(Đoạn trích Kinh Thánh: Mc 4:26-29)
Tôi nghe từ chính miệng Cha George Lodes, người là linh mục của tổng giáo phận nhà St. Louis, mà trong khi ở Rôma năm 1962, người được vinh dự yết kiến Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Cha kể rằng vào lúc ấy có khoảng mười linh mục trong sảnh đường, và cha là người sau cùng để chào mừng đức thánh cha. Mỗi một linh mục đều tự giới thiệu cho Đức Gioan XXIII biết công việc họ đang làm, và sau đó quỳ xuống hôn nhẫn của người.
“Con là khoa trưởng một đại học,” vị linh mục thứ nhất cho biết và sau đó quỳ gối hôn nhẫn; “Con dậy trường đại học,” vị thứ hai nói, rồi cũng quỳ gối hôn nhẫn; “Con là một tuyên uý bệnh viện,” vị kế tiếp tuyên bố rồi cung kính quỳ gối; “Thưa Đức Thánh Cha, con là chưởng ấn của địa phận,” vị kế tiếp nói rồi quỳ gối hôn nhẫn.
Sau cùng, người anh em linh mục của tôi từ St. Louis, khi Đức Giáo Hoàng Gioan tiến đến với cha, cha cảm thấy thấp kém, vì cha nghĩ, công việc của linh mục thật chẳng có gì đáng nói so với chín vị kia, bởi thế hầu như cha nói thầm trong miệng, “Thưa Đức Thánh Cha, con chỉ là một linh mục coi xứ.”
Và rồi thì, trước sự rụng rời của cha, Đức Giáo Hoàng Gioan bái gối trước mặt cha, hôn tay cha, và đứng dậy nói, “Đó là công việc cao trọng nhất của linh mục!”
Một linh mục coi xứ… công việc cao trọng nhất của linh mục… đoạn trích Kinh Thánh ở đầu chương này là từ Phúc Âm Máccô về người gieo giống và nhìn kết quả lớn lên. Cánh đồng để gieo là giáo xứ; hoa quả phát triển trong giáo xứ.
Khi quan tòa hỏi tên trộm khét tiếng Willie Sutton tại sao lại ăn cướp nhà băng, hắn trả lời: “Vì nơi đó có tiền.” Khi họ hỏi chúng ta, “Tại sao bạn lại muốn là một linh mục giáo xứ,” chúng ta có thể trả lời, “Vì nơi đó có các linh hồn.”
Linh mục giáo xứ thì ở tuyến đầu của Giáo Hội. Chúng ta có thể nói về mọi chương trình, mọi phong trào, mọi sáng kiến, mọi mục đích; chúng ta có thể nói về công cuộc phúc âm hóa cho đến khi khô cả cổ, và không có chương trình nào thành cơm cháo nếu không được thực hiện trong giáo xứ, được dẫn dắt bởi các linh mục thánh thiện và hăng say. Không lạ gì Đức Giáo Hoàng Gioan nói rằng, là một linh mục giáo xứ thì “đó là công việc cao trọng nhất của linh mục!”
Ấy, đừng hiểu lầm tôi cho rằng linh mục giáo xứ là thừa tác vụ duy nhất hữu hiệu. Chắc chắn là tôi sẽ rất buồn nếu tin như vậy, vì trong gần hai mươi bốn năm làm linh mục (cho đến khi viết cuốn sách này) chỉ có tám năm tôi làm việc toàn thời gian ở giáo xứ. Chắc chắn rằng công việc của anh em linh mục trong việc dậy học thì cao quý vô cùng, và họ không phải là linh mục giáo xứ; chắc chắn rằng thừa tác vụ của các linh mục đang theo lớp cao cấp thần học và các linh mục làm việc cho Tòa Thánh--tất cả đều vô giá. Nhưng tôi dám cá đến đồng xu cuối cùng rằng tất cả các linh mục giáo xứ sẽ thích là linh mục giáo xứ nếu họ được theo ý mình, mà dĩ nhiên là họ không được như thế; và tất cả các linh mục, của mọi dòng tu, trong mọi loại tác vụ linh mục, sẽ nói với bạn là họ coi trọng những người mang chức vụ cha xứ, những người trực tiếp va chạm với dân Chúa hàng ngày như các linh mục giáo xứ.
Như tôi thường nói với các chủng sinh ở Rôma, chủng viện ở đó cũng như mọi chủng viện giáo phận là để đào tạo các linh mục giáo xứ tốt lành, thánh thiện, hữu hiệu. Nếu họ không phấn khởi khi trọn cả đời làm linh mục giáo xứ, họ phải ở chỗ nào khác. Một số sẽ dậy học? Đúng! Một số sẽ tiếp tục học lên cao? Đúng! Một số sẽ làm việc cho Tòa Thánh? Đúng! Một số sẽ làm tuyên uý hoặc đứng đầu giáo phận hay văn phòng quốc gia? Đúng! Một số sẽ làm việc trong chủng viện? Đúng! Nhưng họ không nên trông chờ điều đó! Và, nếu sau cùng họ được làm những công việc ấy, đó là vì họ từng là các linh mục giáo xứ thật tốt lành và rất muốn ở lại đó!
