(Đoạn trích Kinh Thánh: 1 Tim 6)
Vào ngày 28 tháng Tư 1997, dân quân võ trang Hutu tấn công một đại chủng viện ở Burundi, ép buộc ba mươi bốn chủng sinh phải ra tập họp trước sân nhà nguyện, tại đây thủ lãnh nhóm dân quân yêu cầu các chủng sinh phải tự tách riêng thành hai nhóm: nhóm người Hutu và nhóm người Tutsi. Các chủng sinh từ chối, họ đứng chụm lại với nhau và tuyên bố tất cả chỉ thuộc có một bộ lạc. Người thủ lãnh lại nhấn mạnh và ra lệnh đám thuộc hạ khát máu chĩa súng vào các chủng sinh, hắn đe dọa sẽ nổ súng nếu họ không tự động đứng tách rời thành hai nhóm. Các chủng sinh vẫn đoàn kết, không tuân lệnh. Người thủ lãnh lạnh lùng ra lệnh nổ súng và đã tàn nhẫn giết chết ba mươi bốn người trẻ Phi Châu mà cuộc đời họ không muốn gì khác hơn là được làm linh mục cho Hoàng Tử Hoà Bình.
Tôi mở đầu với câu chuyện tử đạo này để khảo sát một đức tính mà tôi muốn đề cập. Thú thật, khi nghe câu chuyện ấy, nhiều điều nảy ra trong đầu:
Nhưng tôi có thể nói rằng sự tử đạo của họ là một bài học mạnh mẽ dạy chúng ta về sự liêm chính, khi họ muốn nói lên điều họ tin tưởng bên trong được phản ánh ra bên ngoài qua các thái độ can đảm, nói lên tình huynh đệ phát sinh từ căn tính Kitô Hữu và linh mục, và tình yêu thương nhau dù có phải hy sinh mạng sống. Vì trong các chủng sinh gan dạ này, không có sự chia cắt giữa những điều họ tin tưởng và lối sống, không giả hình trong lời giảng chân thành với một quy tắc nào đó nhưng trên thực tế lại nhượng bộ, và không giả dối trong sự tin tưởng rằng họ là con cái Thiên Chúa luôn trung thành với Vua của các vua, chứ không phải binh đội của thế gian. Những người liêm chính này đã chứng tỏ lòng đạo đức, sự bền bỉ, sự đáng tin cậy, và sự chân thật ngay cả khi bị đe dọa với cái chết, họ xứng đáng được đứng chung với những người như Thánh Gioan Tẩy Giả, các tông đồ, Thánh Tôma Becket, Thánh Gioan Fischer, Thánh Tôma More, và Thánh Maximilian Kolbe. Đứng trước câu hỏi hung ác là họ có thực sự tin tưởng điều họ thường rêu rao hay không thì họ đã dùng cuộc đời thanh xuân và trong trắng của họ để trả lời cho câu hỏi ấy. Và đó là sự liêm chính.
Tôi thường hỏi Giáo Hội, thế giới trông đợi điều gì nơi các linh mục, và tôi đã tự trả lời cho mình câu hỏi ấy, đó là “sự thánh thiện. “ Thật quá đúng! Điều thứ hai, rất gần và rất có liên hệ, đó là sự liêm chính. Giáo Hội, giáo dân, và, đúng vậỵ, ngay cả thế giới, khao khát các linh mục là những người liêm chính.
Và điều đó có nghĩa gì? Liêm chính là một trong những nét khó định nghĩa nhưng dễ nhận thấy. Một người liêm chính là người chân thật, không mưu mẹo, là người thành thực, đáng tin, những tin tưởng bên trong được bộc lộ ra bên ngoài, lời nói và hành động của họ phù hợp với con người của họ: một người ngay thật, đúng đắn, có nguyên tắc, có chí khí, và đáng tín cẩn, lời nói của họ đáng tin, và họ khiến người khác phải tôn trọng. Một trong những giáo phụ đã viết: “Tôi hy vọng sẽ có được sự cương quyết và đức hạnh đủ để duy trì điều mà tôi cho là đáng khát khao của mọi tước vị, đó là đặc tính của một người liêm chính.” Thánh Gioan Cassian dùng chữ “minh bạch” khi diễn tả người liêm chính như “một người không thay đổi dù ngày hay đêm, khi cầu nguyện hay khi đi ngủ, khi một mình hay với đám đông, tuyệt đối không có gì giấu diếm. “
Như với nhiều đức tính khác, chúng ta dễ nhận thấy sự liêm chính khi thiếu xót đức tính này. Với sự liêm chính, thí dụ điển hình nhất về sự thiếu xót đức tính ấy có thể trích từ người Pharisiêu, họ bị Đức Giêsu kết án là giả hình, sự giả hình thì trái với sự liêm chính.
Vấn đề của người Pharisiêu thì dĩ nhiên không phải là điều họ tuyên bố--thái độ của họ đối với lề luật, nghi thức, phụng tự, giáo thuyết và luân lý là những gì được Đức Giêsu khen ngợi--nhưng là lối sống của họ; lời nói và hành động của họ thì quá xa với điều họ công bố đến độ họ bị coi là một cái thùng rỗng.
Nói tóm lại, họ thiếu sự liêm chính.
