(Đoạn Kinh Thánh: Do Thái 5:7-10)
Nếu hôm nay bạn nghe tiếng Người, thì đừng cứng lòng, “ có lẽ là đoạn thường thấy nhất trong kinh thần vụ, vì hàng ngày chúng ta lập lại câu này đến bảy lần trong phần Mời Gọi (invitatory). Người mẹ khôn ngoan của chúng ta, là Giáo Hội, biết rằng chúng ta cần lời cổ vũ đó hàng ngày để sống đức vâng lời.
Vâng phục có lẽ là nhân đức thật dễ để diễn tả nhưng thật khó để sống. Sự vâng phục đơn giản là thích ứng cuộc đời chúng ta theo thánh ý Chúa, tự ý quy phục quyền năng của Người đã được bày tỏ trong Kinh Thánh, trong Truyền Thống và huấn quyền của Giáo Hội, trong luật tự nhiên, trong sự hướng dẫn của các bề trên, trong mệnh lệnh của một lương tâm tốt lành, và trong sự thúc giục của Chúa Thánh Thần được dẫn giải một cách khôn ngoan qua sự phân biệt tinh tế.
Như thế, căn bản, đây là nhân đức duy nhất mà Thiên Chúa mong đợi ở tổ tiên loài người, và hoạch định nguyên thủy của Đấng Tạo Hóa đã bị sái lệch một cách thảm thương bởi “tội nguyên tổ” mà đó là một hành vi cố ý, kiêu ngạo bất tuân phục. Như triết gia Montaigne đã nhận xét:
Lề luật đầu tiên mà Thiên Chúa ban cho loài người là luật của sự vâng phục. Đó là một mệnh lệnh đơn giản và tinh tuyền, mà trong đó con người không có gì để hỏi hay tranh luận, vì vâng lời là nhiệm vụ xứng hợp của một linh hồn có lý trí khi biết ơn bề trên và ân nhân siêu phàm của mình. Từ sự vâng lời và quy phục phát sinh mọi nhân đức khác, cũng thế, mọi tội lỗi phát sinh từ sự bướng bỉnh và cố chấp.
Như vậy hành vi tuân phục một cách độ lượng của Đức Mẹ khi Truyền Tin được coi là “đúng” mà qua đó sự “sai lầm” ban đầu của Evà đầu tiên được sửa đổi bởi Evà thứ hai. Như Thánh Irenaeus nhận xét, “Sự quyến rũ của thiên thần sa ngã đã lôi kéo được Evà, trong khi các đợt sóng vui mừng của thiên thần thánh thiện lôi kéo Đức Maria, để khởi sự một kế hoạch làm tiên tan những ràng buộc của cạm bẫy đầu tiên… Như thế Đức Trinh Nữ Maria đã trở nên người bào chữa cho Evà Nguyên Thủy… Sự sống đã chiến thắng bởi sự vâng phục của Đức Trinh Nữ Maria, mà sau cùng đã quân bình lại món nợ của sự bất tuân phục. “
Vì vậy, Đức Giêsu được ca tụng như một người Con tuân phục tuyệt hảo. Bossuet đã giảng: “Ba mươi năm của Chúa được ẩn giấu trong những lời sau đây của Phúc Âm: 'Người vâng phục ông bà.'” Tuy nhiên chứng cớ rõ ràng hơn nữa rằng Đức Giêsu là người rất tuân phục khi Người ôm lấy thập giá, mà người kiêu ngạo có thể giải thích đó là điều thảm thương, vô lý, tuyệt vọng, vô ích, và đầy thù hận. Thánh Irenaeus lại viết: “Trong ADong đầu tiên, chúng ta chống báng Thiên Chúa bởi không thi hành mệnh lệnh của Người. Trong ADong thứ hai chúng ta được hòa giải, trở nên 'vâng phục cho đến chết.'”
Tuy nhiên, dù chúng ta ý thức được sự quan trọng nòng cốt của nhân đức này mạnh mẽ thế nào đi nữa, sự vâng phục là một trong những nhân đức khó thực hiện, chỉ vì nó đi ngược lại một sức mạnh có thể làm cho trái bom nguyên tử trông như cái bật lửa: đó là ý muốn ương ngạnh, kiêu hãnh của con người.
Cha linh hướng của tôi tin rằng chính trong sự vâng phục--chứ không phải sự độc thân, thật lạ lùng--mà các linh mục ngày nay hầu như đi ngược trào lưu văn hóa. Vì chúng ta sống trong một thế giới thần thánh hóa ý muốn, cho rằng hạnh phúc thực sự chỉ xảy đến khi bạn có quyền thi hành bất cứ gì bạn muốn, bất cứ lúc nào bạn muốn, bất cứ với ai và cho ai bạn muốn, bất cứ kiểu cách nào bạn muốn, bất cứ đâu bạn muốn; và rằng bất cứ hạn chế nào dựa trên sự vâng phục đối với bất cứ thẩm quyền nào cao hơn thì đều không chính đáng, có tính cách đàn áp, và phải bị coi thường--vì, trên thực tế, không có “thẩm quyền nào cao hơn” là ước muốn, nhu cầu và ý thích của chính tôi.
