họ phải “cứng cựa”. Người giải thích, “cứng cựa” không có nghĩa nghiêm nhặt, cộc cằn, hóc búa. Không, người muốn nói sự bền bỉ, cương quyết, gan lì, kiên nhẫn. Người thuộc ban nhân viên của địa phận và cho biết người ngạc nhiên khi có nhiều người than phiền về việc bài sai, họ cảm thấy không được sử dụng đúng, muốn có thay đổi, cần thời giờ nghỉ, đòi hỏi một bài sai đặc biệt, mệt mỏi vì những đòi hỏi. Họ “mè nheo”, đúng như người nói. Tôi biết người rất rõ và người biết là linh mục cần được hiểu biết và thông cảm, và người đã cung cấp thật đầy đủ những điều đó. Nhưng tôi nghĩ người có lý khi kêu gọi chúng ta “cứng cựa”. Điều đó có thể là một ý nghĩa khác của sự trung kiên: chúng ta duy trì nó, ngày này sang ngày nọ, không để những thất bại và chán nản đè chúng ta xuống. Cha sở của chúng ta có thể hay gắt gỏng, giáo dân có thể không đáp ứng, sự bài sai của chúng ta không lý tưởng. Đó là yếu tố của sự trung kiên.
“Hãy trung kiên! Luôn luôn trung kiên.”
Bây giờ, đây là một mời gọi cao quý. Để ấp ủ căn tính linh mục, để sống căn tính ấy một cách tin tưởng, khiêm tốn, đoan chắc, và biết ơn, để thú nhận rằng căn tính ấy vĩnh viễn, và đó là sự trung kiên—đó là một sự kính sợ tràn ngập và hứng khởi và có lẽ đến độ run rẩy. Bởi đó chúng ta cần biết rõ những trợ giúp có sẵn trong đời sống linh mục, những trợ giúp để nuôi dưỡng căn tính linh mục.
Đầu tiên, không có gì ngạc nhiên, là sự cầu nguyện. Cầu nguyện dĩ nhiên là tin tưởng xác nhận rằng đối với chúng ta thì chẳng có gì có thể, trong khi, với Người, không có gì là không thể được. Cầu nguyện được xây dựng trên sự tin tưởng rằng Thiên Chúa không bao giờ kêu gọi chúng ta thi hành điều gì mà không ban ơn giúp sức cho chúng ta. Hãy lắng nghe lời của đức tổng giám mục của Cincinnati, Daniel Pilarcyzk, mới đây đã nói với các linh mục trong giáo phận Pittsburgh trong ngày đại hội:
Nếu linh mục là người dẫn đưa dân chúng tiếp xúc với sự hiện diện mầu nhiệm của Thiên Chúa, đó là ý nghĩa của sự thánh thiện, thì chính linh mục phải tiếp xúc với sự hiện diện mầu nhiệm này. Họ phải quen thuộc với Thiên Chúa trong phần sâu thẳm nhất của con người họ. Đây là điều chúng ta gọi là cầu nguyện. Nói thẳng thừng, một linh mục mà không có đời sống cầu nguyện sâu xa thì đã tự kết án mình vào một nghề nghiệp hời hợt trong khía cạnh của thừa tác vụ mà nó là đòi hỏi khắt khe nhất và, đồng thời, thoả mãn chúng ta nhất.
Chúng ta hãy thực tế hơn với sự cầu nguyện mà nó quá thiết yếu để hỗ trợ căn tính linh mục của chúng ta.
Kinh thần vụ là sự cầu nguyện đặc biệt của linh mục. Thật là một tinh thần liên đới khi biết rằng hàng ngày chúng ta được kết hợp với anh em linh mục của Giáo Hội hoàn vũ trong lời ca ngợi và cầu xin này! Vào dịp kỷ niệm ba mươi năm của Presbyterorum Ordinis, ĐGH Gioan Phaolô II nói, “Trong một ý nghĩa nào đó, sự cầu nguyện đào tạo linh mục. Đồng thời mỗi linh mục tự đào tạo mình qua sự cầu nguyện. Tôi nghĩ đến lời cầu nguyện tuyệt diệu của sách nhật tụng, kinh thần vụ, trong đó toàn thể Giáo Hội, qua miệng của các thừa tác viên, cùng cầu nguyện với Chúa Kitô…”
Lời nguyện vĩ đại nhất trong tất cả là lời nguyện Thánh Thể, là nơi chúng ta cảm nghiệm căn tính linh mục cách mật thiết nhất. Còn giây phút nào mạnh mẽ hơn để được đồng hình dạng với Chúa Kitô cho bằng khi in persona Christi, chúng ta nói, “Đây là thân thể tôi; đây là máu tôi”? Hãy để ý rằng chúng ta không nói, “Đây là thân thể Người”; không, chúng ta nói, “Đây là thân thể tôi! Đây là máu tôi!” Chúng ta là Đức Kitô! (1)
Đức Thánh Cha nói tiếp, “Linh mục là người của Thánh Thể. Trong khoảng thời gian gần năm mươi năm linh mục, điều vẫn còn quan trọng nhất và giây phút thiêng liêng nhất đối với tôi là khi cử hành Thánh Lễ. Ở bàn thờ, cử hành in persona Christi đó là ý thức chủ yếu của tôi. Chưa bao giờ trong những năm này tôi không cử hành Hy Lễ Thánh Thiện Nhất. Nếu có xảy ra, đó là vì những lý do hoàn toàn ngoài ý muốn của tôi. Thánh Lễ tuyệt đối là tâm điểm đời tôi và mọi ngày trong đời tôi.”