Một số linh mục, giám đốc ơn gọi, và ngay cả các giám mục cũng nói rằng, “Tôi do dự gửi các linh mục đi Rôma để học hỏi bởi vì sau khi học xong họ nghĩ rằng họ quá giỏi nên không thích hợp với công việc giáo xứ. Họ trở về với hy vọng rằng, sau một vài năm vùng vẫy ở giáo xứ, họ sẽ được gửi đi học nữa để lấy bằng cấp, và sau đó có được công việc ở văn phòng hay những bài sai đầy sự nghiệp.” Bây giờ, tôi có thể nói với họ là quan điểm ấy hoàn toàn trái ngược với những gì trường North American chủ trương, và tất cả những người ở đây không muốn gì khác hơn là trung thành với linh mục giáo xứ, tham vọng cao nhất của họ là cha xứ.
Tôi dùng chữ “sôi nổi” để diễn tả thái độ bạn phải có đối với chức linh mục giáo xứ, bởi vì, khác xa với một tác vụ gò bó, đó là tác vụ đầy thách đố và bao quát nhất trong Giáo Hội. Một linh mục giáo xứ tốt lành là cha xứ, cha giải tội, tuyên úy bệnh viện, cán sự xã hội, giám đốc hành chánh, thầy giáo, người giảng thuyết, chuyên gia tài chánh, tâm lý gia, nhà hoạt động trong khu xóm, chuyên gia y tế, điều hợp viên, giám đốc phát triển, nhà giáo luật, cố vấn pháp luật, ca trưởng, cố vấn hôn nhân và gia đình, hỗ trợ cho người vô gia cư, thừa tác viên bí tích, v.v.! Đó là một trong những lối sống sôi nổi nhất có thể có.
Tôi vừa mới đọc một bài viết của một linh mục giáo xứ, Cha Richard Antall, khi người chấm dứt một bài sai ở giáo xứ. Hãy lắng nghe người nhận xét:
Linh mục giáo xứ bao gồm nhiều đời sống khác nhau trong một con người. Tác vụ của tôi… đưa tôi vào cơn lốc của một thành phố nhỏ với những vấn nạn xã hội tỉ như chích ngừa, chăm sóc y tế cho người nghèo, gia đình đổ vỡ, người nghiện rượu, và bạo động… Tất cả đều có mặt tôi--bệnh viện, nhà xác, nhà tù, tòa án, gia đình u uẩn vì buồn phiền… Linh mục giáo xứ thì ai cũng biết, nhưng thân thiện. Trong đám cưới, việc rửa tội, xưng tội, đời sống của một linh mục giáo xứ đưa họ dính dáng... đến quá nhiều người. Đây là một lý do nữa để linh mục phải sống độc thân--linh mục chúng ta cần có chỗ trong tâm hồn cho mọi người.
Bạn thấy đó, mỗi một giáo xứ là tiểu thế giới của Giáo Hội hoàn vũ, nó trưng ra mọi nỗi vui, mọi thách đố, và muộn phiền của cuộc đời.
Và càng ngày càng nhiều giám mục nói rằng giáo sĩ trong giáo phận trước hết và trên hết phải là linh mục giáo xứ. Những ngày mà linh mục giáo xứ được tự do để dậy học toàn thời gian, hay đi học, có lẽ ban quản trị giáo phận sắp sửa phải dẹp tiệm. Một giám mục thì phải biết rằng quan trọng hàng đầu là các cha xứ, và người không thể đưa họ ra khỏi một công việc tông đồ quan trọng và cao quý như vậy. Qua tất cả những điều này tôi muốn nói lại rằng: phải sẵn sàng, phải chuẩn bị và hăng hái dành trọn cuộc đời để là một linh mục giáo xứ.
Do đó chúng ta cần duyệt xét lương tâm: về phần bạn, bạn có những khao khát thầm kín muốn được để ý đặc biệt, bài sai đặc biệt, hay bất cứ tác vụ nào bên ngoài giáo xứ không? Nếu có, bạn tự đưa mình đến thất vọng. Bạn có nghĩ là sở học của bạn “quá giỏi” hơn linh mục giáo xứ không? Cám ơn Chúa, tôi hy vọng là không! Có bất cứ tham vọng nào về cấp bậc giáo sĩ hay ưa thích địa vị khiến bạn bất an, bồn chồn khi phục vụ ở giáo xứ không? Tốt hơn bạn phải đối phó với vấn đề đó ngay tự bây giờ.