Trào lưu khinh miệt sự vâng phục này thật hiển nhiên trong quốc gia Hoa Kỳ yêu dấu của chúng ta, được thành lập dựa trên sự bất tuân phục. Chúng ta chính đáng ca tụng lòng yêu nước can đảm của các nhà cách mạng đã chịu tất cả nguy hiểm để dành độc lập khỏi tay một ông vua đàn áp, đúng như vậy, nhưng chúng ta cũng phải thú nhận rằng lúc đó chúng ta có khuynh hướng đồng hóa quyền tự do với sự phóng túng, sự tự do với các quyền lợi không bị hạn chế bởi bổn phận; đó là chúng ta ca ngợi sự bất đồng ý kiến trên sự dễ sai bảo, và với con mắt nghi ngờ nhìn đến thẩm quyền, truyền thống, và chấp nhận mọi điều chỉ dựa trên đức tin. Những ai quen thuộc với lịch sử Giáo Hội Hoa Kỳ đều biết rằng một nguyên do chính yếu đưa đến căn cơ của một xã hội bài Công Giáo là ấn tượng cho rằng người Công Giáo thì ngu đần, là nô lệ bị kềm kẹp bị đòi hỏi phải vâng lời cách mù quáng một hệ thống thối nát, lỗi thời và xa lạ. Chúng ta miễn cưỡng thán phục đòn vận động quần chúng thật ngoạn mục của nhóm ủng hộ phá thai khi dùng danh xưng “phò-lựa-chọn” (pro-choice), xúi giục dân chúng Hoa Kỳ chống đối lại ngay cả ý tưởng có ai buộc tôi phải làm điều gì đó. Các quan sát viên ngoại quốc tinh khôn về hiện trường Hoa Kỳ, từ Tocqueville đến Solzhenitsyn, và từ Bedini đến Mẹ Têrêsa, đều sắc sảo nhận ra khuyết điểm này của xã hội Hoa Kỳ, có thể nói là chống lại sự tuân phục Thiên Chúa, chống với truyền thống, với các nguyên tắc luân lý, vì lợi lộc của sự lựa chọn, sự tiện nghi, hay ý thích cá nhân. Những nhấn mạnh mới đây về việc tự-hoàn-thành, tự-thực-hiện, tự lo cho chính mình--tất cả đều thực sự tốt đẹp khi được hiểu một cách đúng đắn--đã làm sâu đậm thêm sự nghi ngờ của người dân Hoa Kỳ về sự vâng phục.
Như vậy, linh cảm của cha linh hướng của tôi thật đúng. Chính trong sự vâng phục mà chúng ta đi ngược trào lưu văn hóa: trong một xã hội thúc giục chúng ta mở rộng mọi lựa chọn, đừng bị trói buộc, luôn sẵn sàng theo đuổi những gì hấp dẫn hơn, đặt điều kiện cho mọi thề hứa, bảo vệ ích lợi của mình trên hết mọi sự, tìm cách đi lên và kiếm chác nhiều hơn, đòi hỏi quyền lợi và chống lại các hạn chế thì chúng ta lại hứa tuân phục hoàn toàn với một người và một lãnh vực được xác định là vườn nho của Thiên Chúa. Đó là sự vâng phục. Đó là ngược dòng văn hóa!
Và dĩ nhiên, sự nghịch lý đó xảy ra vì chúng ta là dấu chỉ của một chân lý sâu xa: chính trong sự vâng phục Thiên Chúa mà chúng ta có sự tự do trọn vẹn, sự bình an lâu dài chỉ đạt được khi chúng ta được dẫn dắt không bởi ý muốn của chúng ta nhưng bởi thánh ý Thiên Chúa.
Khi tôi mới chịu chức linh mục có một nữ tu tốt lành làm hiệu trưởng trường tiểu học trong giáo xứ. Chị là một trong những nữ tu trẻ và tài giỏi của dòng, và tôi lo cho chị vì tu hội của chị đang suy sụp, tái phối trí, đóng cửa các hoạt động tông đồ, và dường như thật lộn xộn. Có lần tôi hỏi chị: “Tương lai của chị sẽ ra sao?” Không bao giờ tôi quên câu trả lời của chị:
“Con không biết và con cũng không lưu tâm. Thật tự do là dường nào khi không phải lo cho tương lai của mình. Đó là món quà của sự vâng phục.”
Như vậy sự nghịch lý là: người được giải thoát nhiều nhất lại là người vâng phục nhiều nhất. Qua tấm gương của mình, các vị tử đạo ở Rôma đã hoán cải hàng ngàn người đến chứng kiến cái chết của họ. Thay vì nhìn thấy những người nô lệ bị xiềng xích, suy nhược vì sợ hãi khi đối diện với cái chết, họ lại chứng kiến những người can đảm, tin tưởng, vui mừng và tự do hơn cả những người hành hạ. Đó là những người mà sự vâng phục Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi mọi lo lắng, mọi nhượng bộ và hồ nghi. Đó là điều mà Thánh Têrêsa Lisieux đã nghĩ đến khi viết: “Đó không phải điều lạ thường hay sao, khi chỉ bởi lời thề vâng phục, bạn có thể tránh được sự căng thẳng lo âu? Thật đáng ghen tị là chừng nào, vì với một tuyên xưng đơn giản của dòng tu, bạn chỉ còn một hướng để nhắm đến, là ý muốn của vị bề trên? Người biết chắc là người đi đúng đường.”