Phát sinh từ đó là lời cầu nguyện của chúng ta trước Thánh Thể. Có lần tôi nghe một bà tâm lý gia nói chuyện với các linh mục, bà cảm thấy khi cầu nguyện trước Thánh Thể một linh mục phải được bù đắp biết chừng nào. Bà nói, mỗi một người đàn ông cần được nhìn thấy điều gì đó mà họ đưa vào đời, họ sáng tạo--hầu hết các ông có niềm vui này khi họ nhìn thấy con cái. Một linh mục cũng có được điều đó khi cầm Thánh Thể trong tay. Đây là một sự sống mà họ đã tạo thành, đưa vào đời với sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Cầu nguyện trước Thánh Thể là một giúp đỡ mạnh mẽ cho căn tính linh mục của chúng ta.
Một giúp đỡ khác cho linh mục là sự cầu nguyện trong sự hiệp nhất với Mẹ Maria, Mẹ của Linh Mục Đầu Tiên. Trong bài giảng tại trường North American College vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội một vài năm trước đây, những lời cảm động của Đức Hồng Y Szoka về Đức Mẹ trong cuộc đời linh mục nhắc nhở chúng ta điều này. Như sự sống và căn tính tự nhiên của chúng ta được hình thành và được ấp ủ trong lòng người mẹ trần gian như thế nào thì đời sống và căn tính linh mục của chúng ta cũng được nuôi dưỡng bởi sự chăm sóc của người mẹ trên trời như vậy.
Một phương cách khác để bảo vệ căn tính linh mục là phát triển tình bạn với các anh em linh mục.
Tình bạn và sự hỗ trợ của các “đồng chí” của chúng ta là sự trợ giúp vô giá để thêm sinh động cho đời linh mục. Dĩ nhiên điều này giả sử rằng bạn làm quen với những linh mục tốt lành, chứ không phải những người yếm thế, do dự. Thật vậy, tránh làm bạn với linh mục thường là dấu hiệu của sự khó khăn. Cha Stephen Rossetti, người tiên phong nghiên cứu các khó khăn của hàng giáo sĩ, nói rằng một dấu chỉ cho thấy linh mục ấy sẽ gặp khó khăn là sự xa lánh, cô độc, nhất là không thoải mái khi có mặt các anh em linh mục khác.
Linh mục chúng ta có thể giúp nhau trở nên tốt lành. Khi chúng ta đến thăm nhau, cùng ăn uống, cùng đi chơi chung vào ngày nghỉ hay khi đi hè, khi thảo luận, khi tâm sự để hả cơn giận, khi thách đố nhau, khi để ý đến nhau, hay khi cầu nguyện chung, chúng ta giúp nhau thăng tiến căn tính linh mục. Những biến cố như nhóm hỗ trợ ơn gọi, ngày cầu nguyện, ngày học hỏi, tĩnh tâm linh mục, đại hội, tuần tam nhật, họp địa phận, tang lễ, kỷ niệm ngày chịu chức, hay chỉ gặp mặt nhau—đây là những phương cách tốt đẹp để xây đắp căn tính chung của chúng ta là linh mục.
Khi còn ở chủng viện, chúng ta mong rằng sẽ học được nghệ thuật làm bạn và duy trì tình bạn đích thật.
Hãy duyệt xét lương tâm: Bạn có những người chân tình trong đời sống linh mục không? Những người ấy có ảnh hưởng xấu hay giúp bạn trở nên tốt lành? Khi gặp khó khăn, bạn có thể chia sẻ với một người bạn đầy tin tưởng không? Bạn có thể thảo luận về các đề tài như sự cầu nguyện, thần học, ơn gọi, những nỗi lo sợ, với một người bạn tốt không?