Về phần trường North American chúng tôi phải duyệt xét lương tâm để đảm bảo rằng chúng tôi đang chuẩn bị chủng sinh để trở thành linh mục giáo xứ giỏi. Đó là lý do tại sao các chương trình về cách giảng thuyết, cố vấn mục vụ, và chủ sự các bí tích lại quá quan trọng. Đó là lý do tại sao chúng tôi nhấn mạnh rằng các mùa hè năm thứ hai và thứ ba phải sinh hoạt trong giáo xứ. Đó là lý do chúng tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm cho một sinh hoạt tông đồ. Đó là lý do tại sao cha linh hướng và người cố vấn của bạn sẽ vạch ra hạnh kiểm nào của bạn sẽ làm giảm bớt sự hữu hiệu trong một giáo xứ. Đó là lý do tại sao trong buổi họp thẩm định kết quả hàng năm, ban giám đốc chúng tôi thường có câu hỏi như: nếu bạn là cha sở, bạn có muốn người này làm phụ tá không? Nếu tôi gặp một giáo dân trong xứ năm năm sau, liệu họ có bắt tay tôi và cảm ơn tôi vì đã giúp chuẩn bị cho chủng sinh ấy, hay họ sẽ đập vào mặt tôi và nói 'Tại sao cha vẫn để hắn trong chủng viện?' Hoặc, nếu em gái tôi đang hấp hối trong bệnh viện, tôi có muốn hắn chăm sóc cô ấy như một linh mục giáo xứ không? Bởi vì, một lần nữa, mọi thứ chúng tôi thi hành ở đây có mục đích là đào tạo các linh mục tốt lành, hữu hiệu trong giáo xứ.
Hãy để tôi đưa những nhận xét vô cùng thực tế về đời sống và những đòi hỏi của linh mục giáo xứ.
Trước hết, nhiệm vụ của một linh mục giáo xứ thì trước hết và trên hết có tính cách bí tích. Tôi muốn nói rằng công việc chính của họ là trao ban bí tích với đức tin, sự kính trọng, và thành khẩn.
Trên các trụ chung quanh bàn thờ chính của nhà nguyện trường North American, bạn thấy những ghi chú đi kèm theo các cảnh linh mục cử hành bí tích. Các người thiết kế nhà nguyện này muốn chúng ta nhìn đến hình ảnh của các linh mục đó cử hành bí tích hằng ngày để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta ở đây là để chuẩn bị thi hành chỉ có như vậy trong suốt cuộc đời chúng ta.
Thánh Giáo Hoàng Lêo Cả viết, “Tất cả những thực tại hữu hình của Chúa chúng ta đã được trao lại trong các bí tích.” Bạn có tin như thế không? Một linh mục giáo xứ phải vô cùng tin tưởng vào sức mạnh của bí tích, và tin rằng không có gì khác hơn để họ có thể giúp đỡ giáo dân cho bằng trao ban bí tích.
Hãy ghi nhớ điều đó, vì ngày nay đôi khi bạn nghe lời cảnh giác rằng các linh mục giáo xứ bị “giáng cấp” chỉ còn là thừa tác viên bí tích. Thật ngộ nghĩnh… Tôi luôn nghĩ niềm vui của ơn gọi chúng ta là được “nâng lên” làm thừa tác viên bí tích! Cho là như vậy, cũng có lý do chính đáng để phải thận trọng, đừng để linh mục giáo xứ trở nên máy móc, cứng ngắc, chỉ là một công chức trong việc cử hành bí tích. Nhưng, nếu chúng ta tin vào sức mạnh vô song của bí tích, nếu chúng ta tin rằng không còn gì tốt hơn để giúp đỡ giáo dân cho bằng đem bí tích cho họ, thì điều đó sẽ không xảy ra. Khi trao ban bí tích, chúng ta là cha xứ hơn lúc nào hết.
Có lần tôi nghỉ đêm trong một giáo xứ mà cha sở khoe rằng người chia sẻ rất nhiều tác vụ của người cho giáo dân, một ý kiến hay, cho đến khi người cho biết chi tiết, nào là:
Có phải chỉ một mình tôi thấy sự cay đắng ở đây không? Thừa tác vụ giáo dân, một ơn lành đích thực của Giáo Hội ngày nay, được nhắm đến để thi hành điều trái ngược: giải thoát cha sở khỏi các việc bí tích! Phải, các giáo dân được huấn luyện thích hợp và được phép thì có thể và phải giúp đỡ cha xứ, nhưng không bao giờ được thay thế người. Tại sao? Vì nhiệm vụ chính của chúng ta là công việc bí tích!
Hãy lắng nghe những lời thẳng thừng từ một thần học gia đáng nể của dòng Tên, Jean Cardinal Danielou:
Bỗng dưng, các cha sở đáng thương không còn biết phải làm gì! Họ đã trở nên linh mục để phân phát bí tích, và họ rất đúng! Quả thật chính vì lý do này mà chúng ta trở nên linh mục… Nhưng giờ đây họ được bảo rằng chính “lời” mới là điều quan trọng còn các bí tích chỉ là thứ yếu. Họ được rỉ tai rằng các bí tích chỉ là nghi thức, vết tích của Cựu Ước và của ngoại giáo, nồng nặc dị đoan. Và vì vậy, họ cố trở nên càng hữu ích càng tốt, khi trị bệnh, xây dựng nhà cửa, giảng dậy xã hội học, và, dĩ nhiên, không ngừng thốt ra những lời.