Hoặc như Thánh Philip Neri đã nhận xét, “Triệt để tuân theo thánh ý Chúa là con đường đích thực mà chúng ta không thể sai, và đó là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến vui hưởng sự bình an mà con người trần tục không thể biết được. “
Có thể nào chúng ta nhìn đến các chi tiết của sự vâng phục, và bắt đầu suy tư trong một ý nghĩa rộng hơn: vâng phục là lắng nghe Thiên Chúa? Đã bao lần các bạn nghe giảng rằng “vâng lời” và “lắng nghe” đều phát xuất từ gốc Latinh? Vậy, chúng ta hãy xem xét sự vâng phục Thiên Chúa trong đôi phút.
Tôi nhớ có lần gặp một chủng sinh khi còn làm linh hướng ở Đại Chủng Viện Kenrich ở St. Louis. Để trả lời cho một câu hỏi thẳng thừng và khó xử về ơn gọi của anh, tôi mau mắn đề cập đến sự cần thiết của việc vâng phục thánh ý Chúa.
Anh biện hộ, “Nhưng thưa Cha, vấn đề của con không phải là vâng phục ý Chúa, mà là tìm hiểu xem thánh ý đó là gì!” Thật đúng là dường nào! Khi ý Chúa đã rõ, có thể chỉ cần sự hy sinh để vâng theo, nhưng tối thiểu chúng ta đã biết những gì phải làm. Vấn đề xảy ra khi ý Chúa không rõ ràng. Rồi làm sao?
Như Đức Tổng GM Giuseppe Pittau đã cảm động phát biểu khi chủ tọa lễ phong chức đọc sách cho các chủng sinh vào năm 1999 ở Trường North American, các chủng sinh muốn trở nên linh mục không chỉ vì họ muốn thi hành những điều mà các linh mục thi hành, không chỉ vì họ có khả năng và đức tính cần thiết, không chỉ vì những người mà họ thương mến và tin tưởng nói với họ rằng họ sẽ là linh mục tốt lành; không phải vậy, chủng sinh muốn trở nên linh mục trước hết và trên hết vì linh mục khiêm tốn và thành thật tin rằng Chúa mời gọi họ. Nếu đó là thánh ý của Người, thì sự đáp ứng thích hợp phải là vâng phục.
Tiến trình khám phá ý Chúa được gọi là tinh tường nhận thức, và đó là một công việc khó khăn nhưng linh thiêng và cao quý. Một hiện tượng căn bản để nhận biết ý Chúa và rồi vâng phục thánh ý là sự cầu nguyện. Nếu sự vâng phục được khẳng định là nhờ vào sự lắng nghe Thiên Chúa thì tốt hơn chúng ta phải cố gắng lắng nghe, và điều đó chỉ xảy đến trong sự cầu nguyện.
Chúng ta không thể trở nên người môn đệ vâng phục nếu chúng ta không đảm bảo có thời gian cầu nguyện hàng ngày, và một trong những nhiệm vụ chính của chúng ta trong cuộc đời là tập thói quen cầu nguyện. Chúng ta không thể biết được ý Chúa nếu chúng ta không cầu nguyện.
Người viện trưởng nổi tiếng của Notre Dame, Cha Theodore Hesburgh, trong tự truyện đã nhận xét rằng các thành quả trong đời người sẽ không thể nào xảy ra “nếu không có sự bình an nội tâm, phát sinh từ sự cầu nguyện, nhất là với Chúa Thánh Thần, để tìm kiếm sự soi dẫn, linh hứng và can đảm. Tôi có lời cầu nguyện đơn giản chỉ có 5 chữ từng giúp đỡ tôi trong rất nhiều năm: 'Xin Thánh Thần ngự đến. ' Lời cầu nguyện đó chưa bao giờ làm tôi thất vọng. “
Nhưng tôi nghĩ đến một hình thức cầu nguyện đặc biệt rất cần thiết để lắng nghe tiếng Chúa và là cốt lõi của sự vâng phục. Hầu hết chúng ta đều được điểm “B” hay cao hơn nữa khi nói đến loại cầu nguyện tích cực: Thánh Lễ hàng ngày, kinh thần vụ, lần chuỗi, đọc sách thiêng liêng, việc đạo đức, viếng Thánh Thể, và đọc những kinh mình ưa thích. Không phải là tôi muốn lấy đi sự quan trọng của loại cầu nguyện “tích cực” này, nhưng tôi sợ rằng đa số chúng ta chỉ được điểm “D” khi đề cập đến loại cầu nguyện tiêu cực hơn, khi chúng ta không làm gì cả nhưng chỉ mở lòng cho những tác động của Chúa. Đó là chiêm niệm; đó là suy ngắm; đó là điều khó khăn. Để lắng nghe tiếng Chúa, để nhận ra sự hiện diện của Người, để hấp thu tình yêu, ơn sủng và lòng thương xót của Người--đó là khi chúng ta lắng nghe để có thể vâng phục.
Chúng ta thích nói nhiều, có phải không?
Tôi nhớ đến câu chuyện của một người cha chết đi, để lại bà vợ sầu khổ và hai đứa con trai. Một người con vắng mặt khi người cha từ trần, vội vã chạy về nhà và đến gặp người em, đã ở bên cạnh người cha cho đến hơi thở cuối cùng, và hỏi: “Nói cho anh biết cha chết như thế nào. Cha có trăn trối lời gì không?”
Người em trả lời: “Không, cha đâu có nói gì đâu. Mẹ ở đó cho đến cuối cùng.”