Một linh mục mà bạn có thể không coi như người bạn, nhưng đó là người mà bạn phải yêu quý, tin tưởng, và giữ liên lạc, đó là đức giám mục địa phận. Mối liên kết mật thiết giữa đức giám mục và linh mục là sự cần thiết có tính cách thần học, mà nó cũng là một thực tế con người. Tôi chưa thấy một giám mục nào mà không coi tình trạng an sinh của linh mục là ưu tiên hàng đầu. Như tôi đã làm trong quá khứ, tôi khích lệ bạn hãy giữ liên lạc với đức giám mục của bạn. Một linh mục lớn tuổi mà tôi rất tôn trọng cho biết cứ hai lần trong một năm—vào lúc kết thúc tĩnh tâm và ngày kỷ niệm chịu chức linh mục--người đều viết thư tâm sự với đức giám mục, chỉ để duyệt lại đời sống của mình và lập lại lời hứa với đức giám mục ấy. Một ý tưởng tuyệt vời! Gần gũi với đức giám mục là một đảm bảo tốt đẹp để bảo vệ căn tính linh mục của chúng ta.
Và, tuy tôi nhấn mạnh đến tình bạn tốt lành với anh em linh mục, tôi cũng không quên tình bạn với giáo dân. Họ giúp chúng ta thực tế hơn. Tổng quát, giáo dân chưa bao giờ có “khủng hoảng căn tính” về chức linh mục. Họ yêu quý các linh mục, và coi trọng thừa tác vụ của chúng ta. Trong khi luôn thận trọng về những người chúng ta ưa thích trong giáo xứ, chúng ta có thể và phải nuôi dưỡng những giao thiệp tình cảm với những người mà họ giúp chúng ta trở nên tốt lành và họ nhìn thấy sâu trong con người chúng ta một dấu ấn không thể tẩy xoá của chức linh mục.
Có nhiều điều có thể làm giảm bớt căn tính linh mục của chúng ta mà nhiều khi căn tính ấy trong tình trạng hiểm nghèo mà chúng ta không biết. Do đó chúng ta cần sự hướng dẫn của ai đó là người biết rõ chúng ta, có thể cảnh giác chúng ta về những nguy hiểm, có thể khích lệ chúng ta khi sa ngã. Bởi thế, một vị linh hướng đáng tin cậy thực sự là một phúc lành để giúp nuôi dưỡng căn tính linh mục của chúng ta, cũng như ơn sủng và lòng thương xót xuất phát từ việc thường xuyên đi xưng tội.
Một đảm bảo thứ tư cho căn tính linh mục, mà dường như tổng quát, đó là một lối sống thích hợp cho linh mục. Trong quy tắc này tôi có thể kể ra những điều gìn giữ chúng ta như y phục giáo sĩ, cảm thấy tự nhiên khi được gọi là “cha,” một đời sống đơn giản, tránh những nhà hàng ăn và nơi giải trí sang trọng, và những cám dỗ xa hoa phung phí của quần áo, xe cộ, chỗ nghỉ hè; chỗ thích hợp khi nghỉ ngơi, một lối sống có kỷ luật. Có lẽ đó là điều thường tình, nhưng tất cả là những phương cách thực tế để bảo vệ căn tính linh mục của chúng ta.
Tôi coi tất cả những che chở đó đều lu mờ khi chúng ta kết thúc với khía cạnh quan trọng nhất để nuôi dưỡng căn tính linh mục: một tương giao mật thiết, gần gũi với Chúa Giêsu. Chúng ta chỉ là tư tế vì ơn gọi chúng ta xuất phát từ Người và chúng ta hiệp nhất với Người. Nhất là chúng ta được mời gọi kết hợp với Người trên thánh giá. Dĩ nhiên, ở đây, Người là tư tế hơn ai hết, và khi chia sẻ trong sự đau khổ của Người, chúng ta là tư tế hơn cả. Điều này có thể về phần thể xác—chúng ta nghĩ đến các linh mục bị tra tấn và cầm tù chỉ vì họ là linh mục, hay các linh mục bị bệnh hoạn về tâm thần hay thể xác. Nó cũng có thể là đau khổ tinh thần, khi chúng ta chiến đấu với sự khô khan trong cầu nguyện, vật lộn với tội lỗi, chiến đấu với cám dỗ, hay đối diện với hồ nghi. Nó có thể là đau khổ về tình cảm gây nên bởi sự cô đơn, thiếu thốn, chán chường, hay gánh nặng khi các linh mục tốt lành chịu thiệt hại vì giáo dân. Sự hiện diện của thập giá không phải là một dấu chỉ về điều gì sai trái trong đời linh mục, nhưng là điều chính trực! Các văn sĩ kinh điển gọi điều này là “vật hy tế” khi các linh mục, cũng như Chúa Giêsu, tự gánh lấy tội lỗi, lo âu của người dân, và biết rất rõ là mình sẽ gục ngã nhiều hơn ba lần khi lên đồi Canvê.