Là các linh mục hiện tại hay tương lai, chúng ta phải cúi đầu xấu hổ mỗi khi nghe về các luật sĩ và người Pharisiêu trong Phúc Âm, vì họ đối với Israel cũ như thế nào thì chúng ta đối với Israel mới cũng vậy. Chúng ta tự cho rằng mình là người có đức tin, siêng cầu nguyện, sống thanh bạch, khiết tịnh, trung tín, trọng danh dự và độ lượng--nhưng nhiều khi không như vậy. Lời hứa hẹn, lời rao giảng, và các phụng vụ của chúng ta có thể trở nên “ngoài môi miệng” trừ phi chúng ta là người thực sự liêm chính. Không phải là không có lý do khi Giáo Hội đòi hỏi chúng ta hằng năm phải dành một tuần lễ để suy gẫm về Kinh Thần Vụ. Linh mục mà không có sự liêm chính là người Pharisiêu, luật sĩ, giả hình ngày nay, và ai cho rằng điều đó không áp dụng cho mình thì còn tệ hơn nữa!
Dường như có những lãnh vực đặc biệt mà dân chúng trông đợi các linh mục phải liêm chính. Để tôi kể ra sáu lãnh vực này:
Lãnh vực thứ nhất thì trong sự khiết tịnh. Thật thú vị khi Giáo Lý Công Giáo nói về khiết tịnh dưới dạng sự liêm chính. Sau khi làm linh mục được mới có vài tuần, một bà đến gõ cửa nhà xứ xin gặp một linh mục, và hôm đó là ngày trực nên tôi đến gặp bà ở phòng khách. Trong gần một giờ đồng hồ, bà giải bầy tâm sự với tôi về những trở ngại tính dục của bà, tiết lộ các chi tiết thầm kín đến độ tôi ao ước phải chi tôi được học hỏi thêm, không phải về thần học luân lý, nhưng về sinh vật học. Người đàn bà đau khổ này, dù không biết tên tôi, nên gọi tôi là “cha, “ và chỉ vì tôi là một linh mục, nên bà đã có thể nói với tôi trong sự tin tưởng tuyệt đối. Trong một thế giới đầy những người đàn ông lợi dụng tình dục của bà, tôi là người ở đó không phải nhìn đến thân xác nhưng là linh hồn của bà. Trong khi chỉ biết đến những người đàn ông coi bà như đồ chơi tình dục, bà đã nhìn đến tôi, một linh mục, như người tôn trọng phẩm giá của bà, sự mỹ miều bên trong con người bà. Sống trong một thế giới mà mọi cử chỉ của bà được giải thích như sự khiêu gợi, bà đã có thể thư thái ở bên một người mà bà tin tưởng là trong sạch và đức hạnh.
Dân chúng tin tưởng chúng ta khi chúng ta nói mình là người độc thân khiết tịnh, để chúng ta có thể yêu mến và chấp nhận họ một cách trong sạch, để chúng ta tôn trọng họ không vì họ có thể đền đáp cho sự thèm khát tình dục của chúng ta nhưng vì con người của họ. Thử hỏi làm thế nào dân chúng còn tin tưởng chúng ta khi chúng ta nói sự khiết tịnh vượt sức của mình, khi nhiều người trong chúng ta đã dụ dỗ các phụ nữ, làm đổ vỡ hôn nhân, và săn đuổi con cái của họ. Nhưng dân chúng sẽ tiếp tục tin tưởng chúng ta là người liêm chính trong vấn đề khiết tịnh, và, cảm ơn Chúa, hầu hết các linh mục đều như vậy. Trong một thế giới điên cuồng vì kích thích tố và lang chạ tình dục, chúng ta nhìn đến “sự an toàn”, điều đó có nghĩa, những người trong sạch, tự kềm chế, biết rõ tình dục của mình, và là người đã thấm nhập ơn đoàn sủng của sự độc thân khiết tịnh.
Như tôi đã nói trước đây, một dấu chỉ cho các chủng sinh biết là họ có giữ được sự khiết tịnh khi làm linh mục hay không là họ phải biết ngay tự bây giờ. Một liên hệ tình dục thường xuyên với người khác, dù đàn ông hay đàn bà, hay khuynh hướng tìm kiếm tình dục trong các mối quan hệ; sự bất lực khi nói về vấn đề tình dục một cách bình tĩnh, trưởng thành; một khuynh hướng nhìn người khác với sự thèm muốn, coi họ như các đối tượng nhằm thoả mãn khao khát tình dục; luôn luôn tưởng tượng kỳ quặc dẫn đến sự thủ dâm thường xuyên; dùng các phương tiên khiêu dâm (sách báo, phim ảnh, ngay cả Internet!), hoặc được gọi là “lùng kiếm” nhân tình hay ngay cả đĩ điếm, hoặc tìm cách gạ gẫm các thiếu niên nam nữ--tất cả đều có thể là nguyên do cần được lưu tâm và phải thúc giục người liêm chính chấm dứt điều đó và ổn định vấn đề tính dục của mình trước khi thề hứa sống đời độc thân khiết tịnh. Vì Chúa, Giáo Hội không cần thêm một linh mục gây đau khổ cho chính mình, cho người khác, cho Giáo Hội, và cho Chúa vì vi phạm đến sự toàn vẹn trong lãnh vực độc thân khiết tịnh.