Đó là hình ảnh của chúng ta: nói quá nhiều, nói với Chúa những gì chúng ta muốn, nói với Chúa về kiểu cách của một vị chúa, đến nỗi chúng ta quên đi lời Người nhỏ nhẹ. “Giá trị của lời cầu nguyện liên lỉ thì không phải là Thiên Chúa sẽ nghe chúng ta, nhưng chúng ta sẽ nghe Chúa, “ William McGill đã viết như thế. Lời cầu nguyện âm thầm, liên lỉ, lắng đọng, tiêu cực, lắng nghe là công việc khó khăn, chậm rãi, và khổ sở. Nhưng chúng ta phải duy trì. Chúng ta không thể nhận ra ý Chúa, cũng như không thể vâng phục thánh ý, nếu chúng ta không duy trì.
“Nếu hôm nay bạn nghe tiếng Người, đừng cứng lòng!” Hãy vâng phục Thiên Chúa.
Như vậy, đối với Chúa là sự vâng phục theo nghĩa rộng. Chúng ta nên chi tiết hóa sự vậng phục, và khởi sự nghĩ đến những loại vâng phục đặc biệt thích hợp với linh mục.
Sự vâng phục đầu tiên và hiển nhiên nhất là vâng phục đức giám mục. Yếu tố then chốt để hiểu vai trò linh mục triều là sự vâng phục mà chúng ta nợ đức giám mục. Trong nghi thức tấn phong phó tế cũng như linh mục, người hỏi tân chức: “Con có hứa tôn trọng và vâng phục ta và các đấng kế vị không?” Vì Chúa, hãy biết bạn đang hứa gì.
“Con có ý định dùng cả cuộc đời mình để phục vụ dân Chúa trong giáo phận theo sự vâng phục đức giám mục không?” đó là câu tôi thường hỏi các chủng sinh năm thứ ba và thứ tư khi thẩm định xem họ có được chịu chức hay không.
Sự tôn trọng và vâng phục đức giám mục được tỏ lộ trong sự trung thành của bạn qua lời nói và hành động. Bạn ủng hộ các chương trình của người, bạn nói tốt về người, không bao giờ bạn xúc phạm đến ý thức luân lý của dân chúng khi chế giễu người hay phê bình người. Nếu chúng ta chế nhạo người, có thể họ cười khúc khích và có thể bạn nghĩ rằng họ thán phục sự độc lập và bạo dạn của bạn, nhưng họ bị xúc phạm về luân lý. Họ thán phục bạn hơn nữa khi thấy bạn trung thành và thông cảm, nhất là khi họ biết rằng thật khó cho bạn để thi hành điều đó.
Một lần trong buổi tĩnh tâm vị linh mục giám đốc làm chúng tôi sững sờ khi người nói, “Các cha biết không, tôi không thích đức giám mục, tôi không muốn hợp tác với người, tôi bất đồng với đường hướng cai quản địa phận. Tôi khác biệt với lý tưởng của người, và tôi đau lòng với cách đối xử của người. Tôi không thích đức giám mục-- nhưng, tôi thương người, và tôi từng long trọng tuyên hứa sẽ vâng phục và tôn trọng người, và tôi sẽ thi hành điều đó cách tốt đẹp. Tôi sẽ sống cho người và chết cho người.” Lạy Chúa, chúng con sẽ yêu mến đức giám mục, nhưng vị linh mục đó quả thật đã đề cập đúng vấn đề.
Chúng ta coi sự vâng phục đức giám mục như sự giải thoát, như một ơn sủng, chứ không phải một xiềng xích. Không giống như người đời, chúng ta không phải băn khoăn về sự an toàn của công việc, về chỗ mà chúng ta sẽ được sai đến, về đơn xin việc hay bản lý lịch. Chúng ta tự do đặt tương lai của mình vào bàn tay một người, và điều đó thật thoải mái là dường nào. Như vậy, một đàng, chúng ta có thể hiển nhiên bất tuân đức giám mục bằng cách từ chối chỉ thị và bài sai của người; nhưng đàng khác, chúng ta cũng có thể bất tuân phục đức giám mục nếu chúng ta mưu mẹo để được bổ nhiệm, hoạch định sự nghiệp chúng ta, và nuôi tham vọng cho những địa vị và bài sai nào đó.
Như bạn biết, ngày nay các giám mục cố gắng hết sức để hội ý và cộng tác trong việc bổ nhiệm các linh mục. Các người có phòng nhân viên và ngay cả hỏi ý kiến của bạn về sự bổ nhiệm ấy. Như vậy, khi cộng tác trong tiến trình đó là chúng ta vâng phục người. Nếu một giám mục hỏi chúng ta có thích nhận sự bổ nhiệm đó không, chúng ta thành thật với người là vâng phục người. Nếu giáo phận chúng ta có hệ thống mà linh mục có thể nộp đơn xin về giáo xứ nào hay bài sai nào đó, chúng ta vâng phục qua sự cộng tác. Nhưng điểm cốt yếu là, “Thưa Đức Cha, vì được hỏi nên con vui mừng nói lên ý muốn của con, nhưng con vẫn thi hành bất cứ gì hay đi bất cứ đâu đức cha muốn. “
Khi tôi rời Giám Quản Tông Tòa ở Hoa Thịnh Đốn, đức tổng giám mục của tôi là John L. May, hỏi tôi muốn đi đâu. “Cha muốn làm cha sở, hay muốn về đại chủng viện?” Tôi trả lời, “Thưa đức cha, con muốn thi hành bất cứ điều gì đức cha muốn. “
Người nói, “Tốt. Cám ơn cha. Tôi sẽ nói với cha điều tôi muốn cha thi hành. Nhưng cha sẽ giúp tôi quyết định bằng cách nói cho tôi biết điều cha muốn. “
Do đó, tôi nói. “Con muốn làm cha sở. “
Người gửi tôi về đại chủng viện. Người thi hành công việc của người. Tôi làm công việc của tôi.