Nhưng, làm thế nào điều này có thể thay đổi thế giới được? Nó thay đổi đời sống như thế nào? Chúa Giêsu Kitô không đến để diễn thuyết. Người đến để thay đổi đời sống. Người thay đổi nó bằng cái chết và sự phục sinh… Chính nhờ các bí tích mà sự sống của Người được trao truyền. Và chính nhờ các linh mục mà bí tích được trao đi.
Ở đại chủng viện, chúng tôi chuẩn bị những người cho một đời sống mà sự phục vụ quan trọng nhất họ thi hành cho dân chúng là hằng ngày--nhất là ngày Chúa Nhật--cử hành bí tích Thánh Thể cho dân chúng, ngay cả đôi khi hai hay ba lần trong một ngày; nơi sự phục vụ hữu hiệu nhất bạn có thể thi hành cho người bệnh là xức dầu cho họ; nơi bạn không làm gì tốt hơn cho một gia đình là rửa tội con cái họ; nơi bạn có thể thi hành cho một linh hồn nặng nề điều không ai khác có thể, đó là tha tội cho họ trong bí tích cáo giải; nơi bạn có thể giúp đỡ cho người hấp hối không gì tốt hơn là của ăn đàng. Đừng mong mỏi làm linh mục nếu bạn không tin điều này!
Các bạn chủng sinh ngay từ bây giờ phải canh tân đức tin hàng ngày trong sức mạnh của các bí tích, bởi hàng ngày hân hoan trong sự sống của Thiên Chúa mà bạn được ban cho khi rửa tội, bởi thường xuyên bòn rút ơn sủng của Chúa Thánh Thần được ban cho bạn trong bí tích thêm sức, bởi hàng ngày thưởng thức hương vị của Thánh Thể, bởi thường xuyên chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa trong bí tích hòa giải, và bởi khao khát được “đồng hình dạng” với Chúa Kitô trong chức thánh. Chúng ta phải tín thác mầu nhiệm vào các bí tích mà Newman đã diễn tả khi viết:
Bất kể sự tăm tối, chúng ta tiếp cận và với đôi tay hoặc cái đầu hoặc cái trán hoặc môi miệng chúng ta trở nên, như thể, nhậy cảm tiếp xúc với điều gì đó vượt trên trần tục. Chúng ta không biết chúng ta ở đâu, nhưng chúng ta được tắm rửa trong nước, và một tiếng nói với chúng ta đó là máu. Hoặc chúng ta được ghi dấu trên trán, và điều đó nói về Canvê. Hoặc chúng ta nhớ lại một bàn tay đặt lên đầu chúng ta, và chắc chắn bàn tay ấy có dấu đinh ở trong đó, và dường như Người chạm đến đó đã cho kẻ mù sáng mắt và kẻ chết sống lại. Hoặc chúng ta ăn uống, và, chắc chắn đó không phải là giấc mơ, mà Người nuôi chúng ta ăn từ vết thương cạnh sườn của Người, và canh tân bản chất của chúng ta bởi thực phẩm thần linh Người ban cho …
Đó là đời sống bí tích chúng ta được ủy thác để truyền đạt khi là linh mục giáo xứ.
Một linh mục giáo xứ phải yêu quý các linh hồn. “Habeo curam animarum,” là lời thật xưa rất đúng để “diễn tả công việc” của cha sở… Thánh Don Bosco đã khẩn khoản, “Tôi có việc chăm sóc các linh hồn.” “Chỉ cần trao cho tôi các linh hồn—còn giữ lại mọi sự!”
Đưa dẫn linh hồn các tín hữu lên thiên đàng… vai trò của một cha xứ. Có vẻ lãng mạn? Tôi nghĩ như vậy. Lỗi thời? Tôi hy vọng là không!
Một linh mục giáo xứ phải có sự yêu quý các linh hồn. Người không để ý đến thân xác, dáng vẻ, y phục, cơ chế tự vệ, địa vị xã hội, diện mạo bên ngoài—và chú ý đến linh hồn. Người phát triển giác quan thứ sáu để cho phép người khám phá ra những linh hồn đang u buồn tinh thần. Và người đặc biệt tìm kiếm và dành thời giờ cho những người mà linh hồn họ u tối vì hồ nghi hay vì ngu dốt, và những người khao khát ánh sáng của Chúa Kitô, và giáo huấn của Giáo Hội; những người nghèo hèn mà linh hồn họ đặc biệt được yêu mến bởi người “không có chỗ gối đầu”; các trẻ em, mà linh hồn chúng thật mong manh và hăng hái muốn được uốn nắn; những người bệnh tật mà linh hồn họ nặng nề với sự đau đớn và nhức nhối với câu hỏi, “Tại sao?”; những người mà linh hồn họ bị thương tích bởi tội lỗi hay bởi trôi dạt khỏi đức tin; các linh hồn trống rỗng và hoang tàn, đầy ứ sự dâm dục và sự xa hoa của thời đại chúng ta; các linh hồn của những người già nua và bị quên lãng, mà họ như sống lại khi có ai thích thú muốn dừng chân trò chuyện. Đây là những người mà linh mục phải ưa thích.