Một lãnh vực thứ hai mà người dân trông đợi sự liêm chính nơi các linh mục là trong sự đáng tin cậy. Họ nhìn đến chúng ta là những người tôn trọng lời nói, có thể tin cậy được. Như Thánh Phaolô viết cho tín hữu Côrintô, “Dân chúng phải nghĩ đến chúng ta như các tôi tớ của Đức Kitô, là các quản lý được giao phó trông coi các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Điều mong đợi nơi các quản lý là mỗi người phải được tìm thấy là đáng tin cậy” (1 Cor. 4:1-2). Một cách tổng quát, phải, họ mong đợi chúng ta bền bỉ khi sống một cuộc đời mà chúng ta đã tuyên xưng là một alter Christus (Kitô khác). Tuy nhiên, trong các phương cách thực tiễn nhất, họ mong muốn là có thể trông đợi ở chúng ta. Khi họ muốn gặp chúng ta, họ muốn chúng ta có mặt ở đó; khi họ để lại lời nhắn cho chúng ta, họ trông đợi chúng ta sẽ trả lời; khi chúng ta phải có mặt trong cuộc họp, chúng ta phải ở đó; khi họ muốn chúng ta đem Mình Thánh cho họ khi đau yếu, chúng ta phải thi hành; khi chúng ta được sắp xếp để cử hành lễ lúc 6:30 sáng, chúng ta phải có mặt. Chúng ta đáng tin cậy; chúng ta giữ lời hứa và chúng ta là những người có bổn phận và có trách nhiệm-- liêm chính--Chúng ta có thể trông cậy được, và như Chúa đã nói, người có thể đáng tin cậy trong việc nhỏ mới được giao cho việc lớn hơn.
Tất cả chúng ta ao ước là đáng tin cậy, bởi thế tôi xin hỏi: Ngay bây giờ, bạn có thể là người đáng tin cậy không?
Một lãnh vực của sự đáng tin cậy bền bỉ mà các linh mục phải trổi vượt là sự cẩn mật. Dân chúng tin rằng họ có thể tín thác chúng ta với những bí ẩn. Họ có thể nói với chúng ta những điều mà họ không thể nói với ai khác, và chúng ta phải giữ kín điều đó cho đến khi chết. Một linh mục thích tầm phào, tán gẫu, vòng vo tam quốc thường vi phạm đến sự liêm chính.
Trong năm đầu tiên tôi coi xứ, có một bác sĩ vừa mới khám bệnh cho mẹ tôi, và sau Thánh Lễ, tôi hỏi ông về bệnh tình của bà. Ông trả lời, “Ô, thưa Cha, con nghĩ Cha nên hỏi bà mẹ thì hơn.” Ông ta thật thận trọng về tính cách cẩn mật nghề nghiệp đến nỗi ông không nói cho tôi nghe về bệnh nhân của ông, dù đó là mẹ của tôi và tôi là cha sở của ông. Do đó, chúng ta cần phải luôn luôn kín đáo, luôn luôn là một người khôn ngoan dè dặt.
Không nói gì cả thì tốt hơn là có thể vi phạm đến sự tín cẩn. Dĩ nhiên, điều này đặc biệt áp dụng cho tòa giải tội, là nơi chúng ta buộc phải giữ bí mật. Các linh mục liêm chính không bao giờ đề cập đến tòa giải tội, và sẽ không bao giờ nói tên ai đó đến xưng tội với mình. Trong năm đầu coi xứ, tôi thấy một trong các giám mục phụ tá thường đến nhà xứ vào sáng thứ Bảy. Tôi nói với đức ông chánh xứ là sáng nay tôi thấy ĐGM McNicholas trong nhà xứ và người trả lời, “Ờ, đúng vậy, khi đức cha ở gần đây người thường ghé ngang thăm hỏi.” Chỉ nhiều năm sau ĐGM McNicholas mới cho tôi biết là người thường đến xưng tội với Đức Ông Flavin mỗi sáng thứ Bảy. Có thể đó là điều tự nhiên khi Đức Ông Flavin cho tôi biết là đức giám mục đến xưng tội hàng tuần, nhưng người rất liêm chính trong vấn đề đó.
Nếu không cẩn thận, chúng ta rất dễ vi phạm đến sự tín cẩn. Một đôi trẻ đến với tôi để chuẩn bị hôn nhân. Chúa Nhật hôm đó tôi thấy cha mẹ của cô gái đến dự lễ và tôi chúc mừng họ về hôn nhân của cô con gái, lúc đó họ nhìn tôi sững sờ. Thì ra đôi trẻ muốn cha mẹ họ ngạc nhiên với tin mừng đó, nhưng ông cha Lắm Mồm đã làm hỏng cả. Sau đó tôi tự hứa rằng không bao giờ tôi nói với ai về bất cứ điều gì mà tôi biết được với tư cách là linh mục, dù đó là điều tốt, xấu, hay tầm thường.
Tôi sợ rằng nhiều khi các linh mục bị mang tiếng là thích nói tầm phào. Một số người nói “bí mật toà thánh” có nghĩa bạn chỉ nói với từng người một lúc thôi, hoặc ai ai ở Rôma cũng biết, ngoại trừ đức thánh cha! Người ta nói rằng lý do mà chúng tôi không có hệ thống báo động cứu hỏa ở trường North America là vì tin về lửa cháy còn nhanh hơn hệ thống báo động. Nếu bây giờ bạn là một người thích tầm phào, muốn biết tin tức mới nhất và luôn luôn thổi phồng những gì đang xảy ra thì làm sao bạn xứng đáng với sự tín cẩn mà dân chúng sẽ đặt nơi bạn khi là linh mục?