Một số linh mục bề ngoài nói rằng họ muốn vâng phục khi chấp nhận một bài sai từ đức giám mục, nhưng trong lòng thì giận dữ, nghĩ rằng họ đã bị qua mặt hay đối xử thậm tệ; và rồi, họ cũng đi, nhưng không bao giờ họ chấp nhận bài sai ấy và thực sự thi hành công việc. Họ nói một cách rất trẻ con, “Tôi sẽ cho ông ấy biết. Tôi sẽ đi, nhưng tôi sẽ không làm điều gì cả.” Dĩ nhiên, giáo dân là người bị thiệt hại. Sự vâng phục không chỉ có chấp nhận sự bổ nhiệm mà còn phải thi hành cách tốt đẹp. Như Thánh Bernard đã nói, “Nếu bạn buồn bã với sự bổ nhiệm, phán đoán bề trên, lầu bầu trong tâm hồn, dù rằng bên ngoài bạn đã chu toàn những gì được ra lệnh, đó không phải là sự vâng phục, nhưng là che đậy ác tâm của bạn.”
Các người cổ lỗ sĩ nói rằng, “Đừng bao giờ xin được bổ nhiệm và đừng bao giờ xin ra khỏi sự bổ nhiệm, hoặc bạn sẽ hối hận. “ Có ít nhiều sự thật trong câu nói ấy. Một người cổ lỗ sĩ khác, Đức Ông McRae, nói với các thầy sáu trước khi họ ra đi, “Vì Chúa, đừng là cái của nợ”. Một số người chẳng bao giờ vui. Họ luôn than phiền về sự bổ nhiệm. Sau một vài năm là linh mục, tôi được chọn vào phòng nhân viên của địa phận--thật nhức đầu--sau nhiệm kỳ ba năm tôi được ngưng việc, sáu năm sau tôi lại được chọn cho một nhiệm kỳ khác. Trong buổi họp đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai tôi lại thấy tên của các linh mục mà sáu năm trước đây họ đã than phiền. Đừng là một trong những người ấy.
Bây giờ, nếu giả như đức giám mục yêu cầu bạn suy nghĩ về một bổ nhiệm đặc biệt, nhưng nói thêm là người sẽ không ra lệnh cho bạn đến đó nhưng chỉ bổ nhiệm nếu bạn chân thành đồng ý đi? Hãy tin vào lời người. Hãy thành thật với người. Hãy hội ý những người bạn tin tưởng. Tôi đoán là sẽ có những lý do chấp nhận được để bạn không nhận sự bổ nhiệm đó. Đây là ba điều không thể chấp nhận:
“Xin lỗi Đức Cha, con rất vui ở chỗ hiện nay nên con không muốn đi. “ Người đâu có hỏi bạn điều đó, phải không? Xin lỗi tôi quá thẳng thừng, nhưng sự mãn nguyện của bạn đâu có ăn nhập gì. Tất cả chúng ta đều ổn định, thoải mái và vui vẻ ở một chỗ--và có lẽ đó là lúc tốt nhất để di chuyển. Chỉ vì bạn sung sướng ở một chỗ điều đó không có nghĩa bạn phải từ chối một chỗ khác.
Một câu trả lời khác cũng không vững: “Thưa Đức Cha, chỗ này rất cần đến con; thật không công bằng để con ra đi bây giờ. Chỗ này không thể tồn tại.” Hãy nhớ câu châm ngôn: “Nghĩa trang đầy những người không thể thiếu. “
Lời bào chữa thứ ba cũng khó chấp nhận: “Thưa Đức Cha, con không thể làm được. Con không xứng đáng.” Hiển nhiên là đức giám mục nghĩ rằng bạn xứng đáng, vì người đã hỏi. Hãy nhớ điều Đức Tổng GM Pittau nói: “Thiên Chúa không kêu gọi bạn vì bạn mạnh mẽ nhất, tài giỏi nhất, hay xứng đáng nhất. Chúa gọi bạn vì Người yêu thương bạn, và có thể hoạt động trong bạn. “
Cán cân luôn nghiêng về phía đức giám mục và Giáo Hội, chứ không phải bạn, những điều bạn muốn, hay ưa thích. Đó là sự vâng phục.