“Y sĩ của Linh Hồn,” là điều Victor Frankel gọi các linh mục. Cha bề trên nghiêm khắc hỏi Solanus Casey, “Người không thấy người phụ nữ trâng tráo đó, y phục lố lăng, đầy phấn sáp đến với người xin giúp đỡ sao?” “Không, thưa Cha con không thấy. Con chỉ thấy một linh hồn cần sự giúp đỡ.”
Ông thợ hớt tóc có lần nói với tôi, “Thưa Đức Ông, con và người thật may mắn. Chúng ta luôn luôn có việc làm, vì người ta luôn luôn có tóc và luôn luôn có linh hồn.”
Linh mục giáo xứ là một người thợ cần cù. Mặc dù các tin tức thật buồn ngày nay là hạnh kiểm xấu xa về tình dục của giáo sĩ, tôi dám chắc rằng điều gây tiếng xấu nhiều hơn tất cả là chúng ta chẳng làm gì cả! Sự cám dỗ chính yếu của một linh mục giáo xứ thì không phải là tình dục, nghiện ngập, hay tiền bạc, nhưng là sự lười biếng. Một cha xứ nói với tôi, “Chúng ta không thể nào hoàn tất các công việc mà dân chúng mong đợi nơi chúng ta, vậy tại sao lại khởi sự? Chỉ cần bật truyền hình lên và nhâm nhi ly rượu.” Nhiều linh mục theo lời khuyên cổ xưa này: “Tôi biết chăm chỉ thì không làm hại gì ai, nhưng tôi nghĩ, sao lại liều mình làm chi?”
Bởi thế khi là một tân linh mục đến trình diện giáo xứ, chúng ta phải xắn tay áo lên để sẵn sàng làm việc. Bởi thế ngay khi mới đến đừng hỏi cha xứ ngày nào được nghỉ; bởi thế không nên nói với người ngay tự đầu là những tuần nào chúng ta đã dành để đi nghỉ hè; bởi thế sẽ không khôn ngoan để vạch ra cho người biết những gì bạn không muốn làm trong giáo xứ.
Một vài điều đặc biệt ở đây: một linh mục giáo xứ phải là người tự-phát-động. Bạn thấy đó, trong hầu hết các giáo xứ nhiệm vụ căn bản của bạn là dâng lễ hàng ngày, giải tội chiều thứ Bảy, sắp xếp lễ cưới và rửa tội, hai hoặc ba đoàn thể mà bạn phải trông coi, và nhiều lần đem Mình Thánh cho bệnh nhân. Ngoài những việc đó, bạn phải tự đề ra những công việc cho chính mình. Và có cả hàng ngàn công việc phải làm! Với một linh mục hăng say, đầy sáng tạo thì không bao giờ hết việc!
Tôi giật mình khi nghe một cha phó nói, “Cha sở của con không cho con làm gì cả!” Đôi khi tôi nghe các cha xứ nói về cha phó, “Người thi hành những việc tối thiểu mà tôi yêu cầu, nhưng, chỉ có vậy. Nếu không có việc gì được giao cho, người đi chơi hoặc ở lì trong phòng.” Một linh mục giáo xứ thì không bao giờ hài lòng với đòi hỏi tối thiểu: họ là người tự-phát-động, người nhìn thấy nhu cầu phải thi hành và tự tay làm việc đó.
Một linh mục giáo xứ là “người làm đủ mọi việc.” Làm thế nào mà một linh mục có thể đến với giáo xứ và nói rằng, “Tôi không muốn đi thăm nhà dưỡng lão!” hoặc, “Tôi không muốn gần những bệnh nhân,” hoặc, “Tụi trẻ khiến tôi điên lên được—tôi không muốn làm gì cho chúng cả”. Linh mục giáo xứ thì bao gồm tất cả: không có gì là xa lạ với chúng ta. Chúng ta dành hàng giờ chờ đợi trong tòa giải tội—và hàng giờ chờ đợi cho cuộc họp chấm dứt. Chúng ta thu dọn những rác rưởi trong tranh chấp gia đình—và lau chùi nước tiểu tràn ngập trong các phòng vệ sinh. Chúng ta đem Mình Thánh—và thực phẩm cho người tật nguyền ốm yếu. Chúng ta kết thúc đời sống ở nhà quàn—và đóng cửa giáo xứ sau cuộc họp. Không có gì trên chúng ta, và cũng không có gì dưới chúng ta, vì chúng ta là người làm đủ mọi việc.
Một linh mục giáo xứ thì sẵn sàng bị quấy rầy. Một cha giảng phòng nói với tôi là đeo cổ trắng linh mục thì giống như đeo tấm bảng “cứ quấy rầy tôi.” Một linh mục mang cổ trắng đứng xếp hàng ở phi trường thì có một người trong y phục thể thao đi đến và tự giới thiệu mình cũng là linh mục. “Tôi không bao giờ đeo cổ trắng khi đi du lịch vì người ta không ngớt quấy rầy tôi, lúc nào người ta cũng muốn đến nói chuyện.”