Một lãnh vực đặc biệt thứ ba mà dân chúng mong đợi sự liêm chính của các linh mục là luôn luôn nói sự thật. Chúa Giêsu đã cảnh cáo chúng ta: “Có thì nói 'có', không thì nói 'không'; mọi thứ khác đều do ma qủy” (Mt. 5:37). Hoặc như Đức Hồng Y Newman đã viết, “Chúng ta hãy nhắm đến ý nghĩa của những điều chúng ta nói, và chỉ nói những gì có ý nghĩa. “
Người dân muốn nghe sự thật, ngay cả khi họ phản đối. Về phương diện học thuyết, họ trông đợi chúng ta trình bầy các giáo huấn một cách trung thực, ngay cả khi nhiều người bất đồng với giảng dạy đó; về phương diện luân lý, họ muốn được chân lý thách đố họ, ngay cả chân lý ấy khiến họ bối rối. Vua Louis XIV có cả một chuỗi các người giảng thuyết trong triều đình để chọn, tất cả những vị ấy chỉ muốn làm vui lòng nhà vua, nhưng sau cùng vua đã chọn Cha Jean Baptiste Massillon, và vua giải thích cho những người bị loại: “Cho đến nay tôi rất hài lòng với các vị giảng thuyết, nhưng bây giờ tôi lại không thấy hài lòng với chính tôi.” Phải, chúng ta cố gắng trình bầy chân lý một cách nhẹ nhàng, khiêm tốn, tích cực, không xét đoán, nhưng không bao giờ chúng ta nhượng bộ chân lý. Chúng ta nói thế nào, khi nào, nơi nào thì có thể xét lại được.
Đặc điểm thứ tư của sự liêm chính mà người dân trông đợi nơi các linh mục là sự công bằng. Họ mong đợi chúng ta trước sau như một, rõ ràng, vô tư, và đúng đắn. Nhất là khi họ đánh hơi thấy sự thiên vị. Và đó là sự cám dỗ lớn lao! Thiên vị người giầu, sang trọng, mạnh khỏe, đẹp đẽ, có địa vị để chúng ta cũng được thơm lây! Đó là một cám dỗ lớn lao cho linh mục.
Tổng Thống Lyndon Johnson trở nên rất thích vị linh mục mà khu vực giáo xứ của người bao bọc trang trại của ông, thỉnh thoảng ông đến nhà thờ giáo xứ để cầu nguyện. Khi được hỏi lý do, ông cho biết một ngày Chúa Nhật nọ khi ông ra về sau Thánh Lễ, vị linh mục chào đón ông và ông đã mời người đến ăn cơm tối. Vị linh mục trả lời, “Cám ơn Tổng Thống. Thật là một vinh dự! Nhưng tôi không thể đến được vì hôm nay tôi có rửa tội, và sau đó tôi đã hứa với gia đình ấy đến ăn cơm tối.” Vị tổng thổng ngạc nhiên khi có một người bỏ qua cơ hội được ăn uống với một tổng thống, người ấy trung thành với bổn phận, với sự liêm chính và đã coi một gia đình trong giáo xứ cũng quan trọng như vị tổng thống của Hoa Kỳ, và vị linh mục ấy đã trở nên người bạn tâm giao.
Và lãnh vực sau cùng của sự liêm chính là bác ái. Chúng ta công khai tự nhận mình là người đồng hình dạng với Tình Yêu Nhập Thể, với Đấng là gương mẫu tinh tuyền của lòng thương xót, sự nhẫn nại, nhân từ, độ lượng và luôn chăm sóc. Sự liêm chính đòi hỏi chúng ta phải hành động như những gì chúng ta tuyên bố. Có lẽ đây là lãnh vực nhiều tiếng xấu nhất trong đời sống linh mục--hơn cả việc nghiện rượu, vô ý trong vấn đề tình dục, lười biếng, giảng dở--mà là chúng ta không thực hành những gì chúng ta tuyên xưng trong lãnh vực đơn thuần của đức ái, mà chúng ta trở nên lạnh nhạt, vô tâm, hay gắt gỏng! Tất cả chúng ta ai cũng đã một lần trải qua; tất cả chúng ta đều cảm thấy ray rứt khi có một linh mục nhỏ nhen, bần tiện.
Tôi nhớ có đọc cuốn Angela's Ashes của Frank McCourt, và tôi cảm thấy xấu hổ khi tác giả đã miêu tả các linh mục kiêu căng, nhẫn tâm đã làm ngơ, không giúp đỡ các gia đình đau khổ ở Limerick. Phải, có hàng chục linh mục lưu tâm chăm sóc, nhưng chính các linh mục vô tâm lại gây ấn tượng mạnh nơi Frank McCourt khi còn bé. Sự liêm chính đòi hỏi lời lẽ và hành động của chúng ta phải phản ánh lời chúng ta hứa khi chịu chức sáu, khi chúng ta thưa “vâng” với câu hỏi của đức giám mục, “Con có quyết tâm thay đổi đời sống để noi gương Đức Kitô--và phục vụ dân Chúa không?”
Đã quá đủ về những thử thách đặc biệt đối với sự liêm chính; còn những giúp đỡ để duy trì sự liêm chính mà chúng ta khao khát thì sao? Tạ ơn Chúa, có rất nhiều.
Có thể nào tôi nhắc đến điều đầu tiên là sự khiêm tốn biết mình không? Thật ngộ nghĩnh--một trong những nghịch lý đầy dẫy trong kỷ luật Kitô Giáo--để có được sự liêm chính và duy trì được đức tính đó chúng ta phải thú nhận là chúng ta rất thiếu sót.
Bạn thấy đó, chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều khao khát trở nên người liêm chính, nhưng chúng ta còn thiếu sót rất nhiều.
Như thế, bạn có thể đoan chắc rằng người nào cười xòa khi có ai nhận xét rằng họ hay say sưa và tự hào rằng họ không có trở ngại gì về vấn đề nghiện rượu thì chắc chắn rằng đó là người có vấn đề, còn người muốn được giúp đỡ lại là người đang trên đường liêm chính về sự nghiện ngập.