Một phần khác của sự vâng phục đức giám mục, rất thích hợp ngày nay: sự vâng phục của bạn thì đối với đức giám mục của địa phận. Có hai điều tất nhiên xảy đến ở đây:
Thật là một ơn sủng tuyệt diệu khi cá nhân bạn có một liên hệ vững bền, thiện cảm, tôn kính, và trung thành với đức giám mục. Nhiều người có thể cảm tạ Chúa vì điều đó. Một số bạn có thể nhận ra ơn gọi của mình là nhờ ảnh hưởng trực tiếp cá nhân của đức giám mục. Tạ ơn Chúa! Nhưng--sự vâng phục của bạn thì không đối với một người nhưng đối với chức vụ, và “sẽ có một pha-ra-ô không biết đến Giuse.” Và bạn sẽ được kêu gọi để tôn trọng và vâng lời đức giám mục mới cũng như đức giám mục cũ. Ơn gọi làm linh mục của bạn, dĩ nhiên lời hứa vâng phục của bạn, thì không tùy thuộc vào tên của một người đang ngồi trong ngai tòa, nhưng đối với chức vụ.
Là linh mục triều sự vâng phục của chúng ta thì đối với chức vụ. Đó là lý do thật lý tưởng để một người làm linh mục trong một giáo phận mà người gọi là nhà, trong giáo phận mà người đã lớn lên. Tôi biết có những lý do chính đáng tại sao một người có thể là linh mục trong một giáo phận không phải là giáo phận nhà, như một số các bạn đây. Nhưng hãy biết chắc rằng bạn không bị thu hút vào giáo phận ấy chỉ vì một số lý do phù du, tỉ như cá tính của đức giám mục hay sự mơ tưởng đang thịnh hành hiện thời. Khi Anthony O'Connell được tấn phong làm giám mục đầu tiên ở Knoxville, người lấy chiếc nhẫn mới đeo vào tay, và nói, “Hỡi giáo dân của giáo phận Knoxville, với chiếc nhẫn này tôi kết hôn với anh chị em.” Đó là mối ràng buộc giữa các linh mục triều với giáo phận. Chúng ta yêu quý giáo phận; chúng ta biết giáo phận từ trong ra ngoài; chúng ta muốn cả đời phục vụ giáo phận; chúng ta muốn chết ở đó.
Chúng ta không chỉ vâng phục đức giám mục, nhưng còn đối với chức linh mục. Điều này tôi muốn nói chúng ta trung thành với ơn gọi linh mục, chúng ta độ lượng vâng theo những mong đợi của Giáo Hội nơi chúng ta, hàng ngày chúng ta nuôi dưỡng và kiên cường căn tính linh mục của chúng ta, và chúng ta tránh bất cứ gì hay bất cứ ai có thể đe dọa ơn gọi ấy.
Có bao giờ bạn nghe nói “sự vâng phục lâu dài” để diễn tả các linh mục âm thầm trung thành, ngày này sang ngày khác, vui lòng chấp nhận các bài sai, không nhìn đến việc đề bạt, yêu quý giáo dân, và sống như vậy năm này sang năm khác? Sự “vâng phục lâu dài”--vâng phục lâu dài chức linh mục của chúng ta--đó không chỉ là một chức năng, một nghề nghiệp, một công việc, hay một thừa tác vụ mà chúng ta có thể từ bỏ khi buồn tẻ, chán nản, hay thất bại--như nó sẽ xảy đến. Đó là một lời mời, một đời sống, một ơn gọi kêu mời sự vâng phục lâu dài. Nó dễ vỡ và phải được gìn giữ; nó là một ngọn lửa có thể sắp tắt và phải được thổi bùng lên; nó là một ơn sủng mà có thể bị quên lãng, trừ khi chúng ta hàng ngày vâng theo những yêu cầu của nó.
Thật nực cười, chúng ta thường bị cám dỗ bất tuân phục chức linh mục, không chỉ những lúc buồn tẻ, chán nản hay thất bại, nhưng khi nổi tiếng, được hoan hô, và thành công.
Trong bài diễn văn mở đầu mừng các tân linh mục hàng năm ở Casa, Đức Ông Elmer đã thức tỉnh họ khi thúc giục họ “bảo vệ chức linh mục, “ bởi vì chính những linh mục nào đạt được bằng cấp cao, thông minh lại thường trở nên ngạo mạn, kiêu hãnh, quá độc lập--kết quả là họ từ bỏ chức linh mục. Dominic Maruca nhận thấy cùng một hiện tượng, trong cuộc phân tích tìm hiểu các linh mục đã cởi áo, người nhận thấy rằng những ai nổi tiếng, được giáo dân mến mộ, được lương cao, và được tôn sùng, kết cuộc là quên đi sự vâng phục đối với những căn bản của chức linh mục và cởi áo.
Vâng phục chức linh mục có nghĩa chú ý không ngừng về các nhiệm vụ của ơn gọi của chúng ta: Thánh Lễ và kinh thần vụ hàng ngày, suy ngắm, lớn lên trong các nhân đức khiết tịnh, khiêm tốn, đời sống thanh bạch, phát triển tình bạn lành mạnh với các anh em linh mục, ăn uống điều độ, bền bỉ xưng tội, tĩnh tâm hàng năm, và định hướng tâm linh hàng năm--tất cả những điều đó giúp chúng ta trung thành với chức linh mục.