“Tôi biết chứ,” vị kia trả lời; “đó là lý do tôi đeo cổ trắng này.”
Ngày nghỉ, đi hè, thời giờ để lo cho các nhu cầu tinh thần và vật chất chính đáng thì quá quan trọng cho một linh mục giáo xứ chính là vì, khi ở giáo xứ, bạn luôn luôn “làm việc,” luôn luôn bị quấy rầy. Các tân linh mục thường nhận xét về sự khó khăn khi chuyển tiếp từ đời sống chủng viện sang đời sống giáo xứ. Cả hai đều đòi hỏi, chủng viện thì biết trước và có thứ tự, trong khi đời sống giáo xứ thì tự ý và bất chợt.
Ở giáo xứ bạn có thể nhìn vào thời khóa biểu và nói: “Ồ, hôm nay không có hẹn và họp hành gì cả; mình có thể soạn bài giảng,” và rồi một cú điện thoại hay ai đó xuất hiện ở cửa làm thay đổi tất cả. Nhưng chúng ta đừng bao giờ coi dân chúng như một sự xâm phạm, vì một linh mục giáo xứ thì sẵn sàng bị quấy rầy.
Một linh mục giáo xứ phải biết đến sức mạnh của sự hiện diện. Bởi vì chúng tôi ở đây để đào tạo các linh mục giáo xứ tốt lành, tôi luôn luôn lắng nghe những điều giáo dân nói--tốt cũng như xấu--về các linh mục. Có thể tôi sai, nhưng điều chỉ trích nhiều nhất là: “Chúng tôi không thấy người nhiều… người không ở quanh đây.”
Dân chúng muốn thấy linh mục; họ muốn trò chuyện với người, bắt tay người, làm quen với người. Họ mong đợi người ở đó với họ trong những lúc quan trọng tỉ như sinh nhật, đám cưới, đau ốm, khó khăn, và hấp hối. Họ mong đợi người ngay cả khi ít quan trọng tỉ như các cuộc họp, trận đấu banh, chơi lô-tô, đi picnic, và sinh hoạt xã hội. Họ không bao giờ quên nếu bạn đến thăm nhà họ, đó là một thói quen mục vụ rất giá trị mà ngày nay đang bị quên lãng.
Do đó, một linh mục giáo xứ tốt lành là người ở đó, ngày này sang ngày khác, là người đồng ý với nhận xét của Woody Allen rằng, “chỉ cần hiện diện là đã thành công một nửa.”
Ấn tượng tốt đẹp của sự hiện diện của linh mục… Không, bạn không phải vồn vã mồm mép bề ngoài, nhưng bạn phải thân thiện, có thể làm quen, hiện diện. Linh mục giáo xứ không cần phải xa lánh xã hội, không còn linh mục tránh xa giáo dân, hay trốn trong phòng, hay trong phòng thánh, hay trở nên nghiện ngập truyền hình hay máy điện toán. Một cha sở nói với tôi, “Chúng tôi cần linh mục ở đường phố, ở sân chơi, ở các mái nhà, chung quanh giáo xứ, vì dân chúng ngày nay muốn nhìn thấy các linh mục.”
Một linh mục giáo xứ phải mạnh nội tâm và tự tin, bởi vì, trong khi tác vụ của người đem đến niềm vui và sự quả quyết, hoạt động của người như một cột thu lôi, thu hút nhiều chỉ trích trong một Giáo Hội phân hóa.
Một cha sở nổi tiếng, cựu chủng sinh trường North American, nói với tôi, “Chúng ta có quá nhiều linh mục yếu ớt, họ bị tan nát khi có người chỉ trích họ hay tranh luận, họ hờn dỗi khi cha sở khiển trách, họ lầu bầu khi không có ai cám ơn họ. Chúng ta cần những người dầy dạn, mạnh mẽ nội tâm, tin tưởng vào công việc họ làm, và sẵn sàng chịu thiêu đốt.”
Cha ấy có lý. Bạn thấy không, các linh mục giáo xứ là những người ở tuyến đầu trận chiến. Những ai thuộc phe tả sẽ không thích bạn vì bạn đại diện cho Giáo Hội có tổ chức, có giáo phụ, bị áp bức; những ai thuộc phe hữu không thể chịu nổi bạn vì họ tin rằng linh mục giáo xứ phải đầu hàng những người theo chủ nghĩa tân thời.
Một linh mục nói với tôi là vào Chúa Nhật đầu tiên sau khi các em gái được phép giúp lễ, một bà đến dồn người vào chân tường vì, theo lời bà, “cho phép sự ghê tởm như thế,” trong khi một bà khác lại tuyên bố rằng sự nhường bước tầm thường như thế là sỉ nhục bà và bà sẽ không bao giờ hài lòng cho đến khi phụ nữ được cử hành Thánh Lễ, chứ không chỉ giúp lễ. Cha ấy chịu đựng cả hai phía! Chắc chắn bạn phải có giá trị nội tâm, tự tin, và sức mạnh trong chức linh mục để giữ được bình an và không nao núng khi ở tuyến đầu.