Hãy để ý người nào bướng bỉnh khi đối diện với vấn đề tình dục nguy hiểm thì một ngày nào đó chính họ sẽ xuất hiện trên trang nhất về việc các linh mục lạm dụng tình dục, còn ai khiêm tốn cảnh giác sự yếu đuối của mình sẽ trở nên một linh mục thánh thiện và khiêm tốn.
Tôi dám cá rằng người nào cứ khăng khăng về sự bất công của bề trên, về sự thiếu thân thiện của anh em linh mục, và sự hiểu lầm của giáo dân thì đó là người rất khó để chung sống, trong khi người biết xin lỗi về tính tình ủ rũ của mình lại là người đồng hành tốt trong nhà xứ.
Bởi vì, như Edward Benson nhận xét, “Thành thật với chính mình thật khó khăn biết chừng nào! Nhưng lại rất dễ để thành thật với khuyết điểm của người khác!”
Bây giờ, sự trợ giúp thứ hai để có được và duy trì được sự liêm chính là khả năng lắng nghe sự thật về chính mình. Vì, nếu đúng là “thật khó để thành thật với chính mình,” thì chúng ta cần yêu mến người liêm chính dám nói thật về chúng ta, dù có đau lòng. Tôi nhắc lại rằng người dân mong đợi các linh mục rao giảng sự thật; tương tự như vậy, một linh mục liêm chính phải sẵn sàng nghe sự thật!
Trong khi tìm hiểu về tiểu sử của một người được dùng trong luận án tiến sĩ của tôi, đó là Edward O'Hara, tôi khám phá rằng trong mười bẩy năm làm giám mục ở Kansan City--St. Joseph, người luôn luôn có một linh mục trong số các cộng tác viên mục vụ để “chỉ trích” người. Người này gặp người mỗi thứ Hai hàng tuần, và nhiệm vụ của người là chỉ trích đức tổng giám mục, để nói với người về những tin buồn, để cho người biết các linh mục và giáo dân nói gì về người. Bây giờ, cần một người thực sự liêm chính để thiết lập một hệ thống như vậy.
Như Samuel Goldwyn đã nói, “Tôi không muốn những người chỉ biết gật đầu vâng dạ ở chung quanh. Tôi muốn những người dám nói sự thật, dù điều đó khiến họ mất việc.”
Do đó, nuôi dưỡng thói quen lắng nghe sự thật về chính mình là một bước tiến lớn trong sự liêm chính. Nếu có người bày tỏ sự lưu tâm đến bạn, bạn có lắng nghe, có chấp nhận, và có thay đổi không? Hay bạn sẽ lánh xa người ấy? Đó là điều đáng buồn vì họ là người bạn chân tình. Nếu có ai nêu lên các thiếu sót, sai lầm để bạn lưu ý, bạn có nói, “Thành thật cám ơn--đó là điều mà tôi cần để trở nên một linh mục tốt lành” không? Hay bạn lại nói, “Ông/bà không hiểu gì cả! Ông/bà không thích tôi chỉ vì các người quá phóng túng--hay quá bảo thủ--và ngoài ra, hãy nhìn lại những điều mà các người bỏ qua không thấy!”
Chín mươi chín phần trăm các linh mục gặp trở ngại khi thi hành sứ vụ--về vấn đề tình dục, cô đơn, thiếu rõ ràng và thiếu tự tin, nghiện ngập, v. v.--sẽ thú nhận rằng trở ngại này đã có từ lâu, và họ khước từ hay bỏ qua không muốn giải quyết. Những người làm việc với các linh mục gặp khó khăn sẽ cho bạn biết điệp khúc của các linh mục này là, “Ồ, phải chi tôi biết điều này từ lâu!” Thì đấy, đây là thời điểm tốt để thi hành điều đó!
Người liêm chính muốn nghe sự thật về chính mình, và biết ơn khi có người nói cho họ biết.
Sự giúp đỡ thứ ba cho đức tính liêm chính, có thể nói là tìm kiếm phương tiện để nghe người khác nói về mình. Ở đây tôi nhắc đến hai điều:
Thứ nhất là sự tương giao thành thật, bền bỉ với cha linh hướng. Thật đúng để nói rằng sự thành thật, khiêm tốn và nghị lực--sự liêm chính mà bạn tìm kiếm--có thể thật khó để tìm thấy nếu không có sự hướng dẫn tâm linh cách bền bỉ và ngay thẳng. Người liêm chính biết họ cần một cha linh hướng và đều đặn gặp người một cách tự do, vui vẻ, và nghiêm túc trong một tương giao có đặc điểm là rất thành thật.
Chúng ta không có trở ngại gì khi gặp bác sĩ ngay khi chúng ta thúng thắng ho--và phải như thế. Chúng ta lại càng phải gặp các bác sĩ của linh hồn để đo lường nhiệt huyết của chúng ta, để lắng nghe tiếng thở của Thần Khí bên trong, và để thấy đâu bị tắc nghẽn và nhận định chỗ bị nhiễm độc cản trở ơn Chúa.
Điều rất liên hệ là thường xuyên xưng tội. Thánh Francis de Sales nói rất đúng khi người nhận xét rằng việc xưng tội tốt đẹp là như linh hồn nhìn vào tấm gương. Nếu sự liêm chính tùy thuộc việc khiêm tốn biết mình, thì không có công cụ nào tốt hơn là bí tích hòa giải. “Không giấu diếm điều gì với cha giải tội, vì người bệnh chỉ có thể khỏe mạnh bởi chữa lành các vết thương,” Thánh Margaret ở Cortona đã viết như thế.