Sự vâng phục đối với ơn gọi được khởi sự từ chủng viện. Một trong những chủng sinh năm thứ nhất nhớ lại những tuần lễ đầu ở chủng viện: “Tôi nhớ nhà khủng khiếp, lạc lõng, hoang mang, tôi tự hỏi tại sao lại ở đây, và tin rằng tôi phải về nhà. Nhưng tôi nghĩ, không được, tôi phải vâng lời. Có những người khôn ngoan hơn đã gửi tôi đến đây; ban giám đốc và anh em chủng sinh bảo tôi hãy từ từ. Chúa muốn tôi ở đây. Tôi tín thác vào Người.” Và giờ đây anh rất sung sướng vì sự vâng phục đó. Bởi thế chúng ta hoàn toàn tự chìm ngập trong những đòi hỏi của ơn gọi: không phê bình thêm nữa, không tìm cách tránh né, không còn “tôi biết nhiều hơn thế.” Nếu người nào chỉ muốn tìm kiếm những ngoại lệ thì họ sẽ luôn nghĩ rằng mình cao hơn các đòi hỏi mà người khác phải lệ thuộc, có nghĩa họ không vâng phục ơn gọi của mình.
Sau đó là vâng phục người dân. Phải, họ là chủ nhân của chúng ta. Chúng ta phục vụ họ. Sự cứu độ và chăm sóc linh hồn họ là công việc hàng ngày của chúng ta. Một linh mục mà tôi rất quý trọng đã lớn tiếng hỏi rằng hình như chúng ta đang đánh mất điều mà người gọi là “ý thức về bổn phận của chúng ta. “ Người giải thích, “Thông thường là nếu có giáo dân nào nằm nhà thương, tôi không thể nghỉ ngơi cho đến khi thăm viếng họ; nếu có ai từ trần, tôi không thể chấm dứt một ngày mà không đến nhà quàn; nếu có ai gọi điện thoại muốn nói chuyện, tôi phải gọi lại ngay lập tức; nếu có ai muốn gặp, tôi phải cố gắng dành thời giờ. Đó là nhiệm vụ của tôi; tôi mắc nợ điều đó với giáo dân, tôi phải luôn có mặt vì họ. Nhưng giờ đây tôi thấy thật dễ để tự bào chữa cho mình, để bỏ qua điều đó, để xin họ đừng quấy rầy, để thảnh thơi một mình.” Ý thức về bổn phận; một sự vâng phục người dân. Là linh mục tôi mắc nợ điều đó đối với họ. Chúa không ban cho tôi chức linh mục như một lợi nhuận thoải mái, dễ chịu nhưng để phục vụ dân của Người.
Một vài năm trước đây, một linh mục truyền giáo người Hoa Kỳ, Cha Jim Tully, dừng chân đến thăm tôi. Người đang hoạt động ở quốc gia Phi Châu, Sierra Leone, và vừa mới thoát chết. Khi trốn trong bụi, người chứng kiến bọn cướp đốt ngôi nhà thờ nhỏ bé, trường học, bệnh xá của người và vây bắt giáo dân. Với các người tị nạn khác, người đã trốn khỏi quốc gia này và sau cùng đến Rôma để xin ý kiến của bề trên. Khao khát duy nhất của người là gì? Được trở lại sứ vụ của người.
“Tôi phải gặp lại giáo dân của tôi. Tôi phải biết xem họ có bằng an hay không. Tôi đã không có thời giờ ngay cả để nói lời tạm biệt. “ Đó là điều tôi muốn nói về sự vâng phục người dân.
Sau cùng, vâng phục chịu đau khổ. Như trong Thánh Thư gửi tín hữu Do Thái nhắc nhở chúng ta, “Tuy người là con, người đã học vâng phục qua sự đau khổ.” Và chúng ta cũng vậy. Đó có thể là sự đau khổ vì chấp nhận một bài sai mà chúng ta không muốn và vẫn lao mình vào; đó có thể là sự thử thách khi sống chung với một người không hợp với mình; đó có thể là sự mệt mỏi vì công việc khó khăn và đòi hỏi ngày càng gia tăng; đó có thể là sự thất bại, tội lỗi, hay sự chiến đấu làm kiệt sức và cám dỗ chúng ta phải kêu lên “đã quá đủ”! Trong tất cả những điều này, chúng ta vâng phục trong đau khổ, thường chỉ tìm thấy trên môi miệng chúng ta những lời của vị Thượng Tế Đời Đời, “Cha ơi, xin hãy cất chén này; nhưng, không phải ý con, mà ý Cha được thể hiện. “
Thật vậy, Thánh Y Nhã nói với chúng ta rằng sự khó khăn có thể là một phần của hành vi vâng phục, trong đó, nếu chúng ta được lựa chọn giữa hai sự bổ nhiệm, tốt hơn nên chọn cái khó khăn hơn, ít hấp dẫn hơn. Khác hẳn với ngày nay, chúng ta phải xem xét nhà băng trước khi gửi tiền, trước khi ưng thuận. Đôi khi chính sự thất vọng của việc bài sai đè nặng trên chúng ta, khi chúng ta cảm thấy vô dụng, đồ bỏ, hay không được dùng cách thích đáng. Sự vâng phục chịu đau khổ nhắc nhở chúng ta rằng, nói cho cùng, điều quan trọng không phải là những gì chúng ta thi hành với vai trò linh mục, cũng không phải chỗ chúng ta thi hành, mà là con người linh mục của chúng ta khi thi hành điều đó.