Như tôi đã nói trước đây, linh mục giáo xứ nhận được nhiều xác quyết từ giáo dân, nhưng đừng trông đợi điều đó, đừng bị say mê điều đó, đừng giới hạn hiệu quả của chức linh mục trong đó. Và, để tôi đưa ra một điều tế nhị: đừng luôn luôn trông đợi anh em linh mục khác trở nên gương mẫu tốt nhất của mình. Tình huynh đệ linh mục và sự hỗ trợ là một phúc lành thực sự cho chúng ta, nhưng, nói cho cùng, nếu sự xác quyết căn bản của chúng ta không xuất phát từ Vị Thượng Tế Đời Đời, chúng ta tự đưa mình đến thất bại. Một trong những dằn vặt tôi nghe được nhiều từ cựu chủng sinh trường là phải đối phó với anh em linh mục, ngay cả với cha xứ, là những người không muốn chia sẻ nhiệt huyết, lý tưởng cao cả và hướng đi của mình.
Một linh mục tôi biết rõ, đầu tiên được bài sai về một giáo xứ có một cha xứ, một linh mục cùng lớp, và thêm hai linh mục ở đó làm việc cho giáo phận. Linh mục này rất hứng thú với bài sai vì người mường tượng ra tình bạn thân thiết giữa các linh mục .
Sau một vài tuần lễ linh mục này thấy một vị ngã ngay ở cầu thang bất tỉnh vì say rượu; người cũng thường nghe tiếng động mạnh trong phòng một vị khác và sau khi tìm hiểu mới biết rằng cha này thường rủ các học sinh lớp bẩy và lớp tám về phòng chơi đấu vật, và sau đó tất cả tắm chung trong phòng tắm của người; vị khác là một người tốt lành nhưng lúc nào cũng xem truyền hình và chỉ trò chuyện với người trong thời gian quảng cáo thương mại.
Cám ơn Chúa vì linh mục này có một cha xứ khôn ngoan đã nói với người, “Đừng cảm thấy tội nghiệp cho mình. Chức linh mục của con không lệ thuộc bất cứ ai ngoài Chúa Kitô. Con có thể làm ba điều: thứ nhất, chịu chỉ trích, buồn chán và cay đắng về hoàn cảnh của mình, mà đó là điều sai lầm; thứ hai, nghĩ rằng con cũng không còn muốn trở thành linh mục tốt lành, tự hạ thấp phẩm giá của mình để đồng hóa với người chung quanh; hoặc, thứ ba, yêu mến những người con sống chung, giúp đỡ họ càng nhiều nếu có thể, và đừng để chức linh mục lệ thuộc vào gương mẫu hay sự hỗ trợ của bất cứ ai khác ngoài Chúa Giêsu.”
Một số người trong các bạn sẽ mau chóng thấy mình cô đơn, xa cách với anh em linh mục. Cần phải nuôi dưỡng tình bạn linh mục vững chắc và dành thời gian cho tình huynh đệ linh mục. Mới đây tôi nhận được lá thư của một trong các cựu chủng sinh trường. Cha Antonio Dittmer, cho biết người rất vui khi là một linh mục giáo xứ, nhưng có nhận xét, “Sự thay đổi lớn lao là từ một môi trường có đến một trăm năm mươi người hỗ trợ sang một nơi chỉ có một linh mục bẩy mươi tuổi, một nhóm các bà trên năm mươi, và rất ít người cùng tuổi với con.” Một trong những điều quan trọng nhất là nuôi dưỡng đời sống nội tâm, giữ sức khoẻ, thánh thiện, lành mạnh, và tin tưởng vào căn tính cũng như ơn gọi của bạn.
Tôi lập lại, một linh mục giáo xứ phải vững mạnh nội tâm và tự tin, bởi vì, trong khi sứ vụ của người đem lại niềm vui và xác quyết, nó cũng đem lại những chỉ trích, tẩy chay, và nhiều khi không có sự hỗ trợ và gương mẫu của các linh mục khác.
Được rồi, đó là một số căn bản của linh mục giáo xứ. Hãy sang khía cạnh dịu ngọt của nó.
Bạn có nghĩ rằng tôi vừa trình bày một hình ảnh quá trắng trợn, thực tiễn, chín chắn về linh mục giáo xứ không? Tốt! Nếu vậy những lời của tôi sẽ mang lại thành công. Trong sự công bằng chúng tôi phải đảm bảo là các chủng sinh biết họ đang đi về đâu; đó là một đời sống khó khăn, nhiều đòi hỏi, khắc nghiệt, nhiều khi nhạt nhẽo, không được người ta đền đáp. Hãy biết rõ như vậy! Đừng ngạc nhiên khi cô đơn, chán nản, mệt mỏi, nghi ngờ, lời bình phẩm, điều tiếng xấu, và thiếu biết ơn sẽ xảy đến.