Sự trợ giúp thứ tư để phát triển đức liêm chính là có trách nhiệm về đời mình. Người liêm chính thì ý thức về khả năng cũng như khiếm khuyết của mình, biết rõ các quy tắc cũng như điều tin tưởng và bổn phận để sống những điều đó với vinh dự và bổn phận, và can đảm nhận trách nhiệm những điều đã làm hoặc không làm. Họ biết đó là điều dễ dàng nhưng không chính xác khi đổ lỗi cho người khác về lỗi lầm của chính mình.
Có một bài viết tuyệt vời trong tạp chí Human Development của Cha Thomas Morgan, mang tựa đề “The Anatomy of Priestly Morale“ (Mổ xẻ chí khí linh mục). Cha kết luận với một nhận định đáng kinh ngạc rằng chí khí cao hay thấp của một linh mục thì đầu tiên và trên hết là tùy thuộc ở chính mình! “Trách nhiệm về chí khí có nghĩa cá nhân linh mục chịu trách nhiệm với Thiên Chúa, với chính mình, và với tha nhân về phẩm chất của tâm linh, cảm xúc, và đời sống thể chất. Chúng ta không thể biện hộ bằng cách đổ lỗi cho người khác về phẩm chất đời sống chúng ta. Chính cá nhân linh mục có thể làm gia tăng hay giảm bớt chí khí của mình, mà đó là một phản ánh của phẩm chất về sự lành mạnh và thánh thiện của linh mục ấy. Không giám mục nào, bề trên nào, cha linh hướng nào hay bất cứ ai khác ngoài chúng ta có thể ban cho hay lấy đi chí khí của một linh mục… Chúng ta phải chịu trách nhiệm về tâm tính và lối sống của chúng ta… Nhận trách nhiệm về chí khí của mình là bước đầu tiên trên đường thăng tiến cuộc đời chúng ta. “
Hãy cố gắng trở nên một người liêm chính là người có thể nghe sự thật về chính mình, ngay cả những điều đáng buồn. Tôi làm việc trong phòng nhân viên hai nhiệm kỳ và thật ngạc nhiên khi thấy một số linh mục không thể nhận trách nhiệm về hành động của mình, và luôn luôn đổ lỗi cho người khác. Trong giáo xứ thứ nhất: “Ông cha xứ ấy ồn ào quá--đưa tôi ra khỏi đó!”; trong giáo xứ thứ hai: “Giáo dân ở đây không biết ơn--đưa tôi ra khỏi đó!”; trong giáo xứ thứ ba: “Các cộng tác viên ở đây không thể làm việc được--đưa tôi ra khỏi đó!”; trong giáo xứ thứ tư: “Người không để tôi làm gì cả!”. Và sau cùng, một ai đó--đức tổng giám mục, cha giám đốc phòng nhân viên, đại diện các linh mục--phải nói rằng, “Này anh, vấn đề là ở anh.”
Tôi nhắc đến khả năng chấp nhận trách nhiệm về hành động của mình và sự hữu hiệu của nó như một trợ giúp cho sự liêm chính bởi vì thiếu sót khả năng ấy sẽ gây nhiều trở ngại. Khi chúng ta không thể chấp nhận trách nhiệm về chính cuộc đời mình với sự bình thản, khiêm tốn và tín thác vào Đấng Quan Phòng, chúng ta trở nên nham hiểm, nhỏ nhen và hận thù, tất cả là điều cấm đoán đối với một người liêm chính. Chúng ta bắt đầu luồn lách các quy tắc và đánh mất các nguyên tắc cũng như điều tin tưởng cao đẹp là vinh dự và đặc tính của chúng ta. Chúng ta trở nên hay cáu kỉnh và dễ bị tổn thương, mau chóng nhìn thấy lỗi của người khác, dễ buồn phiền, và như đứa con nít cảm thấy ai ai cũng gây chuyện với mình.
Và điều sau cùng giúp cho sự liêm chính là chịu khó luyện tập sự bình thản nội tâm và sự thanh khiết của tâm hồn. “Chỉ có Chúa là sự an ủi và nơi ẩn náu của tôi. Tôi đặt sự tin tưởng nơi Người!” (TV 144:2).
Thật thú vị khi chữ “integrated” (hòa đồng) lại xuất phát từ chữ “integrity” (liêm chính). Chúng ta cố gắng có được sự bình thản nội tâm và một tâm hồn thanh khiết mà các điều đó lại đến từ một đời sống hòa đồng, là nơi có sự hài hòa rõ rệt giữa những gì chúng ta tuyên xưng và cách chúng ta sống, một bản hòa tấu giữa hành động bên ngoài và những điều tin tưởng bên trong của chúng ta. Cuộc đời chúng ta có thứ tự, với các mục tiêu rõ rệt và các nguyên tắc căn bản hướng dẫn lời chúng ta nói và hành động chúng ta làm. Như vậy, một “người rất hòa đồng,” là người biết họ là ai và sống bình an với Thiên Chúa, với chính mình, với tha nhân, là một người liêm chính.