Tôi đã nói về căn tính linh mục; tôi đã thúc giục phải tin tưởng và biết quý trọng ơn gọi linh mục của chúng ta; tôi đã kể ra nhiều phương cách để gìn giữ và nuôi dưỡng căn tính này, “viên ngọc quý”, mà chúng ta yêu dấu trong chức thánh. Bây giờ là những cảnh giác.
Trong khi sợ rằng toàn thể ý nghĩa của việc coi nhẹ căn tính linh mục, một biện bạch cho lời mời gọi độc đáo của chức thánh, một cảm giác bồn chồn mà những năm gần đây đã gây nên nơi các linh mục là những người nghe nhiều về điều được gọi là “khủng hoảng căn tính,” chúng ta cũng lo sợ không kém một thái cực khác: sự ngạo mạn nhấn mạnh đến uy thế và quyền lực mà lịch sử gọi là thuyết giáo quyền (não trạng phò giáo sĩ). Thuyết giáo quyền là một đồi bại đáng chỉ trích trong Giáo Hội.
Thuyết giáo quyền nói về sự ưu tiên, đặc quyền, đối đãi đặc biệt, được phục vụ hơn là phục vụ; nó thường lưu tâm đến khuy áo và phẩm phục hơn là việc chăm sóc các linh hồn. Thuyết giáo quyền không chứng tỏ sự tự tin trong ơn gọi linh mục mà đúng hơn nó cho thấy sự thiếu tin tưởng nơi chính mình, nơi Thiên Chúa, và nơi ơn gọi mà họ phải chống đỡ căn tính yếu ớt của mình với những bề ngoài và sự nhỏ nhen.
Điều tôi yêu cầu bạn thi hành là chiêm niệm về sự khác biệt giữa thuyết giáo quyền và chức linh mục--một đàng là thói xấu, một đàng là nhân đức. Bạn biết sự khác biệt, vì bạn đã nhìn thấy cả hai. Tôi kêu gọi bạn đến với chức linh mục, chứ không phải thuyết giáo quyền. Cùng với Cha Maximilian Kolbe, khi bạn tự nhủ, nói với người dân, nói với Thiên Chúa, “Tôi là một linh mục Công Giáo,” chúng ta nói điều đó một cách khiêm tốn, với thái độ biết ơn, một cách tin tưởng, không bao giờ ngạo mạn, và chúng ta nói điều đó, không hy vọng để được phục vụ, nhưng hy vọng—như Cha Kolbe—là sẽ dẫn đến sự hy sinh cho người dân và với người dân.
Và tất cả được khởi sự không phải từ chúng ta, nhưng với lời kêu gọi, tiếng thì thầm từ Thầy chúng ta, “Hãy đến theo tôi,” lời mời gọi mà tất cả các bạn đã nghe, đã phân định và diễn dịch, lời mời gọi mà nó trở nên rõ ràng vào ngày chịu chức, lời mời gọi mà bạn sẽ đáp trả từng ngày trong một đời sống linh mục lâu dài và có hiệu quả. Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói với các tân linh mục, “Mãi cho đến cuối cuộc đời, các bạn vẫn bàng hoàng và biết ơn về lời mời gọi nhiệm mầu ấy mà một ngày nọ nó đã vang vọng trong thâm sâu linh hồn bạn: 'Hãy theo tôi!'.”
Để tôi kết thúc với một bài thơ cổ của Thánh Norbert:
Ôi linh mục, bạn là ai?
Không phải qua chính bạn, vì bạn được dựng nên từ hư không.
Không phải vì chính bạn, vì bạn là trung gian của nhân loại.
Không phải cho bạn, vì bạn kết hôn với Giáo Hội.
Không phải thuộc chính bạn, vì bạn là tôi tớ của tất cả.
Bạn không phải là bạn, vì bạn là Thiên Chúa.
Vậy bạn là ai?
Bạn là hư không, và là tất cả.