Nhưng, anh em thân mến, linh mục giáo xứ cũng là thừa tác vụ phấn khởi, thỏa mãn và có ý nghĩa nhất, bởi vì nó cho phép bạn đem Thiên Chúa đến với người dân và người dân đến với Thiên Chúa. Bất kể những cảnh giác tôi vừa mới đề cập trong chương này, không có công việc nào trong đời có thể đưa đến nhiều tốt lành, nhiều ơn sủng, nhiều linh hồn được cứu độ hơn là linh mục giáo xứ. Tất cả các bạn đều biết như vậy. Đọc lại tự truyện của các tân chủng sinh khi tôi chuẩn bị gặp gỡ họ vào những tuần lễ sắp tới, tôi lại xúc động vì một linh mục giáo xứ vui vẻ, tự tin có rất nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến ơn gọi của chính bạn.
Không lâu trước đây, tôi có một người khách từ giáo xứ nơi tôi làm việc đầu tiên. Tôi không thể nhớ được bà là ai. Bà tiếp tục cho tôi xem tấm hình đứa cháu ngoại hai tuổi của bà, và cho biết tên của nó là “Timothy Michael,” đặt theo tên của tôi, bởi vì con gái bà, mẹ của đứa nhỏ, rất cảm kích nhớ đến tôi trong thời gian cô ta gặp khó khăn khi ở lớp bẩy. Tôi không thể nào nhớ cô ta là ai! Tôi cũng không nhớ mình đã giúp gì! Đó là sức mạnh của linh mục giáo xứ.
Chúng ta là những người phân phát ơn Chúa; người khác nhìn đến chúng ta như người của Chúa, để nhắc nhở họ về Thiên Chúa. Như Đức Thánh Cha viết trong Pastores Dabo Vobis, “Linh mục phải là một người của Chúa, một người mà chính mình thuộc về Chúa và làm cho dân chúng nghĩ đến Chúa. Dân chúng trông đợi họ tìm thấy nơi các linh mục… một người sẽ giúp họ quay về với Thiên Chúa… và vì vậy, linh mục phải có sự tương giao mật thiết với Chúa Giêsu.”
Nemo dat quod non habet… đó là lý do tại sao tổ chức thiêng liêng của chủng viện là để phát triển một đời sống nội tâm phong phú được bảo vệ bởi các thói quen thánh thiện, để nuôi dưỡng một cảm nhận mạnh mẽ về sự tự tin, về ơn gọi, và căn tính linh mục nhằm giúp bạn vượt qua những thời gian khắc nghiệt, và để có được sự hiểu biết thần học sâu đậm và các khả năng mục vụ hữu hiệu mà nhờ đó bạn có thể đem đời sống của Thiên Chúa cho người dân và người dân đến với sự sống của Thiên Chúa.
Hãy để một trong những “người dân của chúng ta”, một phụ nữ bình thường, kết luận. Đây là bài thơ bà viết cho cha xứ vào ngày Hiền Phụ, được đăng trong tờ “The Priest”:
Này Cha ơi, người là ai, con người Bí Ẩn?
Bởi sự ngạo mạn nào người tiến trên đường nên Thánh—
hiến dâng nam tính của mình để bầu bạn với Người Phối Ngẫu Linh Thiêng
và thề hứa với quyết tâm từ bỏ
để kết hôn với Giáo Hội Mẹ Rất Thánh
và trong sự lang chạ thần thánh, cùng Giáo Hội gieo hạt mầm sự Sống?
…
Làm thế nào dù không con cái nhưng người lại là Cha chúng tôi?
Đó có phải hàng ngày người sinh con của Chúa?
Đó có phải, người nói Lời của Cha bằng tiếng loài người?
Đó có phải người mời gọi chúng tôi đến bữa ăn
và quy tụ chúng tôi tại bàn tiệc của Bánh và Rượu?
Hay vì người cử hành các nghi thức đời sống,
khuyên bảo, sửa dậy, thanh tẩy chúng tôi với nước và lửa?
Đó có phải vì người nâng chúng tôi lên trong sự cầu nguyện,
trong đôi tay người ẵm bế và chúc lành mà chỉ người Cha mới có thể?
Hay vì người nghe chúng tôi gọi trong đêm tối
và đến cầm tay chúng tôi rồi thắp lên một nến sáng--
Hoặc, trong vai trò cha mẹ của linh mục,
người đến xức dầu, chỉ cho con đường vượt qua sự chết đến sự sống?
Này Cha ơi, người là ai, con người Bí Ẩn?
Người tự kết hôn với Giáo Hội Mẹ Rất Thánh và, ở bất cứ đâu,
cùng với Giáo Hội, trong sự lang chạ thần thánh, người gieo hạt mầm sự Sống.
Người sinh con và lên tiếng và nuôi ăn, người uốn nắn và canh tân
và chữa lành và chúc lành như một người Cha có thể làm.
Và vì vậy, vào ngày Hiền Phụ, chúng tôi, những người con vô danh,
biết ơn và cầu nguyện,
”Xin Người Phối Ngẫu Linh Thiêng và sự sống và Thiên Chúa chúc lành cho người.”