Một người thiếu liêm chính, là người dối gạt, không đáng tin, đạo đức giả, và mau sợ hãi, nghi ngờ thay vì tín thác, hiển nhiên là thiếu bình an nội tâm và tâm hồn thanh khiết. Sống giả dối sẽ đưa đến sự thiệt hại:
… người như vậy không thể trở nên liêm chính, và đời sống giả dối đó sẽ gây thiệt hại về luân lý, tâm linh, sự lành mạnh về tình cảm cũng như thể xác…
Trong khi đó, ngược lại, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, người đạt được một đời sống mà trong đó có sự hòa đồng, cân đối và hài hòa giữa nội tâm và bên ngoài, người như vậy thực sự có được sự bình an nội tâm và tâm hồn thanh khiết để duy trì được sự liêm chính.
Khi điều đó xảy đến, chúng ta không cần bợ đỡ các bề trên, hay tìm được thăng quan tiến chức, gây thanh thế và được suy tôn, vì giá trị của chúng ta xuất phát tự bên trong chứ không phải bên ngoài.
Khi điều đó xảy đến, chúng ta không phẫn uất, nhỏ nhen hay có ác ý khi bị hiểu lầm hay bị coi thường, vì giá trị của chúng ta đến từ bên trong.
Khi điều đó xảy đến, chúng ta không cần dài dòng về quy tắc đạo đức, không phải hai mặt, vì mục đích của chúng ta không phải làm hài lòng người khác nhưng hài lòng Thiên Chúa bởi trung thành với các quy tắc mà chúng ta thực sự yêu quý.
Khi điều đó xảy đến chúng ta là những người liêm chính.
Như thế, đời sống chúng ta sẽ đơn giản và không huyên náo. Những điều chúng ta tin tưởng thì rất rõ ràng và chúng ta cố gắng sống các điều ấy một cách bền bỉ và thành thật. Chắc chắn có những điều chúng ta phải thi hành và có những điều chúng ta không thể thi hành. Chúng ta có một lương tâm trong sáng để trợ giúp chúng ta và lương tâm ấy phải được thường xuyên duyệt xét; chúng ta tin vào thanh danh của những người nhắc nhở chúng ta khi chúng ta bị dao động, và thấy rằng người khác đến với chúng ta là vì họ tin tưởng chúng ta. Khi được hỏi về mục đích đời sống, Don Bosco trả lời: “Để sống mãi trong tình trạng ơn sủng.” Điều thánh nhân muốn nói là đời sống liêm chính, bình an bên trong và tràn ra bên ngoài trong một đời sống hoà đồng.
Ba cựu chủng sinh mà tôi biết trong nhiều năm có thể coi là thí dụ ở đây. Một người rời chủng viện và vất vả đi tìm việc làm, và sau cùng anh được thuê vào một văn phòng địa ốc có uy thế. Sau sáu tháng làm việc, anh được tăng lương và thăng chức cho đến khi anh khám phá rằng một phần công việc của anh là đòi tăng tiền thuê nhà của các người già da đen trong khu chung cư tồi tàn. Anh bỏ việc. Anh nói, “Con không thể sống với công việc như vậy. “
Một người khác rời chủng viện và được nhận làm trong một công ty dược phẩm, cho đến khi anh khám phá công ty ấy bán thuốc ngừa thai và phá thai. Anh bỏ việc. Anh nói, “Con không thể sống với công việc như vậy. “
Một người khác rời chủng viện chỉ hai tháng trước khi chịu chức linh mục. Anh nói, “Tâm hồn con bị phân tán, và có những thắc mắc con cần phải trả lời trước khi thực sự tiến lên bàn thánh. Con biết con không thể sống giả dối như vậy. “
Thiên Chúa chúc lành cho những người liêm chính. Họ không thể sống vì đó là những công ty xấu, đi ngược với những điều họ tin tưởng và có giá trị.
Tôi nhớ một bài giảng tuyệt vời của Cha Walsh về tâm hồn thanh khiết. Lấy Chúa Giêsu làm gương mẫu, chúng ta khao khát một tâm hồn không bị phân tán, không bị xâu xé bởi các bất đồng bên trong và một chương trình hoạt động thật mơ hồ. Tâm hồn chúng ta thật thanh khiết, tận hiến cho Chúa Giêsu và dân của Người trong tình yêu. Đức Kitô ngự trị tâm hồn chúng ta, không phải là Satan hay thế gian này, và kết quả của sự ngự trị đó là sự thanh khiết của ý định và hành động--sự liêm chính.
Bạn có nhớ mẩu tin nổi tiếng về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Ba Lan và người đứng cạnh Tướng Jaruzelski, người lãnh đạo cộng sản Ba Lan không? Đức Thánh Cha thì bình thản, hoàn toàn điềm tĩnh, và tuyệt đối bình an trong khi viên tướng đọc bài diễn văn chào mừng, tờ giấy trong tay ông run lên bần bật, đầu gối của ông có thể nói khua vào nhau, ông thật bồn chồn lo lắng. Không lạ gì: người có sự bình thản nội tâm vì sứ điệp của họ dựa trên chân lý và được sự tín thác của dân chúng, trong khi người kia bồn chồn lo lắng vì sứ điệp của họ dựa trên sự dối trá và chỉ tạo nên sự sợ hãi và hoài nghi.
Ôi, sự bình thản nội tâm đó, sự thanh khiết tâm hồn đó xuất phát từ một lương tâm tốt lành và cố gắng liêm chính!
Tổng hợp các điều đó lại, tôi muốn nhắc đến vài điều mà cả hai đều đặc biệt, đó là người dân tìm kiếm sự liêm chính nơi các linh mục, và họ cũng là sự trợ giúp cho sự liêm chính, có thể nói là lời cầu nguyện.