Một đan sĩ của Đan Viện Giệt-si-ma-ni nói với tôi là người thật sung sướng với công việc làm bánh và rồi một ngày kia đan viện trưởng nói rằng người sẽ được thụ phong linh mục. Sau nhiều năm chuẩn bị, người được chịu chức và, một ngày sau Thánh Lễ mở tay, người nôn nóng chờ đợi vị đan viện trưởng sau giờ kinh sáng để hỏi xem sự bổ nhiệm mới của người là gì. Đan viện trưởng rất ngạc nhiên và nói, “Tại sao lại hỏi như vậy, dĩ nhiên là trở về làm bánh. “ Vị đan sĩ trẻ trả lời, “Nhưng đó là điều con đã làm trước khi được chịu chức.” Đan viện trưởng trả lời, “Đúng vậy, nhưng giờ đây cha sẽ làm điều đó với tư cách của một linh mục. “
Chính vào lúc cùng cực nhất của cuộc đời trần thế, vào lúc Người cảm thấy bị bỏ rơi, bị quên lãng, vô dụng nhất, đau đớn nhất--đó chính là khi đau khổ nhất--trên thập giá, vâng phục cho đến chết, mà Đức Giêsu đã hoàn thành tất cả.
Nếu mục đích của chúng ta là đồng hình dạng với Đức Kitô, thì sự vâng phục là con đường đến đó. Thánh Y Nhã Loyola có dạy: “Sự vâng phục là của lễ toàn thiêu mà trong đó toàn thể con người, không giữ lại một chút gì, được hiến dâng trong ngọn lửa bác ái cho Tạo Hóa và Thiên Chúa… Ít linh hồn hiểu được điều mà Thiên Chúa muốn thực hiện trong con người họ nếu họ hoàn toàn từ bỏ chính mình cho Người, và nếu họ để cho ơn sủng của Người khuôn đúc họ. “
Thánh Gioan Vianney, là người bị cám dỗ từ bỏ xứ Ars để được sống dễ dãi hơn, nhưng rồi lại chấp nhận ý đức giám mục, đã giảng rằng, “Sự vâng phục làm mềm ý muốn của chúng ta. Nó đem lại sức mạnh để chiến thắng bản thân, để vượt qua sự lười biếng, và để chống lại các cám dỗ. Nó khơi dậy sự can đảm để chu toàn những nhiệm vụ khó khăn nhất. “
Vậy sự vâng phục là nhân đức trung gian mà qua đó các nhân đức khác sẽ đến; chúng ta theo đuổi sự thánh thiện, khiêm tốn, khiết tịnh, thanh bạch, và bác ái vì chúng ta lưu tâm đến ý Chúa, vâng theo hoạch định của Người, và chúng ta biết đây là điều Người muốn. Người có chương trình cho chúng ta, và chúng ta cộng tác. Hoạch định ấy ít khi rõ ràng nếu chúng ta muốn biết trước tương lai, nhưng chỉ khi nhìn lại quá khứ chúng ta mới biết đó là sự quan phòng của Thiên Chúa, nếu chúng ta vâng phục.
Như chúng ta tìm thấy trong sự suy gẫm của Đức Hồng Y Newman:
Thiên Chúa đã dựng nên tôi để thi hành cho Người một số công việc; Người giao các công việc ấy cho tôi mà không giao cho người khác--tôi không bao giờ biết được điều đó khi trong cuộc đời này nhưng tôi sẽ được cho biết ở đời sau.
Người không dựng nên tôi để chẳng làm gì cả. Tôi sẽ thi hành một cách tốt đẹp, tôi sẽ làm công việc của Người, tôi sẽ là một thiên thần của sự bình an, một người rao giảng chân lý trong chính nơi tôi ở--nếu tôi giữ các giới răn của Người và phục vụ Người trong ơn gọi của tôi.
Bởi đó, tôi tín thác vào Người. Bất cứ gì, bất cứ đâu tôi sống, tôi không bao giờ bị loại bỏ. Nếu tôi đau yếu, sự đau yếu của tôi có thể phục vụ Người; nếu tôi sầu muộn, sự sầu muộn của tôi có thể phục vụ Người.
Người không làm điều gì cách vô dụng. Người biết công việc của mình. Có thể Người lấy đi các bạn hữu của tôi. Có thể Người quăng tôi vào chỗ xa lạ. Có thể Người khiến tôi cảm thấy lạc lõng, tinh thần tôi chìm đắm, tương lai tôi mờ mịt--nhưng Người biết công việc của Người--và tôi tín thác vào Người.
Do đó, trong sự vâng phục của chúng ta là các linh mục chúng ta rất đồng hình dạng với Đức Giêsu, giao phó hoạch định, khao khát và ý muốn của chúng ta tùy theo sự sử dụng của Thiên Chúa Cha. Chúng ta kết thúc chương này với kinh Dâng Hiến của Charles de Foucauld:
Lạy Cha
Con phó thác con trong tay Cha;
hãy dùng con như ý Người muốn.
Bất cứ gì Cha làm, con đều cảm tạ;
Con sẵn sàng tất cả, chấp nhận tất cả.
Xin chỉ để ý Cha được thể hiện nơi con,
và trong mọi tạo vật của Cha--
lạy Chúa, con không khao khát gì hơn điều này.
Trong tay Chúa con phó thác hồn con;
con dâng hiến hồn con cho Chúa
với tất cả tình yêu trong tâm hồn con,
vì con yêu Người, ôi lạy Chúa,
và vì thế con cần dâng hiến chính con,
từ bỏ chính con trong tay Chúa,
không chút dè dặt,
và với sự tin tưởng vô bờ,
vì Người là Cha của con.