Cầu nguyện là lãnh vực của đời sống linh mục mà người dân mong đợi sự liêm chính, chỉ vì chúng ta tuyên xưng mình là người siêng cầu nguyện. Ít khi nào bài giảng của chúng ta không thúc giục giáo dân cầu nguyện, như thế sự liêm chính đòi hỏi chúng ta phải thi hành điều đó. Ít có ngày nào trôi qua mà không có người xin chúng ta cầu nguyện cho họ và chúng ta mau mắn trả lời, “Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn,” và sự liêm chính đòi hỏi chúng ta phải thi hành điều đó.
Và dĩ nhiên, cầu nguyện là một sự giúp đỡ để đạt được và duy trì sự liêm chính. Khi cầu nguyện chúng ta nhắc nhớ lại các tín điều sâu xa, các quy tắc đạo đức của chúng ta, và tìm kiếm sự trợ giúp của Thiên Chúa để sống mà không phản bội các điều đó.
Khi cầu nguyện chúng ta cũng nuôi dưỡng sự thành thật mà nó đồng nghĩa với liêm chính, vì khi cầu nguyện chứ không ở đâu khác chúng ta hết sức thành thật với chính mình và với Thiên Chúa. Cùng với các tác giả thánh vịnh, chúng ta đọc:
Lạy Chúa, Người tìm kiếm con và Người biết rõ con…
Con nghĩ tưởng gì, Người thấu suốt từ xa.
Mọi đường lối của con Người đều quen thuộc.
Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,
Thì lạy Chúa, Người đã am tường hết.
Đi đâu cho thoát khỏi thần trí Người?
Lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?
Vì chính Người đã cấu tạo nên con,
Dệt hình hài con trong lòng thân mẫu.
Hồn con đây Người biết rõ mười mươi,
Chẳng bí mật nào con giấu được Người.
Mắt Người thấy rõ con hành động…
TV 149
Không bí mật nào giấu được Thiên Chúa! Không che đậy được các chương trình! Không thể hai lòng! Không thể dối trá! Không thể tương nhượng! Thật ngu xuẩn khi tìm cách dối gạt Người. Thiên Chúa biết chúng ta rõ hơn chính chúng ta, từng tật xấu, từng tư tưởng và hành động, từng tội lỗi và điều bối rối--nhưng Người vẫn yêu thương và chấp nhận chúng ta một cách thiết tha! Nếu sự nhận biết đó không đưa đến sự liêm chính, thì còn gì khác?
Mẹ Têrêsa đề nghị một hình thức cầu nguyện mà chúng ta hãy tưởng tượng ra Chúa Giêsu đang nhìn đăm đăm vào mắt chúng ta, như xuyên thấu tâm hồn. Trước khi từ trần, người viết: “Tôi lo ngại rằng một số các bạn vẫn chưa thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu--diện đối diện--chỉ có bạn và Chúa Giêsu. Với con mắt của linh hồn, bạn có thấy Người nhìn bạn không?”
Đó là một kiểu cầu nguyện mỹ miều, hãy tưởng tượng Chúa Giêsu đăm đăm nhìn bạn. Bạn có nhớ Người “nhìn đến” chàng thanh niên giầu có không? Hãy nhớ khi Phêrô chối Chúa, các thánh sử kể cho chúng ta biết, Chúa Giêsu đi ngang qua và “nhìn ông,” và rồi Phêrô đi ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Khi chúng ta để Chúa Giêsu nhìn chúng ta, tình cảm duy nhất là hoàn toàn thành thật, mà trên đó sự liêm chính được bồi đắp.
“Tất cả những gì Người thực sự muốn nói với bạn là Người yêu thương bạn, ngay cả khi bạn cảm thấy không xứng đáng. Người không chỉ yêu thương bạn, nhưng Người khao khát bạn!” như Mẹ Têrêsa đã kết luận về Chúa chúng ta. Sự cầu nguyện như vậy sẽ nuôi dưỡng sự thành thật và tạo nên sự liêm chính.
Một vài năm trước đây, tôi được hân hạnh nói về đức tin cho một thanh niên, đã kết hôn với một cô trong xứ và có ba con. Anh ta rất cảm kích về giáo xứ, linh mục, Giáo Hội, vợ anh, các giáo huấn của Giáo Hội, và anh trở nên một người Công Giáo tốt lành. Khoảng năm năm sau, vợ anh bỏ anh đi theo… một linh mục. Anh đến gặp tôi, “Cha biết điều gì đau lòng nhất không?” anh hỏi tôi.
“Chắc là mất Katy, “ tôi trả lời.
“Không, “ anh trả lời. “Tôi thật ngu xuẩn khi tin rằng mọi thứ trong Giáo Hội đều là sự thật!” Bạn phải nói gì về điều đó?
Một số các bạn đã từng nghe--còn một số khác chắc sẽ được nghe những lời sau đây từ đức giám mục:
Con ơi, giờ đây con sẽ được tiến lên chức linh mục… Hãy suy nghĩ về luật của Thiên Chúa. Hãy tin những gì con đọc, hãy giảng dạy những gì con tin, và hãy sống điều con giảng dạy… Hãy để gương mẫu đời sống của con thu hút người ta đến với Đức Kitô, như thế qua lời nói và hành động con xây dựng căn nhà là Giáo Hội của Thiên Chúa… Hãy biết những gì con đang làm và hãy bắt chước các mầu nhiệm mà con cử hành… Hãy dự phần trong công trình của Đức Kitô, vị Tư Tế với tình yêu và niềm vui đích thật, và hãy đưa dẫn người ta đến với Chúa Cha qua Đức Kitô.
Nói cách khác, hãy trở nên người liêm chính.